Thâm Cung

Chương 38 (2)

Ngay từ khi Lê Khiết vừa đắc sủng, Hoàng Hậu đã bắt đầu tính toán cả rồi.

Hoàng Hậu mang Ngọc Thủy tặng cho Lê Khiết hoàn toàn không phải ngẫu nhiên.

Lê Khiết đã sớm có lòng đề phòng Hoàng Hậu, cho nên mới đem toàn bộ đồ dùng quan trọng giao cho một cung nữ mới đến bảo quản. Ngoài mặt là nàng ta lấy lòng Hoàng Hậu, thực chất muốn để cho Hoàng Hậu biết nếu đồ dùng của nàng ta có vấn đề gì, truy ra người bảo quản từng là cung nữ thân cận của Hoàng Hậu, vậy Hoàng Hậu cũng đừng mong tránh được liên lụy. Không chỉ vậy, Lê Khiết còn đối đãi với Ngọc Thủy cực kì tốt, chính là để tránh khi xảy ra chuyện có kẻ viện cớ tư thù để chối tội. Nàng ta tốt với Ngọc Thủy như thế, Ngọc Thủy chẳng có lý do gì để thù hận nàng ta cả.

Hoàng Hậu đã đi một nước cờ quá cao thâm, khiến cho Lê Khiết không thể không hao tâm tổn trí. Ngọc Thủy được chọn hẳn cũng vì tính cách quá mức ngay thẳng kia. Lê Khiết làm sao tin được Hoàng Hậu lại tặng mình một cung nữ ngay thẳng thiện lương, hẳn sẽ nghĩ Ngọc Thủy giả vờ, mà giả vờ giỏi như thế nhất định phải là loại người không thể xem thường.

Có lẽ mỗi ngày nàng ta đều chằm chằm quan sát Ngọc Thủy, tập trung đến nỗi không nhìn thấy những điều bất thường khác. Nếu Lê Khiết tỉnh táo hơn một chút thì có thể sẽ nhận ra Hoàng Hậu là người tinh tế đến bậc nào, sao có thể làm chuyện nông cạn như trực tiếp cài người vào hại nàng ta. Cho dù muốn thế thì cũng phải đợi lúc thần không biết quỷ không hay mà mua chuộc người bên cạnh nàng ta mới phải.

Chỉ tiếc đạo cao một thước, ma cao một trượng. Lê Khiết ngày ấy còn quá trẻ, dẫu có thông minh nhưng so với Hoàng Hậu thì vẫn chỉ là một đứa trẻ dễ dàng bị nắm trong lòng bàn tay.

Trong năm vị tiểu thư dự tuyển hậu năm xưa, không nói đến Tạ Thu Dung, còn lại Lê Khiết bị Hoàng Hậu trừ bỏ trong thời gian ngắn, Liễu Yến Yến và Triệu Lam Kiều thì luôn bị nàng chi phối. Hoàng Hậu thực sự đã chứng tỏ mình xứng đáng với bốn chữ "mẫu nghi thiên hạ".

Hậu cung này bất luận có dáng vẻ thế nào thì trước nay vẫn luôn là thiên hạ của nàng.

Khi trước, ta luôn cảm thấy bố cục hậu cung này rất kì lạ. Ví như phe phái của Triệu Lam Kiều ít người nhất, nhưng bản thân Triệu Lam Kiều thông minh tuyệt đỉnh, lại có Tĩnh Tâm Lan sắc sảo nhạy bén cho nên không hề yếu thế. Liễu Yến Yến không có đầu óc nhưng dựa vào gia thế và sủng ái, lại có Minh phi – Minh Âm, điềm đạm trí tuệ giúp đỡ nên cũng không đến nỗi không chống đỡ nổi. Còn Hoàng Hậu, chẳng những không có sủng ái, người của nàng nhìn lại cũng có kẻ nào đủ tâm cơ để giúp đỡ nàng: Trịnh Vân Anh thơ ngây, Bạch Diệu Hoa nhu nhược, Dương Ngọc Huệ nhỏ nhen, Giang Tiểu Ái hữu dũng vô mưu, như thế mà vẫn có thể chèn ép được hai người Liễu, Triệu. Đến bây giờ ta mới hiểu, Hoàng Hậu vốn không cần ai tính toán hộ nàng, một mình nàng hoàn toàn thừa sức đối phó tất cả, việc lôi kéo những người kia về phe mình có lẽ chỉ để củng cố thế lực cho Hà thị cũng như phân chia bớt thế lực của Liễu Yến Yến và Triệu Lam Kiều mà thôi.

Như vậy nghĩ lại, chuyện của Tố Linh lúc đó, Hoàng Hậu đánh tiếng nhờ ta phò trợ, có khi chỉ là muốn kiểm tra ta mà thôi. Nếu ta thực sự bất tài vô dụng thì nàng sẽ để ta tự sinh tự diệt, còn nếu ta có chút bản lĩnh, nàng liền thu nhận ta. Ta quy thuận nàng thì không sao, nhược bằng từ chối, có lẽ nàng sẽ tiện tay dọn dẹp ta luôn để trừ hậu họa.

Nghĩ tới đây, ta vừa mừng thầm vì khi trước đã quyết định đúng đắn mà đi theo Hoàng Hậu, lại vừa lo sợ một ngày nào đó mình không còn giá trị lợi dụng, hoặc vì xung đột lợi ích mà nàng đối phó ta... Thực sự ta không còn dám nghĩ tiếp.

Ta vốn không thông minh bẩm sinh như Hoàng Hậu hay Triệu Lam Kiều. Chỉ nhờ sinh ra và lớn lên trong chốn hậu cung, lại sớm rơi vào hoàn cảnh bi thương cho nên ta có thể nghe thấy, nhìn thấy rất nhiều chuyện mà người khác không thể tỏ tường. Nhờ thế mà ta có nhiều kinh nghiệm hơn kẻ khác, cũng vì vậy mà sinh ra tính đa nghi, bất cứ chuyện gì cũng phải nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần cho nên mới tạm thời sống yên ổn. Nhưng ta hiểu rõ chỉ bấy nhiêu thì không đủ để bảo vệ bản thân.

Không có nhan sắc, lại không có gia thế, tâm kế cũng không đủ, muốn sống lâu thì chỉ còn cách cố gắng lấy lòng Hoàng Đế. Qua một thời gian thân cận với Hoàng Hậu, ta đã nhận ra Hoàng Hậu chẳng hề để tâm đến việc tranh sủng, Hoàng Đế sủng ái ai nàng cũng không bận lòng, thứ duy nhất nàng toàn tâm toàn ý giữ gìn chỉ có hậu vị và lợi ích gia tộc mà thôi. Đây cũng là một điểm khiến ta và Hoàng Hậu hợp nhau. Ta là nữ nhân ngoại tộc, hoàn toàn không có khả năng ngồi lên hậu vị, dù sau này ta sinh được hoàng tử thì hoàng tử của ta cũng không thể kế vị.

Khi xưa Hoàng Hậu ra tay với Lê Khiết có lẽ vì cảm thấy sự sủng ái của Hoàng Đế dành cho Lê Khiết đe dọa đến địa vị của mình chăng?

Hoàng Hậu vốn không để tâm đến ân sủng, bản thân Lê Khiết lại không thông minh bằng Hoàng Hậu, không lý nào chỉ vì Hoàng Đế sủng ái Lê Khiết mà diệt nàng ta. Trong triều nhất định đã xảy ra chuyện gì đó có ảnh hưởng lớn đến sự phân bố thế lực. Nói cách khác Lê thị mới thực sự là mầm mống tai họa. Cái chết của Lê Khiết chỉ là nhổ cỏ tận gốc mà thôi.

Sau khi bỏ qua ân sủng mà suy nghĩ mọi việc trên góc độ quyền lực, ta chợt hiểu ra rất nhiều chuyện.

Thời điểm Lê Khiết đắc sủng, Lê thị phất lên như diều gặp gió cũng là lúc Thái Hậu ngừng nhϊếp chính, lùi về hậu cung, Hoàng Đế lần đầu tiên được chạm tay vào long bàn ấn.

Ngày ấy, có lẽ Hoàng Đế tuổi nhỏ hiếu thắng, muốn mau chóng thu lại quyền lực cho nên đã nâng đỡ Lê thị và Trịnh thị, hòng tạo ra đối trọng để chế áp ba nhà Triệu, Liễu, Hà. Sự sủng ái tột bậc của hắn đối với Lê Khiết và sự lạnh lùng đối với Liễu Yến Yến và Triệu Lam Kiều lúc đó hẳn cũng là để tạo hậu thuẫn cho Lê thị và kiềm chế Liễu thị cùng Triệu thị. Hắn để trưởng tử Trịnh thị cùng với Lê thị đi áp tải cống phẩm, một phần để thể hiện sự tín nhiệm của mình một phần để gắn kết hai gia tộc này, tránh việc bọn họ tự tư tự lợi làm hỏng chuyện của hắn.

Đáng tiếc, Hoàng Đế tính không sai nhưng lại chọn sai người. Trong cung Lê Khiết đấu không lại Hoàng Hậu. Ngoài cung, Lê thị chẳng những thất bại mà còn mang ô danh muôn đời. Thiết nghĩ, áp tải cống phẩm năm đó là Cẩm y vệ chính quy của Bách Phượng, lại do Trịnh Thừa Minh vốn nổi danh anh dũng thần võ chỉ huy, gϊếŧ sạch bọn họ đâu phải đơn giản. Chuyện này nhất định có Triệu Tướng gia nhúng tay vào.

Hà thị và Triệu thị từng bắt tay nhau trừ bỏ một mối họa chung. Điều đó có thể giải thích cho sự thân thiện của Thái Hậu đối với Triệu Lam Kiều. Vậy vai trò của Liễu thị khi ấy là gì? Phải chăng vì Liễu thị ngồi không hưởng lợi cho nên Thái Hậu mới ác cảm với Liễu Yến Yến như vậy?

Một nước cờ Hoàng Đế đi sai đã dẫn đến sự diệt vong của một gia tộc và sự suy yếu của một gia tộc khác, cùng với cái chết của vô số người vô tội. Phải chăng đó là lý do khi nhắc đến Lê Khiết, Hoàng Đế lại thương tâm đến mức đó? Lê Khiết không chỉ là nữ tử hắn từng yêu thích mà còn tượng trưng cho sự vấp ngã đầu tiên của Hoàng Đế trong cuộc chiến tranh giành quyền lực tàn khốc này.

Bao nhiêu người đã chết?

Bao nhiêu người sẽ chết?

Tâm trí ta đã sáng tỏ nhưng lòng lại càng thêm nặng nề.

Hóa ra Hoàng Đế cũng giống như ta, cũng đơn độc giữa bao nhiêu là cạm bẫy.

Hóa ra ngai vàng lại khó ngồi như vậy.

_____________

Chú thích: Mọi người có thể đọc chi tiết món ăn và nguyên lý xung khắc ở Cẩm Tước trù thư (Tìm trong mục lục hoặc xem link ở comment)