Cũng rất nhanh sau đó chàng trai đã rời đi, đến ngày ra sân bay cũng không nói cho ai cả. Hân gọi cho cả Minh Hoàng cũng còn không hay, chỉ biết trách bản thân tìm hiểu chưa đủ sâu.
Cuộc sống của cô gái diễn ra vẫn bình thường, không có xáo trộn. Sáng sớm đến trường làm luận văn cho những ngày tốt nghiệp, chiều thì dành thời gian viết lách, chuẩn bị bản thảo xuất bản.
Cô gái là một tác giả mạng cũng có tiếng tăm, tác phẩm được nhiều người đón đọc nên hàng tháng có nhận được quà từ độc giả quen thân. Sở dĩ cô trở thành tác giả không phải vì có tâm hồn giàu sức tưởng tượng mà phần lớn là vì đây là phương thức cho cô trao gửi tâm sự. Những khi mệt mỏi, nặng trĩu tâm sự thì cô nàng sẽ gửi gắm tâm tư của mình vào câu chữ như một cách giãi bày, vừa khéo léo trút bỏ phiền muộn cũng tăng cảm xúc cho câu văn.
Vài tháng trôi qua cô đã tốt nghiệp đại học, và sau đó tiếp tục theo học lên thạc sĩ.
Cái ngày tốt nghiệp, cô gái cũng nhận được quà của Gia Hưng nhưng không dám trò chuyện với cậu quá nhiều.
Cô nàng vẫn còn hoang mang với chính suy nghĩ của mình, sợ rằng vì một vài giây phút bộc trực mà ảnh hưởng đến tình cảm của cậu thì không nên. Dù sao chàng trai ấy cũng đã chịu quá nhiều tổn thương rồi, không thể vì một đứa như cô mà tiếp tục thất vọng thêm lần nữa.
Mùa hạ lại dần qua đi, đông sang thì kéo tới thêm nhiều nỗi u ám và buồn bã.
Tiết thời tháng hai vẫn còn se lạnh, đan xen vài cơn mưa ngâu càng khiến nó trở nên khó chịu. Dù cho có mặc áo ấm, che chắn cẩn thận thì con người ta vẫn phải cảm thấy bức bối vì ẩm ướt và hơi nồm đặc trưng của mùa.
Gia đình ấy đã quá lâu không gặp lại nhau, đến việc thăm hỏi một câu hoàn chỉnh cũng khó khăn muôn phần.
Gia Kiên cẩn thận đỡ lấy người vợ đang mang thai, từng bước đi chậm rãi và chắc chắn.
"Còn tưởng chú không về." Bước đi chưa được bao nhiêu thì ông đã trông thấy anh trai từ xa lại gần, nét mặt còn nguyên vẻ nghiêm khắc.
"Mấy năm nay làm việc bán mạng không thèm hương khói bố mẹ. Tôi tưởng chú đi rồi." Bác Bảo tính tình nóng nảy, chưa chào hỏi đã xối xả mắng nhiếc.
Gia Kiên không phải người hơn thua, vẫn điềm nhiên đáp lời: "Bác nói hơi quá. Tôi đây vẫn thường xuyên liên lạc, có khi nào nhà có việc mà không về. Tiền nong hàng tháng chả đủ cả."
"Tiền bạc thì làm được cái giống gì. Con cái đẻ xong dạy còn không nên thân. Đúng là cái thứ gì đâu." Người đàn ông hách dịch lên tiếng, mươi mấy năm nay mà họ vẫn không thay đổi.
Gia đình theo lối sống truyền thống và tư tưởng xưa là vậy, cổ hủ và cố chấp, muốn khiến họ chấp nhận cởi mở thì đúng là khó hơn lên trời.
"Anh, đừng nghĩ nhiều."
"Ừm." Kiên lặng lẽ gật đầu rồi dìu vợ vào trong.
Căn nhà ấy xây dựng theo kiến trúc nhà cấp bốn khang trang và rộng rãi, bên cạnh còn có cả khu vườn thoáng đãng. Những con người trong gia đình này tự hào về tài sản của mình lắm và coi nó như một bảo vật để khoe mẽ, bất chấp hầu hết tiền bạc và công sức đều do một tay đứa con trai út, Trần Gia Kiên, gánh vác.
Cũng hai, ba năm chưa đón tiếp gia đình cậu út quay về nên mấy dì, mấy bác vui vẻ lắm, vừa trông thấy họ đã hối hả vẫy tay.
"Về rồi đấy à? Về rồi thì vào chơi. Lâu lắm mới thấy mặt đấy."
"Vâng. Thế..."
"Chú lên nhà đi." Một người xua tay. "Mai, lại đầy giúp mọi người một tay. Tết nhất nhiên việc, không làm ngay thì giời xong."
Gia Kiên vỗ vai vợ một cái, quay sang chỗ chị dâu: "Vợ tôi mang thai tháng thứ sáu, đi lại còn khó khăn thì sợ phiền các bác thôi. Nhà đông người, bác chịu khó vẫy mấy đứa con trai to khoẻ mà làm."
"Chú thì biết cái gì, đàn ông để làm việc lớn thôi. Bếp núc vẫn là của chị em chúng tôi." Bác Hai quả quyết lắm, nhất định lôi kéo Kiều Mai cho bằng được. "Ai mà bụng mang dạ chửa, làm lụng một tí thì có làm sao."
"Bác Hai." Minh Hoàng từ phía sau bước ra, cẩn thận để mẹ đứng sau lưng mình. "Mẹ cháu sức khoẻ không tốt, cứ để cháu giúp các bác."
"Hoàng đàn ông con trai thì vào mà chơi với các bác, để con bé Hân ở lại cũng được vậy."
Minh Hoàng trước nay không thích tư tưởng "trọng nam khinh nữ" của gia đình nhà nội, đúng ra anh không thích tất cả những quy định cổ hủ của bên nhà.
"Để cháu giúp chị. Có tay chân đàng hoàng thì ngồi không cũng bí bách lắm. Đàn ông làm không được mấy việc này thì ra ngoài còn làm được trò trống gì." Hoàng lên tiếng, kéo tay Hân đi vào trong bếp.
Mấy người bên nội từ trước đến nay đều chẳng ưa gì nhà Gia Kiên, cùng lắm quý được một mình Minh Hoàng. Hôm nay xem ra họ lại phải tốn công chướng mắt thêm đứa cháu trai này nữa.
Gia Hân và Minh Hoàng ngồi nhặt nhạnh rau trong bếp, cách xa khu vực tụ tập của mấy bác một chút.
Hoàng là đứa đoảng, cũng không biết gì về bếp núc. Anh vào đây chỉ để không ai bắt nạt hay nói năng gì với chị mình thôi.
"Đừng xị ra, kệ đi."
Hân lớn hơn và hiểu chuyện cũng sớm hơn. Nói thẳng là vì cô không muốn to tiếng hay vô lễ với người lớn nên mới mặc kệ, chứ bản chất tính cách Gia Hân còn cứng hơn Minh Hoàng nhiều.
Cô gái lại ngán ngẩm quay đi vì bài ca than vãn rồi kể lể của họ lại bắt đầu rồi.
Những con người ấy không quan tâm là cả Hân và Hoàng đều đang hiện diện quanh đó, lớn giọng tán dóc.
"Chú Kiên nhà mình được mặt mũi lại có tiền mà dốt quá thể. Tự dưng ở đâu vác theo con bé Mai về, tay chân vụng về còn không giỏi bếp núc. Các bác xem, bầu bí có phải mỗi nó trải qua đâu, hở ra là bám lấy chồng không chịu làm lụng gì."
Vài bác khác cũng nhảy vào đồng tình nhiệt liệt: "Lại chả thế, cái bầu thế kia chắc là con gái rồi. Lấy nhau cả gần chục năm không bầu bì gì còn tưởng tịt rồi. Giờ đùng cái chửa lại là con gái. Chậc, đúng là khổ!"
"Con bé này yếu ớt quá, lần trước có lỡ đυ.ng vào một cái cũng sảy. Không biết lần này còn có nổi một con vịt giời không ấy chứ."
Thật ra lời họ nói lúc này còn nhẹ nhàng hơn nhiều so với khi trước.
Sau khi mẹ Hân và Hoàng mất khoảng một năm bố hai chị em quyết định chuyển hẳn công tác vào Sài Gòn làm ăn. Ba năm sau đó ông tái hôn với Kiều Mai, tức mẹ kế của họ hiện tại.
Kiều Mai là người con gái đẹp và dễ gần, tính cách cũng thoải mái và dễ chịu. Đáng tiếc sức khoẻ của bà hơi yếu, tâm lí cũng không vững vàng nên dễ bị người trong nhà lấn áp.
Mấy bác dì suy đoán rồi đồn thổi lung tung, cứ khăng khăng cho rằng bà lấy ông cũng vì tiền, còn nói bà can thiệp vào cuộc hôn nhân của Kiên với người vợ cũ, dù đến tận một năm sau khi mẹ Hân và Hoàng mất, Kiên vẫn chưa quen biết Mai.
Lời nói độc địa như thế mà cũng có thể nói ra, hai chị em ấy thật sự không hiểu hai từ "họ hàng" với "máu mủ" rốt cuộc có ý nghĩa gì với họ.
"Em đã bảo bố là đừng về rồi." Minh Hoàng bé giọng.
"Bỏ đi." Gia Hân gõ anh một cái vào đầu. "Tí vào nhà cũng đừng nói gì quá đáng."
Sắc mặt Minh Hoàng vẫn tỏ rõ sự khó chịu song anh lại gật gù: "Em biết rồi."
Bữa trưa trước đêm giao thừa hoá ra cũng không vui như những năm trước. Cái câu "càng đông càng vui" chắc không hợp với gia đình kia rồi vì bình thường dù chỉ có bốn người, họ còn thấy thoải mái hơn bây giờ.
Gia Kiên từ chối lời tiếp rượu của mấy bác khác, cố ý ngồi xuống ăn uống cạnh vợ.
Hành động đó tất nhiên khiến người nhà của ông phật ý.
Bác Bảo ho một tiếng rõ to, đặt đôi đũa xuống mâm: "Chú Kiên đúng là chiều vợ quá. Không khéo đẻ con xong là đội luôn lên đầu."
Gia Kiên vẫn còn bình tĩnh, cẩn thận đặt bát xuống chiếu: "Bác lớn tuổi rồi nên biết đùa. Lấy vợ xong thì cũng nên quan tâm, nếu không thì lấy vợ làm gì."
"Chú nói đúng. Nhưng sao tôi thấy chú thiên vị cô Mai quá. Trước không thấy chú chăm mẹ thằng Hoàng như thế nhỉ?"