Gặp Xuân

Chương 0: Mở đầu - Tiết tử

Năm Liễu Liễu 13 tuổi, vào kỳ nghỉ hè, nhân dịp mẹ đi biểu diễn ở nước ngoài, cô được gửi đến bên cha - người đang tu sửa bích họa ở sa mạc Taka[1].

[1] Sa mạc Taka: Sa mạc Taklimakan, nằm trong khu vực thuộc Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và Trung Quốc.

Năm đó, lượng cát cô ăn còn nhiều hơn cả số lần cô uống gió Tây Bắc suốt cuộc đời.

Mặt trời chói chang, nướng cháy mặt đất.

Chỉ mới qua buổi sáng, vùng trung tâm sa mạc đã tựa như một lò lửa. Khắp nơi là cát vàng, nóng bỏng như những mảnh vàng tan chảy, dù cách một lớp đế giày vẫn nóng đến mức khiến chân người đỏ rực.

Liễu Liễu ôm một chồng cơm hộp, chạy nhanh trên đoạn đường dài trăm mét, lao vào hang đá mát mẻ.

Mỗi hang động ở đây đều có đánh số riêng. Liễu Liễu đi từ đầu đến cuối, cuối cùng rẽ vào hang động số 167.

Trong hang có các khung gỗ dựng khắp nơi, mùi sơn và mùi gỗ hòa quyện vào không khí, khó ngửi đến mức cay mũi.

Liễu Liễu tháo khăn che mặt xuống, nhìn quanh hang động không thấy ai.

Liễu Chí Sinh, Người lẽ ra phải đợi cô mang cơm đến lại không thấy đâu.

Cô định ôm hộp cơm đi ra ngoài tìm, vừa bước được vài bước, thì một giọng nói trầm ấm vang lên gọi cô lại: “Để cơm xuống đi.”

Cái gì? Ai đang nói vậy?

Liễu Liễu theo tiếng ngẩng đầu.

Trên giàn gỗ cao khoảng 5 mét, một thanh niên mặc áo cà sa màu tro đang ngồi khoanh chân trước tượng Phật. Tượng Phật lớn với gương mặt điềm đạm, đôi mắt đượm nỗi buồn từ bi, nhưng do đã lâu không được tu sửa, nhiều chỗ màu bị bong tróc, loang lổ, mất đi vẻ trang nghiêm.

Anh ta cầm một cây bút vẽ, đang tô màu cho tượng Phật.

Ánh nắng trưa gay gắt chiếu xuyên qua cửa sổ phía sau anh ta, làm chiếc áo cà sa trắng nhẹ như đôi cánh mỏng, chỉ còn lại một vệt sáng mờ ảo.

Liễu Liễu nheo mắt, cố nhìn rõ ngũ quan của anh.

Đối phương lại nghĩ rằng cô chưa nghe rõ, ngừng tay lại, cúi đầu nhìn xuống.

Khi anh quay mặt, ánh sáng thay đổi, tượng Phật bừng lên những đốm sáng, như thể ngay khoảnh khắc đó thoát khỏi sự tàn úa, có linh hồn, dịu dàng nhìn xuống nhân gian.

Còn anh ngồi trước tượng Phật tàn khuyết, đôi mắt hơi nhắm, ánh mắt lạnh lùng, giống như đang nhìn chăm chú vào Tu La, không thấy từ bi, chỉ thấy tràn đầy chán chường.

Anh nhìn Liễu Liễu, lạnh nhạt nhắc lại: “Cô để cơm xuống đi, thầy Liễu đi nộp nhật ký trùng tu.”

Công việc trùng tu bích họa rất tỉ mỉ và phức tạp, như một căn bệnh mãn tính kéo dài từ thời gian và không gian, cần phải qua các công đoạn như làm sạch, lấp đầy, dán và tô màu, qua từng bước để khôi phục sự rực rỡ và tươi sáng trước đây.

Do quy trình phức tạp, mỗi hang động đều có nhật ký trùng tu riêng, cần nộp định kỳ để đối chiếu kiểm tra.

Lời nói đó như đánh thức những ký ức mơ hồ trong đầu Liễu Liễu.

Sáng nay, khi rời đi, Liễu Chí Sinh ngoài việc nói phải đến viện nghiên cứu nộp nhật ký trùng tu, còn nhét chìa khóa hộp thư vào dưới gối của cô, dặn cô lấy thư xong lập tức mang đến.

Kết quả lúc đó cô nửa tỉnh nửa mơ, không nghe được câu nào.

Viện nghiên cứu cách xa hang đá gần 100 km, lại còn đi qua sa mạc hiểm trở, đi đi về về một chuyến, đừng nói bữa trưa, ngay cả bữa tối cũng không chắc kịp ăn.

Liễu Liễu chạy không công một chuyến, không khỏi thấy bực bội. Cô định hỏi thêm Liễu Chí Sinh đã đi lúc nào, nhưng vừa ngẩng đầu lên đã thấy tiểu sư phụ đang chăm chú tô màu trên tượng Phật, như đắp da lên hình, dần dần lấp đầy và hàn kín các khe nứt của bức tượng đất.

Thấy vẻ chăm chú của anh, cô ngại không dám lên tiếng quấy rầy.

Dù sao buổi chiều cũng phải mang thư qua một chuyến nữa, đến lúc đó hỏi cũng được..

Liễu Liễu tự thuyết phục bản thân xong, ôm hộp cơm rời khỏi hang đá.

Cô vừa bước đi, tiểu sư phụ đang tập trung tô màu liền dừng bút vẽ.

Anh ngẩng đầu, nhìn chằm chằm vào đôi mắt của tượng Phật. Độ cao của giá gỗ làm cho tầm mắt anh ngang với tượng Phật, anh nhìn ngây người, hình như đang trăn trở điều gì đó.

Tượng Phật bằng đất trải qua ngàn năm, đã bị thời gian ăn mòn, chỉ còn lại đôi mắt đen sâu thẳm, lộ ra gỗ và đất sét, như đã bị lột bỏ lớp thịt, chỉ còn lại sự khô héo, hoàn toàn không thể cho tín đồ của mình một câu trả lời rõ ràng.

Anh đặt bút vẽ xuống, khép nhẹ mắt, rất lâu sau, khẽ thở dài: “Tam sinh nhân quả, lục đạo luân hồi. Đường sinh mệnh, vòng đi vòng lại. Nhân duyên hợp tan, vĩnh viễn không ngừng. Chuyện cũ đã qua, không còn tồn tại.”