Ta sốc nặng, tay cầm tờ giấy sư phụ viết mà run cầm cập. Có khả năng cao sẽ trở thành người khoác áo rồng... vậy... là Hoàng tử ư? Năm ta mười ba tuổi, hình như ta đã từng theo sư phụ tới nhà Tri phủ Thường Tín chơi, nghe lỏm được ông ấy bảo:
- Bách Tâm sư huynh! Nhị Hoàng tử và Tam Hoàng tử khuất núi đã lâu, Tứ Hoàng tử được đưa ra ngoài dạy dỗ từ nhỏ, năm mười tuổi mới hồi cung. Đệ nghe đồn khi trở về, Tứ Hoàng tử không thích nghi được với cuộc sống gò bó ở trong cung, đã gây ra rất nhiều chuyện chướng tai gai mắt. Ngũ Hoàng tử, Lục Hoàng tử và Thất Hoàng tử vẫn còn nhỏ. Với tình hình như hiện tại, đệ tin rằng sớm muộn gì ngôi vị Thái tử cũng sẽ thuộc về Đại Hoàng tử.
Sư phụ chỉ khẽ cười chứ không bàn tán thêm gì cả, cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên, như thể việc Tri phủ Thường Tín vừa nói là hiển nhiên. Y như ông ấy dự liệu, chỉ vài tuần sau đó, Hoàng thượng lập Đại Hoàng tử thành Thái tử. Tứ Hoàng tử không những không đố kị mà còn vui vẻ chúc mừng Thái tử rồi xin Hoàng thượng ban hôn cho mình với người trong mộng. Hoàng thượng phẫn nộ mắng:. TruyenHD
- Nghịch tử! Nam nhi chí tại bốn phương chứ không phải ở một con đàn bà. Chuyện hôn sự của ngươi, không đến lượt ngươi quản.
Tứ Hoàng tử hống hách tuyên bố:
- Nam nhi chí tại bốn phương mà đến một chuyện đơn giản như chọn thê tử, nhi thần cũng không thể quản thì chi bằng kiếp sau làm nam cẩu còn hơn!
- Ngươi! Hoang đường! Ngươi tự xem lại sự lựa chọn của mình đi! Kinh thành hoa lệ, có biết bao nhiêu nữ nhân xuất thân danh giá, đoan trang hiền thục, ngươi không chọn, lại đi chọn kẻ bị thầy bu ruồng bỏ, tham ăn, lươn lẹo, tối ngày chỉ thích rong chơi lêu lổng.
- Phụ hoàng đừng nghe đồn linh tinh. Nàng không tham ăn, nàng chỉ là dễ tính nên ăn gì cũng thấy ngon miệng. Nàng chưa từng lươn lẹo, nàng chỉ là có khả năng ứng biến linh hoạt. Nàng cũng không phải tối ngày chỉ thích rong chơi lêu lổng, nàng còn thích nhi thần nữa.
- Trẫm bắt đầu thấy cái sự lươn lẹo trong lời nói của ngươi rồi đấy! Đúng là gần mực thì đen! Trẫm mặc kệ ai thích ngươi, ngươi thích ai! Tóm lại, ngươi chỉ có thể tự chọn thϊếp, thê tử của ngươi phải do trẫm chọn.
- Nếu phụ hoàng đã cương quyết như vậy, chi bằng phụ hoàng thay nhi thần thành hôn luôn cho rồi.
- Ngươi! Ngông cuồng! Nếu biết có ngày này thì năm đó dẫu Dung phi khóc hết nước mắt cũng đừng hòng mong trẫm cho ngươi xuất cung. Ngươi mau cút về cung, tự đóng cửa sám hối đi!
Chả hiểu Tứ Hoàng tử sám hối kiểu gì mà nửa tháng sau, khi vừa được Hoàng thượng tha bổng cho đi săn cùng, hắn liền dùng cung tên tẩm độc bắn Thái tử trọng thương. Tứ Hoàng tử ngang bướng không chịu nhận tội. Hắn nhìn thẳng vào mắt Hoàng thượng, kiên định nói:
- Bẩm phụ hoàng, nhi thần chỉ muốn bắn hươu, là Thái tử cố ý lao tới chắn mũi tên.
Hoàng thượng chỉ trích Tứ Hoàng tử:
- Ngươi làm Thái tử bị trọng thương, không nói được câu xin lỗi thì thôi, còn ở đó mà bày đặt chống chế. Thái tử trước nay là người hiền đức, tâm sáng như gương, nào đâu biết tính kế nham hiểm như nhà ngươi? Người đâu! Đày Tứ Hoàng tử ra biên ải!
Người thường nghe tin bị đày ra biên ải chắc suy sụp dữ lắm, ít nhiều cũng phải quỳ lạy van xin phụ thân tha tội. Chỉ có Tứ Hoàng tử vẫn hào khí ngút trời, hiên ngang ra đi. Tứ Hoàng tử đã làm rất tốt trọng trách trấn giữ biên ải. Sau một năm, Tứ Hoàng tử thu phục được bộ tộc Trúc Nữ, khiến họ quy phục triều đình. Đây là việc mà hồi trẻ Hoàng thượng đã thất bại nên người vui mừng khôn xiết. Hoàng thượng đón Tứ Hoàng tử về cung, ra sức khen ngợi. Tứ Hoàng tử không thèm chớp thời cơ nói vài lời ngon ngọt làm vui lòng phụ hoàng mà chỉ bảo:
- Phụ hoàng quá khen! Bản lĩnh của nhi thần có hạn, chẳng qua được cái mặt đẹp nên vừa mới cạn xong ba chén rượu với thủ lĩnh của bộ tộc Trúc Nữ đã khiến nàng mê mẩn. Nhi thần nói gì, nàng đều nhất nhất nghe theo.
- Tứ đệ nói vậy chẳng khác nào chê năm xưa phụ hoàng không đẹp bằng đệ?
Thái tử hỏi đểu. Tứ Hoàng tử vô tư trả lời:
- Huynh chỉ giỏi hỏi thừa! Đệ nào có cái nốt ruồi trâu đậu ngay ở mép miệng bên trái như phụ hoàng đâu mà chả đẹp hơn người?
Hoàng thượng giận tím mặt. Trong các vị hoàng tử, nghe đồn Tứ Hoàng tử tài hoa bậc nhất. Nếu không vì Tứ Hoàng tử lắm tài nhiều tật, đam mê tửu sắc, nói năng ngông cuồng, hay gây chuyện thị phi thì có lẽ đã được Hoàng thượng sủng ái rồi.
Mọi việc xảy ra ở trong cung là ta nghe người ở quán nước tám chuyện nên biết thế thôi, chứ thực hư ra sao, ta chịu. Tam sao thất bản, đã gọi là lời đồn thì tất nhiên không thể tin tưởng tuyệt đối. Do tự mình nhìn sơ qua được gia thế của vị công tử đeo mặt nạ nên ta gần như chắc chắn hắn là Tứ Hoàng tử. Tuy nhiên, việc tương lai hắn sẽ khoác áo rồng, ta gần như không thể tin nổi. Quân vương tương lai của một đất nước chí ít cũng phải đàng hoàng, chính trực, nhân từ, bác ái như Thái tử chứ. Hơn nữa, tuy Tứ Hoàng tử và Thái tử đều do Hoàng Hậu nuôi dạy, nhưng nghe đồn mẫu thân sinh ra Tứ Hoàng tử là Dung phi. Gia thế Hoàng hậu hiển hách ghê lắm, bà không đời nào ủng hộ con trai của Dung phi lên ngôi đâu. Hoặc là sư phụ ta đã đoán sai, hoặc là vào năm Canh Ngọ, công tử sẽ không qua nổi đại hạn. Năm nay Mậu Thìn, năm sau Kỷ Tỵ rồi sẽ đến năm Canh Ngọ. Vậy là chỉ còn hai năm nữa thôi sao? Ta chợt rùng mình. Có gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng. Đừng! Ta không muốn công tử bị thiệt mạng. Chắc sư phụ ta nhầm lẫn tí thôi, chính người từng bảo xem vận mệnh cũng có những lúc sai mà, hi vọng thế!
Ta trằn trọc suốt một đêm không ngủ được, tờ mờ sáng ghé qua phòng khách, định sai Nhị đồ đệ đi pha ấm trà thì nghe thấy hắn đang xem bói cho người ta:
- Diệp Hương cô nương mệnh Kim. Nhung Nam công tử mệnh Thuỷ. Phụ nữ mệnh Kim như cô nương đều là những người quyết đoán, ngôn ngữ sắc bén, kiên định. Kim sinh Thuỷ. Nhung Nam công tử nếu lấy Diệp Hương cô nương thì danh vọng, tài lộc đều thịnh vượng, gia đình an yên, ngập tràn hạnh phúc.
Nhung Nam khẳng khái bảo:
- Dẫu tốt hay xấu thì kiếp này ta cũng sẽ chỉ lấy một mình nàng, tuyệt đối không rước thêm thϊếp.
Hai má Diệp Hương ửng hồng. Ta vui cho nàng, bật cười thành tiếng. Nàng đứng dậy đi ra khỏi phòng. Nàng kêu ta tới vườn mẫu đơn nói chuyện:
- Cảm tạ lời khuyên của Tứ cô nương. Thú nhận hết mọi chuyện với chàng xong, lòng ta như trút được gánh nặng ngàn cân. Chàng tất nhiên không tránh khỏi khổ tâm, nhưng chàng không trách mắng gì ta cả, chàng chỉ trách bản thân mình nghèo hèn. Chàng như vậy càng khiến ta thấy tội lỗi.
- Chuyện đã xảy ra rồi, cô nương đừng tự trách mình nữa. Ta chỉ thắc mắc là tại sao hôm trước cô nương không cùng các cô nương khác tố cáo Lam Hoà, như vậy sẽ nhận được đất, cũng đỡ tủi.
- Ta cam tâm tình nguyện nên không có tư cách tố cáo hắn, càng không có tư cách nhận đất.
Vậy là Diệp Hương chỉ ra công đường để minh oan cho ta thôi. Ta nể phục sự khẳng khái của nàng.
- Cô nương vì ta mà phải đứng ra tố cáo chị gái. Ta đã làm khó cho cô nương rồi.
- Không đâu. Thị Chuối bị tống vào nhà lao rồi sáu năm sau hối lỗi làm lại từ đầu còn hơn là sống cả đời sai trái. Chiều nay, ta và Nhung Nam sẽ lên đường tới kinh thành. Không biết còn có cơ hội gặp lại Tứ cô nương nữa không... Đây là chút tiền mọn, coi như ta thay mặt Thị Chuối xin lỗi cô nương. Mong cô nương nhận cho.
Diệp Hương đưa cho ta mười quan tiền. Ta tuy tham nhưng dẫu sao cũng là nữ nhân được sư phụ dạy bảo đàng hoàng, nào dám lấy tiền của người đang gặp khó khăn. Ta từ chối khéo:
- Cô nương và Nhung Nam đi đường xá xa xôi, ắt sẽ có nhiều lúc cần tiền. Thôi thì cô nương cứ giữ lấy phòng thân, sau này giàu rồi cho ta cũng chưa muộn.
Diệp Hương rưng rưng nước mắt bảo ta:
- Tứ cô nương! Thì ra cô nương chỉ đẹp đúng như lời đồn chứ cũng không đến nỗi tham và lươn như lời đồn!
- Cô nương quá khen! Quá khen!
Ta xấu hổ nói rồi từ biệt Diệp Hương. Kinh thành phồn hoa, biết bao nhiêu người từ trấn lên kinh thành sau đó ở lại luôn trên đó rồi. Vị công tử đeo mặt nạ kia cũng chẳng thấy quay trở lại trấn. Hải Triều tuy cũng bặt tăm nhưng hàng tháng vẫn cho người đều đặn gửi đồ ngon vật lạ về Sơn Nam cho ta.
Rằm tháng Tám, năm Mậu Thìn, tại Mẫu Đơn trang viên, ta đang nằm thư giãn trên chiếc võng mây trong vườn mẫu đơn thì Nhị đồ đệ ngọt giọng dụ ta:
- Sư phụ! Có khách trả mười lượng vàng, nói là muốn xem vận mệnh.
Nghe thấy mười lượng vàng, mắt ta sáng long lanh. Ta hứng khởi đeo khăn che mặt rồi đi theo Nhị đồ đệ. Hắn dẫn ta ra bờ sông. Hai thầy trò chúng ta cùng đi lên một chiếc thuyền cực lớn, hẳn hai tầng lận. Hắn đưa ta lên tầng hai, kêu ta ở đây đợi khách rồi xin phép về trước. Ta ngồi trên thuyền, ngắm non xanh nước biếc kể cũng thoải mái. Ngặt nỗi, đợi hoài, đợi mãi mà chẳng thấy khách đâu. Đến khi thấy thuyền bắt đầu di chuyển, ta mới hoảng hốt. Nhị đồ đệ ở trên bờ sông nói lớn:
- Sư phụ! Đệ tử chúc người thuận buồm xuôi gió.
Ta ức chế gào lên:
- Tên đồ đệ chết tiệt! Hoá ra ngươi lừa ta. Chỉ vì mấy lượng vàng mà ngươi dám bán đứng ta!
Nhị đồ đệ nhăn mặt bảo:
- Sư phụ! Người đánh giá mình quá cao rồi. Đệ tử có được thỏi vàng nào đâu? Có chăng chỉ là hai đĩa bún đậu mắm tôm miễn phí đến từ sư công Hải Triều thôi.
- Ủa? Ta có nghe lộn không vậy? Từ bao giờ Hải Triều trở thành sư công của ngươi vậy?
Hải Triều lên tiếng:
- Tứ cô nương bớt giận! Chắc Nhị đồ đệ thấy chúng ta đẹp đôi nên có ý gán ghép thôi.
Ta ấm ức nói:
- Ngươi chỉ được cái giỏi nói mồm thôi. Ngươi cứ thử bị lừa lên thuyền như ta xem! Không giận mới là lạ đấy! Thôi! Ta không thèm ở đây nhiều lời với ngươi nữa, bổn cô nương phải nhảy sông bơi về bờ đây, nhà bao việc!
- Tứ cô nương hãy khoan. Trên thuyền có mấy vị đầu bếp trứ danh đến từ kinh thành, Tứ cô nương có muốn giúp ta nếm thử tài nghệ của họ trước khi nhảy sông không?
- Cũng được. Có món gì ngon ngươi sai bọn họ đem hết lên đây, nể tình chúng ta thân quen, ta nếm giúp người! Ta cũng đang đói, sợ không có sức bơi vào bờ.
Ta tháo khăn che mặt ra để dùng bữa cho nó thoải mái. Hải Triều đâu phải lần đầu được chiêm ngưỡng nhan sắc của ta, vậy mà hắn vẫn cứ bị ngơ ra một lúc. Hắn hành xử như thể bị ta bỏ bùa mê thuốc lú. Hắn không chỉ sai đầu bếp nấu rất nhiều đồ ngon cho ta nếm mà còn ngồi bên cạnh hầu ta dùng bữa. Món tôm rim nước dừa thơm lừng, lại có hắn bóc vỏ tôm, ta kể cũng nhàn nhã. Ta muốn ăn món gì đều không phải động tay, luôn có hắn đút tận miệng. Ta ăn no cái bụng rồi mới để ý hắn nãy giờ chưa hề nếm món gì. Ta gắp miếng nem, chấm nước mắm chua ngọt rồi đặt vào bát hắn. Hắn ngắm nghía miếng nem mãi mới dám ăn, sau đó còn hết lời khen ngợi:
- Nem Tứ cô nương gắp có khác, ăn nó lại cứ thơm thơm ngọt ngọt bùi bùi, ngon hết phần thiên hạ.
Ta cũng khen lại hắn cho nó phải phép:
- Tôm Hải Triều bóc vỏ con nào con nấy cứ trắng nõn cả ra, ăn một miếng mà ngọt thấu tâm can.
Dứt lời, ta liền nghe thấy tiếng ho nhẹ. Ta ngẩng đầu lên... chợt thấy... công... công tử... đeo mặt nạ rồng. Công tử cũng ở trên thuyền hả? Đứng đó lâu chưa? Bảy tháng không gặp, công tử vẫn đẹp rạng ngời nha! Mỗi tội cái mặt cứ khó đăm đăm đi à. Ta bối rối mời:
- Công tử làm tí rau xào cho nó mát ruột không?
Công tử không trả lời. Hắn chỉ lườm một cái thôi mà Ngọc Minh cũng biết ý đem đĩa tôm rim nước dừa đổ vào sọt rác. Đồ phí phạm! Ta thề là ta ngứa mắt kinh khủng luôn ấy. Ta mà là sư phụ của hắn thì ta phạt hắn húp cháo loãng mười năm rồi. Ngặt nỗi, ta tuổi gì mà đòi dạy dỗ Tứ Hoàng tử? Ta chỉ dám nhắc khéo:
- Ngọc Minh! Công tử nhà ngươi xem chừng vẫn chưa khỏi viêm họng, mau đưa công tử xuống tầng dưới, chứ ở trên này nhỡ bị trúng gió rồi lại lăn quay ra thì nhục.
Ngọc Minh lễ phép nói:
- Tứ cô nương! Công tử đã khỏi viêm họng rồi ạ.
- Ủa? Vậy sao ban nãy công tử ho? Ta hỏi công tử cũng không nói. Không lẽ ngay cả khi không bị viêm họng, giọng công tử cũng vẫn khàn như vịt đực?
- Công tử ho là do có chút không vui. Còn giọng công tử như nào, Ngọc Minh không có gan nhận xét.
- Được rồi. Ngươi không nhận xét ta đây cũng chẳng hiếu kỳ. Thứ lỗi cho ta không rảnh tiếp chuyện với ngươi, ta phải ăn hoa quả tráng miệng đây.
Ta vừa dứt lời thì cả công tử và Hải Triều cùng lấy hoa quả đưa cho ta. Công tử đưa cho ta một quả nhãn. Hải Triều đưa cho ta một miếng xoài. Ta vốn cực kỳ thích ăn nhãn, nhưng ta sợ không nuốt trôi được đồ của Tứ Hoàng tử nên vội vã nhận lấy miếng xoài của Hải Triều nhâm nhi. Công tử tay nắm thành quyền, giận dữ bỏ đi. Ngọc Minh bực bội mắng ta:
- Tứ cô nương! Sao lần nào gặp, ngươi cũng đắc tội với công tử nhà ta vậy?
- Hả? Tội của ta là gì thế? Sao ta không biết?
Ta ngơ ngác hỏi. Ngọc Minh cáu kỉnh nói:
- Tội của ngươi là rõ ràng thích ăn nhãn hơn ăn xoài nhưng lại ăn xoài thay vì ăn nhãn.
Ủa? Tội gì mà phức tạp với cả lạ đời quá vậy? Đùa ta hả? Đừng có thấy ta phận nữ nhân chân yếu tay mềm mà thích đổ tội gì cho ta cũng được nha. Ta tức á! Thấy Ngọc Minh vội vã đi theo công tử, ta cũng hùng hổ đi theo. Ta đâu có biết tiếp theo mình sẽ làm gì đâu? Ta nào có gan chửi công tử khó ưa? Giận quá nên cứ thế đi thôi, chẳng suy nghĩ nhiều.
- Công tử bớt giận! Tứ cô nương dù sao cũng là nữ nhân, cũng ưa sủng thích ngọt giống các nữ nhân khác. Công tử khó tính quá làm Tứ cô nương kinh sợ rồi nhỡ nàng phải lòng Hải Triều thì sao?
Ngọc Minh nhỏ nhẹ hỏi. Công tử đột ngột quay lại, ta sợ bị lộ tẩy nên vội nấp mình đằng sau chiếc cột lớn, hi vọng ai kia sẽ không phát hiện ra. Ta nghe thấy tiếng bước chân. Hình như có người đang tiến về phía ta, cố ý đứng ngay đằng sau ta. Ta sợ, mặt vẫn úp vào chiếc cột chứ chẳng dám quay đầu lại. Người đó cầm tay ta, bỏ vào trong lòng bàn tay ta một vật gì đó tròn tròn, nhỏ nhỏ, ta đoán là quả nhãn. Môi người đó ghé sát tai ta, tưởng như là sắp nói thầm với ta điều gì đó. Nhưng mà, thật không ngờ, hắn lại cao giọng bảo Ngọc Minh:
- Ngươi lo xa quá rồi! Tứ Tứ là nữ nhân của ta, nàng đã chán sống đâu mà dám phải lòng kẻ khác!