Lời Nguyền Lỗ Ban

Chương 43

Quyển 2 - Chương 13: Tỳ bà bắn
Dây căng đao phóng, Ngũ Lang đã bắn cây đao Như ý tam phân nhẫn đi. Nhưng đây lại là một cú bắn vô định, không có mục tiêu cụ thể. Mũi đao lao về phía góc nhà được định vị bởi hai cây cột trong công phu Lập trụ mà anh ta vẫn thực hiện hàng ngày, đâm trúng đỉnh của một trụ đỡ, bật tung miếng nêm gỗ chèn ở phía trên, xuyên chênh chếch qua khe ván gỗ trên trần. Nhưng nó chỉ xuyên lên được một chút, vì nửa bên kia của lưỡi đao đã bị đỉnh cột trụ chặn cứng lại. Cũng chính vì thế, lưỡi đao đã bị kẹp rất chặt, cán đao rung lên bần bật, phát ra những tiếng u u lạnh gáy.

Ngũ Lang thấy đao đã phóng đi, nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn, trong lòng lo lắng sục sôi, độc khí theo máu mà phát, lập tức đầu óc quay cuồng, mắt lòe đom đóm, dưới chân chòng chành như đứng trên thuyền nan. Chút sức tàn để chống cự thân mình cũng tiêu biến nốt, anh ta ngã vật xuống không biết trời trăng gì nữa.

Kình lực của chiêu “căng dây bắn đao” quả thực kinh người. Lỗ Thiên Liễu ở trên lầu cũng cảm thấy cả căn lầu chấn động, bàn ghế xóc cả lên một lượt. Mụ xác sống toàn thân thẳng tưng cũng chao đảo một cú thật mạnh, ngay cả cái xác khô quắt trên sân khấu cũng nảy lên, vôi bột trên mặt, trên người rơi lả tả xuống sàn trắng toát.

Lỗ Thiên Liễu vừa bị mụ xác sống chặn mất đường xuống lầu, giờ đang bị dồn tới cầu thang bên trái. Xem ra chừng nào Lỗ Thiên Liễu chưa bị băm nát như cái ghế khi nãy, mụ quyết không chịu buông tha.

Lỗ Thiên Liễu nhìn thấy mụ xác sống đang áp sát, nhưng cô không lợi dụng khe hở vẫn chưa bị phong kín để thoát ra, mà tiếp tục lùi lại phía sau hai bước, đến gần đầu cầu thang không biết đang ẩn tàng thứ cạm bẫy quỷ quái hung tàn gì. Mụ xác sống lại ngật ngưỡng nhảy đến vài bước, rồi dừng lại. Lúc này, vị trí đứng của mụ ta đã hoàn toàn chặn mất đường tẩu thoát về phía cầu thang bên phải và sân khấu.

Lỗ Thiên Liễu lùi lại một bước nhỏ nữa, lúc này cô chỉ còn cách bậc trên cùng của cầu thang khoảng chừng một bước chân. Cái xác không tiếp tục tiến lên nữa, mà bắt đầu lướt các ngón tay múp míp lên dây đàn, bắt đầu gảy khúc tì bà cổ “Tướng quân vi”. Lỗ Thiên Liễu không hiểu mụ ta đang đàn cái gì, nhưng cô cũng đoán ra, nếu mụ ta không tiếp tục áp sát nữa, chắc chắn sẽ sử ra độc chiêu khác để đẩy mình xuống cầu thang, vì vậy phải tranh thủ ra tay trước chiếm thế thượng phong.

Chớp mắt, sợi xích trên Phi nhứ bạc đã quấn chặt lấy chân phải của mụ xác sống, đây là chiếc Phi nhứ bạc còn lại bên tay trái cô. Sức lực của Lỗ Thiên Liễu không thật lớn, vì vậy cô phải dùng cả hai tay vận lực, giật thật mạnh sợi xích, vừa kéo bật lên trên, vừa nghiêng người quăng mạnh về phía cầu thang, Lỗ Thiên Liễu muốn dùng chiêu gậy ông đập lưng ông, định quăng cái xác vào khảm diện ngay sau lưng mình.

Cái xác đã bị kéo văng lên khỏi mặt đất, nhưng vẫn không bị quăng xuống cầu thang. Lỗ Thiên Liễu cảm thấy có một luồng trở lực rất lớn đang giữ chặt lấy mụ. Nhưng cô nhất định không chịu buông tay, mà vẫn ráng sức kéo thật căng sợi dây xích, muốn lôi cái xác lại gần.

Dây đàn lại rung lên, tiếng tì bà lại réo rắt, cái xác tiếp tục thung dung gảy một khúc “Nữ nhi bi” của phái Bình Hồ. Lỗ Thiên Liễu vẫn không hiểu mụ đang gảy cái gì, nhưng cô phát hiện ra nhịp đàn đang chậm lại, nhưng âm hưởng mỗi lúc một thêm vang vọng. Cuối cùng, mụ ta chỉ chậm rãi kéo vuốt dây đàn, bật ra những tiếng nhức tai buốt óc.

Lỗ Thiên Liễu nhanh chóng định tâm ngưng thần, đẩy hoàn thuốc hóa uế trong miệng xuống mặt dưới lưỡi, hai hàm răng cắn nhẹ vào đầu lưỡi. Cô ta lo sợ trong tiếng đàn có ẩn chứa chiêu thức nhϊếp hồn loạn phách làm vẩn đυ.c ba giác của mình. Tiếng đàn chói tai xói óc đã vang lên mấy chặp, nhưng Lỗ Thiên Liễu vẫn có thể nhận rõ từng âm tiết. Cô không chịu buông tay, chỉ hơi hạ cánh tay xuống. Cánh tay thẳng hơn, sức kéo cũng lớn hơn, thậm chí Lỗ Thiên Liễu đã cảm nhận được cảm giác rin rít khi sợi xích cứa sâu vào cổ chân trương phềnh của cái xác.

Tiếng đàn càng chậm hơn nữa, tạo thành những âm thanh đơn điệu đứt quãng. Lỗ Thiên Liễu chợt nghe thấy một tiếng “Ồ” khe khẽ.

Lỗ Thiên Liễu rất tự tin vào cảm giác của mình. Trên lầu có người sống! Vì chắc chắn tiếng kêu khi nãy là do người sống phát ra. Nhưng cô lại không hề ngửi thấy mùi của người sống…

Lúc này, dây đàn tì bà hồi lâu mới bật ra một tiếng. Âm thanh đã hoàn toàn vô nghĩa, dường như chỉ là đơn thuần là kéo một bật một thứ gì đấy. Là dây đàn? Phím đàn? Trục đàn? Hay căn bản không phải là bộ phận nào trên cây đàn, mà là một thứ gì đó trên tay?

Đàn tì bà vốn do người Hồ ở phương bắc chế tạo ra. Lưu Hy đời Hán trong “Thích danh – Thích nhạc khí”(*) có viết: “Đàn tỳ bà có xuất xứ từ đất Hồ, được đánh trên lưng ngựa, đẩy tay về phía trước gọi là “tỳ”, kéo tay về phía sau gọi là “bà”, nên đặt tên là đàn tỳ bà”.

(*) Trước tác của Lưu Hy đời Hán, nội dung chủ yếu là giải thích ngắn gọn về những sự việc mới lạ hoặc những thứ mới được du nhập từ bên ngoài vào trong thời kỳ đó. Mục phân loại rất nhiều, nhưng số lượng trong mỗi mục lại rất ít, mục ít nhất chỉ có hai loại. Nội dung sách này thường được những trước tác khác trích dẫn, triều đại nào cũng coi đó là cuốn tàng thư quan phương. Ngày nay trong các bảo tàng trong và ngoài Trung Quốc vẫn tìm thấy rất nhiều phiên bản của cuốn sách này.

Đàn tỳ bà vốn dĩ là nhạc cụ được tấu trên lưng ngựa, nó được sáng chế nhờ vào sự gợi ý của một dụng cụ được sử dụng trên lưng ngựa. Đó là thứ gì? Cung! Đúng vậy! Ý nghĩa ban đầu của hai chữ “tỳ bà” chính là đẩy tay và kéo tay, mà đẩy và kéo lại là những thuật ngữ được dùng sớm nhất trong thuật bắn cung tên. Hơn nữa, mục đích sơ thủy khi người ta sáng chế ra cung là để làm vũ khí hay nhạc cụ, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Thế nhưng việc người Hồ bật dây cung để đệm cho tiếng hát là một sự thực không cần bàn cãi.

Cung có thể biến thành đàn tỳ bà, vậy đàn tỳ bà chắc hẳn cũng có thể sử dụng như một cánh cung. Lỗ Thiên Liễu còn đang mải suy nghĩ, chợt nghe thấy một âm thanh khác hẳn tiếng đàn bình thường. Trong âm thanh có ẩn tàng sát khí, và cô còn ngửi thấy một mùi tanh hôi lợm giọng pha lẫn trong tiếng đàn chết chóc. Dư âm sắc lạnh đang lao thẳng đến khuôn mặt xinh đẹp của cô. Đó là bốn mũi tên đen đúa, là bốn mũi tên không có thân tên, được bắn đi bởi cánh cung làm từ dây đàn.

Cây đàn tỳ bà còn lợi hại hơn cả cánh cung thực sự. Cung chỉ có một dây, mỗi lần chỉ bắn đi được một mũi tên, trong khi cây tỳ bà sáu tướng hai mươi lăm phím này có tới bốn dây, một lần bắn được những bốn mũi tên. Đó chính là bốn móng tay sắc nhọn của mụ xác sống. Là bốn cái móng đen đúa nhuốm đầy thi độc và máu khô.

Bốn chiếc móng tay chỉ còn cách mặt Lỗ Thiên Liễu trong gang tấc, cô buộc phải tránh, tuyệt đối không được để chúng chạm vào người. Chúng quá độc địa, quá ô uế.

Nếu tiếp tục kéo giữ cái xác, cô sẽ không thể tránh né được. Cô lập tức buông Phi nhứ bạc khỏi tay, cơ thể như thân liễu trước gió, lắc sang phải khẽ xoay một cái, đã tránh được cả bốn “mũi tên”. Cái xác rơi lại xuống đất, nhưng không hề ngã, mà trượt thẳng về phía sau năm sáu bước.

Lỗ Thiên Liễu lợi dụng khoảng trống đã mở rộng giữa mình và cái xác, lập tức đưa chân theo thế tiễn bộ ra khỏi góc chết.

“Xẹt…. Rầm!”

Dội đến một tiếng vang dội, ván sàn nảy mạnh tung lên một lớp bụi mờ. Sức mạnh ghê gớm từ đòn “căng dây bắn đao” của Quan Ngũ Lang đã khiến bụi bặm từ khe hở giữa những tấm ván sàn dài bật lên, phả ra một thứ mùi mốc meo lâu năm khiến mùi sốc của vôi bột và mùi hôi thối của xác chết đang tràn ngập căn lầu bỗng nhạt đi ít nhiều.

Lỗ Thiên Liễu đã lao được đến dãy ghế hẹp cuối cùng, bỗng đột ngột tung người lộn một vòng trên không quay ngược trở lại chỗ cũ, động tác nhanh hơn rất nhiều so với lúc xông ra. Cô đã phát hiện ra những chớp sáng lóe ra từ mũi đao Như ý tam nhẫn của Ngũ Lang. Dẫu rằng mũi đao chỉ nhô lên một đoạn rất ngắn, nhưng cô đã nhìn thấy rất rõ. Mũi đao sáng loáng nhô lên ở ngay phía sau mụ xác sống, chỉ cách khoảng một bước chân, giống hệt như một mảnh gương vỡ đang cắm trên sàn. Cô phỉa cướp lại chiếc Phi nhứ bạc đang quấn trên cổ chân của cái xác, vì đó là vũ khí của cô, là thứ vũ khí mà cô cần phải đoạt lại. Mũi đao sáng loáng như gương đã giúp Lỗ Thiên Liễu phát hiện được một thứ, trong lòng cô lập tức nảy ra được kế sách để đối phó với cái xác kia. Và giờ đây, chỉ có lấy lại được vũ khí, mới có thể lôi mụ đến trước mũi đao.

Lỗ Thiên Liễu đã chụp được đầu cán của Phi nhứ bạc, quay trở lại cửa cầu thang chật hẹp. “Ồ!” – Lại có tiếng người bật lên, nhưng kéo dài hơn và rõ ràng hơn lúc nãy. Lần này không những Lỗ Thiên Liễu nghe thấy tiếng người, mà còn ngửi thấy người sống. Cô vẫn chưa kịp xác nhận kỹ hơn, thì mụ xác sống đã chồm tới, nhưng lại nhanh chóng lùi về.

Lần này Lỗ Thiên Liễu không đọ sức với mụ nữa, cô chỉ kéo chặt sợi dây xích trong tay. Cái xác không xáp lại gần nữa, vị trí đứng của mụ cũng không chặn kín đường ra như lúc nãy, mà để lộ một lối thoát, khiến Lỗ Thiên Liễu có thể lao qua khe hở để chạy về phía sân khấu.

Nhưng trên sân khấu còn có cái xác quắt queo của lão già từ nãy đến giờ vẫn thẳng đơ bất động. Lão đang đợi gì chăng?

Lỗ Thiên Liễu không có nhiều thời gian suy nghĩ, cô phải tập trung tinh lực để đối phó với mụ xác sống. Cô tiếp tục giằng mạnh cánh tay, kéo cái xác đi, trong khi bàn chân trượt một bước về phía sân khấu.

Mụ xác sống nhanh chóng vận lực xuống chân để cự lại, xoạc chân một trước một sau tì chặt xuống sàn, nhưng lần này Lỗ Thiên Liễu không quăng sợi dây xuống cầu thang nữa, mà theo hướng bước chân vừa trượt đi, kéo thẳng sợi xích về phía sân khấu.

Lực kéo rất mạnh, lại là kéo chếch sang bên cạnh trong khi xác sống đang xoạc chân theo hướng trước sau, nên nhất thời không thể cự lại được, lập tức trượt ngang đi. Sau hai bước, Lỗ Thiên Liễu cảm thấy có lực cản lại, không kéo thêm được nữa, trong bụng mừng thầm, khẽ “hự” một tiếng để dồn khí vận lực.

Mụ xác sống đột ngột sụp gối ngã vật ra trên sàn. Nhưng liền ngay lúc đó, một cái bóng màu xanh chàm bỗng lao vụt lên trên không trung.

Lỗ Thiên Liễu giật mình kinh sợ, lập tức buông tay khỏi Phi nhứ bạc, nhanh như chớp né vội sang một bên…

Trong tay Lỗ Thịnh Nghĩa đang cầm một cuộn dây sáp, vốn được dùng để định nền móng, tìm cát tướng trong công phu Định cơ. Ông nghĩ thầm, khi định cơ có thể dùng dây sáp để biện biệt các hình thế rồng cuộn, rắn nằm, như vậy, trong con đường vòng tròn này, cũng có thể dùng nó để tìm ra chỗ khuyết. Ông liền buộc đầu dây lên một mắt nhô ra của tảng đá Thái Hồ, sau đó vừa thả dây vừa tiến lên trong đường hầm tối thẳm.

Bước chân của Lỗ Thịnh Nghĩa có phần vấp váp, đương nhiên, một người thợ sẽ rất khó khăn khi phải đi lại trong lòng hang nham nhở mấu đá lại tối mịt mù. Mặc dù trong hòm gỗ có dụng cụ dùng để chiếu sáng, nhưng ông không dám mang ra sử dụng. Ở trong bóng tối, bản thân đã trở thành con mồi ngon lành của kẻ địch, nếu lại soi ngọn đèn, chẳng khác nào tự kề cổ vào lưỡi đao của đối thủ.

Nếu như lúc này có Lỗ Ân bên cạnh thì tốt biết mấy, chí ít ông ta cũng biết cách ném đá dò đường. Hay có Lỗ Thiên Liễu ở đây lại càng tốt, con bé có xúc giác phi thường, chỉ cần đưa tay về phía trước, lập tức có thể cảm nhận được các chướng ngại vật, nhờ bàn tay nhạy cảm có thể nhận ra sự thay đổi của dòng khí lưu chuyển.

Sau khi men theo vách hang đi được năm bước, Lỗ Thịnh Nghĩa thắt một nút vòng đơn trên sợi dây sáp. Đi thêm năm bước nữa, ông lại thắt thêm một nút nhấc bình rượu đơn, tròng lên một mỏm đá nhô ra. Đi thêm vài bước, ông lại tiếp tục thắt một nút kết buộc ngựa… Lỗ Thịnh Nghĩa biết không dưới một trăm loại nút thắt. Ông vốn là người cẩn trọng, đây là kỹ năng cần thiết của một người thợ mộc. Ông đã từng căn cứ vào công dụng và phương pháp thắt nút của từng nút thắt để sắp xếp thứ tự và đánh số cho chúng. Giờ đây, ông đã thắt được mười ba nút, có nghĩa ông đã đi được chừng sau mươi bước. Đúng lúc đó, ông sờ thấy mắt đá buộc đầu sợi dây khi nãy, cũng có nghĩa ông đã đi được một vòng.

Ông lại tiếp tục tiến về phía trước như vậy, cứ đi hai bước lại thắt một nút. Như vậy, cứ mười bước, thì nút thắt của lần thứ hai lại trùng khớp với nút thắt của lần thứ nhất. Khi ông thắt đến nút thứ hai mươi, lại thắt thêm một nút chồng nữa. Ông lại tiếp tục tiến lên hai bước, đang chuẩn bị thắt nút, bỗng sờ thấy một nút thắt. Không đúng rồi, có hai nút thắt trùng nhau xuất hiện liên tiếp, chứng tỏ ông đã đi vào một vòng đường vòng nhỏ, bắt đầu vòng theo vòng tròn thứ hai.

Ông định thần lại một chút, sau đó lần theo vòng tròn nhỏ này, cứ mỗi bước lại thắt một nút. Rất nhanh, chỉ sau mười mấy bước, ông lại tiếp tục thắt hai nút chồng. Đã đến gần vòng tròn thực rồi, chưa biết chừng ông đã bước vào vòng tròn thực cũng nên.

Nhưng ông không để sự phấn khởi làm đầu óc mụ mị, ông vẫn giữ được trạng thái cảnh giác cao độ, không bỏ qua một động tĩnh nhỏ xung quanh. Bỗng xa xa vọng lại một tiếng cọt kẹt rất khẽ, có lẽ là tiếng xoay của trụ cửa. Lỗ Thịnh Nghĩa nhìn về phía phát ra âm thanh, không thấy một tia sáng nào phát ra, vậy chắc chắn đây không phải cánh cửa của con đường. Vậy đó có thể là cửa gì? Chẳng lẽ là cánh cửa địa ngục đang chìm trong bóng tối?

Cánh cửa vừa phát ra tiếng động chỉ có thể là cánh cửa của mật thất nối liền với con đường, nhưng cánh cửa này cũng chẳng khác mấy so với cửa địa ngục. Cánh cửa phát ra tiếng động, chứng tỏ bên trong mật thất đã có người. Là ai? Không biết! Nhưng chỉ cần là người của đối phương, tiếp tục khởi động công cụ thổi gió, chắc chắn Lỗ Thịnh Nghĩa sẽ lại một lần nữa rơi vào địa ngục trần gian, sống không bằng chết.

Ý thức được điều đó, động tác của Lỗ Thịnh Nghĩa càng thêm chóng vánh, ông nhanh chóng đi hết vòng tròn nhỏ. Bây giờ, ông liên tục sờ thấy những nút thắt giống nhau, ông biết mình đã đi vào con đường thực. Trong một khảm diện như thế này, chỉ cần tìm đúng con đường thực, sẽ đi đến được điểm bắt đầu hoặc kết thúc của khảm diện. Ở gần chỗ này, chắc hẳn sẽ tìm thấy lối ra hoặc chỗ khuyết để tẩu thoát. Nhưng để tìm được cần có thời gian, đặc biệt là trong một không gian tối tăm như thế này.

Vẫn chưa thấy gió nổi lên từ gian mật thất. Không có gió, bố cục Lung linh bách khiếu tinh xảo tuyệt luân cũng không phát ra âm thanh, nút Tạc quỷ hào cũng chưa phát động. Điều này đã mang lại cơ hội cho Lỗ Thịnh Nghĩa.

Lỗ Thịnh Nghĩa rút từ trong hòm ra một cây chùy gỗ, đây là một cây chùy rỗng ruột, gọi là chùy hồi âm, là dụng cụ dùng để phán đoán về kết cấu địa tầng và độ cứng của đất đá trong công phu Định cơ. Cao thủ về môn khảm tử cũng có thể dùng cây chùy này để tìm ra cửa khảm hoặc lỗ khuyết bí mật.

Cây chùy gõ vào vách đá vọng ra thứ âm thanh hệt như tiếng gõ mõ trong chùa, văng vẳng trong con đường xoáy tròn tối đen tịch mịch, nghe rờn rợn âm u như câu thần chú đuổi hồn bằng tiếng Phạn.

Một hồi lâu sau, Lỗ Thịnh Nghĩa vẫn chưa tìm ra được cửa khảm hay chỗ khuyết. Ông rất thất vọng, bắt đầu cảm thấy sốt ruột, trán rịn đầy mồ hôi.

Đột nhiên, một tiếng vang lớn dội lại trong con đường xoáy ốc, đó là tiếng ván gỗ vỡ nát được khuếch đại dưới tác dụng của Lung linh bách khiếu. Lỗ Thịnh Nghĩa tim nhảy đến cổ, máu xộc lên não, suýt nữa thì ngất xỉu. May mà chỉ có một tiếng duy nhất, cũng không kéo dài, nếu không mọi cố gắng nãy giờ của Lỗ Thịnh Nghĩa sẽ trở thành công cốc.

Lỗ Thịnh Nghĩa khó khăn lắm mới lấy lại được bình tĩnh sau cơn kinh sợ, lại giật bắn mình khi phát hiện ra một bóng đen đứng lù lù ngay trước mặt. Chỉ thấy thân người thẳng đứng, cứng đơ đơ, không nhìn rõ mặt, cảm tưởng như quỷ Vô thường từ âm phủ hiện lên đòi mạng.

Bóng đen cứ im lìm trước mặt Lỗ Thịnh Nghĩa một hồi lâu, Lỗ Thịnh Nghĩa cũng ngồi yên trên đất, cả hai đều không hề cử động. Cuối cùng, Lỗ Thịnh Nghĩa không chịu đựng nổi cảm giác đối đầu câm lặng, đột ngột đứng vụt dậy, móc ra một đám bùi nhùi, vung mạnh một cái, bùng cháy thành một mồi lửa nhỏ. Mồi lửa bập bùng chỉ kịp hắt ra chút ánh sáng ít ỏi, nhưng đã đủ để thấy khuôn mặt trắng bệch và một đôi mắt vô thần.

Là một con người. Một con người đã bị Tạc quỷ hào cướp mất hồn phách. Một con người đã mất hết ý thức, một con người sống đã chết trơ trơ như một khúc cây.

- A! Là ông ư?

Giọng nói của Lỗ Thịnh Nghĩa không chỉ tràn đầy kinh ngạc, mà còn pha lẫn vẻ hoang mang