Nghiệp Chướng

Chương 40: Trả Mạng Cho Tôi.

Không có cô Điệp, việc làm ăn của gia đình bà Hoài gặp rất nhiều khó khăn. Những tiệm vải trên tỉnh và huyện từng cái một, từng cái một nối tiếp nhau đóng cửa do không còn có thể buôn bán được nữa. Nguyên nhân do cô Điệp một phần, nguyên nhân còn lại chính là bà Hoài đưa anh chị em ở quê mình ra để quản lý. Nhưng chẳng hiểu sao tiệm vẫn có khách nhưng tiền lời không thấy đâu, mà ngay đến cả vốn liếng cũng dần dần hết sạch.

Cuối cùng đến giữa năm 1979, ông Hải , bà Hoài chỉ còn trong tay xưởng may là vẫn còn có thể hoạt động. May mắn cho gia đình ông Hải đó là những người lái buôn Trung Quốc năm xưa vẫn luôn giữ đúng lời hứa của mình. Lúc ông Hải gặp khó khăn họ đã ra tay cứu giúp, những đơn hàng mà họ mang về cho ông Hải chính là cứu cánh cuối cùng của vợ chồng ông Hải trong việc làm ăn.

Mùa hè năm đó thời tiết rất nóng, cuối tháng sáu mặt đất cằn cỗi do đã quá lâu trời không đổ mưa. Giếng nước nhà ông Hải mấy chục năm nay vẫn luôn đầy nước thì đến thời điểm này cũng đã cạn đến gần trơ đáy. Nhưng gia đình ông Hải vẫn không phải lo lắng quá nhiều bởi mặc cho người dân trong làng phải khốn khổ tiết kiệm từng giọt nước thì nhà ông Hải luôn có đủ nước để dùng. Bên ngoài nóng như thiêu như đốt, những cái cây khô cằn trơ gốc dưới nền đất cứng ngả màu vàng vậy mà trong cái hầm của nhà ông Hải vẫn lạnh như băng, điều kỳ lạ hơn đó chính là giếng nước ngọt không bao giờ biết cạn.

Điều này tôi cũng có nghe những ông bà già trong làng kể lại, bởi năm đó những người cao tuổi chết bởi cái nóng quá nhiều. Thế nên những người già họ vẫn nhớ như in mùa hè giết người ngày ấy. Và tôi cũng có nghe họ nói :

“ Làng mình năm đó may mà có cái giếng nước ngọt nhà Hải – Hoài nếu không có lẽ cũng khó mà qua khỏi.”

Những người già trong làng nói như vậy bởi vì trong câu chuyện của anh Huấn kể, anh cũng có nói, trước năm anh được sinh ra hạn hán đến khô cằn, đất ruộng nứt nẻ. Bố anh Huấn là ông Hải năm ấy đã mở cổng nhà cho bà con làng xóm vào hầm gánh nước về uống. Cả làng trên xóm dưới mọi người ùn ùn kéo đến, những tưởng việc làm đó sẽ phần nào giúp cho gia đình ông tránh được tai ương kiếp nạn nhưng hóa ra lại không phải vậy.

Tại sao sau này dân làng lại đồn nhà ông Hải giàu là vì đào được vàng…? Ban đầu tôi cũng nghĩ là do câu chuyện được đồn đại ra ngoài, nhưng không phải. Chính miệng anh Huấn kể lại.

Cái giếng đó ban đầu vẫn rất nhiều nước, múc không cạn, người làng cứ từng gánh, từng thùng kéo nhau sang xin nước. Ba ngày đầu tiên không xảy ra vấn đề gì, nhưng sang đến ngày thứ 4 vì tranh nhau, chen lấn, xô đẩy mà có người đã nhảy xuống cả giếng để múc nước. Ông Hải chứng kiến cảnh đó cũng bất lực, chẳng biết tại sao miệng giếng lúc ấy lại bị nứt ra một mảng. Sang đến hôm thứ 5 thì giếng dần cạn nước. Bà Hoài thấy vậy nói với chồng không cho mọi người vào hầm lấy nước nữa, nước giếng cạn nhìn thấy cả đáy, bên dưới đáy giếng những viên đá đen bóng lộ ra rất kỳ lạ. Và trong số những người đến xin nước khi ấy, sau khi cố gắng tát cạt cái giếng nước họ đã nhặt được vàng vụn, gọi là vụn vàng nhưng có những viên cũng phải bằng hòn sỏi nhỏ. Tuy nhiên không phải ai cũng thấy, mà hình như chỉ có 1 người thấy được. Người ta kháo nhau, kẻ thì tin, người thì cho là bịa đặt. Chỉ có ông bà Hải – Hoài là rõ nhất. Tin đồn lan ra, công thêm giếng nước bỗng nhiên bị cạn, điều này khiến ông Hải lo lắng đến mất ăn mất ngủ.

Đấy là những thông tin mà tôi được nghe, còn bây giờ chúng ta tiếp tục quay lại cái khung cảnh của mùa hè năm 1979.

— Hỏng rồi mình ơi, cả hai cái giếng trong nhà mình đều cạn khô cả đáy rồi. Tính sao bây giờ, mà ông có nghe không..? Chẳng hiểu đứa của nợ nào tung tin, nhưng bên ngoài người ta đang kháo nhau nhà mình giàu là do dưới giếng nước có vàng. Tại sao chúng nó biết được hả ông..? – Bà Hoài mặt mũi hoảng loạn nói với chồng.

Ông Hải lo lắng đáp :

— Tôi biết rồi, chuyện này ngày xưa tôi cũng có nghe thầy Lã nói qua.

Bà Hoài vội vàng hỏi tiếp :

— Nói sao hả ông..?

Ông Hải trả lời :

— Thì chuyện người nhìn thấy vàng, thầy Lã xưa có nói đất nhà ta có thần giữ của, tuy chúng ta đã lấy được vàng nhưng thầy nói của ở nơi đây còn rất nhiều. Người có duyên, hợp vía, hợp mệnh với thần giữ của sẽ nhìn thấy. Còn lấy được nhưng có dùng được hay không thì lại là chuyện khác. Có thể trong số người làng này cũng có người hợp mệnh nên vô tình nhặt được vàng. Tôi cũng chỉ đoán được vậy thôi, còn chính xác thì chịu.

Bà Hoài suy nghĩ một hồi lâu rồi khẽ nói với chồng :

— Mình này, có khi nào chúng ta lại sắp tìm được vàng nữa không..? Hiện tại gia đình ta đang khó khăn có khi thần phật muốn giúp đỡ đấy.

Ông Hải xua tay :

— Tôi không biết đâu, cái này thì chỉ có thầy Lã mới hiểu được. Vàng đâu thì chưa thấy tiếp nhưng hiện tại miệng giếng bị nứt, nước trong giếng cũng đã cạn, bên ngoài thì thiên hạ tung tin thất thiệt. Chưa đủ lo hay sao mà bà còn mơ tưởng.

Bà Hoài trấn an chồng :

— Ông cứ bình tĩnh đã, chẳng phải mấy năm trước, trước lúc mà ông tìm được vàng chẳng phải cũng gặp nhiều chuyện kinh sợ hay sao..? Hay là ông đi tìm thầy Lã để cầu xin thầy giúp đỡ lần nữa.

Ông Hải thở dài não nề :

— Bà cứ làm như muốn là tìm được ngay đấy, tôi còn nhớ kỹ trước lúc đi thầy có nói nếu có duyên thì sẽ gặp lại chứ thầy không hề nói thầy ở đâu để mà tìm. Chẳng giấu gì bà suốt hai năm qua từ khi cô Điệp mất, rồi nghe thầy cúng nói quanh nhà ta đang có âm khí bao vây tôi cũng lặn lội hỏi thăm khắp nơi mong tìm được tung tích của thầy Lã nhưng không có manh mối gì cả. Mà bà có biết thầy từng dặn, mọi địa điểm quan trọng trên mảnh đât này không được tùy ý thay đổi. Nay miệng cái giếng trong hầm đã bị nứt, tôi thấy nóng ruột quá.

Bà Hoài cau mặt gắt gỏng :

— Đấy, tôi đã nói mà ông không chịu nghe. Lúc nào cũng phải tích đức làm việc thiện, đã bảo là cái giếng ấy chỉ để cho nhà mình dùng thôi, ông cho gần như cả cái làng này đến lấy nước, giờ thì ông xem xảy ra bao nhiêu chuyện. Tại ông chứ còn tại ai nữa.

Ông Hải không đáp lại, nhưng bà Hoài nói cũng có lý của bà ấy, nếu như ông Hải không để cho mọi người vào hầm lấy nước thì cớ sự này đã không xảy ra. Nhưng vốn là một người có tâm hướng thiện, mong muốn giúp đỡ mọi người nên ông Hải không thể làm ngơ. Bây giờ quả thật trong lòng ông đang rối như tơ vò, hai năm trôi qua từ việc làm ăn cứ dần lụi bại. Đã lâu lắm rồi ông Hải không ngủ được một giấc ngon lành, cho dù hiện nay tiền bạc, kinh tế, nhà vẫn cao, cửa vẫn rộng nhưng trực giác mách bảo ông Hải rằng mọi chuyện sẽ còn tệ hơn như thế này rất nhiều.

Không phải không chú ý, mà ông Hải biết suốt thời gian vừa qua mọi thứ trong khu vườn đã có sự thay đổi. Cỏ cây tàn lụi khô héo trước cả khi mùa nắng nóng bắt đầu, những mảng đất quanh cái miếu có phần xám xịt, một điều gì đó tiêu điều, u ám đang dần dần bao phủ lấy mảnh đất của nhà ông. Phần vì ông Hải nghĩ gia đình mình đã phạm sai lầm dẫn đến cái chết của cô Điệp nên giờ đây phải gánh chịu hậu quả, nhưng nhớ lại lời bà thầy cúng từng nói bao quanh nhà có âm khí tích tụ để lâu sẽ ảnh hưởng đến gia chủ.

Từ ngày đó đến nay cũng đã khá lâu, không phải là ông Hải không tìm thầy nhưng bất kể thầy nào đặt chân đến đây đều lắc đầu. Họ đều nói rằng ma quỷ hiển hiện bên ngoài ngôi nhà, nhưng không có cách nào để hóa giải. Những điều mà các ông thầy nói ra chỉ mang tính chất mơ hồ, nó không có lập luận chính xác như cách mà thầy Lã đã làm ở đây nhiều năm về trước.

Lúc này bà Hoài đã mang thai anh Huấn được hai tháng, mọi thành viên trong nhà vẫn đang sống khỏe mạnh nên ông Hải vẫn coi đây là một sự may mắn. Nhìn khung cảnh phía vườn sau bây giờ điêu tàn, giếng cạn, cây khô, mặt đất nứt nẻ ông Hải khẽ lắc đầu :

“ Chẳng lẽ vận khí mà thầy Lã nói đã hết rồi sao..? “

Đêm hôm đó, khi mà hai vợ chồng đang ngủ ngon thì bỗng dưng con bé Thanh đang nằm trong vòng tay bà Hoài bỗng khóc ré lên. Lúc này hai cậu con trai của bà Hoài được bố mẹ cho ngủ ở buồng riêng, còn Thanh khi ấy vẫn còn nhỏ nên ngủ chung với bố mẹ. Tiếng khóc của con bé vang khắp ngôi nhà khiến cho kẻ ăn người ở trong nhà cũng phải thức giấc.

Không hiểu tại sao nhưng con bé gào khóc như bị ai đánh, càng dỗ càng khóc. Nhìn đồng hồ lúc này đã là 1h đêm, bà Hoài bế con, ông Hải thì lo lắng chạy đến ban thờ tổ tiên thắp nhang khấn vái. Chỉ có như thế một lúc sau con bé mới nín, hai vợ chồng mặt mũi tái mét nhìn nhau bởi họ đang có chung một suy nghĩ, con gái mình vừa bị ma trêu. Vừa xong đứa con gái, hai ông bà chưa hết bàng hoàng thì giọng Tươi bên ngoài sân gọi lớn :

— Cậu Lợi, cậu đi đâu đấy……Cậu đi đâu, ông bà chủ ơi….Cậu Lợi làm sao này…?

Ông Hải nghe tiếng của Tươi thì ngay lập tức chạy ra, ra đến sân ông Hải thấy Tươi đang cố gắng kéo áo con trai mình lại, còn Lợi cứ như người bị mộng du, cứ lầm lỳ tiến về phía cổng mà không nói lấy một lời. Ông Hải chạy lại một tay giữ con, một tay lay người con để đánh thức nhưng không được :

— Lợi, tỉnh lại đi con….Con làm sao đấy…Lợi ơi, Lơi..

Hai người lớn giữ một thằng nhóc chưa đầy 8 tuổi mà cảm giác rất khó khăn. Nó cứ đòi tiến về phía cổng để đi ra ngoài. Lúc này ông Hải mới nhớ đến mình vẫn còn một vật phòng thân, vật mà ngày trước cũng đã cứu ông thoát khỏi giấc mơ chết người. Viên ngọc màu tím mà người lái buôn Trung Quốc đã tặng cho ông. Ông Hải cố nói với Tươi :

— Tươi cố gắng giữ cậu lại nhé.

Dứt lời ông Hải chạy ngay vào trong buồng ngủ, vớ lấy cái túi trắng đựng viên ngọc suốt mấy năm qua ông Hải vẫn luôn đeo bên mình chỉ bỏ ra khi đi tắm và đi ngủ. Quay trở ra bên ngoài sân, ông hải buộc cái túi vào cổ tay cậu con trai, Lợi lập tức mở mắt, ngơ ngác nhìn xung quanh thấy bố và chị Tươi đang giữ chặt lấy mình Lợi hỏi :

— Bố, sao con lại đứng ngoài sân.

Ông Hải xoa đầu con rồi nhanh chóng bảo Tươi đưa cậu vào bên trong nhà. Nhìn ra phía ngoài cổng trời tối om, ánh đèn từ trong nhà hắt ra cũng không khiến bóng tối ma mị ấy giảm đi nỗi sợ. Ông Hải cảm nhận thấy ẩn trong màn đêm bên ngoài cổng, chắc chắn có thứ gì đang ám ảnh gia đình ông. Một luồng khí lạnh khẽ thoáng qua làm cho ông Hải dựng tóc gáy. Nuốt nước bọt ông Hải từ từ đi vào bên trong, kiểm tra các con một lượt ông Hải không dám tắt đèn, nhìn bà Hoài đang ngồi trong buồng ông Hải lắc đầu, giọng run run nói :

— Không….không…ổn rồi….Có thứ gì đó đang ở quanh đây.

“ Ò….Ó….O….O…”

Tiếng gà báo hiệu một ngày mới bắt đầu, nhưng ngay sau tiếng gà là tiếng la hét thất thanh của một người giúp việc đang quét dọn ở bên ngoài cổng :

— Mọi người ơi, ra đây mà xem này…..Ai, ai đã làm chuyện này. Gọi ông chủ dậy nhanh lên.

Ông Hải nghe được tin báo thì vội vã chạy quên cả mang dép ra phía bên ngoài cổng, trước mặt ông trên bờ tường quét sơn trắng một dòng chữ màu đỏ được viết nham nhở với nội dung đầy ghê rợn :

“ TRẢ MẠNG CHO TÔI. “

Ông Hải nhíu đôi lông mày đưa tay lên chạm vào dòng chữ đó, rụt tay lại ông Hải khẽ lùi ra sau mấy bước chân. Bởi cái thứ viết trên tường kia không phải sơn, không phải màu mà chính là Máu, thứ Máu đó vẫn còn hơi ướt, nó dính nhầy nhầy và bốc ra một mùi tanh nồng đáng sợ…..

“ TRẢ MẠNG CHO TÔI. “