"Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ kế mà thương con chồng".
Đó là những lời mà Linh nghe bà nội mình nói với mấy bà bán hàng trong chợ mỗi lần nghe thấy tiếng rao hàng của ông cụ bán bánh đúc gần đấy. Trong trí nhớ của bé Linh, bánh đúc là thứ quà bánh xa vời. Thức quà mà con bé chỉ dám ao ước khi nhìn vào mâm bánh mà bà nội mình mang ra chợ bán mỗi sáng.
Vậy đó, mùi vị của món bánh đúc nó ra làm sao thì có thể quên chứ riêng mẹ kế trong câu ca dao kia thì con bé lại biết rất rõ. Thậm chí còn được chứng kiến tận mắt thế nào là “tấm lòng bao dung” của mẹ kế dành cho con chồng của mình nữa cơ!
Nói đâu xa, bác Sơn đầu làng vừa cưới về người vợ hai kém tuổi hồi đầu năm ngoái. Bác ấy vui lắm nhưng thằng Sang bạn của con bé thì có lẽ chẳng vui chút nào cả.
Từ ngày có mẹ kế đến giờ, nó chẳng khác gì người ở trong chính ngôi nhà của mình...
Cô Liên – mẹ kế của thằng Sang lợi dụng lúc chồng mình đi công tác đã đuổi hết người ở trong nhà. Ác mộng của Sang chính thức bắt đầu từ đây, mà mỗi lần Linh kéo cậu bé qua nhà mình để trốn những trận đòn từ mẹ kế cũng khiến con bé thấy sợ hãi mỗi lần nhớ lại.
Sang ngoài giờ học thì quay về nhà chẳng khác gì địa ngục trần gian. Liên lấy phòng riêng của thằng bé cho đứa trẻ mới sinh của mình, thậm chí quá đáng hơn đó là đòi dời cái bàn thờ mẹ của Sang ra chỗ khác vì mỗi lần nhìn vào tấm hình thờ, cô ấy vô thức bị chột dạ.
Chắc là sợ gương mặt người phụ nữ quá cố sẽ đến ám ảnh cô ta mỗi đêm vì dám hành hạ con của bà ấy.
Bác Sơn là người có tình có nghĩa nên đương nhiên là không đồng ý, thế là Liên tức lắm. Vậy nên cô ấy mang cảm giác ghen tị với người vợ đã quá cố, lại thấy chồng mình coi trọng tình nghĩa mà yêu thương con riêng nên tức tối mà lúc nào cũng hành hạ thằng bé lên bờ xuống ruộng.
Thế là Sang phải làm hết việc nhà, từ một cậu bé hồn nhiên được bố chăm như trứng vậy mà giờ đây phải nhìn sắc mặt của người khác mà sống.
Hằng ngày phải dậy từ sáng sớm để dẫn đàn bò của bố ra ngoài đồng ăn cỏ. Nó làm quần quật từ sáng đến tối chẳng ngơi tay, đã vậy còn phải giặt hết quần áo của cả nhà bởi vì mẹ kế mới vừa sinh em bé ít lâu. Cơm thì bữa đói bữa no, có khi là cơm chan nước mắt hoặc là nhịn đói nhìn mẹ kế ăn uống ngon lành. Đôi bàn tay vốn dĩ được nâng niu, cưng nựng của thằng bé mười tuổi giờ đây đã sớm bị chai sạn thấy rõ.
Bác Sơn ngày ngày đi làm trên tỉnh, có khi còn ở trên đấy cả tháng mới về nên nào có biết con trai mình ở nhà phải chịu biết bao nhiêu là cực khổ. Thằng Sang mỗi lần nó lẻn ra ngoài chơi với các bạn thì ngay lập tức mẹ kế sẽ đến tận chỗ rồi lôi nó về nhà. Hôm nào cũng vậy, tiếng khóc thảm thương của đứa trẻ vang vọng khắp thôn xóm này khiến ai cũng xót xa. Có hôm nào mà nó không bị đòn đâu chứ, làm sai cũng bị đòn mà làm hết việc nhà cũng bị đòn nốt. Mẹ kế vô duyên vô cớ xé sách vở của nó,gương mặt xinh đẹp trái ngược hoàn toàn với cơn cuồng nộ mà cô ấy bộc lộ ra trước mặt con riêng. Thằng bé cũng không dám hé môi nữa lời mách với bố vì lúc nào cũng bị hăm dọa :
“Giờ bố của mày không còn là bố mày nữa, ổng là bố của con tao. Mày mà dám nhiều chuyện thì tao cho mày xuống địa ngục ở chung với mẹ mày luôn!”
Mỗi lần bị đánh đau lúc nào cũng chạy qua nhà Linh mà trốn trong tiếng khóc nghẹn…
Bởi vậy nên đối với những đứa trẻ ở cái xứ này, bát bánh đúc có xương nó cũng đáng sợ y hệt mẹ ghẻ của thằng Sang vậy.
Bé Linh hồn nhiên và cũng chưa bao giờ nghĩ rằng ba mình sẽ đi thêm bước nữa.Vì nhà của nó nghèo lắm, nào đâu có dư dả giống bác Sơn mà nuôi thêm một cái miệng ăn nữa. Nuôi nó học hành, ăn uống hằng ngày còn phải chạy ăn từng bữa nữa cơ. Nói chi là sửa soạn tiền sính lễ để xem mắt cô gái nào.
Cho đến ngày hôm đó…
Chiếc xe khách bám đầy bụi đất đỏ dừng trước cổng chợ, đó là một buổi chiều muộn khi mà kẻ bán người buôn chỉ còn lại lác đác vài người trong khu chợ nhỏ. Linh cùng lũ bạn nhặt nhạnh những món đồ còn xài được để mang về bán đồng nát, mưa rơi tí tách làm nhúm lửa đang được đốt gần đấy tỏa ra những làn khói trắng đυ.c thơm mùi lúa khô.
Con bé lúc đang đứng cùng với đám bạn thì vô tình nghe được bà nội mình nói cười với mấy bà cụ trong thôn, khoe rằng con trai bà sắp lấy vợ mới.
Người phụ nữ ấy nghe nói đã có hai đời chồng và một đứa con riêng, nhưng đứa con thì đưa cho chồng cũ nuôi để cô ấy thuận tiện hơn trong việc tái giá. Bà Sửu ôm lấy cháu gái, dấu vết thời gian hiện rõ trên gương mặt già nua khắc khổ. Bà ấy rơi những giọt nước mắt nghẹn ngào :
“Con có mẹ mà như trẻ mồ côi, đàn bà gì đâu mà tệ bạc quá. Nói đi bán hàng vậy mà bỏ con gái ruột của mình mà đi theo thằng đàn ông khác. Giờ thì hay rồi, cha mày sắp có vợ mới vừa hiện đại vừa sành điệu. Đám người thành phố suy nghĩ khác người dưới quê mình, tụi nó khôn ranh lắm. Mày làm sao mà sống nổi với người ta được đây hả ?”
Linh cũng hơi hơi hiểu hàm ý của bà nội, con bé biết người ấy trong miệng bà vừa nhắc đến đó chính là dì Thanh – Cô dâu mới mà sắp tới đây sẽ trở thành vợ của cha. Con bé cũng không hiểu sao bà nội lại lo lắng cho mình đến thế, nhìn mặt dì ấy trong bức hình cũ mà cha mang về nom dáng rất là hiền lành chứ không giống như mẹ kế của thằng Sang, vừa chanh chua vừa đanh đá không ai bằng.
Trong cái thôn làng này, cho dù không có mẹ kế hà khắc giống Liên thì mấy đứa bé thời bấy giờ cũng bị bắt đi làm quần quật. Nếu như Sang phải đi chăn bò, cắt cỏ, trông em,… thì Linh phải xách nước đi tưới đậu, đi cấy lúa rồi bắt ốc để cho cha có cái nhậu lai rai. Dì Liên đánh thằng Sang bằng những cây roi tre đến mức thằng bé nhiều lần ngất xỉu thì Linh cũng đâu có kém gì, nhớ lúc nhỏ cha mỗi lần lên cơn say là lại đánh con bé thừa sống thiếu chết. Có đợt còn ném cả chai rượu vào đầu đến mức chảy máu vì lý do nó không mua được rượu cho ông khi trời đã vào nửa đêm .
“Mày vô tích sự y hệt con mẹ của mày vậy, chỉ biết ăn hại thôi…hứ..Đồ cái thứ vịt trời”.
Đối với con bé, ngôi nhà của mình thật sự rất nghèo, giờ mà có đón thêm người mới vào cửa thì cũng có khác gì bình thường đâu. Có thêm một người thì quần áo trong chậu sẽ đầy thêm một ít, thêm một người để cho nó hầu hạ…
Nó khẽ rùng mình khi nghĩ đến trong tương lai có thể mình sẽ giống như thằng Sang, có khi nào phải thức dậy từ sáng sớm. Hay thậm chí thời gian ít ỏi để vui chơi với con Cúc đầu làng cũng sẽ bị lấy đi, dành thời gian để làm việc nhà không nhỉ?
Linh thấy cuộc đời mình sinh ra còn khổ hơn cả con trâu con bò ngoài chuồng. Nó khác Sang, bởi vì nó không phải là con trai cho nên không thể nối dõi tông đường được. Bản thân nó là con gái, bà nội suốt ngày nói với nó rằng “nữ sanh ngoại tộc”, cho nên cha nó muốn đánh nó lúc nào thì đánh.