Chương 1
Về chuyện nói dối bố mẹ, ta phải làm vậy để bảo vệ họ. Vì muốn tốt cho họ thôi. Ý tôi là giả dụ như bố mẹ tôi chẳng hạn. Nếu họ biết sự thật trần trụi về tình hình tài chính/yêu đương/hệ thống ống nước/thuế địa phương của tôi thì hẳn họ sẽ lên cơn đau tim ngay tức khắc và bác sĩ sẽ hỏi, “Ai khiến họ bị sốc kinh khủng đến thế?” và tất cả đều là lỗi của tôi. Thế nên, bố mẹ tới căn hộ của tôi được gần mười phút rồi mà tôi đã nói dối họ những điều sau đây:1. Công ty Tư vấn Nhân sự cấp cao L&N sẽ bắt đầu sinh lợi sớm thôi, tôi chắc chắn về điều đó.
2. Natalie là cạ làm ăn tuyệt vời và tôi thật sáng suốt khi quẳng công việc cũ đi để chuyển sang làm săn đầu người cùng cô ấy.
3. Đương nhiên tôi không chỉ sống bằng pizza, sữa chua anh đào đen với vodka.
4. Có chứ, tôi hiểu vé phạt đỗ xe càng trả chậm thì càng bị tính thêm lãi.
5. Rồi, tôi đã xem cái đĩa DVD Charles Dickens bố mẹ tặng hồi Giáng sinh rồi, hay tuyệt, nhất là cái cô đội mũ bô nê ấy. Đúng rồi, Peggotty. Tôi định nói cái cô đó.
6. Đúng là tôi định mua thiết bị báo cháy vào cuối tuần này, thật là trùng hợp bố mẹ lại nhắc đến nó.
7. Đúng thế, sẽ thật tuyệt khi được gặp mặt cả đại gia đình.
Bảy lời nói cuội. Chưa kể những câu về bộ đồ của mẹ. Mà chúng tôi còn chưa đυ.ng chạm đến Chủ đề.
Khi tôi bước ra khỏi phòng ngủ trong bộ váy đen và chuốt vội chuốt vàng mascara, tôi thấy mẹ đang nhìn cái hóa đơn điện thoại đã quá hạn trên bệ lò sưởi.
“Mẹ yên tâm.” Tôi nói nhanh. “Con sẽ giải quyết mà.”
“Nhưng nhỡ con không trả được,” mẹ nói, “thì họ sẽ cắt điện thoại và con sẽ tốn khá nhiều thì giờ lắp đặt lại đấy, mà sóng di động ở đây sao cứ chập chà chập chờn vậy. Nhỡ có chuyện khẩn cấp thì sao? Con sẽ làm gì?” Trán mẹ cau lại vì lo lắng. Nhìn mẹ cứ như thể chuyện đó xảy ra đến nơi rồi; như thể có bà nào đang rặn đẻ trên giường mà nước lụt thì đang dâng lên bên ngoài cửa sổ và chúng tôi phải làm thế nào để liên lạc được với trực thăng đây? Làm thế nào?
“Ờ… con chưa nghĩ đến chuyện đó. Mẹ à, con sẽ thanh toán hóa đơn. Thật mà.”
Mẹ lúc nào cũng cứ lo quýnh lên vậy đấy. Bà đón nhận nụ cười căng thẳng này bằng ánh mắt dè dặt sợ hãi, và bạn biết là một viễn cảnh thảm khốc nào đó đang diễn ra trong đầu bà. Trông bà giống y như vậy ở lễ trao bằng tốt nghiệp của tôi, và sau đó mới thú nhận là lúc ấy đột nhiên bà để ý thấy có cái đèn chùm móc vào sợi xích yếu ớt, thế là bà bắt đầu bị ám ảnh bởi ý nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu nó rơi xuống đầu lũ con gái và vỡ tan thành từng mảnh?
Bà giật mạnh cái áo vest đen rộng thùng thình có cầu vai và hàng khuy kim loại kỳ dị. Tôi nhớ mang máng đâu hồi mười năm trước, khi mẹ đi phỏng vấn xin việc, tôi đã dạy bà mọi thủ thuật máy tính cơ bản nhất kiểu như dùng chuột như thế nào. Rốt cuộc bà đi làm cho một hội từ thiện cho trẻ em, chẳng có quy định nào về việc ăn mặc cả, ơn Chúa.
Nhà tôi chẳng ai hợp màu đen. Bố thì mặc một bộ com lê may bằng loại vải đen xỉn làm cho mọi đường nét cơ thể của ông cứ phẳng lì. Thực ra thì ông cũng khá đẹp trai, bố tôi ấy mà, theo kiểu nhỏ xương, khó nhận thấy. Tóc bố màu nâu và thưa, còn tóc mẹ sáng màu và thưa giống tóc tôi. Trông cả hai thực sự rất ổn khi họ thoải mái và ở đúng chỗ của mình – thí dụ như khi họ cùng ở Cornwall trên chiếc thuyền cũ ọp ẹp của bố, mặc áo khoác nỉ và ăn bánh nướng. Hoặc khi bố mẹ chơi nhạc trong dàn hợp xướng nghiệp dư của địa phương, nơi họ gặp nhau lần đầu. Nhưng hôm nay thì cả hai chẳng ai thoải mái cả.
“Vậy xong rồi chứ con?” Mẹ liếc đôi bàn chân mang bít tất của tôi. “Giày con đâu, con yêu?”
Tôi ngồi phịch xuống sofa. “Con phải đi à?”
“Lara!” mẹ nói, vẻ trách móc. “Cụ là bà dì của con. Con biết là cụ đã 105 tuổi rồi.”
Mẹ nói với tôi về chuyện bà dì đã 105 tuổi gần 105 lần rồi. Tôi chắc chắn đó là vì mẹ chỉ biết mỗi thế về bà.
“Thì sao? Con đâu có biết bà. Chẳng ai trong chúng ta biết cả. Chuyện này thật ngớ ngẩn. Tại sao chúng ta lại phải lết đến Potters Bar chỉ vì một bà già lụ khụ nào đó mà chúng ta chưa bao giờ gặp mặt?” Tôi ưỡn vai lên, cảm thấy giống một đứa bé ba tuổi đang hờn dỗi hơn là một cô gái hai mươi bảy trưởng thành có công ty riêng.
“Chú Bill và những người khác đều đến,” bố nói. “Và nếu họ có thể cố gắng làm thế…”
“Thì đây là một sự kiện đặc biệt của gia đình!” mẹ nhanh trí xen vào.
Vai tôi ưỡn lên cao hơn. Tôi dị ứng với những sự kiện gia đình. Đôi khi tôi nghĩ người ta sẽ sống tốt hơn nếu được là hạt bồ công anh – không gia đình, không lịch sử, chỉ trôi nổi trong thế giới, mỗi hạt ở trên túm lông của mình.
“Sẽ không lâu đâu,” mẹ dỗ dành.
“Có mà.” Tôi nhìn chằm chằm vào tấm thảm. “Vì mọi người sẽ hỏi con về… tình hình đâu.”
“Không đâu.” Mẹ nói ngay tắp lự, liếc sang bố nhờ hỗ trợ. “Sẽ chẳng có ai đề cập đến… tình hình.”
Im lặng. Chủ đề lơ lửng trong không trung. Như thể tất cả chúng tôi đều đang tránh nhìn vào nó vậy. Cuối cùng bố xông lên.
“Nào! Nói về… tình hình đi.” Ông ngập ngừng. “Nhìn chung con… ổn chứ?”
Tôi có thể thấy mẹ đang lắng nghe với vẻ cảnh giác siêu cao độ, dù bà đang giả đò chải tóc.
“Ờ thì, bố biết đấy,” tôi ngừng một chút rồi nói. “Con ổn. Ý con là, bố mẹ không thể hy vọng vụt cái con trở lại như…”
“Không, đương nhiên là không rồi!” bố lùi lại ngay tức khắc. Rồi ông lại cố. “Nhưng tinh thần con… vẫn tốt chứ?”
Tôi gật đầu đồng ý.
“Tốt!” mẹ nói, trông nhẹ nhõm hẳn. “Mẹ biết con đã vượt qua… tình hình.”
Bố mẹ tôi không nói toạc ra cái tên “Josh” nữa, bởi tôi thường có cái kiểu bật khóc nức nở mỗi khi nghe nhắc tới tên anh. Có một thời gian mẹ gọi anh là “Kẻ Không Được Gọi Tên.” Giờ anh chỉ là “tình hình”.
“Thế con không… liên lạc lại với nó đấy chứ?” bố đang nhìn thứ gì đó chứ không phải tôi, còn mẹ thì chú mục vào cái xắc tay.
Lại một lời nói trại nữa.Ý ông là, “Thế con có còn gửi cho nó mấy tin nhắn ám ảnh nữa không?”
“Không.” Tôi đáp, đỏ mặt. “Con không làm vậy, được chưa?”
Bố thật bất công khi khơi ra chuyện đó. Thực ra thì toàn bộ câu chuyện đã hoàn toàn bị thổi phồng lên quá mức. Tôi chỉ gửi cho Josh vài tin nhắn. Ba tin một ngày thì phải. Có nhiều nhặn gì đâu. Mà chúng không hề ám ảnh. Những tin nhắn ấy chỉ là tôi đang thành thật và cởi mở, với lại người ta vẫn cho là trong quan hệ thì cần phải như thế.
Ý tôi là, người ta không thể dập tắt tình cảm của mình chỉ bởi vì người khác đã làm vậy, đúng không? Người ta không thể đơn giản nói, “Ra thế! Vậy kế hoạch của anh là chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa, không bao giờ làʍ t̠ìиɦ nữa, không bao giờ nói chuyện hay liên lạc dưới bất cứ hình thức nào nữa. Quả là một ý tưởng phi thường Josh ạ, sao em lại không nghĩ ra nhỉ?”
Thế nên chuyện xảy ra là, bạn viết ra những tình cảm chân thật của mình trong một tin nhắn đơn giản vì bạn muốn chia sẻ, rồi chỉ một phút sau anh bồ cũ của bạn đổi ngay số điện thoại và mách với bố mẹ bạn. Đúng là cái đồ mách lẻo.
“Lara, bố biết con rất đau lòng, và thời gian này con đang khổ sở lắm.” Bố hắng giọng. “Nhưng đã gần hai tháng rồi mà con. Con còn phải sống tiếp chứ, con yêu. Hãy gặp gỡ những chàng trai khác xem… cứ đi chơi và tận hưởng niềm vui…”
Ôi Chúa ơi, tôi không thể đương đầu với một bài thuyết giáo nữa của bố về chuyện vô khối đàn ông sẽ quỳ mọp xuống chân một nhan sắc như tôi. Ý tôi là, trước tiên, chẳng có người đàn ông nào như vậy trên thế giới này cả, ai cũng biết thế. Và một cô gái cao chưa đầy mét sáu, mũi hếch mà lại chẳng rám nắng chút nào thì không hẳn là một cô gái đẹp.
OK. Tôi biết đôi lúc trông mình cũng khá ổn. Tôi có gương mặt hình trái tim, đôi mắt xanh lục cách xa nhau và vài đốm tàn nhang nhỏ trên mũi. Trên hết tôi còn có đôi môi mọng gợi cảm chẳng giống ai trong nhà. Nhưng tin tôi đi, tôi chả phải siêu mẫu gì.
“Vậy, đó có phải điều bố mẹ đã làm khi hai người chia tay hồi ở Polzeath không? Đi chơi và gặp gỡ những người khác ấy?” Tôi không kìm lại được, dù làm vậy là bới móc chuyện cũ. Bố thở dài liếc nhìn mẹ.
“Lẽ ra chúng ta không bao giờ nên kể với nó chuyện đó,” mẹ thì thào, xoa trán. “Lẽ ra chúng ta không bao giờ được nhắc đến chuyện đó…”
“Vì nếu bố mẹ làm thế,” tôi nói tiếp không hề lay chuyển, “bố mẹ đã không bao giờ trở lại đây cùng nhau, đúng không? Bố đã không bao giờ nói rằng bố là cái vĩ cho cây vĩ cầm của mẹ và mẹ cũng không bao giờ lấy chồng.”
Cái câu về cái vĩ và cây vĩ cầm này đã đi vào kho truyện lưu truyền của gia đình tôi. Tôi được nghe kể chuyện này hàng tỷ tỷ lần rồi. Bố đến nhà mẹ, ướt sũng mồ hôi vì đạp xe, còn mẹ thì đang khóc nhưng lại vờ như bị cảm lạnh, rồi họ làm lành và bà ngoại mang cho họ trà cùng với bánh quy bơ giòn. (Tôi chẳng biết vụ bánh quy bơ này thì liên quan gì nhưng nó luôn luôn được nhắc đến).
“Lara, con yêu,” mẹ thở dài. “Chuyện đó rất khác, lúc ấy bố mẹ yêu nhau được ba năm rồi, bố mẹ đã đính hôn…”
“Con biết!” tôi chống chế. “Con biết chuyện đó khác. Con chỉ định nói là đôi khi người ta vẫn quay lại với nhau. Chuyện đó có xảy ra mà.”
Im lặng.
“Lara, con lúc nào cũng lãng mạn…” bố bắt đầu.
“Con không lãng mạn!” tôi kêu toáng lên, như thể bị xúc phạm khủng khϊếp vậy. Tôi đang nhìn chằm chằm vào tấm thảm, lấy ngón chân miết lên mặt thảm mịn, nhưng tôi có thể thoáng thấy bố mẹ đang mấp máy môi một cách dữ dội đùn đẩy nhau nói tiếp. Mẹ đang lắc đầu và chỉ vào bố như thể muốn nói, “Anh nói đi!”
“Khi con chia tay với ai đó,” bố lại bắt đầu với vẻ vội vã lúng túng, “dễ có chuyện ngoái nhìn lại và nghĩ rằng cuộc sống sẽ hoàn hảo nếu các con quay lại với nhau. Nhưng…”
Ông lại định bảo tôi rằng cuộc đời giống chiếc thang cuốn. Tôi phải chặn ngay.
“Bố. Nghe con này. Xin bố đấy.” Chẳng hiểu sao tôi lại lấy được cái giọng điềm tĩnh nhất. “Bố mẹ hiểu lầm hết rồi. Con không muốn quay lại với Josh.” Tôi cố gắng nói nghe như thể đó là một ý nghĩ lố bịch. “Đó không phải là lý do tại sao con nhắn tin cho anh ta. Con chỉ muốn kết thúc. Ý con là, anh ta cắt đứt mà không hề báo trước, không nói chuyện, không bàn bạc gì cả. Con chẳng hề có một lời giải đáp nào. Nó giống như… một công việc chưa hoàn tất. Nó giống như đọc một cuốn truyện của Agatha Christie mà chẳng bao giờ biết được kẻ nào là thủ phạm!”
Thế. Giờ thì họ sẽ hiểu.
“Ờ,” cuối cùng bố lên tiếng. “Bố có thể hiểu nỗi thất vọng của con…”
“Đó là tất cả những gì con muốn,” tôi cố hết sức nói sao cho thuyết phục. “Để hiểu Josh đang nghĩ gì. Để nói cho ra nhẽ. Để giao tiếp với nhau như những con người có văn hóa.”
Và để quay lại với anh ấy, tâm trí tôi thêm vào, giống như một mũi tên lặng lẽ, chân thực. Vì con biết Josh vẫn còn yêu con, mặc dù chẳng ai nghĩ thế.
Nhưng nói vậy chẳng có tác dụng gì với bố mẹ tôi cả. Họ sẽ chẳng bao giờ hiểu được. Làm sao họ hiểu được chứ? Họ chẳng có chút khái niệm gì về việc Josh và tôi là một cặp tuyệt vời ra sao; chúng tôi hợp nhau hoàn hảo đến mức nào. Họ không hiểu rằng rõ ràng là anh đã có một quyết định hoang mang, vội vã, trẻ con dựa trên một lý do không hề tồn tại nào đó, có lẽ vậy, và nếu tôi có thể nói chuyện với anh thì sẽ thế nào, tôi chắc chắn là mình có thể giải quyết mọi chuyện êm thấm và chúng tôi sẽ lại về bên nhau.
Đôi khi tôi cảm thấy mình đi trước bố mẹ rất xa, chắn hẳn giống như Einstein khi bạn bè ông cứ nói, “Vũ trụ phẳng, Albert ạ, tin chúng tôi đi,” mà ông đang thầm nghĩ trong lòng rằng, “Tôi biết là nó cong. Một ngày nào đó tôi sẽ cho các anh thấy.”
Bố mẹ lén mấp máy môi với nhau lần nữa. Tôi nên chấm dứt nỗi khốn khổ của họ thôi.
“Mà bố mẹ cũng không phải lo lắng cho con đâu,” tôi nói vội. “Vì con đã vượt qua. Ý con là, thì vâng, có lẽ con chưa hoàn toàn vượt qua,” tôi sửa lại khi nhìn thấy vẻ mặt hồ nghi của bố mẹ, “nhưng con đã chấp nhận sự thật là Josh không muốn nói chuyện. Con đã nhận ra rằng bọn con không có duyên với nhau. Con đã rút ra được nhiều điều về bản thân, và… con ổn cả. Thật đấy.”
Tôi dán lên mặt mình một nụ cười. Tôi có cảm giác như đang niệm câu thần chú của một tôn giáo lập dị nào đó. Lẽ ra giờ tôi nên mặc áo thụng dài và đánh trống lục lạc.
Úm ba la… Con đã vượt qua được… Úm ba la… Con ổn cả…
Bố mẹ nhìn nhau. Tôi không biết họ có tin tôi không, nhưng ít ra tôi đã mở ra cho cả ba một lối thoát khỏi cuộc nói chuyện không hề dễ chịu này.
“Phải có tinh thần thế chứ!” bố nói, trông nhẹ nhõm hẳn. “Cừ lắm, Lara, bố biết con sẽ vượt lên được. Và con còn phải tập trung vào chuyện làm ăn với Natalie, công việc rõ ràng là đang tiến triển vô cùng tốt đẹp…”
Nụ cười của tôi thậm chí còn gian tà hơn. “Hoàn toàn đúng!”
Úm ba la… công việc của con đang tiến triển tốt… Úm ba la… nó không hề là một thảm họa…
“Mẹ rất mừng là con đã vượt qua chuyện này.” Mẹ bước tới hôn lêи đỉиɦ đầu tôi. “Giờ thì chúng ta xuất phát thôi. Tìm đôi giày đen đi vào đi con, chóng lên!”
Thở dài một tiếng bực bội tôi nhúc nhích đôi chân và lê vào phòng ngủ. Hôm nay là ngày thứ Bảy nắng giòn. Thế mà tôi phải dành nó cho một sự kiện gia đình gớm guốc liên quan đến một người 105 tuổi đã chết. Đời sao có lúc ngao ngán thế.
***
Khi chúng tôi rẽ vào bãi đỗ xe nhỏ xám xịt ở Trung tâm Tang lễ tôi thoáng thấy có một đám người đứng bên ngoài cửa ngách. Rồi tôi thoáng thấy một chiếc máy quay và một chiếc micro nùi bông nhấp nhô trên đầu họ.
“Có chuyện gì vậy?” Tôi thò đầu ra khỏi cửa kính xe. “Lại có vụ gì về chú Bill sao?”
“Có lẽ vậy.” Bố gật đầu.
“Mẹ nghĩ có người đang quay một bộ phim tài liệu về chú ấy,” mẹ xen vào. “Cô Trudy có nhắc tới chuyện này rồi. Về cuốn sách của chú ấy.”
Đây là chuyện xảy ra khi một người thân của bạn là người nổi tiếng. Bạn quen với việc đi đâu cũng thấy máy quay. Và mọi người sẽ hỏi bạn, khi bạn giới thiệu mình, rằng “Lington ư? Có liên quan gì tới cà phê Lingtons không, ha ha?” rồi lặng người khi bạn đáp, “Có.”
Chú Bill của tôi chính là Bill Lington, người sáng lập Cà phê Lingtons từ hai bàn tay trắng hồi chú hai mươi sáu và phát triển nó thành một đế chế chuỗi cửa hiệu cà phê có mặt trên khắp thế giới. Khuôn mặt chú in hình trên mọi cốc cà phê, khiến chú thậm chí còn nổi tiếng hơn cả ban Beatles hay đại loại thế. Bạn sẽ nhận ra chú nếu gặp chú. Và hiện giờ thậm chí chú còn nổi đình nổi đám hơn nữa vì vừa xuất bản hồi ký Hai đồng xu nhỏ bé hồi tháng trước và hiện đang là một best-seller. Hình như Pierce Brosnan sẽ thủ vai chú trong bộ phim.
Đương nhiên là tôi đã đọc từ đầu chí cuối. Cả cuốn sách nói về chuyện chú đã vét nhẵn tới tận hai mươi xu cuối cùng để mua một tách cà phê rồi nó dở đến mức khiến chú nảy ra ý tưởng mở một cửa hiệu cà phê. Thế là chú mở cửa hiệu, rồi phát triển thành một chuỗi cửa hàng, và giờ thì chú hầu như đã sở hữu cả thế giới. Biệt danh của chú là “Nhà Giả Kim”, và theo một bài báo năm ngoái, toàn bộ giới kinh doanh đều muốn biết bí quyết thành công của chú.
Đó là lý do vì sao chú tổ chức các buổi hội thảo “Hai đồng xu nhỏ bé”. Mấy tháng trước tôi đã bí mật đến một trong các buổi hội thảo đó. Chỉ là để xem mình có thể học được thủ thuật nào trong việc tiến hành công việc làm ăn mới toanh không. Hai trăm người đến dự buổi hôm ấy, tất cả đều nuốt lấy từng lời, và đến cuối buổi chúng tôi phải cầm hai đồng xu giơ lên mà nói “Đây là khởi đầu của tôi”. Thật rẻ tiền và đáng xấu hổ, nhưng mọi người xung quanh tôi lại có vẻ thực sự tràn đầy cảm hứng. Về phần tôi, tôi đã nghe kỹ từ đầu đến cuối mà vẫn chả hiểu chú ấy đã làm việc đó như thế nào.
Ý tôi là chú ấy mới hai mươi sáu khi kiếm được triệu bảng đầu tiên. Hai mươi sáu! Chú ấy vừa bắt tay vào kinh doanh là đã thành công ngay. Trong khi tôi khởi nghiệp từ sáu tháng trước và ngay lập tức trở thành kẻ đầu óc có vấn đề.
“Có lẽ một ngày nào đó con và Natalie cũng sẽ viết một cuốn sách về việc kinh doanh của hai đứa!” mẹ nói, như thể đọc được ý nghĩ của tôi vậy.
“Việc thống trị toàn cầu chỉ còn là nay mai nữa thôi,” bố phụ họa nhiệt tình.
“Nhìn kìa, có con sóc!” tôi hấp tấp chỉ ra ngoài cửa kính xe. Bố mẹ đã rất ủng hộ công việc kinh doanh của tôi, tôi không thể nói với họ sự thật. Vì vậy phải chuyển chủ đề ngay khi họ đề cập đến.
Chính xác mà nói thì mẹ không ủng hộ ngay lập tức. Thực ra có thể nói là khi tôi mở miệng tuyên bố bỏ công việc marketing và đem toàn bộ tiền tiết kiệm đi mở một công ty săn đầu người trong khi chưa từng làm công việc ấy bao giờ trong đời hay biết chút xíu gì về nó thì mẹ tôi suýt ngất.
Nhưng bà đã bình tĩnh lại khi nghe tôi giải thích là tôi sẽ làm ăn cùng với cô bạn thân Natalie. Và rằng Natalie là người làm nghề tư vấn nhân sự cực giỏi, cô ấy sẽ điều hành công việc trước còn tôi sẽ làm quản trị cùng marketing đồng thời tự học kỹ năng tư vấn nhân sự. Rằng chúng tôi đã có một vài hợp đồng đang chờ và sẽ trả hết khoản vay ngân hàng ngay.
Nghe giống như một kế hoạch tươi sáng. Nó đúng là một kế hoạch tươi sáng mà. Cho tới tháng trước khi Natalie đi nghỉ, yêu một gã vô công rồi nghề suốt ngày nằm thư giãn trên bãi biển ở Goa, rồi một tuần sau viết cho tôi lá thư bảo không biết lúc nào mới về, nhưng mọi dữ liệu đều để trong máy tính và tôi sẽ ổn thôi và sóng ở đó tuyệt lắm, tôi nên đến chơi, hôn thắm thiết.
Tôi sẽ không bao giờ hợp tác làm ăn với Natalie nữa. Không bao giờ.
“Nó tắt rồi chứ hả?” mẹ chọc chọc chiếc điện thoại di động của mình vẻ không chắc chắn, “Em không thể để nó đổ chuông trong lúc buổi lễ diễn ra được.”
“Xem nào,” bố đánh xe vào chỗ đỗ, tắt máy và cầm lấy điện thoại, “Em muốn để chế độ ‘im lặng’ hả?”
“Không!” mẹ hốt hoảng, “Em muốn tắt hẳn! Chế độ im lặng có thể gặp trục trặc!”
“Được rồi,” bố ấn nút bên rìa, “Tắt rồi,” bố trả lại điện thoại cho mẹ, bà nhìn nó đầy lo âu.
“Thế ngộ nhỡ tự dưng nó lại bật lên khi nằm trong túi xách của em thì sao?” Bà nhìn cả hai bố con tôi khẩn nài, “Anh biết là chuyện này đã xảy ra với Mary lúc ở câu lạc bộ du thuyền mà. Cái thứ đó đã sống dậy trong túi xách của cô ấy khi cô ấy đang làm giám khảo. Họ bảo chắc cô ấy đã va hay chạm vào nó kiểu gì đó…”
Giọng của bà vót lên và trở nên đứt quãng. Cứ hễ nghe giọng mẹ như thế là chị Tonya mất kiên nhẫn và nổi quạu, “Đừng có ngớ ngẩn thế mẹ, đương nhiên là điện thoại của mẹ sẽ không tự động bật lại được!”
“Mẹ.” Tôi nhẹ nhàng lấy chiếc điện thoại ra khỏi tay bà, “Sao chúng ta không để nó lại trong xe nhỉ?”
“Đúng rồi.” mẹ đỡ căng thẳng một chút. “Đúng rồi. Ý hay đấy. Mẹ sẽ cất nó vào ngăn để găng tay.”
Tôi liếc sang bố, bố nhìn tôi hơi mỉm cười. Tội nghiệp mẹ. Mấy cái chuyện diễn ra trong đầu mẹ thật hết sức vớ vẩn phi lý. Thực sự là bà cần phải nhìn nhận mọi chuyện đúng mức.
Khi chúng tôi tới trung tâm tang lễ, tôi nghe thấy cái giọng lè nhè đặc trưng của chú Bill vọng ra, và quả vậy, khi chúng tôi len qua một đám đông nhỏ thì thấy chú ấy đang ở đó, mặc áo jacket da, da rám đều và mái tóc bồng bềnh. Ai cũng biết là chú Bill bị ám ảnh chuyện tóc tai. Nó dày, tốt um và đen nhánh, và nếu có tờ báo nào có ý bảo chú nhuộm tóc là chú dọa sẽ kiện họ ngay.
“Gia đình là quan trọng nhất,” chú đang trả lời một người phỏng vấn vận đồ jean. “Gia đình là hòn đá tảng cho tất cả chúng ta đứng. Nếu phải cắt ngang lịch làm việc của mình vì một đám tang, tôi sẽ làm thế.” Tôi có thể thấy sự ngưỡng mộ lan ra khắp đám đông. Một cô gái, đang cầm một cốc cà phê Lingtons mang về, nhìn sang bên cạnh và liên tục thì thầm vào tai cô bạn, “Đích thị là ông ấy!”
“Xin lỗi, chúng ta phải dừng lại ở đây thôi…” Một trợ lý của chú Bill đến gần người quay phim. “Bill phải vào nhà tang lễ. Cảm ơn các cậu. Chỉ một vài chữ ký thôi…” ông ta nói thêm với đám đông.
Chúng tôi kiên nhẫn đứng đợi bên cạnh cho tới khi chú Bill ký xoèn xoẹt lên cốc cà phê và tờ chương trình tang lễ của từng người bằng một chiếc bút đánh dấu Sharpie, trong khi máy quay ghi hình họ. Rồi cuối cùng họ cũng tản mát dần và chú Bill dẫn đầu đoàn chúng tôi đi vào.
“Chào Michael. Rất vui gặp lại anh.” Chú bắt tay bố rồi ngay lập tức quay lại nói với một trợ lý. “Anh gọi được cho Steve chưa?”
“Đây ạ.” Viên trợ lý vội vàng đưa cho chú Bill một chiếc điện thoại.
“Chào Bill!” Bố thì bất kể lúc nào cũng lịch sự với chú Bill, “Lâu rồi nhỉ. Chú dạo này thế nào? Chúc mừng cuốn sách của chú.”
“Cảm ơn chú vì cuốn sách chú ký tặng!” mẹ vui vẻ xen vào.
Bill gật cái rụp với cả nhà tôi, rồi nói thẳng vào điện thoại. “Steve, tôi nhận được email của anh rồi.” Bố mẹ liếc nhìn nhau. Rõ ràng đây là kết cục vụ đoàn viên của đại gia đình chúng tôi.
“Đi xem chúng ta phải đi vào đâu nào,” mẹ thì thào với bố. “Lara, con vào chưa đấy?”
“Con sẽ ở ngoài này một chút,” đột nhiên tôi nói, “Gặp bố mẹ trong đó nhé!”
Tôi chờ tới lúc bố mẹ đã đi cả, rồi mon men tới gần chú Bill. Tôi vừa chợt nảy ra một kế hoạch đen tối. Tại buổi hội thảo, chú Bill đã nói rằng chìa khóa thành công cho bất cứ doanh nhân nào là nắm lấy mọi cơ hội. Ờ, tôi là một doanh nhân phải không nào? Và đây là cơ hội, đúng không?
Tôi chờ đến khi có vẻ chú đã nói chuyện xong, mới ngập ngừng nói, “Chào chú Bill. Cháu nói chuyện với chú một lát được không?”
“Chờ đã.” Chú giơ một tay lên, và áp chiếc Blackberry vào tai, “Chào Paulo. Chuyện gì thế?” Mắt chú đảo lại phía tôi và chú vẫy tay ra hiệu, tôi đồ là ý bảo tôi cứ nói đi.
“Chú có biết là giờ cháu đang mở công ty tư vấn nhân sự không?” Tôi nở một nụ cười căng thẳng. “Cháu đang hợp tác với một cô bạn. Bọn cháu đặt tên công ty là công ty Tư vấn Nhân sự Cấp cao L&N. Cháu có thể kể với chú về công việc làm ăn của bọn cháu không?”
Chú Bill nhíu mày, vẻ suy nghĩ với tôi trong giây lát và nói, “Giữ máy nhé Paulo.”
Ối trời! Chú ấy cắt ngang cuộc gọi của mình kìa! Vì tôi!
“Bọn cháu chuyên tìm kiếm các cá nhân có trình độ cao, năng động cho các quản lý cấp cao,” tôi nói, cố gắng không lắp bắp. “Cháu không biết là liệu cháu có thể nói chuyện với ai đó ở phòng Nhân sự bên chú, giải thích các dịch vụ của bọn cháu, có thể sẽ cùng nhau tạo dựng…”
“Lara.” Chú Bill giơ một tay lên ngắt lời tôi. “Cháu sẽ nói sao nếu chú giúp cháu liên hệ với Trưởng phòng Nhân sự của chú và bảo cô ấy: ‘Đây là cháu gái tôi, hãy cho cô ấy một cơ hội’?”
Tôi thấy sung sướиɠ muốn nổ tung. Tôi muốn hát vang Hallelujah. Hành động mạo hiểm của tôi đã thành công!
“Cháu sẽ nói cảm ơn chú rất nhiều, chú Bill!” tôi kiềm chế, cố giữ bình tĩnh. “Cháu sẽ làm hết sức mình, cháu sẽ làm suốt ngày suốt đêm, cháu vô cùng cảm kích…”
“Không.” Chú cắt ngang. “Không phải thế. Cháu sẽ không tôn trọng mình.”
“S-sao cơ ạ?” tôi ngừng lại vì bối rối.
“Chú bảo là không.” Chú nở một nụ cười trắng lóa. “Thế là chú ban ơn cho cháu đấy, Lara ạ. Nếu cháu tự mình làm nên thì cháu sẽ cảm thấy tuyệt vời hơn nhiều. Cháu sẽ cảm thấy là cháu đã giành được nó.”
“Đúng thế.” Tôi nuốt nước bọt, mặt đỏ bừng vì bẽ bàng. “Ý cháu là, cháu muốn giành được nó. Cháu muốn làm việc chăm chỉ. Cháu chỉ nghĩ có lẽ…”
“Nếu như chú có thể đi lên từ hai đồng xu nhỏ, Lara ạ, thì cháu cũng có thể.” Chú Bill nhìn vào mắt tôi một lát. “Hãy tin vào bản thân. Tin vào ước mơ của cháu. Đây.”
Ôi không. Đừng mà. Chú đã thò tay vào túi và giờ đang giơ lên hai đồng mười xu cho tôi.
“Đây là hai đồng xu nhỏ bé của cháu.” Chú nhìn tôi một cái thật sâu, tha thiết, cái kiểu quen thuộc của chú trong chương trình quảng cáo trên ti vi. “Lara, nhắm mắt lại. Cảm nhận nó. Tin vào nó. Nói, ‘Đây là khởi đầu của tôi’.”
“Đây là khởi đầu của tôi,” tôi lầm bầm, cả người co rúm lại, “Cảm ơn chú.”
Chú Bill gật đầu, rồi lại tiếp tục điện thoại, “Paulo. Xin lỗi vì bắt anh chờ.”
Nóng bừng cả người vì xấu hổ, tôi lỉnh mất. Chẳng hy vọng hy viếc gì có được cơ hội nữa. Chẳng có hợp đồng ký cọt gì nữa. Tôi chỉ muốn lễ tang này nhanh nhanh chóng chóng xong để về nhà.
Tôi đi vòng qua tòa nhà, bước qua cửa kính ở mặt tiền của trung tâm tang lễ và lọt vào gian sảnh có bầu không khí dịu nhẹ, có đặt ghế tựa bọc vải và những tấm áp phích chim bồ câu. Không có ai quanh đó, kể cả ở quầy lễ tân.
Đột nhiên tôi nghe có tiếng hát vọng ra từ phía sau cánh cửa gỗ bạc màu. Chết tiệt. Bắt đầu rồi. Tôi trễ rồi. Tôi vội vã đẩy cánh cửa ra – và quả đúng thế, những hàng ghế đã kín người ngồi. Căn phòng đông đến mức khi tôi len vào những người đứng cuối phải chèn nhau dạt sang bên. Tôi tìm cho mình một chỗ càng kín đáo càng tốt.
Khi nhìn quanh, cố xem bố mẹ đang ở đâu, tôi bị choáng ngợp bởi vô khối người đang có mặt ở đây. Và hoa nữa. Dọc theo căn phòng là những lẵng hoa lộng lẫy sắc trắng và kem. Người phụ nữ đứng ở hàng đầu đang hát “Pie Jesu”, nhưng có nhiều người đứng trước mặt tôi quá nên tôi chẳng nhìn thấy gì. Đứng gần tôi, vài người đang sụt sịt, và một cô gái cứ để mặc nước mắt tuôn rơi trên má. Tôi thấy hơi ăn năn. Tất cả những người này tới đây vì bà dì của tôi, còn tôi thì thậm chí chẳng biết gì về bà.
Tôi đã không hề gửi bông hoa nào, đột nhiên tôi ngượng ngùng nhận ra điều ấy. Liệu tôi có nên viết một tấm thiệp hay gì đó không nhỉ? Chúa ơi, tôi hy vọng là bố mẹ đã lo đâu vào đấy cả rồi.
Nhạc thật dễ thương, và không khí trầm lặng tới mức đột nhiên tôi không thể kìm nén được, tôi cảm thấy mắt mình cũng cay cay. Đứng cạnh tôi là một bà đội mũ nhung đen, thấy tôi vậy bà liền tặc lưỡi đồng cảm.
“Cháu có khăn tay chưa, cưng?” bà thì thào.
“Không ạ,” tôi thú nhận, và ngay lập tức bà ta bật mở cái túi da lỗi mốt to đùng sáng bóng. Mùi long não bốc lên, tôi thoáng thấy bên trong có vài cặp kính, một hộp kẹo bạc hà, một gói ghim kẹp tóc, một hộp có nhãn “String” và nửa gói bích quy tốt cho tiêu hóa.
“Mỗi khi tới tang lễ cháu nên mang theo khăn tay.” Bà đưa cho tôi một gói khăn giấy.
“Cảm ơn bà,” tôi hít sâu, cầm lấy. “Bà thật tử tế. À mà tiện thể, cháu là cháu gọi bằng cụ.”
Bà gật đầu thông cảm. “Đây chắc là khoảng thời gian kinh khủng đối với cháu. Gia đình cháu đương đầu với chuyện này ra sao?”
“Ờ…à…” tôi gập chiếc khăn giấy lại, không biết phải trả lời ra sao. Tôi không thể nói chính xác là, “Chẳng có ai buồn phiền đến thế cả, thực tế chú Bill còn đang dính lấy chiếc Blackberry ngoài kia nữa kìa. “Cả nhà cháu phải động viên nhau lúc này,” tôi ứng phó.
“Chính thế đấy.” Cụ bà gật đầu trang trọng như thể tôi vừa nói điều gì thực sự thông thái vậy, chứ không phải trích thẳng từ một tấm thiệp Hallmark ra. “Tất cả chúng ta đều phải động viên nhau.” Bà siết lấy tay tôi. “Cháu thân mến, bà rất sẵn lòng nói chuyện bất cứ lúc nào cháu muốn. Thật vinh dự khi được gặp một người thân của Bert.”
“Cảm ơn bà…” tôi nói như máy, rồi ngập ngừng.
Bert?
Tôi chắc chắn bà dì của tôi không phải tên là Bert. Thực ra là tôi biết tên bà không phải như vậy. Bà tên là Sadie.
“Cháu biết không, trông cháu giống ông ấy lắm.” Bà cụ quan sát khuôn mặt tôi.
Chết tiệt. Tôi nhầm lễ tang rồi.
“Cái trán có gì đó giống. Và cháu có cái mũi của ông ấy nữa. Có ai bảo cháu điều đó chưa, cưng?”
“Ừm… thỉnh thoảng ạ!” Tôi nói hoang mang. “Thực ra là, cháu phải…ờ… Cảm ơn bà rất nhiều về chiếc khăn giấy…” tôi vội vã lách ra phía cửa.
“Cháu gái của Bert đấy.” Tôi có thể nghe thấy tiếng của bà với theo phía sau. “Con bé buồn lắm, tội nghiệp.”
Tôi gần như quăng mình vào cái cửa gỗ mục bạc phếch và lại thấy mình ở trong gian sảnh, suýt bổ nhào vào bố mẹ. Họ đang đứng cùng một người phụ nữ mặc vest đen có mái tóc muối tiêu quăn tít cầm trên tay một tập tờ rơi.
“Lara! Con đã ở đâu thế hả?” Mẹ hoang mang nhìn vào cánh cửa. “Con làm gì ở trong đó thế?”
“Cháu vừa vào tham dự lễ tang cụ Cox hả?” người phụ nữ tóc muối tiêu trông sửng sốt.
“Cháu bị lạc!” tôi chống chế. “Cháu không biết phải đi vào đâu! Các cô nên để biển chỉ dẫn ở cửa ra vào!”
Người phụ nữ lặng lẽ giơ tay lên chỉ vào biển chỉ dẫn có in chữ nhựa trên cánh cửa: “Bertram Cox – một rưỡi chiều”. Chết tiệt. Sao tôi lại không thấy nó nhỉ?
“À, ừ nhỉ.” Tôi cố lấy lại vẻ đường hoàng. “Đi thôi nào. Chúng ta cần phải kiếm một chỗ ngồi.”