Chiêu Thức Tán Tỉnh Phu Quân

Chương 12: Phiên Ngoại 3

【𝑳𝒂̂𝒎 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉 𝑻𝒉𝒂𝒏𝒉】

Ta là nữ nhi xuất thân từ gia đình phú thương. Từ xưa đến nay, thương đứng hàng thấp nhất trong tứ dân. Mặc dù vậy, ta chưa bao giờ oán trách xuất thân của mình cho đến khi điều đó trở thành vách ngăn giữa ta và chàng.

Cha ta tuy là thương nhân nhưng rất ngưỡng mộ và kính trọng văn nhân, vì thế từ khi em trai ra đời, cha ta đã mời tiên sinh có danh tiếng về dạy dỗ bồi dưỡng, không cầu mong em trai đỗ đạt đề danh, chỉ mong em ấy có danh phận là người đọc sách.

Nhờ phúc của em trai, ta cũng được học cùng, nhưng dần dà, cha mẹ và tiên sinh phát hiện em trai ta không có tư chất đọc sách, ngược lại người có thiên phú là ta, vì thế cha ta quyết định chuyển trọng điểm bồi dưỡng lên người ta, còn em trai sẽ theo cha học kinh thương.

Lớn lên một chút, ta thường theo em trai và anh họ tham gia các buổi tụ hội văn chương, ta cũng không che giấu tài hoa, sớm trở thành tài nữ trong mắt mọi người.

Hưởng thụ ánh mắt tán thưởng từ những người xung quanh, trong lòng ta không tránh khỏi sinh ra kiêu ngạo.

Chàng là một trong số những người xung quanh đó, Đình Thư Đình công tử.

Tuy tướng mạo của chàng rất xuất chúng nhưng ta vốn chỉ xem tài hoa không xem tướng mạo, vậy nên ban đầu ta không chú ý đến chàng.

Một năm sau, ở một lần thi thố văn chương, trong khi mọi người tranh luận ngày một gay gắt, thậm chí có xu hướng mất khống chế, chỉ có chàng bình tĩnh ôn hòa nói vài câu thuyết phục hóa giải mâu thuẫn, từ đó ta bắt đầu chú ý đến chàng.

Không chú ý thì không biết, khi đã chú ý đến chàng, ta lại ngày càng bị chàng thu hút. Chàng cử chỉ ôn hòa có lễ, bình tĩnh thong dong, những khi có dịp cùng chàng tán gẫu văn chương mới phát hiện ta và chàng có rất nhiều lý giải hợp ý nhau, sự hợp ý này ta chưa từng cảm nhận được từ người khác.

Nơi ta và chàng thường gặp gỡ trò chuyện là dưới gốc hoa đào ở Phong Nhã Các, cũng chính cây đào ấy chứng kiến tình ý của ta và chàng.

Ta có ý với chàng, ta cũng không che giấu điều đó, ta biết chàng cũng nhận ra.

Ta biết chàng cũng có ý với ta, từ ban đầu là đơn thuần tán thưởng, đến sau này là tâm đầu ý hợp.

Trong lòng chàng và ta đều hiểu, dẫu cho chưa từng nói ra.

Sau khi ta cập kê, có rất nhiều quý công tử cử bà mai đến cửa cầu thân nhưng đều bị ta từ chối, ta muốn đợi chàng.

Ta cứ thế đợi chàng mãi cho đến khi có tin tức chàng đã theo lời cha mẹ mà đính hôn với quý nữ Khương gia, Khương Yến Ngọc.

Lúc đó ta mới biết được, thân phận cách biệt là vách ngăn lớn đến nhường nào.

Ta đau lòng đến mức có chút oán trách xuất thân của ta.

Ta trộm nhìn qua hôn thê của chàng, nữ tử xuất thân dòng dõi thư hương, Khương Yến Ngọc.

Tuy chỉ mới nhìn qua vài lần, ta đã biết chàng và nàng ta không cùng một kiểu người.

Người tâm đầu ý hợp với chàng vẫn là ta.

Lúc ấy tâm trạng của ta rất rối bời, ta khinh thường hôn thê của chàng, lại vừa oán trách ngăn cách thân phận, vừa đau lòng cho chàng vì phải tuân theo hôn nhân sắp đặt, lại cảm thấy không cam lòng vì số phận an bài.

Từ ngày chàng đính hôn, ngoại trừ những khi tụ hội ở nơi đông người, chàng đã không còn cùng ta tán gẫu như trước đây, tựa như chàng đã dựng lên một vách ngăn giữa ta và chàng.

Rất nhiều lần ta muốn tìm chàng để nói rõ lòng mình nhưng sự kiêu ngạo không cho phép ta bước ra trước.

Ngày chàng cưỡi ngựa rước dâu, ta rời Kinh Thành để tìm nơi bình yên xoa dịu trái tim tan vỡ.

Ta ngày đêm chuyên tâm đọc sách để quên đi chàng.

Ta vẫn luôn nghĩ, chàng và thê tử hẳn là không thể chung sống hòa hợp với nhau.

Nhưng ta không ngờ đến là, chàng và nàng ta tưởng chừng không cùng một kiểu người nhưng lại có sự hòa hợp đến kỳ diệu như vậy, nếu ta và chàng là sự hòa hợp giống như hai đường song song có cùng chiều hướng thì chàng và nàng ta là hai đường hướng vào nhau.

Chàng đối với nàng ta rất dịu dàng.

Sự dịu dàng của một phu quân dành cho thê tử.

Sự dịu dàng mà lẽ ra ta là người nhận được.

Sự không cam lòng mà ta đã cố gắng đè ép nay lại bùng lên dữ dội.

Ta tự hỏi chàng có còn nhớ đến ta không? Còn nhớ đến người đã từng cùng chàng tâm sự dưới gốc hoa đào không? Còn nhớ tình ý mà chàng dành cho ta không?

Hay là, người còn nhớ chỉ còn một mình ta?

Cây hoa đào vẫn còn nguyên vẹn như xưa, nhưng người nhìn ngắm từ hai đã biến thành một.

Ta biết mình đã lún quá sâu, vậy nên ta cố gắng chuyển chú ý vào việc học tập, thậm chí tìm cách tham gia các buổi thuyết trình của các vị đại nho.

Có người đàm tiếu ta vượt quá giới hạn.

Có người nói rằng họ nể phục và ngưỡng mộ ta dám bước ra một bước.

Cho đến khi ta trở thành quan môn đệ tử của Hàn lão tiên sinh, một trong những vị đại nho có danh tiếng nhất.

Ta trở thành nữ môn sinh duy nhất của ông, cũng là nữ học sinh duy nhất.

Danh tiếng của ta ngày một lan xa.

Ta thậm chí được hoàng hậu và trưởng công chúa triệu kiến và ban thưởng.

Thậm chí, ta còn được mời dạy dỗ tiểu công chúa.

Trưởng công chúa nói với ta, từ khi bà nhìn thấy ta, bà đã nhen nhóm ý tưởng mở một ngôi trường dành cho nữ tử.

Bà mời ta hỗ trợ.

Ta đồng ý.

Bởi vì sự vẽ vời của trưởng công chúa đã thành công khơi dậy ý chí và lý tưởng của ta.

Thật ra, ta còn có một mục đích.

Ta muốn giành lại ánh mắt tán thưởng và sự chú ý của chàng như trước đây.

Ngày chàng hoàn thành kỳ thi Hội, ta cố ý đến "đón" chàng, là vì nhớ chàng, cũng là vì muốn thực hiện nguyện vọng cố chấp của ta, ta muốn được một lần là thê tử đón phu quân trở về.

Đó là lần đầu tiên ta gọi chàng là "Đình lang".

Đình lang, ta đã thầm gọi chàng như thế vô số lần.

Cuối cùng cũng thốt nên lời.

Lại một năm trôi qua.

Ta biết mẫu thân của chàng đang nóng ruột vì chuyện sinh con nối dõi.

Một ý nghĩ được nhen nhóm trong lòng ta.

Phải chăng vì trong lòng chàng còn có ta nên dù đã 4 năm trôi qua, Khương Yến Ngọc vẫn chưa thể hoài thai.

Ý nghĩ đó cùng với chấp niệm 4 năm qua ngày một mãnh liệt khiến ta mất đi lý trí.

Làm thϊếp thì đã sao? Chỉ cần ta và chàng lưỡng tình tương duyệt, ân ái bên nhau, làm thê hay thϊếp chẳng qua chỉ là cách gọi mà thôi.

Vậy nên ta đã tìm cách gặp gỡ mẫu thân của chàng.

Tuy rằng ban đầu mẫu thân của chàng bài xích ta nhưng bởi vì nóng ruột có cháu nên bà đã suy nghĩ lại.

Dẫu sao, bà ta biết chàng từng có tình ý với ta.

Có tình, chuyện thân mật mới càng ăn ý, càng dễ mang thai.

Vậy nên, bà ta đã dung túng để ta đến gặp chàng.

Nhìn hình bóng chàng đứng dưới giàn hoa tử đằng, ta bỗng nhiên cảm thấy chua xót.

Cảnh tượng chúng ta trò chuyện dưới tán hoa đào tựa như trước mặt, lại xa xăm như đã cách mấy đời.

Ta và chàng chỉ cách mấy bước, nhưng lại là khoảng cách không thể vượt qua được.

Lần đầu tiên ta gạt bỏ hết kiêu ngạo và mặt mũi để cầu thân với chàng.

Chàng nói, với tài học của ta, nên là chim yến bay cao trên bầu trời.

Câu nói này của chàng đã an ủi ta rất nhiều.

Chí ít, sự tán thưởng chàng dành cho ta vẫn nguyên vẹn như trước.

Ta bỗng nhiên muốn tiến đến gần chàng, chỉ gần chàng thêm một chút mà thôi.

Nhưng thê tử của chàng đã xuất hiện ngăn cách chúng ta.

Ta nghĩ, đã đến lúc chàng nên nhận rõ bộ mặt thật của nàng ta.

Khương Yến Ngọc, dẫu ta biết cách gọi này không hợp lễ nghi, nhưng ta vẫn không kiềm chế được mà phạm lỗi, chấp nhất không gọi nàng ta là Đình phu nhân.

Ta cố ý nói vài lời mà nàng ta không muốn nghe nhất.

Đúng như mong muốn, nàng ta đã không kiêng dè mà bộc lộ hết bản tính đanh đá chua ngoa ra trước mặt chàng.

Nhưng sau khi chứng kiến hết thảy, ta lại cảm thấy rất phức tạp.

Ta thế mà cảm thấy thích thú dáng vẻ đó của nàng ta.

Giống như một tiếng gõ mở ra cánh cửa nào đó.

Tự do, ngang tàn, không cần kiềm chế.

Ta bỗng nhiên muốn được ngang tàn như vậy.

Dường như ta có chút thích nàng ta.

Sau đó ta chuyển mắt nhìn đến chàng, bắt gặp ánh mắt sáng ngời của chàng khi chàng nhìn nàng ta, ta bỗng chốc hiểu ra tất cả.

Chàng và ta giống nhau.

"Đình lang."

Ta gọi.

Lần cuối ta gọi chàng, lần cuối ta rơi nước mắt vì chàng, như một lời tạm biệt tình cảm đầu đời đơn thuần ngốc nghếch của ta.

Từ nay Lâm Thanh Thanh cũng không còn đứng dưới gốc hoa đào nữa.

Tình ý thuở thiếu thời tan theo làn gió cùng hàng ngàn cánh hoa đào rơi, vĩnh viễn chôn sâu.

Ta nhìn Khương Yến Ngọc.

Ta không thể làm bằng hữu với chàng.

Vậy Khương Yến Ngọc, dẫu muốn hay không, chúng ta làm bằng hữu đi.

Từ đó, ta không còn vương vấn chàng nữa.

Một khi buông bỏ, ta tỉnh táo và rộng mở hơn rất nhiều.

Ta thường trêu chọc Khương Yến Ngọc như một thú vui mới.

Càng trêu chọc ta càng cảm thấy nàng ta đáng yêu.

Không thể cùng chàng kết tóc, vậy đối đầu với chàng cũng không tồi.

Chàng nói đúng, ta là chim yến bay trên bầu trời.

Bầu trời của ta rộng mở như vậy, sao có thể vì một chút xúc động mà chôn chân nơi hậu viện.

Năm năm sau, trưởng công chúa thành lập trường học dành cho nữ giới đầu tiên, ta nhận lời làm tiên sinh dạy học.

Lại thêm năm năm, ta chính thức lên làm viện trưởng, mở rộng học giáo.

Dẫu cho nữ tử không thể tham gia khoa khảo, vẫn lấy nữ đức làm trọng, nhưng chí ít tâm cảnh rộng mở, không còn dễ bị ức hϊếp như xưa.

Chí ít nếu có rơi vào hoàn cảnh khốn khó, vẫn có đủ lực lượng để tìm một con đường cho mình.

Đến cuối đời, nhìn lại những thành tựu đạt được, ta không có gì hối hận.

Chỉ là rất nhiều năm về sau, có lúc đêm khuya vắng lặng, ta như thấy lại cây hoa đào.

Rất xa xăm.

Xa đến nỗi như chuyện của kiếp trước.

Ta bất giác thầm gọi: "Đình lang."