Quyển 2 - Chương 12
Khi lâm triều, Hoàng đế Frantx chỉ nhìn chăm chú vào mặt công tước Andrey đang đứng ở chỗ đã quy định giữa các võ quan áo và cúi đầu dài quá cỡ xuống chào mừng. Nhưng sau buổi lâm triều; viên sĩ quan phụ tá hôm qua cung kính nói với Bolkonxki rằng Hoàng đế có ý muốn cho phép chàng được bệ kiến, Hoàng đế Frantx đứng ở chính giữa phòng tiếp chàng. Trước khi câu chuyện bắt đầu, công tước Andrey rất ngạc nhiên thấy Hoàng đế hình như lúng túng. Ngài không biết nói gì, đỏ mặt bừng lên và hỏi một cách vội vã:- Ông cho biết trận đánh bắt đầu lúc nào?
Công tước Andrey trả lời. Sau đó tiếp theo những câu hỏi khác cũng đơn giản như vậy: "Kutuzov có mạnh khoẻ không?" "Ông ta rời khỏi Kremx bao lâu rồi" v.v… Hoàng đế nói với cái vẻ như tất cả mục đích của buổi tiếp kiến chung quy chỉ là một số câu hỏi nhất định. Còn về những câu trả lời thì điều đó đã quá rõ: nó không thể nào khiến ngài quan tâm được. Hoàng đế hỏi;
- Trận đánh bắt đầu giờ nào?
- Thần không thể nói rõ trận đánh bắt đầu vào giờ nào ở tiền tuyến, nhưng ở Đuyretain là nơi thần có mặt thì quân đội bắt đầu tấn công lúc sáu giờ chiều. - Bolkonxki nói, linh hoạt hẳn lên vì chàng cho rằng lúc này có dịp miêu tả đúng đắn tất cả những điều mình đã trông thấy, đã biết rõ và đã chuẩn bị sẵn sàng trong óc.
Nhưng hoàng đế mỉm cười và ngắt lời chàng:
- Bao nhiêu dặm?
- Tâu Hoàng thượng từ đâu đến ạ?
- Từ Đuyrenstain đến Kremx.
- Tâu Hoàng thượng, ba dặm rưỡi.
- Quân Pháp đã rời khỏi tả ngạn rồi chứ?
- Theo báo cáo của trinh sát thì những toán quân cuối cùng đã đi bè qua sông ban đêm.
- Ở Kremx có nhiều cỏ cho ngựa ăn không?
- Cỏ không được cung cấp đầy đủ…
Hoàng đế liền ngắt lời:
- Tướng quân Smitch tử trận lúc nào?
- Hình như lúc bảy giờ.
- Bảy giờ à? Thật là đau xót! Thật là đau xót!
Hoàng đế nói rằng ngài có lời cảm ơn, rồi cúi đầu chào. Công tước Andrey bước ra và các triều thần lập tức xúm xít quanh chàng.
Từ bốn phía, người ta nhìn chàng với những con mắt rất dịu dàng và nói với chàng những lời lẽ rất ngọt ngào. Viên sĩ quan phụ tá hôm qua đến trách chàng tại sao không ở lại trong cung điện, và mời chàng về nhà mình. Viên Tổng trưởng bộ chiến tranh đến khen ngợi chàng về huân chương Maria Dmitrievna Thereda hạng ba mà hoàng đế đã ban tứ. Quan thị tùng của hoàng hậu mời chàng đến gặp hoàng hậu. Đại công tước phu nhân cũng muốn gặp chàng.
Chàng cũng không còn biết trả lời ai và phải mất mấy phút mới trấn tĩnh được. Đại sứ Nga nắm lấy vai chàng, kéo chàng về phía cửa sổ và bắt đầu hỏi chuyện.
Trái với những điều Bilibin đã nói, tin tức chàng đưa đến đã được đón tiếp niềm nở. Người ta quyết định làm lễ cầu kinh tạ ơn. Kutuzov được tặng thưởng huân chương Thập tự lớn của Maria Dmitrievna Thereda và tất cả quân đội đều được ban thưởng. Bolkonxki được khắp nơi mời mọc và suốt cả buổi sáng chàng buộc lòng phải đi thăm những vị quan tai mắt của Áo. Sau khi đã làm xong công việc thăm hỏi vào lúc bốn giờ chiều, công tước Andrey nghĩ sẵn trong trí óc bức thư kể lại trận đánh và chuyến đi Bruyn để rồi sẽ viết về cho cha, và trở về nhà Bilibin. Bên thềm nhà của Bilibin có một chiếc xe ngựa nhỏ, một nửa xe đấy hành lý, và Frantx người đầy tớ của Bilibin hiện ra cửa, hì hục kéo một chiếc va li (trước khi đến nhà Bilibin, công tước Andrey đã tạt qua một hiệu sách mua vài quyền sách để đọc trong lúc hành quân và đã nán lại đây một lát). Bolkonxki hỏi:
- Có việc gì thế?
- Ồ! Thưa ngài, - Frantx hì hục khuân chiếc va li lên xe ngựa nói - chúng tôi phải chạy xa hơn nữa. Cái tên giặc ấy đã lại đuổi sau lưng chúng tôi rồi!
- Cái gì, thế nào? - Công tước Andrey hỏi.
Bilibin ra đón công tước Andrey. Trên khuôn mặt bao giờ cũng bình thản của ông hiện rõ vẻ xúc động.
- Ồ, ồ câu chuyện pháo đài đâu cầu Thabor (một chiếc cầu ở Viên) phải nhận là thú vị hết sức. Chúng đã qua cầu không tốn một viên đạn.
Công tước Andrey không hiểu gì hết.
- Anh ở đâu đến mà không biết tin này? Tin này thì thằng xà ích nào trong thành phố mà chả biết rõ?
- Tôi ở nhà đại công tước phu nhân về. Ở đấy tôi không nghe nói gì cả.
- Thế anh không thấy ở đâu người ta cũng thu xếp hành lý cả sao?
- Tôi không thấy. Có việc gì thế? - Công tước Andrey sốt ruột hỏi.
- Việc gì nữa! Thì việc quân Pháp đã vượt qua cái cầu mà tướng Auexperg bảo vệ, và cái cầu đã không bị nổ mìn, thành thử Mura hiện nay đang rong ruổi trên con đường dẫn đến Bruyn và chỉ nay mai quân Pháp sẽ đến đây.
- Thế nào? Đến đây à? Tại sao đã đặt mìn vào cầu rồi mà lại không nổ đi?
- Thì tôi cũng hỏi anh điều đó. Điều đó chẳng ai hiểu và bản thân Buônapáctê cũng không hiểu.
Bolkonxki nhún vai.
- Nhưng nếu chúng vượt qua cầu thì quân đội cũng nguy mất; nó sẽ bị cắt đứt - chàng nói.
- Thì vấn đề là ở đấy - Bilibin đáp. - Anh nghe đây. Quân Pháp tiến vào Viên - như tôi đã nói với anh. Tất cả đều đâu vào đấy hết. Hôm sau, tức là hôm qua, các ông thống chế Mura, Lan và Belya ngồi trên mình ngựa và đi lên cầu (Anh để ý điều này: cả ba đều là dân Gaxcônnhơ(1) cả). Một người nói: "Thưa các ngài, các ngài biết rằng cái cầu Thabor đã được chôn mìn năm lần bẩy lượt và trước mắt các ngài là cái pháo đài đâu cầu đáng sợ với một đội quân một vạn rưởi người đã được lệnh phá nổ cầu không cho chúng ta qua. Nhưng đức vua chúng ta chiếm lấy một cái cầu ấy đi!". Hai người kia nói: "Nào đi đi! và họ cùng đến chiếm cầu, vượt qua cầu và bây giờ tất cả quân đội của họ đã ở bên này sông Đonao, họ đang tiến quân về phía chúng ta, về phía anh và những con đường giao thông của anh.
- Thôi anh đừng đùa nữa. - Công tước Andrey nói, giọng buồn rầu và nghiêm nghị.
Tin này làm cho công tước Andrey buồn nhưng đồng thời lại khiến cho chàng thích thú. Khi nhận thấy quân đội Nga đang ở trong tình trạng tuyệt vọng như vậy, chàng liền nảy ra ý nghĩ mình chính là con người sinh ra để kéo quân đội Nga ra khỏi tình trạng ấy rằng đây, trước mắt chàng, chính là cái thành Tulon sẽ đưa chàng ra khỏi hàng ngũ những võ quan vô danh và mở cho chàng con đường đi tới vinh quang! Trong khi nghe Bilibin nói, chàng đã suy tính là khi về tới quân doanh, chàng sẽ trình bày với hội đồng quân sự ý kiến của mình. Ý kiến duy nhất có thể cứu vãn được quân đội, và chàng sẽ là con người duy nhất được giao mệnh lệnh thực hiện kế hoạch ấy.
- Đừng đùa nữa - chàng nói.
- Tôi không đùa đâu - Bilibin nói tiếp. - Không có gì đúng sự thực hơn và đáng buồn hơn. Các ngài ấy đi một mình đến đầu cầu và giơ khăn trắng lên; họ cam đoan rằng hai bên đã đình chiến và họ là những vị thống chế được cử đến để thương lượng với công tước Auerxperg. Sĩ quan trực nhật cho họ vào pháo đài đầu cầu. Họ kể cho anh ta nghe hàng ngàn câu chuyện nhảm nhí theo kiểu Gaxcônhơ, nào là chiến tranh đã chấm dứt, nào hoàng đế Frantx đã quyết định một cuộc hội kiến với Buônapáctê, nào họ mong được gặp công tước Auexperg và vân vân… Viên sĩ quan cho từn Auerxgerg các ngài này ôm lấy các sĩ quan bông đùa, ngồi chơi trên các khẩu đại bác, và trong lúc đó một tiểu đoàn Pháp bước lên cầu mà chẳng ai để ý đến, ném những túi đựng chất nổ xuống sông và đến gần cái pháo đài đầu cầu, cuối cùng viên trung tướng xuất hiện, đó là công tước Auerxperg Fon Mao tên đáng yêu của chúng ta. "Hỡi quân địch thân mến! Tinh hoa của quân đội Áo! Vị anh hùng của cuộc chiến tranh chống quân Thổ Nhĩ Kỳ! Chiến sự đã chấm dứt rồi! Chúng ta có thể bắt tay nhau… Hoàng đế Napoleon rất thiết tha muốn biết mặt công tước Auerxperg". Tóm lại, các ngài ấy không hổ danh là dân Gaxcônhơ, họ đưa ra những lời lẽ hoa mỹ làm Auerxperg mê mẩn đi. Ông ta rất khoái chí được kết thân với các thống chế Pháp một cách mau chóng như vậy. Và ngẩn người trước chiếc áo khoác và những chòm lông đà điểu của Mura, ông ta nổ đom đóm mắt lên và quên rằng chính mình có nhiệm vụ phải đánh cho địch nổ đom đóm mắt(2).
Mặc dầu chàng nói thao thao bất tuyệt, Bilibin vẫn không quên ngừng lại một phút sau khi nói được câu dí dỏm vừa rồi để cho người nghe có thì giờ thưởng thức nó.
- Tiểu đoàn Pháp chạy ùa vào pháo đài đầu cầu bịt họng các khẩu súng lớn, và thế là cái cầu bị chiếm. Nhưng điều hay hơn cả - Ông ta nói tiếp, bây giờ đã bớt xúc động vì thích thú với câu chuyện mình kể, - đó là câu chuyện của viên trung sĩ đứng cạnh khẩu súng lớn có nhiệm vụ ra hiệu châm mìn làm nổ cầu. Viên trung sĩ thấy quân đội Pháp chạy trên cầu đã muốn bắn, nhưng Lan giữ lấy tay anh ta. Viên trung sĩ này rõ ràng thông minh hơn chủ tướng của mình, anh ta đến gặp Auerxperg nói: "Thưa công tước, họ đánh lừa ngài đấy, quân Pháp đến kia kìa!". Mura thấy rằng nếu để cho viên trung sĩ nói thì cơ sự sẽ hỏng hết. Hắn liền vờ ra vẻ ngạc nhiên (quả là dân Gaxcônhơ chính cống) và nói với Auerxperg: "Tôi không thấy cái kỷ luật nổi tiếp khắp thế giới của quân đội Áo ở chỗ nào cả. Ông để cho một người cấp dưới nói với ông như thế à! Thật là thiên tài!". Thế rồi công tước Auerxperg nổi tự ái lên liền ra lệnh bắt giam viên trung sĩ. Ồ! Anh phải công nhận rằng câu chuyện ở cầu Thabor thật là thú vị. Đây không phải ngu xuẩn, cũng không phải hèn nhát…
- Có lẽ đây là mộ sự phản trắc - công tước Andrey nói, đồng thời hình dung thấy rõ ràng những chiếc áo khoác xám, những vết thương, những đám khói thuốc súng, những tiếng đại bác và cái vinh quang đang chờ đợi mình.
Bilibin nói tiếp:
- Cũng không phải thế. Việc này đặt triều đình vào một tình thế quá bất lợi. Đây không phải là phản trắc, cũng không phải là hèn nhát, mà cũng không phải là ngu xuẩn. Đây cũng như ở Ulm vậy thôi - Ông ta có vẻ suy nghĩ để tìm một câu hay - Đây. Đây là cái lối Mack. Chúng mình bị "Mack hoá" rồi. - Ông ta kết luận và cảm thấy rằng mình vừa nói một câu dí dỏm, một câu dí dỏm rất mới mẻ, sẽ được người ta nhắc lại.
Những vết nhăn từ nãy đến giờ vẫn tụ lại trên trán bỗng giãn ra tỏ rõ ông ta hài lòng; ông ta nhoẻn miệng cười và bắt đầu ngắm móng tay mình.
- Anh đi đâu thế? - Bilibin đột nhiên hỏi vì thấy công tước Andrey đứng dậy đi về phòng mình.
- Tôi đi đây!
- Đi đâu?
- Trở về quân doanh.
- Nhưng anh đã định ở lại đây hai ngày nữa kia mà?
- Nhưng bây giờ thì tôi phải đi ngay.
Và công tước Andrey, sau khi ra lệnh chuẩn bị lên đường, liền trở về phòng mình.
- Này, anh có biết không? - Bilibin bước vào phòng chàng nói - Tôi đã nghĩ về trường hợp của anh rồi đấy. Tại sao anh lại đi?
Và để chứng minh rằng lý do này không thể bác bỏ được, những nét nhăn trên mặt ông ta bỗng biến đi đâu hết. Công tước Andrey nhìn Bilibin có ý dò hỏi, và không đáp.
- Tại sao anh lại đi? Tôi biết anh cho rằng nhiệm vụ của anh là phải về ngay với quân đội trong khi nó đang nguy khốn. Và tôi hiểu điều đó lắm anh ạ. Khí phách anh hùng đấy!
- Hoàn toàn không phải thế - công tước Andrey nói.
- Nhưng anh là một triết gia, vậy hãy là triết gia cho nó đến đầu đến đũa. Anh hãy nhìn sự vật theo một cạnh khía khác và sẽ thấy rằng nhiệm vụ của anh, trái lại là lo đến bản thân mình. Hãy để việc ấy cho những kẻ khác, cho những kẻ không còn làm được việc gì nữa… Anh chưa nhận được lệnh phải quay về và ở đây cũng chưa có quyết định để anh đi. Thành ra anh có thể ở lại và cùng đi với chúng tôi đến nơi nào mà số phận bất hạnh của chúng ta đưa chúng ta đến. Nghe nói người ta đi Olmuytx mà Olmuytx là một thành phố rất xinh. Chúng ta cứ việc bình yên lên xe ngựa của tôi mà đi.
- Thôi anh đừng đùa nữa Bilibin ạ - Andrey nói.
- Tôi lấy tình thân mà nói với anh thành thực như vậy. Anh hãy tính xem. Bây giờ anh đi đâu và để làm gì chứ, trong khi anh có thể ở đây? Anh về bây giờ thì (ông ta cau lớp da ở trên thái dương bên trái lại), một là anh chưa về đến đơn vị, hoà ước đã kỹ kết rồi, hai là anh sẽ bại trận và chịu sỉ nhục với tất cả quân đội của Kutuzov.
Rồi Bilibin cho lớp da giãn ra, cảm thấy rằng cái phép lưỡng đao luận của mình không còn có cách gì bác lại được.
- Điều đó tôi không thể xét đoán gì được - công tước Andrey nói một cách lạnh lùng và nghĩ thầm: "Ta đi là để cứu quân đội".
- Anh bạn ơi, anh thật là một tay anh hùng(l). - Bilibin nói.
Chú thích:
(1) Một tỉnh ở miền Nam nước Pháp. Người Gaxcônnhơ thường mang tiếng là hay nói khoác.
(2) Ở đây có một lối "chơi chữ không dịch được, lối chơi chữ này dựa vào nghĩa đôi của chữ "feu" vừa là "lửa", vừa là "hoả lực".