Bạn Thân

Chương 3: Giữa lòng đại dương

Nụ cười dịu dàng ấy bất giác kéo Hải Yến quay về ngày đầu tiên hai người gặp gỡ.

Hải Yến sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn giáp biển thuộc tỉnh Khánh Hòa. Từ nhỏ, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên cô đã bắt đầu làm việc từ rất sớm để phụ giúp gia đình. Lần đầu tiên Hải Yến rời xa quê là để nhập học tại một trường cao đẳng ở Sài Gòn.

Mỗi năm nhà trường đều tổ chức lễ chào đón tân sinh viên ở hội trường lớn.

Năm đó cũng không ngoại lệ.

Giữa rừng người mặt mày sáng láng, quần áo mới toanh, Hải Yến như con cá nhỏ lần đầu bơi ra biển lớn, nhìn đâu cũng thấy lạ lẫm. Chân cô bước đi vô cùng tự nhiên nhưng trong lòng tự lúc nào đã rơi xuống vực sâu.

Hải Yến chưa bao giờ coi giao tiếp là điểm mạnh của bản thân.

Bình thường bởi không biết phải làm thế nào để bắt chuyện, nên cô thường chọn cách giữ im lặng hoặc chờ người khác hỏi tới mới trả lời. Nếu không phải trường hợp bất đắc dĩ, Hải Yến tuyệt đối sẽ không chủ động gợi chuyện với người khác.

Thói quen này vô hình chung tạo ấn tượng sai lầm cho những ai mới tiếp xúc với cô lần đầu. Họ thường nghĩ Hải Yến là là kiểu người lạnh lùng, khó tính, không thích kết bạn. Chưa kể cô còn sở hữu khuôn mặt kiểu“nước đá”, cái loại mà dù cho biểu hiện trăm nghìn biểu cảm thì người ngoài nhìn vào luôn cảm thấy hao hao như một. Cố tình kết hợp cùng tông giọng trầm trời sinh lại càng làm cho người khác e ngại cô hơn.

Theo thời gian, sinh viên trong hội trường ngày càng đông. Giống như đàn cá đông nghìn nghịt lên tới hàng nghìn con, di chuyển hỗn loạn xung quanh.

Tiếng nói chuyện của bọn họ khi đến tai cô nghe lòe nhòe, không rõ câu chữ, hệt như tiếng thầm thì phát ra từ trong lòng vỏ ốc. Mỗi giây phút trôi qua, cảm giác bất an càng lớn dần, bao vây tứ phía, đem trí óc vốn đã quá mệt nhoài vì lo lắng của cô làm cho tê liệt hoàn toàn.

Nếu đây là bờ biển gần nhà, Hải Yến nhất định sẽ nhảy ùm xuống, cuộn tròn, dìm sâu người trong nước, để cái lạnh xuyên thấu khắp cơ thể, cố gắng níu lấy chút ý thức cuối cùng còn sót lại.

Có cảm giác như thể cô đang chìm dần xuống đáy vực thẳm giữa lòng đáy đại dương mênh mông. Nỗi sợ hãi mơ hồ về một nơi trống rỗng, không tồn tại gì khác ngoài bóng tối triền miên khiến cô trong vô thức tìm cách giãy dụa.

Cảm xúc khó chịu dâng lên trong cổ họng làm Hải Yến nghẹn lại như thể sắp ngạt thở tới nơi.

Trong cơn tuyệt vọng, bỗng có một lực đẩy mạnh bất ngờ tấn công cô từ phía sau.

Nếu như ở trạng thái bình thường, Hải Yến có thể khuỵu gối, dồn lực xuống hai bàn chân, chống lại quán tính do lực đẩy gây ra. Thế nhưng lúc đó tình trạng cô không quá tốt, vì thế phản ứng cũng bị kéo chậm nửa nhịp.

Hải Yến chới với, theo đà ngã chúi người về phía trước.

Hội trường lớn giờ này chật ních người, vất vả lắm mới có một chỗ đứng, nếu cứ thế mà ngã thì thể nào cô cũng kéo theo ai đó bên cạnh chịu khổ cùng.

Hải Yến trong lòng nghĩ lần này gây họa rồi. Ngoài miệng chỉ kịp bật thốt lên câu coi chừng.

Sau đó lại không biết bằng cách nào được một cánh tay vững vàng đỡ lấy, tránh cho cô khỏi một nụ hôn nồng thắm với sàn nhà.

Lần đầu tiên hai người gặp nhau, Lam Hạ mặc một chiếc áo sơ mi ngắn tay kẻ caro xanh trắng, phối với quần jean xanh nước biển sáng màu. Mái tóc đen nhánh suôn dài thả tới eo, nụ cười mềm mại và đôi mắt sáng lấp lánh ấy dường như không chỉ chạm vào mắt mà còn rơi vào nơi nào đó trong tim cô nữa.

Hải Yến còn đang ngẩn ngơ thì nghe Lam Hạ hỏi “Bạn có sao không?” với vẻ mặt đầy quan tâm. Chưa chờ Hải Yến trả lời đã nhanh lẹ chuyển từ tư thế đỡ thành nắm lấy cổ tay, kéo cô nhập vào một hàng gần đó.

Lam Hạ vừa dắt tay Hải Yến vừa giải thích.

- Bạn qua bên đây đứng chung hàng với tui đi, hàng bên này đông, chen lấn dễ té lắm.

Mối lương duyên do vận mệnh cố tình sắp xếp, sau lại không ngừng góp thêm những vòng xoáy, cuộn những chiếc vỏ ốc có sắc màu tương tự nhau về chung một bờ.

Hải Yến đâu ngờ người cô tình cờ va phải hôm đó chẳng những là sinh viên cùng khóa mà còn cùng ngành với cô. Những ngày tháng sau đó, các cô lại ở cùng phòng kí túc xá, cùng nhau đến trường, về phòng, sinh hoạt câu lạc bộ, ăn uống,...

Thời gian bình lặng trôi, thấm thoát đã quen biết nhau được hơn một năm.

- Hồi giờ bà đã bị đòn lần nào chưa?

Vào một buổi sớm nọ, trong lúc hai người ăn sáng ở căn-tin, Lam Hạ đột nhiên hỏi. Câu hỏi này thốt ra như thế cô chỉ buộc miệng nói ra một ý nghĩ vẩn vơ nào đó trong đầu mà thôi. Nhưng giờ ngẫm lại có lẽ Lam Hạ từ lúc đó đã có chủ ý muốn “thăm dò” thái độ của cô.

Dù sao đột nhiên nói bản thân có loại sở thích như “bị đánh” không khéo lại đọa Hải Yến một trận. Lam Hạ không dám đánh cược tình bạn của họ cũng là điều dễ hiểu. Cô lo lắng Hải Yến sẽ tỏ thái độ bài xích, ghét bỏ thậm chí xa lánh khi biết rõ “con người thật” của bạn mình.

Cho dù ngày thường các cô thân thiết với nhau như hình với bóng, nhưng không có nghĩa là chuyện gì của đối phương cũng nắm rõ trong lòng bàn tay. Càng không có nghĩa người này nhất định phải thấu hiểu và đồng cảm với cảm xúc của người kia.

Tuy nhiên Hải Yến lúc đó không nghĩ nhiều như vậy.

Cô chỉ đơn giản cho rằng cô bạn giống như mọi ngày lại tìm một hai chủ đề không đâu để tán gẫu với nhau. Loại chuyện nói ra chỉ để cho có chuyện mà nói. Mục đích thường thường để gϊếŧ thời gian, chứ cả người hỏi lẫn người được hỏi đều không quan tâm mấy đến câu trả lời.

Vì thế Hải Yến đơn giản đáp.

- Chưa. Còn bà thì sao?

Lam Hạ lắc đầu, tỏ ý cô cũng giống Hải Yến, chưa bị đánh lần nào. Hai người tiếp tục bữa ăn trong im lặng. Hải Yến cứ ngỡ Lam Hạ đã cho qua chuyện này rồi, thế nhưng một lát sau lại ngoài ý muốn nghe Lam Hạ nhỏ giọng hỏi tiếp.

- Có bao giờ bà cảm thấy tò mò?

Hải Yến hơi nghiêng đầu, chăm chú nhìn Lam Hạ, ý muốn cô giải thích rõ hơn.

- Kiểu như, cảm giác khi bị đòn sẽ như thế nào ấy.

Lam Hạ nghĩ ngợi một chút, sau đó diễn giải thêm.

- Còn có thể như thế nào?

Hải Yến không rõ vì sao Lam Hạ còn trăn trở vấn đề này. Thế nhưng sự tò mò của cô đối với mức độ quan tâm bất thường của Lam Hạ không đủ để cô có ham muốn truy vấn đến cùng.

Ngẫm nghĩ một lúc, Hải Yến với tay cầm ly trà đá bên cạnh, nhấm một ngụm, bình thản trả lời.

- Sẽ đau. Có thể sẽ đau tới phát khóc. Nhưng sau đó trong lòng sẽ cảm thấy tốt hơn.

- Tại sao? Đuôi chân mày Lam Hạ hơi nhướng lên, như thể bị câu trả lời của Hải Yến làm cho ngạc nhiên.

- Bị đánh sao lại tốt hơn được?

- Thì. Hải Yến nhìn vẻ mặt của Lam Hạ, cười cười, đáp.

- Nếu đau mà bà không khóc ra được thì không phải cái đau đó càng nhân lên gấp nhiều lần sao? Khi đau, nước mắt có tác dụng giải tỏa cảm xúc trong lòng. Còn không phải trong lòng sẽ cảm thấy tốt hơn sao?

Đối với câu hỏi ngược lại của Hải Yến, Lam Hạ không đáp. Dường như cô đang bận đắm mình trong dòng chảy suy nghĩ của bản thân. Lam Hạ giữ im lặng như thế mãi cho đến khi cả hai cùng nhau quay về ký túc xá chuẩn bị lên lớp học.

Chuyện cứ thế chìm sâu trong lòng biển ngày tháng. Không ai trong các cô nhớ đã từng có một cuộc nói chuyện như thế diễn ra.

Hoặc có lẽ chỉ có mình Hải Yến nghĩ thế.

Càng biết nhiều về Lam Hạ, Hải Yến càng cảm thấy khó mà hiểu rõ cô.

Giữa đám sinh viên đông đúc mà đứa nào đứa nấy cũng na ná như nhau, xuất hiện một cô gái có vẻ ngoài sáng sủa, tích cách tích cực, năng động, nhiệt tình tham gia các hoạt động trường lớp. Người như thế chắc chắn sẽ vô cùng nổi bật, là nơi để người chung quanh giao phó sự kỳ vọng cùng ngưỡng mộ trong lòng.

Đối với mọi người, Lam Hạ như nắng buổi ban mai, vừa ấm áp lại vừa xinh đẹp. Và như một lẽ tất nhiên, vẻ tươi đẹp ấy thu hút không ít ong bướm.

Nhưng chẳng có ai chen chân vào trái tim cô được khi cuộc sống của Lam Hạ gần như lúc nào cũng bận tới mức đầu tắc mặt tối. Thời gian dành cho bản thân còn hiếm hoi chứ đừng nói tới thời gian dành cho yêu đương lãng mạn.

Trong lộ trình cuộc sống của Lam Hạ, tình cảm trai gái bị cô tàn nhẫn ném vào danh mục không cần thiết. Cô có thể bận học, bận làm thêm, bận sinh hoạt câu lạc bộ,... nhưng nhất quyết không chịu nhín chút thời gian nào cho chuyện tình cảm.

Hải Yến chưa từng đề cập đến vấn đề cảm tình cá nhân của Lam Hạ, dù chỉ một lần. Bởi cô luôn cho rằng dù các cô thân thiết hơn so với các bạn học khác, có một số chuyện tốt nhất vẫn nên là bí mật riêng của mỗi người.

Vào một buổi chiều nào đó sau giờ học, Lam Hạ và Hải Yến không về kí túc xá ngay mà cùng ngồi thư giãn trên ghế đá giữa sân trường.

Nắng chiều phủ một màu hồng nhạt lên vai các cô. Những cụm mây lười biếng chầm chậm trôi trên đỉnh đầu. Thỉnh thoảng có vài chú chim nhỏ đập cánh lướt ngang. Dáng vẻ tự do của chúng khiến cho Hải Yến nhớ tới đường bờ biển dài đằng đẵng, hút tầm mắt ở quê nhà.

Nếu giờ đang ở quê, vào một buổi chiều mát mẻ đẹp trời như hôm nay, cô sẽ để chân trần bước dọc theo bờ biển, ngắm nhìn mấy con chim yến chao lượn thỏa thích trên không trung, nghe tiếng sóng rì rào vỗ vào bãi cát trắng.

- Có cái này tui muốn thử... nó hơi lạ… nhưng bà giúp tui được không?

Mắt Lam Hạ hướng lên nhìn mấy đám mây trên đầu, cô ngập ngừng một hồi, cuối cùng vẫn nói ra ý định của mình.

Giọng nói trong trẻo của Lam Hạ truyền vào tai Hải Yến, khiến trái tim cô như thấm nước, mềm nhũn ra.

- Bà có biết tui kêu bà thử cái gì không mà gật đầu như đúng rồi vậy?

Lam Hạ thấy vẻ mặt cái gì cũng không biết nhưng vẫn gật đầu của Hải Yến làm cô không khỏi phì cười. Vừa nói vừa lấy ngón trỏ đẩy đầy vai bạn mấy cái.

- Không biết. Hải Yến ngay thẳng đáp. Gì cũng được miễn là đừng kêu tui thử hát hò cho bà nghe. Tui hát dở ẹc à, nên đừng có tối ngày kêu mấy đứa cùng phòng rủ tui đi karaoke nữa. Đi karaoke chung với cả đám mà có mình tui không hát ngại lắm chứ bộ.

Lam Hạ nghe Hải Yến lải nhải một hồi, lắc đầu bó tay, hồi mới biết người này tưởng đâu ít nói lắm, ai dè là do bản thân rà chưa trúng đài thôi. Cô bỏ lại một câu “Trễ rồi, về kí túc xá ăn cơm.” sau đó đứng dậy đi một mạch, không thèm ngoảnh đầu lại.

Hải Yến cũng đứng dậy, đi theo phía sau lưng cô. Tuy không hiểu ra làm sao nhưng cứ có cảm giác dường như tâm trạng cô bạn đang vui. Không lẽ bình minh cuối cùng đã tới, đem một anh nào đến làm cho lòng Lam Hạ “say sóng” rồi chăng?