Ở Một Nơi Không Biết

Quyển 2 (Thế giới thứ hai) - Chương 2: Cũng đều là tôi

Tôi nghe xong mà lỗ tai lùng bùng, còn đang không hiểu sao tự dưng có chuyện vớ vẩn từ trên trời rớt xuống như thế thì mấy cô mấy dì mấy thím khác trong lòng cũng lao tới, ai nấy đều ồn ào:

“Miên, Miên, đổi đời rồi nhớ đừng quên người làng này đấy nhé. Mày là các cô coi như con cháu trong nhà, thấy mày lớn lên từng ngày, cuối cùng cũng đến ngày này.”

“Ơ, con Miên cũng hơn mười lăm rồi nhỉ? Thế đi lấy chồng là đúng rồi.”

“Thích nhé, Lạc Miên, mày lại được gả vào nhà phú ông đấy!”

Một giọng khác chua loét vang lên:

“Gì? Gả vào nhà phú ông thì sao? Chẳng phải cũng chỉ làm con lẽ sao? So với con ở thì khác gì nhau đâu… Nhà người ta bên trên còn có ba bà khác, một bà lớn, hai bà nhỏ đấy.”

Mọi người nhìn qua chủ nhân của cái giọng chua loét đó, xong đó lời qua tiếng lại luôn:

“Thị Kiều, mày ghen tị với em mày hay sao mà nói thế hả?”

“Người cùng một nhà mà ngoa ngoắt với nhau thế sao? Kiều à, cháu không được như thế chứ, cái Miên đã khổ biết bao nhiêu mà cháu với anh cháu còn bắt nạt nó…”

Thím Thuý thì thào an ủi tôi:

“Mày không cần chấp nhặt con Kiều, con đấy chẳng được cái nước gì, nó ghen tị với mày đấy. Nghe thím, về nhà trước đi, mày giặt đồ cũng xong rồi mà, đứng đây cũng không tiện đâu.”

Thị Kiều là con gái nhà bác cả tôi, nhỏ hơn tôi năm tuổi, nhưng theo vai vế thì nó vẫn là chị tôi. Chưa kể con bé so với tôi thì cũng cao lớn, nhìn dừ hơn thật. Không biết là ở nhà ai chạm vào nọc nó, ra đây nó lại như thế, nên lúc này khi bị các cô các dì xúm vào nói, mặt mũi nó đỏ gay, phăm phăm đi tới hất tung đống đồ trong chậu giặt của tôi, sau đó hung hăng bỏ đi. Tôi lúc này mới kịp phản ứng. Ô hay? Thế là cái nhà đó bán tôi đi thật à?

Nhìn phản ứng như này của Kiều, tôi đoán khả năng chuyện xảy ra cũng tới chín mươi chín phần trăm rồi. Chỉ là không biết từ đâu mọc ra một lão phú ông, lại quàng sang chuyện cưới hỏi này thôi… Không lẽ là ông bà ngoại tôi qua lại nhà bà Lâm là vì cớ này? Dù sao bà Lâm cũng là bà mối nổi tiếng vùng này cơ mà. Nhưng nếu là thế thật… Tôi nhặt lại đống quần áo rơi vãi, trong lòng lạnh ngắt.

Quãng đường về nhà nay sao mà ngắn như vậy. Tôi lặng lẽ đi qua cổng nhà, đứng trước cửa nhà kho lắng tai nghe ngóng. Tiếng người cười nói vẫn rôm rả náo nhiệt. Có tiếng bà Lâm the thé chúc mừng, có giọng díu lưỡi ngọng nghịu của ông, còn có cả tiếng cười của bà ngoại, của nhà bác cả, của nhà cậu út. Ai ai cũng vui vẻ hoan hỉ khi tôi được phú ông mua về làm lẽ với cái giá năm lạng bạc, còn được giá hơn cả một con trâu.

“Bà Lâm cứ yên tâm, con Miên nhà tôi nhìn nhỏ gầy thế thôi, bồi dưỡng thêm chút là có da thịt ngay, nó tuy đã mười chín rồi nhưng cái gì cũng biết làm, khôn ngoan sáng dạ, còn thắng ở cái còn trinh nguyên, phú ông coi như cũng không lỗ, lại coi như thử món mới.”

Này? Đây là lời của người cùng một nhà có thể nói ra sao? Tôi cắn răng, im lặng trở về phòng.



Đêm vừa xuống, ngay khi mọi người trong nhà đều đã ngủ say, tôi lập tức rời khỏi phòng kho. Xách theo quai nải chỉ có ba bộ quần áo cũ đã sờn rách và ít hạt ngũ cốc rang khô, tôi lẳng lặng đi tới chuồng ngựa. Hai con ngựa thấy người tới là tôi, cũng chỉ dậm chậm chân hai cái, tuyệt đối không phát ra tiếng động. Tôi tháo dây trói, mở toang cửa, tròng lên ngựa con một cái yên đơn sơ tự chế, rồi cẩn thận dắt chúng theo mình ra vườn sau, có một lối đi ra đường tắt phía sau nhà ở đó, ngay gần cánh đồng và con suối phía sau. Nếu muốn trốn, thì phải chạy từ đường này.

Tôi là người của thời đại này, nhưng cũng đồng thời có đủ kí ức của một người hiện đại, Bùi Lạc Hoan hay Lạc Miên thì cũng đều là tôi. Và dù có là ai, con người tôi cũng không chấp nhận hoàn cảnh này_bị bắt buộc bán đi làm vợ lẽ cho người. Từng ấy năm qua, dù chưa có kí ức của tiền kiếp, hay dù đã có tiền kiếp, tôi vẫn vô cùng biết ơn khi được nhà ông bà ngoại cưu mang mình. Tôi cũng đã cố gắng hết sức có thể để báo đáp họ. Tôi làm việc hơn cả một con trâu, dậy sớm hơn gà, ngủ muộn hơn chó, từ đông sang xuân, từ năm này sang năm khác mà không một lời kêu ca than vãn. Lẽ ra chỉ cần cố đợi đến một năm nữa, tôi khi đủ hai mươi là đã có thể xin đi học nghề dệt chỗ thím Vương ở trong thôn, vì thím chỉ nhận các chị đã đủ hai mươi tuổi trở lên, cố gắng kiếm thêm thu nhập để thêm vào cùng gia đình, điều này cả nhà cũng đã biết rõ. Nhưng đến cuối cùng thì kết quả của sự cố gắng ấy là gì?

Tôi quen thuộc leo lên lưng ngựa, chậm chạp đi trên đường ruộng tối đen không người, lòng thầm tự thấy may mắn vì ngày thường cho ngựa đi ra suối tắm cũng hay tò mò tự học cách cưỡi chúng… Con ngựa cái già chậm chạp theo ngay sát phía sau. Hai con ngựa này, con mẹ sắp già chết, con ngựa con là tay tôi nuôi, tôi có mang chúng đi cũng là xứng đáng. Có đi làm nô tịch, cũng còn hơn là đi làm vợ cho lão già ất ơ chết tiệt nào đấy!

Ngựa đi càng lúc càng xa, thôn làng nhỏ cũng dần khuất phía sau màn đêm đen. Tôi kéo dây cương, chuyển hướng ngựa chạy tới phía huyện lớn. Nghe các thím trong làng nói, phía trước đường thẳng từ làng đi là trấn trên, rẽ tay phải chính là đường lên huyện lớn, cách tầm hai ngày đường, trên đường nghỉ có cả một thôn nhỏ, đi qua huyện lớn, thẳng kịch đường đó thêm bảy ngày đường chính là thành trì lớn nhất phía Nam, Nam thành của Vĩnh Khuynh công chúa. Nam thành giàu có bậc nhất, tôi tới thẳng đó, chẳng lẽ không tìm được đường sống chắc?