Bồ gia bị định tội cách đây tám năm, dưới thời của Minh Tông, vị hoàng đế thứ ba sau khi loạn thế năm năm kết thúc, nhất thống thiên hạ, lập nên triều đại này, cũng là phụ thân của Hiếu Xương hoàng đế hiện tại. Lúc còn sống ngài đã tại vị trong suốt bốn mươi năm.
Nếu nói về tội mà tổ phụ Bồ Châu phạm phải, không thể không nhắc đến truyền kỳ về vị thái hoàng thái hậu Khương thị.
Khương thị xuất thân tướng môn, phụ thân nam chinh bắc chiến, chiến công hiển hách, là khai quốc công thần cùng thái tổ lập nên cơ đồ. Thái Tổ băng hà, Thái Tông kế vị, lập Khương thị làm hậu, khi đó mới mười lăm tuổi.
Khương thị không con. Mười năm sau, Thái Tông băng hà.
Thái Tông không có con đàn cháu đống, trị vì mười năm, dưới gối chỉ có duy nhất một vị hoàng tử, con của phi tần địa vị thấp Trần thị sinh được, cũng chính là Minh Tông. Năm Minh Tông đăng cơ mới chỉ mười tuổi. Khương thị tuân theo di chiếu của tiên đế, dùng thân phận đích mẫu buông rèm nhϊếp chính, phụ tá ấu đế, định niên hiệu của hoàng đế là Tuyên Ninh.
Kể từ khi hoàng triều Lý thị lập quốc, phương bắc luôn phải đối diện với nguy cơ xâm lược có từ thời tiền triều. Người phương bắc lập nên một đế quốc thống nhất và hùng mạnh, kỵ binh tinh duệ, trong khi Trung Nguyên sau khi trải qua trăm năm chiến loạn, dân cư giảm mạnh, sản xuất đình trệ, ngân khố và lương thảo thiếu thốn, tuy đã nghỉ ngơi hai mươi năm nhưng quốc lực nhất thời chưa thể kịp khôi phục, đối với Bắc Địch mà nói, chỉ có thể lâm vào thế yếu phòng ngự. Khi Thái Tông băng hà, Bắc Địch ỷ binh cường mã tráng, thừa dịp hoàng vị Trung Nguyên thay đổi, phụ nhân chấp chính liền cử binh xuôi nam, ý đồ xâm lược chà đạp Trung Nguyên rõ ràng.
Kể từ khi lập quốc, võ tướng dưới triều Lý hầu hết đã lụi tàn, đại tướng khó tìm, kể cả khi tổng động viên cả nước đóng góp thuế rộng, tối đa cũng chỉ lo liệu được cho hai mươi vạn binh mã trong vòng một năm.
Đối mặt khí thế hung hãn của cường địch, đất nước ngập tràn nguy nan, triều đình thần sợ bóng sợ gió, dân chúng hoảng loạn, không ít đại thần chủ trương tiến cống cầu hoà, giữ quan điểm cho rằng chỉ cần không để xảy ra chiến tranh, số phải cống nạp ít hơn rất nhiều so với ngân khố và lương thảo dùng để nuôi quân.
Tính toán hẳn không sai nhưng lại bị Khương thái hậu lúc ấy gần hai mươi lăm tuổi bác bỏ.
Dưới sức ép nặng nề, bà đề xuất chủ trương lấy chiến sự đổi lấy hòa bình. Dưới sự hỗ trợ của thân vương Định Bắc vương, mạnh dạn tiến cử lão tướng quân Trường Bình hầu và em trai mình là Khương Hổ lãnh binh nghênh chiến. Lão tướng quân nắm quyền chỉ huy, Khương Hổ dù tuổi trẻ nhưng có tài dùng binh thiên bẩm, lợi dụng Bắc Địch khinh địch, thiết kế bẫy dụ địch. Sau vài lần giao tranh, một trận đại chiến xảy ra dẫn đến Bắc Địch đại bại, nội bộ triều đình Bắc Địch rung chuyển, chư vương phân tranh. Người Địch bị ép rút quân, lui binh nghị hòa.
Cân nhắc việc triều đình lúc đấy không có khả năng đuổi đánh sâu hơn, càng không thể chèo chống cục diện chiến tranh lâu dài, trong khi mục đích ban đầu cũng đã đạt được, Khương thái hậu tiếp nhận nghị hòa. Trận đại chiến kéo dài gần một năm này cứ như vậy kết thúc.
Trận chiến này không chỉ cho thấy ý tưởng chủ chiến để thuận hòa của Khương thái hậu là có cơ sở, mà còn giúp củng cố quyền uy của hoàng triều Lý thị. Nhiều tiểu quốc ở Tây Vực ban đầu giữ thái độ trung lập giữa Địch quốc và hoàng triều Lý thị, giờ vì thế mà nghiêng hẳn về Lý thị. Điều quan trọng hơn cả là trận chiến này đã đổi được mấy chục năm thái bình ở vùng biên cảnh phía bắc dưới thời Minh Tông.
Hậu chiến, Lương gia được trọng dụng, Khương Hổ được phong hầu, trở thành thế lực quân sự mới nổi không thể thay thế của triều đình, uy vọng của Khương thái hậu càng là có một không hai. Mệnh lệnh của bà, bách quan không dám không theo, thậm chí dân gian còn dựng tượng Tây Vương Mẫu dựa trên dung mạo của Khương thái hậu, dâng hương bái lạy.
Vài năm sau, Minh Tông trưởng thành đại hôn, lập nữ nhi Trường Bình hầu, Lương thị làm hậu.
Sau khi Hoàng đế đại hôn, Khương thái hậu quyết định giao lại quyền hành cho hoàng đế, nhưng vì hoàng đế còn rất trẻ, khi ấy mới mười lăm mười sáu tuổi, đại thần dâng tấu thỉnh cầu nên chính sự trọng yếu bà vẫn sẽ can thiệp.
Tuyên Ninh năm thứ mười, Minh Tông hai mươi tuổi, một sự kiến lớn xảy ra gây ra tranh cãi lớn trong triều đình.
Minh Tông gia phong danh hiệu Thái An thái hậu cho mẹ đẻ là Trần thái phi, nghiễm nhiên bức ép Tề Thánh Nhân thái hậu Khương thị.
Triều đình có quy định, mẹ đẻ hoàng đế nếu ở địa vị thấp nhưng đích mẫu vẫn còn sống, cho dù hoàng đế đăng cơ, cũng không được xưng là thái hậu, phải đến khi khi đã ngoài tuổi sáu mươi mới có thể gia phong.
Thời điểm tiên đế băng hà, Trần thái phi vẫn chỉ là tần vị, năm nay mới chỉ ba mươi lăm tuổi. Điều Minh Tông vừa làm không những khiến Trần thái phi thành Trần thái hậu mà còn giúp bà đứng ngang hàng với Khương thái hậu.
Hành động này của hoàng đế làm khuấy đảo triều đình, tuyệt đại bộ phận quan viên đều dâng tấu phản đối, nhưng hoàng đế lấy lời hứa đối với đích mẫu làm lý do, hoàn toàn phớt lờ. Quần thần đều bất đắc dĩ.
Đây là tín hiệu cho thấy hoàng đế sau khi đủ lông đủ cánh, văn thao võ lược liền muốn thoát khỏi cái bóng của thái hậu và thiết lập vây cánh của riêng mình.
Trên thực tế, trước khi sự tình phát sinh, không ít người trong triều đã đánh hơi ra được kể từ khi hoàng đế tự chấp chính, ngài liền mơ hồ kiêng kị cả Khương thái hậu, xa cách Khương gia, đối với việc Khương gia và Lương gia có quan hệ thông gia cũng không mấy hài lòng. Lương thị dù là hoàng hậu cao quý nhưng không được hoàng đế yêu thích, sau khi đại hôn một năm sinh được trưởng tử Lý Huyền Tín, lập làm thái tử, từ đó đến nay cũng không có thêm người con nào khác. Hoàng đế dường như cũng không mấy sủng ái thái tử, thường xuyên nhiều ngày liền không tuyên triệu.
Ngay lúc quần thần sầu lo về mối quan hệ giữa hoàng đế và đích mẫu Khương thị, một lần nữa Khương thái hậu lại đưa ra quyết định của bà.
Khương thái hậu ba mươi lăm tuổi, lại viện lý do dưỡng bệnh, rời khỏi cung Trường An, đến sống tại cung Bồng Lai vốn dành làm nơi dưỡng lão cho thái hậu thái phi. Hai cung cách xa nhau hai mươi dặm và được nối với nhau bằng hành lang gỗ.
Đây được xem như tuyên cáo lui về của thái hậu Khương thị. Từ đó tới nay bà không tham chính mà chỉ ở ẩn tại cung Bồng Lai. Năm ngoái vì tình hình chiến sự ở biên giới tây nam, Định Bắc vương bất hạnh qua đời vì dịch bệnh, để lại nữ nhi duy nhất chính là vị Kim Hi trưởng công chúa, được thái hậu tự mình nuôi dưỡng, coi như con gái ruột.
Hai mươi năm trôi qua. Đến Tuyên Ninh năm thứ ba mươi lại đột ngột phát sinh sự kiện đáng nhớ.
Mấy chục năm thiên hạ thái bình, nghỉ ngơi hồi sức, nhân khẩu tăng lên, quốc khố dần được lấp đầy, hoàng triều Lý thị lúc này đã có đủ sức lực để phản kích Bắc Địch. Mà Bắc Địch sau khi trải qua hai mươi năm ẩn núp, rục rịch trỗi dậy.
Chiến tranh, chinh phạt và trấn áp.
Từ xưa đến nay, các đời quân vương Trung Nguyên, phàm là người nhiệt huyết đều sẽ đi theo con đường này.
Minh đế đang lúc tráng niên, không chỉ quan tâm tình hình trong nước mà ngay lập tức có hành động với vùng biên giới.
Dưới sự mưu đồ và điều hành của Minh đế, triều đình một lần nữa giành được thắng lợi quân sự khi đối đầu với Bắc Địch. Khi đó, Bình Dương hầu Khương Hổ đã qua đời vì bạo bệnh, nhi tử của hắn Khương Nghị chẳng những kế thừa hầu vị của phụ thân, mà tài năng quân sự cũng là cha truyền con nối, hai mươi tuổi lãnh binh ra trận, lại một lần nữa giành được đại thắng. Tuy không phải là thắng lợi quyết định nhưng vẫn khiến mâu thuẫn nội bộ ở Bắc Địch ngày càng gia tăng, trực tiếp dẫn đến sự chia cắt đông tây. Tây Địch yếu còn Đông Địch mạnh. Tây Địch vương mượn lực của triều đình Lý thị để đối phó Đông Địch, thường xuyên cử sứ giả đi về phía đông, cuối cùng thỉnh cầu để vương tử kết hôn với trưởng công chúa Kim Hi .
Năm ngoái vương tử theo sứ đoàn đến kinh thành, ngẫu nhiên gặp trưởng công chúa Kim Hi, thập phần mến mộ, trở về vẫn nhớ mãi không quên nên mới có lời đề nghị hòa thân ở thời điểm này.
Kim Hi trưởng công chúa năm đó hai mươi tuổi, hoa dung nguyệt mạo, chẳng hiểu vì nguyên nhân vẫn chưa có lương phối. Ẩn cư hai mươi năm tại cung Bồng Lai, Khương thái hậu lúc ấy đã hơn năm mươi tuổi dĩ nhiên vạn phần không muốn, nhưng cuối cùng vẫn phải đồng ý để trưởng công chúa mà bà xem như con ruột gả đi.
Nghe nói ngày trưởng công chúa rời đi từ Vĩnh Lạc môn phía tây kinh thành, Khương thái hậu, người nhiều năm chưa từng rời khỏi cửa cung Bồng Lai đã một mình đứng trên Vĩnh Lạc môn đến nửa đêm.
Đêm lạnh dày đặc, sương điểm mái đầu, bóng dáng cô quạnh.
Một năm sau khi Kim Hi trưởng công chúa hòa thân, Bồ Châu được sinh ra.
Năm tháng lặng lẽ trôi, nhoáng cái đã bảy năm sau.
Tuyên Ninh năm thứ ba mươi chín Minh Tông đăng cơ gần bốn mươi năm, ngự tiền có bốn vị hoàng tử đã trưởng thành.
Trưởng tử Huyền Tín là thái tử do Lương hậu sinh hạ.
Thứ tử Tấn vương Huyền Cát, cũng chính là Hiếu Xương hoàng đế hiện giờ, con trai của Trần phi, chất nữ Trần thái hậu.
Tam hoàng tử Sở vương Huyền Nghĩa, con trai Đổng Phi. Huynh trưởng Đổng phi là Đổng Càn, là người có tài, bảy năm trước khi xảy ra chiến sự Bắc Địch, được Minh Tông giao phó nhiệm vụ trù tính quân nhu. Không phụ sự tin tưởng của hoàng đế, hoàn thành xuất sắc, sau khi thụ xe lang tướng, trở thành cận thần hoàng đế. Đổng gia gần như đuổi kịp địa vị Khương gia, trở thành đối trọng cân bằng nhau.
Vị cuối cùng là ấu tử, Tần vương Huyền Độ. Mẹ đẻ là Khuyết phi tiến cung khi Minh đế đã đăng cơ hơn hai mươi năm, ở tuổi trung niên nên tuổi tác của Tần vương và mấy vị hoàng huynh khác có chênh lệch lớn, huynh trưởng đều nhi lập còn hắn mới chỉ mười sáu tuổi.
Khi đó Minh Tông cũng gần năm mươi tuổi, long thể ngày càng khiếm an, thái tử sớm quá nhi lập, đang độ trẻ trung sung mãn.
Luận con người, thái tử thông minh hiếu học, có lòng bao dung.
Luận thân phận, ngoài cữu phụ Lương gia tài năng khỏi bàn còn có Bình Dương hầu Khương Nghị làm bạn với thái tử từ nhỏ. Về võ, dưới trướng đều là nhưng thuộc hạ chiến công hiển hách nắm thực quyền trong quân. Về văn thì nhận được sự ủng hộ của thái phó Bồ Du Chi, người đứng đầu kẻ sĩ khắp kinh thành.
Bồ Du Chi là tổ phụ Bồ Châu. Ông xem trọng thái tử, nên sĩ phu kinh thành liền hướng về thái tử, mà sĩ phu kinh thành cũng hướng về thái tử, ắt khiến kẻ sĩ toàn thiên hạ cùng hướng về thái tử.
Minh Tông vốn luôn dành sự kính trọng đối với vị đích mẫu Khương thái hậu, người đã hết lòng phụ tá để ngài ngồi vững ngai vàng, nhưng sau khi trưởng thành, tình cảm đối với vị thái hậu mà ngài từng gần gũi từ tấm bé dần có biến đổi. Sở dĩ ngài không thích thái tử do Lương hậu sinh ra có lẽ cũng vì nguyên nhân này.
Hào quang thái tử càng lộng lẫy, càng biết cách thu phục lòng người, tâm tư hoàng đế càng trở nên biến hóa. Nhiều người tinh ý còn nhận ra, trước kia hoàng đế còn biết kiềm chế yêu ghét cá nhân, mà bây giờ, tuổi cao sức yếu, liền không thèm che giấu, thẳng thừng trách cứ nếu hắn bẩm tấu sai lầm, nhiều khi còn nghiêm mặt quở trách ngay trước mặt đại thần hầu cận.
Thái tử trẻ trung và phụ hoàng già yếu là khúc mắc khó giải quyết của hoàng quyền Lý thị.
Đáng buồn hơn ở chỗ từ nhỏ thái tử đã không được hoàng đế yêu thích.
Không biết bao nhiêu thái tử Lý Huyền Tín bừng tỉnh trong cơn ác mộng, cả người toát mồ hôi lạnh, nước mắt chảy ra.
Hắn mơ thấy phụ hoàng rút kiếm đâm mình, ngã xuống vũng máu, mặc hắn đau khổ van xin cũng không hề ngoái đầu nhìn lại, lạnh lùng rời đi.
Đây nhất định không chỉ là mộng. Hắn biết sớm hay muộn, một ngày nào đó dù phụ hoàng không gϊếŧ cũng sẽ phế ngôi vị của hắn.
Người mà phụ hoàng hắn thiên vị nhất trong bốn đứa con trai của ngài là ấu đệ của hắn, Ngọc Lân nhi.
Ngọc Lân nhi là nhũ danh của tứ đệ Lý Huyền Độ, mẫu thân hắn là Khuyết phi đến từ Khuyết quốc.
Khuyết quốc là một tiểu quốc cổ xưa nằm ở phía bắc Trung Nguyên, láng giềng với Địch quốc. Nghe nói từ thời Thượng Cổ, tổ tiên người Khuyết đã sớm định cư ở phía tây Trung Nguyên, tộc người này mũ cao da trắng, tướng mạo xinh đẹp khác biệt. Dưới triều Hậu Chu, họ di dời về phía đông an cư lập quốc, một bộ phận lấy người Trung Nguyên sinh con đẻ cái, trải qua hàng ngàn năm, người Khuyết quốc dù là dung mạo hay văn hóa chính trị không có nhiều khác biệt so với Trung Nguyên.
Nhiều lời đồn đại rằng tổ tiên người Khuyết từng chiếm được vùng núi ở phía đông, tài nguyên vô kể, tài phú kinh người. Nam tử người Khuyết dũng mãnh thiện chiến, dựa vào địa thế sông núi tự nhiên để phòng vệ, tiểu quốc tuy nhỏ nhưng phát triển không ngừng thế hệ này sang thế hệ khác. Ngay cả thời kỳ loạn lạc kéo dài trăm năm trước đây khi Trung Nguyên bị Địch quốc mưu đồ xâm lược nhiều lần cũng không bị ảnh hưởng, độc lập tự chủ, chưa từng bị xâm phạm dù chỉ nửa phân.
Bốn mươi năm trước khi Bắc Địch xuôi nam, trước khi đại chiến, Khương thái hậu cử mật sứ tìm gặp Khuyết vương. Khuyết vương cân nhắc thời thế, quyết định xuất binh viện trợ Khương thái hậu. Hậu chiến, Khuyết vương quy thuận, được phong Võ Đức Thiên vương, ban thưởng quốc họ. Tuyên Ninh năm hai mươi hai, nữ nhi Khuyết vương tiến cung, được phong quý phi, năm sau sinh hạ ấu đệ Huyền Độ của thái tử.
Khuyết phi xinh đẹp tuyệt trần, Minh Tông hết lòng sủng ái, con quý nhờ mẹ, sau nhiều năm ở tuổi trung niên một lần nữa có thêm nhi tử. Nghe nói đêm trước khi Khuyết phi lâm bồn, Minh Tông mơ thấy kỳ lân trắng đạp tuyết từ phương bắc, tỉnh dậy coi đó là điềm lành. Quả thật Khuyết phi hạ sinh hoàng tử, liền đặt nhũ danh cho con trai là Ngọc Lân nhi, một tuổi phong hiệu Tần vương.
Từ chuyện phong hào liền biết phụ hoàng hắn sủng ái tứ đệ đến mức nào. Mà tứ đệ hắn cũng không phụ kỳ vọng của phụ hoàng, văn võ song toàn, mười sáu tuổi được phong Ưng Dương vệ lang tướng, tiếp quản một trong bốn đội cấm quân trọng yếu nhất kinh thành, thủ vệ cửa bắc hai cung Trường An và Bồng Lai.
Thái tử không thể quên được cảnh tượng mùa xuân năm ngoái.
Kinh thành mùa xuân trăm hoa đua nở, hắn đến thăm đích tổ mẫu thái hậu Khương thị xong không muốn quay về đông cung đầy tai mắt ngòm nhó, bèn cải trang đi dạo dọc theo bờ sông phụ cận cung Bồng Lai phía tây kinh thành giải sầu.
Cảnh sắc mùa xuân tuyệt đẹp, nhưng lòng hắn trăm mối ngổn ngang, từ đầu chí cuối không khắc nào cảm thấy thoải mái, nghĩ đến điều hôm qua cữu phụ là đại tướng Lương Kính Tông mật báo.
Cữu phụ sau khi truyền cho hắn chút tin tức, lại một lần nữa khuyên hắn, nhất định phải chuẩn bị chu toàn, đề phòng vạn nhất. Chỉ cần hắn đồng ý, ông ta sẽ dốc toàn lực trợ giúp.
Làm thái tử ba mươi năm, một khi bị phế, việc phải sống tạm bợ trên đời với hắn còn thảm hại hơn cái chết.
Hắn cảm thấy vô cùng đau đớn khi phải đưa ra lựa chọn gian nan đến vậy.
Đứng trên cầu tửu lâu, khi nhìn ra ngoài cửa sổ, ở thời điểm sợ hãi và tuyệt vọng nhất, hắn chợt thấy thiếu niên lang phóng ngựa từ phía cung Bồng Lai.
Tà áo thiếu niên tung bay, đầu đội kim quan, eo khảm ngọc bích, lưng đeo cung tiễn, trước thúy vũ, sau tinh kỳ, cưỡi thiên mã Đại Uyển mà nửa tháng trước Tây Vực không quản vạn dặm đưa đến tiến cống nhằm bày tỏ lòng quy phục với phụ hoàng hắn, chen chúc đi cùng là đám đệ tử thế gia kinh thành trạc tuổi và hộ vệ. Bọn hắn phi nước đại qua cầu Lục Thủy, để lại vạt hoa cỏ bị móng ngựa dẫm nát ở sau lưng. Sau đó, đám nô bộc đuổi hơn chục con chó săn hung dữ từ trong cung bám theo, tiếng chó sủa ầm ĩ xen lẫn với tiếng la hét điên cuồng của của đám đệ tử khiến người đi đường hoảng loạn tránh sang một bên, âm thầm chỉ trỏ.
Trên những con đường ở hoàng thành này, trừ phi là người truyền tin khẩn cấp từ ngoại thành, tuyệt đối không được phóng ngựa.
Nhưng đội kỵ mã kia phi nhanh như gió, không hề ghìm lại, đảo mắt đã thấy thiếu niên dẫn đầu kỵ binh vượt lên, áp sát cửa thành.
Thành vệ từ xa đã nhìn thấy, nhận ra người kia, vội vàng mở rộng cánh cổng, cúi đầu bái lạy ven đường, chờ đợi thiếu niên vụt qua.
Người thiếu niên này chính ấu đệ Ngọc Lân nhi của hắn. Nhìn bộ dáng có vẻ như vừa rời khỏi cung của tổ mẫu Khương thái hậu, thừa dịp tiết xuân chạy đến khu rừng phía tây kinh thành săn bắn tiêu khiển.
Thiếu niên đi săn, vương tôn công tử hộ giá đều là năm vị đệ tử hầu gia đang tranh giành vị trí ở vũ vệ quân. Dương kèn giống trống, dung mạo trác tuyệt, cưỡi ngựa trên phố, bễ nghễ ngọc kinh.
Đây chính là đệ đệ thiên chi kiêu tử nhận được vô vàn sủng ái của phụ hoàng hắn.
Phụ hoàng càng già lại càng thiên vị Ngọc lân nhi.
Và người còn có thể thiên vị đến mức độ nào?
Hai năm trước, sinh thần mười bốn tuổi của tứ đệ, trong cơn say phụ hoàng đã nói gì với Thẩm Cao, hoạn quan phụng bồi ngài.
Ngài nói: Xưa kia Chu Thái vương phế Quá Bá, lập Vương Quý, Chu Văn vương bỏ Bá Ấp Khảo, lập Võ Vương. Trẫm thấy Tần vương rất tốt, hẳn là người mang mệnh trời.
Chu Thái vương cùng Chu Văn vương từng đưa ra quyết định giống nhau, làm trái tông pháp, phế trưởng lập ấu.
Thẩm Cao vô cùng hoảng hốt, quỳ không dám dậy.
Mà phụ hoàng lúc vừa nói xong, hình như đã tỉnh táo lại, không nói thêm lời nào nữa.
Sự việc này cuối cùng truyền đến tai hắn, đương nhiên cũng truyền đến tai hai đệ đệ khác của hắn.
Khuyết phi mất sớm, hắn (Tần vương) luân phiên ở lại chỗ Khương thái hậu và mẫu thân Lương hậu của hắn, thường xuyên theo hắn (thái tử) đọc sách săn bắn.
Hắn dành thứ tình cảm chân thành, sâu sắc nhất dành cho người ấu đệ kém mình rất nhiều tuổi, khác biệt rõ ràng nếu phải so sánh với hai đệ đệ khác là Tấn vương và Sở vương. Mà ấu đệ đối với hắn cũng hết sức thân thiết, hoàn toàn tin tưởng hắn, điều này hắn có thể cảm nhận được.
Tình nghĩa huynh đệ thâm sâu, tuy không cùng một mẹ sinh ra nhưng lại hơn hẳn cùng mẹ.
Hắn không biết hai người đệ đệ còn lại của hắn sẽ có cảm tưởng gì khi nghe được lời kia, dù tự nhủ đó chỉ là những lời vu vơ khi rượu vào lời ra của phụ hoàng thì thâm tâm hắn vẫn không kìm cảm giác thất vọng và buồn bã. Bởi hắn biết, dẫu cho hắn có cố gắng thế nào đi chăng nữa, hắn cũng sẽ không bao giờ nhận được sự công nhận của phụ hoàng. Mà hắn, vốn cũng đã nghĩ rằng mình không hề ghen tị, dù chỉ một chút với tứ đệ hắn.
Cho đến thời khắc này, Lý Huyền Tín chợt nhận ra hắn ghen tị, thực sự ghen tị với ấu đệ.
Vì sao hắn dù không cần làm gì cũng đoạt được sự sủng ái vô vàn của cả phụ hoàng lẫn đích tổ mẫu thái hậu Khương thị.
Khương thái hậu mặc dù đối tốt với hắn, thường động viên dạy bảo hắn, nhưng kể từ khi cô cô hắn là đại trưởng công Kim Hi hòa thân gả xa cho đến khi nhận nuôi đệ đệ hắn mới chỉ bảy tuổi, tổ mẫu hắn mới vui vẻ trở lại.
Thái tử ghen tị, vì tứ đệ có thể vô ưu vô lo, mặc sức hưởng lạc. Trong khi đó hắn từ nhỏ đến lớn chưa từng một khắc cảm thấy an toàn.
Hắn đã hơn ba mươi tuổi, cũng đã hơn ba mươi lần trải qua mùa xuân ở ngọc kinh. Nhưng hắn lại chưa từng một lần được giống tứ đệ, tùy tâm sở dục,[1] không màng đến ngự sử dâng sớ vạch tội.
Không.
Một lần cũng không.
[1] tùy tâm sở dục: thỏa thích làm điều mình muốn.