Gấm cống nạp hàng năm đâu phải lúc nào cũng dùng tơ nhuộm bằng bí phương Quý gia. Phường nhuộm Hoán Hoa cũng không nhuộm được nhiều như vậy. Nhưng đấu gấm thì khác. Hàng năm, phủ Ích Châu tổ chức thi đấu gấm, mỗi nhà chỉ cần dâng lên một bức. Vì vinh dự của “Cẩm vương”, vì muốn nổi danh trong cuộc thi, từ khâu thiết kế, sửa bản thảo, chọn thợ, thêu hoa kết gỗ, lắp khung đến dệt, nhà nào cũng lựa chọn kỹ càng, cân nhắc kỹ lưỡng. Chất lượng tơ tốt hay xấu quyết định chất lượng gấm.
Vì vậy, tơ đỏ thượng hạng được nhuộm bằng bí phương của phường nhuộm Hoán Hoa, tơ Hoán Hoa, trở thành hàng được săn đón.
Triệu Thân thị hận con trai mình thích Quý Anh Anh, lại càng hận Quý Anh Anh quyến rũ Triệu Tu Duyên. Nhưng lại sợ ném chuột vỡ bình, một cục tức trong ngực muốn xả cũng không xả được, nghẹn đến khó chịu.
"Đi xem lão gia có về chưa?"
Con trai từ nhỏ đã có chủ kiến. Triệu Thân thị chỉ có thể hy vọng chồng mình nghĩ ra cách nào đó, dập tắt ý định của Triệu Tu Duyên.
Trong vườn nho trồng hai gốc nho cổ thụ to lớn. Cành lá đan xen che phủ gần hết cả sân. Nhà chính có hai tầng, tầng dưới là thư phòng và phòng dệt gấm của Triệu Tu Duyên. Tầng hai là phòng khách và phòng ngủ.
Những chùm hoa tím rủ xuống từ dây leo, nặng trĩu tạo thành một màn sương màu tím nhạt. Dây leo bám lên mái hiên, những bông hoa giống như những chuỗi ngọc tím đính trước cửa sổ. Dưới bốn cánh cửa sổ gỗ chạm khắc sơn đỏ đang mở rộng là một án thư bằng gỗ hoàng hoa lê rộng lớn. Trong bát nước bằng sứ Long Tuyền trên bàn có một hồ sen nhỏ. Hai thanh thước bằng tre vàng làm chặn giấy đè lên một tờ giấy làm bằng tre trúc Giáp Giang trắng như tuyết.
Bóng hoa phản chiếu, thư phòng yên tĩnh và tao nhã.
Triệu Tu Duyên mười tám tuổi, mặc trường bào lụa mỏng màu xanh lam, dùng dây buộc cùng màu vén ống tay áo lên, đang chuyên tâm vẽ tranh.
Ánh nắng nhạt xuyên qua những dây leo và hoa lá chiếu lên người hắn, nhuộm lông mày xanh biếc như núi, thanh tú như tranh vẽ. Nhìn hắn thôi cũng khiến người ta muốn nín thở, không nỡ làm phiền.
Đấu Cẩm (thi đấu về gấm) sử dụng không phải là cả một tấm lụa lớn, mà là một bức tranh gấm có kích thước ba thước. Cuộc đấu so tài về hoa văn, màu sắc và kỹ thuật dệt. Dệt cả một tấm gấm Tứ Xuyên mất rất nhiều thời gian. Quy định này cho phép các gia đình tham gia Đấu Cẩm có thể dệt một bức tranh gấm mới trong thời gian ngắn.
Hai huynh đệ Triệu gia và những nghệ nhân dệt gấm tài giỏi của dòng họ đều mang bức tranh gấm tâm đắc nhất của mình ra. Nguyện vọng lớn nhất của Triệu lão gia trước khi nhắm mắt xuôi tay là giành được danh hiệu Cẩm Vương một lần nữa. Ông không nói cho mọi người biết đã chọn bức tranh gấm nào để tham gia Đấu Cẩm. Ngược lại, ông còn bảo tất cả những người được chọn hãy tranh thủ hai tháng còn lại, dệt thêm một bức tranh gấm nữa.
Một bức tranh gấm nhỏ, hai tháng là đủ thời gian. Khi Quý Anh Anh đặt một chậu hoa trạng nguyên trên bệ cửa sổ phòng thêu, Triệu Tu Duyên bị mẫu thân giữ lại trong nhà. Hắn bảo Triệu Bình đến chùa Trúc Lâm báo cho Quý Anh Anh một tiếng. Kết quả Triệu Bình bị Triệu Thân thị dọa, không dám đến chùa Trúc Lâm, còn quay lại nói dối Triệu Tu Duyên.
Đầu bút khựng lại, Triệu Tu Duyên đặt bút xuống, nhấc tờ giấy vẽ lên, vo tròn rồi ném đi, lại lấy một tờ giấy trúc mới trải ra. Lần này hắn lại không đặt bút xuống. Hắn có chút bồn chồn, có chút không tập trung.
Nhìn chằm chằm vào tờ giấy trúc trắng như mây một lúc, khóe miệng Triệu Tu Duyên khẽ nhếch lên: "Anh Anh, nếu có thể nhìn thấy nàng một cái, ta nhất định có thể vẽ ra một bức tranh đẹp hơn."
Hắn cắn môi, ra khỏi thư phòng, bước lên lầu. Đẩy mở ô cửa sổ gỗ chạm khắc tinh xảo hình Bát Tiên quá hải của phòng khách, hắn nhìn về phía xa, nơi cách một con phố là tiểu viện nhỏ nơi Quý Anh Anh sống.
Trong tiểu viện nhỏ Quý gia có một cây hoàng giác cao lớn. Cành lá che phủ gần hết cả sân, dường như cố ý né tránh một góc, để lộ ra cửa sổ phòng thêu. Triệu Tu Duyên không kìm được lòng mình, khẽ gọi: "Anh Anh, nếu nàng có cùng tâm ý với ta, hãy để ta gặp nàng một lần."
Vừa dứt lời, hắn liền thấy có người đẩy cánh cửa sổ gỗ có rèm che màu hồng phấn ra.
Cách một con phố, Triệu Tu Duyên không nhìn rõ nét mặt của người con gái, chỉ thấy bóng dáng yểu điệu đứng bên cửa sổ. Nhưng hắn biết chắc, đó không phải là tiểu tỳ của Quý gia, mà chính là Quý Anh Anh.
Cành cây hoàng giác trong sân vươn dài ra tận mái hiên. Dưới mái ngói đen tường trắng, tấm rèm màu hồng phấn điểm tô thêm sắc xanh non mơn mởn, tựa như chồi non mới nhú trên cành vào mùa xuân, vô cùng tươi non. Lòng hắn như chìm vào dòng nước mùa xuân, không kìm được lại khẽ gọi: "Anh Anh, ta ở đây."
Quý Anh Anh thêu kinh mỏi tay, ngáp dài một cái, ngẩng đầu lên một cách buồn chán. Thoáng chốc, nàng nhìn thấy bóng áo xanh bay bay trên lầu ở phía xa. Mắt Quý Anh Anh sáng lên, vẫy tay về phía hắn.
Tâm trạng của Triệu Tu Duyên như được gió thổi bay, vô cùng sảng khoái. Hắn không kìm nén được niềm vui và nỗi nhớ nhung, mỉm cười dang rộng hai tay.
Tay áo xanh bị gió thổi tung bay, như vòng tay hắn đang mở rộng. Quý Anh Anh hiểu ý Triệu Tu Duyên, mặt chợt nóng bừng. Nàng ngây ngất nhìn hắn, một lúc sau Triệu Tu Duyên vẫy tay với nàng, nàng mới ngượng ngùng rời khỏi cửa sổ. Lại có chút không nỡ, nấp ở một bên len lén nhìn trộm. Mãi đến khi bóng dáng Triệu Tu Duyên biến mất, Quý Anh Anh mới sờ lên khuôn mặt nóng bừng của mình rồi rời đi.
Linh nhi bước vào phòng, thấy cửa sổ mở toang, vội vàng chạy đến đóng lại, lẩm bẩm một mình: "Không biết đã bay vào bao nhiêu con muỗi rồi. Tối nay phải đốt thêm nhiều ngải cứu mới được."
Quý Anh Anh như bị chọc trúng tâm sự, hiếm khi không cãi lại. Nàng ngồi trước khung thêu, cười ngây ngốc, nhìn nửa bức kinh văn đã thêu mà hồi lâu vẫn chưa hạ châm.