Chương 6
MỘT GIẤC NGỦ SAU, không mộng mị và viễn cảnh được gặp lại Clara vào buổi chiều đã thuyết phục tôi rằng chuyện mình nhìn thấy hôm qua chỉ đơn thuần là trùng hợp. Có lẽ cơn bộc phát trí tưởng tượng bất chợt và háo hức ấy chỉ là phản ứng phụ của chặng phát triển nước rút tôi vẫn đang ngóng chờ, cái mốc mà theo lời cánh phụ nữ sống cùng khu nhà thì sẽ biến tôi thành một người đàn ông, nếu không được hơn người thì ít nhất cũng đạt tới chiều cao kha khá. Đúng bảy giờ, vận bộ quần áo đẹp nhất thường chỉ dành cho Chủ nhật, người đẫm mùi nước hoa Varón Dandy mượn của cha, tôi xuất hiện trước nhà Gustavo Barceló, sẵn sàng cho buổi ra mắt đầu tiên với tư cách người đọc sách riêng kiêm con sâu phòng khách. Tay buôn sách và cô cháu gái sống tại một căn hộ sang trọng trên khu Quảng trường Hoàng gia[1]. Một cô hầu gái mặc đồng phục, đội mũ trắng với ánh nhìn vô cảm của nhà binh, ra mở cửa cho tôi, phong cách phục vụ quá mức kiểu cách.[1. Nguyên gốc: Piaza Real.]
“Cậu Daniel phải không ạ,” cô ta nói. “Tôi là Bernarda, sẵn lòng phục vụ.”
Bernarda cố làm bộ ra cái giọng trang trọng mà vẫn không giấu hết được ngữ điệu vùng Cáceres đặc sệt dễ chừng phết lên được cả bánh mì nướng. Một cách phô trương và long trọng, chị ta dẫn tôi đi dọc khắp dinh cơ của Barceló. Căn hộ, vốn nằm ở tầng trệt, lượn quanh toà nhà tạo thành một chuỗi những hành lang, phòng khách và lối đi mà với tôi, kẻ vốn quen với căn hộ khiêm nhường của gia đình mình trên phố Santa Ana, nom như thể mô hình thu nhỏ của lâu đài Escorial tráng lệ. Rõ ràng là ngoài sách, cổ tịch và đủ loại thư liệu kỳ bí, Don Gustavo còn sưu tầm tượng tranh, và cả tranh thờ, ấy là chưa kể đến một hệ động thực vật vô cùng đông đảo. Tôi theo chân Bernarda xuyên qua hành lang chật ních những tán lá và sinh vật nhiệt đới. Một dải sáng vàng đùng đυ.c lững lờ chiếu xuyên qua vách kính hành lang, tiếng piano uể oải lơ lửng trong không khí. Bernarda xăm xăm xẻ lối qua khu rừng, vung hai cánh tay rắn rỏi như của phu khuân vác chẳng khác gì vung đôi rựa. Tôi theo sát gót chị ta, cùng lúc ngắm nghía mọi thứ xung quanh và chú ý thấy sự hiện diện của chừng năm sáu con mèo và ba chú vẹt mào (màu sắc sặc sỡ cùng hình dáng đủ loại kích cỡ), cô đầy tớ trịnh trọng giải thích rằng, đó là ngài Barcelo đã đặt tên cho là Ortega và Gasset[2]. Clara đang ngồi đợi tôi trong căn phòng khách ở phía bên kia khu rừng, hướng ra quảng trường. Quấn mình trong lớp váy có tông trong mờ màu ngọc lam, đối tượng của lòng khao khát rối bời trong tôi đang chơi piano dưới ánh nắng yếu ớt hắt xuống từ ô cửa sổ trên trần đầy hình đoá hoa hồng. Clara chơi tồi, không có lấy chút nhạy cảm về giai điệu và sai đến phân nửa số nốt nhạc, nhưng với tôi, khúc nhạc chiều cô chơi là thiên đường êm dịu. Tôi thấy Clara ngồi thẳng người bên bàn phím, miệng cười mỉm và đầu khẽ nghiêng sang bên, cô trông như thể hình hài nào đó chỉ có ở thiên đường. Tôi định hắng giọng thông báo sự hiện diện của mình, nhưng mùi nước hoa thoang thoảng đã phản lại tôi. Clara đột nhiên dừng chơi, một nụ cười bẽn lẽn sáng lên trên gương mặt cô.
[2. José Ortega y Gasset (1883-1955), triết gia nổi tiếng người Tây Ban Nha, ông từng nói một câu “Không có tự nhiên, chỉ có lịch sử”.]
“Trong giây lát tôi cứ tưởng em là ông bác tôi chứ,” cô nói. “Bác ấy cấm tôi không được chơi Mompou[3] vì những gì tôi làm với nhạc của ngài ấy chẳng khác gì báng bổ.”
[3. Federico Mompou (16/4/1893 – 30/5/1987): nhạc sĩ lớn người Tây Ban Nha.]
Ngài Mompou duy nhất mà tôi biết là ông linh mục hốc hác có thói huênh hoang dạy chúng tôi môn lý hoá ở trường. Kết quả của việc tổng hợp hai chi tiết đó đối với tôi vừa thật méo mó vừa hoàn toàn không thể nào có thật.
“Em lại nghĩ cô chơi thật tuyệt.”
“Tôi không cho là như vậy. Bác tôi là một người say mê âm nhạc thực sự, thậm chí bác ấy còn thuê hẳn một giáo viên âm nhạc để giúp tôi cải thiện trình độ - một nhà soạn nhạc trẻ tuổi đang bộc lộ nhiều triển vọng tên là Adrián Neriừng học tại Paris và Vienna. Em phải gặp anh ấy mới được. Adrián đang viết một bản giao hưởng mà sắp tới đây sẽ được dàn nhạc giao hưởng thành phố Barcelona trình diễn ra mắt – bác anh ấy giữ một chân trong ban điều hành dàn nhạc. Đó là một thiên tài.”
“Ông bác hay là gã cháu ạ?”
“Đừng xấu tính như thế, Daniel. Tôi dám chắc em sẽ mê Adrián như điếu đổ.”
Nhiều khả năng anh ta sẽ đổ xuống đầu tôi như một chiếc đại dương cầm bồ nhào từ trên tầng bảy xuống đất thì có, tôi nghĩ.
“Em ăn chút bánh chứ?” Clara mời tôi. “Bernarda làm bánh quế xốp ngon đến nghẹt thở đấy.”
Chúng tôi ăn bữa nhẹ ban chiều như ông hoàng bà hoàng, ngốn ngấu tất thảy những món người hầu gái bày ra trước mắt. Tôi chẳng biết gì về chuyện trong một dịp không mấy quen thuộc này thì nghi thức là gì nên chẳng biết phải cư xử ra sao cho đúng. Clara, vốn dường như luôn đoán biết được tôi đang nghĩ gì, bèn gợi ý rằng tôi hãy đọc Bóng hình của gió bất cứ khi nào thấy thích, và tốt nhất tôi nên đọc từ phần mở đầu. Thế là, cố bắt chước giọng nói văn vẻ khoa trương mà phát thanh viên kênh Truyền thanh Quốc gia dùng để đọc các đoản văn yêu nước trên trong chương trình phát sóng sau buổi Cầu kinh trưa, tôi quăng mình vào nhiệm vụ tái hiện ngôn từ của cuốn thiểu thuyết. Giọng tôi, tuy ban đầu có hơi cứng, dần dà cũng thoải mái hơn, chẳng mấy chốc tôi quên cả bản thân mà một lần nữa bị nhấn chìm vào dòng kể chuyện, khám phá thêm được những nhịp phách, những cụm từ diễn đạt nhịp nhàng tuôn chảy như những điệu thức âm nhạc, những bí ẩn hóc búa cấu thành bởi âm sắc và khoảng lặng mà tôi đã không chú ý tới trong lần đọc đầu tiên. Những chi tiết mới, những dòng hình ảnh và sự kiện không ngừng tiếp nối nhau xuất hiện giữa những dòng in, những hình hài tinh khôi cứ tự mình bộc lộ, giống như cấu trúc một toà nhà nhìn từ những góc khác nhau. Tôi đọc không ngừng trong khoảng một tiếng đồng hồ, kết thúc được năm chương, cho tới khi cổ họng rát khô và hơn nửa chục đồng hồ hoà âm reo vang khắp mọi ngóc ngách căn hộ, nhắc nhở tôi rằng trời đang trở muộn. Gấp sách lại, tôi nhận thấy Clara đang điềm tĩnh cười với mình.
“Nó có đôi chút gợi tôi nhớ lại Ngôi nhà màu đỏ,” cô nói. “Nhưng câu chuyện này có vẻ đỡ tăm tối hơn.”
“Cô đừng vội tin như vậy,” tôi nói. “Đây mới chỉ là khởi đầu thôi. Cà mọi thứ càng trở nên phức tạp.”
“Em phải đi rồi đúng không?” Clara hỏi.
“Em e là như vậy. Không phải em muốn đâu, nhưng…”
“Nếu không có việc gì khác, mai em lại đến nhé,” cô gợi ý. “Nhưng tôi không muốn lợi dụng em chút nào.”
“Sáu giờ nhé?” tôi đề nghị. “Như vậy chúng ta sẽ có thêm thời gian.”
Cuộc hẹn ấy tại phòng âm nhạc của căn hộ trên Quảng trường Hoàng gia đã trở thành khởi đầu cho nhiều buổi hẹn khác về sau diễn ra trong suốt mùa hè năm 1945 và nhiều năm tiếp theo đó. Chẳng mấy chốc, các cuộc viếng thăm của tôi gần như chuyển thành đều đặn hằng ngày, ngoại trừ thứ Ba và thứ Năm, những hôm Clara có buổi học nhạc với Adrián Neri. Tôi dành hàng giờ tại đó, và chẳng bao lâu tôi đã nhớ nằm lòng từng căn phòng, hành lang, từng cái cây trồng trong khu rừng của Don Gustavo. Bóng hình của gió đồng hành cùng chúng tôi được khoảng hai tuần, sau đó Clara và tôi cũng chẳng gặp mấy khó khăn khi tìm những cuốn kế tiếp để choáng trọn giờ đọc sách. Barceló sở hữu một thư viện hoành tráng, và, với khao khát thưởng thức thêm những cuốn sách tương tự của Julián Carax, chúng tôi thong thả diễu qua hàng chục tác phẩm kinh điển hạng hai, những cuốn tầm tầm hạng nhất. Có những buổi chiều chúng tôi hầu như không đọc sách, mà dành thời gian chỉ chuyện trò hay thậm chí cùng nhau ra ngoài tản bộ quanh quảng trường hoặc đến tận thánh đường. Clara rất thích lặng yên ngồi lắng nghe tiếng lầm rầm từ những người đi lại trong tu viện và đoán số người qua tiếng bước chân vọng tới trên các hành lang bằng đá. Cô yêu cầu tôi mô tả mặt tiền những ngôi nhà, con người, xe cộ, cửa tiệm, trụ đèn và quầy kính bày hàng mà chúng tôi đi qua. Thường cô hay nắm tay tôi để tôi dẫn bước qua một Barcelona riêng của cả hai, Barcelona mà chỉ cô và tôi thấy được. Chúng tôi luôn dừng lại trước một tiệm chuyên bán sản phẩm từ bơ sữa trên phố Petritxol, chia nhau bát kem đặc hay một cốc sô cô la nóng kèm những chiếc bánh quy xốp hình móng tay. Đôi khi người ngoài nhìn chúng tôi với đầy vẻ ngờ vực, và không chỉ một tay phục vụ cái-gì-cũng-biết gọi Clara là “chị gái của cậu”, nhưng tôi chẳng để tâm chút nào tới những lời giễu cợt và bóng gió của họ. Những lần khác, tôi không rõ là bởi ác tâm hay vì bệnh hoạn, Clara ra vẻ tin cẩn thổ lộ, cô kể ra những bí mật khó tin mà tôi không biết phải tiếp nhận ra sao. Một trong những chủ đề yêu thích của Clara là câu chuyện về một người lạ, rằng đôi lần người đó tiến đến gần bên khi Clara đang một mình trên phố và nói với cô bằng chất giọng đυ.c khàn. Con người bí hiểm này, không bao giờ tự xưng tên, tra về Don Gustavo và thậm chí cả về tôi. Có một lần hắn ta còn siết cổ Clara. Những câu chuyện như vậy hành hạ tôi không thương xót. Lần khác, Clara kể rằng đã cầu xin người được cho là kẻ lạ đó cho phép cô cảm nhận khuôn mặt hắn bằng đôi tay của mình. Hắn không đáp lại, và Clara coi đó là một sự ưng thuận. Khi cô vươn cánh tay lên rờ khuôn mặt hắn, kẻ lạ đột nhiên ngăn lại, nhưng Clara vẫn kịp cảm nhận thứ gì đó mà cô nghĩ là da thuộc.
“Cứ như hắn mang một cái mặt nạ bằng da vậy,” cô nói.
“Cô tự nghĩ ra chuyện đó mà thôi, Clara.”
Clara sẽ lại thề lên thề xuống rằng đó là sự thật, và tôi đành đầu hàng, cứ mãi bị hành hạ bởi hình bóng mơ hồ của kẻ thấy khoái lạc khi được mơn trớn chiếc cổ thiên nga của Clara – và có Chúa mới biết còn mơn trớn gì khác nữa – trong khi tất cả những gì tôi có thể làm là ao ước được như thế. Giá khi ấy tôi dành chút thời gian ngẫm kỹ, không chừng tôi đã nhận ra sự tận tâm của mình với Clara chẳng đem lại gì khác cho tôi ngoài dằn vặt đau đớn. Có lẽ cũng chính vì lý do đó mà tôi càng tôn sùng cô hơn, bởi điều xuẩn ngốc vĩnh viễn của con người là không ngừng theo đuổi kẻ khiến hắn tổn thương nhất. Trong suốt mùa hè ảm đạm sau cuộc nội chiến, điều duy nhất tôi ngay ngáy sợ là lúc phải nhập trường theo học kỳ mới, khi ấy tôi sẽ không còn có thể dành cả ngày bên Clara được nữa.
***
BỞI THƯỜNG XUYÊN thấy tôi đến viếng thăm can hộ, Bernarda, người mà vẻ ngoài khắt khe cố che lấp bản năng khao khát làm mẹ, đã dần trở lên yêu thích tôi, và theo cách riêng của mình, chị ta quyết định nhận đỡ đầu cho tôi.
“Thật dễ thấy cậu bé này không có mẹ, thư ngài,” Bernarda nói vậy với Barceló. “Tôi thấy thương nó quá, thằng nhỏ tội nghiệp.”
Bernarda đến Barcelona không lâu sau khi cuộc nội chiến kết thúc, chạy trốn khỏi nghèo đói và khỏi một người cha hễ cứ bất chợt ngày đẹp trời nào đó lại đánh đập chị thậm tệ rồi rủa chị là đồ ngu đần, xấu xí và hư hỏng; còn những ngày xấu trời, khi say khướt lão ta sẽ dồn chị lại trong một góc chuồng lợn mà sờ soạng cho đến khi chị phải khóc thét lên vì khϊếp hãi – khi ấy lão mới chịu buông tha, miệng không ngừng chửi Bernarda là làm cao và ngạo mạn y chang bà mẹ. Barceló tình cờ gặp Bernarda khi chị đang làm việc tại một quầy bán rau trong chợ Borne và, nghe theo trực giác, ông nhận chị vào làm việc trong căn hộ nh
“Chúng ta sẽ tạo dựng một vở Pygmalion hoàn toàn mới,” ông ta tuyên bố. “Cô sẽ là Eliza của tôi và tôi sẽ là giáo sư Higgins chủ cô[4].”
[4. Ý muốn nhại nội dung vở kịch kinh điển Pygmalion của kịch tác gia George Bernard Shaw, trong đó nhân vật chính là giáo sư Henry Higgins đã đặt ra mục tiêu rèn luyện cô gái bán hoa quê mùa Eliza trở thành một mệnh phụ sang trọng.]
Bernarda, người mà thị hiếu văn chương chỉ dừng ở mức thoả mãn với những bản tin truyền đạo của nhà thờ, liếc nhìn Barceló. “Tuy nghèo túng và dốt nát nhưng tôi cũng biết thế nào là khuôn phép thưa ông,” chị nói.
Barceló chắc chắn không được như kịch tác gia George Bernard Shaw, nhưng dù không thể ban tặng cho học trò của mình khả năng hùng biện và tâm hồn của một thiếu nữ văn chương, những nỗ lực của ông cũng rèn giũa được Bernarda và giúp chị nằm lòng điệu bộ cũng như cung cách ăn nói của một người hầu gái thành thị. Bernarda khi ấy hai mươi tám, nhưng với tôi chị cứ như phải vác gánh nặng hơn mười năm đằng đẵng trên lưng, cho dù điều đó chỉ thể hiện qua đôi mắt chị. Bernarda thường xuyên đi lễ nhà thờ và tận tâm nhiệt thành với nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức[5]. Mỗi sáng cứ đúng tám giờ chị đều lui tới Vương cung Thánh đường của nhà thờ Santa María del Mar và nhận việc tình nguyện ở đó, và chị xưng tội ban tuần một lần, bốn lần những khi trời ấm. Don Gustavo, kẻ vốn sùng bái thuyết bất khả tri (Bernarda ngờ rằng đó là tình trạng bất ổn gì đó liên quan đến đường hô hấp, như là bệnh suyễn, nhưng chỉ những đức ông tao nhã mới bị nhiễm), nhận định rằng, về mặt chính xác toán học, không thể có chuyện cô hầu gái nhà mình phạm phải nhiều tội đến mức phải tuân thủ cái lịch xưng tội và hối lỗi dày đặc như vậy.
[5. Lourdes (tên tiếng Việt: Lộ Đức) là một thành phố nhỏ miền Tây Nam nước Pháp. Thành phố này được nhiều người trên thế giới biết đến nhờ sự hiền lành của đức Mẹ Maria tại đây hơn 150 năm về trước.]
“Cô đáng quý như vàng vậy, Bernarda,” ông thường nói với vẻ căm phẫn. “Bọn người ngoài kia gây tội ác khắp nơi, đều bệnh hoạn trong tâm hồn và nếu cô hỏi tôi thì tôi nói thực, thậm chí trong lòng ruột chúng cũng phạm tội nữa. Căn bệnh đặc hữu của các vị thánh xứ Iberia này là táo bón mãn tính
Mỗi lần nghe những lời báng bổ như thế, Bernarda bèn làm đi làm lại dấu thánh đến năm lần. Sau đó, khi đêm xuống, chị sẽ cầu nguyện cho linh hồn bị nhuốm bẩn của Tôn ông Barceló, người vốn sở hữu một trái tim nhân hậu nhưng đầu óc đã bị mục ruỗng bởi đọc nhiều đến mức ngộ chữ, giống như cái gã Sancho Panza[6] ấy. Rất đỗi thường xuyên, Bernarda luôn vớ phải những gã bạn trai đánh đập chị tàn tệ, trắng trợn cướp đi số tiền ít ỏi chị dành dụm được trong ngân hàng, rồi chẳng chóng thì chày bọn chúng đều bỏ rơi chị. Mỗi lần như vậy, Bernarda lại giam mình nhiều ngày trong phòng, nơi chị thoả sức khóc ra cả đại dương nước mắt và thề sẽ tự tử bằng thuốc chuột hay thuốc nhuộm. Sau khi dùng đến sạch sành sanh những mánh lới thuyết phục mà chẳng đạt chút hiệu quả nào, lúc này Barceló thật sự hoảng lên bèn cho người gọi thợ khoá đến phá cửa. Sau đó sẽ tới lượt bác sĩ gia đình kê ra một đơn thuốc an thần mạnh đến mức ngay cả một cọn ngựa cũng phải im lặng. Khi cái sinh linh đáng thương tỉnh dậy hai hôm sau đó, tay buôn sách sẽ mua cả đống hoa hồng, sô cô la, một chiếc váy mới, lại còn đưa chị tới rạp chiếu bóng xem bộ phim mới nhất của Cary Grant, người mà theo quan điểm của Bernarda là đẹp trai nhất trong lịch sử loài người.
[6. Sancho Panza là người hầu của Don Quixote trong tác phẩm cùng tên của Miguel de Cervantes Saavedra. Người đọc nhiều đến mức tâm thần ở đây đáng ra phải là Don Quixote, nhưng do Bernarda không hiểu biết nên nhầm lẫn hết cả.]
“Ngài biết không? Người ta đồn rằng Cary Grant là người kẻ đồng tính,” Bernarda lẩm bẩm, miệng nhét đầy sô cô la, “điều đó có thật không?”
“Rác rưởi,” Barceló nguyền rủa. “Những kẻ trì độn và ngu dốt chỉ biết sống trong ghen ăn tức ở.”
“Ngài nói hay lắm. Quả đúng là ngài đã từng theo học cái trường đại học danh giá Sorbet gì đó.”
“Trường Sorbonne,” Barceló đáp, nhẹ nhàng sửa lại cho đúng.
Thực tình khó mà không yêu quý Bernarda. Chẳng cần phải nhờ, chị sẵn sàng nấu nướng và may vá cho tôi. Chị sửa cho tôi quần áo giày dép, chải và cắt tóc gọn gàng cho tôi, còn mua cho tôi cả vitamin và kem đánh răng nữa. Có lần nọ chị còn tặng tôi mặt dây chuyền nhỏ cùng một lọ đầy nước thánh được bà chị gái sống tại San Adrián del Besós lặn lội mang bằng xe buýt từ tận Lourdes bên nước Pháp. Đôi khi, trong lúc bới đầu tôi tìm chấy và những loài ký sinh khác, chị thường khẽ nhắc nhở tôi.
“Cô chủ Clara là người tuyệt vời nhất trên thế giới này, Chúa hẳn sẽ giáng sét xuống đầu tôi nếu tôi có dù chỉ đôi chút ý nghĩ phê phán cô chủ, nhưng sẽ rất không tốt nếu cậu, cậu Daniel, trở nên quá ám ảnh vì cô chủ, đấy là nếu cậu hiểu ý tôi.”
“Đừng lo, Bernarda, chúng tôi chỉ là bạn thôi mà.”
“Thì tôi chỉ cảnh báo như vậy thôi.”
Để minh hoạ cho luận điểm của mình, Bernarda nhắc đến vài ba câu chuyện nghe được trên đài phát thanh kể về cậu bé đem lòng yêu cô giáo dạy mình, một người đã bị yểm bùa chú báo thù. Ma thuật khiến tóc và răng cậu rụng hết, mặt và tay cậu bé phủ đầy những nốt sùi tội lỗi, cứ như những vết hủi của lòng ham muốn.
“Ham muốn không phải là điều tốt đâu,” Bernarda kết luận. “Tin tôi đi.”
Cho dù vẫn hay đùa cợt tôi, Don Gustavo có vẻ như thích sự tận tâm tôi dành cho Clara và lòng háo hức muốn được bầu bạn cùng cô. Tôi ngỡ rằng rất có thể chút độ lượng đó chẳng qua vì ông ta nhận định tôi chỉ là đứa nhóc vô hại. Thi thoảng, ông ta lại tuôn ra lời đề nghị đầy lôi cuốn là muốn mua lại cuốn tiểu thuyết của Carax từ tay tôi. Ông ta kể rằng đã nói chuyện ấy với bạn bè cùng phường buôn sách cũ, họ đều nhất trí rằng giờ đây một cuốn tiểu thuyết của Carax tương đương với cả một gia tài, đặc biệt là tại Paris. Tôi luôn từ chối những lời mời đó, mỗi lần như vậy ông ta đều cười láu lỉnh. Gustavo đưa tôi một chiếc chìa khoá căn hộ được đánh ra thêm để tôi có thể vào nhà mà không cần ái ngại không biết ông ta hay Bernarda có nhà để mở cửa hay không. Cha tôi thì lại là chuyện khác. Nhiều năm trôi qua, ông đã quên hẳn thói quen ít lời về những vấn đề thực sự khiến ông lo lắng. Một trong những hệ quả của tiến triển ấy là cha tôi bắt đầu thể hiện rõ sự phản đối mối quan hệ của tôi với Clara.
“Con nên ra ngoài chơi với bạn bè cùng lứa, như Tomás Aguilar ấy – dường như con đã quên mất Tomás dù đó là một cậu bé tuyệt vời – chứ đừng quẩn quanh một cô đã đủ tuổi đi lấy chồng.”
“Tuổi tác đâu có quan trọng gì nếu cả hai là bạn tốt của nhau
Điều khiến tôi đau lòng nhất là việc cha nhắc đến Tomás, bởi vì cha nói đúng. Tôi đã không đi chơi với Tomás hàng tháng nay, trong khi trước kia hai đứa cứ như hình với bóng. Cha nhìn tôi đầy khiển trách.
“Daniel, con chẳng biết gì về phụ nữ cả, cô gái này đang vờn con như con mèo vờn con hoàng yến nhỏ thôi.”
“Cha mới không hiểu biết gì về phụ nữ,” tôi bức xúc đối đáp. “Càng chẳng hiểu gì về Clara.”
Các cuộc trò chuyện của chúng tôi về vấn đề này hiếm khi vượt xa hơn vài ba lời khiển trách qua lại và những cái nhìn ra vẻ tổn thương. Khi không ở trường hay đến gặp Clara, tôi dành hết thời gian giúp cha tại tiệm sách. Tôi dọn dẹp phòng kho nằm sau cửa tiệm, giao sách tận nơi, chạy việc vặt, hay thậm chí tiếp khách hàng quen. Cha luôn phàn nàn rằng tôi chẳng thực sự để tâm vào công việc. Để đáp lại, tôi nói rằng mình đã dành cả đời làm việc tại tiệm sách này rồi và chẳng thể hiểu cha còn có thể phàn nàn về điều gì nữa. Nhiều đêm, khi cơn buồn ngủ không đến, tôi lại nằm thao thức và nhớ về cái hồi hai cha con thân thiết nhất, về cái thế giới nhỏ bé chúng tôi cùng chia sẻ suốt những năm sau khi mẹ ra đi, những năm tháng mà tôi chỉ nghĩ về cây bút của Victor Hugo và tàu hoả bằng thiếc. Tôi nhớ về chúng như những năm bình yên mà buồn bã, một thế giới đang biến đi dần và khởi sự bốc hơi đúng vào cái buổi rạng đông cha dẫn tôi đến Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên. Thời gian luôn chơi ở phe đối địch với ta. Một ngày nọ cha phát hiện ra tôi đã đưa cuốn tiểu thuyết của Carax cho Clara, thế là cơn giận trào dâng trong ông.
“Con khiến cha quá thất vọng, Daniel,” ông nói. “Khi cha đưa con đến nơi bí hiểm đó, cha đã nói rằng cuốn sách con chọn sẽ là một thứ vô cùng đặc biệt, rằng con sẽ phải nhận bảo trợ và chịu trách nhiệm về nó.”
“Hồi ấy con chỉ mới mười tuổi, cha ơi, đó chỉ là trò chơi của trẻ con.”
Cha nhìn tôi như thể tôi vừa dùng dao đâm ông.
“Giờ con đã mhười bốn, nhưng không những con vẫn chỉ là một thằng nhóc, con còn là một thằng nhóc tưởng rằng mình là đàn ông. Cuộc đời này rồi sẽ thụi cho con vài cú nặng nề, Daniel. Sẽ rất chóng thôi.”
Khi ấy tôi đã muốn tin rằng cha mình thấy tủi hờn bởi tôi dành quá nhiều thời gian ở bên gia đình Barceló. Gã buôn sách và cháu gái ông ta sống một cuộc đời sung túc mà cha tôi chỉ dám mơ tới. Tôi những tưởng rằng cha phẫn nộ vì cô hầu gái nhà Gustavo cư xử cứ như mẹ ruột của tôi, ông bức xúc trước việc tôi chấp thuận rằng người khác có thể thay thế vị trí ấy. Đôi khi, lúc đang gói sách ở phòng trong và chuẩn bị đơn hàng, tôi thường nghe khách hàng đùa với cha mình.
“Anh cần một người phụ nữ đảm đang, Sempere ạ. Thời nay khắp nơi đầy rẫy những cô góa xinh đẹp đang ở độ son nhất của cuộc đời, anh hiểu ý tôi không. Một cô gái trẻ chỉ khiến anh tổn thọ mà thôi, bạn tôi ơi, thậm chí có thể cướp đi của anh những hai chục năm tuổi thọ ấy. Điều mà một bộ ngực đẹp không thể làm được…”
Cha tôi chẳng bao giờ phản ứng lại những lời bóng gió ấy, nhưng càng ngày tôi càng thấy chúng hợp lý. Lần nọ, nhân giờ ăn tối vốn đã biến thành chiến trường của sự câm lặng và những cái nhìn lén lút, tôi đem vấn đề đó ra đề cập. Tôi nghĩ rằng nếu mình là người gợi ý, mọi chuyện hẳn sẽ dễ dàng hơn. Cha tôi là một người đàn ông hấp dẫn, luôn biết giữ ngoại hình sạch sẽ gọn gàng, và tôi biết một điều hiển nhiên rằng phải có đến vài ba phụ nữ láng giềng tỏ ra thích ông và sẵn sàng hưởng ứng nhiều điều khác từ cha tôi chứ không chỉ những lời giới thiệu sách hay nên đọc.
“Với con thì kiếm được một người thay thế mẹ mình rất dễ,” cha tôi cay đắng nói. “Nhưng với cha thì không thể có người như vậy, mà cha cũng chẳng hứng thú với việc kiếm tìm.”
Thời gian cứ thế trôi đi, những lời nhắc khéo của cha tôi và Bernarda, thậm chí cả những câu nói đầy ẩn ý của Barceló đã bắt đầu để lại dấu ấn trong tôi. Có gì đó trong lòng mách bảo rằng tôi đang đâm đầu vào ngõ cụt, rằng không thể hy vọng Clara nhìn thấy ở tôi thứ gì khác hơn một cậu nhóc kém cô mười tuổi. Ngày ngày trôi qua, mỗi lần ở bên Clara càng khiến tôi thấy khó nhọc hơn, khi phải chịu đựng những động chạm từ đôi bàn tay cô hay khoác tay cô mỗi lần chúng tôi đi dạo. Thậm chí đến một lúc mà sự gần gũi với Clara gần như chuyển thành đớn đau thể xác. Người xung quanh không ai không nhận thức rõ được điều ấy, đặc biệt là Clara.
“Daniel, tôi nghĩ hai ta cần nói chuyện,” cô nói. “Tôi e rằng mình đã cư xử không đúng đối với em…”
Tôi không bao giờ để cô nói nốt những lời ấy. Tôi thường viện bất cứ cái cớ cũ rích nào để rời phòng mà trốn chạy không đủ dũng khí đối mặt với khả năng rằng cái thế giới đầy ảo tưởng mình dựng lên quanh Clara có thể đang tan rã. Tôi không hề biết rằng những rắc rối của mình chỉ mới đang bắt đầu.