Thằng Dím

Chương 4: Dím ngày xưa

Thằng Dím – Tác Giả Trường Lê.

Chap 4 : Dím Ngày Xưa.

Qua câu chuyện ông Kha kể tôi còn biết được một số thứ mà dám chắc kể cả những người sống lâu năm ở đây cũng không biết. Đó là quá khứ của Dím trước khi tai họa giáng xuống gia đình. Ông Kha kể về cậu con trai trước khi bị điên bằng một giọng hào hức , mắt ông sáng lên những ti hi vọng. Có …lẽ với ông Kha bây giờ những kỷ niệm , những hình ảnh của Dím từ lúc nhỏ đến lúc còn đi học chính là những thứ quý giá , thiêng liêng nhất. Tôi ngồi nghe mà cũng thấy ấm lòng trong một khoảnh khắc , có thể suy nghĩ của một thằng thanh niên lúc bấy giờ như tôi là hơi già so với độ tuổi. Nhưng tôi nhận ra , trong cuộc sống này không ai có thể biết ngày mai ra sao , bản thân chúng ta hoặc những người xung quanh có thể sẽ bị số phận xoay chuyển bất cứ lúc nào. Ví dụ về Dím chính là một điển hình cho khái niệm đó.

Ông Kha nói :

— Tao với mẹ nó quen nhau trong một lần tao lên Lạng Sơn chơi . Mẹ nó không phải người ở đây….Nhưng bà ấy tốt tính mà chăm chỉ lắm , bố mẹ tao cũng mất sớm , mất trước khi tao kịp lấy vợ….Nhà có hai chị em thì bà chị tao cũng lấy chồng ở xa , thành ra cưới treo nó cũng đơn giản. Cái nhà này là nhà bố mẹ để lại , lấy nhau về là hai vợ chồng tu chí làm ăn . Lúc tao mở cái chỗ sửa xe này ở đây còn chưa ai làm , thế rồi sinh ra nó…Lúc mới đẻ ra nó da nó trắng hồng nhìn thích mắt lắm. Hàng xóm còn trêu là do vợ chồng tao uống nước từ trong lòng núi lên đẻ con đẹp. Mỗi ngày nhìn nó lớn lên từng chút , từng chút cảm giác như trong tay mình đang sở hữu báu vật ấy….Ha ha ha tao nói có khi mày cũng không hiểu được đâu , cũng phải thôi , còn trẻ quá mà….Cái này chỉ có ai từng làm cha , làm mẹ thì mới hiểu được.

Tôi cười gượng :

— Dạ đúng rồi , lắm lúc cháu bị bố mẹ chửi cũng cãi lại thì mẹ cháu bảo sau này có con mày tự khắc sẽ biết.

Ông Kha gật gù :

— Bố mẹ nào mà chẳng thương con , tao muốn đẻ thêm nhưng vợ nó bảo nhà cũng không dư dả , cứ nuôi con nó lớn rồi tính sau. Tập trung chăm sóc cho nó cái đã , cái tên Quốc Anh là tao phải nghĩ ba ngày mới ra được đấy. Mà nghĩ cũng buồn cười , ai cũng nói tên đẹp , với mỹ miều….Nhưng cái tên đấy là tao nghe trên đài , hôm đó người ta đọc cái gì mà Đế Quốc Anh , rồi họ bảo nó mạnh , với phát triển….Thế là tao lấy hai từ Quốc Anh đặt cho con với hi vọng sau này con nó cũng mạnh mẽ như cái Đế Quốc Anh kia.

Tôi nghe ông Kha giải thích về cái tên của Dím mà cũng suýt chút nữa phì cười. Người đàn ông khốn khổ này quả thực là người vô cùng đơn giản , trong con người ông chứa đựng sự mộc mạc , giản dị đến lạ thường. Buồn thì khóc , vui thì cười…Ông Kha tiếp :

— Mà nó học giỏi lắm nhé , cái hồi ấy trường lớp nó không phân biệt được nhiều cấp như bây giờ đâu. Tao nhớ không nhầm đứa nào học giỏi thì cũng chỉ học được đến lớp 7 , ấy vậy mà thằng Quốc Anh nó học lên tận đến lớp 8 . Đến năm lớp 9 sau khi mẹ mất nó mới bỏ học . Tao không nói điêu đâu , năm nào nó cũng được cô giáo viết giấy khen mà lại…

Nhìn vẻ mặt của tôi ông Kha sợ tôi không tin , ông đứng bật dậy rồi chạy thẳng vào trong nhà lấy ra một chiếc hộp sắt . Cái hộp được sơn màu xanh nhạt , có cả ổ khóa đàng hoàng . Nhìn mọi thứ bên trong luộm thuộm , bẩn thỉu bao nhiêu thì cái hộp dường như lại được bảo vệ kỹ bấy nhiêu. Ông Kha lấy chìa khóa định mở thì bất chợt ông dừng lại như vừa sực nhớ ra điều gì :

— Ấy chết , quên mất….Tay toàn dầu mỡ dính thế này phải rửa đã.

Ngay lập tức ông ra cái chậu nước sạch , có lẽ đó là chậu nước dùng để nhúng săm xe đạp để phát hiện lỗ thủng . Ông cẩn thận dùng cả xà phòng rửa tay , lau khô tay sạch sẽ ông mới mở khóa chiếc hộp .

— Phù….phù….phù…

Ông Kha thổi bụi trên mặt chiếc ghế gỗ rồi nhẹ nhàng từng chút một lấy ra những tờ giấy khen đã cũ , nhưng không hề có một nếp gấp , một gợn rách. Trên những tờ giấy khen tôi thấy rõ cái tên Hoàng Quốc Anh , học sinh giỏi , có cái là học sinh khá…Quả thực ông Kha không hề nói dối về thành tích học tập của Dím . Ông Kha nhìn tôi ra vẻ hãnh diện :

— Thấy chưa , nó thông minh lắm….Cái ngày ấy đi học đã là một chuyện lớn , mà học để được khen thì không phải ai cũng làm được đâu . Nó ngoan lắm , học về là lại ra phụ bố sửa xe . Nhìn nó ngày ấy tao cũng nghĩ giống mẹ nó không đẻ thêm nữa , ông trời đã cho mình đứa con như thế là đủ rồi..

Tôi cẩn thận trả lại ông Kha những tờ giấy khen , ngó qua trong hộp tôi còn thấy có một vài tấm ảnh đã nhòe . Ông Kha đáp :

— Ảnh của mẹ nó với nó ngày xưa đấy…

Tôi đáp :

— Cho cháu xem được không..?

Ông Kha nhón tay lấy ra hai tấm ảnh , một cái là chụp Dím lúc mới sinh , ảnh đen trắng. Còn cái kia là chụp Dím với mẹ , lúc này Dím đã lớn…Có lẽ đang học lớp 8 , ảnh có màu.

Ông Kha chỉ vào tấm ảnh màu rồi nói :

— Cái này là nó chụp với mẹ nó trước hôm tai nạn xảy ra 1 tháng .

Tôi nhìn ảnh của Dím ngày xưa mới thấy những lời mà bà bán nước mía nói quả thật không sai . Dím lúc đó nhìn rất hiền , gương mặt sáng , chụp với mẹ Dím đang nở một cụ cười khá tươi. Không thể nhận ra cậu học sinh sáng sủa , thông minh ngày nào hiện giờ lại là một kẻ điên đi lang thang khắp các con đường , góc chợ .

Nhưng tôi thấy lạ một điều , trong chiếc hộp đó chỉ có những kỷ vật của Dím được ông Kha lưu giữ , có cả hình mẹ Dím với Dím….Nhưng không có một bức hình có mặt của ông Kha. Tôi đánh liều hỏi :

— Sao cháu không thấy ảnh của ông với anh Dím vậy..?

Ông Kha ngẩn mặt , nhưng ông vội cười . Tôi biết ông Kha che giấu cảm xúc cực kỳ tồi. Ông không thể giấu được vẻ mặt buồn bã của mình , nhưng có lẽ đã quá chai sạn nên ông trả lời tôi :

— Thì đấy , ban nãy tao chẳng nói nó trách tao là vì tao mà mẹ nó chết. Sau khi nó bỏ học thì bắt đầu đàn đúm bạn bè , tụ tập hút chích…Nó về nhà là nó nhìn tao bằng ánh mắt căm thù, nó đốt , nó xé hết những bức ảnh chụp chung với tao , hay những bức ảnh mà tao chụp chung với mẹ nó….Nó chỉ để lại vài cái của mẹ nó chụp với nó. Đau đớn lắm mà biết làm sao , vì nó đúng….Nếu hôm ấy tao không thèm uống rượu thì mẹ nó đã ở nhà ăn cơm với nó , không phải chết. Rồi cứ thế, nó nghiện ngày càng nặng , nó không còn coi tao là bố , mỗi lần lên cơn không có thuốc là nó đập phá đồ đạc, nó chửi tao. Nó bảo chỉ có mẹ nó là thương nó , còn tao giết mẹ nó rồi muốn giết cả nó.

Nói đến đây ông Kha thở dài thườn thượt , niềm vui khi nhắc đến đứa con ban nãy đã biến đi đâu mất. Ông Kha cẩn thận vuốt lại từng mép giấy , từng bức ảnh , cẩn thận xếp vào trong hộp rồi nhẹ nhàng đậy nắp , khóa hộp lại đem cất đi. Nhìn ông Kha tự nhiên tôi lại thấy trách Dím , tại sao Dím lại có thể đổ lỗi cho bố của mình . Nhìn ông Kha tội nghiệp ngày ngày sống với nỗi đau dằn vặt từ cái chết của vợ, rồi ngay cả đứa con điên khùng tôi thấy người đàn ông này đã quá nghị lực , đôi vai gầy gò kia chẳng hiểu làm cách nào mà đến bây giờ vẫn có thể gồng gánh mọi thứ . Nhưng chính ông Kha đã cho tôi câu trả lời , nhìn cái cách mà ông nâng niu những thứ thuộc về Dím thì tôi hiểu chính Dím là động lực để ông có thêm nghị lực sống.

Một câu nói quen thuộc của người đời : Chỉ có con cái là bỏ bố mẹ chứ chẳng có bố mẹ nào lại đang tâm từ bỏ con mình.

Câu chuyện chỉ xoay quanh Dím điên nhưng lại cho tôi quá nhiều bài học về những thứ trong cuộc sống mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ tôi có thể hiểu được. Ông Kha quay trở ra với một cái má phanh , ông nói :

— Để ông thay cho cái má phanh sau , mòn hết rồi….Yên tâm cái này ông không tính tiền đâu. Hôm nay gặp mày ông lại thấy vui lạ thường…Tưởng ban đầu chỉ nói chuyện với thằng ranh con, ai dè lại bị nó nói trúng tim đen. Mày cứ ngồi đây có khi người ta cũng bảo mày điên đấy , nhà tao toàn người điên mà…ha ha ha.

Tôi vừa cười vừa lắc đầu , tôi hỏi :

— Mà sao người ta lại gọi ông là Kha điên , cháu thấy ông có làm sao đâu..?

Ông Kha vừa làm vừa trả lời :

— Con bị điên thì chúng nó cũng vu cho bố điên luôn , mà tao cũng không nhớ tại sao người ta gọi tao là Kha điên nữa. Chắc có lẽ là do cái lần thằng Dím nó bị đánh , đúng rồi , hôm đó tao điên thật…..Tao điên đến mức tao còn cầm dao đuổi hai thằng đánh thằng Dím chạy hẳn vào đồn công an cơ mà….

Tôi tròn mắt ngạc nhiên :

— Anh Dím bị đánh , mà sao lại bị đánh ạ…? Ông kể tiếp được không..?

“ Cạch….Cạch…Két…két..”

Tiếng tháo ra , lắp vào của các bộ phận chiếc xe , ông Kha miệt mài làm việc nhưng cũng không quên đáp lại tôi :

— À…..thì chuyện nó như này…..Mẹ kiếp , cái xe này chắc để không cũng mấy năm rồi , rỉ sét hết cả…tháo….ra….khó quá…….