- Vô Tư! Ta cứ ngỡ ngươi chỉ không yêu ta thôi. Ta quả thực không ngờ trong lòng ngươi ta chẳng là gì cả. Ta cứ ngỡ không là tình yêu thì cũng sẽ là tình thân... nhưng mà... ta... bây giờ... đến cả tư cách quản chuyện của ngươi cũng không có.
Sư phụ chua chát nói rồi rầu rĩ bỏ đi. Sáng sớm Mồng Hai Tết, khi đã tỉnh táo hơn, người lo lắng quay lại phòng ta. Người bắt mạch cho ta, chẳng biết có chuyện gì mà gương mặt người tối sầm. Sư phụ cuống cuồng đi sắc thuốc cho ta uống. Phải chăng ta đang bị bệnh? Thuốc đắng quá! Ta chỉ uống một ngụm rồi lén lúc sư phụ đang thẫn thờ nhìn ra cửa sổ, ta đổ bát thuốc vào chậu hoa lan. Một lát sau, sư phụ quay lại nhìn ta. Người kể cũng tinh ý, vừa liếc qua đã biết ta giở trò mèo. Người bực bội hỏi:
- Ngươi không chịu uống thuốc tử tế, nhỡ quá trình cái thai bị đẩy ra ngoài không được thuận lợi thì sao?
Ta ngây ngô thắc mắc:
- Cái... cái thai nào? Con... mang bầu ư?
Sư phụ khẽ gật đầu. Ta đau đớn hỏi sư phụ:
- Sư phụ nếu sợ con chửa hoang làm tổn hại đến danh tiếng của người thì có thể từ mặt con mà, tại sao người có thể ra tay với đứa nhỏ của con? Tại sao người lại tàn nhẫn đến vậy? Phải chăng Vô Tư là do sư phụ nuôi nấng từ nhỏ nên người cho rằng mình có quyền can thiệp vào cuộc đời con? Sư phụ làm Vô Tư thất vọng quá! Người rốt cuộc chỉ là một kẻ ăn không được liền đạp đổ!
Sư phụ xót xa hỏi ta:
- Vô Tư! Chúng ta ở bên nhau nhiều năm như vậy... ta trong mắt ngươi... rốt cuộc cũng chỉ đến thế thôi sao?
- Một kẻ sát nhân... còn có thể như nào nữa?
Ta hỏi đểu sư phụ. Niên Ý tức tối xông vào phòng, lớn tiếng chỉ trích ta:
- Tứ cô nương! Cô nương điên rồi! Cô nương chưa chồng đã chửa, gây ra chuyện bại hoại gia phong, cậu Tâm dẫu có cạo đầu cô nương thả trôi sông thì cô nương cũng không có quyền oán trách. Đằng này, rõ ràng cái thai trong bụng cô nương đã ngừng phát triển lâu rồi, cậu Tâm lo lắng cho sức khoẻ của cô nương nên mới cho cô nương uống thuốc bổ để cái thai được đẩy ra ngoài một cách thuận lợi nhất. Cô nương không cảm kích thì thôi lại còn nghi ngờ cậu, thực sự quá tủi cho cậu!
- Ngươi... ngươi nói điêu! Ta không tin! Ta ở chỗ của Phượng Yến sư tỷ rất thoải mái, ăn uống cũng rất tốt, không thể có chuyện hoang đường như thế được. Nhất định là sư phụ hại đứa nhỏ của ta.
- Cô nương tự mình xuống bếp xem bã thuốc đi!
Ta nghiên cứu bã thuốc xong liền nhận ra mình rất hồ đồ. Sư phụ không hại đứa nhỏ của ta, người ở phủ của Phượng Yến sư tỷ rất tốt với ta, suy ra, ta chính là kẻ có tội. Sự vô tâm của ta đã khiến đứa nhỏ phải chịu uỷ khuất. Ta giận chính bản thân mình. Ta điên tiết ném vỡ chiếc bình gốm sư phụ làm tặng ta. Niên Ý run run chỉ vào ngón tay cái của sư phụ rồi kinh hãi ngất xỉu. Sư phụ bế xốc nàng dậy, thở dài giải thích với ta:
- Niên Ý sợ máu.
Ta hốt hoảng hỏi thăm sư phụ:
- Sư phụ! Người có sao không?
Sư phụ buồn buồn bảo ta:
- Máu ở tay chảy như thế nào cũng không nhiều bằng máu đang rỉ trong tim.
- Sư phụ... con... con...
- Đừng gọi ta là sư phụ nữa. Từ nay trở đi, ta và ngươi không còn bất kỳ liên quan gì cả.
Sư phụ lạnh lùng tuyên bố rồi bế Niên Ý rời khỏi phòng. Mọi người trong phủ tuy không rõ đầu đuôi sự việc như nào nhưng thấy Niên Ý bị ngất xỉu liền ngay lập tức thay đổi thái độ với ta. Ta chợt nhận ra Niên Ý tuy chỉ là đầy tớ nhưng nàng có vị trí rất quan trọng trong lòng những người ở đây. Ngoại trừ sư phụ thờ ơ ra thì ai cũng lo lắng cho nàng. Ta còn nghe được hai đứa đầy tớ tám chuyện với nhau trong bụi chuối:
- Tội nghiệp Niên Ý ghê! Chả hiểu sao đang yên đang lành lại bị ngất?
- Có khi nó bị Tứ cô nương đấm cũng nên.
- Chắc thế! Tứ cô nương ương bướng ai mà không biết. Hồi mới gặp Niên Ý, tao không ưa nó đâu, tại nó cứ bám cậu Tâm suốt à. Cơ mà, tiếp xúc lâu mới biết nó thật lòng thương cậu chứ không phải muốn trèo cao gì cả.
- Ừ. Đúng rồi. Ý mê cậu Tâm lắm. Gi gỉ gì gi chuyện gì cũng nghĩ cho cậu hết à. Mày có nhớ cái lần nó hùng hổ đứng giữa thư phòng chê cậu Tâm già không?
- Có. Rõ hài. Nó còn to mồm nói bây giờ cậu không chịu tính tới chuyện con cái, sau này già rồi, cà rốt quắt queo, đến lúc đó có hối tiếc cũng không kịp. Con điên dám xin cậu thăng chức cho nó lên làm đầy tớ hầu giường chứ. Nó bị cậu vụt cho sưng cả tay.
Hai đứa này bịa chuyện tào lao hả? Đêm muộn, ta nghi hoặc đi qua vườn nhãn, tới gần căn phòng Niên Ý đang ở, ta lén mở hé cửa sổ hóng hớt. Ở bên trong, có ánh nến mờ mờ. Nàng đã tỉnh, chỉ mặc mỗi một chiếc yếm đào và đang quỳ dưới đất. Sư phụ dùng roi mây quất vào tay nàng ba phát. Giọng người giận dữ vô cùng:
- Niên Ý! Ta phải dạy dỗ ngươi như thế nào thì ngươi mới bớt vô liêm sỉ hả?
Niên Ý ôm chân sư phụ, ngoan cố nói:
- Nếu như thương cậu là vô liêm sỉ thì em tình nguyện vô liêm sỉ cả đời. Cho dù tay em bị đánh thành sẹo, em cũng sẽ vẫn kiên trì đòi cậu cho em làm đầy tớ hầu giường. Cậu khỏi dạy dỗ em làm gì, mất công. Đến bản thân cậu cũng không thể ngừng thương nhớ Tứ cô nương, hà cớ gì bắt em phải ngừng thương nhớ cậu? Cậu biết rõ vận mệnh của em không tốt mà, em sẽ không làm phiền cậu quá lâu đâu. Cậu giúp em hoàn thành tâm nguyện kiếp này đi, được không cậu? Cậu cho em hầu cậu đi mà... em chỉ muốn sinh cho cậu một đứa con thôi. Cậu không nghĩ cho bản thân mình thì cũng phải nghĩ cho thầy bu chứ... cậu già thế này rồi thì thầy bu cũng làm gì mà còn trẻ nữa? Bọn họ cũng muốn bế cháu chứ bộ!
Niên Ý quả thực rất to gan nha! Những chuyện liên quan tới thầy bu của sư phụ, nàng tuyệt đối không nên nhắc tới. Có kẻ đồn sư phụ là trẻ mồ côi, có kẻ đồn người là con quan lớn, cũng có đứa ác ý nói bu người là kỹ nữ. Tuy ta rất tò mò về thân thế của sư phụ, nhưng sợ người bị tổn thương nên ta chưa từng hỏi người. Niên Ý thì giỏi rồi, ngang nhiên dám doạ sư phụ:
- Nếu bây giờ cậu không chịu trao thân cho em, em sẽ đi khắp thiên hạ rêu rao với mọi người rằng cậu không phải là nam nhân. Để coi tới lúc đó, thầy bu cậu biết giấu mặt vào đâu?
Sư phụ hiếm khi ra đòn với nữ nhân, kể cả với một đứa bướng bỉnh như ta. Có lẽ, sự ngang ngược của Niên Ý đã bức người phát điên. Sư phụ không chỉ đánh nàng rất mạnh tay mà còn lớn tiếng đuổi nàng:
- Cút ngay!
- Em không cút!
- Ngươi thích đi rêu rao cơ mà! Mau cút ngay đi!
- Em chỉ doạ cậu cho vui cửa vui nhà tí thôi, chứ em ngu đâu mà đi nói bậy. Em là người của cậu, cậu xấu mặt thì em đẹp mặt chắc?
- Từ khi nào ngươi là người của ta?
- Ngay sau khi bốc thăm chọn tên trong trại trẻ mồ côi, em đã là người của cậu rồi. Nếu chúng ta không có duyên, tại sao em lại bốc được cái tên Niên Ý?
- Chỉ là trùng hợp thôi, ngươi bớt nghĩ bậy.
- Không. Không đâu. Bách Tâm và Niên Ý, rõ ràng là Bách Niên Tâm Ý mà, không thể trùng hợp được!
- Tào lao! Tóm lại, ngươi có cút hay không?
Niên Ý cởi chiếc áo yếm, mặt dày nói:
- Cậu trao thân cho em xong thì em sẽ cút.
Sư phụ nhìn Niên Ý với ánh mắt rất khinh thường. Sư phụ lấy tấm chăn trên giường ném vào người nàng rồi chán nản bỏ đi. Ta phục sư phụ sát đất luôn đấy. Ta mà là nam nhân xong bị nữ nhân mồi chài như vậy thì đừng nói là một đêm, trăm ngàn đêm ta cũng sẵn sàng dâng hiến bản thân mình cho nàng hầu hạ. Niên Ý gào rõ to:
- Bách Tâm! Kiếp này, cậu cứ khinh em đi! Kiếp sau, em nhất định sẽ không thèm ngó ngàng đến cậu, để coi tới lúc đó, cậu đáng thương cỡ nào?
Ta mở toang cửa sổ, an ủi Niên Ý:
- Niên Ý! Đừng buồn! Đời còn dài, trai còn nhiều! Cười lên đi cho đời nó tươi.
Niên Ý sụt sịt bảo ta:
- Tứ cô nương! Bây giờ không phải là lúc để đùa đâu. Cái thai của cô nương đã ngừng phát triển rồi, nếu nó cứ ở mãi trong bụng cô nương thì cô nương có thể sẽ mất mạng. Cô nương nhớ phải uống thuốc đều đặn nhé!
- Ta biết rồi. Ngươi yên tâm.
Ta nói một đằng nhưng làm một nẻo. Ta đã không hề uống thuốc. Ta không muốn thai nhi bị đẩy ra khỏi bụng mình. Sáng Mồng Ba Tết Kỷ Tỵ, trên đường đi bộ về trấn Sơn Nam, ta đã hái rất nhiều lộc non, mong cầu vào điều kỳ diệu. Ta hi vọng sư phụ chẩn đoán nhầm. Tuy nhiên, phép màu đã không xảy ra. Đêm Mồng Bốn Tết, đứa nhỏ chính thức rời xa ta. Hiện tại, tuy ta đi lại hết sức nhẹ nhàng nhưng máu vẫn ra khá nhiều, một ngày ta phải thay khăn xô khoảng chục lần, cứ như vậy mười ngày mới dứt. Trong phủ ta có nội gián, xung quanh cũng nhiều tai mắt nên ta chẳng dám đi gặp thầy lang, cũng không dám kêu khổ với ai cả. Tuổi trẻ bồng bột, ta nghĩ mình nên tự mình chịu trách nhiệm với những quyết định sai lầm chứ không cần thiết phải đóng vai nạn nhân hoặc kêu ca với ai cả.
Rằm tháng Hai, Ngọc Minh gửi thư cho ta báo tin Hoàng thượng vì quá thương nhớ Thái hậu nên ốm liên miên, Thái tử không đủ năng lực, chuyện triều chính bây giờ chủ yếu do Tứ Hoàng tử xử lý. Tình hình hiện tại quả thực không dễ dàng gì, nhiều vùng bị hạn mặn, đời sống rất khó khăn. Vùng không bị hạn mặn thì nhiều thổ phỉ, vùng không có thổ phỉ, kinh tế khá khẩm thì lại đua đòi trồng hoa anh túc. Tứ Hoàng tử bây giờ thời gian nghỉ ngơi còn không có, việc xuất cung là gần như không khả thi. Ngọc Minh ngỏ ý muốn đưa ta vào cung. Do cơ thể còn yếu, ta viết thư lại cho hắn, lấy lý do muốn ở trấn Sơn Nam rong chơi thêm nửa năm nữa để từ chối.
Rằm tháng Tám, Ngọc Minh gửi cho ta một hộp mười hai chiếc bánh trung thu kèm theo một lá thư giục giã ta vào cung. Sức khoẻ ta khi đó đã hồi phục, nhưng ta vẫn thấy áy náy về chuyện đứa nhỏ nên không biết phải đối diện với Vô Ưu như nào? Ta viện cớ trấn Sơn Nam sắp diễn ra hội thi tài cho các nữ thầy bói để trì hoãn việc vào cung. Cũng vào ngày hôm ấy, phú ông Anh Hải, phú bà Thị Triều đem kiệu hoa tới phủ ta, ngỏ ý muốn hỏi cưới ta cho Hải Triều. Hải Triều cũng đi theo thầy bu, hắn ngồi trên ngựa, vui vẻ báo với ta rằng hắn đã được thăng chức lên làm Tướng quân. Phú bà Thị Triều hồn nhiên khoe con trai mình mang mệnh Vô Chính Diệu có Nhật Nguyệt hội chiếu. Hắn túc trí đa mưu, học một biết mười, đường công danh sau này sẽ rất rộng mở, quyền uy có khả năng sẽ chỉ thua một người. Phú ông Anh Hải hào sảng nói nếu ta chịu về phủ làm dâu thì sẽ cắt mấy ngàn mẫu đất tặng cho sư phụ ta để đền đáp công ơn dưỡng dục của người. Mặc dù ta đã thẳng thừng từ chối bọn họ, nhưng theo như bức thư Ngọc Minh gửi cho ta vào Rằm tháng Chín thì Tứ Hoàng tử cực kỳ không vui. Hắn suýt chút nữa đã định ban tát cho cả nhà Hải Triều vì tội không biết trời cao đất dày là gì. Nhờ Ngọc Minh bên cạnh thủ thỉ nịnh nọt, thật may hắn đã hạ hoả, bằng không cái mặt vênh của phú bà Thị Triều mà ăn vài phát tát của Ngọc Trí thì không biết sẽ méo mó đến mức nào đây?
Rằm tháng Chạp, Ngọc Minh tới Sơn Nam nói cho ta biết nước láng giềng đã xâm phạm vào biên giới phía Nam rồi. Thái tử quỳ một ngày một đêm ở trước cung của Hoàng thượng để cầu xin người hạ lệnh cho Tứ Hoàng tử đích thân ra trận. Trong một năm qua, tuy rất nhiều binh lính cường tráng xin gia nhập đội quân Uy Vũ, nhưng so với một trăm vạn quân của giặc, năm mươi vạn quân của Tứ Hoàng tử quả thực có phần yếu thế. Hoàng thượng nắm trong tay hai mươi vạn quân, đề phòng trường hợp giặc đánh vào thành, người không thể điều đội quân của mình ra trận. Trong lúc Hoàng thượng còn đang băn khoăn, Thái tử đã nhanh nhẹn trình bày:
- Bẩm phụ hoàng, mong người chớ vì tình thân mà làm chậm trễ việc quân cấp bách. Từ khi biết được mẫu thân của mình là ai, nhi thần đã nhìn ra việc lập nhi thần làm Thái tử chẳng qua chỉ là một nước cờ của phụ hoàng. Thứ nhất, phụ hoàng muốn gia tộc của mẫu hậu phải luôn cố gắng lấy lòng phụ hoàng, như vậy mới tạo được tiền đồ tốt cho Tứ đệ. Thứ hai, phụ hoàng muốn những người nhòm ngó ngôi vị Thái tử sẽ chú ý tới nhi thần, nhờ đó mà Tứ đệ bớt gặp nguy hiểm. Thứ ba, chính là điều quan trọng nhất, người cũng giống như mẫu hậu, vô cùng nghiêm khắc với Tứ đệ, không trao cho Tứ đệ quyền lực quá sớm, đơn giản chỉ vì muốn rèn giũa đệ ấy.
Hoàng thượng cười cười bảo:
- Ngươi nghĩ nhiều rồi.
Thái tử quả quyết:
- Nhi thần có nghĩ nhiều hay không, trong lòng phụ hoàng tự biết. Phụ hoàng nếu đã định sẽ giao chiếc áo rồng cho Tứ đệ, tại sao không tận dụng cơ hội này để thử thách Tứ đệ? Nếu như số phận đã định sẵn Tứ đệ là người kế vị ngai vàng, chắc chắn lần này đệ ấy sẽ đem chiến thắng trở về. Đến lúc đó, phụ hoàng không cần mất công phế truất nhi thần. Nhi thần cam tâm tình nguyện rời khỏi cung, đi khắp thiên hạ phân phát của cải cho người nghèo.
Ta chau mày hỏi Ngọc Minh:
- Ta không tin Thái tử tốt như vậy, Hoàng thượng chắc sẽ không tin hắn đâu nhỉ?
Ngọc Minh thở dài nói:
- Có tin hay không thì với tình hình hiện tại, Hoàng thượng cũng không có sự lựa chọn nào tốt hơn công tử. Tứ cô nương! Sáng sớm ngày mai, công tử phải ra trận rồi. Công tử rất muốn gặp cô nương một lần trước khi lên đường. Mời cô nương đi theo ta.
Ta buồn bã lắc đầu. Không phải là ta không nhớ Vô Ưu mà là ta không đủ dũng khí gặp hắn. Hiện đang là năm Kỷ Tỵ rồi, nếu hắn gặp đại hạn vào năm Canh Ngọ, tức năm sau, thì lần này chẳng phải sẽ là lần gặp nhau cuối cùng ư? Chi bằng đừng gặp còn hơn, càng gặp, càng nhớ nhung. Nếu Vô Ưu may mắn thắng trận, thuận lợi khoác áo rồng, lúc ấy, hậu cung của hắn đông đúc, tình cảm hắn dành cho ta liệu có phai nhạt? Ta đi bộ quanh trấn Sơn Nam để giải khuây. Ta cũng không rõ mình đang đi đâu nữa, ta chỉ đơn giản là đi theo một chiếc diều màu đỏ đang bay lượn trên bầu trời trong xanh cao vời vợi thôi. Mãi tới chập tối, dây diều đứt, trông thấy chiếc diều rơi xuống cây cầu gỗ, ta liền vô thức chạy lên cầu. Lúc bấy giờ, ta mới để ý xung quanh cây cầu treo rất nhiều đèn l*иg, dưới sông thả đèn hoa đăng đẹp lung linh. Có một người còn đẹp hơn cả những chiếc đèn đó. Ta ngập ngừng hỏi hắn:
- Ngươi... vì sao... lại... ở đây?
Hắn ôn nhu hỏi ta:
- Nàng ương ngạnh, hết lần này tới lần khác từ chối ta. Nếu ta không chủ động bước tới bên nàng thì chúng ta sẽ lạc mất nhau sao?
Ta rơm rớm nước mắt. Những chiếc đèn trời lần lượt được thả lên không trung, tạo ra một khung cảnh rực rỡ vô cùng. Một người thường ngày phong độ ngút ngàn như Vô Ưu, không hiểu vì sao bữa nay tự dưng lại trở nên bối rối lạ lùng. Hắn quỳ xuống, có lẽ do quá hồi hộp nên hắn đã buột miệng hỏi ta một câu rất ngu:
- Tứ Tứ! Nàng có muốn đám cưới của mình được tổ chức trước sự chứng kiến của năm mươi vạn quân không?
Ta ngơ ngác chả hiểu gì. Vô Ưu giải thích:
- Nếu muốn thì phải gả cho ta... trong số nam nhân theo đuổi nàng, e rằng chỉ có ta mới làm được điều đó.
- Vô Ưu... ngươi... ngươi... đừng có nói với ta là... ngươi đang cầu thân đó nha!
Vô Ưu rất thật thà đáp:
- Ừ, đúng rồi! Ta đang cầu thân đấy!
Ta cười như nắc nẻ. Vô Ưu ngượng chín mặt. Hắn rối trí kề kiếm vào cổ ta, gằn giọng hỏi:
- Cười cái gì mà cười? Có gả không thì bảo?