Truyền Thuyết Bạch Long

Chương 8

15.

Tôi giận sắp đ.iên mất rồi. Cảm xúc đau buồn, phẫn nộ tràn ngập trong tim tôi. Chúng như một ngọn lửa bùng cháy hết lần này tới lần khác.

Khó chịu quá, tôi chạy thẳng lên Thiên Sơn đợi ở đó nửa năm.

Nửa năm sau, tôi về chỗ ông nội, nói với ông: “Con muốn tới Trung Nguyên, đòi lại vảy rồng của con.”

Tôi vốn tưởng rằng, ông nội sẽ không đồng ý. Ai mà ngờ ông còn hào hứng hơn cả tôi nữa. Ông lập tức thu thập hành lý: “Đi! Ngày mai chúng ta khởi hành luôn!”

Trong thoáng chốc, tôi lại do dự: “Chẳng phải ông bảo là, họ Rồng nhà ta tu luyện ở Thiên Sơn, nếu đi tới Trung Nguyên sẽ không chịu được bao lâu mà hiện nguyên hình sao?”

“Đúng thế, cho nên chúng ta phải đi nhanh về nhanh.”

“Vậy rốt cuộc có thể chịu được bao lâu ạ?”

“Thì cũng khoảng hai, ba mươi năm gì đó.”

“...”

“Ông ơi, con hơi sợ. Liệu có nguy hiểm không nhỉ?”

“Cái gì cơ? Ngoại trừ yêu tăng Tây Vực thì chúng ta còn sợ ai nữa?!”

“Trung Nguyên có yêu tăng Tây Vực không ạ?”

“Con bé ngốc này, chẳng phải đã nói rồi sao? Yêu tăng cuối cùng của Tây Vực đã ở trong bụng ông nội từ lâu rồi, ha ha ha.”

Tôi nhìn điệu bộ vênh váo của ông nội, nhịn không được mà dội cho ông một gáo nước lạnh: “Ông đang nói nhảm đúng không? Ông nội, ông đang nói nhảm thôi. Ông thề ông đang nói hươu nói vượn đi!”

“Chẳng có niềm tin ở ông gì cả. Ông giận rồi. Không đi nữa.”

“Vẫn nên đi thôi ạ. Đi xem xem lão hòa thượng của núi Tam Thánh ở Trung Nguyên có còn sống không.”

...

Mấy ngày sau, tôi và ông nội thu thập hành lý, lên đường đi tới Trung Nguyên.

Sáu nghìn một trăm dặm, ngày đêm không ngừng. Chúng tôi mang theo bánh mì dẹt và thịt khô, cũng mang theo cả thuốc viên đặc chế của ông nội.

Đến cửa khẩu Ngọc Môn, ông nội cho tôi uống một viên thuốc màu vàng. Viên thuốc đó được điều chế từ mật của con Quái Xà chiếm giữ trong phần mộ tổ tiên nhà tôi.

Quái Xà có sừng trên đầu, toàn thân màu tím, mật màu vàng.

Tôi nghe ông nội kể rằng, rất lâu về trước, Quái Xà cũng giống như Bạch Long, đều là linh thú tu luyện ở Thiên Sơn.

Nhưng chúng nó bản tính hung bạo, thích ăn thịt ng.ười, cuối cùng cũng không được may mắn như Bạch Long.

Tộc Bạch Long dựa vào dãy Thiên Sơn mà tu luyện, sau khi hóa hình, thấy Quái Xà không ngừng làm việc ác, nên đã ra tay phế bỏ đi tu vi của bọn chúng. Chuyện này đã dẫn tới việc con cháu của tộc Quái Xà khi sinh ra đã có oán niệm với tộc Bạch Long.

Nhắc tới cũng buồn cười. Phần mộ tổ tiên nhà tôi chôn ở nơi nào, chúng nó sẽ tới chiếm giữ ở nơi đó, nỗ lực muốn làm cho hơi thở của tộc Rồng biến mất khỏi thế gian này.

Ông nội gọi chúng nó là Rắn giữ mộ của tộc Bạch Long. Ông cũng lợi dụng mật rắn của chúng cộng thêm bí dược của Tây Vực để chế ra một loại thuốc viên có màu vàng.

Uống viên thuốc này vào có thể che giấu được mùi rồng trên người chúng tôi.

Ông nội nói, phải nhớ thật kỹ, sau khi tới Trung Nguyên, chúng tôi chỉ là người bình thường. Nếu không phải vạn bất đắc dĩ thì không thể sử dụng linh lực, để tránh gặp rắc rối.

Lúc mới tới Trung Nguyên tôi vẫn còn hơi căng thẳng.

Đi qua châu Cam, chúng tôi gặp phải một đám cướp.

Ông nội thấp giọng thì thầm với tôi, không nên gây rắc rối. Bọn chúng muốn cướp cái gì thì cứ cho chúng là được. Kết quả là gã thủ lĩnh của đám cướp chỉ thoáng liếc nhìn ông cháu tôi rồi xua xua tay để chúng tôi đi qua.

Cứ thế để chúng tôi đi…

Sau này tôi mới biết, giặc cướp ở Trung Nguyên có quy tắc “Mười không cướp, bảy không đoạt”.

Tôi không nhịn được mới nói với ông nội: “Bọn họ vẫn khá tốt nhỉ.”

Ông nội cũng không nhịn được mà nói: “Ừ, tốt thật.”

16.

Tôi và ông nội một đường xuôi gió xuôi nước. Việc phiền toái nhất mà chúng tôi gặp phải là khi tôi uống trà trong quán trà ở ngoại ô. Một gã nhà giàu đã sáp tới bắt chuyện với tôi.

Gã đứng gần tôi quá, tôi nhất thời không nhịn được, vươn tay bóp cằm gã.

Sau đó gã nô bộc bên cạnh chỉ ngón tay vào tôi, tôi lại nhất thời không nhịn được mà bẻ cánh tay hắn. Hai chủ tớ gào lên đau đớn. Ông nội mắng tôi càn quấy.

Ông nói người Trung Nguyên rất yếu ớt, không thể dùng tay bóp được.

Tôi hổ thẹn cúi đầu.

Khi còn cách Trường An một ngày đường, ông nội và tôi chia ra mỗi người đi một ngả.

Nguyên nhân là lúc chúng tôi ăn cơm ở trong quán, nghe thấy mấy người ở bàn bên cạnh bàn tán, rằng cao tăng Huệ Khiêm pháp sư của núi Tam Thánh trước lúc viên tịch có lưu lại một ván cờ, hơn bốn mươi năm qua không ai phá giải được.

Mấy ngày trước hòa thượng Nhất Minh, đồ tôn của ông ta đã hiểu ra cách phá giải, muốn phá thế cờ vào mùng tám, ngày ăn chay.

Tôi và ông nội liếc nhìn nhau.

Ông nội: “Đi núi Tam Thánh.”

Tôi: “Đi Trường An.”

Ông nội: “Đi núi Tam Thánh trước.”

Tôi: “Đi Trường An trước.”

Ông nội: “Cháu gái ngoan, cháu ngoan của ông ơi.”

Tôi: “Ông nội tốt, ông nội tốt của con.”

“...”

Nửa canh giờ sau, hai chúng tôi mỗi người một ngựa, mỗi người đi một ngả.

Ông nội căn dặn: “Ông xem đánh cờ xong sẽ đi tìm con. Con ở Trường An tìm nhà trọ, đi chơi vài ngày, chờ khi ông cháu mình gặp lại sẽ đi tìm Trình Gia đòi vảy rồng.”

“Con biết rồi.”

“Không được tùy tiện đánh người!”

“Con biết rồi!”

“Làm người cẩn thận!”

“Dạ, đã biết!”

Tôi có chút ghét bỏ mà nhìn ông nội, cưỡi ngựa rời đi: “Ông nội phiền thật ấy!”

Tôi cũng rất phiền muộn, tâm trạng vốn dĩ không vui vì bị đàn ông vứt bỏ.

Trường An còn sầm uất hơn so với tưởng tượng của tôi. Con đường lát đá xanh rộng lớn không nhìn thấy điểm cuối. Xe ngựa qua lại nườm nượp không dứt, người đi như nước chảy.

Quán cơm quán rượu tráng lệ, tiếng cười nói, tiếng chạm cốc, tiếng thét to của người phục vụ. Tất cả lọt vào lỗ tai tôi rất rõ ràng.

Trên đường, bánh bao nóng hôi hổi, đủ loại đồ ăn vặt, xâu mứt quả, rực rỡ muôn màu.

Vải vóc lụa là của họ được treo lên từng xếp một, bày bán bên đường.

Người Trung Nguyên đa phần mặc áo đối khâm tay rộng. Các cô gái trên đường cũng mặc váy quây tay lỡ, nhưng so với áo cánh tay lỡ hở ngực của con gái Tây Vực chúng tôi thì kín đáo hơn rất nhiều.

Từ lúc tới Trung Nguyên tôi với ông nội vẫn mặc kiểu áo cổ lật của người Hồ, thân đối, tay áo hẹp, viền gấm, eo thắt đai lưng Điệp tiệp.

Những người ở nơi khác tới Trường An làm ăn, đa phần đều mặc Hồ phục, đáng ra sẽ không thu hút quá nhiều sự chú ý, nhưng vì tôi là con gái nên khó tránh khỏi sẽ bị người ta nhìn nhiều hơn chút.

Lúc nhận phòng trọ, bà chủ quầy tốt bụng nói với tôi: “Lát nữa cô thay bộ xiêm y khác đi. Một cô gái như cô nổi bật quá.”

“Sao vậy. Sẽ gặp nguy hiểm ạ?”

Tôi khó hiểu nhìn bà chủ. Bà chủ ngạc nhiên, cười nói: “Trường An là nơi nào chứ. Trên đường luôn có thị vệ đi tuần, có thể có nguy hiểm gì được? Chẳng qua là không có mấy cô gái Tây Vực tới chỗ chúng tôi, vả lại đa phần là người của lầu Xuân Phong. Cô đẹp thế này, vẫn nên nhập gia tùy tục thì hơn.”

“Lầu Xuân Phong là nơi nào?”

“Là nơi ca múa. Là chỗ để nghe hát.”

“À.”

“Hay là để tôi tìm người đi mua giúp cô bộ xiêm áo nhé.”

“Không cần đâu. Tôi không thích váy tay rộng.”

Tôi giơ roi ngựa trong tay cho bà chủ xem: “Đánh người không tiện.”

Tôi tới Trường An chỉ để làm một việc.

Tìm được Trình Gia, lấy lại vảy rồng, sau đó dùng roi quất ch.ết chàng.

Ngay từ đầu tôi đã nói, được tôi để mắt tới là may mắn của chàng. Tôi là một con rồng trắng của Thiên Sơn. Chàng chỉ là một con người bé nhỏ, đâu ra dám đùa bỡn tôi?