Chương 11: Thành phố than
Ba năm sau khi xảy sự việc vừa kể trên, những hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với du khách đến Stirling một chuyến tham quan chừng vài tiếng đồng hồ đến khu mỏ Tân Aberfoyle, một chuyến tham quan mà theo họ sẽ vô cùng hấp dẫn.Không một khu mỏ nào, ở bất cứ xứ sở nào của Tân hay Cựu lục địa lại có một quang cảnh kỳ lạ như vậy.
Trước tiên, du khách sẽ được chở đến khu vực khai thác cách mặt đất năm trăm mét.
Tại một nơi cách Callander về hướng Tây nam mười một cây số, người ta đào một con đường hầm xiên góc, lối vào hầm được trang hoàng rất tráng lệ, với những tháp canh có những lỗ châu mai là là mặt đất.
Con đường hầm đó có độ dốc thoai thoải, càng xuống càng được khoét rộng và dẫn thẳng tới chỗ hang đá đã được tạo thành một cách kỳ lạ vào trong lòng đất xứ Scotland.
Một con đường sắt chạy hai chiều với các toa goòng kéo bằng máy hơi nước, chạy hết giờ này sang giờ khác là giao thông của một đô thị trong lòng đất của quận. Đô thị này mang một cái tên khá nhiều tham vọng: Thành phố - Than. Du khách một khi tới được “Thành phố - Than” sẽ thấy mình ở trong một không gian mà điện khí đóng một vai trò quan trọng hàng đầu, nó đem lại cho con người ánh sáng và sức nóng.
Thực vậy, các giếng thông hơi của mỏ, mặc dầu có rất nhiều, cũng chẳng mang được bao nhiêu ánh sáng mặt trời vào cái đêm đen của khu mỏ Tân Aberfoyle. Tuy vậy, một nguồn sáng rất mạnh đã soi sáng nơi tối tăm này, nó được phát ra từ những chiếc đĩa điện thay thế cho mặt trời. Những chiếc đĩa này ở đây người ta ví chúng như những mặt trời hay là những vì sao, được treo ở đỉnh những cột đá thiên nhiên, ngay sát mái vòm, hoạt động nhờ dòng điện một chiều do các máy phát tạo ra. Ánh sáng do các đĩa tạo ra đã soi sáng cả vùng mỏ. Trong giờ nghỉ, người ta sẽ ngắt dòng điện, tạo ra một đêm nhân tạo trong lòng khu mỏ.
Trước tiên, cần nói rằng tất cả những dự đoán của kỹ sư James Starr về khả năng khai thác của mỏ là hoàn toàn chính xác. Sự giàu có của các vỉa than là vô hạn. Giờ đây khu vực phía tây của mỏ, cách Thành phố - Than khoảng 400 mét đã được những nhát cuốc đầu tiên khai thác. Khu cư xá của công nhân không nằm ở trung tâm mỏ. Công việc bên trong mỏ được liên lạc với bên ngoài bởi các giếng thông hơi và giếng khai thác, các giếng này còn đảm trách việc liên lạc giữa các tầng mỏ với bên ngoài.
Chắc hẳn mọi người còn nhớ về cấu tạo kỳ lạ của cái hang động rộng lớn, nơi mà người đốc công già và những người cùng đi đã dừng bước trong lần khám phá đầu tiên. Ở chỗ đó, ngay trên đầu họ là một mái vòm hình cong. Những chiếc cột chống đỡ nó cao đến cả trăm mét và lẫn vào trong độ cao của vòm đá phiến. Độ cao này cũng tương đương với độ cao của hang Mammouth, bang Kentucky bên Hoa Kỳ.
Bên dưới mái vòm là một cái hồ nước có thể so sánh với bề rộng của biển Chết trong hang Mammouth. Hồ này sâu, nước trong suốt và chen chúc trong hồ là hàng đàn cá không có mắt, ông kỹ sư đặt tên là hồ Malcolm.
Chính tại đây, trong cái hang động rộng lớn đó mà Simon Ford đã cho dựng một ngôi nhà gỗ mới, ngôi nhà mà ông không muốn đánh đổi lấy bất cứ căn biệt thự đẹp nào trong khu phố Princess-Street, Thành phố Edimbourg. Căn nhà được dựng nên ngay sát bờ hồ và năm cái cửa sổ của nó trông ra làn nước đen trải xa ngoài tầm con mắt.
Hai tháng sau đó, một ngôi nhà thứ hai được mọc lên ngay cạnh căn nhà gỗ của Simon Ford. Đó là nơi ở của kỹ sư James Starr. Ông này đã nguyện cống hiến cuộc đời còn lại của mình cho khu mỏ Tân Aberfoyle. Bản thân ông muốn ở đó, một phần do công việc đòi hỏi phải như vậy, nhưng còn có một lý do nữa, đó là ông muốn được sống giữa những người thợ mỏ.
Kể từ khi phát hiện ra những vỉa than mới, toàn thể cánh thợ mỏ của khu mỏ than cũ lập tức rời bỏ những cày, những bừa để cầm lại những chiếc cuốc, chiếc xẻng. Bị hấp dẫn bởi niềm tin rằng công việc từ nay không còn thiếu với họ, rằng sự thịnh vượng của việc khai thác sẽ cho phép trả công cao cho tay nghề, họ đã rời bỏ mặt đất để vào sống trong lòng đất, ngay trong mỏ than mà điều kiện tự nhiên đã phù hợp với cách sống ở đấy.
Nhà của đám thợ mỏ đều được xây bằng gạch, chúng có sắp xếp hơi lộn xộn, cái thì xây bên bờ hồ Malcolm, cái thì xây trên vòm cuốn, những chỗ vô cùng chắc chắn.
Cũng cần nói thêm là một trong những người đáp lại lời kêu gọi của ông kỹ sư là chàng trai Jack Ryan. Con người vui tính này cảm thấy mình có nhiệm vụ phải trở lại với công việc cũ. Nông trại ở Melrose từ nay mất đi một ca sĩ và một nghệ sĩ thổi kèn túi. Nói thế không có nghĩa là từ đây Jack Ryan không còn ca hát nữa. Trái lại, những vách đá của khu mỏ Tân Aberfoyle từ nay luôn vang tiếng ca của anh.
Jack Ryan ở ngay trong nhà của gia đình Simon Ford. Mọi người dành cho anh một phòng và anh đồng ý ngay không nề hà vì bản tính anh vốn giản dị và trung thực. Bà Madge quý mến anh bởi anh tốt bụng và vui vẻ. Bà còn chia sẻ với anh những vấn đề về thế giới thần linh, về những hồn ma vẫn ám ảnh hầm mỏ. Và khi chỉ có hai người với nhau, họ thường kể cho nhau nghe những câu chuyện rùng rợn, những chuyện đó đã làm giàu cho kho tàng chuyện thần thoại vùng cực Bắc.
Như thế là Jack Ryan đã trở thành niềm tin của căn nhà gỗ. Anh là một con người tốt, một người thợ giỏi. Sáu tháng sau ngày trở lại với công việc ở mỏ, anh đã trở thành người đứng đầu một kíp thợ lò.
- Ông đã làm một việc đáng kể, thưa ông Ford - Ryan nói sau khi đến ở căn nhà gỗ vài ngày - Ông đã tìm ra một mỏ than mới và nếu như vì việc đó mà phải trả giá bằng mạng sống của mình thì, theo tôi, cũng không phải là đắt.
- Không, Jack ạ, việc chúng tôi làm có đáng kể chi! - Người đốc công già đáp - Nhưng mà cả ông Starr lẫn già này, chúng ta đều chịu ơn cứu mạng của anh...
- Không phải - Jack Ryan đáp - Đây là công của Harry, con trai của bác đấy; bởi vì anh ấy đã hào hiệp nhận lời đến dự lễ hội ở Irvine...
- Mà lại không tới phải không? - Harry vừa nói vui vừa siết chặt tay bạn - Không, Jack ạ, chính là công của cậu, cậu vừa lành vết thương mà đã không chậm một phút nào để tìm ra chúng tôi còn sống trong mỏ than!
- Đã nói là không phải do tôi mà - Chàng trai bướng bỉnh phản đối! - Tôi không muốn để mọi người nói ra những điều không đúng! Thực ra mình chỉ nóng lòng muốn biết xem điều gì đã xảy đến với cậu, thế thôi, Harry ạ. Nhưng để cho công bằng, thì mình phải nói thêm là nếu không có con ma mà ta không thể tóm được ấy...
- A! Tôi cũng đang nghĩ tới nó! - Simon Ford kêu lên - Một con ma ư!
- Vâng đúng là con ma, con yêu tinh, - Jack Ryan nhắc lại - hay đứa con của Bà chúa lửa, có phải bác định nói vậy không! Chắc chắn là nếu không có nó, chúng tôi không tài nào đến được cái hang, và như vậy mọi người không thể nào thoát chết được!
- Đúng thế, Jack ạ! - Harry đáp - Chỉ còn lại điều mà cậu muốn biết là liệu nhân vật đó có phải cũng là ma không.
- Ma ư? - Jack Ryan kêu lên - Thì nó cũng như một con ma trơi với ngọn đèn trong tay, ta muốn tóm nó thì nó vụt biến đi như một cái bóng ấy! Nhưng thôi, hãy tạm gác chuyện đó lại, Harry ạ. Một ngày nào đó, thể nào ta cũng gặp lại nó.
- Này Jack ạ, - Simon Ford nói - ma hay quỷ, ta sẽ tìm cách gặp lại nó và con phải giúp chúng ta làm việc đó.
- Nhưng theo cháu, bác sẽ gặp những chuyện không hay đấy, bác Ford ạ! - Jack Ryan đáp.
- Được! Ta cứ để nó đến xem sao, Jack ạ!
Ta có thể dễ dàng hình dung ra cái khu mỏ Tân Aberfoyle này, nó đã trở nên quá quen thuộc với các thành viên trong gia đình Ford, đặc biệt là với Harry. Anh đã thuộc từng ngóc ngách của mỏ. Anh lại có thể nói là nơi nào trên mặt đất tương ứng với nơi nào trong mỏ. Anh biết rõ là ở trên lớp than này là vịnh Clyde, rồi đến hồ Lomond hay hồ Katrine.
Nhưng, những khi lang thang trong mỏ như vậy, Harry dường như bị cuốn hút vào một niềm hy vọng mãnh liệt, đó là được gặp lại nhân vật bí ẩn; nói cho đúng ra thì nhờ có sự can thiệp của y mà anh cũng như những người thân khác đã được cứu thoát. Liệu có gặp lại được hắn ta không? Chắc chắn là được, nếu như anh tin vào những linh cảm của mình. Nhưng cũng có thể không, nếu căn cứ vào những hiểu biết quá ít ỏi mà anh có được, cho tới lúc này.
Còn về những vụ tấn công nhằm vào gia đình ông đốc công già trước vụ khám phá ra khu mỏ Tân Aberfoyle thì giờ này chúng không tái diễn nữa.
Đó là tất cả những gì đã xảy ra trên mảnh đất kỳ lạ này.