Phượng Hoàng

Chương 60

Quyển 2 - Chương 36: Định quốc Tướng quân
Lật cuốn sách Quốc sư đưa, ta chau mày. Là sách viết tay của những công chúa ở vị trí Định quốc tướng quân các triều trước. Không chỉ có giấy mà còn có vải, mực đen xen với máu, những trang giấy úa vàng lấm tấm máu khô. Từng dòng chữ thấm đẫm máu và sát khí, những nuối tiếc chưa thực hiện, những mộng ước chưa hoàn thành, những tình cảm giang dở đều được viết ra.

Những trận chiến trải dài khắp Nghi quốc, từng thành trì bị chiếm đóng, những kẻ thù không đội trời chung, từng binh lính ngã xuống, máu đổ xây thành, mở mang bờ cõi.

“Ta biết bản thân không còn sống được bao lâu nữa, Vân Thành vẫn chưa công phá được, tên khốn kiếp Thường Tín vẫn còn sống. Ta không cam tâm, dù có chết ta cũng phải chặt đầu hắn xuống, trả thù cho phu quân mình. Ta quyết định sáng mai tập kích Vân Thành, dùng mạng mình và thân binh làm mồi nhử, thu hút sự chú ý của địch về phía nam, cho quân chủ lực tấn công phía bắc. Dù ta có chết đi cũng không thẹn với tổ tiên Phượng gia, cũng không thẹn với bách tính Nghi quốc.

Phượng Hà.”

Phượng Hà là Định quốc tướng quân thời vua Bình Nhạn, vị vua thứ sáu mươi của Nghi quốc. Nàng mất năm mười tám tuổi, trong trận chiến mở rộng bờ cõi Nghi quốc. Nhờ nàng, Nghi quốc có thêm được ba thành trì, trong đó có Vân Thành, nơi tử trận của nàng.

“Địch quá mạnh, ta không chắc mình có thể tiếp tục được không. Quân lương không tới kịp. Chúng ta đã thủ trong Vịnh Thành hơn một tháng, quân tình khó khăn, lòng quân rối loạn. Nếu tiếp tục thế này, quân kỷ không thể giữ vững, không bằng mở thành, đấu một trận sống còn, kéo dài thời gian cho nhóm Lệ Nương mang dân chúng chạy trốn. Ta cũng không có gì hối tiếc, chỉ là đứa bé trong bụng này…”

Là di ngôn của Phượng Lam, Định quốc tướng quân triều vua Hoàng Lễ, vua thứ năm mươi sáu của Nghi quốc. Nàng mất năm mười sáu tuổi, tử thủ Vịnh thành chống quân Định Thành quốc, giúp cho dân chúng Vịnh Thành sống sót dưới móng ngựa của quân thù. Phu quân nàng sau khi nhận tin, đã uống thuốc tự sát trước di hài, cùng nàng hạ táng trong núi Phượng Hoàng.

“Nghi quốc lâm nguy, ta theo lệnh mang quân lên phía Bắc dẹp loạn. Nhưng triều đình đã đánh giá thấp chúng, ta cũng vì khinh địch nên mới khiến quân đội rơi vào tình trạng nguy cấp. Quân lương đã hết, binh lính chỉ còn hơn một ngàn quân, bốn trăm người bị thương nặng. Kẹt giữa núi rừng hoang vu, đợi chờ chúng ta chỉ còn một con đường chết. Ta hôm nay lập một trận địa, dẫn dụ quân thù vào bên trong, cùng chết với chúng, giữ vững bình yên cho Nghi quốc, Phượng Hồng ta cũng không nhục mệnh với Tiên hoàng. Hậu nhân của ta sau này, hy vọng có thể sử dụng trận địa này giữa yên bình cho Nghi quốc.

Phượng Hồng di bút.”

Bên dưới có vẽ một trận đồ, có ghi chi tiết cách lập cũng như phá giải, thậm chí còn phương hướng phát triển, địa hình có thể lập, cách biến hoá. Phần chữ viết có vẻ lộn xộn nhưng phần trận đồ lại chi tiết, rõ ràng. Có những chỗ khác màu, là nàng dùng máu thay mực vẽ nên, hoàn thành trận đồ đã gϊếŧ chết mình cùng mười vạn quân địch.

“Phượng Hoàn ta hôm nay phải chôn thây nơi xứ người, không có gì oán hận. Tất cả là quả ta phải gặt, giá ta phải trả cho những oan hồn chết dưới lưỡi kiếm của ta. Những món nợ ta gánh, những sinh mạng ta gϊếŧ nhiều đến mức ta không thể nhớ nổi. Ta rửa tay trong máu đỏ của những người xa lạ, không thù oán, thậm chí còn không nhớ mặt, tất cả đều là vì Nghi quốc. Ta tự hỏi, vì cái gì, ta vì Nghi quốc trở thành một con quỷ khát máu, một kẻ mất nhân tính như vậy cuối cùng nhận lại được cái gì? Bất kể ai cầm được cuốn sách này, đều phải đi con đường ta đang đi, tắm máu của bách tính Nghi quốc để giữ gìn cái mà chúng ta gọi là yên ổn, là sự trị vì trường tồn của Phượng gia. Ta hận, ta hận sinh ra là con cháu Phượng gia, hận mình còn sống sót, hận mình trở thành Định quốc tướng quân, hận bàn tay nhuộm đỏ máu của mình…”

Bên dưới là một mảng màu đen, loang lổ. Chữ hoà vào máu, không thể nhận ra.

“Định Thành quốc lần này đến là có chuẩn bị, Nghi quốc có thể thủ thắng nhưng ta sẽ không về được nữa. Ta không trách trời, cũng không oán đất, tất cả là do ta quá chủ quan mới khiến hai vạn quân cùng chôn với mình. Nhưng chúng ta sẽ không chết vô ích, ít nhất phía sau chúng ta, Nghi quốc vẫn còn bình an, bách tính vẫn có thể vui vẻ đón nguyên tiêu. Ta từng hẹn với một người, sau nguyên tiêu sẽ mang sính lễ đến đón hắn, cùng sinh con dưỡng cái, vui hưởng cảnh điền viên. Lần này, xem ra phải làm kẻ bội tín. Phía dưới ta có vẽ vài thực vật có thể làm quân lương sau này, hy vọng hậu nhân của ta có thể đọc được.

Phượng Điệp di bút”

Xen kẽ những di bút của các công chúa đời trước là rất nhiều binh kế, chính sách quản lý quân đội, địa hình đặc trưng và phương pháp hành quân ở các thành trì. Thậm chí có vẽ tỉ mỉ nhiều loại vũ khí tương ứng với tác chiến đường dài và khí hậu đặc trưng từng vùng, cách phòng chống bệnh và quản lý quân lương.

Nghi quốc có hai mươi mốt thành trì, mỗi thành nhuộm máu ít nhất của hai công chúa ở vị trí Định quốc tướng quân. Khác nhau là triều đại, là số tuổi. Giống nhau là đều chết trên chiến trường, đều mang nuối tiếc xuống suối vàng, đều chưa vượt qua tuổi hai mươi.

Chế độ cai trị của Nghi quốc thật ra rất đơn giản. Hoàng đế là người đứng đầu, một tay cầm thanh kiếm, một tay cầm tấm khiên. Định quốc tướng quân là kiếm, gϊếŧ những kẻ phản loạn, chống đối, có suy nghĩ không phục tùng. Quốc sư là là tấm khiên mê hoặc dân chúng, vẽ ra sắc màu huyền bí của con cháu hoàng tộc, che kín những giọt máu Phượng gia ngã xuống, dùng xương của mình giữ vững chiếc ngai vàng trên cao.