Nhìn qua khung cửa sắt đã hoen rỉ những mạt màu nâu đất, tôi ngắm nhìn kiến trúc những tòa nhà cao tầng phía xa xa chìm trong những ánh đèn rực rỡ, đổ bóng xuống dòng sông Tam Nguyên chảy bao quanh. Có thể bạn không biết, thành phố tôi đang sinh sống này hoa lệ đến mức chẳng còn nhìn thấy được những vì sao nữa, ban ngày mọi người đều bận rộn và xô bồ với công việc. Chỉ có ban đêm, cuộc sống thực thụ mới cứ vậy chuyển động theo đúng nghĩa của nó.
Thành phố A đang bước vào mùa hè nóng nực, nắng vàng chiếu rọi khắp mọi ngóc ngách, mỗi lần đi ra đường đều có cảm giác mình gần như đang cận kề giữa ranh giới sự sống và cái chết vậy. Khói bụi, tiếng xe ồn ào, rồi những tiếng nhạc hát réo rắt khắp các cung đường lớn, càng lúc chúng càng khiến tôi không thể hòa mình chìm đắm được.
Sống ở nơi này đã gần mười năm, cơ bản tính cách cùng với cái nhìn cũng đã thay đổi theo thời thế, nhưng cuộc sống và công việc đều không được như nguyện ước tôi mong muốn. Tất cả đều là những thử thách, lần nào đối mặt với nó là lần đấy đôi chân tôi sẽ ướt đẫm máu vì dẫm lên gai nhọn. Nhưng mà sự cố gắng có nhiều đến bao nhiêu, tiền lương của tôi vẫn ít ỏi đến đáng thương, nói trắng ra là chỉ đủ cho tôi cùng với em trai của mình từng ngày sống qua ngày ở cái nơi chật chội đông đúc.
Những lúc ngồi thần người như thế, tôi thường nghĩ về những khoảng thời gian của mình khi còn trẻ, chìm đắm tìm lại cảm giác buồn vui lẫn lộn. Ngày đó, tôi ngây ngô ôm mộng với thành phố A, lúc nào cũng chỉ nghĩ làm sao có thể ở lại được nơi này gây dựng sự nghiệp mà phát triển khả năng. Rồi ôm mộng thiếu nữ mười tám muốn tìm một soái ca của cuộc đời mình, cùng người đó ăn với nhau, ngủ với nhau, đi làm với nhau. Nhưng mà, qua rất nhiều năm trôi đi, gánh nặng trên vai mỗi lúc một lớn khiến tôi dần trưởng thành và biết chấp nhận thực tại hơn. Cố gắng làm, cố gắng hòa nhập….
Cứ thế, tôi thả người chìm đắm trong những suy nghĩ miên man chạy dài quên luôn đi cả thực tại, cho đến khi tiếng chuông điện thoại vang lên dồn dập, mới sực tỉnh nhấc điện thoại lên nghe.
Người gọi tới không ai khác chính là tổng biên tập nơi tôi đang làm, ông ta nói với giọng gấp gáp.
– Phạm Vũ Quỳnh. Tôi vừa nhận được tin phía bên tỉnh N có mưa bão sạt lở, bên đài quyết định cử cô cùng với mấy người nữa đi. Cô chuẩn bị ngay rồi đến công ty luôn nhé.
Tỉnh N là tỉnh sát biên giới, điều kiện thiếu thốn, địa hình hiểm trở, mọi năm mưa lớn nơi đó chính là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thiên tai bão lũ. Thường thì những nơi nguy hiểm như vậy chẳng ai muốn đi cả, bởi vì đi là đồng nghĩa với việc tự mình bước vào hố sâu nguy hiểm. Nhưng với tôi thì lại khác, bởi vì tôi cần tiền, cần rất nhiều tiền để nuôi sống và chữa bệnh cho em trai của mình, nên tôi sao có thể từ chối.
Khẽ xoa nhẹ thái dương, tôi đáp lại với người ở đầu giây bên kia.
– Tôi biết rồi, tôi sẽ đến ngay đây.
Tổng biên tập Hồ gật đầu :” Vũ Quỳnh, tôi biết mình làm như thế này là thiên vị những người khác, nhưng mà cô biết rồi đấy, mấy người kia chẳng ai chịu cả. Tôi chỉ có thể trông chờ vào cô.”
Tôi kẹp điện thoại ở tai, tay mở tủ quần áo tìm cho mình mấy bộ để mặc cùng với những vật dụng cần thiết, đợi tổng biên tập Hồ nói xong thì đáp lại.
– Tôi hiểu. Tôi không nghĩ gì hết. Cảm ơn Tổng biên tập.
– Haizzz.. Lần tới bên trên sẽ đưa xuống tiền thưởng cho những người có thành tích làm việc năng nổ, tôi sẽ đề cử cô. Mấy năm nay cô làm lụng như vậy, nhưng vẫn mãi không được thăng tiến, là cấp trên của cô tôi cũng thấy có lỗi.
– Tôi không sao? Tôi cảm thấy như thế này rất tốt, chú không cần phải suy nghĩ nhiều làm gì. Con người ai cũng có lòng tham, tôi chen không được thì chỉ có thể chấp nhận ngồi ở chỗ cũ, miễn sao tiền lương thưởng đủ chi tiêu là được rồi.
Tổng biên tập Hồ là một người đàn ông năm mươi tuổi, là người thành phố A, tính cách khá là cứng nhắc và nghiêm khắc trong công việc. Từ ngày tôi vào làm ở đài truyền hình đến nay, có kinh nghiệm như bây giờ, phần lớn nhất vẫn là công lao đào tạo của ông ấy. Bởi vì nếu không có ông ấy dìu dắt, thì tôi nghĩ, tôi có cố gắng thế nào cũng chẳng tiến đến đích của thành công, già dặn như bây giờ.
– Vậy được rồi, cô chuẩn bị nhanh nhanh lên nhé.
– Được.
Đáp lại lời tổng biên tập Hồ xong, tôi lúc này cũng cúp máy rồi ném điện thoại sang một bên, gấp quần áo bỏ vào chiếc balo lớn. Xong xuôi đâu vào đấy mới kéo chiếc rèm lớn ra khỏi, bước lại gọi người đang nằm ở trên giường.
– Khánh, dậy đi. Chị đưa em sang nhà bác Sầm.
Khánh là em trai của tôi, thằng bé năm nay hai mươi sáu tuổi, nhưng vì bị bệnh bẩm sinh cho nên thần trí chẳng khác gì một đứa trẻ lên ba. Đã vậy sức đề kháng cũng yếu ớt, hầu như tháng nào cũng phải vào viện một lần, tiền thuốc men chiếm trọn cả tiền lương một tháng của tôi rồi.
Rất nhiều đồng nghiệp hỏi tôi rằng, chăm một đứa em như vậy ở bên người, tôi có hối hận không? Tại sao lại không đưa thằng bé vào trung tâm chăm sóc trẻ em khuyết tật, tháng vào thăm vài lần, như vậy bản thân vừa không có gánh nặng, cũng có thể an nhàn tìm một người bạn trai, xây dựng hạnh phúc của mình.
Thật ra những lúc bị cơm áo gạo tiền đè lên, tôi cũng đã từng nghĩ như thế, nhưng mà khi bản thân quyết định, tôi lại không làm được. Thằng bé là em trai của tôi, là người cùng một bố một mẹ với tôi, tôi không đủ nhẫn tâm để em cho người lạ.
Bố mẹ đã mất nhiều năm, một mình tôi lang bạt ở thành phố A nuôi nấng em, lúc quyết định mang em từ quê lên là tôi đã xác định cuộc đời mình luôn luôn phải đi trên con đường đất đầy bụi gai và gập ghềnh rồi. Và tôi cũng đã kiên quyết sẽ không bao giờ hối hận về quyết định của chính mình.
Nghe thấy tiếng tôi gọi, Khánh cựa người, mắt vẫn chẳng hề mở ra một chút nào. Mất tận một lúc, thằng bé mới nhõng nhẽo, giọng ngọng níu ngọng nô.
– Sao… phải sang… đó.
Tôi đỡ em trai ngồi dậy, giúp em gập chăn màn rồi thay quần áo, ngữ điệu vô cùng kiên nhẫn.
– Chị phải đi công tác rồi, mất mấy ngày, thậm chí là cả tuần, nên em chịu khó ở nhà bác Sầm nhé. Đợi chị về, chị sẽ dẫn em đi mua quần áo mới, với mua đồ ăn ngon cho em.
Khánh mang tư duy của một đứa trẻ, rất thích đồ ăn vặt với đồ chơi, nên mỗi lần tôi đi công tác đều mang về cho thằng bé. Khi ấy, khuôn mặt của nó vô cùng vui thích, lại thêm bình thường rất ngoan, đó là lý do vì sao tôi chẳng bao giờ muốn để em vào cái nơi trung tâm hỗ trợ đó.
– Được, em đợi chị…
Tôi xoa đầu của em :” Ngoan lắm. Chị ấy nước cho em đánh răng rửa mặt nhé.”
Khánh vâng lời nghe theo, thằng bé tựa hẳn người vào tường, miệng hơi một tí lại cười toe toét, ngây ngô khờ dại.
– Dạ..
Tôi mỉm cười, cầm khăn ấm lau từ mặt rồi xuống lòng bàn tay cho em trai, chẳng hiểu sao hốc mắt lại chua xót muốn khóc. Khánh lớn lên khá đẹp trai, dáng người cao lớn, đôi mắt đen láy đẹp đến mức tôi là phụ nữ cũng phải mê mẩn muốn ao ước có được. Nhưng mà số em không được may mắn làm một người bình thường, nếu không thì bây giờ có lẽ thằng bé cũng đã có người yêu, cũng được làm một người đàn ông thực thụ rồi.
– Chị…
Có lẽ thấy tôi im lặng khá lâu nên Khánh cất giọng nghèn nghẹn gọi, tôi vội quẹt nước mắt ngước lên nhìn em trai mỉm cười, nụ cười thật gượng gạo.
– Chị không sao? Xong rồi, để chị đưa em sang nhà bác Sầm nhé.
– Vâng.
Bác Sầm là một người đàn ông tuổi cũng ngoài năm mươi, nhà ở dưới căn hộ tôi thuê một tầng, sống một mình nên mỗi khi tôi đi vắng, bác ấy đều tốt bụng mở lời trông Khánh giúp tôi. Ban đầu tôi ít đi nên mỗi lần về đều mang đồ ăn cho bác ấy, nhưng sau này dần dần lịch công tác nhiều lên, tôi đành phải thương lượng việc trả tiền lương theo ngày. Cũng may bác Sầm là người tốt tính, trông một người bị bệnh Down không thể tự mình chăm sóc bản thân như Khánh cũng chỉ lấy tôi có một triệu một tháng, so với những người giúp việc khác thật sự rẻ hơn gấp 3-4 lần.
Đưa em trai cho bác ấy, tôi nói.
– Bác giúp cháu với nhé, lần này cháu phải sang tỉnh N, cho nên chẳng xác định rõ được bao giờ về.
Bác Sầm nhận lấy túi quần áo của Khánh, gật đầu nói với tôi.
– Tỉnh N thấy bảo bị sạt lở đất đá nghiêm trọng lắm. Cháu đi công tác nhớ phải cẩn thận đấy, đừng có liều mạng làm gì. Bác biết công việc phóng viên nhiều cực khổ, nhưng nhìn cháu bán mạng như vậy, bác thấy không đành.
Những lời này bác Sầm đã nói với tôi không ít lần, tôi thật ra cũng sợ, nhưng biết làm sao bây giờ. Tôi cần tiền, mà những công việc nguy hiểm như này thì tiền được thưởng rất là cao, tôi sao có thể nhắm mắt bỏ qua được cơ chứ.
Khẽ liếʍ môi, tôi đáp.
– Cháu biết rồi, cháu sẽ cẩn thận. Bác giúp cháu chăm sóc Khánh nhé. Ở đó nếu có sóng điện thoại cháu sẽ gọi điện về báo tin.
– Được rồi, đi đi kẻo muộn.
Thấy điện thoại tôi réo liên tục từ nãy đến giờ, bác Sầm cũng chẳng làm khó tôi nữa, vội xua tay mấy cái rồi xoay người dẫn Khánh đi vào trong nhà. Mà tôi cũng chẳng nán lại, vội vàng bước xuống đường để kịp bắt xe bus đi đến đài truyền hình cách nhà mất tận một tiếng di chuyển. Cũng may lúc đến nơi không phải quá muộn, biên tập Hồ nói với tôi.
– Lần này bên trên yêu cầu hình ảnh chất lượng cũng như những bài phỏng vấn phải chạm được đáy lòng của tất cả, cho nên cô cùng với mọi người phải cố hết sức đấy. Đồ ăn với thức uống chúng tôi cũng chuẩn bị cho mấy người rồi, có lẽ sẽ không thiếu đâu.
– Được. Tôi đã biết.
Nói chuyện với tổng biên tập Hồ mấy câu, chúng tôi nối đuôi nhau ngồi lên chiếc xe SUV cũ kĩ được đài truyền hình thuê người đưa đi tận nơi. Lúc xe chạy, anh chàng Tình phụ trách quay phim quay người hỏi tôi.
– Cô đi như thế này thì em trai cô lại gửi hàng xóm à.
Tôi gật đầu, cậu ta lại thở dài, nói.
– Cô cứ định như thế này mãi sao. Năm nay cô cũng hai mươi tám rồi, cũng nên tìm cho mình một người để yêu, để cùng nhau xây dựng gia đình. Nếu cứ mang theo em trai như vậy, cô nghĩ có ai dám yêu cô không?
– Sẽ có. Chẳng qua bây giờ tôi chưa tìm được mà thôi.
– Phạm Vũ Quỳnh ơi Phạm Vũ Quỳnh, tôi nói cho cô biết, xã hội bây giờ là xã hội tiên tiến rồi, cô cũng là người trải đời, đừng nói với tôi cô vẫn còn tin mấy cái cảnh cảm động và trên phim ảnh vẫn chiếu.
Tình vội la lên, giọng cậu ta không lớn, nhưng ở trong chiếc xe nhỏ bé như thế này thì cũng đủ vạch áo cho người xem lưng rồi. Mà tôi thì vô cùng dị ứng với những ai quan tâm thái quá đến chuyện của mình, nên ngữ điệu vừa có chút gắt, vừa có một chút mệt mỏi.
– Tôi ngủ một lúc.
Người đàn ông tên Tình gật đầu, cậu ta ngay lập tức im lặng, phút chốc bầu không khí xe cũng yên ắng đi hẳn, chỉ còn tiếng nhạc bolero của mấy ca sĩ hải ngoại mà bác tài xế đang bật.
Đi mất bảy tiếng mới đến nơi, bác tài thả chúng tôi lại ở một nhà ủy ban thôn, giúp chúng tôi chuyển đồ đạc vào nhà khách được sắp xếp từ trước, nói.
– Tôi bây giờ phải trở về tỉnh A ngay, không thể ở lại đây được với mấy cô cậu được. Khi nào mấy người về, báo trước cho đài một ngày để tôi sắp xếp xuống đón.
– Bác về cẩn thận.
Tiễn bác tài ra đến cổng lớn, tôi lúc này cũng mới có thời gian nhìn xung quanh nơi mình đang đứng. Bốn bề xung quanh đều bao bởi núi đồi và nương rẫy nhấp nhô, trên núi có những rặng tùng và cây dại, thi thoảng bắt gặp một hai ngôi nhà được lợp mái tôn đỏ xanh nằm giữa bạt ngàn cây cối.
Hạt mưa dày đặc rơi xuống mái nhà kêu lộp bộp, ruộng lúa đã trổ bông sắp bây giờ đều bị nước ngập thối hết, khẳng đinh một năm vụ mùa không thể thu hoạch.
Tôi cúi đầu nhìn con đường dẫn đi sâu vào trong thôn trong, đất lầy lội bẩn thỉu, màn mưa trắng xóa, thoáng một cái cả người đều ướt nhẹp. Không có tiếng người, không có tiếng nói chuyện của những đứa trẻ, tất cả những gì tôi nghe được đều là những tiếng mưa rơi rào rào.
Làng Mường Nhé là một ngôi làng nhỏ và nghèo, tồi tàn nằm ở rìa biên giới, tận đầu năm gần đây mới có điện thắp sáng về đến nơi. Người dân ở đây đều là những người dân tộc thiểu số, khá là đông đúc, tuy nhiên số lượng mù chữ chiếm nhiều. Cách đây hai năm tôi cũng đã lên đây công tác một lần, khi ấy nhà ủy ban này mới đang được xây dựng. Không ngờ lần này quay lại, tất cả đã bị thiên tai tàn phá hết rồi.
Quay sang trưởng thôn đứng ở bên cạnh, tôi hỏi.
– Cái đó, bên trong mọi người đều bị cô lập hết rồi sao.
Trưởng thôn là một ông lão đã 60 tuổi, dáng vẻ lom khom, khuôn mặt già nua đen sạm. Ông ấy nghe tôi hỏi vậy thì thở dài.
– Chiếc đập đã bị vỡ mấy hôm nay rồi, nước chảy siết quá, mấy người thanh niên của làng với xã đang cố gắng sửa chiếc đập mới để người dân bên kia có thể di tản. Chứ tình hình thời tiết như thế này, cán bộ cũng biết đấy, còn xảy ra sạt lở nữa hay không chẳng ai đoán được để mà tránh.
Thật ra những điều này tôi đều có thể mường tưởng ra được, chỉ là không nghĩ tới nó lại nghiêm trọng đến mức như thế này mà thôi. Địa hình ở đây hiểm trở như vậy, nếu không di tán được người trong thôn lên chỗ cao, e rằng họ lúc này cũng phải thấp thỏm lo sợ người tiếp theo bị chôn trong đống vùi nát ấy có phải là mình hay không nữa.
– Bây giờ chúng tôi cần phải phát trực tiếp, bác có thể dẫn chúng tôi đi được không?
– Được chứ được chứ. Nhưng mà chỗ đó lầy lội, để tôi đi kiếm cho cán bộ mấy đôi ủng.
Bác trưởng thôn có vẻ rất e dè trước những người về lấy thông tin như chúng tôi, mọi hành động đều vô cùng cung kính và cẩn thận. Lúc nói chuyện lấy ủng cũng luống cuống vội vàng, nói xong liền quay người, cũng may tôi kịp thời gọi lại được.
– Không sao đâu bác. Bọn tôi đi chân trần là được rồi.
– Không được đâu. Đất đá ở đây lởm chởm, đi chân trần chẳng may các cán bộ bị thương thì chúng tôi biết phải làm sao. Cán bộ cứ đứng ở đây chờ tôi, tôi để ủng ở trong kho, một tí là ra ngay ấy mà.
Tôi thở dài, biết mình chẳng thể khiến bác trưởng thôn thay đổi ý được nên bèn gật đầu.
– Vậy làm phiền bác rồi.
Bác trưởng thôn nở nụ cười gần gũi chất phác, bước chân vội vàng đi về phía nhà kho. Một vài phút sau trở ra, trên tay bác ấy đã cầm theo mấy đôi ủng ủng cứng màu xanh dài đến bắp chân đưa cho chúng tôi, đợi tất cả xong xuôi cũng dẫn mọi người đi về phía thôn Mường Nhé. Vừa đi bác ấy vừa nói.
– Mọi năm vào mùa mưa là thôn hấng chịu thiệt hại nhiều nhất. Nhưng vì mù chữ, lại quanh năm chỉ biết lên nương rẫy với bán mặt cho ruộng đồng, nên tất cả mọi người ở đây chỉ có thể ngậm ngùi chịu đựng. Đường xá lầy lội, cũng đã xin trợ cấp của tỉnh, mà xin nhiều năm rồi vẫn không có ai duyệt hết.
Thật ra tôi hiểu những nỗi cơ cực mà người dân ở đây phải chịu, nhưng mà phận sự của tôi chỉ được phép dừng lại ở việc phỏng vấn những điều mà cấp trên đưa xuống, nên nhiều lúc có thương, có muốn giúp họ, tôi vẫn không thể tự mình quyết định được. Cuộc sống đô thị đã hao mòn tôi rồi, tôi cũng khó khăn, tôi cũng vất vả, tôi cũng đã từng trông ngóng có người giúp mình giống như những người dân ở đây, nhưng càng ngóng thì mọi thứ càng là những điều viển vông vô vọng.
Khẽ cười, tôi chỉ có thể nói đáp lại bác trưởng thôn và giọng nước đôi.
– Sau việc lần này, truyền hình trực tiếp được phát lên ti vi, tôi nghĩ những vị lãnh đạo tỉnh sẽ chú ý đến thôn nhiều hơn thôi.
Bác trưởng thôn thở dài, ông ấy lắc đầu tỏ vẻ đầy bất lực, không muốn nói thêm điều gì nữa nên suốt quãng đường tiếp theo đều giữ thái độ im lặng. Mãi cho đến khi gần đến nơi cây cầu bị sạt lở, mới chỉ tay về phía màn mưa trước mặt, nói.
– Cây cầu treo ở kia kìa, mấy thanh niên vẫn đang dồn hết sức để đóng những cọc tre rồi bắc qua bên kia.
Tôi nhìn theo cánh tay của bác trưởng thôn, hơi bước lại sâu hơn một chút, dần dần hình ảnh mọi người bận rộn cũng trở nên rõ rệt. Thôn Mường Nhé bi cô lập với bên này bởi một con kênh đang chảy siết nước, cây cối cùng với đồ đạc rồi đủ các loại rác bị cuốn trong làn nước đυ.c ngàu đầy bùn đất. Hai bên bờ, những người dân già trẻ của thôn làng đang vác những bao đất cát xếp chồng lên nhau thật cao, còn lại là một nhóm người thanh niên thì đang lụi hụi đóng cố định những thân cây tre lại với nhau để có bề mặt ngang tầm hơn mét cho chắc chắn để làm cầu bắc sang bên kia sông.
Mưa xối xả ào ào không buông tha một ai, trên mặt lèm bèm đầy nước, tôi đưa tay lên má vuốt mấy lần mới có thể tạm nhìn được, quay sang nói với đồng nghiệp.
– Chuẩn bị quay đi. Những cảnh như thế này không thể để bỏ qua được.
Tình là một người đàn ông thành phố điển hình, cậu ta không quen mặc áo mưa, lóng la lóng ngóng mãi mới thò tay ra được.
– Cái đó, tôi cần một người giúp tôi che ô, như vậy thì nước mưa mới không bắn vào màn hình được.
Tôi thở dài, bỗng nhiên lúc này thật sự chỉ muốn cáu gắt .
– Bảo bác trưởng thôn giữ cho cậu đi. Cậu xuống đây công tác chứ có phải đi nghỉ dưỡng đâu mà tính công tử thế hả. Lề mề.
Bị tôi mắng, khuôn mặt của Tình đỏ gay, tôi đoán cậu ta tức giận lắm nhưng vì tôi vừa nghiêm khắc lại vừa lớn tuổi hơn nên mặc dù bản thân có vùng vằng thì vẫn phải nhịn xuống.
Những cảnh quay thực tế đối với người làm phóng viên như thế này rất là cực khổ, mưa lại lớn, nói nhỏ thì không nghe thấy, nói lớn thì lại ảnh hưởng đến quá nhiều người. Đặc biệt, muốn trực tiếp mọi thứ rõ mồn một tôi chỉ có thể tiến gần lại hiện trường, thành ra hiện tại bây giờ bản thân đã đứng bên cạnh đội làm cầu tre từ lúc nào không biết.
Tập trung nói một vài lời, đầu bên kia Tình hô cắt lên một tiếng, tôi thở hắt một hơi thật dài, buông thõng chiếc míc trên tay xuống, lần nữa đưa tay lên vuốt mặt. Đúng lúc này, bỗng nhiên ở phía sau vang lên một giọng nói trầm trầm của một người đàn ông.
– Phiền cô nhường đường một chút.
Tôi giật mình xoay người nhìn lại, đồng tử đen láy chạm với ánh mắt màu hổ phách của người kia. Đó là một người đàn ông rất cao lớn, trên người mặc bộ quần áo bạc màu dính đầy bùn đất, tóc ướt nhẹp, da màu đồng khỏe khoắn vô cùng cuốn hút. Đặc biệt là khuôn mặt, không quá lãng tử, nhưng từng đường nét góc cạnh đều nghiêm nghị và chính trực vô cùng.
Bình thường, những người có nét như thế này đều vô cùng kiêu căng, rất khó chịu khi tiếp xúc với người khác. Nhưng người đàn ông tôi đang để ý này hình như lại không hề như vậy, anh ta đối với người về làm tin tức của đài truyền hình khá là kiên nhẫn, giao tiếp có thể nói là biết trước biết sau. Cần cương sẽ cương, cần nhu sẽ nhu.
– Tôi có thể phỏng vấn anh được không?
Tôi dè dặt mỉm cười đưa míc về phía trước chờ đợi, thế nhưng người kia lại rất nhanh liền từ chối.