Chương 2
Ngày 14 tháng 3 năm 2012, sáng sớm, hôm đó tôi và Trần Tinh Điển trực ca đêm. Cá nheo thành tinh thì trực ở đại sảnh. Buổi tối mùa xuân ở Bắc Kinh rất lạnh, không những thế, Trần Tinh Điển lại còn bị cảm. Nửa đêm gió thổi rất mạnh, chúng tôi đã chuyển sang mặc đồng phục mùa xuân, không có áo dạ chống gió nữa. Vốn Trần Tinh Điển đã thư sinh gầy gò, nó đứng trong gió lạnh mà run lên cầm cập, nước mũi chảy ròng ròng. Ngoài hai chữ “thê thảm”, tôi không còn biết dùng từ nào hơn để miêu tả.Đến hơn hai giờ sáng, một người xuất hiện trong bụi cỏ phía sau chúng tôi làm vang lên những tiếng sột soạt, đó là cô em của Trần Tinh Điển. Cô em thường trực ca sáng nên rất ít xuất hiện ở khách sạn vào buổi tối. Với lại quy định đối với các nhân viên dọn phòng như cô nàng là không được xuất hiện ở đại sảnh của khách sạn.
Cô em núp trong bụi cỏ, lén lút gọi Trần Tinh Điển qua đó. Sau khi chúng tôi đi tới, cô em lấy từ trong túi ra hai chai nước khoáng cỡ nhỏ nhất rồi đưa cho Trần Tinh Điển.
Tôi cầm giúp Trần Tinh Điển một chai. Trong chai không phải nước khoáng bình thường mà là nước nóng, nóng đến bỏng tay.
“Em định mua cho anh miếng dán giữ nhiệt, em thấy khách dùng nhiều lắm nhưng lại không mua được. Anh hãy nhét chai nước này vào túi áo, thỉnh thoảng cho tay vào ủ ấm được đấy.” Cô em nói.
Trần Tinh Điển có vẻ rất cảm động nhưng bản tính thô kệch của đàn ông Sơn Đông lại khiến nó ngại thể hiện ra ngoài. Nó nói giọng trách móc: “Ai kêu em chạy từ nhà đến đây làm gì? Mau về đi. Với lại ba cái thứ đồ chơi này có tác dụng khỉ gió gì chứ? Được một lúc lại lạnh ngắt ấy mà.”
Cô em ngồi trong bụi cỏ, rút từ trong túi ra một bình giữ nhiệt, “Lạnh thì em lại đổ nước nóng vào cho anh. Em ngồi ngay đây thôi, không về nhà đâu. Anh đang sốt mà, không thể để bị cảm được.”
Trần Tinh Điển cất hai chai nước nhỏ xíu như hai quả bom mini vào túi quần, xua tay, “Về nhà đi. Em ở đây anh lại phải lo thêm cho em nữa. Mau về đi.”
Sợ bị cá nheo thành tinh bắt quả tang chúng tôi rời vị trí làm việc nên chúng tôi lại quay về đứng gác ở cửa, thế nhưng Trần Tinh Điển vẫn hướng ánh mắt về phía bụi cỏ. Trong bụi cỏ ấy, cô em vẫn ngồi im không nhúc nhích, thấp thoáng có thể nhìn thấy hai mắt sáng long lanh. Có lẽ là do tác dụng của nước nóng nên Trần Tinh Điển không còn run lẩy bẩy nữa, thậm chí còn không thấy chảy nước mũi.
Tôi nhìn Trần Tinh Điển đang cho hai tay vào túi quần. Giây phút đó, Trần Tinh Điển trở thành người mà tôi hâm mộ nhất từ bé đến giờ.
Nhưng chẳng đợi đến khi nước nguội, cá nheo thành tinh đã ra kiểm tra chúng tôi, hắn trưng ra cái bản mặt cau có nhắc chúng tôi sắp đến giờ khách trả phòng để lên máy bay nên yêu cầu chúng tôi tỉnh táo lại. Lúc quay người chuẩn bị đi vào, hắn liếc mắt nhìn vào túi quần Trần Tinh Điển.
“Có gì trong túi quần thế kia? Cậu không biết quy định ở đây hả?”
Theo quy định, trong giờ làm việc, nhân viên đón khách không được để bất cứ thứ gì trong túi quần, túi áo. Nhưng quản lý trước đây của chúng tôi chỉ nhắc chúng tôi khi làm việc không được cầm theo điện thoại di động vì sợ chúng tôi không tập trung làm việc, còn những thứ khác, ví dụ như người nghiện thuốc thì nhét bao thuốc với bật lửa, người hay bị đói thì nhét cái kẹo, mùa hè thì nhét gói giấy lau mồ hôi… đây đều là những việc hợp tình hợp lý nên quản lý cũng nhắm mắt cho qua. Thế nhưng bây giờ con cá nheo thành tinh này cứ bắt chúng tôi phải duy trì trạng thái sạch sẽ hoàn toàn.
Trần Tinh Điển lấy hai chai nước ấm ra, đưa cho cá nheo thành tinh.
“Quản lý, cậu ấy đang bị cảm, lại còn sốt nữa. Hai chai nước này giúp cậu ấy giữ ấm thôi mà.” Tôi bước lên giải thích hộ Trần Tinh Điển.
Cá nheo thành tinh lạnh lùng nhìn tôi rồi lại nhìn Trần Tinh Điển, sau đó hắn vặn nắp chai, đổ hết nước xuống mặt đất.
Nước trong chai vẫn chưa lạnh, một luồng khí nóng bốc hơi dưới chân chúng tôi.
Cá nheo thành tinh cầm hai cái chai không tiến về phía trước rồi ra sức ném hai cái chai đi thật mạnh, hắn ném rất mạnh như thể vội vã muốn vứt đi cái thứ đồ làm bẩn tay hắn vậy.
Cá nheo thành tinh quay người đi vào khách sạn. Lúc đi qua chúng tôi, hắn nói vẻ sâu xa: “Tôi rất ghét mấy hành động lén lút này của các cậu! Sợ bị lạnh? Sợ bị lạnh thì đừng đứng ở đây nữa. Đi lên phòng khách kia mà ở, trong đó ấm lắm đấy!”
Cá nheo thành tinh đi thẳng vào trong. Trong bụi cỏ đối diện, cô em đứng dậy nhìn Trần Tinh Điển bằng ánh mắt lúng túng và bối rối. Sắc mặt Trần Tinh Điển từ đỏ sang trắng, tôi muốn nói gì đó nhưng hàm răng cắn chặt vào nhau, chẳng thốt lên lời.
Hôm đó trực ca đêm xong, tôi gần như chạy về nhà. Về đến nơi, tôi thậm chí chẳng kịp cởϊ qυầи áo mà cứ thế nằm xuống giường. Trong vườn hoa ngoài cửa sổ chỉ có tiếng chim kêu sáng sớm, bốn bề lặng phắc như tờ. Tôi cố gắng dùng sự tĩnh lặng đó xóa sạch khuôn mặt của cá nheo thành tinh ra khỏi trí nhớ.
Ngày đó là ngày 14 tháng 3 năm 2012. Sáng sớm. Lúc tôi mơ màng chuẩn bị chìm vào giấc ngủ thì ngoài cửa sổ vang lên một tiếng nổ mạnh.
Bắt đầu từ giây phút ấy, cuộc sống của tôi bị nổ cho tan tác, hồn bay phách lạc.
Tiếng nổ đó phát ra từ ngoài cửa sổ. Tôi hoảng hốt mở to hai mắt, ngoài cửa sổ là sự im lặng kéo dài trong vài giây, đủ khiến con người sợ hãi.
Sau đó bốn phía vang lên tiếng thổi sáo chói tai, hòa cùng tiếng trống máy đập thùng thùng.
Một giọng nữ vao vυ't vang lên trong tiếng nhạc: “Nhiệt tình yêu cuộc sống này, giữ gìn sức khỏe, chào đón tuổi già khỏe mạnh. Bài thể dục dưỡng sinh dành cho người cao tuổi bắt đầu! Động tác thứ nhất, vận động làm nóng người…”
Tiếng sáo to hơn thấy rõ, chui ra từ chiếc loa chất lượng thấp. Giọng nữ cao vυ't như đã được bơm thuốc kí©ɧ ŧɧí©ɧ, giọng giòn giã đâm thẳng vào bộ não con người: “Hai tay chống nạnh, đưa chân trái về phía trước, ngồi xuống một nửa! Nhấc mông! Vươn người…”
Trong sự bao phủ của âm thanh ma quái, tôi nằm run rẩy trên giường, thực sự hy vọng âm thanh này chỉ xuất hiện trong giấc mơ của mình. Tôi bọc chăn kín người rồi lò dò đi ra trước cửa sổ, vén một góc rèm nhìn ra ngoài rồi cả cơ thể mềm oặt, ngồi phịch luôn xuống giường.
Trong vườn hoa dưới sân, chỉ trong một đêm mà đất đai đã biến hình, tỏa ra hơi thở xa lạ hấp dẫn sự chú ý của ma quỷ. Chúng ngửi thấy mùi đó và bay tới đây, tụ tập thành đoàn đội, chiếm cứ nơi này.
Nói một cách đơn giản, dưới sân xuất hiện những bác gái tới nhảy tập thể.
Rất đông, tôi đoán cũng phải khoảng ba mươi người. Tất cả họ, trong tiếng sáo và tiếng kêu gọi của người phụ nữ nào đó phát ra từ chiếc loa kia, đều nhảy theo nhịp, động tác mạnh mẽ dứt khoát, trong mắt là luồng sáng đầy yêu khí.
Đứng cao hơn họ, trên một ban công ở tầng hai, tôi bọc chăn đứng cạnh cửa sổ, toàn thân không ngừng run lên theo nhịp nhảy của họ.
Tại sao… Tại sao lại đối xử với tôi như vậy?
Giây phút đó tôi ấm ức vô cùng.
Cứ thế vườn hoa dưới sân bị các bác gái chiếm trọn. Thời gian tập thể dục mỗi sáng của họ trùng hợp là thời gian tôi về nhà sau khi trực ca đêm. Cả bài tập thể dục dưỡng sinh tổng cộng 20 động tác, kéo dài trong khoảng hơn 40 phút. Giọng nữ trong loa phụ trách hướng dẫn cả bài tập: “Động tác thứ tám: vận động tổng hợp gợn sóng. Đưa hai tay lên cao, quay thành vòng tròn từ trái sang phải. Đung đưa cơ thể, kéo dãn các ngón tay. Động tác này giúp xương cổ, phần cơ ở thắt lưng và cơ ở lưng cũng như cơ ở mông được tập luyện…”
Có khi tôi nhìn ra ngoài cửa sổ đúng lúc các bác đồng loạt giơ tay lên cao, chuyển động theo một vòng tròn, ánh mắt kiên trung, trợn mắt nhìn lên bầu trời với ánh mắt đầy khát vọng không khác gì đang tập trung triệu hồi thứ gì đó, giống hệt một nhóm đạo sĩ tà giáo.
Thời gian đó tôi rất khó chịu trong người. Sáng sớm mới được tan ca về nhà, tranh thủ tất cả thời gian lên giường, chỉ mong sao có thể ngủ say trước khi các bác gái kia bắt đầu tập. Nhưng thông thường, tôi đang chuẩn bị ngủ thì tiếng sáo kia lại vang lên tựa như tiếng chuông báo điếc tai vậy. Tuy giọng nữ trong loa khá là đáng sợ nhưng tiếng phổ thông của cô ta không được chuẩn lắm. Câu mở đầu “Bài thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi” nghe như “Bài thể dục dưỡng sinh của bà đây!”(1) vậy.
(1) Người cao tuổi (lǎonián) và bà đây (lǎoniáng) phát âm gần giống nhau.
Chỉ cần âm thanh vang lên là tôi không thể ngủ được nữa, bởi vì nó quá vang dội, quá nhức óc. 40 phút sau, cuối cùng các bác gái cũng thấy mỹ mãn vì đã hoàn thành đại nghiệp dưỡng sinh cũng là lúc mặt trời Bắc Kinh tỏa nắng rực rỡ khắp ban công, tôi rất khó có thể ngủ tiếp, chỉ biết nằm trên giường chẳng khác gì một thằng đang nằm trong đại sảnh toàn màu vàng kim.
Cứ thế, tôi bị các bác gái hủy hoại như vậy, ngày nào cũng mơ mơ màng màng. Bài hát nổi tiếng một thời “Phóng khoáng bước đi” được phát trong loa tôi nghe nhiều đến thuộc. Một hôm đi làm, tôi chạy vào nhà vệ sinh của khách sạn giải quyết nỗi buồn, trong lúc đang ra sức rặn, tôi bất giác hát thành tiếng: “Tôi dùng tuổi trẻ đánh cược với ngày mai, em dùng chân tình đánh cược với cuộc đời…”
Mãi đến khi một người ở buồng vệ sinh bên cạnh đập mạnh vào bức vách ngăn: “Mẹ nó, có để yên cho người ta đi vệ sinh không hả?” Tôi mới định thần lại, bất ngờ đến nỗi đổ mồ hôi khắp người.
Sau gần một tháng bị các bác quấy rầy, cuối cùng cũng đến ngày tôi không thể chịu đựng thêm nữa.
Hôm đó tôi vẫn làm đêm, đứng cả đêm ngoài cửa khách sạn chẳng sao thế mà đến hơn năm giờ sáng, đột nhiên trở nên bận bịu tối tăm mặt mũi. Một đoàn du khách trả phòng để lên máy bay, tôi và Vương Ngưu Lang chạy đi chạy lại suốt mấy tầng nhà để mang hành lý xuống cho khách. Mang hành lý xong cũng là lúc tôi gần tan ca. Nhưng đúng vào lúc này đây, tôi gặp phải một vị khách kiểu “cha đẻ” mà toàn thể cán bộ công nhân viên của khách sạn e ngại nhất.
Một nơi như khách sạn thực sự chẳng khác gì một đất nước thu nhỏ. Đi vào cửa thì đều là khách quý. Nhưng khách quý cũng chia thành năm bảy loại.
Những người giàu có nhất, thuê phòng tổng thống suốt một tháng ròng, cộng thêm các loại chi phí dịch vụ khác, tổng cộng lại có thể mua được một chiếc xe của Đức khá tốt.
Cũng có những nhân viên văn phòng hay thành phần trí thức đi công tác, phí công tác được công ty chi trả nên lúc trả phòng, loại người này thậm chí còn hỏi lễ tân: khoản chi xem phim sεメ theo yêu cầu của anh ta có thể viết vào hóa đơn là phí tài liệu tham khảo được không?
Một nhà ba người đến Bắc Kinh du lịch, chen chúc trong căn phòng hai giường giá rẻ nhất, trước khi đi, đứa trẻ ăn một chiếc kẹo chocolate minibar nhưng nhất quyết không chịu trả tiền, thế là cả nhà cãi nhau ầm ĩ ngay trước quầy lễ tân.
Khách thuộc tầng lớp thấp kém nhất là những cô gái mà tối nào cũng xuất hiện trong đại sảnh khách sạn, ăn mặc thiếu vải làm nổi bật những nét đẹp của phụ nữ phương đông. Tối đến, họ sẽ lẻn vào phòng của khách, có người thì ngồi đóng cọc trong quán bar, cũng có những người ra về trắng tay. Những người này là gái bán hoa chủ yếu nhắm vào khách nước ngoài, tiếng Anh của họ đa số đều qua cấp sáu.
Mỗi vị khách thường xuất hiện trước mặt chúng tôi nhiều lần. Có người sẽ ân cần gọi chúng tôi bằng tên mà họ nhìn thấy trên thẻ nhân viên, đa số những người khác thì không thèm nhìn chúng tôi lấy một lần. Có người đi đến trước mặt chúng tôi sẽ nở nụ cười trước tiên rồi luôn bắt đầu câu chuyện bằng hai từ “Xin hỏi”. Nhưng có kẻ lại cho rằng chúng tôi là những thứ đồ vật phụ thuộc vào cuộc sống cao cấp của mình.
Trước kia có một cô bé tầm 7, 8 tuổi, trông rất đáng yêu, cô bé đeo cặp xách đi về phía tôi, mở to mắt nhìn tôi chằm chằm. Tôi thì mỉm cười ngồi xuống. Thế là cô bé cởi cặp sách, nhét thẳng vào lòng tôi, nói từng chữ rành rọt rõ ràng: Chú cầm cho cháu đi. Mẹ nói chú là người hầu của nhà cháu!
Tất cả những hành vi của các vị khách này đều nằm trong phạm vi mà chúng tôi có thể chấp nhận được.
Nhưng những vị khách kiểu “cha đẻ” lại khác. Đơn giản mà nói, những vị khách kiểu này chính là kẻ mắc chứng hưng cảm(1) giai đoạn cuối nhưng không tìm được chỗ nào để xả ra trong cuộc sống nên sau khi vào ở khách sạn, giành được sân khấu cho riêng mình, họ chỉ muốn phát tiết tất cả một cách thoải mái.
(1) Hưng cảm hay mania là một tâm trạng hứng khởi cao bất thường hoặc dễ bị kí©ɧ ŧɧí©ɧ, cáu kỉnh, khuấy động và/hoặc đầy năng lượng.
Từ sau khi bước vào khách sạn các vị khách kiểu “cha đẻ” đã bắt đầu mong đợi tất cả các nhân viên tại đại sảnh có thể quỳ xuống, dập đầu gọi hắn là “cha”. Lúc đứng ở quầy lễ tân làm thủ tục Check-in, hắn đã bắt đầu gây rối. Trả tiền thuê phòng bình thường nhưng lại muốn được ở trong phòng thượng hạng. Lý do chỉ vỏn vẹn là: “Tôi đánh giá khách sạn của các cô nên mới vào đấy.”
Sau khi vào phòng, hắn bắt đầu bới lông tìm vết, chê bai hết thứ này đến thứ kia, nào là phòng tắm quá nhỏ, chăn không mềm, 800 dặm ngoài cửa sổ có cái cây chắn mất tầm nhìn.
Sáng sớm hôm ấy, tôi gặp phải một vị khách kiểu như vậy.
Vị khách này khoảng hơn 40 tuổi, dáng người gầy gò, mặc chiếc áo phông hiệu polo với cái logo to đùng mà các ông chủ thường hay mặc, xương gò má rất cao, mặt gãy, mắt đỏ sòng sọc. Lúc đứng ở bàn lễ tân trả phòng, qua cửa kính chúng tôi đã thấy hắn giậm chân mắng mỏ. Vương Ngưu Lang đi vào hỏi thăm rồi đi ra nói với tôi, hai anh em mình phải cẩn thận một chút, thằng cha này thuê phòng để đánh bạc, đánh thua hết cả tiền nên đang nổi giận đùng đùng.
Vị “cha đẻ” này to tiếng với nhân viên lễ tân xong thì đi thẳng ra ngoài cửa. Lúc đi qua tôi, hắn vứt cho tôi thẻ gửi xe ở bãi đỗ: “Đi lấy xe đi. Nhanh cái chân lên!”
Vương Ngưu Lang nhìn tôi bằng ánh mắt ái ngại. Tôi cầm chìa khóa rồi chạy thẳng vào bãi đỗ dưới tầng hầm lấy xe. Là một chiếc BMW đã lâu không được rửa ráy.
Tôi lên xe, tuy không định đòi tiền tip nhưng tôi vẫn làm theo sự chỉ bảo của Vương Ngưu Lang, mở hai cửa sổ, bật điều hòa, bật radio rồi chỉnh tới kênh âm nhạc. Tôi thích làm việc này, than vãn là than vãn nhưng tôi vẫn thích làm những hành động nhỏ này, chỉ mong có thể lưu lại cho khách sắp rời đi một ấn tượng đẹp.
Tôi cẩn thận lái xe ra rồi dừng lại cạnh vị khách kia. Vừa đi xuống, vị khách đã đẩy tôi ra khỏi xe, để lại một câu “Làm bẩn xe của mình!”
Nhìn chiếc BMW đầy bụi bặm biến mất khỏi tầm mắt, tôi và Vương Ngưu Lang đều thở phào nhẹ nhõm.
Tôi với Vương Ngưu Lang còn chưa kịp thở hết hơi thì bất ngờ chiếc BMW kia quay trở lại. Với một tốc độ rất nhanh, nó dừng xịch một cái trước cửa khách sạn chúng tôi. Vị khách vừa rời đi nổi giận đùng đùng bước xuống xe, chỉ thẳng tay vào mặt tôi.
“Ai cho phép mày chạm vào xe của tao?”
Tôi đờ ra khi bị hỏi như vậy.
Vị khách lôi cổ tôi, kéo tôi đến gần chiếc xe rồi gào lên hỏi lại tôi lần nữa: “Ai cho phép mày chạm vào radio của tao?”
Cổ tôi bị hắn kéo lên rất khó chịu. Lúc hắn hét lên, nước miếng phun tứ tung lên mặt tôi.
“Tôi nghĩ ngài phải lái xe mà bây giờ mới sáng sớm, nghe nhạc có thể nâng cao tinh thần.” Tôi cố giải thích.
Hắn đẩy tôi thật mạnh làm tôi va người vào cửa xe, còn hắn thì mắng tiếp: “Mẹ nó, đây là xe của mày hả? Mày chạm được vào cái xe này sao?” Rồi bất ngờ hắn túm lấy tay tôi, kéo tôi về phía đuôi xe chỉ vào một vết xước nhỏ trên bumper(1): “Nói! Cái này có phải do cậu quệt xe tôi vào đâu lúc lấy xe ra không hả?”
(1) Thanh cản nhô ra ở đầu xe hoặc đuôi xe.
Vương Ngưu Lang cầm thẻ gửi xe đi tới, đứng vào giữa tôi và vị khách kia, nói: “Thưa ngài, lúc ngài vào đây, chúng tôi đã đi gửi xe giúp ngài, đây là quá trình bắt buộc theo quy định của khách sạn. Ngài xem, trên chiếc thẻ này là hình vẽ của một chiếc xe hơi. Khi đỗ xe vào bãi, chúng tôi sẽ ghi lại toàn bộ hiện trạng của chiếc xe trên hình vẽ này một cách đầy đủ, vết lồi lõm do va chạm hay vết xước đều được ghi lại cẩn thận. Ngài xem, vết xước này của ngài đã được ghi lại trên hình, chứng tỏ là đã có trước khi ngài giao xe cho chúng tôi rồi ạ.”
Vương Ngưu Lang kiên nhẫn giải thích cho vị khách còn vị khách thì cứ trợn mắt nhìn lão, cân nhắc một chút rồi gạt đi: “Đừng tưởng tao là thằng ngu! Biết đâu chúng mày va quệt sau khi đánh dấu trên cái hình này thì sao?”
Vương Ngưu Lang đã hơi nổi nóng nên giọng cũng cao hơn: “Thưa ngài xưa nay chúng tôi đều làm việc theo đúng trình tự mà khách sạn đề ra. Xe của ngài không phải do chúng tôi va quệt. Bật điều hòa, mở radio cho ngài cũng là hành động nhân tính nhất của khách sạn chúng tôi…”
Vương Ngưu Lang còn chưa nói xong thì vị khách đã bước lên xe, tắt ngay radio đi rồi lấy ra một đĩa CD từ hộp đựng đồ: “Nhân tính hóa cái con m* mày! Tao có giống một thằng nghe mấy bài hát này không?! Mày biết gì về tao mà dám chạm vào đồ của tao? Bố mày chỉ nghe kinh Phật thôi! Thảo nào cả đêm thua hết sạch tiền, thì ra là vì cái khách sạn rẻ rách này! Đồ gác cửa rẻ rách! Mẹ nó, chúng mày động vào đồ đạc của tao, làm hỏng phong thủy của tao…!” Vị khách bất ngờ ném đĩa CD về phía tôi, chiếc đĩa CD tròn xoe lấp lánh ánh sáng sượt qua mặt tôi. Tôi chợt có cảm giác lạnh buốt dưới bọng mắt, giơ tay sờ, thì ra đã rách da chảy máu rồi.
Tôi đứng như trời trồng ở đó, Vương Ngưu Lang nổi giận hoàn toàn.
Vương Ngưu Lang xông lên đè vị khách đó vào thành xe, giục tôi: “Gọi bảo vệ đi!”
Vị khách tuy bị đè trên xe nhưng vẫn dùng một tay đánh lại Vương Ngưu Lang, miệng vẫn mắng: “Còn dám gọi bảo vệ? Chỉ cần bố mày gọi một cú điện thoại là đủ để chúng mày ngồi tù cả năm!”
Vương Ngưu Lang đè chặt vị khách nhưng đã bị hắn ta đá vài cú vào chân. Quản lý sảnh trước lao đến, may mà hôm đó không phải ca trực của cá nheo thành tinh.
Quản lý sảnh trước bắt đầu giải thích với khách hàng và cam đoan sẽ nghiêm túc xử lý chúng tôi, cuối cùng còn miễn phí tiền thuê phòng cho hắn. Cuối cùng vị khách này cũng hùng hổ bỏ đi.
Bất kể nhân viên nào trong khách sạn nếu để xảy ra xung đột với khách hàng đều phải báo cáo trực tiếp với bộ phận nhân sự. Tan ca hôm đó, quản lý bộ phận nhân sự đến nói chuyện với chúng tôi. Vị quản lý này người Mỹ, hơn 50 tuổi, đã ở Bắc Kinh nhiều năm nên nói tiếng Trung rất trôi chảy.
Tôi báo cáo lại toàn bộ sự việc cho ông ta. Ông ta im lặng lắng nghe, tôi vừa nói xong thì ông ta ngước lên nhìn tôi, tay xoay chiếc bút bi thành vòng tròn.
“Philip, trong tiêu chuẩn phục vụ mà nhân viên của khách sạn chúng ta phải tuân theo, điều thứ nhất là gì?”
Tôi ngẫm nghĩ: “Khách hàng không bao giờ nói dối. Gặp phải bất cứ vấn đề gì, nhân viên cũng phải tự suy nghĩ và xử lý trước tiên.”
Người Mỹ nhìn tôi, nhún vai: “Tại sao vừa nãy cậu không làm theo điều này?”
Tôi im lặng. Không biết phải trả lời ông ta thế nào.
Trong lòng tôi thấy rất ấm ức. Nhưng tôi cũng biết ông ta không cần biết đến nỗi ấm ức của tôi.
Cuối cùng, tôi chỉ biết im lặng nghe ông ta nhắc lại quy định của khách sạn một lượt rồi ông ta giống như quan tòa khoan hồng cho phạm nhân vậy, ông ta bảo sẽ coi chuyện xảy ra hôm nay là một tình huống đặc biệt, sẽ không ghi lại vào hồ sơ của tôi. Còn Vương Ngưu Lang vì đã ra tay với khách nên bị trừ nửa tháng tiền thưởng, và một lần học lại nội quy của nhân viên trong vòng hai tuần dưới sự giám sát của ban quản lý nhân viên của khách sạn. Đây không phải thời gian làm thêm giờ mà trừ vào thời gian nghỉ ngơi của lão.
Rời khỏi phòng quản lý khách sạn, tôi đờ đẫn bước đi trên hành lang. Hành lang dành cho nhân viên này rất dài, một đầu dẫn ra phòng thay quần áo, một đầu dẫn ra nhà ăn, đây là con đường mà ngày nào chúng tôi cũng phải đi qua. Khách sạn tận dụng mọi thứ rất triệt để, trên tường của hành lang là rất nhiều câu khẩu hiệu và mục tiêu của khách sạn được viết bằng tiếng Anh và tiếng Trung.
Tôi dừng lại trước một tấm áp phích. Trên đó là dòng chữ rất to:
“INTEGRITY. – Nghĩa là sự ngay thẳng. Chúng tôi luôn làm những việc đúng đắn. We Do The Right Thing, All The Time.”
Trong ánh đèn chói lóa phát ra từ bóng đèn sợi tóc trên hành lang, tôi nhìn chằm chằm vào tấm áp phích này thật lâu rồi giơ tay xé nó xuống, vo tròn lại thành một cục, nắm chặt trong lòng bàn tay rồi ném xuống đất.
Sáng hôm đó, tôi về nhà cởi hết quần áo rồi nằm vật xuống giường. Tôi không buồn nhúc nhích, toàn thân cứng đờ.
Tôi muốn ngủ đi ngay lập tức để có thể nằm mơ, có thể bịa ra một câu chuyện khác. Vậy mà lúc tỉnh lại, sự thất bại không phải mở đầu của câu chuyện mà cũng chẳng phải cái kết của câu chuyện của tôi, mà là tất cả câu chuyện.
Ở ngay sau lưng tôi, tiếng nhạc của bài nhảy tập thể trong vườn hoa lại vang lên.
Tiếng sáo báo hiệu.
Giọng nữ cao vυ't hô to: “Bài thể dục dưỡng sinh của bà đây bắt đầu!”
Tôi đứng dậy khỏi giường, vén rèm cửa sổ, nhìn xuống các bác gái dưới lầu từ trong cửa sổ.
Tất cả họ trông có vẻ rất phấn chấn, có vẻ như đều ngủ rất ngon giấc. Mắt họ sáng ngời, dáng người khỏe khoắn, nhảy nhót như bị ma nhập.
Sao lại muốn sống lâu trăm tuổi đến mức này?
Sao lại bất chấp muốn sống mãi trên cõi đời chứ?
Cách đó không xa, mặt trời bắt đầu mọc trên nóc tòa nhà. Ánh nắng chiếu thẳng vào con người đang mặc quần đùi đứng cạnh cửa sổ là tôi.
Tôi có cảm giác mỗi lỗ chân lông trên người mình đều đang hấp thụ độ ấm.
Một thứ gì đó đang bốc hơi trong lòng tôi.
Tôi cố quên đi chuyện xảy ra cách đây đã lâu, cố gắng chịu đựng, nhưng trong giây phút này, tôi muốn xông lên.
Tôi.
Là một người đàn ông Đông Bắc.
Trước kia, bố tôi thỉnh thoảng về nhà lấy dao để đe dọa đối phương nếu xảy ra tranh cãi với hàng xóm.
Mẹ tôi mua rau ở chợ, dùng cây mía làm hung khí để có thể mặc cả được từng đồng.
Vùng đất nơi mà tôi sinh ra và lớn lên là nơi đàn bà đi xe đạp địa hình, đàn ông chơi mã tấu.
“Mày nhìn gì tao? Còn nhìn nữa là tao đấm đấy!” là câu chào hỏi đầy ân cần của chúng tôi trên mỗi con đường.
Trong mỗi quán cơm, một nửa đang uống rượu để thông cổ họng còn một nửa thì lớn tiếng nói chuyện, nhưng cuối cùng mọi người đều cầm chai rượu ôm vai bá cổ ân cần hỏi thăm gia đình đối phương.
Trong mỗi ngõ xóm đều có vô số những câu chuyện kể về người có hổ dữ trong lòng, vết sẹo trên lưng.
Chúng tôi muốn nổi giận là nổi giận, cho dù có đầu rơi máu chảy cũng không thể chịu ấm ức.
Chúng tôi luôn mang theo bom, bất kể lúc nào cũng có thể nổ chết cả mình lẫn đối phương.
Chúng tôi rất sĩ diện. Bất cứ việc gì có liên quan đến tôn nghiêm dù chỉ là đi đường bất cẩn rơi xuống hố, phải bó bột ở tay thì khi nói chuyện với người khác cũng phải giải thích là uống say nên giơ tay ra cản trở một chiếc máy xúc đang làm việc.
Tôi đến từ mảnh đất như vậy. Tôi trời sinh đã có kỹ năng này.
Có thể là do câu nói của người cha tính tình nóng nảy của tôi khi chúng tôi đứng trong sân ga trước khi bắt đầu chuyến đi dài từ Đan Đông đến Bắc Kinh, đây là lần đầu tiên ông nói với tôi một câu tử tế trong đời: “Bắc Kinh rộng lớn, đừng gây chuyện, mày mà gây chuyện, bố không che chắn cho mày được đâu!”
Chính những lời này đã khép lại mọi kỹ năng của tôi.
Tôi bắt đầu xem sắc mặt người khác, bắt đầu hiểu thế nào là chịu đựng vì lợi ích lâu dài, cuối cùng còn như một kẻ bất lực ngồi trên chiếc giường này, học cách tự làm mình vui.
Nhưng hôm nay, trong giây phút này, tôi nhìn chằm chằm các bác gái dưới sân, cơn giận bốc cháy hừng hực.
Khách ở khách sạn chèn ép tôi.
Cá nheo thành tinh chèn ép tôi.
Chẳng lẽ các bà cũng đến chèn ép tôi?
Tôi đã lùi đến mức này, không thể lùi tiếp được nữa, chỉ còn một cái giường thôi, các người còn không chịu buông tha cho tôi ư?
Tôi không còn khao khát gì nữa, tôi đã đi đến đường cùng rồi. Tôi chỉ muốn nằm ngủ một giấc, mơ một giấc mơ để sau khi tỉnh lại tinh thần lại phơi phới như trước, vậy mà cũng không được sao?
Sao lại tụ tập trước cửa sổ nhà tôi, bật mấy bài nhạc điếc tai, nhảy nhót nhiệt tình như vậy. Chẳng lẽ các người đang vui vẻ nhảy múa để bắt nạt tôi sao?
Không thể chịu đựng được nữa!
Tôi bắt đầu mặc từng chiếc quần áo lên người rồi đi xuống giường.
Tôi rời khỏi phòng, đi qua hành lang vào phòng khách.
Vương gia đang ngồi trên sofa, cầm chai bia trên tay, ngủ đến mơ mơ màng màng. Thấy tôi đi qua bên cạnh, nó mơ màng hỏi tôi: “Chưa ngủ cơ à? Đi đâu đấy?”
Tôi giật lấy chai bia trong tay nó, đi thẳng ra cửa quên cả chớp mắt.
Tôi trịnh trọng nói với nó: Tao xuống dưới sân!
Lúc đóng cửa, Vương gia lẩm bẩm trong nhà: Thằng điên này bị mộng du à?
Tôi không mộng du.
Tôi - một người Đông Bắc, bắt đầu thức tỉnh từ giây phút này.