Lão gia nhà họ Hà năm nay đã 35 tuổi. Trước đây, gia đình hắn chỉ sinh được sáu cô con gái, điều này đã trở thành nỗi lo lắng lớn nhất của hắn.
Vào đầu năm nay, vợ hắn được chuẩn đoán ra lại mang thai, và triệu chứng lần này có vẻ khác biệt hơn so với những lần trước: ngoài việc thèm chua, vẫn là thèm chua.
Điều này làm lão gia họ Hà vui mừng khôn xiết, ngay lập tức đứng trước tượng Tống Tử nương nương hứa rằng: “Nếu lần này sinh được con trai, nhất định sẽ rải ba sọt tiền để bố thí.”
Vì vậy, khi Lâm Tam Trụ chạy đến trước cổng nhà họ Hà, trước mắt hắn là ba sọt tiền đồng đầy ắp, bên ngoài sọt còn được quấn quanh bằng lụa đỏ, trông rất rực rỡ và vui mừng.
Quản gia nhà họ Hà cũng không nói nhiều, khi giờ lành vừa đến, ông liền ra hiệu cho gia đinh cùng nhau rải tiền. Những đồng tiền vàng sáng bóng rơi xuống như mưa.
Cảnh tượng như vậy, Lâm Tam Trụ chưa từng gặp bao giờ, nên lúc đầu hắn chưa quen tay. Mỗi lần cúi xuống nhặt thì lại ngược với hướng gia đinh tung tiền. Kết quả là, khi hơn một nửa số tiền trong sọt đã rơi xuống đất, hắn chỉ nhặt được bốn đồng.
May mắn thay, trước sức hấp dẫn của đồng tiền, tiềm năng con người luôn vô hạn. Thấy gia đinh lại tung một nắm tiền về phía mình, Lâm Tam Trụ lập tức đổi chiến thuật. Thay vì cúi xuống nhặt, hắn nằm bẹp xuống đất, dùng bụng che lại những đồng tiền vừa rơi.
Những người xung quanh không biết rằng Lâm Tam Trụ đã thay đổi chiến thuật nhặt tiền, chỉ nghĩ rằng hắn bị ngã do giành tiền quá hăng hái, nên họ sợ hãi tránh xa, không muốn bị liên lụy.
Điều này vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho Lâm Tam Trụ, hắn nhanh chóng đưa tay xuống bụng sờ nhặt từng đồng tiền, một, hai, ba... Khi nhặt đến đồng thứ chín, khóe miệng hắn đã không nhịn được mà nở một nụ cười rạng rỡ đến tận mang tai.
Cuối cùng, sau những lần nằm sấp này, Lâm Tam Trụ đã gom được tổng cộng hai mươi ba đồng tiền, cộng thêm bốn đồng đã cướp trước đó, lần này hắn thu được hai mươi bảy đồng.
Lâm Tam Trụ phủi sạch bụi bẩn trên người, cảm thấy dù thân mình vẫn còn lấm lem đầy bùn đất, nhưng so với làm ruộng thì việc này vẫn tốt hơn gấp cả ngàn lần. Ha ha, hôm nay đúng là một ngày được lộc trời ban, tiền bạc thật sự từ trên trời rơi xuống!
Khi tiền mừng đã được rải hết, đám đông bắt đầu tản ra dần dần, chỉ còn lại một nhóm ăn mày áo quần rách rưới vẫn đang chờ, trong đó có cả Lâm Tam Trụ. Vừa rồi, hắn chính là nghe được quản gia nhà họ Hà nói lát nữa sẽ phát thêm màn thầu trắng.
Cẩu Tử nhà hắn còn chưa từng được ăn qua thức ăn làm từ bột mì, chứ đừng nói đến loại bánh màn thầu lớn như thế này. Hôm nay, hắn nhất định phải mang vài cái về cho con trai nếm thử.
Đối với người trong trấn, bánh màn thầu trắng chỉ là món ăn bình thường hàng ngày, nên chẳng mấy ai thèm cạnh tranh với đám ăn mày.
Rất nhanh, mười mấy cái l*иg hấp bánh nóng hổi được bưng ra, bên trong là những chiếc bánh màn thầu trắng to bằng nắm tay của một người đàn ông trưởng thành.
Có thể thấy được hôm nay nhà họ Hà là vui mừng đến nhường nào khi có được quý tử.
Nhóm ăn mày xếp thành hàng dài dưới sự chỉ huy của gia đinh, mỗi người đều chuẩn bị sẵn đồ để nhận bánh: người thì cầm chén, kẻ dẫn theo giỏ tre nhỏ, thậm chí có người chỉ đơn giản là nhấc vạt áo lên để gói bánh mang về.
Còn Lâm Tam Trụ, trong lúc chờ đợi màn thầu mang ra, đã lặng lẽ mở sẵn chiếc tay nải bằng vải thô của mình để đựng bánh, còn số tiền xu vừa nhặt đã được hắn giấu kỹ trong người.
Quản gia nhà họ Hà đếm sơ qua số lượng ăn mày rồi so sánh với số màn thầu, cuối cùng quyết định mỗi người sẽ được phát bốn cái. Nhận được màn thầu, nhóm ăn mày ai nấy đều vui vẻ cười toe toét, miệng không ngớt lời cảm tạ.
Lâm Tam Trụ đứng giữa hàng, chẳng mấy chốc đã đến lượt hắn. Quản gia nhà họ Hà mỗi tay cầm hai cái màn thầu đưa tới, Lâm Tam Trụ nhanh chóng mở tay nải ra đón lấy, “Cảm ơn lão gia, cảm ơn lão gia!”.
Khi nhìn thấy bốn cái màn thầu trắng tròn mập mạp, Lâm Tam Trụ không kìm được xúc động mà nói thêm một câu, “Công tử Hà phủ sau này chắc chắn sẽ làm quan lớn.”
Trong mắt Lâm Tam Trụ, đây là lời chúc phúc tốt đẹp nhất mà hắn có thể nghĩ ra. Người ta đã tặng hắn nhiều màn thầu như vậy, hắn cần phải bày tỏ lòng biết ơn. Nghe thấy lời chúc phúc này, quản gia nhà họ Hà ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó nở nụ cười đầy vui mừng.
Cả gia đình ông đều làm việc cho nhà họ Hà, nên ông rất mong muốn lão gia nhà mình ngày càng tốt đẹp hơn, nhà họ Hà ngày càng thịnh vượng hơn. Vì vậy, lời của người ăn mày này thật sự rất hợp ý ông.
“Chờ một chút!” Quản gia nhà họ Hà gọi Lâm Tam Trụ lại, trước ánh mắt kinh ngạc của mọi người, ông lại lấy thêm tám cái màn thầu nữa bỏ vào tay nải của Lâm Tam Trụ.
Nhóm ăn mày nhìn thấy cảnh này liền hiểu rõ, bởi vì người kia khéo miệng nên quản gia mới ưu ái thưởng thêm bánh.
Vì vậy, khi Lâm Tam Trụ vừa xách tay nải vừa cười toe toét rời đi, hắn nhanh chóng nghe được phía sau có vô số lời chúc vang lên liên tục:
"Công tử nhà họ Hà sẽ đỗ đầu bảng!"
"Công tử nhà họ Hà sẽ khỏe mạnh an khang!"
"Công tử nhà họ Hà sẽ cưới vợ xinh đẹp!"
"Công tử nhà họ Hà sẽ có đêm tân hôn viên mãn!"
"Công tử nhà họ Hà sẽ sớm sinh quý tử!"
Quản gia Hà: "..."
Đám gia đinh: Cái gì cơ? Đêm tân hôn viên mãn? Sớm sinh quý tử? Làm ơn, tiểu công tử nhà chúng ta còn đang bú sữa đâu!
Lâm Tam Trụ tìm một nơi sạch sẽ dừng lại xếp từng cái bánh cho ngay ngắn rồi buộc chặt tay nải. Như vậy thì sẽ không sợ bánh bị rơi ra ngoài nữa. Ra khỏi cổng Tam Đình, phía trước là đến học viện Trường Đình, học viện lớn nhất ở trấn Hoành Khê, với gần hai trăm học sinh. Hai bên học viện là những trường tư thục nhỏ hơn.
Bởi vì nơi này tụ hội những người có học thức, nên tất nhiên cũng sẽ thu hút không ít ngành nghề liên quan. Chẳng hạn như đối diện học viện có hơn mười tiệm sách, từ sách vỡ lòng, Tứ Thư Ngũ Kinh, đến các loại giấy và bút mực, đều có đủ cả.
Lâm Tam Trụ không biết chữ, cũng không biết tên của các tiệm sách ghi trên bảng hiệu. Hắn sờ soạng mấy chục đồng tiền trong người, chọn đại một tiệm sách có vẻ kém nổi bật nhất rồi bước vào.
Vừa thấy có người vào, chưởng quầy Cao nhanh chóng tiến tới niềm nở chào đón: "Khách quan muốn mua gì ạ?". Mặc dù Lâm Tam Trụ mặc áo bông cũ, nhưng vẻ niềm nở trên mặt chưởng quầy không hề giảm đi chút nào.
Bởi vì tiệm sách khác biệt với các nghề khác, trong mắt chưởng quầy Cao, những ai bước vào tiệm sách đều là người có học, hoặc ít nhất nhà họ cũng có người đi học.
Người xưa có câu “Không thể nhìn người qua vẻ bề ngoài, không thể đong đo nước biển bằng đấu”. Đừng nhìn người ta bây giờ nghèo khó, mặc áo vải ăn cơm rau, biết đâu sau này họ lại vượt lên thành công như "cá chép hóa rồng", trở nên giàu sang phú quý.
Vì vậy, với chưởng quầy Cao, bất kỳ ai bước vào tiệm đều là khách quý, ông không bao giờ tỏ vẻ khinh thường ai cả.
Nghe lời nói thân thiện của đối phương, Lâm Tam Trụ cũng bớt lúng túng, hỏi: "Chưởng quầy, tiệm có cuốn Tam Tự Kinh cho trẻ nhỏ không?". "Khách quan chờ một lát."
Nghe khách muốn mua "Tam Tự Kinh", chưởng quầy Cao lập tức quay lại kệ sách lấy ra một cuốn, "Đây là sách vừa mới lấy về, vẫn còn thơm mùi mực in đâu."
Lâm Tam Trụ chà xát hai tay lên áo bông nhiều lần rồi cẩn thận nhận lấy cuốn sách lật xem. Sách được in trên giấy trắng, chữ đen in đậm rõ nét, nhìn là biết không rẻ. Quả nhiên, vừa hỏi giá thì được báo là hai trăm hai mươi văn, đắt hơn hai mươi văn so với lời tộc trưởng nói.
Lâm Tam Trụ theo bản năng sờ túi tiền rồi hỏi: "Có cuốn nào rẻ hơn không?". Chưởng quầy Cao lại lấy ra một cuốn khác, "Nếu khách muốn, cuốn này tính ngài một trăm văn thôi!" Cuốn mới lấy ra này trông cũ hơn, nhìn chỉ còn mới khoảng sáu phần, chắc đã để lâu rồi.
Lâm Tam Trụ mở sách ra xem, so với quyển trước thì quyển 《 Tam Tự Kinh 》này tuy cũ hơn nhiều nhưng không bị thiếu trang, cũng không mất phần nào, đúng là thứ mình cần. Nhưng mà, một trăm văn hắn cũng không mua nổi.
Lâm Tam Trụ hai tai nóng bừng, hỏi lại, "Chưởng quầy, còn cuốn nào càng rẻ hơn không?" Nhìn thấy vẻ bối rối của khách, chưởng quầy Cao hiểu ý, liền gọi một tiểu nhị trông cửa tiệm, rồi tự mình đứng dậy đi vào kho lấy sách.
Khoảng chừng uống nửa chén trà nhỏ thời gian trôi qua, chưởng quầy Cao bưng ra một chồng sách. “Những cuốn này để quên không phơi nắng, mới phát hiện ra bị sâu mọt ăn vài ngày trước, thật đáng tiếc. Khách quan cứ chọn thử xem, nếu dùng được, tôi tính cho ba mươi văn một cuốn."
Nghe thấy chỉ 30 văn, Lâm Tam Trụ vui mừng, vội vàng đón lấy sách và lật xem ngay. Tuy nhiên, sau khi lật qua vài quyển, hắn không khỏi thất vọng. Những quyển sách này không chỉ bị đυ.c lỗ mà còn có vài trang gần như sắp rơi ra.
Điều may mắn duy nhất là sâu mọt chỉ ăn phần rìa trang giấy, không làm hỏng chữ bên trong. Lâm Tam Trụ cẩn thận xem qua tất cả mười mấy quyển sách, cuối cùng chọn được một quyển 《 Tam Tự Kinh 》 còn khá nguyên vẹn để mua.
“Chưởng quầy, trong tiệm có loại bút và mực nào rẻ không?” Vừa trả xong ba mươi đồng, lúc này trong tay Lâm Tam Trụ còn thừa hai mươi tám đồng. Nếu có thể, hắn muốn mua luôn bút mực.
Biết khách muốn mua đồ rẻ nhất, chưởng quầy Cao liền lôi ra mấy món hàng lỗi từ cái khung gỗ bên cạnh. Thực ra, cũng không hẳn là hàng lỗi, ví dụ như những khối mực này chỉ là bị rơi vỡ, còn mấy cây bút lông đều là bút dùng thử của tiệm, có cây chỉ mới dùng một lần.
Dù vậy, giá cả vẫn không phải là rẻ. Thỏi mực vỡ là hai mươi đồng một thỏi, còn bút lông là mười lăm đồng một cây, đây đã là giá thấp nhất rồi. Chưởng quầy Cao chọn cho Lâm Tam Trụ thỏi mực lớn nhất trong số những thỏi mực vỡ và một cây bút lông ít dùng nhất.
Lâm Tam Trụ tính nhẩm trong đầu, hai mươi văn cộng với mười lăm văn là ba mươi lăm văn. Sau khi lục hết tiền trong túi, hắn vẫn còn thiếu bảy văn. Đúng vậy, vẫn còn thiếu bảy văn! Phải làm sao đây?
Nếu không thì tạm thời không mua bút lông vậy? Lâm Tam Trụ định bỏ cây bút lông ra, nhưng trong đầu lại nhớ đến cảnh hôm qua ở tộc học. Lâm Tam Trụ khẽ cắn răng, tháo xuống tay nải trên lưng đặt lên quầy nói, "Làm phiền chưởng quầy giữ hộ tôi gói đồ, tôi sẽ quay lại ngay!"
Nói xong, hắn vội vàng rời khỏi tiệm sách, bước nhanh về phía bến tàu ở phía nam. Chưởng quầy Cao chỉ nghĩ rằng khách hàng về nhà lấy tiền nên không suy nghĩ nhiều, liền gom lại sách, gói đồ cùng với thỏi mực và bút lông mà Lâm Tam Trụ đã chọn rồi cất chúng đi.
...
Mỗi năm vào khoảng tháng 11 và 12, là thời gian bến tàu bận rộn nhất. Thứ nhất là vì sắp đến Tết, thứ hai là thời tiết ngày càng lạnh hơn, không biết khi nào nước sông sẽ đóng băng hoàn toàn.
Đối với những người làm buôn bán mà nói, nếu không dự trữ đủ hàng hóa thì chẳng phải sẽ mất đi cơ hội làm ăn sao.
Vì vậy, những ngày này, bến tàu luôn tấp nập với đủ loại hàng hóa, từ lương thực thực phẩm, đồ dùng, đến các mặt hàng giải trí. Các thương nhân đều tranh thủ tích trữ hàng hóa trước khi tuyết lớn rơi xuống.
Do đó, những người khuân vác tại bến tàu cũng không cần lo lắng sẽ thiếu việc làm. Chỉ có điều, nếu là người mới đến làm thì sẽ không được nhận những công việc nhẹ nhàng thôi.
Như hôm nay, Lâm Tam Trụ đã đi một vòng quanh bến tàu, phát hiện ngoại trừ việc khuân vác gạo là có thể bắt tay vào làm ngay, những mặt hàng khác như vải vóc, hòm xiểng hay đồ sứ đều đã có những nhóm người khác nhận làm.
Theo quy định của họ, nếu muốn gia nhập nhóm, trước tiên người mới phải nộp phí gia nhập là 50 văn, mà số tiền này chỉ đảm bảo có việc làm trong một tháng. Lâm Tam Trụ chỉ tạm thời đến đây làm để kiếm chút tiền mua bút lông, nên dĩ nhiên không có ý định đóng khoản phí đó.
Sau khi tìm kiếm Lâm Thạch và nhóm người quen mấy vòng mà chẳng thấy ai, hắn đành phải tự mình tiếp tục tìm việc. Ngẩng đầu nhìn trời, thấy sắp đến giờ Mùi (13-15h) rồi, hắn còn phải nhanh chóng trở về nhà, nếu không trời tối thì đường sẽ rất khó đi.
Nghĩ vậy, Lâm Tam Trụ quyết định không chần chừ nữa, khẽ cắn môi rồi nhanh chóng bước về phía thuyền chở lương thực. Đã tới đây rồi, chẳng lẽ lại về tay không?
Trên thuyền toàn là lúa gạo, tất cả đều được đựng trong bao tải, có bao nặng 100 cân, 150 cân và 200 cân. Lâm Tam Trụ chọn loại 150 cân, mỗi khi vác xong hai bao, hắn sẽ được trả một văn tiền. Lâm Tam Trụ tính toán, chỉ cần khiêng 14 bao là có thể kiếm được bảy văn tiền.
Mười bốn bao, có vẻ không quá khó đâu nhỉ?
Nhưng dự tính và thực tế luôn có khác xa khoảng cách. Khi bị bao gạo nặng 150 cân đè lên lưng, Lâm Tam Trụ không thể đứng thẳng lên được. Hắn chỉ có thể cúi người về phía trước, hai tay nắm chặt lấy hai góc bao tải, cố gắng không để nó rơi xuống đất.
Hắn bước từng bước chậm chạp, chao đảo như người say rượu, cố gắng tiến về phía trước một cách đầy khó khăn. Cuối cùng, sau khi khiêng được một bao gạo rời khỏi thuyền, toàn thân Lâm Tam Trụ đã ướt đẫm mồ hôi.
Mỗi lần khiêng một bao, người quản lý sẽ phát cho hắn một thanh tre nhỏ, sau đó dựa vào số thanh tre để tính tiền công. Lâm Tam Trụ nhìn thanh tre trong tay mình, vẫn còn thiếu mười ba thanh nữa. Cắn răng, hắn lại bước về phía con thuyền.
Khi mặt trời đã ngả về tây, Lâm Tam Trụ lê bước chân mệt mỏi trở lại trước mặt chưởng quầy Cao. Trong lòng bàn tay hắn nắm chặt bảy văn tiền vừa kiếm được đã nóng lên vì mồ hôi. “Chưởng quầy, đây là 7 văn còn thiếu!”.
Gương mặt Lâm Tam Trụ rạng rỡ nụ cười, cuối cùng hắn đã kiếm đủ tiền, và con trai hắn cũng không cần phải hâm mộ với bạn bè nữa.
Chưởng quầy Cao có chút xúc động. Ông không ngờ chỉ vì 7 văn tiền mà người này lại phải ra bến tàu làm cu li. Nếu biết trước thế này, ông đã miễn cho hắn số tiền đó rồi. Nhưng suy nghĩ lại, chưởng quầy Cao thấy như thế này cũng khá tốt, vì chỉ khi nỗ lực làm việc, người ta mới thực sự quý trọng những gì mình đạt được.
Hy vọng rằng đứa trẻ của gia đình này sẽ biết trân trọng những gì cha đã làm cho mình. Trước khi Lâm Tam Trụ rời đi, chưởng quầy Cao vào kho lấy ra một cuộn giấy trắng. Mặc dù có chút ẩm mốc, nhưng vẫn đủ tốt để cho trẻ nhỏ luyện viết.
Lâm Tam Trụ cảm ơn mãi không thôi, những bước chân vốn đã nặng nề của hắn bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Ha ha ha, với cuộn giấy này, con trai hắn cuối cùng cũng không còn thiếu thứ gì nữa.