Tại biệt thự Kinh Tự, dạ tiệc từ thiện do nhà họ Quan thành Đông tổ chức chính thức được bắt đầu.
Trái lại, ở sảnh ngoài có vẻ yên tĩnh hơn một chút. Trước chiếc bàn dài được chạm khắc bằng gỗ lim, Thi Niệm ngồi ngay ngắn trên một cái ghế tròn làm từ gỗ tử đàn. Cô đang mặc một bộ lễ phục màu đen dài tay hơi cao cổ, mái tóc được búi gọn sau gáy, không để sót một lọn tóc thừa nào, dáng vẻ mộc mạc đến độ không tìm ra được chút sắc thái riêng nào, thoạt nhìn có vẻ đoan trang và bảo thủ, chỉ có ánh mắt khuất sau hàng mi thấp thoáng nét buồn chán.
Lúc này, Thi Niệm đang cầm bút lông vẽ phác thảo một bức Tùng Hạc Đồ, cô đã duy trì tư thế này hơn một tiếng rồi. Đường nét lá thông mảnh như sắt dần trở nên rõ ràng. Người đứng bên cạnh không khỏi thở dài nói: “Cô Quan, nếu cô có thể vẽ xong trước khi đêm tiệc kết thúc, có lẽ bức tranh này sẽ được mang đi đấu giá đấy, chắc chắn sẽ có người chịu ra giá cao, lúc ấy mợ cả sẽ vui lắm cho xem.”
Người lên tiếng là Đinh Linh, trợ lý tùy thân mà nhà họ Quan sắp xếp cho Thi Niệm. Tuy gọi là trợ lý nhưng xét khắt khe ra thì cô ấy giống một cái máy giám sát biết đi hơn.
Thi Niệm bỗng dưng mất hứng, lia bút vẽ hai con rùa dưới chân tiên hạc. Tuy chỉ là hai con rùa nhưng dưới những nét vẽ đơn giản mà trừu tượng này, chúng trông giống như tiên phong đạo cốt đang đạp lên phong hỏa luân, như sắp sửa biến thành Na Tra tới nơi.
Đinh Linh lập tức biến sắc. Có người đi ra từ lối chuyên dụng, Thi Niệm gấp bức tranh lại, ném qua một bên, sự phản nghịch của cô tạm thời chỉ giới hạn trong bức hoạ này.
Nhiệm vụ hôm nay của cô rất đơn giản. Những phú thương và nhân vật nổi tiếng ở bên trong đã chi rất nhiều tiền mua đồ, họ có thể đến chỗ cô để lấy một bức tranh chữ, coi như là cô đang thay mặt nhà họ Quan cảm tạ thiện tâm của họ.
Một mục đích quan trọng khác, cũng coi như mánh khóe để quảng bá. Cô đã lâu không lộ diện, người ta đang bàn tán xôn xao về cô dâu này.
Khi cô xuất giá vào nhà họ Quan với tư cách là con gái của một gia đình trung lưu, nhà họ Quan ở thành Đông đã sắp xếp cho chạy rất nhiều bản thảo, nào là cô bé lọ lem bước chân vào giới hào môn, nào là tình yêu đích thực vượt qua cách biệt xuất thân,… Dù sao quần chúng ai cũng thích hóng truyện cổ tích, lan truyền cho nhau rất ra gì và này nọ.
Cũng vì lẽ đó, khi Quan Viễn Tranh – người chồng trẻ mới cưới hai tháng của cô, đồng thời là trưởng tôn nhà họ Quan không may qua đời, cô bỗng chốc bị đẩy lên nơi đầu sóng ngọn gió.
Đề tài kết hôn lúc đầu hot bao nhiêu thì bây giờ việc bị trở thành quả phụ lại càng thu hút sự chú ý bấy nhiêu.
Hôm nay nhà họ Quan sắp xếp cho cô ra ngoài, không nghi ngờ gì đã thu hút rất nhiều khách tới dự.
Các vật phẩm đấu giá đều được quyên góp bởi các nhân sĩ hiển hách có mối giao hảo với nhà họ Quan, sau đó chúng bị những nhân vật nổi tiếng và những thương nhân giàu có khác mua đi mất, khoản tiền đến tiền đi này chắc chắn sẽ chảy vào quỹ từ thiện có hợp tác với nhà họ Quan.
Rất nhiều người nghe danh mà đến, muốn hóng xem tình hình lúc này của cô bé lọ lem mới bước chân vào hào môn được mấy tháng. Thi Niệm giỏi viết thư pháp, đã từng tham dự triển lãm quốc gia. Vì điểm này nên một gia tộc vốn kinh doanh qua nhiều đời và nức mùi tiền như nhà họ Quan cũng cảm thấy nở mày nở mặt, đương nhiên muốn đẩy cô ra làm mặt tiền của gia đình, coi nó như là một trong những giá trị thặng dư của cô.
Người vừa tới là một phụ nữ trung niên và chồng của bà, cả hai mua một cặp chén rượu được làm từ lưu ly, bên trên có khảm hồng ngọc, Thi Niệm không biết họ đã bỏ ra bao nhiêu tiền mua về, nhưng trông chúng có vẻ rất tinh xảo.
Cô ngước mắt, lịch sự gật đầu chào họ, nâng bút đề mấy chữ:
“Chén lưu ly rượu nồng hổ phách
Rượu trân hồng lách tách giọt rơi.”
Những chữ này rất hợp cảnh. Người đàn ông dán mắt vào mặt cô, chẳng thể dời mắt, người phụ nữ không ngừng tán dương cô viết chữ đẹp, khi nhận lấy bức thư pháp còn tranh thủ nắm chặt tay Thi Niệm, nói với cô: “Hãy nén bi thương, cuộc đời còn dài lắm.”