Phong Hành

Chương 3: Đội Cảnh sát hình sự (1).

6 giờ sáng, một màu vàng nhàn nhạt dần len lỏi qua những con hẻm xiêu vẹo, thành phố Lộc Bảo dần khoác lên chiếc áo rực rỡ đón chào ngày đầu tuần đầy nhôn nhịp.

Phong Hành vươn tay kéo chiếc rèm cửa cho ánh nắng tràn ngập vào căn phòng, hắn hít một hơi thật sâu, dang chân đứng tấn chuẩn bị đánh một bài Mai Hoa Quyền. Thói quen này đã theo hắn từ những ngày đầu bước chân vào cổng trường Đại học Cảnh Sát Nhân Dân, nếu ngày nào sau khi thức dậy mà không thể đánh một bài quyền là hắn ngứa ngáy tay chân không thể nào chịu được. Sau khi hoàn thành động tác cuối cùng, hắn ngồi bệt xuống nhìn mấy đám mây lơ đãng trôi qua, chậm rãi sắp xếp lại những suy nghĩ về hai ngày vừa rồi.

Hắn đã dành cả cuối tuần chỉ để ở trong phòng tiếp nhận sự thật đang xảy ra đối với mình. Lục tung hết cả đống sách vở cũng như những ghi chép có trong phòng, hắn nhận ra một điều rằng hắn đã chết ở năm 2008 và bây giờ sống lại ở năm 2024.

Nhưng một điều rất khó giải thích đó là dường như tất cả những gì thân thuộc và liên quan trực tiếp với hắn cũng được dịch chuyển đến hiện tại. Bố hắn là Phong Trường, hiện tại cũng là Sỹ quan Quân đội về hưu được vài năm như trong kiếp trước. Mẹ hắn là Đàm Yên vẫn làm công việc nội trợ chăm sóc cho gia đình nhỏ này. Hắn có một em gái tên Phong Linh, là sinh viên năm 2 học khoa Kinh tế tại Đại học tổng hợp thành phố Hoa – Tỉnh Đồng Lâm.

Không có một điều gì thay đổi.

Thậm chí đứa bạn thân chí cốt của hắn vẫn là Đại Bảo – đứa bạn hắn hay gọi là Đại Heo. Ngay cả cái quán cơm Đại Kim Bảo của nó vẫn nằm ngay góc ngã ba gần Ủy Ban Nhân Dân Thành phố. Hay những đứa bạn khác từ nhỏ tới lớn thân với hắn chẳng thiếu đi đứa nào.

Có cảm giác hắn từ trước đến giờ vẫn sống ở năm 2024, còn ký ức năm 2008 kia chỉ là một giấc mơ của hắn.

Tuy vậy hắn cũng nhận ra đôi chút sự khác biệt, hình ảnh những thầy cô trong trường cấp ba và đại học của hắn có chút già đi, những bức ảnh chụp các lớp khác trong khoa cũng có rất nhiều khuôn mặt lạ lẫm. Và điều làm hắn vô cùng buồn bực đó chính là hắn mất đi hết ký ức của thời đại này.

Nếu chỉ mất đi kỷ niệm với bạn bè hay gia đình thì không có gì đáng nói, dù sao hắn vẫn có kỷ niệm vui vẻ hạnh phúc kiếp trước. Điều đáng hận nhất là hiện tại hắn như một thằng khờ.

Đúng hơn là hắn như một thằng nhà quê.

Hắn dành cả hai ngày cuối tuần để mò mẫm chiếc điện thoại của hắn. Một chiếc điện thoại cảm ứng to đùng. Kiếp trước hắn cũng từng được đυ.ng đến điện thoại màn hình cảm ứng, hắn vẫn còn nhớ mình từng thèm thuồng chiếc điện thoại Aphone 2 của Đại Heo thế nào. Ngày đó hắn đã phải dắt nó đi hát ba bữa karaoke mới có thể mượn chơi một hôm. Cũng vì thế mà hắn không đến nỗi không xài được chiếc điện thoại đang cầm trên tay này, chẳng qua quá nhiều chức năng hắn chưa biết dùng. Nào là ứng dụng nhắn tin, gọi điện, mạng xã hội, cứ nhảy thông báo liên hồi loạn cả lên. Thậm chí hắn đã bất ngờ đến mức cười hềnh hệch khi thấy chiếc điện thoại này vào mạng internet và xem phim rất mượt mà. Không những nhanh mà còn rất nét nữa.

“Haiz thế hệ bây giờ đâu hiểu một bộ phim quý giá thế nào. Xem phim thực sự dễ quá. Không biết các thiên thần ngày ấy của mình bây giờ thế nào rồi.” Hắn tự dưng thấy thương xót cho sự thiếu thốn của thế hệ hắn. Ngẫm lại những ngày tháng trốn ra ngoài tìm mua mấy đĩa VCD không tem nhãn rồi lén coi trong lo sợ, thực sự cực khổ quá mà.

Càng tìm hiểu, càng ngẫm nghĩ, hắn lại thấy mình thực sự nhà quê và lỗi thời như thế đó.

-------------

“Con chuẩn bị đi chưa? Tranh thủ còn ăn sáng nữa.”

Phong Hành nghe tiếng mẹ gọi, vội mặc cho xong bộ đồ rồi bước ra khỏi cửa. Dân hình sự như hắn lâu lâu mặc lại bộ đồng phục tự nhiên thấy mình đẹp trai hẳn ra. Bộ quần áo cộc tay màu mạ non với quần âu, thêm tất cùng màu, trên cổ lấp lánh Công an hiệu cùng với cầu vai hai sao một gạch. Phong Hành với tay cầm lấy cái nón kepi rồi xỏ chân vào đôi giày đen đã được mẹ đánh si đen bóng tối qua.

“Con đi luôn đây, trên đường con ăn bánh mì cho gọn cũng được.” Hắn bỏ mũ kepi vào cốp rồi đội mũ bảo hiểm lên, chào mẹ rồi dắt chiếc xe BA màu bạc ra cổng.

Bà Yên vội nói theo trước khi hắn kịp đi: “Hôm nay ngày đầu đến môi trường mới, liệu mà cư xử đó biết chưa.”

“Con biết rồi mà, đó giờ đồng nghiệp yêu quí con không hết đó.” Hắn cười nhăn nhở rồi phóng vội ra đầu ngõ.

Thật ra sống lại ở thời gian này cũng không phải là một điều quá tệ. Điển hình như việc chiếc xe của mình đã biến thành chiếc BA tay ga này. Ở kiếp trước gia đình căn bản chỉ mua được một chiếc tay ga cho cha hắn đi làm, hắn vẫn phải chạy chiếc Buc 79 đi từ thời cấp 3. Cảm giác lướt nhẹ trên chiếc tay ga này thực sự làm hắn rất phấn khích, vừa chạy vừa cười ngơ ngẩn mà không để ý những ánh nhìn kì quái từ người qua đường.

Tấp vào một xe bánh mì bên đường, hắn gọi một ổ bánh mì thịt nguội. Đến lúc tính tiền hắn cau có rút ra 20 ngàn để thanh toán rồi thầm nghĩ “Thực sự chưa thấy chuyện sống lại tốt được bao nhiêu, đã thấy chẳng vui vẻ gì rồi. Ngày trước ổ bánh mì có 10 ngàn, thậm chí cô bán bánh mì mình quen còn bán có 8 ngàn. Vậy mà giờ phải trả 20 ngàn cho một ổ bánh mì”. Chưa kịp làm quen với chuyện này làm hắn thấy tiếc tiền đến đứt từng khúc ruột.

20 phút sau, hắn đã đứng trước trụ sở Công an thành phố Lộc Bảo. Nuốt vội miếng bánh mì cuối cùng rồi xuống xe dắt bộ, hắn đến bên chòi canh gác chào hỏi một câu: “Báo cáo, tôi là Trung úy Phong Hành. Hôm nay đến nhận công tác tại Đội hình sự Công an thành phố.”

Một đồng chí công an đứng nghiêm chào tay rồi khẽ đưa tay về phía khối nhà màu vàng: “Anh dắt xe vào nhà xe ở sau lưng tòa nhà chính kia. Sau đó đi lên lầu 2, phòng thứ 3, đó là văn phòng Đội hình sự.”

Phong Hành nói cám ơn rồi dắt chiếc xe chậm rãi tiến vào. Trụ sở Công an thành phố Lộc Bảo khá rộng. Ba dãy nhà dài xếp thành hình chữ U, mỗi dãy chắc phải hơn chục gian phòng, xung quanh còn có sân bóng đá và bóng chuyền. Mỗi dãy cao 3 tầng, sơn phết màu vàng nhạt, trên đỉnh dãy nhà chính giữa là một Công an huy thật to và nổi bật. Lác đác đã có những đồng chí đi trên hành lang mấy dãy nhà tiến vào phòng làm việc. Yên tĩnh và đầy uy nghiêm, khí thế này mang đến cho Phong Hành một cảm giác hào hứng và mong đợi hơn với công tác ở nơi quê nhà.