Đồng Cỏ Lau

Chương 5

Buổi sáng thứ Bảy, tôi đạp xe rong rủi trên các con đường ngập tràn bóng cây. Nắng sớm ấm nhẹ, se se một chút không khí đầu đông mát rượi. Bầu trời xanh trong, tôi thơ thẩn theo cánh én lượn vòng trên phía đồng cỏ lau, đầu óc mông lung không bận tâm mình sẽ chạy tới nơi nào. Thế rồi, chiếc xe của tôi dừng lại trước tiệm của anh, giống như một điều mặc định. Tôi dựng chiếc xe đạp trên vỉa hè.

- Có khách này anh chủ ơi!

Anh đang loay hoay với mớ óc vít, thấy tôi đến, anh cười tươi.

- Vào phụ anh một tay đây này, mấy hôm nay khách đông quá, làm không xuể.

- Thế có nhận đào tạo học viên không, em đăng ký một suất nhé.

- Có chứ, không cần học phí, nhưng tuần nào cũng phải có mặt học việc, nếu không sẽ bị điểm kém.

Tôi ngồi xuống bên cạnh, vỗ vai anh và lục lọi mớ ốc vít trong rổ đồ nghề.

- Em đổ chai nhớt này vào bình xe dùm anh với.

Tôi đổ vào bình nhưng nhớt chảy tràn ra ngoài, ướt cả nền. Anh không nói gì, cứ nhìn tôi và hít hà.

- Thôi em lại đây gắn mớ ốc vít này dùm anh đi, để anh thay nhớt cho.

Tôi gượng cười xấu hổ vì sự vụng về này, ngồi sang một bên và ngắm nhìn anh đang lúi cúi, trán đã rỉ rả mồ hôi. Nắng sớm rọi lên làn da anh nâu ánh, trông ngọt ngào và đầy mạnh mẽ. Tay anh dính nhớt lắm lem, anh giả vờ nựng lên má tôi rồi phá lên cười, vì mặt tôi lem luốc như mèo mắc mưa.

- Nhưng mà, em cứ đến tiệm anh hoài như thế này, nếu ba mẹ em biết thì sao?

- Vậy trong lúc làm, em sẽ mặc áo trùm đầu, đeo khẩu trang vào, anh chỉ cần bôi thêm chút nhớt lên mặt em nữa là không ai phát hiện ra.

Anh cười khà lên rồi bôi thêm miếng nhớt đen lên mặt, trông tôi chẳng ra hình dạng là tôi nữa.

*

Gần một năm trời chúng tôi gặp nhau như thế. Tôi viện hàng loạt cớ để tránh ánh mắt khả nghi của mọi người trong nhà, nhưng chẳng có điều gì đáng để bận tâm, nếu bị phát hiện tôi sẽ bảo anh là bạn thân của tôi, chắc ba không đa nghi tới mức phát hiện điều gì bất thường. Chúng tôi cùng nhau sửa xe bên lề đường, cùng rong ruổi ở công viên vắng vẻ, ở những quán nước thưa người, ở những con đường ngoại ô êm đềm vắng lặng, lén lút, chỉ có chúng tôi. Ban đầu là những ngày cuối tuần, dần dần, tần suất chúng tôi gặp nhau ngày càng nhiều hơn, đến nỗi, không gặp anh trong một hai ngày thôi đã nhớ không chịu nổi, tôi phải đạp xe qua tiệm của anh chỉ để ngắm anh trong thoáng chốc. Và trong thời gian ấy, mọi kỷ niệm cuộc đời của tôi đều có anh, chúng tôi thân thiết và mọi thứ đều muốn có nhau. Tôi biết, chúng tôi không phải là tri kỷ nữa, mà hơn thế nhiều, nhiều tới mức mà đôi lúc ngẫm nghĩ, cuộc sống của tôi sẽ chẳng thể nào thiếu anh.

Sau thời gian dài học việc, tay nghề sửa xe của tôi đã lên một trình mới, có thể phụ anh sửa những chi tiết đơn giản. Một buổi rảnh việc, tôi nằm trên võng đong đưa, miệng thở dài liên hồi vì cơn nắng buổi trưa gắt và ngột ngạt đến phát mệt. Anh phe phẩy cây quạt mo về phía tôi. Tôi hớp một ngụm nước mía như chết khát, ngoe nguẩy chân đưa võng.

- Đến bây giờ em vẫn chưa biết nhà anh đấy!

Nghe vậy, anh nghĩ ngợi một lúc, gãi đầu bức tóc, ngại ngùng hiện rõ trên mặt.

- Nhà anh nghèo lắm, chật hẹp khó vào, anh sợ em sẽ không thích.

- Hay là anh có điều gì giấu em? Anh chở em chạy ngang qua nhà để biết thôi cũng được.

- À… Ừ… Vậy khi trời về chiều mát mẻ hơn, anh sẽ đưa em đi.

Mặt trời ngả dần về tây, nắng đã dịu hơn. Anh chở tôi trên chiếc xe đạp, chiếc xe đã cũ mèm, mặc dù đã được sửa lại nhiều lần nhưng chiếc xe vẫn kêu cót két như sắp rã. Anh rẽ vào một con đường nhỏ rậm cỏ lau, nếu nhìn thoáng qua chắc khó nhận ra đây là con đường. Chạy vào sâu bên trong, con đường càng rộng ra hơn và uốn lượn quanh co, rẽ ra nhiều con đường mòn nhỏ khác. Hai bên đường cỏ lau um tùm xanh mướt, vào mùa này, cỏ lau đã bắt đầu ra hoa. Hoa cỏ lau trắng muốt đong đưa trong gió ngược nắng chiều vàng. Chiếc xe chạy chậm rãi trên đồng hoa cỏ lau, từng bông hoa trắng tinh trôi vào tầm mắt, cuốn tôi vào những dòng suy nghĩ miên man vô định. Cứ ngỡ chúng tôi đang bồng bềnh trôi trên biển trời cỏ lau thênh thang không bến bờ.

Anh dừng lại trước một căn nhà nhỏ, cái chân chóng cà tàng xiêu vẹo làm chiếc xe ngã bên bụi cỏ lau. Anh gãi đầu.

- Đây là nhà anh, em đừng chê nha.

Tôi xoay một vòng ngắm đồng cỏ lau nghiêng trong gió chiều, hít một hơi thật sâu và cảm thấy như đang bay bổng.

- Nơi đây thơ mộng và yên bình quá.

Nhà của anh nằm cạnh bên con đường mòn. Ngôi nhà nho nhỏ được cất bằng gỗ, sàn cao để tránh ẩm thấp và rắn rết, máy nhà lợp tôn trắng, hòa vào màu trắng của hoa cỏ lau. Ngôi nhà rất tươm tất, xung quanh được phát cỏ lau sạch sẽ. Phía trước có để cái lu chứa nước mưa, trên sân có trồng mấy luống rau cải xanh tốt. Nhìn ngôi nhà dễ thương như ngôi nhà tôi hay vẽ lúc còn học tiểu học. Tôi thích thú ngắm nghía một hồi lâu.

- Nếu có thêm một cái gác cao cạnh hiên nhà để chiều chiều ra uống tách trà, ngắm hoa cỏ lau nữa thì quá tuyệt vời rồi.

Anh ậm ừ gật đầu. Thấy tôi thích thú nên anh bớt phần ngại ngùng, nhưng vẫn cứ đứng loay hoay.

- Thế anh không có ý định mời khách vào nhà chơi à.

Anh cười sượng, có phần lúng túng. Nhà anh đơn sơ nhưng vô cùng ngăn nắp, có vách ngăn để chia nhà trước và nhà sau. Nhà trước có giường ngủ và vài đồ dùng sinh hoạt chung, nhà sau là bếp ăn, tắm giặt và có thêm cái giường ngủ. Tôi đang thắc mắc trong đầu: - Anh ở một mình sao lại có tận hai giường ngủ? Chưa kịp hỏi anh thì phía trước có tiếng gọi vào.

- Hôm nay sao con về sớm vậy, Thiện!

Chúng tôi cùng nhìn ra phía cửa, đó là một người phụ nữ tầm năm mươi tuổi, nhưng người bà ấy đen sạm, gương mặt đã nhiều nép nhăn, trông có vẻ già hơn tuổi. Thấy bà, tôi ngại ngần cuối chào và đứng khép nép. Bà nhìn tôi, nét mặt bất ngờ nhưng chốc lát gương mặt ấy đã tươi cười vô cùng hiền hậu.

- Đây là bạn của con, em ấy tên Nhân. – anh nhìn sang tôi – còn đây là má Lành, má nuôi của anh.

Nghe giới thiệu, má Lành càng mừng rỡ hơn, đến nỗi tôi phải bất ngờ với niềm vui của má. Má đưa hai tay vuốt mái tóc tôi, vuốt dài xuống má và vỗ lên hai bờ vai, ánh mắt lờ mờ đang cố mở to ra nhìn vào gương mặt tôi.

- Con xinh đẹp quá, giống như những gì má đã tưởng tượng. Thằng Thiện đêm nào nó cũng nhắc về con, má nghe nó kể chuyện của hai đứa mà thấy thương.

Tôi ậm ừ với niềm trân quý bất ngờ này. Má quay sang vỗ vào vai anh Thiện.

- Sao tới bây giờ mày mới đưa Nhân về thăm má, mày tệ quá rồi Thiện!

Chiều hôm ấy, má Lành ra chợ mua lỉnh kỉnh đồ mang về. Chúng tôi cùng phụ má nấu đủ thứ món ăn. Bàn tiệc được bày ra trước sân nhà, món ăn có thể không quá bắt mắt nhưng chúng tôi dùng bữa trong rộn rã tiếng cười. Tôi say sưa theo câu chuyện của má và anh kể về cuộc đời mình.

Anh Thiện mồ côi mẹ lúc vừa tròn mười hai tuổi. Anh theo chú út học nghề sửa xe. Thời gian sau chú cũng mất, anh tiếp tục với công việc ở tiệm sửa xe nhỏ trên vỉa hè. Ban đầu, anh ở tạm bợ trong căn nhà lá xập xệ, thời gian tích góp đã cất được ngôi nhà nhỏ trên cánh đồng hoang này. Ở một mình, đôi lúc cũng thấy buồn, nhưng rồi dần quen. Hằng ngày trôi qua đều giống nhau, sáng đi làm, chiều về nhà trên con đường quen thuộc, dù con đường ấy đẹp và thơ mộng đến mấy, với anh cũng dần trở nên nhàm chán. Anh chẳng đặt ra mục tiêu nào cho tương lai, vì hằng ngày trôi qua như đã lập trình sẵn, bình dị và vô vị. Cho đến một ngày, khi hai trái tim tổn thương và thiếu vắng gặp nhau, ngày anh gặp được má Lành.

Má Lành là người có tiền sử tâm thần, trước đó má bị tâm thần nặng, hay lên cơn điên loạn. Không ai biết quê má ở đâu, người thân là ai, và vì sao tâm trí ra nông nỗi này. Chỉ biết má đến xứ này từ rất lâu, đi lang thang bán vé số, nhặt nhạnh đủ thứ. Không có chổ ở nên má phải ngủ bờ đường, gầm cầu. Má hay lên cơn điên loạn và vô cùng bẩn thỉu nên nhiều người xa lánh. Nhưng lúc bình thường má hiền queo, trông lại rất đáng thương. Anh biết má từ trước đó, nhưng chiều hôm ấy, do má lên cơn quấy phá nên nhiều người đánh đập xua đuổi. Đến lúc qua cơn điên loạn, má nằm co ro trong góc gầm cầu, trên người chi chít vết thương đang rỉ máu. Anh thấy má thút thít vì đau mà xót dạ nên đưa về nhà chăm sóc. Những ngày đầu, anh cũng rất mệt mỏi vì má hay lên cơn, nhưng sau khi đưa đi thăm khám lãnh thuốc và được quan tâm, tận tình chăm sóc, tình trạng bệnh của má đã chuyển biến tốt hơn nhiều. Má không còn lên cơn điên loạn như ngày trước và biết tươm tất quần áo, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn. Má tiếp tục với công việc lượm ve chai, bán vé số dạo. Hai người nương tựa nhau sống như người thân ruột rà trong gia đình, hai trái tim tổn thương bù đắp cho nhau.

Má Lành kể xong mà đôi mắt rưng rưng. Anh lấy khăn chấm khóe mắt cho má. Tôi không ngờ tuổi thơ của anh lại cơ cực đến thế, những chuyện này anh chưa từng kể, tôi không giận, chỉ thấy anh đáng thương nhiều hơn. Có lẽ vì mặc cảm với hoàn cảnh của mình mà anh chưa bao giờ tâm sự, hoặc cũng có lẽ anh là người quá mạnh mẽ để tự bản thân mình chữa lành mọi vết thương.

Anh chở tôi về lúc trời đã sập tối. Con đường về tối đen, anh lái xe, tôi ngồi phía sau rọi đèn pin soi trên lối nhỏ mờ mịt. Tôi chòm người tới, ngã đầu vào lưng anh, trong đầu đang mơ hồ những câu chuyện má Lành và anh vừa kể. Tôi càng thấy ngưỡng mộ và thương anh nhiều hơn. Hóa ra cuộc đời tôi còn nhiều may mắn, vì tuổi thơ vốn dĩ quá bình yên và vì hiện tại tôi đã được gặp anh. Tôi miết gò má của mình vào tấm lưng vững chải, ấm áp, cảm giác như được chở che, bình yên lạ thường.