Chuyện Ở Nông Trại (Animal Farm)

Chương 4

Chương 4
Đến cuối hè, tin tức về biến cố ở Trại Súc Vật đã đồn xa hết nửa hạt. Mỗi ngày, Tuyết Cầu và Nã Phá Luân phái đi hàng đàn bồ câu, giao nhiệm vụ đánh bạn với gia súc các trại lân cận, kể cho chúng nghe sự tích Khởi nghĩa và dạy chúng hát bài Súc vật Anh quốc.

Suốt mấy tháng ấy hầu như ông Jones chỉ ngồi bám quầy rượu tại quán Sư Tử Đỏ làng Willingdon, phàn nàn với những cái tai thông cảm về nỗi bị đuổi khỏi đất đai nhà vì một lũ súc vật lười lĩnh vô tích sự, một chuyện bất công gớm guốc chưa từng thấy. Mấy chủ trại khác ủng hộ ông ta trên nguyên tắc, nhưng mới đầu chẳng giúp đỡ gì mấy. Thâm tâm mỗi người còn đang nhẩm xem có cách gì biến vận xúi của Jones thành mối lợi cho mình không. Cũng còn may là hai chủ trại liền kề Trại Súc Vật vốn thù nhau truyền kiếp. Bên này là Rừng Cáo, một trại kiểu cũ rộng mênh mông, đề bê trễ đã lâu, cây cối mọc tràn, đồng chăn xơ cỏ, rào giậu tơi bời hết chỗ nói. Chủ trại ấy, ông Pilkington, lấy việc nông gia làm thú vui, tính tình dễ dãi, mùa nào thú ấy quanh năm hết câu cá lại săn bắn. Trại Đồng Chôm bên kia thì nhỏ nhưng nề nếp hơn. Chủ trại là Frederick, một gã láu cá khó nhằn, ưa kiện cáo triền mien, lại nổi danh bán mua thì siết giá rất ác. Hai người này ghét nhau đào đất đổ đi, đến mức thấy lợi chung cũng chẳng dễ bắt tay nhau được nào.

Thế nhưng vụ nổi dậy ở Trại Súc Vật đã khiến cả hai khϊếp vía, mới rắp tâm ngăn không cho gia súc trại mình nghe biết quá nhiều. Ban đầu, hai người vờ cười nhạo cái lẽ một lũ súc vật đổ bể cả thôi, họ bình phẩm. Họ loan tin khắp nơi là súc vật ở Trại Nông Trang (họ một mực chỉ gọi là Nông Trang, nhất định không chịu nói “Trại Súc Vật”) cả ngày cấu xé nhau, và cũng sắp chết đói cả nút. Thời gian trôi qua và lũ súc vật mãi vẫn chưa thấy chết đói. Fredrick và Pilkington lại đổi giọng, kể lể về những thói ác ôn man rợ đang hoành hành ở Trại Súc Vật. Cứ nghe họ kể thì lũ súc vật trong trại giở trò ăn thịt lẫn nhau, hoặc tra tấn nhau bằng móng sắt nung đỏ, hoặc cộng vợ cộng chồng cả lũ. Nổi loạn trái Tự nhiên thì chỉ đến nước ấy mà thôi. Frederick và Pilkington nói vậy.

Nhưng những câu chuyện kiểu ấy chẳng bao giờ có ai tin hắn. Tiếng đồn đãi về một nông trại thiên đường, nơi con người đã bị đuổi cổ hết cho súc vật tự quản lấy cuộc sống của mình, cứ bay đi xa mãi trong những lời kể mơ hồ hay sai lệch, khiến năm ấy một làn song khởi loạn lan ra khắp vùng quê. Bò đực vốn hiền hòa dễ bảo thình lình trở nên hung tợn, cừu giẫm đổ bờ giậu mà chén hết cỏ ba lá, bò sữa đá văng xô, ngựa săn khựng lại không nhảy để người cưỡi bay vèo qua rào. Trên hết, giai điệu, thậm chí lời ca bài Súc vật Anh quốc đã thành phổ biến khắp chốn. Bài hát lan nhanh đến kinh ngạc. Con người không kẻ nào kìm được cơn điên giận khi nghe bài ca, dù họ làm ra vẻ cái bài ấy thật ngớ ngẩn. Có là đồ súc vật đi nữa, họ bảo, thật tình vẫn chẳng hiểu nổi tại sao chúng cam tâm đi hát thứ rác rưởi ngu ngốc như thế. Con vật nào bị bắt quả tang đang hát đều bị ăn roi tại trận. Vật mà chẳng ai dập nổi bài cả. Lũ chim hoét hót trong bụi giậu, bồ câu gù trong tán lá du, điệu nhạc lẫn cả vào tiếng loảng xoảng lò rèn, tiếng binh boong chuông nhà thờ. Con người khi nghe được đều thấm run lên, thấy vang lên trong đó lời tiên báo về sự diệt vong sắp đến.

Đầu tháng Mười, khi lúa đã gặt và đánh đống xong, cũng đã đập một phần, có toán bồ câu liệng vòng ngang trời rồi đáp xuống sân Trại Súc Vật, vẻ kích động cực độ. Jones cùng toán người làm, thêm nửa tá người nữa từ hai trại Rừng Cáo và Đồng Chôm, vừa vượt qua cánh cổng gỗ và nay đang tiến vào đường mòn dẫn lên trại. Ai nấy vác gậy gộc, riêng Jones dẫn đầu lăm lăm súng. Rõ ràng đám người đang tìm cách đoạt lại nông trại.

Tình huống này đã được dự kiến từ lâu, và các kế hoạc ứng phó cũng đã sắp sẵn. Tuyết Cầu, sau khi nghiền ngẫm các trận đánh của Julius Caesar trong cuốn sách cũ bắt được trong nhà chủ, chịu trách nhiệm chỉ huy chiến dịch phòng thủ. Nó nhanh chóng ra mệnh lệnh, và chỉ một chốc con nào đã vào đúng vị trí của con đó.

Khi toán người tới gần khu chuồng trại, Tuyết Cầu phát lệnh tấn công phủ đầu. Toàn bộ số bồ câu tổng cộng ba mươi lăm con, bay tới liệng vòng trên đầu đám người, từ trên cao xả phân xuống đầu bọn họ; trong lúc đám người còn luống cuống đối phó, đã bị bầy ngỗng nấp sau giậu ào ra mỏo lấy mổ để vào bắp chân. Nhưng đấy mới là một vố tập kích sơ sơ, cốt để gây rối là chính, nên toán người dễ dàng vung gậy xua ngỗng đi. Bấy giờ Tuyết Cầu mới mở đợt công kích thứ hai. Muriel, Benjamin cùng cả bầy cừu, dẫn đầu là chính Tuyết Cầu bổ nhào tới, hết đẩy lại húc đám người từ tứ phía, trong lúc Benjamin quay mình giơ hai cẳng nhỏ đá hậu. Nhưng cả lần này nữa, đám người có gậy gộc và ủng đóng đinh vẫn áp đảo, và bỗng dưng, sau tiếng éc của Tuyết Câu làm hiệu lệnh rút lui, lũ súc vật quay đầu rồi chạy qua cổng vào sân trại.

Đám người hú lên đắc thắng. Bọn họ nhìn thấy, hay cứ tưởng mình nhìn thấy, kẻ địch đang rút chạy, liền tăng tốc nháo nhào đuổi theo. Nhưng đấy đúng là kế của Tuyết Cầu. Vừa lúc họ lọt hết vào sân, ba con ngựa cùng ba bò cái và toàn bộ số lợn còn lại đang phục sẵn trong chuồng bò lúc này bất ngờ xông ra đoạn hậu, cắt đường địch tháo lui. Đến lúc đó Tuyết Cầu ra hiệu lệnh xung phong. Bản thân nó lao thẳng về phía Jones. Jones thấy có lợn chạy đến liền nâng súng bóp cò. Đạn cày mấy rãnh tóe máu trên lưng Tuyết Cầu, một con cừu trúng đạn gục chết. Không chậm lại một giây, Jones bị xô nhào vào đống phân còn súng thì văng ra khỏi thay. Nhưng cảnh tượng kinh hãi nhất là Đấu Sĩ, cứ chồm trên hai chân sau, bổ xuống đôi vó lớn đóng móng sắt như một con ngựa giống. Nhát đầu tiên đã trúng sọ một tay bồi ngựa trại Rừng Cáo, đốn gã nằm thẳng cẳng trong bùn. Chứng kiến cảnh ấy, vài người vội buông gậy tìm đường chạy. Cơn hoản sợ ập xuống bọn họ, liền sau đó đã thấy cả lũ súc vật sát cánh đuổi đánh họ vòng quanh sân trại. Hết rạch lại đá, hết cắn lại đạp, trong trại hôm ấy không con nào không trút đòn thù lên toans ngwfio theo cách của mình. Ngay con mèo cũng thình lình nhảy từ trên mái xuống vai một gã chăn bò, quắp vuốt lún vào cổ khiến gã rống lên khủng khϊếp. Chớp được một cơ hội thoát hiểm, toán ngừoi mừng cuống chạy tháo khỏi sân, rồi co giò lao thẳng ra đường cái. Thế là cuộc xâm lược bắt đầu chưa được năm phút, cả bọn người đã phải ê chề rút lui theo đúng đường tiến vào, đằng sau là bầy ngỗng quan quác đuổi theo mổ liên hồi vào bắp chân.

Đám người đã chạy hết chỉ còn một tên. Trong sân, Đấu Sĩ đưa vó hẩy hẩy tay bồi ngựa nằm úp mặt xuống bùn, cố lật gã ngửa ra. Gã chẳng động cựa gì hết.

“Nó chết rồi,” Đấu Sĩ than thở nói, “Tôi đâu hề cố ý thế. Tôi quên khuấy mất là tôi đã đóng móng sắt. Ai mà tin được là tôi không hề cố tình?”

“Đồng chí, không được ủy mị!” Tuyết Cầu kêu lên, vác vết thương trên người nó vẫn còn rướm máu. “Chiến tranh là chiến tranh. Con người chỉ tốt khi nằm chết.”

“Tôi không muốn lấy mạng ai, cả mạng người cũng vậy.” Đấu Sĩ nhắc lại, nước mắt giàn giụa.

“Mollie đâu rồi?” có con thét lên.

Đúng là Mollie đã biến mất. Một hồi lâu trại nhốn nháo ầm ĩ, tất cả sợ đám người biết đâu đã làm hại gì nó, hay là bắt đi mất rồi cũng nên. Nhưng cuối cùng chúng cũng tìm ra nó trốn tiệt trong chuồng, đầu vùi vào trong máng cỏ khô. Vừa nghe súng nổ là nó đã ba chân bốn cẳng chuồn mất. Và khi tìm thấy Mollie rồi quay lại, lũ súc vật phát hiện tay bồi ngựa thật ra chỉ bất tỉnh, đã kịp hồi lại và trốn biệt tự khi nào.

Lúc này cả trại tụ tập bên nhau, phấn chấn cực độ, mỗi con đều hét vỡ họng mà kể công trạng trong trận đánh. Một cuộc ăn mừng ngẫu hứng nổ ra ngay tại chỗ. Cờ kéo lên, bài Súc vật Anh quốc hát đi hát lại mấy lần, rồi con cừ chết đạn được tổ chức tang lễ long trọng, trên mộ nó đem trồng một bụi táo gai. Đứng bên mộ, Tuyết Cầu phát biểu một bài ngắn, nhấn mạnh mỗi con vật đều phải sẵn lòng hy sinh cho Trại Súc Vật khi cấp thiết.

Tất cả súc vật đồng lòng đặt ra một huân chương quân sự “Thú Hùng hạng nhât”, được trao tặng tại chỗ cho Tuyết Cầu và Đấu Sĩ. Đấy là một tấm huy chương đồng (đúng ra là mấy tấm mề đay đeo trán ngựa cũ, tìm thấy trong buồng yên cương) để đeo Chủ nhật và ngày lễ. Lại còn cả huân chương “Thú Hùng hạng nhì” truy tặng cho con cừu đã hy sinh.

Chúng còn bàn tán hồi lâu xem nên đặt tên trận đánh là gì. Cuối cùng tất cả thống nhất là Trận Chuồng Bò, vì chính đấy là nơi phục kích rồi tiến ra đánh giặc. Khẩu súng của ông Jones đã được bới dưới bùn lên, và chúng cũng biết trong ngôi nhà chủ còn trữ đạn. Tất cả quyết định dựng khẩu súng dưới chân Cột Cờ, thay cổ thần công và cho bắn hai lần một năm – vào ngày 12 tháng Mười, kỷ niệm Trận Chuồng Bò, và vào ngày Trung Hạ, kỷ niệm buổi Khởi nghĩa.