Đại Nhân, Có Người Đang Gian Lận

Chương 10: Hồng Hạnh

Những người lúc trước còn khen Tô Hồng Hạnh là một kỹ nữ nhưng đầy nghĩa khí, bây giờ đồng loạt đổi giọng quay sang mắng nàng ta không biết liêm sỉ, hoàn toàn không để ý phần lớn trong số họ, chẳng ai từng đi qua miếu Quan Âm, căn bản không ai nghe được Tô Hồng Hạnh thực sự đã nói gì với Trương phu nhân.

Nhưng điều này vẫn không gây trở ngại cho việc mọi người cùng nhau chửi bới Tô Hồng Hạnh, ai bảo nàng ta đã phản bội niềm tin của bọn họ.

Ngược lại, hình tượng của Kiều Mộc Đình lại bất ngờ được nâng cao, ngay cả việc thi cử không đỗ cũng được người ta tìm ra lý do.

Nhất định là do thượng cấp quá đen tối, có người động tay động chân!

Nếu không phải như vậy, tại sao một người tình sâu nghĩa nặng, đến chết vẫn gọi tên thê tử lại không đỗ Trạng Nguyên cơ chứ?

Tất cả đều nói chắc như đinh đóng cột, mặc dù trong đó không có mối liên hệ luận lý* nào cả.

* Luận lý: Nghị-luận theo một phương-pháp dựa vào lý-lẽ chính-xác. Đây là từ được chuyển ngữ từ từ tiếng Anh “logic”, từ “logic” có thể dịch ra tiếng Việt là “luận lý” (cách dịch này xuất hiện từ trước năm 1975 nhưng người Việt hay quen dùng tiếng Anh nhiều nên ít ai biết là từ logic có thể dịch ra tiếng Việt)

Trong một đêm đó, các tỷ muội Túy Hồng Lâu trước đây đã trở thành tiêu điểm chú ý của toàn thành, bởi vì trong chuyện của Kiều Mộc Đình và Tô Hồng Hạnh, những người chứng kiến toàn bộ quá trình của họ rất có quyền lên tiếng.

Nghe nói, ngay từ lúc ban đầu, Tô Hồng Hạnh cảm thấy Kiều Mộc Đình thật phiền.

Hắn là người chất phác lại ăn nói vụng về, mỗi khi thấy nàng đều nói không nên lời.

Trong chốn phong nguyệt cái gì cũng từng thấy, lại luôn được chúng tinh phủng nguyệt*, sao Tô Hồng Hạnh có thể để mắt đến một khúc gỗ.

* Chúng tinh phủng nguyệt: chữ trong Luận ngữ; phủng có nghĩa là bưng, nâng, bế, ôm; Trăng được các vì sao vây quanh, giống như một đám người vây quanh, che chở, ủng hộ một ai đó mà họ yêu thích.

Nhưng chẳng thể làm gì khác, Kiều Mộc Đình là khách quý của lão bản Túy Hồng Lâu, Diệp Hy.

Khi đó chẳng ai có thể hiểu nổi, sao Diệp Hy lại kết giao bằng hữu với một người như Kiều Mộc Đình.

Phải nói sao nhỉ, diện mạo Kiều Mộc Đình khá đoan chính, bình thường đến mức tầm thường, thuộc kiểu người Giáp đi trên phố cũng không ai để ý.

Còn Diệp Hy thì khác, các tỷ muội ở Túy Hồng Lâu đều nói, người như Diệp Hy không ai không thích.

Trời sinh Diệp Hy có một gương mặt phong lưu tuấn lãng*, sáng trong như mỹ ngọc, đôi mắt tựa như những vì sao vô tình hạ xuống nhân gian, ánh mắt luôn mang ý cười, y đối đãi với người khác vô cùng dịu dàng và chu đáo.

* Tuấn lãng: khôi ngô tuấn tú và sáng sủa