“Huyện Tuy à? Hình như ở thành phố Đình Dương bên cạnh, đi xe mất hơn một tiếng đồng hồ.”
Đi xe còn mất hơn một tiếng, nếu dựa vào đôi chân này của cậu, không biết phải đi đến khi nào.
Dung Kính thầm nghĩ quẻ tượng không nói sai, quả thật khó khăn trùng trùng.
Cậu giơ mai rùa lên trước mặt bà lão, cười híp mắt nói: “Cảm ơn bà, để cháu xem quẻ cho bà nhé, bà muốn hỏi gì, cháu đều có thể nói cho bà biết đáp án.”
Bà lão: “...”
Một đứa trẻ ngoan ngoãn dễ thương, đột nhiên biến thành một kẻ lừa đảo nhỏ.
Vẻ mặt của bà lão trở nên hơi kỳ lạ.
Ngần ngừ một lúc lâu, bà hỏi một câu: “Có lấy tiền không?”
Dung Kính lắc đầu: “Không lấy tiền đâu, bà cứ hỏi đi ạ.”
Nghe thấy mấy từ then chốt ‘không lấy tiền’, bà lão cũng thở phào nhẹ nhõm, trong lòng định nghĩa hành vi của Dung Kính là trò chơi đóng giả của trẻ con. Dù sao Dung Kính trông cũng non choẹt, không biết đã đủ tuổi trưởng thành chưa.
Bà cười nói: “Vậy cháu xem quẻ cho sự nghiệp của con trai bà đi.”
Dung Kính dạ một tiếng, nhét đồng tiền vào mai rùa, lắc, lặp lại sáu lần để thành quẻ.
“Cái này nghĩa là gì?”
Người nói là ông chủ tiệm bánh bao bên cạnh, ông vốn chỉ ra ngoài đi dạo thư giãn, không ngờ lại thấy bà Phương và một đứa trẻ tụm lại với nhau, nhìn kỹ lại, trong tay đứa trẻ còn cầm một mai rùa trông có vẻ rất cổ xưa.
Là người Trung Quốc, phản ứng đầu tiên khi thấy mai rùa và đồng tiền đều là xem bói.
Ông chủ Lưu chắp tay sau lưng vui vẻ nhìn động tác ra hình ra dạng của Dung Kính, thấy đồng tiền cuối cùng được Dung Kính lấy ra, lập tức hỏi ngay không kịp đợi.
Dung Kính: “Chấn ở dưới, Đoài ở trên, Chấn là sấm, Đoài là sông, là quẻ Tùy.”
Ông chủ Lưu mặt đầy vẻ ngơ ngác: “Không hiểu.”
Dung Kính giải thích cho ông: “Nghĩa là làm việc phải nắm bắt thời cơ, hành động thuận theo thời thế. Nhưng lời hào được bói ra là hào Cửu Tứ, ừm...”
Dung Kính nghiêng đầu nhìn về phía bà lão, hỏi: “Gần đây con trai bà có điều gì phiền muộn trong công việc phải không? Có lẽ là một tình huống phải chọn một trong hai.”
Ông chủ Lưu vẫn còn vẻ mặt ngơ ngác, nhưng biểu cảm của bà Phương đột nhiên thay đổi, ngay cả ánh mắt nhìn Dung Kính cũng trở nên khác hẳn.
Hai ngày cuối tuần này, con trai bà dẫn vợ con về quê ăn cơm ngủ lại, coi như về thăm bà già này. Người ta nói mẹ hiểu con hơn ai hết, trên bàn ăn tối qua bà có thể cảm nhận rõ ràng tâm trí lơ đãng của con trai mình, bà lo lắng trong lòng nên hỏi thêm vài câu.
May mà con trai bà cũng không phải là người chỉ đáp lại câu hỏi của mẹ già bằng một câu “mẹ không hiểu đâu”, nên đã nói sơ qua về rắc rối mà nó gặp phải.
Nó nói là phát hiện ra người lãnh đạo vẫn dẫn dắt mình đang làm điều không tốt lắm, nó không biết có nên nói với người khác về chuyện này hay không.
Mặc dù lúc đó con trai bà chỉ dùng từ ‘không tốt lắm’, nhưng bà Phương vẫn có thể nhận ra từ biểu cảm của nó rằng vấn đề không đơn giản như nó nói.
Chẳng phải đúng là phù hợp với tình huống phải chọn một trong hai mà Dung Kính đã nói sao?
Bà Phương một lúc cũng không kịp nghĩ ngợi gì, xúc động nắm lấy ngón tay của Dung Kính, vội vàng hỏi: “Cháu à, vậy phải giải quyết thế nào?”
Cậu cong mắt cười với bà lão, an ủi: “Rất đơn giản, cứ giữ vững nguyên tắc là được.”
Bà Phương nghe xong, vội vàng gom lấy rau củ rơi vãi dưới đất, nói một câu “Cảm ơn cháu nhé”, rồi xách ghế đẩu đi ngay. Dáng vẻ vội vã và bước chân nhanh nhẹn đó hoàn toàn không thấy được là đã hơn sáu mươi tuổi rồi.
Ông chủ Lưu trợn mắt há mồm, nhưng khi nhìn lại Dung Kính, trong ánh mắt có thêm vài phần đánh giá và dò xét.
Huyện Xương Khê không lớn lắm, hầu hết cư dân trong thị trấn đều biết đôi chút về nhau. Huống chi bà lão Phương gần như ngày nào cũng đến bày quầy bên cạnh tiệm bánh bao của ông, trò chuyện vài lần là đã quen thuộc. Vừa thấy biểu cảm trên mặt bà lão Phương thay đổi, trong lòng ông chủ Lưu đã có một suy đoán —
Không lẽ thằng nhóc này đoán trúng thật sao?
Ông khẽ ho một tiếng, ghé lại gần, cười hỏi: “Này cháu trai, cháu có thể xem cho bác một quẻ không?”
Nụ cười trên mặt Dung Kính dần dần nở rộ: “Được thôi ạ.”
Ông chủ Lưu hào hứng xoa xoa tay, ngay lập tức nghe Dung Kính nói tiếp: “Một quẻ năm trăm.”
Ông chủ Lưu: “...”
Xin lỗi, làm phiền rồi.