Phải lấy chồng (1)
Lần đầu tiên Vu Mạn Nghi nhìn thấy Tống Kỳ là từ khung cửa sổ tầng hai của nhà họ Vu.
Khung cửa sổ ấy có kết cấu rất độc đáo. Nhiều năm sau, khi cô được học trò đưa đi tham quan ngôi nhà tổ của nhà họ Vu rồi nghe người ta thuyết minh, Vu Mạn Nghi mới biết rằng, kiểu dáng của khung cửa sổ ấy là để che khuất tầm mắt của khách đến thăm nhà nhìn lên, đồng thời vẫn cho phép các nữ quyến nhà họ Vu được quyền quan sát xuống dưới.
Quả thực, tường cao bao quanh nhà họ Vu, dù thế giới bên ngoài có đổi thay, vùng quê phương Nam vẫn không thoát khỏi những lề thói xưa cũ. Con nhà họ Vu phải tuân theo quy củ "ở yên trong nhà" của tổ tiên, còn những vị khách đến từ khắp nơi, hiển nhiên là khiến người ta tò mò hơn so với những người tá điền đến nộp tô thuế.
Tuy Vu Mạn Nghi khó bước chân ra khỏi cửa lớn, nhưng cô không cảm thấy cuộc sống mình tẻ nhạt. Nhà họ Vu có nhiều con gái, họ tụ tập trong sân cùng nhau chơi đùa, uống trà, đọc sách. Khi còn nhỏ, Vu Mạn Nghi rất thích trèo lên núi giả, từ nơi đó có thể trèo sang một khoảng sân khác. Đáng tiếc sau đó cô bị mẹ ba trông thấy, bà ta sai người đập bỏ một góc đỉnh núi, còn phạt Vu Mạn Nghi quỳ hai đêm liền trong thư phòng, từ đó cô không dám trèo lên nữa.
Vu lão đại tin vào Phật pháp còn Vu lão nhị thì ốm yếu cho nên chú ba có dấu hiệu muốn giành chức vị đương gia, điều này khiến cho mẹ ba trở nên chua ngoa, cay nghiệt. Vu Mạn Nghi là con gái của Vu lão tứ, mẹ cô mất khi vừa sinh ra cô, còn cha cô vì tham gia phong trào học sinh mà chết trong tù. Vu Mạn Nghi không cha không mẹ nên chỉ còn cách là gửi gắm cô cho người mẹ ba vốn không con không cái.
Bà ta vốn dĩ không muốn nhận nuôi cô. Bà ta nghĩ, dù có nhận nuôi thì cũng nên nhận một đứa con trai, như vậy mới có thêm lợi thế cho chồng bà ta trong việc thừa kế gia sản. Dù sao thì Vu lão đại đã quy y nhưng vẫn có thể hoàn tục. Vu lão nhị tuy bệnh tật quấn thân nhưng lỡ đâu khỏi bệnh thì sao? Quyền thừa kế của chú ba chưa chắc chắn, điều này khiến mẹ ba lo lắng, bà ta bèn trút hết sự lo lắng đó lên Vu Mạn Nghi.
Trớ trêu thay, Vu Mạn Nghi chẳng mảy may hiểu được nỗi lo của bà ta. Từ nhỏ, cô đã không biết ưu phiền là gì, cô không giỏi ghi nhớ cũng không cảm thấy sự tồn tại của mình có gì không ổn. Gặp việc cô luôn dứt khoát nhận lỗi, quỳ xuống mà chịu phạt. Nhưng mẹ ba đâu biết rằng có những người hầu nhân lúc đêm tối đã lén mang đồ ăn đến cho tam tiểu thư, con út của nhà Vu lão nhị cũng lén đưa thuốc mỡ trị thương cho cô. Mỗi lần nhìn thấy cô chịu phạt xong lại thản nhiên xuất hiện trước mặt mọi người, bà ta chỉ nghĩ, cha mẹ cô mệnh mỏng như vậy, sao lại sinh ra được đứa con gái có số phận cứng rắn như vậy.
Nỗi lo lắng của mẹ ba chấm dứt vào năm Vu Mạn Nghi 14 tuổi. Một người cháu họ xa của bà đến nương tựa, người thanh niên này dung mạo tuấn tú, ăn nói lưu loát, rất được lòng ông nội Vu Mạn Nghi, ông quyết định tài trợ cho anh ta đi du học. Để cho việc tài trợ này thêm phần hợp tình hợp lý, ông nội Vu Mạn Nghi quyết định hứa hôn anh ta với Vu Mạn Nghi, đợi anh ta học xong trở về thì hai người sẽ kết hôn.
Người anh họ kia quả thực là một chàng trai tuấn tú, đẹp trai và trẻ trung, mặc trường bào quê mùa, khuôn mặt trắng trẻo, cử chỉ và lời nói đều dịu dàng. Vu Mạn Nghi từng gặp anh ta vài lần trong vườn, anh ta tỏ ra có ý với cô. Hai người trốn sau núi giả, anh ta nhẹ nhàng vén tay áo Vu Mạn Nghi lên, nhìn thấy những vết thương do cô họ đánh, nét mặt anh lộ rõ vẻ không đồng tình.
Anh ta giúp cô thoa thuốc mỡ, đầu ngón tay mát lạnh lướt qua làn da, Vu Mạn Nghi cảm nhận được sự run rẩy khó tả. Cô chưa từng tiếp xúc với người khác giới, người anh họ chính là người khác phái đầu tiên mà cô tiếp xúc, cũng là người khác giới đầu tiên trong ngôi nhà này đối xử dịu dàng với cô. Căn cứ vào những vở kịch mà mình từng xem, Vu Mạn Nghi cho rằng đó chính là tình yêu mà các thiếu nữ khuê các từ xưa đến nay đều kiếm tìm. Vì vậy, khi ông nội gọi cô đến, hỏi ý kiến của cô, cô nói rằng cô rất bằng lòng.