Tiết lập Thu, niên đáo Giáp Thìn. Vốn người ta nhập định vi tiên đã nghe trời đất có nhiều giao động. Nhị khí phân li. Khí nhẹ xưa giờ vẫn bay lên nghiêng về phía Tây, còn khí nặng muôn đời vẫn chìm xuống phía Đông trong võ trụ. Thế mà nay: Ngày và đêm lại vô định. Thiên tai càng lúc càng nổi dậy hoành hành. Vì chuyện khai phá mà bệnh dịch cứ gia tăng liên miên. Lí sự đã loạn nay lại càng loạn hơn, người ta phận nhỏ mọn nên chẳng biết điểm dừng của nó mà hi vọng trông đợi.
Xưa kia các phụ lão cao niên truyền miệng lại, tại hạ vốn có từng nghe đôi lời sấm giảng kinh hoàng của Trạng cao nhân có chép:
Bao giờ đá nổi lông chìm,
Đồng khô hồ cạn con tìm thấy cha.
Mười phần chết bảy còn ba,
Chết hai còn một mới ra thái bình.
Âu hẳn những lời nói đó cũng là chuyện nửa thật nửa giả, tại hạ muốn dành cho người đời sau đàm luận. Vì hẳn người ta vẫn tin vào một cuộc thanh lọc của càn khôn ngự xuống để phạt người.
Trước có Phật thuyết:
- Này các tỳ-kheo! Khi nào thọ mạng của con người lên đến tám muôn bốn ngàn năm thì cứ sau mỗi một trăm năm liền giảm đi một tuổi.
Một vị tỳ-kheo thưa:
- Thưa Thế Tôn! Vậy giảm đến khi nào thì tuổi thọ sẽ lại tăng?
Đức Phật đáp:
- Khi nào thọ mạng còn mười năm thì sẽ lại tăng!
Trái Đất này vốn đã kinh qua hai mươi tiểu kiếp mỗi kì trong cho công cuộc sinh sinh diệt diệt. Hay như Kinh Chân Lí có nói: “Từ khi một quả địa cầu nổ xẹp, tắt lửa rồi, thì chỉ còn là một lớp dày lợn cợn, một dề, một vầng hơi, có chất nhão, có lẫn đất, nước và hơi nóng”.
Thế cội nguồn của Trái Đất là ở nơi đâu? Rõ là hư vô có khác chi chi một cái thể lờ mờ và siêu vi vắng lặng:
Cái gì vốn gọi là không?
Cái gì là có mà lòng phân vân?
Không này sẵn có vạn năm,
Có này không có một phần an tâm!
Đây không khác gì một chân lí nổi tiếng của nhà Phật mà ta đã có dịp nghe qua, đó là:
Sắc bất dị không,
Không bất dị sắc.
Sắc tức thị không,
Không tức thị sắc.
Lẽ có không sao lường được mà phân rõ. Vì phàm phu như ngã có phải là Như Lai nhập vào cái rỗng của võ trụ đâu. Hoặc như người người lớp lớp trong chốn thiên hạ, lẽ thường tình vẫn hay đồn đại về chuyện các nền văn hóa của con người rồi chấp trước vào cái lẽ có không đó.
Lí sự vô định, nay tại hạ nguyện đem ngòi bút nhỏ nhoi mà mạo muội thuyết kể cho đại chúng nghe về đôi chuyện viễn vong, cho đó là nền tảng giáo huấn để người đời truyền tai nhau, và răn giảng cho nhau nghe một cách nhuyễn nhuần về chữ “ĐẠO”. Bởi tại hạ có nghe:
Tiền văn Phật thuyết ba đời:
Trước là kỉ Chánh một ngời sáng soi.
Sau là kỉ Tượng nơi nơi,
Pháp còn lưu lạc lòng người huống chi!
Nay kì Mạt: Vận suy vi,
Chiến chinh che lấp từ bi nhiệm màu.
Khi văn hóa chẳng trụ lâu,
Vô thường một lẽ là câu để lòng.
Vả lại, trong muôn vạn người, có người nào hiểu được Trái Đất này đã trồi lên xẹp xuống bao nhiêu lần đâu, người ta cứ nhắm mắt làm ngơ mà trôi lăn mãi, nhất là cứ y theo hằng hà muôn ngàn vạn kiếp phù dung như sớm nở tối tàn vậy.
Bấy giờ, khi nhị khí đảo lộn, hơi ấm của sức lửa quyện vào đường đi nước bước của gió mà chia ra thành sáu mùa luân phiên, gió lại tụ tinh trong nhịp chảy của dòng nước và âm thanh dời chuyển của mặt đất mà tượng hình ra một thể khô cằn, im lặng. Trên cái thể u mờ đó, cả đất, nước, lửa, gió giao động hỗn độn với nhau mà tạo ra cái cây lớn duy nhất trên đời có tên là Thiên Địa Mộc.
Trong dãy sông Ngân, một vì sao va chạm với một vì sao khác làm rơi xuống vòm khí quyển một vờn lửa lớn gọi là Mặt Trời. Trời càng lúc càng nóng lên như một trận đại hồng hỏa, làm cho trục xoay của Trái Đất phải quay nhanh. Điều đó đã gây nên một trận đại kinh động đến cõi Trời Đâu Suất.
Đức Phật Di-lặc sử dụng Tha Tâm Thông để nghe ngóng tình hình ở Hạ Giới. Một hồi lâu, Ngài mới không sao chịu đựng nổi mà liên tục tặc lưỡi, khua môi ngán ngẩm.
Di-lặc than:
- Khổ thay cho muôn kiếp vạn vật! Nay cuộc dời đổi đã đến thời hoại không!
Thiền sư Hư Vân xếp già lại, ngồi an thiền ở gần đó. Ngài hướng mắt thánh rọi khắp sáu cõi giữa các hạng trên dưới nằm cả ở càn khôn.
Ngài gật đầu đắc chí và thong dong nói:
- Thưa Đức Di-lặc! Hạ giới kia vẫn chưa hẳn là đã hoại không! Nơi đó vẫn còn một cái cây to lớn, nhưng thân cây lại khô cằn mọc lên từ nhị khí âm dương của thể không, nó vẫn sừng sững mặc cho sức nóng đã lên đến ngưỡng thiêu đốt vạn vật!
Đức Di-lặc hào quang sát-na sinh diệt cả một vùng, sắc vàng ròng chói lọi tỏa khắp cõi Đâu Suất. Ngài hồn nhiên tra chuỗi hạt trên tay, chậm rãi đáp:
- Vậy là đã đến lúc ta cần phải hóa hiện rồi!
Di-lặc hỏi Thiền sư Hư Vân:
Này Đức Thanh Diễn Triệt! Cái cây đó cao bao nhiêu?
Hư Vân trả lời:
- Thưa sư phụ! Đồ đệ chỉ thấy nó cao vυ't, ngọn của Thiên Địa Mộc vươn lên đến khi chạm được vách ngọc ngoài cửa Trời Dạ-ma! Diễn Triệt không chắc là nó có còn cao lớn được nữa hay không.