Chương 10
Không có đêm sáng trăng nào mà trong những tâm hồn hiểm độc các ý tưởng quái ác lại không quằn quại như trong một ổ rắn, và trong những tâm hồn bác ái lại không nảy nở các cánh huệ hỉ xả và hiến dâng. Cho nên, trên những vách đá cheo leo xứ Rạng Đông, hai nửa của chú Medardo lang thang trong những cơn dằn vặt trái nghịch.Đã có được quyết định riêng, tảng sáng, cả hai đi thi hành.
Mẹ cô Pamela, đang kéo nước lên, thì bị lọt bẫy ngã xuống đáy giếng. Bám lấy sợi dây, bà hét lớn: "Cứu tôi với!", và khi đó thì bà trông thấy – trong cái vòng tròn miệng giếng, tương phản trên nền trời – hình bóng chú Xấu-bụng bảo bà:
– Tôi chỉ muốn thưa chuyện với bà thôi. Đây, những gì tôi đã nghĩ: thiên hạ thường trông thấy một tay cầu bơ cầu bất bị chẻ đôi cùng với cô con gái Pamela của bà. Giờ thì cô đã lỡ làng, bà phải bắt chàng ta cưới cô, và nếu chàng ta là một người đàn ông con nhà đàng hoàng tử tế, thì chàng ta phải tu sửa. Tôi đã nghĩ như thế; xin bà đừng bảo tôi giải thích gì thêm.
Bố cô Pamela vác một bao ôliu vườn nhà tới cái máy ép, song cái bao bị thủng lỗ, thế là một vệt ôliu thả dài trên con đường mòn. Cảm thấy cái bao bị nhẹ đi, ông bỏ nó xuống từ trên vai, và thấy nó hầu như đã trống rỗng. Song ông trông thấy chú Tốt-bụng đang đi theo đằng sau, nhặt từng trái ôliu bỏ vào vạt áo choàng.
– Tôi bám theo ông để nói chuyện, và tôi đã có cơ may được nhặt lại ôliu giúp ông. Đây, những gì tôi thiết tha trong tâm. Từ ít lâu nay, tôi nghĩ rằng nỗi bất hạnh của kẻ khác mà tôi muốn cứu giúp, có lẽ đã được nuôi dưỡng bởi sự hiện diện của tôi. Tôi sẽ rời khỏi xứ Rạng Đông. Song chỉ khi chuyến ra đi của tôi sẽ mang lại yên bình cho hai người: cho cô con gái của ông, phải nghỉ đêm trong một cái hang trong lúc cô đáng được đón nhận một số phận cao sang, và cho cái nửa bên phải khốn khổ của tôi, chẳng nhẽ cứ mãi côi cút như thế. Cô Pamela và tử tước phải thành hôn với nhau.
Pamela đang huấn luyện cho một con sóc thì gặp mẹ cô, đang giả vờ đi tìm quả thông.
– Pamela – mẹ cô nói – đã đến lúc cái anh chàng Tốt-bụng nay đây mai đó phải thành hôn với con.
– Cái ý tưởng này đến từ đâu vậy? – Pamela nói.
– Chàng ta đã khiến con lỡ dại, chàng ta sẽ cưới con. Chàng ta hết sức tử tế, nếu con nói vậy thì chàng ta ắt sẽ không nói không.
– Sao mẹ lại có thể nặn ra câu chuyện này trong đầu?
– Im đi: con có biết ai đã nói với mẹ là con không nên đặt nhiều câu hỏi nữa không? Chàng Xấu-bụng tới tận nơi đấy, vị tử tước tiếng tăm lừng lẫy của chúng ta!
– Thôi chết rồi! – Pamela nói, trong lúc để rơi con sóc từ trên lòng xuống – không biết chàng ta đang bày ra cái bẫy gì đây.
Một chốc sau đó, đang tập thổi toe toe với một bẹ cỏ trong tay, thì cô gặp bố đang giả vờ đi tìm củi.
– Pamela – bố cô nói – đã đến lúc con chiều lòng chàng tử tước Xấu-bụng với một thỏa thuận duy nhất, con sẽ làm lễ thành hôn trong nhà thờ.
– Đây là ý tưởng của bố hay là của kẻ nào đó đã nói với bố?
– Con không thích trở thành bà tử tước à?
– Bố hãy trả lời câu hỏi của con hẵng.
– Được rồi; nghe đây, ý tưởng ấy là của một tâm hồn thiện ý chưa từng có, cái anh chàng cầu bơ cầu bất tên gọi kẻ Tốt-bụng.
– Á à, cái anh chàng này, chẳng có gì hay ho hơn để nghĩ nữa hay sao. Rồi bố sẽ thấy chàng ta làm trò làm trống gì.
Cưỡi con ngựa gầy thấp thoáng giữa các lùm cây, chú Xấu-bụng đang suy ngẫm về mưu kế của mình: trường hợp Pamela cưới tay Tốt-bụng, thì về mặt pháp lý, nàng là cô dâu của chú rể Medardo xứ Rạng Đông, tức là vợ của tử tước. Dựa trên cái tính pháp lý này, chú Xấu-bụng ắt có thể dễ dàng giành lại cô từ tay kình địch, vốn hết sức buông xuôi và kém tính chiến đấu.
Song khi chàng ta gặp Pamela thì cô nói:
– Chàng tử tước, em đã quyết định, nếu chàng đồng ý, chúng ta sẽ cưới nhau.
– Nghĩa là giữa nàng và ai? – tử tước hỏi.
– Giữa em và chàng, em sẽ tới tòa lâu đài và sẽ là bà tử tước.
Chú Xấu-bụng không hề chờ đợi điều này, ngẫm nghĩ: "Vậy thì cần chi mà dựng lên toàn bộ cái màn hài kịch sắp đặt cho nàng cưới cái nửa kia: mình sẽ cưới nàng, thế là xong".
Cho nên, chú nói:
– Ta đồng ý.
Và Pamela:
– Chàng hãy thỏa thuận với bố em.
Một lúc sau, Pamela gặp chú Tốt-bụng trên lưng con la của mình.
– Medardo chàng ơi – nàng nói – em biết em thực sự yêu chàng, nếu chàng muốn em hạnh phúc, thì chàng phải ngỏ lời cầu hôn em.
Chú Medardo khốn khổ, vì sự tốt lành cho nàng mà đã hy sinh quên mình, miệng há hốc vì sững sờ. "Song nếu nàng sung sướиɠ cưới mình, thì mình không thể bảo nàng cưới chàng tử tước kia", chú nghĩ, và nói:
– Em yêu, anh chạy đi sắp xếp mọi thứ cho buổi lễ đây.
– Chàng hãy thỏa thuận với mẹ em, cố mà hoàn thành nhé – nàng nói.
Toàn thể xứ Rạng Đông bị rối mù khi nghe tin Pamela làm lễ cưới. Kẻ thì bảo cô sẽ nâng khăn chàng này, người thì nói cô sẽ sửa túi chàng kia. Bố mẹ cô thì dường như cố ý để các ý tưởng ấy không biết đâu mà mò. Tất nhiên, trong lúc đó, tại tòa lâu đài, mọi người đang đánh bóng mọi thứ và trang hoàng mọi chỗ như trong một dịp lễ trọng đại. Tử tước cho may một bộ trang phục bằng nhung đen, cổ tay phồng to và bắp đùi cũng phồng to. Còn chàng cầu bơ cầu bất thì cũng chải lại lông con la khốn khổ và vá lại cái khuỷu tay áo cũng như cái gối quần của mình. Mọi sự đâu vào đó, tại nhà thờ, các chân đèn nến đều đã được chùi sáng.
Pamela bảo rằng cô sẽ chỉ rời bước khỏi rừng xanh vào lúc rước kiệu tân hôn. Tôi thì được ủy thác đem các thứ đồ đạc linh tinh. Cô tự may một bộ áo cưới trắng tinh có mạng che với cái đuôi dài thòng, cô tự kết cái mũ miện và giây lưng bằng chồi hoa oải hương. Vì vải mạng còn dư vài thước, cô may một chiếc áo dự lễ cho con dê và một chiếc khác cho con vịt, thế là cô chạy băng băng trong rừng, hai con vật chạy theo sau, cho tới lúc cái mạng che bị vướng hết vào một nhánh cây, cái đuôi dài thòng dính đầy lá kim thông, và những con đường mòn sạch trơn búi vỏ hạt dẻ.
Thế nhưng, đêm hôm trước ngày lễ cưới, cô tư lự và hơi run sợ. Cô ngồi trên đỉnh một quả đồi trụi cây cối, giải đuôi áo thả quấn quanh chân, mũ miện hoa oải hương xiên lệch, tay chống cằm, thở vắn thở dài ngắm nhìn rừng xanh xung quanh.
Tôi luôn luôn ở quanh cô bởi tôi giữ nhiệm vụ làm tiểu đồng cùng với Esaù, song cu cậu đã biến đi đâu mất.
– Chị Pamela ơi! chị cưới ai vậy? – tôi hỏi.
– Chị không biết em ơi – cô nói – chị thực sự không biết sẽ ra sao. Xán lạn hay khốn đốn đây?
Từ các khu rừng vọng đến: lúc thì tràng tiếng thét xé ruột, khi thì loạt thở dài sườn sượt. Đó là hai kẻ cầu hôn bị chẻ đôi, trong cơn kích động buổi-hôm-trước đang lang thang qua các khe núi và trên các mỏm đá trong rừng, quấn trong chiếc áo choàng đen, một trên con ngựa gầy, một trên con la trụi lông, kêu rống và thở dài, mỗi kẻ cuốn ngợp trong các kỳ tưởng khắc khoải của mình. Con ngựa thì phóng qua các vách núi và chỗ sạt lở, con la thì quờ bám các gò đất và triền đồi, thế nhưng, hai chàng kỵ sĩ thì không bao giờ đυ.ng đầu nhau.
Trời bình minh, con tuấn mã phóng nước đại cho tới lúc bị thúc phi qua một hẻm núi thì trẹo vó; thế là chú Xấu-bụng không thể tới kịp hôn lễ. Con la trái lại đi nhẩn nha và an toàn, chú Tốt-bụng tới nhà thờ đúng giờ, ngay lúc cô dâu bước vào kéo theo cái đuôi áo được tôi và Esaù nâng giữ.
Trông thấy như chú rể chỉ có chú Tốt-bụng chống nạng đi tới, đoàn người dự lễ có phần thất vọng. Song buổi lễ thành hôn vẫn được cử hành đúng theo thể thức, cô dâu chú rể "vâng" và "dạ", họ trao nhẫn cưới cho nhau, rồi vị linh mục nói:
- Medardo xứ Rạng Đông và Pamela thôn Marcolfi, cha kết hợp hai con nên vợ nên chồng.
Từ cuối gian giữa nhà thờ, vị tử tước chống nạng bước vào, bộ trang phục mới bằng nhung, phồng-cổ-tay phồng-bắp-đùi, ướt sũng, rách lỗ chỗ. Thốt lên:
– Medardo xứ Rạng Đông là ta, và Pamela là vợ ta.
Chú Tốt-bụng lò cò bước tới trực diện.
– Không, Medardo, kẻ đã thành hôn với Pamela, chính là tôi.
Chú Xấu-bụng quẳng chiếc nạng đi và tuốt gươm ra. Chú Tốt-bụng không còn cách nào khác là làm y như thế.
– Thủ thế đi!
Chú Xấu-bụng xỉa gươm nhào tới, chú Tốt-bụng khóa gươm tự vệ, song cả hai đều ngã lăn đùng ra trên mặt đất.
Họ đồng ý với nhau, không thể vừa chiến đấu lại vừa phải giữ thăng bằng bằng một cẳng chân duy nhất. Cần phải dời cuộc đấu lại để có thể chuẩn bị tốt hơn.
– Vậy thì, cho hai chàng biết – Pamela nói – em sẽ trở vào rừng.
Thế là cô bỏ chạy ra khỏi nhà thờ, cái đuôi áo không còn hai chú tiểu đồng nâng giữ nữa. Cô gặp lại con dê và con vịt trên cây cầu đang đứng chờ, và chúng lật đa lật đật chạy bên cô.
Cuộc so gươm được ấn định vào ngày hôm sau, lúc mặt trời mọc, tại đồng cỏ Nữ Tu. Bác thợ cả lão luyện Thạch Đầu Đinh sáng chế ra một loại chân-càng, khi gắn chặt vào đai thắt lưng của hai kẻ bị chẻ đôi thì cho phép họ đứng vững và di chuyển, ngay cả gập người ra đằng trước và ngửa người ra đằng sau, còn đứng yên thì đầu càng cà trên đất. Ông cùi Galateo, khi còn lành lặn từng là một quý ông, đứng ra làm trọng tài; chú Xấu-bụng được bố cô Pamela và viên trưởng đốc hiệu mới làm người phụ trợ, còn chú Tốt-bụng thì hai tín hữu Huguenot. Bác sĩ Trelawney lo đảm bảo việc cấp cứu, ông mang tới một cuộn bông băng và một hũ dầu xức như thể để chăm sóc cho cả một trận chiến. Quá tiện cho tôi, nhờ được mang giúp bác sĩ các thứ đó, tôi có thể có mặt tại cuộc đối đầu.
Một buổi bình minh nhuốm màu lục; trên cánh đồng cỏ, hai đấu sĩ áo đen, mỏng teo, gươm lăm lăm trong tay, đứng thủ thế. Ông cùi đưa tù và lên thổi: đấy là tín hiệu. Màng trời căng rung lên; con chuột sóc trong ổ vẩy vuốt xới đất xốp; con chim ác là, đầu vẫn rúc trong cánh, rỉa rứt cọng lông vũ khỏi cạnh sườn, gây thương tích cho chính mình; và đầu con giun đất ăn chính cái đuôi của nó và con rắn nhe nanh tự cắn mình và con ong bắp cày chọc gãy ngòi trên tảng đá và vạn vật chống chọi lẫn nhau, sương muối đóng trên các vũng nước, địa y hóa đá và đá hóa địa y, lá khô thành đất, và lớp nhựa dày cứng thẳng thừng chèn chết ngọn cây. Thế là người đàn ông xông vào chống chọi chính mình, cả hai tay trang bị một thanh gươm.
Một lần nữa bác Thạch Đầu Đinh đã lao động như một người thợ cả lão luyện: hai chiếc chân-càng vạch ra các vòng tròn trên cánh đồng cỏ, và hai tay kiếm sĩ tung ra những đợt tấn công choang choang và cạch cạch, ghì đỡ và dứ nhử. Song hai đấu sĩ không chạm được nhau. Ở mỗi đợt thọc sâu, mũi gươm tỏ ra nhằm chắc vào vạt áo choàng phấp phới của đối thủ, mỗi đối thủ dường như khăng khăng xỉa chém vào nơi bên trong chẳng có gì, nghĩa là cái phần lẽ ra phải là chính mình. Tất nhiên, nếu không là đấu sĩ nửa-người, mà là đấu sĩ nguyên-người, thì họ đã lãnh đủ không biết bao nhiêu vết thương. Chú Xấu-bụng chiến đấu trong hung khí sôi sục, dù chẳng bao giờ có thể kết thúc các đợt tấn công của mình vào nơi đối thủ thực sự hiện diện; chú Tốt-bụng, rơi vào đúng bên thuận tay trái, không làm được gì hơn là đâm thủng lỗ chỗ vạt áo choàng của vị tử tước.
Tới một điểm, hai đấu sĩ ở trong thế ghì chuôi gươm, các mũi chân-càng cày xới trên mặt đất như những lưỡi bừa. Chú Xấu-bụng bật người thoát ra thì bị mất thăng bằng, trong khi ngã lăn ra mặt đất, đã tung ra được một nhát gươm kinh hoàng, không thực sự lên người đối thủ, mà hầu như song song với cái tuyến đường đã gián đoạn thân thể chú Tốt-bụng, và sát đến mức không thể hiểu ra ngay là nhát gươm đã chệch về bên này hay quá sang bên kia. Song chúng tôi nhanh chóng nhìn ra cái tấm thân bên dưới chiếc áo choàng đang bị loang đỏ máu, suốt từ đầu cho tới cái vòm cẳng chân, và thế là đã rõ. Chú Tốt-bụng quỵ xuống, song trong lúc ngã, về phần mình, qua một động thái vớt vát và hầu như thương tình, cũng phạt lưỡi gươm sát rạt kình địch, từ đầu xuống bụng, giữa cái điểm từ đó thân thể của chú Xấu-bụng không hiện diện và cái điểm từ đó chú ta bắt đầu hiện diện. Giờ thì từ thân thể của chú Xấu-bụng máu cũng đang phọt ra dọc theo cái đường rách khổng lồ năm xưa; nhát gươm của người này và kẻ kia đã lại làm toác các sợi gân và mạch máu, mở lại miệng cái vết thương đã chia cắt họ thành hai bộ mặt. Giờ thì họ đang nằm ngửa, và máu, đã từng thuần của một chàng, đang hòa trộn trở lại vào nhau trên cánh đồng cỏ.
Chết sững trước cái cảnh tưởng khủng khϊếp này, tôi đã không để ý đến bác sĩ Trelawney, cho tới khi ông nhảy lưng tưng vui mừng bằng đôi cẳng chân như dế của mình, vỗ tay và la lớn:
– Cứu được! Cứu được thôi! Hãy để đấy cho tôi.
Nửa tiếng đồng hồ sau, chúng tôi cáng một kẻ bị thương duy nhất về tòa lâu đài. Chú Xấu-bụng và chú Tốt-bụng đã được băng bó chặt vào nhau; vị bác sĩ đã tận tâm tận lực cứu chữa để nối lại bộ đồ lòng, các dây gân và mạch máu của phần bên này và phần bên kia, sau đó, với một cây số bông băng, đã quấn chặt kín họ đến mức trông như một xác ướp cổ chứ không phải một người bị thương.
Chú tôi được trông nom ngày đêm, giữa sự sống và cái chết. Một buổi sáng, khi quan sát cái gương mặt có một lằn đỏ chạy dọc từ trán tới cằm, rồi tiếp tục xuống cổ, u già Sebastiana thốt lên:
– Đây rồi: cậu ta nhúc nhích.
Thật vậy, một cuộc động đậy về đường nét bắt đầu chạy trên gương mặt chú, và bác sĩ bật khóc vì sung sướиɠ khi trông thấy nó truyền từ má bên này sang má bên kia.
Cuối cùng thì chú Medardo mở mắt, hé môi; lúc đầu thì diện mạo bị xáo trộn; cặp mắt: con bên này quắc lên, con bên kia thống thiết, cái trán: bên này cau có, bên kia thư giãn, khóe miệng: góc này cười mỉm, góc kia nghiến răng trệu trạo. Thế rồi dần dần chúng trở lại tương xứng.
Bác sĩ Trelawney nói:
– Chàng ta đã lành rồi.
Và Pamela thì kêu lên:
– Cuối cùng, mình sẽ có một chú rể hội đủ mọi thuộc tính.
Thế là chú Medardo của tôi trở lại là người nguyên-vẹn, không xấu-bụng cũng chẳng tốt-bụng, một sự pha trộn giữa ác tâm và từ tâm, nghĩa là dường như không khác với lúc trước khi bị chẻ đôi. Song chú đã có kinh nghiệm của nửa này và của nửa kia, đúc lại với nhau, cho nên giờ đây hẳn chú rất khôn ngoan. Chú có một cuộc đời hạnh phúc, đông đúc con cái và một sự cai quản chính trực. Cuộc sống của chúng tôi cũng chuyển hướng tốt hơn. Có lẽ mọi người mong đợi rằng, với tử tước đã trở lại nguyên-vẹn, thì một thời kỳ hạnh phúc tuyệt vời sẽ mở ra; song rõ ràng rằng một tử tước đầy đủ cũng không đủ để toàn thể nhân gian trở nên đầy đủ.
Giờ thì bác Thạch Đầu Đinh không còn chế tạo giá treo nữa mà chế tạo máy xay; và bác sĩ Trelawney thì sao nhãng ma trơi mà tập trung vào bệnh sởi và chứng viêm quầng. Phần tôi, trái lại, giữa vô số sục sôi về tính nguyên-vẹn, thấy mình ngày càng buồn và vắng thiếu hơn nữa. Đôi lúc người ta tin rằng mình chưa đầy đủ chỉ là vì họ còn trẻ.
Tôi đã ở ngưỡng cửa của tuổi thanh niên và vẫn lẩn trong các rễ cây kếch sù trong rừng để tự kể chuyện. Một cành lá kim của cây thông với tôi có thể tượng trưng cho một chàng hiệp sĩ, một cô nương, hoặc một anh hề; tôi múa máy nó trước mắt và phấn chấn trong những câu chuyện kể bất tận. Sau đó tôi cảm thấy mắc cở về các kỳ tưởng này và trốn chạy.
Rồi tới cái hôm mà ngay cả bác sĩ Trelawney cũng bỏ rơi tôi. Một buổi sáng, một đội thuyền phấp phới lá cờ Anh ghé vào vịnh chúng tôi, và thả neo. Toàn thể dân chúng xứ Rạng Đông ra bờ đứng nhìn, trừ tôi, vì không biết. Trên các mép thuyền và trên các thanh căng buồm có lớp lớp thủy thủ, giơ ra quả dứa, con rùa; xòe mở các cuộn trướng trên đó có ghi những câu cách ngôn bằng tiếng Latinh và tiếng Anh. Trên boong lái, giữa các viên sĩ quan đội tóc và đội mũ ba góc, thuyền trưởng Cook đang nhắm chiếc ống nhòm vào bờ, vừa khi trông thấy bác sĩ Trelawney bỏ chạy, thì ra lệnh phất cờ hiệu truyền đến bức thông điệp: "này ông bác sĩ!, hãy xuống thuyền ngay, chúng ta phải tiếp tục canh bài ba-bảy",
Bác sĩ chào mọi người xứ Rạng Đông và ra đi. Các thủy thủ cất lên bài tụng ca: "Ô, Úc châu!", cưỡi trên một thùng rượu nồng cay vườn nhà, bác sĩ được kéo lên thuyền. Và đội thuyền nhổ neo.
Tôi đã không mục kích gì cả. Vì đang lẩn trong rừng tự kể chuyện. Biết quá muộn, tôi phóng người chạy ra phía biển kêu lên:
– Bác sĩ! Bác sĩ Trelawney ơi! Cho cháu đi với! Bác không thể rời bỏ cháu!
Song đội thuyền đã đang khuất dạng nơi chân trời, còn tôi thì ở lại đây, trong cái thế giới đầy trách nhiệm và ma trơi.
(Tháng Sáu- tháng Chín 1951)