Những ngày tháng sau đó trôi qua trong bình lặng.
Minh Du và Tiệp Tuyết đi rồi, hậu cung càng thêm phần quạnh quẽ. Triều thần lấy cớ hoàng gia cần phải khai chi tán diệp, người nào có con gái đến tuổi cập kê đều hết sức tiến cử cho hoàng đế. Ngay cả Hà thái sư cũng mặt dày đưa đến tận ba người cháu gái. Nữ tử họ Hà ai nấy đều dung mạo xuất chúng, tài hoa hơn người, giáo dưỡng cực tốt. Hoàng đế vừa gặp mặt liền lấy làm ưng ý, hết lời khen ngợi, lập tức chỉ hôn cho mấy vị văn võ trạng nguyên vừa đỗ khoa cử hồi đầu năm. Mấy người này nghe đâu đều là nhân trung long phượng, sau khi đỗ đạt đã được phân đi làm tri huyện, huyện thừa ở các nơi, chỉ cần nỗ lực phấn đấu độ mười, mười lăm năm nữa thì đến kinh thành làm quan nhỏ cũng không phải chuyện khó. Hà thái sư nghe xong thì tức đến thổ huyết, hôn mê bất tỉnh. Mấy vị tiểu thư còn lại đồng phong làm thường tại, ban thưởng trọng hậu rồi đưa đến ở chung một chỗ tại Sương đình, nhưng tuyệt không nghe đả động đến việc làm thẻ bài.
Ý tứ hoàng đế đã rõ ràng là vậy, quan viên cũng chẳng ai dám nhiều lời chuyện hậu cung nữa. Bấy giờ, bọn họ đều hiểu được hoàng đế đã chẳng còn là tên tiểu tử ngây ngô để mặc cho ngoại thích đặt đâu ngồi đó năm nào.
Chẳng mấy chốc đã đến lập đông.
Năm nay, Thượng cung cục chăm lo cho ta không thể chu đáo hơn được nữa. Trời còn chưa chớm lạnh, đồ dùng mùa đông đã đưa đến chật nhà. Ngay cả y phục cho hạ nhân cũng vạn phần tươm tất. Cẩm Tước cung đã vậy, chỗ Triệu Lam Kiều lại càng không thua kém. Hậu vị hãy còn bỏ trống, hàng tứ phi có đến hai người, Thượng cung cục phải bợ đỡ một lúc cả hai, vất vả không sao kể xiết.
Bản thân ta tự biết rõ mình chỉ là quân cờ để hoàng đế đối phó với triều thần, nào dám vọng tưởng sẽ có ngày thực sự khoác lên tấm phượng bào kia. Thành thử gió hậu cung có ngả theo hướng nào cũng chẳng liên quan tới ta, ta hà tất phải để tâm?
Nhưng thời thế đã như vậy, hai người vốn không màng thế sự như Bạch Diệu Hoa và Phong Thể Minh cũng chẳng thể ngồi yên.
Bạch Diệu Hoa nói:
- Cho dù thế nào cũng không thể để Triệu Lam Kiều ngồi lên hậu vị. Con người nàng ta thâm hiểm độc ác như vậy, nếu lại có thêm phượng ấn trong tay... Chúng ta e là chẳng ai còn chỗ chôn thân.
Ta đã vì việc này mà mất ngủ bấy lâu, giờ nghe nàng nói thì không giấu nổi phiền muộn:
- Biết là vậy, nhưng chúng ta còn có thể làm gì? Minh Du đi rồi, nơi này cũng chẳng còn ai đủ bản lĩnh tranh với Triệu Lam Kiều.
Phong Thể Minh cũng thở dài:
- Minh phi tài trí hơn người, chẳng ngờ lại bại trong tay Liên Nhạc.
Phong Thể Minh chung quy vẫn là người đơn giản. Bạch Diệu Hoa nghe vậy liền phì cười:
- Muội thực sự cho rằng Liên Nhạc có khả năng thao túng Tương Huyền, khiến ả chịu bán mạng đi giá họa Vân Anh?
Phải biết rằng dẫu Tương Huyền không được lòng Thượng cung đại nhân thì ả vẫn đường đường là nữ quan tam phẩm, hơn nữa bản tính trời sinh giảo hoạt, chẳng phải loại người dễ bị chèn ép. Chỉ dựa vào một chức uyển dung nho nhỏ của Liên Nhạc làm sao có thể thao túng nổi Tương Huyền?
Phong Thể Minh vẫn có vẻ nghi hoặc:
- Sau cùng đức phi vẫn là kẻ được lợi nhiều nhất. Thể Minh cũng từng nghĩ mọi chuyện do nàng ta một tay sắp đặt. Thế nhưng nếu là đức phi, sao lại để lộ sơ hở lớn là thỏi vàng kia?
Thỏi vàng Tương Huyền đưa ra ngày ấy chính là mấu chốt giúp Trịnh Vân Anh vượt qua cửa tử. Chính lúc đó ta cũng cảm thấy nghi hoặc, tầng tầng thiên la địa võng sâu không thấy đáy, cuối cùng sao lại lộ ra sơ hở trí mạng như vậy? Đáp án chỉ có một: sơ hở này chính là Triệu Lam Kiều cố ý bày ra cho chúng ta.
Ta mỉm cười, rót thêm trà vào chén của Phong Thể Minh:
- Ép chết Vân Anh thì có ích gì đâu? Mục tiêu của Triệu Lam Kiều là Minh Du. Vân Anh chẳng qua chỉ là một quân cờ của nàng ta mà thôi... Lại nói, cho dù Triệu Lam Kiều có toàn tâm toàn lực muốn triệt hạ cả Vân Anh, hoàng thượng cũng không để nàng ta đắc ý đâu.
Năm xưa vì cuộc chiến tranh quyền của hoàng đế mà Trịnh Thừa Minh vong mạng dưới loạn đao, nhà họ Trịnh vì vậy mà suy tàn. Cách đây không lâu, Trịnh lão tướng quân một đời tận trung lại chết thảm ngay dưới chân thiên tử. Hoàng đế vốn chưa thể đòi lại công bằng cho Trịnh thị - bản thân hắn đã nợ nhà họ Trịnh quá nhiều, vì vậy tuyệt đối sẽ không để Trịnh Vân Anh xảy ra chuyện. Dù ngày đó Triệu Lam Kiều an bài chặt chẽ không lộ vết tích, hoàng đế cũng nhất định không nhắm mắt cho qua. Âm mưu dù thâm sâu bậc nào thì cứ điều tra mãi cũng có ngày lộ ra sơ hở. Mà đối đầu với hoàng đế như vậy có khác nào tự tìm đường chết? Triệu Lam Kiều chừa cho Trịnh Vân Anh một con đường sống, cũng là tự chừa đường sống cho mình. Bảo toàn được Trịnh Vân Anh, hoàng đế sẽ không truy cứu nữa, vì nếu tiếp tục truy cứu thì Liên Nhạc cũng chẳng thoát khỏi liên lụy. Dùng một thỏi vàng kết thúc sự việc. Triệu Lam Kiều đã sớm tính đến tình cảm và sự áy náy của hoàng đế đối với Trịnh thị cũng như Lê Khiết.
Phong Thể Minh rất thông minh, nàng cúi đầu nghĩ ngợi trong chốc lát liền hiểu ra, đoạn thở dài:
- Đức phi thực quá lợi hại. Ngay cả chuyện như vậy cũng có thể tính đến. Mà việc này mấu chốt vốn là ở chỗ hương liệu của Tương Huyền... Nếu không kéo Liên Nhạc và Trịnh phi vào thì chẳng phải sẽ đỡ phiền phức hơn sao?
Ta nâng chén trà lên nhấp một ngụm nhỏ. Chén trà ấm nóng trên tay chẳng hiểu sao lại gợi cho ta nhớ đến cảm giác lạnh toát của nửa mảnh ngọc bội hoàng hậu đặt vào tay ta ngày nào.
Muôn mối tơ lòng dường như cũng dần dần thông tỏ.
Ta khẽ mỉm cười:
- Giữa Liên Nhạc và Vân Anh còn có một món nợ chưa tính.
Nửa mảnh ngọc bội khiến hoàng hậu thân bại danh liệt đêm hôm đó, rốt cuộc lại chính là ngọc bội tùy thân của Trịnh Vân Anh. Thời điểm xảy ra sự việc là sau khi Trịnh Vân Anh bị Giang Tiểu Ái đẩy ngã đập đầu, hôn mê bất tỉnh. Liên Nhạc thường xuyên qua lại thăm hỏi, muốn lấy trộm ngọc bội của muội ấy cũng không phải là chuyện khó.
Nhớ lại thái độ kì quái của Trịnh Vân Anh lúc nghe ta kể chuyện hoàng hậu mất, ta chợt nhận ra có lẽ muội ấy đã sớm biết Liên Nhạc lấy oán báo ân. Nhưng Liên Nhạc có hoàng đế chống lưng, chỉ dựa vào nửa mảnh ngọc bội kia và một lời trăn trối của hoàng hậu thì không đủ diệt trừ nàng ta. Thời gian qua, Trịnh Vân Anh cố tình thân cận với Liên Nhạc xem ra chỉ là để chờ thời cơ chín muồi... Đáng tiếc, Liên Nhạc đã ra tay trước. Trải qua sự việc vừa rồi, sau này dù có bị tố giác, Liên Nhạc lập tức có thể mượn cớ Trịnh Vân Anh ghi thù chuyện hộp trà mà vu oan giá họa cho nàng ta. Lời nói của Trịnh Vân Anh từ nay không còn giá trị nữa.
Ẩn tình bên trong có lẽ Phong Thể Minh không hiểu hết, nhưng nghe đến đây nàng cũng không nén nổi căm phẫn:
- Trịnh phi đối đãi với nàng ta như tỷ muội, Minh phi và Tiệp phi thì hết lòng bao dung che chở nàng ta... Loại người vong ân bội nghĩa như thế, Thể Minh mới thấy lần đầu.
Hậu cung thăm thẳm, loại người nào cũng có. Về sau Phong Thể Minh dần dần cũng sẽ hiểu được điều này.
Có lẽ vì hậu cung trống trải mà mùa đông năm nay lại càng thêm lạnh lẽo. Những lúc không có việc gì, ta thường không giữ nhiều người hầu hạ bên mình. Ngọc Thủy là cung nữ chưởng sự của Cẩm Tước cung, tất nhiên bận rộn hơn cả. Ở cạnh ta thường chỉ có Ngọc Nga và Tiểu Phúc Tử.
Đã mấy ngày rồi, ta thấy Ngọc Nga cứ đứng ngồi không yên, thỉnh thoảng lại nhìn ta như muốn nói gì đó mà không biết phải mở lời thế nào. Ta xem chừng là nàng đang có chuyện phiền não, bèn tỏ vẻ khệnh khạng, nửa đùa nửa thật mà hỏi:
- Không ngờ đến bây giờ mà vẫn còn có kẻ dám ức hϊếp người ở Cẩm Tước cung. Là ai to gan làm Ngọc Nga cô nương nhà chúng ta mất vui?
Ngọc Nga bị ta chọc cười, vội lắc đầu xua tay:
- Nô tỳ là người của hiền phi nương nương, ai dám chọc vào nô tỳ chứ.
Ta cười cười, kéo nàng tới ngồi cạnh mình:
- Đã vậy sao lại không vui?
Ngọc Nga chọn một chỗ ngồi dưới đất, tựa vào chân ta, ngập ngừng đáp:
- Thực ra, nô tỳ có một chuyện muốn cầu xin nương nương...
Ta dịu dàng vỗ vai nàng:
- Chỉ cần bản cung làm được, chuyện gì bản cung cũng đồng ý cả.
Ngọc Nga nghe vậy thì yên tâm hơn, thấp giọng nói tiếp:
- Ngày trước, khi nô tỳ mới nhập cung thì được phân làm việc nặng ở Thượng cung cục. Lúc đó nô tỳ từng được một cung nữ lớn tuổi hơn giúp đỡ. Mùa xuân năm sau, tỷ ấy sẽ xuất cung thành hôn. Gia cảnh tỷ ấy cùng hôn phu đều nghèo khó. Vài tháng trước chủ nhân vừa ban tấm lụa đỏ thêu khổng tước cho nô tỳ... giờ nô tỳ muốn đem tặng tỷ ấy may hỉ phục, để tỷ ấy xuất giá được tươm tất.
Tấm lụa thêu khổng tước ấy chính là do Thượng cung cục đưa đến hồi ta mới tấn phong tứ phi. Ngày trước ta sợ mạo phạm hoàng hậu nên luôn cất trong kho không dám dùng đến. Nay tuy rằng hoàng hậu không còn nhưng ta cũng không muốn mặc loại vải đỏ tươi rực rỡ như vậy nữa, bèn để dành cho Ngọc Nga làm của hồi môn. Không ngờ nàng lại muốn đem tặng người khác may hỉ phục.
Ta nhẹ nhàng chỉnh lại cây trâm hơi bị lỏng ra trên búi tóc của nàng, cười trêu:
- Vốn là định để dành cho ngươi xuất giá, ngươi lại đem cho người khác... ngộ nhỡ sau này không tìm được vải đẹp như vậy thì ngươi đừng hối hận đấy!
Ngọc Nga ngả đầu lên lòng ta, đáp rất khẽ:
- Nô tỳ không xuất giá. Cả đời này nô tỳ sẽ đi theo chủ nhân.
Ta cho rằng nàng mặc cảm vì xuất thân của mình, sống mũi bất giác hơi cay cay. Ta bèn siết nhẹ tay nàng, trịnh trọng nói:
- Ngọc Nga nhà chúng ta tài sắc vẹn toàn, lại là hòn ngọc quý bên cạnh hiền phi nương nương, tất nhiên không thể tùy tiện xuất giá. Bản cung hứa với ngươi, sau này nhất định sẽ tìm cho ngươi một trượng phu tướng mạo đoan chính, trung thực tử tế, để ngươi xuất giá thật nở mày nở mặt.
Ngọc Nga thấy ta kiên quyết như vậy thì cũng không tranh cãi nữa, chỉ lặng lẽ siết chặt tay ta.
Chúng ta yên lặng ngồi bên lò than, ngắm nhìn vô số bông tuyết trắng muốt bay bay ngoài cửa sổ.
Không lâu sau, Liễu Yến Yến cuối cùng cũng tìm được cơ hội trở mình.