Vương Thuật

Chương 22

Đến giờ ăn tối thì trời lại bắt đầu mưa, dự báo thời tiết cho biết khu vực này sẽ có mưa liên tục trong hai tuần tới.

Dương Đắc Ý gọi Vương Tây Lâu và Vương Thuật ra ăn cơm, vừa gọi vừa than thở với Vương Nhung: “Trời dột rồi hay sao, thế này thì làm sao mà bán hàng được.”

Vương Nhung dùng vá nén cơm trong bát, nói với vẻ không để ý lắm: “Con lại thích trời mưa, nghe tiếng mưa ngủ ngon lắm. Bây giờ con ngày càng thích cái sân nhỏ nhà bà ngoại, ngày mưa tuyết rất có không khí.”

Dương Đắc Ý giật lấy cái vá rồi mắng con gái: “Con ăn ít thôi.”

Bà quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, vẫn thấy phiền lòng.

Vương Nhung không múc được cơm nữa, lại dùng một cái bát khác để múc canh, chị thản nhiên an ủi: “Nghỉ nửa tháng thì nghỉ nửa tháng, tiền lương của con và bố cộng lại cũng không thấp, cả nhà ăn uống không tốn bao nhiêu.”

Dương Đắc Ý lo lắng: “Sao con chỉ nghĩ đến trước mắt thôi vậy, sau này trong nhà có ai ốm đau thì sao? Không có tiền tiết kiệm thì nhà mình không có khả năng chống đỡ rủi ro. Hơn nữa ai mà chê tiền nhiều chứ.”

Vương Nhung không cho là đúng, vẫn cãi lại: “Nhưng cũng không thể lúc nào cũng nghĩ đến những chuyện không có thực, mợ của con bị lo âu trong giai đoạn tiền mãn kinh cũng vì thế đấy.”

Vương Thuật buộc tóc kiểu quả táo, cô mở cửa bước ra, vừa hay nghe thấy câu cuối của Vương Nhung, cô không quan tâm đến đầu đuôi đã đứng về phía mẹ, nghiêm nghị khuyên Dương Đắc Ý: “Mẹ, chị hai mà còn cãi nữa thì mẹ cứ tát chị, mẹ mà không nỡ thì để con làm.”

Vương Nhung chỉ tay vào Vương Thuật bằng đôi đũa như một lời cảnh cáo, nhưng cô chỉ nháy mắt chọc quê, làm một cái mặt hề rồi đi thẳng vào bếp.

Dương Đắc Ý nhìn hai cô con gái không khiến bà bớt lo lắng này, bỗng dưng cảm thấy mất hứng ăn.

Khi Vương Tây Lâu cũng lên bàn ăn, cả nhà mới bắt đầu dùng bữa. Nhà họ Vương không có thói quen “ăn không nói, ngủ không lời” nên bữa ăn có phần ồn ào. Dương Đắc Ý trách Vương Tây Lâu cứ đến giờ ăn là vào nhà vệ sinh, Vương Tây Lâu lại trách Vương Nhung lười đến mức xe bẩn như giấy nhám rồi mà cũng không đi rửa, Vương Nhung lại trách Vương Thuật không có thói quen tắt đèn, sớm muộn gì cũng chặt tay cô ra làm món chân giò hầm… Vương Thuật hôm nay tâm trạng rất tốt, không quan tâm gãi gãi mặt, rồi lại tiếp tục ăn cơm của mình.

“Chiều nay lúc thím ở đây mẹ không hỏi được, con mang hộp với túi gì đấy, trong đó đều là đồ đắt tiền hả? Bạn con tặng à?” Dương Đắc Ý bất ngờ hỏi.

“À, đúng là không rẻ, sau này con sẽ không nhận nữa, đã nói với anh ấy rồi.” Vương Thuật vừa ăn vừa làm ra vẻ tự nhiên, nhưng trong lòng thì âm thầm lo lắng. Cô lại nghi ngờ không biết Dương Đắc Ý có nhìn thấy ngoài cửa hay không, và liệu Dương Đắc Ý đã đứng ở đó từ đầu hay chưa.

Vương Nhung lộ vẻ nghi ngờ: “Hộp với túi gì thế? Sao con không biết?”

Vương Thuật trừng mắt: “Liên quan gì đến chị?”

Dương Đắc Ý không thèm để ý đến mấy cuộc cãi vã thường ngày giữa hai chị em, chỉ dặn dò: “Kết bạn phải có chừng mực.” rồi bà dừng lại một chút, bổ sung thêm, “Mặt nào cũng phải có chừng mực.”

Vương Thuật không hiểu lắm “mặt nào cũng phải có chừng mực” cụ thể là ý gì. Vừa nãy nhắc cô không được nhận quà quá đắt tiền là một mặt, vậy những mặt khác là gì? Cô bỗng nghĩ đến một khả năng, sau đó quay phắt đầu nhìn Dương Đắc Ý. Chẳng lẽ không được hôn nhau ngoài đường? Hừm! Rốt cuộc bà cũng nhìn thấy rồi!

Dương Đắc Ý không thay đổi nét mặt, chỉ cúi đầu gắp thức ăn, tiện miệng nói: “Mặn rồi.”

Vương Tây Lâu bỗng ho một tiếng, Vương Thuật giật mình quay đầu nhìn, Vương Tây Lâu liếc cô với ánh mắt như muốn nói: “Bố không biết ý mẹ mày là gì, nhưng chuyện của mày bố rõ lắm đấy, nên cẩn thận vào.”

Vương Thuật cố gắng vùi đầu vào bát cơm để che giấu sự lúng túng bất chợt, nhưng đôi tai lộ ra vẫn để Vương Nhung nhận ra một điều gì đó.

“Vương Đầu To mày có bồ rồi à?” Vương Nhung hỏi, “Với ai? Ai lại không có mắt thế?”

“Chị lo thân chị đi.” Vương Thuật cố tỏ ra nghiêm nghị nhưng yếu đuối mà đáp lời.

Dương Đắc Ý dùng thìa vét sạch miếng cơm cuối cùng trong bát, sau đó đứng dậy đi vào bếp.

Vương Thuật nhìn theo bóng dáng của Dương Đắc Ý, khóe miệng hơi nhếch lên, rồi lại chùng xuống đáng thương. Với tính cách của Dương Đắc Ý, khi thấy cô làm trò hề ngay trước cửa nhà – chắc chắn là đã nhìn thấy – mà lại không tức giận, không chạy ra kéo cô vào, thật sự là đã nể mặt cô rất nhiều rồi. Nhưng nghĩ kỹ lại, dường như từ lâu Dương Đắc Ý đã bắt đầu thay đổi thái độ đối với cô, bà bắt đầu lắng nghe những lời phàn nàn của cô, hỏi han cảm xúc của cô, và tôn trọng ý kiến của cô.

2.

Vì trời mưa không thể ra ngoài đi dạo, và mưa ngày càng lớn, mưa xối xả, đến nỗi việc đi thăm hàng xóm cũng trở thành điều không tưởng, nhà họ Vương sớm khóa cửa, đóng quán, không tiếp khách.

Vương Tây Lâu vẫn còn công việc phải làm, nên trở về phòng ngủ. Ở “Tam Thu,” không có phòng làm việc, chỉ có phòng khách và phòng ngủ. Vương Nhung thử dùng hai mươi tệ để hối lộ Vương Thuật rửa bát giúp chị, nhưng bị từ chối thẳng thừng, tăng lên năm mươi tệ cũng không được, thế nên chị đành thở dài rồi đi vào bếp.

Khi hai người kia rời đi, Vương Thuật chầm chậm bước đến gần Dương Đắc Ý. Cô ỏn ẻn gọi “Mẹ ơi,” lúc thì véo véo cánh tay của Dương Đắc Ý, lúc thì cuộn cuộn tóc bà, thậm chí còn cố gắng bàn luận về nội dung phim. Trước đây, Vương Thuật thấy những cảnh tình tiết sến súa thế này thì toàn chê ỏng chê eo. Dương Đắc Ý để mặc cô quậy phá đủ kiểu, không thèm để ý, cuối cùng cô quyết định nằm thẳng vào lòng mẹ, tựa đầu lên đùi Dương Đắc Ý để nũng nịu.

“Mày không biết cái đầu to của mày nặng lắm à? Tránh ra. Đừng cản mẹ xem tivi.”

“Con lớn rồi đầu hết to lâu rồi. Thật ra cái tên ‘Đầu To’ của con là mẹ đặt đầu tiên đúng không?”

Dương Đắc Ý đưa tay nhẹ nhàng gõ vào đầu gối cô, khóe miệng hơi nhếch lên, rồi tiếp tục nhìn chăm chú vào tivi.

Vương Thuật không chịu nổi nữa, cô ngồi dậy nửa người, ngập ngừng nói: “Mẹ, mẹ đừng lo lắng cho con nữa, con không phải loại vô tâm như Vương Nhung, hơn nữa mẹ cũng gặp anh ấy vài lần rồi, vừa đẹp trai lại tốt tính.”

Dương Đắc Ý chờ đến khi nhân vật nữ trong tivi hết la hét và chuyển cảnh, rồi mới cúi đầu cười hỏi Vương Thuật: “Cậu ấy đi xe như vậy, nhà chắc là khá giả lắm, không khinh con à?”

Vừa nghe thấy câu đó, nụ cười trên mặt Vương Thuật lập tức cứng đờ. Kết luận mà cô suy đoán đã bị Dương Đắc Ý dễ dàng xác nhận, cảm giác này giống như hồi trung học, khi bức thư tình cô viết cho thần tượng bị mẹ bắt được, đầy xấu hổ. Vương Thuật nhớ lại hành động chui vào xe buổi chiều, chỉ muốn chui ngay xuống đất mà trốn đi.

“Không khinh.” Cô gượng gạo đáp, giọng đầy lúng túng.

3.

Trong buổi học Judo, Vương Thuật liên tục bị Lý Sơ quật ngã xuống đất. Lý Sơ kiểm soát lực rất chính xác, không khiến cô đau, nhưng điều này vẫn làm cô dần trở nên bực bội.

Đến lần thứ mười hai “bịch” một cái ngã xuống đất, Vương Thuật bắt đầu nóng nảy, cô thì thầm: “Anh nhường em một chút thì có sao đâu?”

Lý Sơ đưa tay định kéo cô dậy, nhưng cô bướng bỉnh không chịu đứng lên, anh đành phải ngồi xuống rồi giải thích với cô: “Em dễ phấn khích lắm, anh sợ nếu nhường em, em lại tưởng mình có chút bản lĩnh, rồi ra đường chỉ toàn chọn đường xe chạy mà đi.”

Hai vai của Vương Thuật rung lên, cuối cùng cũng không nhịn nổi mà bật cười “phì” một tiếng.

Một giọng nói rụt rè vang lên trước mặt họ…

“Chào anh, anh Lý Sơ, động tác mà thầy vừa dạy em chưa hiểu rõ, anh có thể dạy lại cho em không? À, vì bạn tập của em cũng không biết, nên em mới làm phiền anh, xin lỗi anh nhé.” Cô gái mặt bầu bĩnh lần đầu tiên thấy trong lớp, giống như mấy người ở góc kia, cũng đến học ké.

“Bạn hỏi lại thầy đi, anh ấy dạy không được đâu, dạy mãi mà mình cũng không làm được.” Vương Thuật nhìn cô gái có ánh mắt hơi ngượng ngùng, cười một cách chân thành, “Anh ấy sắp quật mình tan nát rồi, mà mình vẫn chưa lật ngược được lần nào.”

Một động tác kết thúc, thầy giáo bắt đầu dạy động tác tiếp theo. Công bằng mà nói, theo quan điểm của một người tập chưa chuyên như Vương Thuật, bước phân tích động tác này không khác mấy so với động tác trước, vẫn là lật cổ tay, kéo tay bước tới, quét chân hoặc quét đầu gối. Và Vương Thuật vẫn lặp lại sai lầm trước đó. Lý Sơ đứng thẳng như cây giáo, dù cô có tấn công bất ngờ – hay còn gọi là tấn công hèn nhát, cũng không thể lay chuyển trọng tâm của anh chút nào. Bị thất bại liên tiếp, sự kiên nhẫn của Vương Thuật dần dần cạn kiệt.

“… Anh cố tình phải không?” Sau lần thứ tư bị giẫm vào mu bàn chân, Lý Sơ đau đớn cúi xuống, cuối cùng cũng nhận ra sự tình.

Vương Thuật im lặng một lát, rồi đưa tay nhẹ nhàng phủi mu bàn chân của anh, sau đó thành thật nói: “Thông cảm nhé, không đánh lại được, tức lắm.”

“…” Lý Sơ không biết nên giận hay cười.

“Ơ? Sao vậy, chân của anh còn trắng hơn chân của em?” Vương Thuật nhìn chằm chằm vào mu bàn chân của Lý Sơ, đột nhiên như phát hiện ra một điều mới mẻ. Không chỉ trắng, mà còn thon dài, trắng trẻo, xương thịt cân đối, mắt cá chân cũng rất đẹp.

“Tan học rồi tan học rồi.” Lý Sơ bực bội đẩy cô ra rồi đứng dậy.

4.

Sau khi Thành Huệ và Giang Vân Tập bàn bạc, họ đã quyết định tổ chức đám cưới vào cuối tháng Sáu. Vì cả hai gia đình họ Thành và Giang đều quan tâm đến thể diện, nên họ đồng lòng quyết định tổ chức đám cưới càng hoành tráng càng tốt. Nhất định phải làm sao để Lý Đạo Phi lăng nhăng và gia đình ông đi đâu cũng nghe được tin tức về vợ cũ/con dâu cũ của họ đang tái giá rực rỡ.

Do đó, Thành Huệ bận rộn lo liệu cho các công việc nhỏ nhặt liên quan đến đám cưới theo yêu cầu của hai bên gia đình, dần dần không còn thường xuyên ở nhà. Liên tục hai tuần liền, Thành Nguyệt không thể nói chuyện đàng hoàng với mẹ, thậm chí mấy ngày gần đây còn không gặp mặt, dẫn đến sự phản kháng nảy sinh trong lòng, thế nên cậu quyết định bỏ nhà đi bụi.

Lý Sơ nhận ra Thành Nguyệt mất tích sau giờ tan học của học sinh tiểu học hai tiếng đồng hồ.

Lúc đó, anh đang nghe bài giảng của một giáo sư, người sáng lập ra Liên Thạch, cũng là cựu sinh viên của trường Công Nghệ G ba mươi năm trước. Khi đang ghi chú trên laptop, anh tiện tay mở camera lắp ở nhà. Người giúp việc đã rời đi sau khi nấu xong bữa ăn, còn Thành Nguyệt, người đáng lẽ ra đang ăn cơm hoặc chơi game trong phòng khách hay phòng làm việc, lại không thấy đâu. Anh nhíu mày, gọi điện thoại cho Thành Nguyệt qua đồng hồ điện thoại và điện thoại di động nhưng không có ai trả lời.

Lý Sơ rời khỏi lớp và gọi điện thoại cho Thành Huệ.

“Mẹ, Thành Nguyệt có ở cửa hàng của mẹ không?”

“Không có. Sao lại hỏi vậy? Con quên mẹ đang ở Thành phố Điền à?”

“Không phải sáng nay mẹ về rồi sao?”

“Quên nói với con, mẹ với chú đã đổi chuyến bay rồi, bây giờ đang chuẩn bị ra sân bay, chắc phải đến rạng sáng mới về đến nhà. Chú Giang đã lâu không gặp bạn, bạn chú ấy mời đến thăm vườn nho của chú đó nên chú với mẹ ở lại thêm một ngày. Thành Nguyệt làm sao? Nó không ở nhà à?”

Lý Sơ quay lại nhờ lớp trưởng đang ngồi trước cửa lớp thu dọn máy tính giúp, rồi vừa xuống cầu thang, vừa thành thật trả lời.



Mặc dù Lý Sơ đã trấn an Thành Huệ rằng Thành Nguyệtcó thể đã đến nhà bạn, nhưng trong vòng hai tiếng đồng hồ sau đó, Thành Huệ vẫn gọi sáu cuộc điện thoại để hỏi xem đã tìm thấy Thành Nguyệt chưa. Cuộc điện thoại cuối cùng, Thành Huệ gọi từ sân bay, cho biết bà vừa liên lạc với Lý Đạo Phi, người này khẳng định rằng ông đã gần nửa tháng không gặp Thành Nguyệt.

– Lý Sơ đã tìm kiếm ở nhiều nơi và gọi hơn chục cuộc điện thoại, nhưng lại quên mất việc hỏi Lý Đạo Phi.

“Đã chín giờ rồi, một đứa trẻ tiểu học có thể đi đâu được chứ?” Giọng Thành Huệ lo lắng qua điện thoại, xen lẫn với tiếng phát thanh ở sân bay, “… Không phải bị người ta bắt cóc rồi chứ?”

“Mẹ đừng suy nghĩ lung tung, tuyệt đối không phải, nếu nó bị bắt cóc thì làm sao điện thoại và đồng hồ điện thoại của nó còn kết nối được? Mẹ yên tâm tắt máy lên máy bay, lát nữa con tìm thấy nó sẽ nhắn tin cho mẹ, khi hạ cánh mở máy là mẹ sẽ thấy ngay.”

Lý Sơ nhíu mày lo lắng, nhưng giọng nói với Thành Huệ lại không lộ chút tiêu cực nào.

Thành Huệ cảm thấy lời của Lý Sơ có lý và miễn cưỡng bị thuyết phục.

Giang Vân Tập cầm lấy điện thoại nói: “Lý Sơ, cháu thử ra gần các tiệm game mà tìm xem. Lần trước khi ăn cơm, Nguyệt Nguyệt đã khoe với chú về số lượng xu nó thắng được trong game, đầy một hộp. Đứa trẻ ở độ tuổi này rất dễ vì trò chơi thú vị mà quên đường về nhà.”

“Nếu như chú quan tâm đến con của mẹ dù chỉ một chút trong lúc lo lắng cho vợ sắp cưới của mình, thì chú sẽ biết rằng Thành Nguyệt không phải là một đứa trẻ như vậy.” Lý Sơ không hài lòng nghĩ thầm, nhưng miệng lại nói: “Ừ, cháu biết rồi.”

Một giờ sau, Lý Sơ tìm thấy Thành Nguyệt tại một bàn cờ dưới chân cầu gần nhà.

Lý Sơ nhìn thấy Thành Nguyệt từ xa, anh nhắn tin cho Thành Huệ và Lý Đạo Phi, rồi lạnh lùng tiến lại gần.

Thành Nguyệt đang chống cằm, chăm chú xem hai ông lão đánh cờ. Hai ông lão dường như đã nhận ra rằng đây là một đứa trẻ bỏ nhà đi nên cố tình đánh kéo dài đến tận lúc này để chờ người nhà đến đón. Dù Thành Nguyệt không còn nhỏ, nhưng vì gầy gò và có khuôn mặt trẻ con, nên mọi người thường nhầm lẫn mà đối xử với cậu như một đứa trẻ học lớp hai hoặc lớp ba.

“Em xem đã mấy giờ rồi, sao tan học không về nhà?”

Lý Sơ đứng trên cao, kiềm chế cơn giận mà hỏi Thành Nguyệt.

Dưới ánh đèn đường mờ ảo, Thành Nguyệt ngước lên nhìn Lý Sơ với đôi mắt ngơ ngác, hàng mi dài và rậm như hai chiếc quạt nhỏ, không ngừng chớp lên rồi lại hạ xuống, vô cùng ngây thơ. Cậu đỏ mặt, lặng lẽ không đáp lời.

Hai ông lão đang thu dọn bàn cờ không thể nhịn cười. Đứa trẻ tiểu học này thật thú vị. Trước khi người nhà đến, nó luôn tỏ ra quan trọng khi ngồi trước bàn cờ của họ. “Sĩ không được tiến vội, Tốt không nên đi liều, Quân không nên bỏ, ngay từ đầu cháu đã nhắc ông rồi, sao ông không nghe cơ chứ?”

“Thủ trong công, công trong thủ, ông phải thủ đấy ông ơi, cách chơi của ông chẳng linh hoạt chút nào!”

“Gặp sát chớ vội, thúc ép cần gấp, đừng nương tay, đừng nương tay!”… Câu “đừng nương tay” vang dội vẫn còn văng vẳng trong không khí ẩm ướt của đêm hè. Đứa trẻ tiểu học nhìn thấy chàng thanh niên với khuôn mặt nghiêm nghị đang tiến tới từ xa, lập tức im lặng như bị nuốt mất lưỡi.

“Bạn chơi cờ, có dịp chúng ta đấu với nhau một ván.”

“Bạn chơi cờ, về nhà ăn cơm đi.”

Hai ông lão mỗi người mang theo chiếc ghế nhỏ, vừa đi vừa nghêu ngao hát, người trước người sau rời đi.



Lý Sơ nhét tay vào túi quần, cau mày nhìn Thành Nguyệt, “Anh hỏi em đấy, tan học sao không về nhà?”

“Mẹ về chưa?” Thành Nguyệt hỏi bằng giọng nhỏ xíu.

“Anh hỏi em tan học sao không về nhà!” Sắc mặt Lý Sơ lại tối đi chút nữa.

Thành Nguyệt nâng giọng một chút và lại hỏi: “Mẹ về chưa?”

Thay vì nói là hỏi, gần như có thể nói là hét lên, và ngay khi hét xong, mắt và đầu mũi cậu đã đỏ, khóe miệng cũng đáng thương sụp xuống. Khi thấy ánh mắt Lý Sơ thoáng do dự, cậu đã biết câu trả lời.

Lý Sơ cảnh cáo: “Em nuốt nước mắt vào trong đi, em là trẻ lên ba à?”

Nước mắt Thành Nguyệt tuôn trào, cậu giận dữ lớn tiếng: “Mẹ nói là mười giờ sáng nay sẽ về, nhưng em về nhà mà mẹ vẫn chưa có ở đó! Ngày nào em cũng về nhà mà mẹ chẳng có ở nhà!”

Lý Sơ bình tĩnh đáp: “Mẹ có việc của mình phải làm. Mẹ đang ở trên máy bay, sẽ sớm về nhà thôi.”

Thành Nguyệt ấm ức quệt nước mắt bằng cánh tay, sau khi nấc lên nhiều lần, cậu thốt ra một câu gãy gọn: “Em không muốn mẹ kết hôn với chú ấy nữa.”

Khi Giang Vân Tập vừa mới bước vào cuộc sống của họ, Thành Nguyệt rất hào hứng và vui mừng. Cậu vốn là một đứa trẻ ngốc nghếch không suy nghĩ nhiều, cộng thêm lúc đó còn nhỏ tuổi, cậu đơn giản nghĩ rằng có thêm một chú trong nhà thì thật là vui và náo nhiệt. Hơn nữa, chú Giang này lại rất hào phóng. Những thứ cậu không thể nài nỉ mẹ mua cho mình, chú Giang lặng lẽ đặt trên bàn mà không nói lời nào.

Nhưng qua một thời gian, Thành Nguyệt dần dần hiểu ra sự thật. Mặc dù chú Giang rất dễ nói chuyện và kiên nhẫn, nhưng thực tế chú ấy không hề để cậu vào mắt. Trong mắt chú Giang chỉ có mỗi mẹ của cậu, và sự hiện diện của người khác đối với chú ấy chỉ là những “chướng ngại vật” mà chú phải đối phó.

Khi nhận ra sự thật tàn nhẫn này, Thành Nguyệt kinh ngạc phát hiện ra rằng mẹ đã rất lâu không còn đưa cậu ra công viên để luyện trượt ván, dẫn cậu đi thư viện đọc sách, hay thực hiện lời hứa mỗi tháng đi thăm thủy cung một lần… Thỉnh thoảng khi cậu gây sự và giành được sự an ủi cùng sự đồng hành của mẹ, chú Giang luôn có cách, một cách vô tình hoặc hữu ý, để nhanh chóng lôi kéo sự chú ý của mẹ đi chỗ khác.

Lý Sơ quay đầu lại, trong làn không khí mang vị mặn sau cơn mưa, anh hiện lên một nụ cười bất lực.