Chương 7
VẬY MÀ CÓ VẺ NHƯ anh ta vẫn không hiểu, vì hôm thứ bảy tôi nhận được một tấm thiệp có hình một cô gái bẽn lẽn vẽ theo lối tiền Raphael. Trong tấm thiệp, Tarquin viết:Ngàn lần xin lỗi về cách cư cử vụng về của tôi. Tôi hi vọng có thể chuộc lỗi với em. Một cặp vé đến Bayreuth – hoặc nếu không, ăn tối nhé?
Tarquin.
Ăn tối với Tarquin. Bạn có tưởng tượng nổi không? Mà thật ra anh ta định làm gì kia chứ? Tôi chưa bao giờ nghe đến Bayreuth. Nó là một buổi trình diễn mới hay cái gì nhỉ? Hay ý anh ta là Beirut? Nhưng vì Chúa, sao chùng tôi lại đến Beirut cơ chứ?
Nhưng dù sao thù tôi cũng có nhiều thứ quan trọng hơn phải quan tâm ngày hôm nay. Đây là ngày thứ sáu Cắt Giảm Chi Tiêu – và quan trọng, đây là ngày cuối tuần đầu tiên. David E. Barton nói đây thường là thời điểm mà chế độ tằn tiện bị phá vỡ. Bở vì ngày nghỉ thoát khỏi nhịp sống công việc thường ngày nên tạo ra một sự đứt quãng và nó thường lê thê trống rỗng, háo hức được lấp đầy bởi việc mua sắm thoải mái quen thuộc.
Nhưng tôi thừa quyết tâm vượt qua. Tôi sẽ tuyệt đối kiểm soát ngày của mình – và sẽ không đến gần một cửa hàng nào hết. Sáng nay tôi sẽ tới thăm bảo tàng và đến tối nay, tôi sẽ tự nấu một bữa càri cho tôi và Suze. Và tôi thực sự rất háo hức với việc này.
Và tổng chi phí hôm nay sẽ bao gồm:
Đi đến bảo tàng: Miễn phí (vì tôi có vé tháng)
Vào bảo tàng: MIễn phí
Cà ri: £2,50 (David E. Barton nói là bạn có thể làm một bữa cà ri tuyệt vời cho bốn người với giá không quá £5,00 – mà chúng tôi chỉ có hai người.)
Tổng cộng chi tiêu trong ngày: £2,50
Vậy là tốt hơn rồi. Thêm nữa tôi được mở mang kiến thức thay vì những thứ vật chất phù phiếm. Tôi chọn bảo tàng Victoria &Albert vì chưa đến đó bao giờ. Thực ra tôi thậm chí chẳng biết bên trong nó có gì. Tượng Nữ hoàng Victoria và Hoàng tử Albert chăng, hay đại loại thế?
Nhưng dù có gì trong đó đi nữa thì nó cũng sẽ rất thú vị và lôi cuốn, tôi bảo đảm thế. Vì trên hết thảy, hoàn toàn miễn phí!
Khi tàu ra khỏi ga điện ngầm Nam Kensington, dưới ánh mặt trời rục rỡ, tôi rảo bước trên đường, tự cảm thấy hài lòng với chính mình. Bình thường tôi sẽ phí phạm buổi sáng thứ bảy của mình để xem chương trình Live and Kicking và chuẩn bị mua sắm. Nhưng nhìn mà xem này! Tôi bỗng nhiên thấy mình trưởng thành và mẫu mực như nhân vật nào đó trong phim của Woody Allen. Tôi chỉ cần thêm chiếc khăn len dài với đôi kính mát là sẽ giống Diane Keaton.
Và vào ngày thứ hai, khi mọi người hỏi tôi ngày cuối tuần như thế nào, tôi sẽ nói “Thực ra tôi đã đến bảo tàng V&A”,. Không tôi sẽ nói là “Tôi đã tạt qua một buổi triển lãm.” Nghe có vẻ sành điệu hơn đấy. (Mà sao mọi người hay nói họ “tạt qua” một buổi triển lãm nhỉ? Đâu có phải các bức họa có thể ầm ầm chạy ra như lũ bò tót ở Pamplona). Sau đó họ sẽ nói, “Thật sao? Tớ không biết là cậu cũng quan tâm đến nghệ thuật đấy, Rebecca.” Và tôi sẽ nói, “Ồ, có chứ. Tớ dành hầu hết thời gian rảnh để đến các bảo tàng mà.” Rồi họ sẽ có ấn tượng về tôi rồi tiếp...
Mải nghĩ tôi đã đi băng qua cửa ra vào. Thật là ngớ ngẩn. Quá bận nghĩ về một cuộc đối thoại giữa mình và... tôi chợt nhận thấy thực ra người mà tôi dựng lên trong hoạt cảnh ngắn ngủi vừa rồi lại là Luke Brandon. Kỳ cục thật. Sao lại thế cơ chứ? Vì tôi đã chào hắn ở quán ăn thôi, tôi cố nghĩ. Thôi nào. Tập trung. Bảo tàng.
Tôi nhanh chân trở lại và hờ hững tiến vào tiền sảnh, cố tỏ ra là mình đã đến đây nhiều lần. Chẳng giống như đám du khách người Nhật đang túm tụm xung quanh anh hướng dẫn viên. Ha! Tôi thầm nghĩ đầy tự hào, mình không phải du khách. Đây là di sản của mình. Văn hóa của mình. Tôi lơ đễnh lấy một tấm bản đồ như thể tôi chẳng thực sự cần nó, nhìn vào danh sách các bài giới thiệu về các hiện vật như Đồ Gốm Dưới Triều Nguyên Và Đầu Triều Minh. Sau đó, rất tự nhiên, tôi bắt đầu dạo qua phòng trưng bày đầu tiên.
“Xin lỗi chị,” một người phụ nữ đang đứng ở bàn gọi tôi. “Chị đã trả tiền vé vào cửa chưa?”
Tôi đã cái gì cơ? Không ai phải trả tiền để vào nhà bảo tàng mà! Ờ, tất nhiên – cô ta chỉ đang đùa với tôi thôi. Tôi mỉm cười thân thiện và tiếp tục đi.
“Xin lỗi chị,” Cô ta nói, bằng giọng sắc lạnh hơn và một gã đàn ông trong bộ đồng phục bảo vệ đột nhiên xuất hiện. “Chị đã trả phí vào cửa chưa?”
“Bảo tàng miễn phí cơ mà!” Tôi thốt lên kinh ngạc.
“Tôi e là không,” cô ta nói, và chỉ vào môt tấm biển đằng sau tôi. Tôi quay trở lại và bật ngửa ra vì bất ngờ.
Vé vào cửa £5,00
Tôi suýt ngất vì choáng váng. Chuyện gì đã xảy ra với thế gian này vậy? Họ đang tính phí vào thăm một bảo tàng. Thật là quá đáng. Mọi người đều biết là bảo tàng luôn miễn phí mà. Nếu bạn tính phí vào bảo tàng thì còn ai thèm đến nữa! Rồi di sản văn hóa của chúng ta sẽ không thể được biết rộng rãi chỉ vì cái rào cản tài chính khủng khϊếp. Cả đất nước rồi sẽ bị thụt lùi rất xa và xã hội văn minh sẽ phải đối mặt khẩn cấp với nguy cơ sụp đổ. Đó là điều ông muốn phải không, Tony Blair?
Hơn nữa, tôi không có £5. Tôi cố ý không mang tiền theo, trừ £2,50 để mua nguyên liệu làm cà ri. Ôi Chúa ơi, thật là phiền phức. Ý tôi là, tôi đã ở đây, sẵn sàng tìm hiểu văn hóa. Tôi muốn vào trong và ngắm nghía... Ừm, thì bất cứ cái gì trong đó – nhưng mà không thể!
Giờ thì đám du khách người Nhật đang nhìn tôi chằm chằm như thể tôi có tội gì vậy. Biến đi! Tôi cáu kỉnh nghĩ. Đi mà ngắm mấy cái thứ nghệ thuật ấy đi.
“Chúng tôi có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng,” người phụ nữ nói. “VISA, Switch, American, Express.”
“À.” Tôi nói. “Vâng... được thôi.”
“Vé năm là £15,” cô ta nói khi tôi đang tìm ví, “nhưng với nó cô có thể vào cửa không giới hạn lần vào trong một năm.”
Không giới hạn lần vào trong một năm! Nào, đợi một lát! David E.Barton nói rằng điều mà bạn phải tính toán khi mua bất kỳ cái gì là ước lượng “giá mỗi lần sử dụng”, tức là giá mà bạn chia cho số lần bạn dùng nó. Thử giả sử là từ giờ trở đi, tôi sẽ đến V&A mỗi tháng một lần. (Tôi nghĩ đó là sự thật). Nếu tôi mua vé năm, có nghĩ là chỉ... £1,25 mỗi lần đến.
Ôi, một món hời đấy chứ, phải không? Khi cân nhắc lại bạn sẽ thấy nó thực sự là một vụ đầu tư rất tốt.
“Được, tôi sẽ mua vé năm.” Tôi nói và chìa thẻ VISA ra. A ha! Văn hóa ơi, ta đến đây.
Tôi bắt đầu với việc nhìn tấm bản đồ nhỏ và lướt qua mỗi tác phẩm trưng bày, tỉ mỉ đọc những tấm biển chú thích nhỏ.
Chén thánh làm từ bạc, Hà Lan, thế kỷ 16
Bức bích họa Chúa Ba Ngôi, Ý, giữa thế kỷ 15
Bát đất nung màu xanh và trắng, đầu thế kỷ 17
Chiếc bát đó quả là rất đẹp, tôi bỗng dưng cảm thấy thích thú và tự hỏi, không biết nó trị giá bao nhiêu. Trông nó có vẻ đắt tiền... Tôi nhìn quanh xem có tấm bảng đề giá nào không nhưng chợt nhớ ra mình đang ở đâu. Tất nhiên, sẽ chẳng có giá trị gì ở đây hết.
Thật là thiếu sót, tôi nghĩ. Bởi lẽ giá cả sẽ khiến nó thêm thú vị, phải không nào? Bạn dạo quanh, nhìn ngắm mọi thứ, sau một hồi sẽ cảm thấy khá tẻ nhạt. Ngược lại, nếu họ đặt thêm bảng giá tiền vào, bạn sẽ cảm thấy hứng thú lâu hơn. Thật ra, tôi nghĩ tất cả các bảo tàng đều nên đề giá cho các vật trưng bày của họ. Bạn ngắm nhìn một chiếc ly bạc hay một bức tượng cẩm thạch hay bức họa MonaLisa hay cái gì đi chăng nữa, và ngưỡng mộ vẻ đẹp hay giá trị lịch sử của chúng, vân vân – rồi sau đó bạn tìm bảng giá thực và thoảng thốt “Ôi, xem trị giá của nó này!” Và mọi thứ sẽ trở nên thú vị hơn.
Tôi sẽ viết cho V&A và đề nghị họ chuyện này. Dù sao, tôi là người có vé năm cơ mà. Họ cũng nên nghe ý kiến của tôi chứ.
Giờ thì tôi chuyển sang kệ ly bên cạnh.
Ly chạm khắc, Anh, giữa thế kỷ 15.
Chúa ơi, tôi muốn uống một tách cà phê chết đi được! Tôi đã ở đây bao lâu rồi nhỉ! Hẳn là phải...
Ôi, mới mười lăm phút.
Khi bước vào phòng trưng bày lịch sử ngành thời trang, tôi bỗng trở nên nghiêm nghị và thông thái lạ thường. Thực sự thì tôi đã dành nhiều thời gian cho nơi này hơn bất cứ chỗ nào khác. Nhưng rồi những bộ váy áo, những đôi giày cũng hết và nhường chỗ cho những bức tượng cùng những thứ lặt vặt khó hiểu trên kệ. Tôi liên tục nhìn đồng hồ còn đôi chân thì đau nhức... và cuối cùng, tôi sà vào một chiếc ghế sofa.
Đừng hiểu lầm tôi. Tôi thích các bảo tàng. Tôi thực sự thích. Và tôi rất quan tâm đến nghệ thuật của Hàn Quốc. Chỉ là sàn nhà quá cứng mà tôi thì lại đi bốt hơi chật. Với lại tôi phải cởϊ áσ khoác vì trời nóng, nhưng giờ cái áo cứ liên tục trơn tuột khỏi cánh tay tôi. Và thật là kỳ cục, nhưng tôi cứ nghĩ mình có nghe thấy tiếng của một ngăn kéo đựng tiền. Có lẽ chỉ là tôi tưởng tượng thôi.
Tôi đang ngồi vẩn vơ, tự hỏi xem mình còn đủ sức đứng lên nữa không, thì đám khách Nhật bước vào gian trưng bày này, tôi buộc phải đứng lên, vờ như đang chăm chú ngắm nghía một cái gì đó. Tôi lơ đãng nhìn một tấm thảm, rồi sải bước xuống hành lang nơi bày những viên ngói cổ Ấn Độ. Tôi đang nghĩ đến việc là bọn tôi nên lấy mấy viên ngói nung ấy và trang trí lại phòng tắm thì thoáng thấy một cái gì đó qua tấm lưới kim loại và rồi tôi lặng người sửng sốt.
Tôi đang mơ ư? Hay đó là ảo ảnh? Tôi có thể thấy một chiếc máy tính tiền, một hàng người xếp dài, một chiếc tủ trưng bàu cùng các bảng giá...
Ôi Chúa ơi, tôi không nhầm đâu! Đó là một cửa hàng! Có một cửa hàng nagy trước mặt tôi!
Chân tôi như đang nhún nhảy, năng lượng tràn trề trở lại. Theo tiếng bíp bíp của chiếc máy tính tiền, tôi nhanh chóng đến lối vào cửa hàng và dừng lại trước ngưỡng cửa. Tôi tự nhủ với mình là đừng quá hi vọng để khỏi phải thất vọng nếu đó chỉ là tiếng đánh dấu sách và khăn ăn.
Nhưng không. Tuyệt vời kinh khủng! Sao tôi lại không biết nơi này sớm hơn nhỉ? Có vô số đồ trang sức đẹp và hàng đống sách nghệ thuật tuyệt hay, thêm nữa là những món đồ gốm, những tấm thiệp xinh xắn và...
Ôi. Tôi đâu có ý định mua bất cứ thứ gì trong ngày hôm nay kia chứ! Khỉ thật!
Thật là tồi tệ. Khám phá ra một cửa hàng mới và rồi chẳng mua cái gì trong đó là nghĩa làm sao? Thật quá bất công. Mọi người đều đang mua đồ, họ đều đang vui vẻ. Tôi chán nản lượn lờ quanh một kệ trưng bày ca cốc, nhìn một người đàn bà Úc đang mua một đống sách về điêu khắc. Bà ấy đang trò chuyện với người bán hàng và tôi tình cờ nghe thấy hai người nhắc gì đó về Giáng sinh. Và rồi tôi nảy ra một ý tưởng tuyệt vời.
Mua đồ cho Giáng sinh! Tôi có thể mua toàn bộ đồ Giáng sinh ở đây. Tôi biết tháng ba có vẻ hơi sớm, nhưng sao lại không kia chứ? Và khi dịp giáng sinh đến, tôi không phải chen chúc trong một đám đông mua sắm khủng khϊếp. Không thể tin nổi, sao mình không nghĩ ra việc này từ trước nhỉ? Và là như thế thì không hề vi phạm nguyên tắc vì khi nào đó tôi sẽ phải mua quà giáng sinh mà. Tất cả điều tôi sẽ làm bây giờ tiến hành việc mua sắm. Đúng là quá thông minh.
Và sau một giờ đồng hồ, tôi quay ra hồ hởi với hai túi sách. Tôi đã mua một quyển album có bìa là ảnh của William Morris, một bộ ghép hình bằng gỗ kiểu cổ, một cuốn sách ảnh thời trang và một bình trà bằng gốm độc đáo. Chúa ơi, tôi mê việc mua sắm giáng sinh. Tôi chưa biết sẽ tặng gì cho ai – nhưng quan trọng là, những món đồ độc đáo, phi thời có thể làm đẹp bất cứ ngôi nhà nào. (Ít ra là chiếc bình trà bằng gốm vì điều đó được ghi trên mẩu tờ rơi bé xíu.) Vì vậy, tôi cho là đã hành động thực sự đúng.
Như vậy buổi sáng nay đã thành công mỹ mãn. Khi rời khỏi bảo tàng, tôi cảm thấy phấn chấn, bay bổng lạ thường. Điều đó chỉ ra tầm ảnh hưởng của một buổi sáng hoàn toàn dành cho văn hóa với tâm hồn. Từ giờ, tôi quyết định sẽ dành mỗi sáng thứ bảy ở một bảo tàng.
Khi tôi về nhà, trên tấm thảm chùi chân ngoài cửa có một bưu kiện cùng với một phong bì vuông có đề địa chỉ người nhận là tôi bằng nét chữ tôi chưa từng thấy. Tôi kéo đống túi vào phòng rồi xé bì thư ngay – và khựng lại. Đó là một tấm thiệp của Luke Brandon. Làm sao hắn có được địa chỉ nhà mình nhỉ? Tấm thiệp viết:
Gửi Rebecca, thât vui vì tình cờ gặp cô tối hôm trước, tôi thực sự hi vọng cô đã có một buổi tối thú vị. Giờ tôi mới nhận ra là tôi chưa cảm ơn cô về khoản tiền cô gửi trả tôi. Vô cùng cảm kích.
Chúc cô mọi điều tốt đẹp – và, dĩ nhiên. Xin bày tỏ niềm cảm thương sâu sắc nhất về sự mất mát bác Ermintrude. (Nếu được xem là một sự an ủi thì, tôi không thể tưởng tượng chiếc khăn đó có thể hợp với ai hơn cô.)
Luke.
Tôi lặng lẽ nhìn chằm chằm vào bức thư một lúc. Tôi khá ngạc nhiên. Trời, tôi nghĩ một cách cảnh giác. Hắn thật tử tế khi đã viết thiệp, phải không? Một tấm thiệp viết tay đẹp đẽ dường này, chỉ để cảm ơn cho tấm thiệp của tôi. Ý tôi là hắn không chỉ vì lịch sự thôi chứ? Bạn không nhất thiết phải gửi thiệp cảm ơn cho một người chỉ vì họ trả lại hai mươi bảng đã vay.
Hay là bạn cũng thế? Có thể, ngày nay, mọi người làm như vậy. Mọi người gửi thiệp vì mọi lý do. Tôi chẳng biết tí gì về cái phải làm và cái không nên làm cả. (Tôi biết tôi nên đọc cuốn sách về nghi thức xã giao mà tôi có.) Tấm thiệp này phải chăng chỉ là một lời cảm ơn lịch sự? Hay nó còn là một cái gì đó khác? Và nếu là như vậy... thì... đó là gì?
Hắn đang chế giễu tôi sao?
Ôi Chúa ơi, chắc thế rồi. Hắn biết là bác Ermintrude không có thật. Hắn chỉ giễu cợt để làm tôi xấu hổ thôi.
Nhưng mà... Hắn mất công mua thiệp, viết thiệp, rồi gửi nó chỉ để làm tôi bẽ mặt thôi sao?
Ôi, tôi không biết nữa. Ai quan tâm kia chứ? Dù sao tôi thậm chí còn chẳng thích hắn.
Mở mang kiến thức trong cả buổi sáng, tôi xứng đáng tự thưởng một chút trong buổi chiều, thế là tôi mua một tờ Vogue và một túi Minstrels rồi nằm thượt lên sofa. Chúa ơi, tôi đã bỏ qua những điều thú vị này sao. Tôi chưa đọc một tạp chí nào trong... Hẳn là một tuần rồi, trừ bản phô tô tờ Cosmo của Suze ngày hôm qua. Và tôi không nhớ nổi lần cuối cùng tôi thưởng thức vị socola.
Tôi không thể dành quá nhiều thời gian hưởng thụ được, bởi vì tôi còn phải ra ngoài mua đồ cho món cà ri tự nấu của chúng tôi. Vì vậy, sau khi đọc lá số tử vi của tôi, tôi gấp cuốn tạp chí lại, rồi lấy quyển sách dạy món Ấn ra. Tôi thực sự rất háo hức. Tôi chưa bao giờ làm cà ri cả.
Tôi không muốn làm cà ri tôm hùm nữa vì hóa ra tôm hùm rất đắt.Tôi sẽ thay thế bằng món gà nấm Balti. Món đó có vẻ rẻ và dễ làm hơn. Và giờ thì tôi chỉ cần viết danh sách những thứ cần mua.
Khi viết xong, tôi hơi ngạc nhiên. Tờ danh sách dài hơn tôi nghĩ. Tôi không biết rằng cần phải có nhiều gia vị đến thế để làm món cà ri. Tôi vừa đảo qua bếp, và thấy chúng tôi không có chảo Balti, hay máy nghiền gia vị, hay máy trộn tạo hương. Hay thậm chí một chiếc thìa gỗ hay bất cứ cái cân nào dùng được.
Nhưng không sao. Việc tôi phải làm là mau mau đến cửa hàng Peter Jones và mua tất cả những đồ bếp mà chúng tôi cần, sau đó tôi sẽ mua nguyên liệu để nấu nướng. Điều cần phải nhớ là tôi chỉ phải mua tất cả những thứ đó một lần – và từ giờ thì chúng tôi đã có đầy đủ đồ dùng để làm những món cả ri ngon lành vào mỗi tối. Và đơn giản tôi chỉ phải nghĩ đó là một vụ đầu tư.
Tối hôm đó, vừa lúc Suze trở về từ chợ Camden, tôi đeo chiếc tạp dề màu sọc, nghiền mấy thứ gia vị bằng chiếc máy xay mới mua.
“Phù!” cô nói khi bước vào bếp. “Mùi gì ghê vậy!”
“Hương gia vị đấy,” tôi nói hơi cáu kỉnh rồi tớp một hụm rượu.
Nói thật là vụ này khó hơn tôi tưởng. Tôi đang nấu một món gọi là hỗn hợp gia vị Balti, thứ gia vị mà có thể để trong lọ và dùng trong nhiều tháng, nhưng hình như tất cả các gia vị đều biến vào cái máy xay rồi không buồn trở ra nữa. Chúng đi đâu rồi nhỉ?
“Tớ đang đói ngấu lên đây này,” Suze nói và tự rót cho mình một ly rượu vang. “Săp xong chưa?”
“Tớ cũng không biết,” tôi nói, săm soi cái máy xay. “Chỉ cần tớ lấy được đống bột chết tiệt này ra khỏi...”
“Ôi chà,” cô nói. “Có lẽ tớ làm vài miếng bánh mì nướng đã.”
Cô bỏ hai miếng bánh mì vào lò nướng rồi bắt đầu lần lượt nhấc tất cả túi, lọ gia vị của tôi lên xem xét.
“Gia vị tổng hợp là cái gì?” cô nói, tò mò cần một lọ lên. “Có phải là tất cả các loại gia vị trộn lẫn vào nhau không?”
“Tớ không biết,” tôi nói, đập đập cái máy xay trên bàn. Một tí bụi bột bắn ra và tôi nhìn chúng một cách bực tức. Chuyện gì xảy ra với một hũ đầy mà tôi có thể dùng trong cả tháng thế này? Giờ tôi lại phải rang thêm, khốn thật.
“Sao cậu không dùng luôn loại này rồi bỏ tất mấy thứ kia đi?”
“Không!” tôi nói. “Tớ sẽ làm một loại hỗn hợp Balti thơm ngon đặc biệt.”
“Được thôi.” Suze nói, nhún vai. “Cậu là chuyên gia mà.”
Đúng vậy, tôi nghĩ rồi hớp một ngụm rượu nữa. Bắt đầu lại nào. Hạt mùi, hạt thì là, hạt tiểu hồi, hạt tiêu... Lần này thì tôi chẳng buồn đong đếm nữa, tôi quẳng tất chúng vào máy xay. Người ta nói nấu ăn nên theo cảm tính cơ mà.
“Cái gì thế này?” Suze hỏi trong lúc đang nhìn tấm thiệp trên bàn bếp. “Luke Brandon? Sao anh ta lại hửi thiệp cho cậu?”
“Ừ, thì anh ta theo phép lịch sự thôi mà,” tôi vừa nói vừa nhún vai.
“Lịch sự?” Suze nhướn mày rồi mở tấm thiệp ra xem. “Không thể tin được. Chẳng ai gửi thiệp chỉ để cảm ơn vì đã nhận lại hai mươi bảng cả.”
“Thật không?” Giọng tôi hơi cao hơn bình thường, nhưng hẳn là vì gia vị tôi đang rang thôi. “Tớ nghĩ đó có thể là cách mà dạo này người ta hay làm.”
“Ôi, không đâu,” Suze nói một cách chắc chắn. “Chuyện thường là, một khoản tiền cho vay được trả lại cùng một bức thư cảm ơn, và chấm hết ở đó. Còn tấm thiệp này,” cô vẫy vẫy nó trước mặt tôi, “là một cái gì đấy hơn thế.”
Đây là lý do tôi thích ở cùng Suze. Cô hiểu biết những thứ như thế này, bởi cô đã từng trải khá nhiều trong xã hội. Bạn có biết cô đã có những lần ăn tối với bà công tước xứ Kent không? Tôi không hề khoác loác đâu.
“Vậy cậu nghĩ nó có ý gì?” Tôi nói, cố gắng không quá kích động.
“Tớ cho là anh ta đang tỏ ra thân thiện,” cô nói và đặt lại tấm thiệp lên bàn.
Thân thiện. Tất nhiên, đúng là thế. Hắn đang cố thân thiện. Đó cũng là điều tốt, tất nhiên. Vậy thì sao mình lại thấy thất vọng nhỉ? Tôi nhìn tấm thiệp, nó có hình Picasso ở mặt trước. Nghĩa là sao nhỉ?
“Mấy cái hạt kia chắc đen sì rồi, đúng không?” Suze vừa nói vừa phết bơ lạc lên lát bánh mì nướng.
“Ôi trời!” Tôi nhấc cái chảo Balti ra khỏi bếp và nhìn đống hạt đã bị đen cháy. Chúng làm tôi phát điên. Thôi được rồi, bỏ nó đi và làm lại lần nữa. Hạt mùi, hạt thì là, hạt tiểu hồi, hat tiêu, lá nguyệt quế. Những chiếc lá nguyệt quế cuối cùng. Lần này tốt nhất là đừng thất bại nữa.
Dù sao, thật kỳ diệu, điều đó đã không xảy ra. Bốn mươi phút sau, tôi đã thực sự có một mẻ cà ri sùng sục trên chảo Balti. Thật là tuyệt! Nó rất thơm và trông y hệt trong sách mặc dù tôi làm theo công thức không chính xác cho lắm. Điều đó cho thấy tôi cũng có duyên với ẩm thực Ấn Độ đấy chứ. Và càng làm nhiều, tôi sẽ càng thành thạo. Như David E.Barton nói, tôi có thể hoàn thành món cà ri ngon lành chỉ bằng thời gian gọi cửa hàng mang đến. Và xem xem tôi đã tiết kiệm bao nhiêu tiền rồi chứ!
Tôi chắt cạn nồi cơm basmati, lấy bánh bột nướng ra khỏi lò và bày mọi thứ lên đĩa một cách đắc thắng. Rồi tôi rải một ít rau mùi tươi lên trên - và thú thật là nó còn ngon hơn cả mấy món trong tạp chí Marie-Claire. Tôi mang hai đĩa ra và đặt trước Suze một chiếc.
“Ôi,” cô nói,”Trông tuyệt quá!”
“Tớ biết mà,” tôi tự hào và ngồi xuống ghế đối diện. “Tuyệt đúng không?”
Tôi nhìn Suze xúc một dĩa đầy đầu tiên – rồi cũng xúc một dĩa đưa lên miệng.
“Mmm! Ngon!” Suze vừa nói vừa nhai đầy hào hứng. “Hơi cay,” cô bổ sung sau một lát.
“Tại vì trong đó có bột ớt,” tôi nói. “Và cả ớt tươi nữa. Nhưng dù sao thì cũng ngon, nhỉ?”
“Quá ngon!” cô nói. “Bex, cậu thật giỏi quá! Triệu năm nữa tớ cũng chẳng làm được thế này đâu.”
Nhưng khi cô đang nhai, khuôn mặt cô hình như hơi biến sắc. Thú thực là tôi cũng cảm thấy hơi lo. Món cà ri này hơi cay. Thực ra, nó cay khủng khϊếp.
Suze đã đặt đĩa xuống và hớp một ngụm rượu to. Khi cô ngước lên, tôi thấy hai má cô rực đỏ.
“Ổn chứ?” Tôi nói, tự ép mình mỉm cười qua cái miệng nóng bừng.
“Ừ, tốt mà!” Cô nói và ăn một miếng bánh bột lớn. Tôi nhìn xuống đĩa và xúc một dĩa đầy cà ri.
Ngay lập tức, nước mũi tôi chảy ròng ròng. Suze cũng đang sụt sịt. Tôi nhìn sang, nhưng khi gặp mắt cô, cô lại cười tươi rói.
Chúa ơi, cay quá. Miệng tôi không thể chịu nổi. Má tôi nóng rực và nước mắt bắt đầu tuôn chảy. Tôi đã cho bao nhiêu bột ớt vào cái món kinh khủng này nhỉ? Chỉ khoản một thìa cà phê thôi mà.. Hoặc có thể là hai. Tôi chỉ ước lượng theo cảm tính và thấy vừa phải là đổ vào thôi. Ôi, có vẻ như là quá nhiều thì phải.
Nước mắt tôi bắt đầu ròng ròng xuống mặt và tôi xịt mũi một cái rõ mạnh.
“Cậu có sao không?” Suze hoảng hốt hỏi.
“Ừ, mình ổn!” tôi nói và bỏ cái dĩa xuống. “Chỉ là... cậu biết đấy. Hơi cay một tí.”
Nhưng thực sự, tôi không ổn một chút nào. Và cũng không phải là vị cay làm tôi chảy nước mắt. Bỗng dưng tôi cảm thấy thất bại thảm hại. Tôi thậm chí còn không làm được một món cà ri nhanh chóng và đúng cách. Và thử xem tôi đã phải tiêu bao nhiêu tiền vào nó, nào là chảo Balti, tạp dề, hàng đống gia vị... Ôi, tất cả đều thất bại rồi, phải không? Tôi đã chẳng Cắt Giảm Chi Tiêu được gì cả. Tuần này thật là một thảm họa khủng khϊếp.
Tôi bật khóc nức nở và đặt cái đĩa lên sàn nhà.
“Khủng khϊếp quá!” Tôi khốn khổ nói, nước mắt bắt đầu lã chã. “Đừng ăn nữa, Suze. Nó sẽ khiến cậu đau bụng đấy..”
“Bex! Đừng ngốc thế chứ!” Suze nói. “Ngon tuyệt mà!” Cô nhìn tôi rồi cũng đặt cái đĩa xuống sàn. “Ôi! Bex,” cô nhoài người ôm lấy tôi. “Đừng lo. Chỉ hơi cay thôi. Nhưng nó rất ngon mà. Và bánh bột thì rất tuyệt vời! Thật đấy. Cậu đừng buồn.”
Tôi mở miệng định trả lời nhưng thay vì đó lại khóc to hơn.
“Bex, thôi mà!” Suze van nỉ, gần như sắp khóc. “nó ngon thật đấy! Đó là món cà ri ngon nhất mà tớ từng ăn!”
“Không phải chỉ vì món cà ri!” Tôi vừa nức nở vừa lau nước mắt. “Cái chính là tớ đang định Cắt Giảm Chi Tiêu và món cà ri này chỉ được mất £2.50 thôi”
“Nhưng... sao?” Suze bối rối hỏi. “Có vụ cá cược hay gì đó à?”
“Không!” Tôi rền rĩ. “Là bởi tớ đang mắc nợ! Và bố tớ nói là tớ nên Cắt Giảm Chi Tiêu hoặc là Kiếm Thêm Tiền. Tớ đã thử Cắt Giảm Chi Tiêu. Nhưng không ăn thua gì...” Tôi run bắn lên rồi lại òa khóc. “Tớ là một đứa thất bại thảm hại.”
“Dĩ nhiên là cậu không thất bại,” Suze nói ngay. “Bex, ngược lại với thất bại. Chỉ là...” Cô hơi ngần ngừ. “Chỉ là... có thể...”
“Gì cơ?”
Một khoản yên lặng sau đó, sau đó Suze nói một cách nghiêm chỉnh, “Tớ nghĩ là cậu đã chọn sai cách, Becky. Tớ không nghĩ là cậu giỏi Cắt Giảm Chi Tiêu.”
“Thật không?” Tôi sụt sùi và lau nước mắt. “Cậu nghĩ thế à?”
“Tớ nghĩ là cậu nên chọn việc Kiếm Thêm Tiền.” Suze ngừng một lát vẻ nghĩ ngợi. “Thực ra, tớ nghĩ sẽ không ai chọn việc Cắt Giảm Chi Tiêu. Kiếm Thêm Tiền. Thì tốt hơn nhiều chứ. Nếu phải chọn, tớ chắc chắn sẽ chọn cách đó.”
“Phải” tôi chậm rãi nói. “Phải, có thể cậu đúng. Có lẽ đó là điều tớ nên làm.” Tôi với xuống bằng bàn tay run rẩy và bẻ một miếng nhỏ bánh bột nướng còn ấm – và Suze nói đúng. Không có cà ri, bánh thật là ngon. “Nhưng mình sẽ làm thế nào cơ chứ?” rốt cuộc tôi nói. “Làm sao để mình kiếm thêm tiền?”
Im lặng một lúc, cả hai chúng tôi cùng nhai bánh. Rồi Suze nảy ra ý tưởng.
“Mình biết rồi. Xem này!” Cô với lấy quyển tạp chí và mở đến phần quảng cáo ở cuối. “Nhìn xem nó nói gì ở đây này ‘Cần thêm tiền? Tham gia vào gia đình Fine Frames. Kiếm được hàng nghìn, làm việc ở nhà lúc rảnh. Cung cấp đầy đủ các trang thiết bị cần thiết’. Cậu thấy không? Dễ thôi mà.”
Ồ. Tôi khá ấn tượng. Hàng nghìn. Không hề tệ.
“Ừ,” tôi nói đầy hào hứng, “có lẽ mình sẽ làm việc đấy.”
“Hoặc là cậu có thể phát minh ra cái gì đó,” Suze nói.
“Ví dụ như là cái gì?”
“Ồ, bất cứ cái gì,” cô nói tự tin. “Cậu thông minh mà. Cớ nhớ lần cái máy lọc cà phê bị hỏng không, và cậu đã sáng chế ra một cái mới đấy thôi.”
“Phải rồi,” tôi trả lời với một chút tự hào lan tỏa. “Phải, mình đã làm thế, đúng không?”
“Cậu có thể dễ dàng trở thành một nhà phát minh. Hoặc là... Mình biết rồi! Thành lập một công ty Internet. Nó đáng giá cả triệu đấy!”
Tôi nghĩ, cô đúng. Có rất nhiều việc tôi có thể làm để Kiếm Thêm Tiền. Hàng đống việc! Đó chỉ là vấn đề suy nghĩ! Bỗng nhiên tôi thấy khá hơn rất nhiều. Suze quả thực là một người bạn tốt. Tôi nhoài người và ôm cô thật chặt.
“Cám ơn cậu, Suze” tôi nói. “Cậu là một vị cứu tinh.”
“Đâu có gì đâu,” cô nói và cũng ôm chặt tôi. “Nào, giờ cậu hãy cắt mẩu quảng cáo ấy và bắt đầu kiếm hàng nghìn...” Cô ngừng lại một chút. “Còn tớ sẽ đi gọi cà ri làm sẵn nhé?”
“Ừ được,” tôi nói nhỏ. “Một suất làm sẵn có lẽ hay đấy.”
KẾ HOẠCH CẮT GIẢM CHI TIÊU CỦA REBECCA BLOOMWOOD
CÀ RI TỰ LÀM, THỨ BẢY NGÀY 24 THÁNG BA
Ngân quỹ dự kiến: £2,50
Chi tiêu thực tế:
Chảo Balti £15,00
Máy nghiền hạt chạy điện £14,99
Máy trộn £18,99
Thìa gỗ 35 xu
Tạp dề £9,99
Hai miếng ức gà £1,98
300g nấm 79 xu
Hành 29 xu
Hạt mùi £1,29
Hạt thì là £1,29
Gia vị tổng hợp £1,29
Hạt tiêu hồi £1,29
Đinh hương £1,39
Gừng nghiền £1,95
Lá nguyệt quế £1,40
Ớt bột £1.40
ÔI CHÚA ƠI, QUÊN NÓ ĐI
THẺ VISA NGÂN HÀNG SỐ MỘT PGNI
SỐ 7 QUẢNG TRƯỜNG CAMEL
LIVERPOOL LI 5NP
Cô Rebecca Bloomwood
Căn hộ số 2
Số 4 đường Burney
London SW6 8FD
Ngày 6 tháng Ba năm 2000
Gửi cô Bloomwood:
Số thẻ VISA tại Ngân hàng Số một PGNI: 1475832904847586
Cảm ơn cô về bức thư ngày mùng 2 tháng Ba.
Tôi có thể khẳng định với cô là hệ thống máy tính của chúng tôi được kiểm tra thường xuyên, và vì vậy khả năng một “trục trặc”, như cô có đề cập, là khó có thể xảy ra. Chúng tôi cũng không bị lỗi Y2K nào cả. Tất cả các phép tính đầu hoàn toàn chính xác.
Cô có thể viết thư cho cô Anne Robinson tại Tờ Watchdog nếu cô muốn, nhưng tôi chắc là cô ấy cũng đồng ý rằng không có lý do nào để phàn nàn.
Sao kê của chúng tôi cho biết khoản phải thanh toán cho thẻ VISA của cô đã quá hạn. Như cô có thể thấy trong bản kê khai thẻ VISA gần đây nhất, số tiền tối thiểu cần thanh toán là £105,40. Tôi mong sớm nhận được khoản tiền đó của cô, càng sớm càng tốt.
Trân trọng,
Peter Johnson
Trưởng phòng Tài khoản Khách hàng