Một buổi sáng trôi qua, cái sọt của Lý Thanh Sơn sắp sửa chứa đầy. Mà mảnh đất ở khu vực quanh đó đã rất khó tìm được hạt dẻ và đào, tới thời gian ăn cơm trưa, hai người quyết định về nhà.
Đường lên núi khó đi, đường xuống núi càng khó hơn. Lý Thanh Sơn dỡ giỏ tre trên vai Liễu Ngư tự mình xách, tay còn lại nắm chặt tay y.
Về đến nhà, Quan lão thái thái và Tùng Xuân Hoa đã sớm chuẩn bị xong đồ ăn, nhưng bọn họ không ăn mà đang chải lại đống thân kê để bện mành.
“Ôi chao, nhặt được nhiều thứ thế!” Tùng Xuân Hoa có chút kinh ngạc, năm rồi tuy cũng có thể nhặt được, nhưng không năm nào nhặt được nhiều như năm nay.
“Năm nay hạt dẻ chín sớm, trên mặt đất rụng đầy.” Lý Thanh Sơn nói: “Trên núi cũng không có ai.”
Lần này xem như bọn họ thừa dịp người trong thôn đều đang bận thu hoạch hạt kê mà ăn may nhặt trước, qua độ hai ngày nữa sợ chẳng nhặt được gì.
Tùng Xuân Hoa cực kỳ vui, đào, hồng trong núi tuy không to bằng người ta trồng trong vườn, bán không được giá tốt, nhưng một sọt lớn thế này, tính ra cũng được không ít tiền đâu.
Buổi trưa lúc mặt trời đứng bóng, Liễu Ngư trải vải bố ra đất, gọi Lý Thanh Sơn đổ cái sọt quả mang đi phơi nắng.
Vì là mùa thu hoạch, trong viện đã phơi không ít đồ.
Có ớt xanh, đậu đũa, trà xanh, đều phải phơi khô, để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.
Nhiêu đó chỉ mới là rau thu hoạch ở hậu viện và vườn lau trước nhà, ngoài ra ở hai đầu bờ ruộng còn có các loại củ cải, chờ tiết sương giáng là có thể hái được, bỏ vào hầm đồ ăn cũng đủ dùng qua mùa đông.
Ăn cơm xong, Lý Thanh Sơn và Liễu Ngư giúp Tùng Xuân Hoa và Quan lão thái thái chải thân kê.
Tùng Xuân Hoa nói: “Trong nhà còn một tấm vải bông trắng nương dệt trước đó, hai ngày nữa mang tiền đến chỗ thợ nhuộm nhờ người ta nhuộm, rồi may cho bà nội mấy bộ đồ mùa đông.”
Liễu Ngư và Quan lão thái thái hiện tại cũng có quần áo mùa đông, nhưng Tùng Xuân Hoa đã xem qua, đồ hơi mỏng, không chống đỡ nổi trời đông giá rét ở Thanh Châu.
Trong nhà có nửa mẫu đất bông, bỏ hạt cũng được tầm mười cân xơ bông. Bông rao bán trên thị trường là 60 văn một cân, một mẫu đất bông thông thường được tiền bằng ba mẫu đất kê.
Nhưng triều đình không cho trồng nhiều, cứ mỗi mười mẫu đất mới có thể trồng nửa mẫu bông, vậy nên nhà nào càng nhiều đất càng tốt, nếu trồng được hai mẫu đất bông, thế thì trong tay ắt có thêm một khoản kha khá.
Với sản lượng bông năm rồi, Tùng Xuân Hoa không định bán, bà và Thanh Sơn vẫn còn áo bông để đối phó, nhưng hai tổ tôn Liễu Ngư thì không được, cần phải có quần áo thật dày mới vượt qua được mùa đông.
“Về phần Ngư ca nhi nhà chúng ta.” Tùng Xuân Hoa cười nói: “Con còn trẻ, ngày vào huyện nộp thuế bán lương thực, nương dẫn con đến tiệm vải chọn sấp vải đẹp về dệt.”
“Con… con không cần.” Vào đông khoác thêm vải bông là được, vải bông ở tiệm vải bán mười mấy văn tiền một thước, cực kỳ đắt, Lý gia chịu đặt mua đồ cho bà nội, y đã thấy rất mỹ mãn. Còn về phần y, y có thể đối phó được.
“Sao lại không cần?” Tùng Xuân Hoa nói: “Thợ nhuộm trong thôn chỉ có thể nhuộm màu xanh, nâu, ta và bà nội lớn tuổi mặc được, con hãy còn trẻ măng!”
Đoạn, Tùng Xuân Hoa nhìn Lý Thanh Sơn trêu hắn, “Phải mặc màu tươi sáng chút mới đẹp!”
Ý ở đây đã quá rõ ràng, Liễu Ngư ngượng ngùng cúi đầu.
Lý Thanh Sơn cười nhìn phu lang, nghĩ thầm đúng là rất đẹp.