Hai Ông Chồng Cũ Một Vở Diễn

Chương 15: Hóa trai phạn? Mặc thang đoàn?

Chuyển ngữ: Tiểu Dạ a.k.a Mốc

Vì sao từ cổ chí kim hoàng đế bệ hạ các triều đại đều thích xuống Giang Nam?

Cái này đương nhiên là có lý do của nó. Thứ nhất, Giang Nam thủy bộ thông cả bốn phương suốt cả tám hướng, là “Ngư mễ chi hương”,[1] cho nên cự phú khắp nơi; thứ hai, Giang Nam bốn mùa như xuân ôn hòa ấm áp, nhất phương thủy thổ dưỡng nhất phương nhân,[2] cho nên mỹ nữ khuynh thành đâu đâu cũng có.

Vì vậy, “Hoàng thượng xuống Giang Nam” lần này, ta cho rằng cùng với hòa thượng trong chùa ra ngoài khất thực tuy phương thức khác nhau nhưng mà hiệu quả lại giống nhau đến kì diệu.

Chẳng qua là, hoàng đế bệ hạ hóa duyên đương nhiên không thể so sánh với tăng nhân nghèo khó, cầm trong tay cũng không phải bát gỗ bình thường, hoàng đế bệ hạ cầm trong tay chính là bát vàng sáng loáng tỏa ánh hào quang. Bát vàng này không phải cái gì khác, chính là “Quyền hạn khống chế việc chuyên chở buôn bán trà trong nước”.

Quyền hạn này vốn luôn nằm trong tay Lục gia ở Hàng Châu, cũng chính là nằm trong tay ông ngoại ta. Lúc đó, phú hào lớn nhất cả nước chính là Lục gia, còn Thẩm gia chúng ta bấy giờ chưa là cái gì cả. Tiếc rằng ông ngoại ta được trời định sẵn là không có con, sinh được đứa con nào không chết yểu thì cũng lắm bệnh nhiều tật, cuối cùng chỉ còn lại mỗi mình mẹ ta là con gái duy nhất, cả nhà từ trên xuống dưới đều coi như bảo bối, lúc gả cho phụ thân ta, của hồi môn xếp đầy xe đầy thuyền phải mất nửa tháng mới chuyển hết.

Hồi đó, ông ngoại ta từng nhận hai người con trai từ chi thứ Lục gia làm con thừa tự, nói là chuẩn bị để sau này thừa kế tài sản Lục gia cùng với phụng dưỡng lo liệu ma chay cho ông. Nào ngờ, hai năm sau khi mẹ ta gả đi, ông ngoại vừa mới qua đời, ngay sau đó một tờ thánh chỉ ban xuống, liệt kê mười tội trạng danh chính ngôn thuận tịch thu tài sản Lục gia, thế rồi cây đổ bầy khỉ tan, toàn bộ tài sản Lục gia sung vào quốc khố, cũng chính là vào hầu bao của tiên hoàng. Thế nhưng, sau đó lại nổi lên mấy lời đồn đại rằng tiên hoàng tịch thu gia tài Lục gia không thấy giàu có như trong dự tính. Từ đó về sau, trên phố dần dần lan truyền lời đồn, nói kỳ thực Lục lão gia sớm đã nhận ra Lục gia cây to đón gió cực thịnh tất suy, nên đã sớm thông suốt, từ từ chuyển tài sản đi đến chỗ khác. Vậy dời đi nơi nào? Lục gia vốn neo người, mọi người đều đoán đó là mẹ ta, không ngờ mẹ ta cũng hồng nhan bạc mệnh, sinh hạ ta được ba năm thì qua đời, mà Thẩm gia cũng không giống như mọi người dự đoán có được tài sản Lục gia đột ngột phất lên chỉ sau một đêm, mà đó là nhờ vào sự cần cù nỗ lực của cha ta mới dần dần phát triển cơ nghiệp, mọi người đều thấy rõ như ban ngày, vì vậy, hàng loạt tài sản Lục gia được dời đi nơi nào đến nay vẫn còn là một ẩn số.

Mà quyền khống chế việc chuyên chở buôn bán trà từ sau khi ông ngoại ta qua đời cũng bị thu hồi, chia đều cho các nơi buôn trà, các thương nhân buôn trà kìm hãm lẫn nhau và tự định ra cân bằng đã nhiều năm nay rồi, mà cũng không thấy có ai vượt lên cả. Không ngờ, trong chuyến đi xuống Giang Nam lần này tại buổi yến tiệc với các quan lại thương nhân Hoàng thượng đột nhiên mở kim khẩu bảo muốn tập hợp quyền trà từ các nơi quy về một chỗ, một lần nữa lập ra quyền khống chế. Xưa nay trà và muối là hai huyết mạch kinh tế lớn, có được quyền trà này trong tay thì chỉ cần chờ đến ngày tiền tự chảy vào túi thôi. Nhất thời, các đại thương gia đều xoa tay nóng lòng muốn thử sức, ai cũng muốn nhân cơ hội này cá vượt ngũ môn. Đương nhiên, trong đó cũng bao gồm cha ta và Tống Tịch Viễn.

Cuối cùng, người nào rút được tấm thẻ này? Con mắt tinh đời của Hoàng thương đã nhìn trúng trà si Tống Tịch Viễn. Đối với chuyện này, hoàng đế bệ hạ từng nói: “Tống Tịch Viễn có tài kinh doanh lại tuổi trẻ đầy triển vọng, còn am hiểu sâu sắc lá trà, có kiến giải độc đáo, giao quyền khống chế việc chuyên chở buôn bán trà cho y, trẫm vô cùng yên tâm.”

Sau đó, láng máng nghe nói Tống Tịch Viễn tốn năm trăm vạn lượng bạc trắng quyên cho một vị quan nhỏ hữu danh vô thực không lớn không nhỏ không mối quan hệ không tầm ảnh hưởng, đám thương nhân nhất thời tỉnh ngộ biết vậy đã chẳng làm, dâng lễ cúng cũng phải dâng cho thật khéo léo thật lén lút không phải sao? Nhìn Tống Tịch Viễn đó, ngoài thì một xu cũng không cúng, kì thực bỏ ra rất nhiều vốn liếng, lại không bị nghi ngờ là hối lộ, quyên góp nhưng lại không danh chính ngôn thuận. Hoàng đế bệ hạ vừa có thể diện, mà quốc khố lại tràn đầy. Nhưng lại nghe nói không biết Tống Tịch Viễn bắc cầu làm mối thế nào, mà Cửu công chúa lại chọn trúng tri phủ Hàng Châu, chỉ còn đợi hoàng đế bệ hạ quay về kinh thành hạ chỉ tứ hôn mà thôi.

Tống Tịch Viễn lần này chuẩn bị từ trên xuống dưới vô cùng hoàn hảo, hơn tháng sau, hoàng đế bệ hạ hóa duyên hóa đầy chậu đầy bát, nhân tiện miễn cưỡng mang theo một mỹ nữ Giang Nam do Tống Tịch Viễn dâng lên, hài lòng vẫy đuôi cưỡi mây bay về kinh thành. Hưởng theo nhu cầu, mọi người đều vui vẻ hài lòng.

Tiễn vị đại phật tôn quý này đi xong, cuộc sống cứ lặng lẽ trôi từng ngày yên ả không gợn chút sóng, thoắt cái ba năm đã trôi qua, việc làm ăn buôn bán của Tống Tịch Viễn phát triển không ngừng, còn Bùi Diễn Trinh ngồi vào vị trí Tổng đốc Lưỡng Giang, cha ta không tranh được quyền trà kia lại vô cùng vui vẻ thở phào nhẹ nhõm. Đại đệ đệ bây giờ đi theo phụ thân bắt đầu chính thức học cách buôn bán… Mọi thứ đều thuận lợi hợp lẽ, chỉ có ta là có chút ưu sầu…

Đó là thằng bé bánh trôi này. Rất biết khiến người khác không bớt lo lắng.

Những đứa bé nhà khác bằng tuổi nó đều giống như con khỉ nhảy nhót vui chơi chỉ thiếu điều lên nóc nhà gỡ ngói thôi, còn bánh trôi lại không như vậy, ôn tồn nhã nhặn giống khuê nữ, mấy chuyện trèo cây bắt cá nặn bùn sẽ không làm, cả ngày chỉ ôm con mèo con trắng nõn trắng nà Tống Tịch Viễn tặng cho tựa ở hành lang nghe tiên sinh được mời tới dạy riêng cho tiểu đệ đệ gật gù đắc ý đọc toàn văn chua từ ôi, còn nghe đến nhập thần. Thật khiến ta buồn rầu não ruột!

Đứa bé này lúc còn mặc tã lót không khóc không quấy, vô cùng điềm tĩnh ôn hòa, lớn lên một chút càng thích cười không thích khóc, trong nhà từ phụ thân di nương cho tới nha hoàn đầu bếp không ai không thích nó. Mà nhìn bộ dáng nó càng lớn càng giống ta, quả thực đúng như lời dân gian nói: “Con gái giống cha con trai giống mẹ.”, trắng trẻo mịn màng lại dễ tính, vậy mà không ngờ tính nết lại chẳng di truyền chút nào từ ta, một chút biểu hiện hiếu động thích võ cũng chẳng có, trong nhà gánh hát thỉnh thoảng diễn kịch võ, ta mang nó đi nghe, thằng bé này lại có thể thản nhiên đi vào mộng đẹp giữa những tiếng đánh nhau binh binh bang bang keng keng cạch cạch.

Lúc tròn một tuổi, trong lễ trảo chu,[3]ta bày binh khí đầy bàn, lớn có bội kiếm đao chùy, nhỏ có phi tiêu châm bạc, ngóng trông nó chọn một thứ để ta an lòng. Lúc ấy Tống Tịch Viễn và Bùi Diễn Trinh cũng ở đó, Tống Tịch Viễn vì bận rộn việc buôn bán tính toán sổ sách tính được một nửa thì vội vàng chạy đi, trên tay vẫn còn dính vết mực nước.

Vậy mà bánh trôi lại mở to đôi mắt nai con long lanh đen láy nhìn bảo vật chất đầy bàn, dưới sự tha thiết mong chờ của ta, ngoài dự kiến vươn tay bắt lấy bàn tay Tống Tịch Viễn đang đặt hờ hững trên mặt bàn, há mồm liếʍ liếʍ vết mực còn chưa khô trên tay áo hắn. Ta vô cùng bi thương, chẳng lẽ đứa bé này tương lai nhất định học theo tiểu bạch kiểm? Thực khiến người ta khóc không ra nước mặt mà.

Bùi Diễn Trinh ôm lấy bánh trôi, lấy một ly nước trong dụ dỗ nó “ọc ọc” hai lần rồi nhổ ra, có thể coi là rửa sạch sẽ mực nước trong miệng. Tống Tịch Viễn lại rất vui vẻ, sau đó càng thêm cưng chiều bánh trôi, dăm ngày ba bữa lại mang tới mấy thứ kỳ kỳ quái quái chơi đùa cùng nó. Con mèo trắng kia hắn đưa tới cách đây ít lâu.

Nhưng mà, mèo con xưa nay thiên tính hiếu động thích lủi tới lủi đi bắt chuột, làm sao chịu đi theo bánh trôi an tĩnh tiêu tốn thời gian, cả ngày không thấy bóng dáng đâu. Sau đó không hiểu ai giở trò xấu cắt râu mèo con vừa ngắn vừa đều, phải biết rằng râu mèo không thể so sánh với râu người, râu mèo cùng với thân thể mèo con rộng đúng bằng kích cỡ hang chuột, nếu cắt đi như vậy, mèo con không biết vẫn như trước kia lấy râu so tính cửa hang, nếu so tính thấy hang rộng hơn râu, đương nhiên yên tâm nhảy vào trong, nào biết vừa đi vào thì bị mắc kẹt, mèo con kinh hãi kêu hừ hừ, không biết bánh trôi làm thế nào mà tìm được nó, kéo nó ra. Sau hai lần ba lượt như vậy, đối với việc chui vào hang bắt chuột mèo con có chút buồn chán, cộng thêm móng vuốt lại không biết bị ai cắt ngắn, sau này không thể nào chạy loạn khắp nơi, cả ngày bị bánh trôi ôm ngoan ngoãn lim dim mắt ngủ gà ngủ gật.

Mọi người thường nói “tam tuế khán lão” [4], không thể để Thẩm Tiêu tiếp tục điềm đạm nho nhã như vậy, nên ta nhờ người mời một vị võ giáo đầu tới dạy bánh trôi và tiểu đệ đệ của ta học chút võ vẽ. Tuy bánh trôi không hiếu động, nhưng xưa nay luôn hiểu chuyện biết nghe lời, ngày đó ngoan ngoãn bái kiến sư phụ, sư phụ nhìn thấy bánh trôi mịn màng tựa khối đậu phụ liền nhíu mày, có lẽ chưa bao giờ gặp đồ đệ nào như vậy, nhất thời không biết nên dạy từ đâu, đang phân vân do dự.

Nào ngờ bánh trôi ngước đầu, ngây thơ vô tội chớp chớp đôi mắt phượng mới gặp lần đầu, kéo vạt áo của ta, bi ba bi bô nói: “Mẫu thân, sư phụ này con đã từng gặp rồi.”

“Ai?” Ta không hiểu nhìn bánh trôi, hỏi nó: “Gặp ở đâu?” Võ giáo đầu cũng không hiểu ngớ người ra.

Lại nghe thấy bánh trôi bi bô nói: “Dán trên cửa chính đúng là sư phụ a, Lục Oanh nói có thể trấn nhà.” Tiện đà quay đầu tò mò hỏi võ giáo đầu: “Sư phụ, sư phụ có thể trấn nhà sao?”

Ặc… Ta đột nhiên tỉnh ngộ, cái bánh trôi nói chính là môn thần dán trên cửa chính. Được rồi, vị võ giáo đầu này dáng người cao lớn mặt mày thô kệch, nhưng cũng không đến nỗi hung mãnh dữ tợn như môn thần xấu xí đáng sợ. Đứa bé này khiến ta sầu lo muốn chết a, học ở đâu cái miệng độc địa như vậy.

Giờ thì tốt rồi, võ sư kịp phản ứng lại, gương mặt thô kệch thoáng cái đỏ bừng, thở ra hai cái rồi chắp tay nói với ta: “Thẩm tiểu thư, tiểu công tử cành vàng lá ngọc e là không chịu được sự rèn luyện của đám người thô kệch như tiểu nhân, tiểu nhân sợ không thể gánh được trọng trách này, kính xin Thẩm tiểu thư mời cao nhân khác.” Nói xong quay đầu đi ra ngoài.

Ta liên tục giải thích trẻ con chỉ nói vậy chứ không có ác ý, sư phụ kia cũng là một người tính tình ngang ngược, đến phút cuối cùng cũng không chịu quay đầu lấy một cái.

Sau đó ta lại mời thêm vài sư phụ nữa, đều không dạy nổi hai ngày liền chào từ giã, sau khi đổi liên tiếp ba sư phụ, bánh trôi ngay cả thế trung bình tấn cũng học không xong, còn rơi vào tình trạng kiệt sức ngất đi, phụ thân phất tay cương quyết nói: “Đứa bé này không thích hợp tập võ, đừng làm khó nó!” Sau đó không mời thêm võ giáo đầu nào nữa, cứ mặc bánh trôi bước vào con đường nho nhã lịch sự.

Niệm thiên địa chi du du.

Độc sảng nhiên nhi thế hạ.[5]

~~~~~o0o~~~~~

Chú thích

Tên chương: Hóa trai phạn: cơm khất thực. Mặc thang đoàn: mặc là mực, còn thang đoàn là bánh trôi nước.

[1] Giang Nam khí hậu ấm áp, thời kỳ không có sương muối từ 240 – 280 ngày, có thể gieo trồng lúa hai vụ, lương thực, bông vải, thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cả nước, được xưng là “Ngư mễ chi hương” – vùng đất giàu có lắm cá nhiều thóc.

[2] Nhất phương thủy thổ dưỡng nhất phương nhân là một câu tục ngạn, ví von hoàn cảnh nhất định tạo nên nhân tài nhất định, người ở những khu vực khác nhau, bởi vì hoàn cảnh khác nhau, cách thức sinh sống khác nhau, địa lý khí hậu khác nhau, tư tưởng quan niệm khác nhau, nhân văn lịch sử cũng khác nhau, thái độ ứng xử khác nhau, văn hóa tính cách cũng khác nhau.

[3] Lễ trảo chu: lễ chọn đồ vật đoán tương lai (vào ngày thôi nôi). Theo tập tục, khi trẻ em đầy tuổi, cha mẹ bày lên các loại đồ vật để cho bé chọn, dùng để dự đoán tương lai và sở thích của bé.

[4] Tam tuế khán lão ý là qua hành vi cử chỉ của đứa trẻ ba tuổi có thể biết được tương lai đứa bé này sẽ thành người như thế nào.

[5] Đây là hai câu thơ trích trong Bài ca lên đài U Châu của Trần Tử Ngang

Ngẫm hay trời đất dài lâu.

Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.

(Dịch thơ Trần Trọng San)

Chương này khó nhằn, chị dây điện lại dùng nhiều thành ngữ nữa, nên Mốc mất nhiều thời gian hơn mấy chương trước. Nếu có sai sót mong mọi người góp ý