Thục Cẩm Nhân Gia

Chương 9: Đến cửa thăm dò

Sách Hậu Hán thư từng ca ngợi tơ lụa đất Thục: "Nữ công chi nghiệp, phúc y thiên hạ" (nghề dệt may của phụ nữ nơi đây có thể làm ra quần áo cho cả thiên hạ). Câu nói hình dung người dân thời Hán ai ai cũng có thể mặc gấm Thục - việc buôn bán quả thực là rất phát đạt.

Vào thời Tam Quốc, Thục Hán muốn cùng Ngụy, Ngô tạo thế chân vạc, thừa tướng Gia Cát Lượng từng nói: "Nay dân chúng nghèo khổ, quốc khố trống rỗng, muốn có của cải đánh giặc, chỉ có thể trông cậy vào tơ lụa ." Vì vậy, chính Gia Cát Lượng đã tự tay trồng 800 gốc dâu, nhằm khuyến khích người dân trồng dâu nuôi tằm. - Quốc gia nghèo khó, mọi người hãy dệt gấm bán thật nhiều, bán được nhiều thì sẽ có tiền đánh giặc tranh giành thiên hạ.

Từ đó về sau, khắp đất Thục đâu đâu cũng là ruộng dâu, trồng dâu nuôi tằm trở thành một cảnh đẹp.

Đầu thời Đường, bổng lộc của quan lại không phải là tiền bạc, mà là tơ lưa cộng thêm một ít gạo. Ngày nay chúng ta khó có thể tưởng tượng cảnh mua một túi gạo, mua một con gà mà không cần trả tiền, chỉ cần xé một mảnh vải đưa cho người ta. Nhưng vào thời điểm đó, xét trên một khía cạnh nào đó, tơ lụa chính là tiền.

Ở Ích Châu phủ có vô số xưởng ươm tơ, xưởng nhuộm, xưởng dệt, phân công hợp tác tạo thành một chuỗi ngành nghề hoàn chỉnh.

Triệu gia là một gia tộc dệt gấm lớn, sở hữu hơn hai nghìn khung cửi và hàng ngàn thợ dệt. Cửa hàng của họ cũng giống như tất cả các gia tộc dệt gấm lớn khác, đều mở ở Ích Châu phủ, mở đến Giang Nam, mở đến Trường An. Tơ lụa do họ sản xuất được các thương nhân mang đi bán khắp nơi trên thế giới, theo con đường tơ lụa về phía tây, theo đường biển về phía nam.

Những gia tộc dệt gấm lớn như Triệu gia đều sở hữu ruộng dâu, vườn dâu, xưởng ươm tơ và xưởng nhuộm riêng. Lượng tơ do gia đình tự cung cấp không đủ để dệt gấm, ngoài việc thu mua tơ từ các xưởng ươm tơ, xưởng nhuộm xung quanh, họ còn đến các châu phủ thuộc Kiếm Nam đạo để thu mua.

Mỗi năm vào mùa xuân hè, những đoàn người gánh tơ tằm từ vùng lân cận Ích Châu phủ đổ xô đến Triệu gia, xếp hàng dài từ cửa hàng thu mua tơ của Triệu gia cho đến tận bờ sông Hoán Hoa.

Triệu gia giàu có như vậy đấy.

Xưởng nhuộm Hoán Hoa tuy có vài loại tơ nhuộm nổi tiếng ở Ích Châu phủ, nhưng chung quy vẫn chỉ là một xưởng nhuộm nhỏ tầm trung bình khá. Xưởng nhuộm kiếm lời từ tiền công nhuộm tơ, nhuộm vải. Tơ tằm và vải vóc đều do khách hàng đặt hàng mang đến. Nếu nhuộm hỏng, họ phải bồi thường cả vốn lẫn lời cho người ta.

Gần như toàn bộ vốn liếng của Quý gia đều đổ vào việc mua thuốc nhuộm. Trừ đi chi phí mua thuốc nhuộm và tiền công cho thợ nhuộm, số tiền còn lại mới là lợi nhuận.

Sự khác biệt giữa nhà Triệu Quý, giống như người ta kiếm được một trăm triệu, còn bạn chỉ kiếm được một triệu.

Quý Diệu Đình và Quý Anh Anh có tình cảm rất tốt. Muội muội và Triệu Nhị lang lớn lên bên nhau, hai người tâm đầu ý hợp, hắn ít nhiều cũng biết được đôi chút. Nếu muội muội thật sự có thể gả vào Triệu gia, đó là phúc phận của nàng.

Triệu Tu Duyên là đích tử của dòng chính. Theo tục lệ hiện nay, con cháu dòng chính từ ba tuổi đã được học vẽ tranh, năm tuổi đã có khung cửi được chế tạo riêng, học tập kỹ thuật dệt gấm gia truyền. Hắn có tư cách cùng các anh em trong dòng chính tranh giành vị trí gia chủ, kế thừa sản nghiệp của Triệu gia.

Nếu như xưởng nhuộm Hoán Hoa là một xưởng nhuộm lớn với hàng trăm thợ nhuộm, có lẽ còn có thể trở thành trợ lực cho Triệu Tu Duyên. Nhưng với điều kiện hiện tại của gia đình, Triệu gia dựa vào đâu mà coi trọng một tiểu thư xuất thân từ xưởng nhuộm nhỏ bé? Trừ phi... lấy bí phương của Quý gia làm của hồi môn cho Quý Anh Anh. Để Triệu gia độc quyền nguồn cung cấp loại tơ đỏ Thục thượng hạng nhất.

Điều này là tuyệt đối không thể nào.

Bởi vậy, Quý Diệu Đình vừa đi trên đường vừa lắc đầu. Hắn căn bản không hề xem trọng chuyện hôn sự của muội muội với Triệu Tu Duyên.

Quý Diệu Đình bước vào cửa hàng tơ lụa Triệu Ký mà Triệu gia mở trong thành.

"Ôi chao, Quý đại lang đến rồi." Ông chủ cửa hàng tươi cười niềm nở từ sau quầy bước ra nghênh đón, "Nghe nói đại lang sắp có hỷ sự, muốn mua ít vải vóc mới chăng?"

Quý Diệu Đình cũng lấy cớ đó, chắp tay đáp: "Làm phiền lão chưởng quầy rồi. Đến lúc đó còn mong lão chưởng quầy đến uống chén rượu mừng."

"Nhất định, nhất định. Mời vào trong." Lão chưởng quầy mời Quý Diệu Đình vào phòng trong, tự tay pha trà, gọi tiểu nhị mang những mẫu vải mới bày bán lên.

"Mẫu gấm đỏ hoa văn chữ Đại Nghi Tử Tôn mà Quý phường chủ đặt làm cho đại lang năm ngoái, thêm hai tháng nữa là hoàn thành. Mấy tấm vải này đều là mẫu mới có ý nghĩa rất tốt, rất thích hợp để mặc trong ngày vui."

Quý Diệu Đình chậm rãi xem xét, nghe lão chưởng quầy giới thiệu xong thì giả vờ suy nghĩ, sau đó nhỏ giọng hỏi: "Nhị lang hôm nay không có ở tiệm sao? Ta còn muốn nhờ hắn giúp vẽ một bản mẫu, để kịp dệt một tấm vải."

Thấy lão chưởng quầy không hiểu, Quý Diệu Đình càng hạ giọng, ngượng ngùng nói: "Là vải vóc cho nữ giới dùng."