Trân Châu Cảng

Chương 25

Chương 25
Những đèn flash được trang bị pin đầy đủ gắn chỉnh tề trên máy chụp hình của các nhà báo và phóng viên hình ở Washington. Họ đang đợi tổng thống. Trợ lý tổng thống đẩy chiếc xe lăn ra khỏi phòng họp báo. Lúc này không một ai dám bấm máy vì chưa phải lúc.

Trợ lý giúp Roosevelt ra khỏi ghế, vị tổng thống vật lộn với đôi chân lúc này không còn sức sống để đến bên bục. Những trợ lý của ông cài những cái khoá nơi khớp đầu gối để tổng thống có thể đứng trước micro. Trông ông tràn trề sức mạnh, thậm chí cũng quí phái như những vị lãnh đạo quốc gia khác.

Lúc này, tất cả các đèn gắn trên ống kính mới được bật sáng và chớp nháy liên tục. Roosevelt nhìn thính giả, không biết những người dưới kia là cả nước Mỹ, cả thế giới, cả lịch sử đối với ông. Ánh mắt ông lạnh băng, giọng nói phải kìm nén lắm mới khỏi lộ ra cơn tức giận:

- Hôm qua, 07/12/1941 là một ngày nhục nhã của đất nước chúng ta. Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã bị tấn công bằng đường thủy và đường không. Kẻ tấn công không phải ai khác mà chính là đế chế Nhật Bản. Trước đây, Hoa Kỳ đã đối xử hoà bình với quốc gia này. Nước Mỹ vẫn đàm phán với quốc gia Nhật và Nhật Hoàng những mong vẫn giữ được hoà bình ở vùng Thái Bình Dương. Thế nhưng, một giờ đồng hồ sau khi những đợt không kích đầu tiên của Nhật Bản thả bom xuống Oahu, đại sứ Nhật Bản ở Hoa Kỳ và đồng nghiệp của ông đã gửi đến Bộ Nội vụ câu trả lời chính thức cho thông điệp mới nhất từ phía Mỹ. Mặc dù lời đáp trả từ phía Nhật có nói rõ rằng những cuộc thương lượng ngoại giao giữa hai nước cứ tiếp tục như thế này chẳng ích lợi gì. Nhưng phía Nhật Bản không đả động gì đến một lời đe doạ hay báo trước về một cuộc chiến hoặc là tấn công vũ trang vào Hoa Kỳ.

Theo con số thống kê, thì khoảng cách từ Nhật Bản đến quần đảo Hawaii là rất lớn khiến cho mọi người đều thấy rõ rằng cuộc tấn công này đã được hoạch định một cách rất kỹ càng từ nhiều ngày, hoặc thậm chí từ nhiều tháng trước đây. Trong quãng thời gian đó, chính phủ Nhật Bản đã tìm cách lừa dối Hoa Kỳ bởi những lời dối trá, và những văn kiện bày tỏ phía Nhật cũng hy vọng nền hoà bình sẽ được tiếp tục ở quần đảo Hawaii.

Cuộc tấn công trên quần đảo Hawaii đã gây tổn thất rất lớn cho hải quân và lực lượng vũ trang Hoa Kỳ. Nhiều người dân nước Mỹ đã phải thiệt mạng. Chưa hết, theo những báo cáo thì nhiều tàu chiến của Mỹ đã bị ngư lôi phá hủy ngoài khơi giữa San Francisco và Honolulu.

Ngày hôm qua, quân đội Nhật cũng đã tấn công Malays, Hồng Kông, đảo Guam và đảo Wake.

Sáng nay, quân đội Nhật tấn công đảo Midway. Ta có thể thấy Nhật Bản đang thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ và khủng khϊếp khắp miền Thái Bình Dương. Những sự việc của ngày hôm qua tự nó đã nói lên bản chất của sự việc. Người dân Hoa Kỳ đã có chính kiến của mình và hiểu rằng điều đó có ý nghĩa như thế nào đến sự an toàn của quốc gia và đến mạng sống của từng người dân Mỹ.

Đồng tình với tổng tư lệnh quân đội và hải quân, tôi ra lệnh huy động mọi biện pháp có thể để bảo vệ tổ quốc chúng ta.

Chúng ta sẽ không bao giờ quên cái kiểu kẻ thù đã tấn công chúng ta dữ dội vào hôm trước. Cho dù phải mất nhiều năm tháng, người dân Mỹ mới có thể vượt qua được những tổn thất của cuộc xâm chiếm có định trước như ngày hôm qua. Cả dân tộc Mỹ với sức mạnh chính đáng của mình sẽ chiến thắng và giành được thắng lợi rực rỡ.

Tôi tin rằng tôi đã gửi đến toàn dân một ý chí đã được Hạ viện và cả dân chúng tán thành khi tôi xác nhận rằng chúng ta không chỉ bảo vệ nước Mỹ và dân tộc Mỹ ở mức tối đa mà còn làm cho mọi người tin chắc rằng trò lừa lọc vừa rồi không thể nào gây nguy hiểm cho nước Mỹ một lần nữa.

Chiến sự là có thật, không còn nghi ngờ gì nữa. Sự thật là dân tộc chúng ta, lãnh thổ chúng ta, quyền lợi của chúng ta đang bị đe doạ nghiêm trọng.

Bằng niềm tin tưởng vào quân đội của Hoa Kỳ, với những ý chí quyết tâm không gì ngăn chặn nổi của quân đội Hoa Kỳ và Thượng đế đã luôn ở bên, chúng ta sẽ giành được chiến thắng là điều tất yếu. Tôi yêu cầu Hạ viện đưa ra lời tuyên bố, bởi vì phía Nhật Bản vô cớ và hèn hạ tấn công Hoa Kỳ vào ngày Chủ nhật 07/12, thế nên nước Mỹ tuyên chiến với đế chế Nhật Bản là điều không thể tránh khỏi.

"Chiến tranh" hai tiếng ấy vang vọng trên khắp nước Mỹ, thanh niên trai tráng từ khắp nơi, từ miền quê đến thành thị đều vứt bút nghiên, bỏ lưỡi cày đến những trung tâm quân đội đăng ký tòng quân. Ở những nơi đó, các chàng trai xếp hàng dài dằng dặc ra tới tận ngoài đường phố mong được ra trận. Nhiều năm qua, quân Đức hiếu chiến tung hoành ở bờ bên kia Đại Tây Dương, nước Mỹ vẫn chưa có chiến tranh. Cuộc chinh phục Châu Âu, chiến tranh diễn ra trên vùng trời nước Anh, những cuộc tấn công vào Châu Phi và Châu Á. Không một tin tức nào trong những cuộc chiến ấy khiến Hoa Kỳ rúng động đến như vậy. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, tin tức từ Trân Châu cảng khiến toàn dân trào sôi giận dữ.

Không cần biết Nhật cách Mỹ bao xa, người Mỹ vẫn phải chiến đấu với một đất nước ở bên kia quả Địa cầu. Bởi vì cuộc tấn công vào Mỹ, cuộc tấn công vào mảnh đất quê hương của người dân Mỹ, một cuộc tấn công bất ngờ, lén lút và có chủ đích kia là không thể tha thứ được.

Hạ viện đã đáp trả lại hành động thù nghịch từ phía Nhật Bản bằng lời tuyên chiến. Không chỉ tuyên chiến với một mình Nhật Bản, mà với cả những đồng minh của nước Nhật ở Châu Âu, đó là: Đức và Ý, hay còn gọi là phe trục. Roosevelt hứa với người dân Mỹ, ông sẽ lãnh đạo họ để trả thù đích đáng. Nhưng tin tức từ Uỷ ban tác chiến và những cuộc bình luận trong Nhà Trắng không cho được kết quả khả quan cũng như không tìm được sức mạnh của Hoa Kỳ trong thời điểm ấy. Mọi việc mà nước Mỹ có thể làm chỉ là làm chậm tiến trình thất bại trong cuộc chiến này.

Để đánh trả, Hoa Kỳ không phải chỉ huấn luyện binh lính, thủy thủ và phi công mà còn phải vận hành cả một nền công nghiệp để sản xuất ra vũ khí, trang bị cho binh lính. Tuy nhiên, việc này cần phải có thời gian mới có thể làm được. Thời gian là thứ mà nước Mỹ không thể sản xuất được. Kẻ thù của nước Mỹ đã chuẩn bị từ nhiều năm nay và đã giành được rất nhiều thắng lợi ở khắp nơi. Người Đức và người Ý thắng trận vang dội ở Châu Âu. Còn người Nhật có mặt trên khắp vùng Đông Nam Á và cả trên vùng Trung Quốc lục địa nữa.

Trước đây, Roosevelt cho rằng người Đức là mối hiểm hoạ lớn nhất cho nền văn minh Tây Âu. Giờ đây, ông mới thấy Nhật Bản là mối đe doạ trực tiếp của Hoa Kỳ. Tính hiếu chiến của quân Nhật là rất cao, và khắp nơi trên miền Thái Bình Dương, Mỹ đã phải rút quân. Đúng thế, việc sửa chữa phải bắt đầu ngay với những con tàu ở chính Trân Châu cảng. Thậm chí cả những con tàu bị đánh đắm cũng phải trục vớt lên và sửa chữa ngay lập tức. Những tàu hàng không mẫu hạm của Mỹ đã thoát thân được trong cuộc tấn công hôm ấy, cho dẫu thế, chưa thể gọi là cân bằng cân sức để tự vệ, huống hồ lại còn mong đánh trả để giành chiến thắng. Nguy cơ Nhật Bản xâm lược vào miền đất lục địa của Hoa Kỳ được đánh giá là còn hơn cả có thể nữa. Roosevelt nhận được báo cáo từ phòng tác chiến rằng: các nhà chiến lược, chiến thuật giỏi nhất của phòng ban này đã nghiên cứu những viễn cảnh dựa trên những việc đã xảy ra gần đây và tin rằng nếu Nhật Bản leo thang dồn hết lực lượng tấn công nước Mỹ, đổ bộ lên bờ biển phía Tây và đánh sâu vào trong đất liền và Hoa Kỳ không có khả năng chặn đứng bước chân quân xâm lược. Bọn chúng phải quay về Nhật Bản cho tới khi bọn chúng đến được thành phố Chicago.

Roosevelt nhóm họp những quân sư của ông ở Nhà Trắng và bảo với họ rằng:

- Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng to lớn hơn. Tất cả những gì chúng ta có thể hình dung được là từ nhiều năm nay chúng ta cho nước Mỹ là bất khả chiến bại, nhưng giờ đây, những tàu chiến mang lại niềm tự hào nhất cho nước Mỹ, là trái tim của hạm đội Mỹ lại bị phá hủy bởi kẻ thù mà chúng ta cho là hèn yếu hơn chúng ta gấp nhiều lần.

Tới đây, ông ngừng lại không lâu. Không muốn nghe những lời nói cố mang lại niềm lạc quan hơn nữa.

- Chúng ta đang chơi một trò chơi nguy hiểm, thưa các quý vị! Và cũng chính vì thế chúng ta phải phản công ngay lập tức. Hãy đánh trúng vào trung tâm của Nhật Bản bằng đúng cái cách mà bọn chúng đánh chúng ta.

Im lặng bao trùm trên bàn họp. Những quân sư của tổng thống, cả dân sự lẫn quân đội đều suy nghĩ là tổng thống đang đặt ra những mục tiêu quá sức của họ. Những câu nói tiếp theo khiến họ hiểu ra. Tất cả những chuyên gia quân đội ngồi trên bàn ngày hôm ấy cho rằng một hoạt động tấn công của Mỹ là không thể được trong một tương lai gần. Một trong các tư lệnh ngồi cạnh một chiếc bàn hốt hoảng chồm người lên. Những khuy đồng và cầu gai trên bộ quân phục của ông phản chiếu lên mặt bàn gỗ quí bóng loáng. Ông nói:

- Tấn công trả đũa ư? Thưa Ngài, tôi biết nói thế này là phạm thượng, thưa tổng thống. Nhưng chúng ta vẫn còn đang trục vớt những xác chết và mảnh tàu đắm ở dưới Trân Châu cảng còn chưa xong.

Cái cằm đặc biệt của Roosevelt hất cao lên, cơ hàm của ông di chuyển trong cái nghiến răng giận dữ. Mọi người đành đẩy trách nhiệm nặng nề ấy cho tướngMarshall, người có khả năng luôn phản đối tổng thống Roosevelt mà vẫn giữ được trọn lòng kính phục đối với ông. Lúc này tướng Marshall đã lên tiếng:

- Thưa tổng thống! Trận Trân Châu cảng đã cho chúng ta một đòn nặng nề, bởi vì chúng ta không chịu đối mặt với thực tế, lần này cũng không phải là lúc chúng ta không xét đến những khía cạnh hoàn toàn xác thực. Các binh đoàn không quân đều là những máy bay ném bom đường trường. Nhưng không biết họ phải cất cánh từ đâu đây? Từ đảo Midway thì quãng đường quá xa để đến Trân Châu cảng. Còn ở Trung Quốc ư? Khắp Trung Quốc lục địa đã bị quân Nhật Bản nắm giữ. Còn người Nga đã từ chối không gây chiến với Nhật và sẽ không cho phép chúng ta tổ chức một cuộc tấn công trên đất của họ.

Roosevelt trừng mắt:

- Nếu quân đội các anh không có khả năng làm chuyện này, thì hãy để cho bên hải quân làm vậy.

Viên tư lệnh đã chồm người ra phía trước lúc này đã yên vị, lên tiếng:

- Những máy bay của hải quân lại quá nhỏ, không chuyên chở được lượng vũ khí, đạn dược nặng nề và không bay được đường trường. Chúng ta phải tìm được một địa điểm chỉ cách Nhật Bản vài trăm dặm. Và nếu như thế thì lại quá nguy hiểm đối với những tàu hàng không mẫu hạm của phía hải quân, nếu chúng ta để cho Nhật tấn công những tàu hàng không mẫu hạm và đánh chìm chúng. Chúng ta sẽ không còn vũ khí trống trả lại cuộc xâm lăng của Nhật rất có thể sẽ xảy ra.

Roosevelt ngắt lời:

- Có ai trong phòng này nghĩ rằng người ta có thể giành được chiến thắng mà không phải chịu rủi ro không hả. Chúng ta đang tham chiến thì tổn thất là chuyện không thể tránh khỏi.

- Thưa tổng thống, chúng ta cũng cần phải cân nhắc xem nên nhận lấy những rủi ro loại nào chứ ạ. Tướng Marshall lên tiếng, giọng ông kiên định và mạnh mẽ. Ông biết cuộc tranh luận với tổng thống không phải là dễ. Roosevelt là người đã từng nói với tất cả người dân Mỹ trong những đêm dài của cuộc đại khủng hoảng, ông nói: điều chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ hãi của chúng ta. Chúng ở trong mỗi con người (…). Tất nhiên, khi ấy người dân chỉ phải đối mặt với nạn thất nghiệp chứ không phải đương đầu với lưỡi lê và bom đạn như bây giờ.

- Thưa ngài! Không một ai ngồi tại hội nghị ngày hôm nay leo được lên tới vị trí này mà không đặt chữ cực kỳ thận trọng lên hàng đầu. Chúng tôi biết là quân đội có nghĩa vụ phục vụ và bảo vệ tổ quốc. Và chúng tôi cũng được huấn luyện để sẵn sàng chiến đấu. Nhưng chúng tôi cũng không dám làm việc dưới quyền của ngài hay cũng không dám phục tùng người dân Mỹ nếu như chúng tôi phải bắt tay vào thực hiện một việc mà lại không có khả năng để hoàn thành.

Roosevelt nói:

- Thưa các vị, hầu hết các vị ngồi đây đều không biết tôi khi hai chân của tôi còn lành lặn, tôi rất khoẻ mạnh, tự hào và kiêu căng. Nhưng giờ đây, từng giây, từng phút trong cuộc đời, tôi tự hỏi: Tại sao Thượng đế lại bắt tôi phải ngồi trong chiếc xe lăn này? Nhưng mỗi khi tôi nhìn thấy nỗi thất bại trong mắt đồng bào mình, trong con mắt của các quí vị ngồi đây, ngay lúc này tôi lại có một ý nghĩ khác: có lẽ Thượng đế đã bắt tôi phải ở trong một hình hài như thế này vào trong thời khắc khốc liệt như thế này đây, để tôi phải tự biết rằng, mình là ai. Thượng đế cũng đặt quí vị vào trong một hoàn cảnh khắt khe như thế này để quí vị tự chứng minh mình là người như thế nào. Rằng: chúng ta sẽ không bỏ cuộc và không nhượng bộ.

Một viên tư lệnh hạ giọng, nói gần như năn nỉ:

- Nhưng thưa ngài tổng thống, tôi cũng phải đồng tình với tướng Marshall thôi. Xin lỗi vì đã nói thật, những gì ngài yêu cầu chúng tôi làm là không thể thực hiện được.

Roosevelt chống tay lên thành xe lăn, khó nhọc nâng mình lên. Những người trợ lý nhào đến bên để đỡ ông, nhưng ông xua tay bảo họ lùi ra. Với một nỗ lực thể chất khiến những mạch máu trên cổ ông nổi lên phập phồng và mồ hôi lấm tấm trên mặt, Roosevelt đứng lên trên đôi chân teo tóp, trừng mắt nhìn những người đang đứng xung quanh ông. Ông bảo:

- Đừng nói với tôi rằng chuyện này là không làm được nữa nhé!

*

Francis Stewars Law có biệt danh là "sương mù". Chẳng là bạn bè vẫn gọi ông là như thế. Là một thuyền trưởng của một tàu ngầm thuộc hải quân Hoa Kỳ, cũng như nhiều người dân Mỹ khác, ông cảm thấy mình bị sỉ nhục từ sau cuộc không kích vào Trân Châu cảng. Nhưng không như những người khác, ông không quá ngạc nhiên với cuộc chiến tranh sắp đến, bởi vì ông cũng là một sĩ quan trong lực lượng hải quân. Tuy nhiên lần này ông cảm thấy có một mối nguy hiểm đến chết người và một sự thử thách để tìm cho ra một cách tấn công ở một vị thế tưởng chừng như không thể nào thực hiện được. Ông có cảm giác hải quân không thể nào lên kế hoạch cho cuộc tấn công lần này và ông vô cùng lo lắng. Ông nghiền ngẫm, suy nghĩ suốt ngày lẫn đêm nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp nào tối ưu. Francis Stewars Law tưởng như mình đã đầu hàng thách thức ấy. Bất cứ ai trong địa vị của ông cũng phải đầu hàng thôi, nhưng rồi ông đổi ý khi đi thăm sân bay Ford. Khi ông đến đó, những phi công trên các tàu hàng không mẫu hạm đang luyện tập làm sao có thể cất cánh trên đường băng của tàu hàng không mẫu hạm. Những phi công của binh chủng hải quân vẽ những vạch giới hạn trên đường băng và luyện tập cho mình có được kỹ năng là thực hiện được thao tác cất cánh và hạ cánh ở một bề mặt hạn hẹp. Thuyền trưởng Law bình thường cũng không để ý nhiều đến các phi công của binh chủng hải quân. Kiểu thực hành này là cần thiết và nó cứ lập đi lập lại hàng ngày. Nhưng điều làm ông chú ý là những cú bay tập của các phi công thuộc binh chủng không quân. Họ đang nhận nhiệm vụ huấn luyện và vừa trở về, nhưng đường băng của họ đã bị những máy bay của phía hải quân chiếm lấy để luyện tập. Thế nên những phi công của không quân Hoa Kỳ quyết định trình diễn một vài kỹ năng đổ bộ rất liều lĩnh nhắm vào đường băng phía ngoài của tàu hàng không mẫu hạm. Law ngừng lại, sững người nhìn họ luyện tập kỹ thuật bay táo bạo đó. Không lâu sau, ông gọi cho sĩ quan chỉ huy của mình, người lại nhấc điện thoại thực hiện một cuộc gọi cho một người khác nữa. Cuộc điện đàm cứ thế tiến hành ở cấp ngày một cao hơn cho đến khi Nhà Trắng nhận được một cuộc điện thoại có tính chất lịch sử của thời điểm ấy.