Nghiệp Chướng

Chương 29: Hoa Văn Quen Thuộc

Tuy sau đó mấy ngày bà Hoài rất khó chịu nhưng phần vì lời của mụ Tằm xưa nay vốn chỉ tin được một nửa, sợ làm ầm lên thì người đầu tiên muối mặt với hàng xóm láng giềng chẳng ai khác chính là bà Hoài. Thêm nữa đó là chuyện làm ăn hiện nay còn phải trông cậy vào cô Điệp phần lớn nên dù có nổi máu Hoạn Thư bà Hoài vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt do chưa có bằng chứng. Nhưng bà Hoài cũng bắt đầu để ý chồng nhiều hơn, lắm lúc bà còn hành cả mẹ đẻ là buổi trưa đem cơm ra tiệm cho ông Hải rồi thăm dò tình hình. Mặt khác bà Hoài cũng đặt vấn đề xây nhà mới với ông Hải :

— Mình này, có khi tới đây mình xây nhà thôi, chứ tuần trước mưa to tường nhà bắt đầu bị ngấm rồi đấy. Nhà giờ hai vợ chồng với hai đứa con ở chung một buồng thế này, bọn trẻ còn nhỏ thì không sao chứ mấy năm nữa chúng nó lớn lên chật chội lắm.

Ông Hải đáp :

— Cơ mà tiền nong giờ nếu mà xây nhà, mà như bà nói còn phải xây to đẹp liệu có đủ không..? Còn phải để làm vốn xoay vòng với lấy hàng nữa chứ. Chẳng phải dự tính 1 đến 2 năm nữa mới xây còn gì. Lúc đó con cái nó cũng cứng cáp thế là hợp lý nhất.

Bà Hoài tiếp :

— Tiền thì chẳng phải đủ rồi sao..? Chỗ đấy ông có xây hai cái nhà cũng còn thừa nữa là. Giờ có mẹ ở đây mẹ trông nom chăm sóc cho thì tính mà xây đi, chẳng lẽ ông muốn mẹ con tôi cứ sống trong cái nhà ọp ẹp thế này mãi à…? Mưa gió rồi đất đá trên núi không may lở xuống, nhà thì không còn chắc chắn…Nguy hiểm lắm, mà này, ông cứ giữ số vàng đó để làm gì…Của chôn trong nhà cứ thấp thỏm lo sợ, chẳng lẽ ông không định làm theo lời thầy dặn à..?

Nghe vợ nói vậy thì ông Hải cũng suy nghĩ, không phải là do ông quên lời thầy Lã, mà linh tính mách bảo ông nên giữ số vàng đó lại bởi đây chưa phải lúc. Tuy nhiên cũng đã hai năm trôi qua cơ hội mà ông đang đợi vẫn chưa thấy đến. Mà cũng chẳng biết đấy là cơ hội gì, chỉ là cảm nhận riêng của ông mà thôi. Hôm nay nghe vợ nói ông Hải thấy cũng có cái đúng, vàng được thần cho không dùng chẳng lẽ cứ chôn dưới đất mãi. Ông Hải đáp lại vợ :

— Ừm, mình tính cũng hợp lý….Nhưng xây nhà là việc lớn, xem xét kỹ lưỡng với ngày giờ đi rồi xây. Tôi sẽ đem một viên gạch vàng đi bán, rồi làm việc thiện số vàng mà thầy Lã đã dặn.

Bà Hoài cười đấm lưng cho chồng :

— Mình quyết thế là đúng, mình cứ bán vàng đi, phần của thầy Lã cứ để tôi. Chuyện lên chùa công đức với làm việc thiện cho những người nghèo đói trong làng phụ nữ chúng tôi rành hơn. Mấy năm nay ra ngoài buôn bán tôi cũng biết được nhiều hoàn cảnh còn khó khăn, nghiệt ngã lắm. Tôi cũng nên kế hoạch cả cho chuyện này rồi.

Ông Hải thấy vợ nói vậy thì cũng mừng lắm, bởi mấy năm nay ông vẫn lo vợ ông tham lam không chịu làm theo lời thầy Lã căn dặn. Nay bà Hoài có lòng hướng thiện ông cũng vui lây, chắc có lẽ bây giờ gia đình cũng có của ăn của để, con cái khỏe mạnh nên bà Hoài cũng không còn chỉ nghĩ đến tiền bạc như ngày xưa nữa. Ông Hải nói :

— Được, nếu mà mình nghĩ được như vậy thì tôi sẽ bán số vàng đó, nhưng chắc không thể bán một lần hết ngay được đâu. Thứ nhất sợ họ sinh nghi, mà chắc chắn số tiền đó sẽ rất lớn, chắc mà để bán được phải lên trên huyện, có khi lên cả tỉnh ấy chứ. Không thì phải nung chảy ra rồi chia nhỏ bán cho dễ, cơ mà chẳng hiểu sao tôi cứ có cảm giác để nguyên khối như vậy bán sẽ được giá hơn ấy mình ạ.

Bà Hoài cười dịu dàng hỏi chồng :

— Sao cũng được, miễn mình bán vàng để mà xây nhà thì tôi đồng ý hết. À mà thế dạo này cô Điệp thế nào hả mình..?

Ông Hải thấy hôm nay vợ mình tự nhiên lai nhẹ nhàng, chắc có lẽ sau thời gian nghỉ ngơi nên bà Hoài đã bình tâm trở lại, ông Hải đáp :

— Thì mình cũng biết còn gì, việc trước đây là hai chị em làm bây giờ một mình cô ấy cáng đáng, cũng vất vả nhưng không thấy Điệp nó than nửa lời bao giờ. Đúng là chịu khó thật đấy, mà em ấy còn nói mình nghỉ nên phải cố gắng làm hơn đấy. Khách cũng đông.

Bà Hoài lén lén liếc chồng để xem thái độ của chồng ra sao, bà Hoài hỏi tiếp :

— Mà sao cô Điệp không chịu lấy chồng nhỉ, mấy lần tôi cũng hỏi cho mấy mối ngon lành mà cô ấy không chịu. Lạ thật đấy, hay là có người thương rồi cũng nên. Tôi là tôi nghi lắm.

Ông Hải cười :

— Không phải đâu, do bố mẹ cô ấy chết chưa được ba năm nên cô ấy không muốn lấy chồng đấy. Vừa đẹp người lại có hiếu, vả lại cả ngày ở tiệm vải như thế thì lấy đâu ra thời gian mà yêu với đương.

Bà Hoài mím môi khó chịu, bà Hoài nguýt :

— Ái chà, chuyện của cô Điệp ông còn rành hơn cả tôi đấy nhỉ. Mà ông xem qua lại cửa tiệm nên giữ ý một chút, kẻo đâu thiên hạ người ta đồn đoán cô Điệp lại khó mà lấy chồng.

Ông Hải gắt :

— Này, đừng có mà nói linh tinh…Đừng có mà nghe mồm thiên hạ, cô ấy tốt như thế, chăm chỉ vì nhà mình như thế nghĩ xấu oan cho người ta.

Bà Hoài được thể :

— À vâng, tôi chỉ nói thế thôi. Chứ ai biết ma ăn cỗ…

Ông Hải thở dài đứng dậy, ông cũng không muốn đối lời với vợ rồi lại cãi nhau. Ông Hải nói :

— Thôi, bà cứ ở đấy mà đoán già đoán non. Tôi ra tiệm vải rồi qua xưởng may luôn đây. Ngày mai là đến hẹn giao hàng, có lẽ tối nay phải bảo mọi người làm tăng ca. Còn chuyện chỗ vàng tôi cũng sẽ hỏi thăm một vài người xem sao.

Ông Hải bước ra khỏi nhà lúc ấy là tầm 2h chiều, đạp xe đến cửa tiệm ông Hải thấy bên trong có mấy bóng người đang ngồi. Nghĩ là khách nên ông Hải đi vào chào hỏi :

— Cô Điệp bận rộn quá nhỉ..?

Cô Điệp nhìn ra ngoài cửa thấy ông Hải thì mừng rỡ đứng dậy nói :

— A, anh Hải đây rồi…Anh đến đúng lúc quá, có mấy vị khách Trung Quốc, cũng là chỗ giao hàng cho nhà mình lâu nay. Em đang tiếp chuyện với họ.

Ông Hải cúi đầu chào rồi đáp lại :

— Ờ thì chuyện làm ăn cô cứ bàn với họ là được, tôi đến cũng làm gì đâu..?

Cô Điệp cười :

— Biết thế nhưng chuyện lần này không phải là giao hàng vải vóc mà là họ muốn đặt hàng xưởng may của chúng ta một số lượng quần áo theo mẫu của họ. Họ nói là kỹ thuật may của xưởng chúng ta rất tốt, nhất là những hoa văn thêu thùa nên họ muốn đặt hàng. Mà chuyện này phải là chị Hoài hoặc anh quyết mới được.

Ông Hải hỏi tiếp :

— Họ muốn đặt may quần áo như nào hả Điệp…?

Cô Điệp trả lời :

— À, họ muốn may một số lượng trang phục giống như thời phong kiến, dạng quần áo cổ xưa đó anh. Mẫu mà họ đưa cũng khá cầu kỳ, những họa tiết hoa văn em cũng chưa thấy bao giờ. Chỉ biết họ nói là muốn may để làm lễ hay đại loại như để tưởng nhớ thứ gì đó. Tuy cầu kỳ nhưng em nghĩ trình độ thợ của xưởng ta sẽ làm được. Gì chứ mọi người ai cũng xuất thân từ những làng nghề truyền thống cả, mà giá cả họ đặt ra cũng cao lắm anh. Anh vào xem qua mẫu rồi quyết định nhé.

Ông Hải cũng ngại ngùng bước vào bởi đây là lần đầu tiên ông nói chuyện với người Trung Quốc, ban đầu ông còn sợ người ta không hiểu tiếng Việt nhưng ông đã nhầm, những lái buôn người Trung Quốc này không những hiểu tiếng Việt mà họ còn nói rất sõi. Ba người đàn ông đến từ nước bạn cũng cúi đầu chào ông Hải, sau đó họ đưa ra bản mẫu để đặt may những bộ trang phục nhìn qua giống như đồ của vua chúa ngày xưa hay mặc, một người nói :

— Ní hảo, chào ông…Chúng tôi là thương lái đến từ Trung Cúa. Tôi muốn đặt hàng chỗ ông may cho tôi 100 bộ quần áo theo mẫu này, có được không..? Tiền chúng tôi sẽ thanh toán đầy đủ.

Ông Hải nhận lấy mẫu quần áo từ tay người Tàu kia, quả thật mẫu này có rất nhiều chi tiết rắc rối, cần sự tỉ mỉ rất cao và một kỹ năng thêu thùa cực giỏi. Giá mà những người Trung Quốc đưa ra cũng rất hấp dẫn, cô Điệp đứng bên cạnh khẽ huých tay ông Hải rồi khẽ thì thầm :

— Em đảm bảo chúng ta làm được, anh cứ nhận đi ạ.

Ngắm nhìn ảnh mẫu thêm một lúc nữa, ông Hải đăm chiêu suy nghĩ, không phải ông suy nghĩ về chuyện liệu có làm được hay không..? Mà ông Hải đang cố nhớ lại xem ở chính giữa mặt trước của bộ trang phục có hình huy hiệu, đúng hơn là kiểu như gia huy của một gia tộc. Mà những ký tự, họa tiết ấy hình như ông Hải đã thấy qua ở đâu đó rồi. Cả những chữ Trung Quốc mà họ muốn thêu màu vàng trong bộ trang phục nữa, rất quen thuộc mà lại cũng không phải là quen. Chắc chắn ông Hải đã thấy ở đâu đó….Đột nhiên ông Hải đứng dậy ồ lên một tiếng rõ to :

— Đúng rồi, đúng là nó rồi…..Bảo sao mình thấy quen thế….Trời ơi là trời.