Chương 7
Sau khi rời khỏi thành phố đèn đuốc sáng choang đồng quê trống trải dường như tối hẳn cho đến khi Canuela dần dần quen mắt với bóng tối. Trên cao sao đang ló dạng và khắp vùng đất thẳng tắp mênh mông khoảng trời rộng bao la dường như trải ra đến tận chân trời vô định.Chuyến đi êm thắm, tuy nhiên họ không thể đi nhanh vì Alberto không những điều khiển ngựa của anh ta mà luôn cả ngựa đem theo cho Ramón. Canuela hiểu rõ Alberto đang cho là cô lạc quan khi nói rằng senor sẽ trở về cùng với họ. Tuy vậy anh ta lo lắng đến nẫu người không chỉ cho an toàn của chủ mình, nhưng còn cứu vãn mặt mũi trước những lời bóng gió cho anh là kẻ hèn nhát.
Dù sao đi nữa cô cũng không bận tâm đến cảm giác của Alberto nhưng chỉ nhức nhối băn khoăn không biết cô có đoán đúng chỗ giam cầm Ramón hay không. Dạo trước ba cô rất quan tâm đến những phế thành của các nhà truyền giáo Jesuit, được thiết lập vào khoảng giữa thế kỷ 17. Hai cha con đã từng tham quan các tàn tích cổ xưa khi du hành khắp nơi trong Argentina.
Những phế tích quan trọng nhất được tìm thấy trong tỉnh Misiones, nhưng còn khá nhiều các di tích khác và một nơi đặc biệt gần thành phố Buenos Aires. Lionel Arlington đã giải thích cho con gái rằng trong Argentina người Spaniard từng gặp khó khăn trong lúc xâm chiếm và thành lập thuộc địa vì người Indian chủ yếu là dân săn bắn – không phải là người chuyên về đồng áng hay thợ thuyền.
Họ rất nhanh chân, trên đồng cỏ hoang bạt ngàn họ chạy nhanh không thua gì đà điểu, nên càng tạo cho họ lợi thế trốn thoát chủ nhân. Thế nên người Spaniard nhận ra điều chủ yếu là cần xây những nơi để giam giữ dân Indian ít hay nhiều như nô ɭệ và ép họ phải làm việc dưới sự quản thúc của những đốc công tinh mắt. Vì lẽ đó những trung tâm truyền giáo Jesuit là những phố nhỏ bên trong, bao quanh bằng những lớp tường thành được canh giữ chặt chẽ. Các trung tâm này ngoài việc chứa những tu viện hay nữ tu viện với các hành lang dài còn là nơi cầm tù các lao công Indian.
Canuela từng say mê bởi vẻ đẹp của những tàn tích vẫn còn lưu lại. Nét tráng lệ của những hàng cột và nền đá chạm nổi tỉ mỉ là công trình thủ công tuyệt diệu của người Indian. Phế tích cô đang tới hiện giờ và cũng là nơi cô đoan quyết bọn du kích lập thành tổng hành dinh là nơi biệt lập cách xa các con đường chính.
Trước đây ba và cô đã tình cờ khám phá ra nơi này trong một lần đi dạo. Phế tích nằm trong trung tâm của những lớp giậu gai tua tủa dầy đặc rất khó cho người hay ngựa vượt qua. Nhưng hai cha con đã phát hiện một lối đi xuyên qua lớp rào cản thiên nhiên và Canuela nhận ra việc canh gác cổ thành thật dễ dàng chỉ cần phái hai người đứng canh ngay lối vào là đủ vì không có cách nào khác để tiếp cận thành.
Tuy nhiên kinh nghiệm nhiều năm dày công nghiên cứu đã dạy Lionel Arlington rằng nô ɭệ Indian có phương pháp riêng trốn thoát quân xâm lăng. Vẻ quyến rũ của đồng cỏ hoang còn mạnh mẽ hơn cả nỗi lo sợ bị gϊếŧ hay bị ngược đãi, và trong một số nơi người Spaniard phải thừa nhận bó tay vì không tài nào tiến hành sự nghiệp chinh phục với lực lượng nhân công càng ngày càng thất thoát.
“Làm sao họ trốn được hả ba?”
“Trong lúc họ chạm khắc các cột trụ chống đỡ cho tường, nền, hay bệ là những nét kiến trúc làm cho các tòa nhà của người Jesuit trở nên lừng danh, họ đào luôn đường hầm để trốn. Những lối đi ngầm này rất cần thiết đối với họ!”
“Nhưng rất nguy hiểm cho họ,” Canuela nhận xét.
“Bị phát giác có nghĩa là bị gϊếŧ ngay lập tức và đã có vô số trường hợp xảy ra như thế,” Lionel Arlington đáp lại. “Nhưng chúng ta vẫn có thể tìm thấy trong các cổ thành những địa đạo đưa dân Indian ra đến đồng cỏ hoang yêu mến của họ.”
“Cho con xem một cái đi ba!” Canuela nài nỉ.
“Trước hết mình phải tìm đã con ạ,” Lionel Arlington hóm hỉnh trả lời cô con gái.
Tham quan cổ thành bên ngoài Buenos Aires không hơn tám lần thì Lionel đã khám phá ra bí đạo. Lần đó họ đắc thắng trở về báo cho bà Arlington và bà có hứa sẽ đi chung với họ lần tới để xem đường hầm bí mật mà họ vô cùng hãnh diện. Nhưng trước khi bà đi được thì vụ đàm tiếu của chồng bà đã nổ ra và họ phải về Anh.
Nhớ lại sơ đồ của phế tích, Canuela đoan chắc Ramón bị giam trong chỗ từng là khu vực trú ngụ của dân Indian trước đây. Tường thành ở đó dày hơn và có lẽ cứng cáp hơn vì không được trang hoàng, vẫn kiên gan chống lại sự tàn phá của thời gian.
Chỗ đấy là căn phòng rộng gần giống như một cái hộp hình chữ nhật, phòng không có mái nhưng có lối thông ra khoảng sân chính của trung tâm. Kiểu xây như thế tiện lợi cho quân canh gác nhưng lại vô kế khả thi cho tù nhân bên trong tìm đường tẩu thoát trừ phi người đó có phương tiện leo qua được tường thành cao tới 20 feet, thậm chí nếu leo qua nổi anh ta cũng chỉ ra được tới hàng giậu gai bên ngoài.
“Thế nào đó cũng là chỗ senor bị giam!” Canuela tự nhủ rồi bất chợt lòng cồn cào vì e rằng nhỡ bọn chúng đã ra tay phương hại hay hành hạ anh. Ngực cô nhói đau vì sợ hãi cho Ramón. Ngay trong lúc cô tự bảo mình cảm giác đó là sai và là sự bội phản lòng thương yêu của cô cho ba mình, cô vẫn biết không trở lực nào có thể dìm xuống cảm giác ấy.
“Sao tôi lại ngu như vậy,” cô tự hỏi mình, “vì không nhận ra ở riêng với người đàn ông thu hút nhất Argentina thì sẽ không thể tránh được yêu đương với anh ta?”
Còn tình cảnh nào vô vọng hơn khi yêu người đàn ông mà có biết bao nhiêu phụ nữ trong nước sẵn sàng lao vào vòng tay anh ta trước khi anh ta lên tiếng yêu cầu?
Đối với anh cô chẳng có ảnh hưởng nào ngoại trừ là người hầu cao cấp. Như cô đã từng nói với anh là cô rất ý thức được vị thế của mình trong giai cấp của anh. Người Spaniard sẽ tuyệt đối không hạ thấp danh dự của mình bằng cách kết hôn với người địa vị xã hội thấp kém, và các đại gia tộc Argentines thường kết hôn qua lại với nhau và vô cùng tự hào về giòng tộc của họ còn hơn cả tầng lớp qúy tộc Anh.
Lao vun vυ't vào màn đêm trước mắt, Canuela cáu kỉnh tự hỏi.
“Tại sao tôi lại nghĩ đến hôn nhân?”
Cô quá thấu hiểu hôn nhân đối với cô là chuyện không tưởng. Trước đây cô từng đối diện với sự thật phũ phàng này và thậm chí nghĩ đến việc thành hôn với Ramón de Lopez lại thêm nực cười. Cô chỉ là một người bị xã hội ruồng bỏ – một thân phận cùng đinh – con gái của người bị kết tội phản quốc, vì lẽ đó cô không thể nào trở thành vợ của bất cứ người đàn ông tử tế nào.
“Nhưng tôi yêu anh ấy! Tôi yêu anh ấy!” lòng cô cứ tuyệt vọng thổn thức.
Chính vì thâm tâm quá đau đớn cô càng thúc ngựa chạy nhanh hơn cho đến khi cô nhận ra mình đã bỏ rơi Alberto mãi phía sau. Khi họ đi gần cả tiếng Canuela kéo cương cho ngựa chậm lại, khi thấy Alberto cũng làm y hệt bỗng dưng cô phát hoảng trong giây lát.
Nhỡ cô quên đường đi thì sao? Lỡ như cô không tìm được cái mình cần tìm?
Rồi ở một khoảng ngắn đằng trước cô thấy chỗ mình trông đợi, bóng đen của những bụi lùm gần một tảng đá trông như bị một bàn tay khổng lồ ném tới trước. Đây là chỗ cô dự định để ngựa lại. Cô cho ngựa tới bên bụi cây vào trao dây cương cho Alberto, lúc này đã xuống yên.
“Anh ở lại đây!” cô thì thào dặn, “và nhớ giữ yên lặng. Tiếng động sẽ truyền đi đấy.”
Cô biết là anh ta cũng nhận thức được điều này nên không lên tiếng trả lời cô chỉ lẳng lặng gật đầu tỏ ý hiểu lời cô.
Cô tránh khoảng đất đầy bụi lùm lởm chởm nơi này cỏ cao không mọc được, nhưng cô biết vào ban ngày sẽ thấy được những loại hoa như bạc hà, cúc dại, và loại đậu có hoa. Cô đi tiếp tới chỗ đất gồ ghề hơn và hơi xuôi xuống. Giáo khu này được xây trên đồi, đồi ở miền này tuy không cao lắm nhưng trông nhô lên hẳn so với vùng đất chung quanh.
Ngay chân của con dốc cao thiên nhiên Canuela tìm chỗ mà ba và cô khám phá cách đây ba năm. Thông đạo bị che khuất bởi các bụi cỏ và cây dại vào mùa này đang mọc tràn lan. Nhưng những hòn đá mà họ dùng để chặn và lấp lối ra vẫn còn đó. Cô kéo từng hòn ra một, thận trọng không dám gây tiếng động, cho đến khi trước mắt cô hiện ra thông đạo tối thui, chỉ vừa đủ rộng cho một người chui vào.
Trước khi đi Canuela đã gắn đèn l*иg vào yên. Loay hoay mãi vẫn không kiếm được cái nào, cuối cùng cô đành phải nhờ Dolores tìm giúp. Đó là loại đèn nhỏ những người chăn gia súc hay nông dân thường mang theo vào buổi tối, chỉ chứa một mẩu nến dầy bao quanh là lớp kính cứng.
Cô bò vào bí đạo nhỏ, lấy thân người che đèn lại, và sau khi tiến thêm hai hay ba yards cô mới ngồi lên và châm đèn. Theo như cô nhớ, nóc hầm chỗ này cao hơn cho một người đi lọt nếu khom lưng.
Nóc hầm được đυ.c từ đá, thợ thủ công lúc đó phải mất biết bao công sức mới có thể chôn sâu dưới mặt đất như thế vì thiếu thốn dụng cụ. Do tài nghệ xuất chúng của họ, đường hầm vẫn đứng vững qua ba thế kỷ. Vừa cầm đèn Canuela vừa di chuyển dọc theo hầm.
Lưng cô bắt đầu nhức khi cô trèo ngược mãi lên trên cho đến cuối cùng trước mặt cô xuất hiện lối đi hẹp dẫn xuống dưới đến tận một lỗ hổng nhỏ tương tự như miệng hầm cô chui vào lúc nãy. Cô xem xét lỗ hổng thật cẩn thận và đưa tay tìm cái đòn bẩy mà ba cô từng chỉ cho cô, đòn này có thể dời một tảng đá lớn ở chân tường bên trong căn phòng giam nô ɭệ, và được sáng chế tài tình đến độ nhìn từ bên trong không thể nào phân biệt được.
Tảng đá mở ra bí đạo giống những tảng đá khác ngay chân tường y như đúc. Nhưng khối đá này nằm trên một trụ xoay. Chính nhờ vào lòng kiên quyết và kinh nghiệm đúc kết từ các lần thám hiểm trước đã giúp ông biết chỗ dò tìm, và kết quả là họ đã khám phá ra đường trốn thoát của dân Indian.
Qua nhiều năm, đòn bẩy đã han rỉ, nhưng họ đã lau chùi sạch sẽ và tra dầu cho đến khi có thể dịch chuyển dễ dàng. Giờ đây Canuela chỉ có thể cầu nguyện vì kể từ lần hai cha con đến đây đòn bẩy chưa bao giờ bị khựng. Lỡ như nó có vấn đề, cô cũng không chắc mình dùng một tay có thể đẩy nổi.
Cô bỏ đèn xuống đất dùng cả hai tay đẩy và thấy tảng đá nhích đi một chút. Người cô căng thẳng khi bẩy đá vì lo sợ đến cuối cùng mọi việc trở thành công dã tràng. Nhưng bây giờ cô đoan chắc mình có thể dời được, việc còn lại duy nhất là xem cô đoán đúng chỗ giam Ramón hay không.
Cô thổi tắt đèn và đẩy cần như ba cô từng chỉ, cô cảm thấy tảng đá lớn chuyển động tới trước. Rồi cô nghe có tiếng nói. Tiếng đàn ông nói chuyện với nhau, tiếng cười vang lên hô hố, rồi thật bất ngờ là tiếng đàn guitar.
Canuela hít hơi. Thật không còn gì tuyệt hơn nữa!
Tiếng đàn sẽ át đi những âm thanh phát ra từ đá. Khối đá dầy cui nặng trịch nhưng cô ráng đẩy rộng ra thêm chút nữa. Giờ thì cô thấy được ánh sáng và ngửi được mùi từ đám lửa và vị thuốc lá sống. Nhìn qua khe hở rộng chưa tới một inch, thoạt tiên cô thấy phía tay phải những du kích quân ngồi quanh đám lửa nhóm trong sân. Ánh lửa soi rõ gương mặt họ, thô lỗ cục mịch, râu mọc tua tủa. Vài tên đưa chai lên miệng tu hay nhai nhồm nhoàm thức ăn nấu ngay trên đám lửa.
Thật chậm rãi Canuela mở khối đá thêm một tí nữa. Lúc này nhìn ra trước cô giật mình khi thấy Ramón ngay trước mặt. Anh đang ngồi trong bóng tối lưng dựa vào vách tường gần như đối diện với cô. Dù trong tư thế ngồi duỗi dài trên sàn chân mang giày ủng cao anh vẫn trông ung dung lịch lãm đến không ngờ. Cô thầm hỏi anh đang nghĩ ngợi gì, vì anh dường như không hề chú ý tới tiếng cười đùa của bọn người ngồi quanh đám lửa.
Cô lại đẩy tảng đá tới trước và ngay lúc đó cô nhận thấy tên gác với khẩu súng ngang qua gối đang ngồi dựa vào bức tường bên ngoài hướng ra đống lửa, lưng hắn quay về phía cô ngay mặt bên kia của lối vào phòng. Hắn ngồi ngay vị trí đó nên nếu có ai muốn trốn cũng không thể nào vượt qua căn phòng như cái nhà tù thiên nhiên mà không bị phát giác.
Canuela nới khe hở rộng hơn nữa, đến bây giờ thì cô có thể luồn đầu và vai qua khe. Cô nhìn thẳng vào Ramón, nhưng thấy anh vẫn chìm đắm trong suy nghĩ nên chưa thấy cô hay tỏ ý quan tâm đến mọi chuyện xảy ra chung quanh. Cô phân vân không biết làm cách nào cho anh để ý. Rồi cô cảm thấy mình có thể dùng thần giao cách cảm thu hút sự chú ý của anh. Nếu cô muốn anh nghĩ đến cô, chắc chắn sự hiện diện của cô ở đó bằng cách nào đấy sẽ ghi khắc vào tiềm thức của anh.
Cô đăm đăm nhìn anh và bởi vì không ngăn được lòng mình cô thấy mình thì thầm.
“Em yêu anh! Em yêu anh lắm!”
Như thể cô đã nói lớn những từ ngữ đó, trong tích tắc cô đã thu hút được sự chú ý của anh. Cô thấy anh sững người, đầu ngước lên nhưng tinh tế không ngẩng lên quá nhanh hay có bất cứ hành động nào, chỉ nhìn chăm chăm về hướng cô.
Canuela đưa tay ra hiệu, rồi thụt lui cho anh thấy chỗ cô ngồi là lỗ hổng, trống lốc tối đen, như thế anh sẽ hiểu ra.
Ramón chậm chạp trỗi dậy, rồi ngáp dài và vươn vai.
Ngay cử động đầu tiên của anh, tên gác quay đầu lại.
“Nền đất chết tiệt cứng không chịu nổi!” Ramón càu nhàu than phiền.
“Vậy ngài muốn gì, senor,” tên gác đáp lại, “giường nệm lông ngỗng hả?” Hắn phá lên cười khinh miệt.
“Đương nhiên là tôi muốn cái đó rồi,” Ramón trả lời.
“Nếu ngày mai một triệu pesos đưa tới biết đâu tôi sẽ sắm cho ngài một cái,” hắn châm biếm.
“Không chừng tôi bắt anh phải giữ lời hứa đấy,” Ramón đáp lại.
Anh dửng dưng bước qua phía bên kia tựa người vào vách tường gần lỗ hổng, rồi chậm rãi thả người xuống sàn và dùng gót giầy khua ầm ĩ trên sàn.
Tiếng đàn guitar vang lớn hơn và tên khảy đàn bắt đầu cất giọng ca một bản lời lẽ thật tục tằn. Mấy tên kia cũng nhào vào hưởng ứng. Tên gác cầm chai rượu bên cạnh đưa lên miệng tu. Ngay lúc đó Ramón xoay người và trườn vào lỗ hổng nhanh như cắt y như một con rắn.
Khoảng trống vừa đủ lớn cho anh luồn bờ vai rộng qua, và ngay khi anh chui vào bóng tối Canuela đưa tay ra nắm lấy tay anh kéo Ramón vào sâu hơn trong đường hầm. Cô bò vượt qua anh, và mò mẫm tìm cần đẩy để kéo tảng đá về chỗ cũ. Thật quá khó để đóng sát lại và cô toan nghĩ đến việc nhờ anh giúp. Nhưng thình lình tảng đá chuồi vào chỗ, y như lúc trước sau khi ba cô tra dầu.
Giờ đây chỉ còn lại bóng tối, nhưng cô nghe được tiếng thở của anh. Cô lại bò vượt qua anh để tìm đèn. Canuela thắp đèn và giơ lên cao, trong ánh sáng cô thấy anh ngồi dưới đất chăm chú nhìn cô. Dưới ánh đèn chập chờn trông anh thật cường tráng, tuấn tú và mắt ánh lên vẻ lạ lẫm khiến cô thẹn thùng.
Cô đưa cao đèn soi lối đi, rồi lẳng lặng đi ngược xuống thông đạo thấp. Cô đi chậm vì biết khoảng trần thấp vô cùng bất tiện cho anh. Đường hầm này làm cho dân Indian, khổ người của họ nhỏ hơn nhiều so với Ramón và cô biết anh gần như phải gập người lại để theo sau cô.
Nhưng điều hệ trọng nhất hiện giờ là họ phải thoát khỏi đây nhanh chóng. Khi bọn du kích phát hiện anh mất tích chúng chắc chắn sẽ bắt đầu lục soát khu vực lân cận ngay lập tức. Thế nào bọn chúng cũng cho rằng anh trèo qua tường, dù giả thiết này là bất khả thi, và tìm cách chui qua hàng giậu lẻn ra ngoài đồng trống.
Bị bắt lại thì đúng đại họa, Canuela hiểu rõ điều đó, nên họ không thể phí hoài bất cứ giây phút nào. May mắn là đi xuôi xuống dễ dàng hơn đi ngược lên. Tuy nhiên Canuela lại cảm thấy họ đi quá lâu dù trên thực tế họ mất có vài phút trước khi đến được lối đi hẹp Canuela chui vào lúc ban đầu.
Gió lùa vào đường hầm mát rượi trong lành, Canuela thổi tắt nến và đóng cánh cửa đèn bé xíu. Tắt đèn xong cô toan bò ra trước, nhưng cô ngạc nhiên thấy Ramón giữ vai cô lại. Anh kéo cô sang một bên rồi tiến tới trước. Cô hiểu ngay anh làm thế là vì nếu có chuyện rủi ro anh sẽ là người đầu tiên ứng phó. Lặng lẽ theo sau anh, cô thấy bóng Ramón tương phản trên nền trời nạm đầy sao.
Cô bò theo anh ra đến miệng hầm và thấy anh đã đứng ở đó đón cô. Anh kéo cô đứng dậy, rồi khi cô vừa vươn thẳng người thì anh đã ôm chầm lấy cô và môi anh đáp xuống môi cô. Từ nãy đến giờ vì quá chú tâm đưa anh thoát hiểm nên hành động của anh khiến cô hoàn toàn ngạc nhiên.
Trong thoáng chốc cô hãy còn ngẩn người sững sờ, trước khi cảm giác được làn môi ấm, mê mải của anh. Theo bản năng cô đưa tay như muốn chống cự. Nhưng bất chợt cô cảm thấy có luồng cảm xúc nào đấy thật lạ lẫm, thật tuyệt diệu như xuyên xuốt thân thể, quá đỗi ngất ngây không ngôn từ nào diễn tả được. Cô không tài nào giải thích nổi, cảm giác này cô chưa từng biết đến bao giờ.
Đó là điều kỳ diệu, là niềm hưng phấn vô ngần, phi thường đến độ cô cảm thấy toàn thân mình như hồi sinh. Anh ghì cô sát hơn, sát hơn nữa cho đến khi cô như hòa quyện vào anh. Còn anh thì như một mảnh của trời đêm và tinh tú chung quanh, và họ đã nhập lại thành một với nhau.
Đến khi mặt đất dưới chân cô tan chảy, thế giới biến mất và trong tâm trí cô chỉ còn mỗi hình bóng anh, Ramón rời cô ra. Cầm lấy tay cô, anh kéo cô về hướng tảng đá nơi dấu ngựa.
Chắc anh hẳn đã biết nhất định phải là chỗ đó, Canuela thầm nghĩ sau đấy, vì anh không hỏi cô cần đi đâu còn cô thì không cách gì cất tiếng nổi.
Cô chưa từng biết nụ hôn lại có thể tuyệt diệu đến độ thần kỳ, lạ thường đến thế! Thân thể cô rộn ràng, như bừng lên với niềm rạng rỡ huyền bí dưới làn môi chiếm hữu của anh.
Vẫn tay trong tay, họ tiến đến gần tảng đá và thấy Alberto đang đứng đợi đằng sau với đám ngựa.
“Senor!” Alberto thốt lên khe khẽ, giọng đầy hoài nghi.
“Suỵt!” Ramón nhắc nhở anh ta nên thận trọng.
Anh bế Canuela đặt lên yên, đoạn leo lên ngựa của mình và chỉ trong tích tắc cả ba người đã phóng vυ't đi. Tình cảnh đó khiến cô hiểu hiểm nguy vẫn đang kề cận họ.
May mắn cho họ là ngựa của Ramón thuộc loại thượng đẳng, trong khi đó cô đoan chắc ngựa mà bọn du kích sử dụng là loại kém trừ phi bọn chúng cướp được giống tốt ở đâu đó.
Tuy vậy cô biết được anh đang sợ cũng như cô, rằng bất cứ lúc nào họ cũng có nguy cơ nghe tiếng đạn rít lên phía sau và bọn du kích từ cổ thành phóng túa ra.
Trong trời đêm chỉ có mỗi ánh sao soi đường họ khó lòng thấy được có ai theo sau hay không và rất dễ nhầm lẫn những cái bóng đen đen hay gió lùa trong cỏ là bóng người truy đuổi.
Không nói năng lời nào họ lại quay đầu nhìn ra sau và phóng như vũ bão không cách gì trò chuyện được dù họ có muốn đi chăng nữa.
Canuela cảm thấy không còn gì mừng hơn khi thấy được ánh đèn của Buenos Aires. Ánh sáng đó là đồng nghĩa với an ninh, yên ổn, và Ramón de Lopez đã thoát khỏi hiểm nghèo!
Ngay cả lúc này cô vẫn không thể nào chịu đựng nổi khi nghĩ đến anh có thể bị sát hại hay bị tàn phế bởi bọn người ngồi quanh đám lửa kia. Và cô cũng không bao giờ dám đoan quyết Ramón sẽ toàn mạng trốn thoát cho dù tiền đã trao ra.
Lũ đầu trộm đuôi cướp đó làm sao biết đến điều gì gọi là danh dự và Canuela biết rõ chúng sẽ không mạo hiểm để bị săn đuổi với cái giá tiền thưởng bắt giữ chúng treo lơ lửng trên đầu và khi người chúng cầm tù đã biết mặt bọn chúng.
Đến cuối cùng họ đã phi qua những con phố lát đá dẫn vào thành phố. Vào lúc khuya khoắt này chỉ còn lại vài ba người trên đường và chẳng mấy chốc họ đã tiến đến gần quảng trường thánh Martin.
Ramón xuống yên trước cửa nhà anh, ngay lúc đó cửa mở toang và có ánh đèn vàng ùa tới trước. Senor Náon đi chính giữa xung quanh là hầu hết người trong nhà tất cả túa ra tụ tập trên bậc tam cấp. Canuela nghĩ thầm chắc họ đã phát hiện cô bỏ đi, và thêm việc Alberto lấy đi ba con ngựa càng làm cho họ biết ý định của cô và Alberto.
Nhưng hiện giờ cô không có thời gian để suy đoán, vì tiếng hò hét chào đón đã nổ ra như vỡ chợ khi gia nhân gặp lại chủ họ. Ramón mỉm cười đáp lễ trong lúc đỡ Canuela xuống ngựa và họ cùng nhau bước lên bậc tam cấp tiến vào bên trong khách sảnh rộng lớn mát mẻ.
Như thường lệ mỗi khi người Argentine khích động là kèm theo tiếng ồn ào long trời lở đất. Ai nấy đều hỏi han, mọi người đều đồng loạt chuyện trò. Bầu không khí không hề đượm vẻ trịnh trọng, nghi thức cũng bị lãng quên. Trong khoảnh khắc này Ramón không còn là chủ của họ nhưng là người bình thường như họ, người vừa thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc một cách thần kỳ và giờ đây lại về đoàn tụ với họ.
“Chuyện là thế nào hả senor?” Sao ông thoát ra được? Senor Náon cứ hỏi đi hỏi lại. “Tôi đã chuẩn bị tiền cho ngày mai rồi! Thật không tin nổi là ông lại về được! Là ông đã trốn thoát!”
“Mọi việc đều là nhờ cô Gray,” Ramón đáp lại. Trong lúc trả lời anh nhận ra cô đã lẻn đi.
Canuela vội vã leo lên lầu bước dọc theo hành lang dẫn đến phòng mình. Cô không muốn nán lại để giải thích, cũng không muốn kể cho Ramón cô làm thế nào biết được đường hầm trong cổ thành. Trên đường về Buenos Aires cô đã nghĩ đến việc giải thích cho anh tại sao cô lại biết có bí đạo ở đó sẽ khó khăn đến dường nào. Cô có thể nói gì đây? Làm sao cô sáng chế được câu chuyện nào nghe thuận tai đây? Ngoại trừ sự thật, liệu anh có tin bất cứ lời nào cô nói không?
Cô vào phòng đóng cửa lại như muốn ngăn hết mọi nguy nan bên ngoài, nhưng lần này không phải vì Ramón mà vì bản thân cô. Nhìn xuống bộ áo đi ngựa cô thấy khắp người mình lấm đầy bụi từ thông đạo. Tóc cô rối bời vì bị gió thốc nhưng khi nhìn trong gương cô thấy mắt mình long lanh, hai cánh môi trông đỏ ửng, mềm mại, và dịu dàng.
“Vì anh ấy hôn mình,” cô thầm nhủ. Với nụ hôn của anh yêu đương dường như đã lóe lên ngọn lửa rực rỡ trong cô. Có lần nào trong đời cô có được cảm xúc như thế đâu, cảm xúc được cuốn đi mãi cho đến khi cô quên hết mọi thứ chung quanh, tất cả chỉ còn lại là môi anh áp sát vào môi cô.
Nhưng rồi cô biết mình đã đến lúc phải ra đi.
Cô không thể nào lưu lại trong nhà anh, muốn có anh, như cô chưa bao giờ ham muốn bất cứ điều gì trong đời, chỉ vì muốn anh hôn cô thêm một lần. Cô không muốn ở lại và thấy anh đuổi cô đi trong kinh hãi, có lẽ ghê tởm nữa khi khám phá ra cô là con gái của Lionel Arlington.
“Tôi phải đi cho mau,” tâm trí Canuela như điên lên.
Các rương đồ của cô đã cất hết trong tủ áo thông với phòng ngủ. Dolores đã dỡ hết đồ đạc và sếp ngăn nắp dựa vào tường và phủ khăn lên trên. Canuela khóa cửa phòng ngủ rồi cởi đồ đi ngựa và bắt đầu dọn đồ vào rương. Cô toan làm thì nghe có tiếng gõ cửa bên ngoài.
Canuela sững người lo lắng hỏi.
“Ai thế?”
“Là Dolores, senorita. Em đem cho cô ít thức ăn, senor nghĩ cô cần món gì đấy để giải khát.”
“Tôi mệt lắm, Dolores,” Canuela trả lời. “Tôi sắp ngủ rồi.”
“Vậy thì em nhắn với senor cô không muốn ai quấy rầy.”
“Cứ nói là tôi đã lên giường.”
“Em sẽ nhắn lại với ông ấy, senorita.”
Canuela nghe tiếng chân Dolores bỏ đi dọc theo balcony và tiếp tục thu dọn.
Lúc này đã gần ba giờ sáng. Canuela định nghỉ ngơi độ một tiếng rồi ra bến tàu. Cô biết nếu tới cảng trước sáu giờ cô sẽ dễ dàng kiếm được giường ngủ trên tàu. May mắn là cô đã mua vé khứ hồi, và số tiền mẹ muốn cô đem theo vẫn còn nguyên.
Canuela ngả lưng xuống giường, cô ngỡ là mình sẽ ngủ được nhưng không cách nào chợp mắt vì quá xúc động. Tuy thế nhưng trong cô có điều gì đấy cứ nổi lên chống đối ý tưởng bỏ đi, rời xa Ramón.
“Tôi muốn ở lại... tôi muốn ở lại...” tim cô cứ nhói đi nhói lại.
Nhưng tâm trí cô cứ bảo cô rằng đương nhiên là cô phải đi và đi ngay lập tức. Có lẽ Ramón sẽ không phát hiện việc cô bỏ đi cho đến lúc anh xuống dùng bữa sáng, đến lúc đó cô đã đi xa rồi. Tuy thế vì sợ bị phát giác Canuela thay y phục và chuẩn bị rời khỏi khi vừa qua năm giờ.
Những tia nắng vàng chưa chi đã tràn vào qua cửa sổ phòng ngủ, cô biết dưới đường đã xe cộ đã bắt đầu chạy. Cô rung chuông, chỉ mất độ mười phút sau là Dolores mặt mày còn ngái ngủ xuất hiện.
“Cô vừa gọi em à, senorita?”
“Tôi phải về Anh ngay, Dolores,” Canuela giải thích với cô gái. “Mẹ tôi trở bệnh nên cần tôi về.”
“Em lấy làm tiếc nghe chuyện buồn của cô, senorita, nhưng senor sẽ nói sao đây?”
“Ông ấy sẽ hiểu thôi,” Canuela đáp lại, “nhưng em phải giúp tôi, Dolores, tôi không muốn gây náo động. Tôi chỉ cần một anh gia nhân mang rương của tôi xuống dưới bỏ vào xe kéo.”
“Em sẽ xuống tàu ngựa kêu một chiếc cho cô, senorita.”
“Không cần... không cần như vậy đâu. Xe kéo chở khách bên ngoài là được rồi,” Canuela nói. “Càng ít người biết tôi đi càng tốt.”
Dolores nhìn Canuela ngạc nhiên nhưng không hỏi tới. Thay vì thế cô gái nhờ hai thanh niên khênh đồ cô xuống, và xe kéo cũng được gọi tới còn mau hơn cô mong. Hành lý đã chất sẵn đâu vào đấy, và thế là cô chỉ việc lên đường ra cảng.
“Nhớ đừng thưa lại với senor cho đến khi ông ấy xuống dùng bữa sáng nhé,” Canuela nghiêm giọng nhắc. “Có thể ông ấy sẽ phiền lòng vì không chào từ biệt tôi được, nhưng tôi không muốn nhận bất cứ lời chào hỏi nào.”
“Em hiểu được, senorita, vì cô đang lo cho mẹ cô,” Dolores thông cảm.
“Vậy thì phiền em làm theo những gì tôi yêu cầu,” Canuela nài nỉ.
Cô trao cho Dolores một đồng vàng qúy báu của mình và vẫy tay chào cô gái Argentine xinh xắn đang đứng trên tam cấp cạnh hai chàng thanh niên trong lúc chiếc xe kéo lăn bánh.
“Đây là lời chào giã từ của tôi,” Canuela thầm nghĩ, “giã từ cung điện thánh Martin và luôn cả chủ nhân!”
Nghĩ tới Ramón là quá sức chịu đựng của cô, tuy nhiên cô vẫn cảm thấy môi của chàng ấn trên môi mình. Làn môi ấy thật nồng nàn, đòi hỏi và cô hoang mang tự hỏi thế anh cũng có cùng niềm ngất ngây say đắm như cô không. Rồi cô lại bảo mình ý tưởng ấy mới hoang đường làm sao.
Anh từng hôn bao nhiêu người đàn bà – quyến rũ có, xinh đẹp có, khêu gợi có, và đối với cô nụ hôn ấy chỉ đơn giản là thái độ biết ơn mà thôi. Chỉ là tự động bộc phát, một phản ứng của người vừa được cứu thoát khỏi vòng giam hãm, vừa suýt bị mất mạng thôi. Lúc ấy cũng như cô anh đã nhận ra tình thế hiểm nghèo đến độ không nói chuyện được, và chỉ còn cách cám ơn cô bằng môi của mình và Canuela đoan chắc anh đã quên bẵng rồi.
Tuy thế có điều gì đấy cô sẽ không thể nào quên được, cảm giác ấy sẽ khắc ghi trong thâm tâm cô mãi mãi. Cố không nghĩ đến tương lai nhưng cô hiểu cô sẽ không bao giờ cảm thấy được niềm say mê lạ lùng, quá đỗi khó hiểu này nữa, đó là giây phút kỳ diệu khi cô như hoà tan vào bầu trời và những vì sao kia.
-o0o-
Cô sửng sốt khi nhận ra mình đã tới bến tàu, nhưng hài lòng thấy nhiều tàu bè đang chuẩn bị ra khơi. Phải khó khăn lắm cô mới tìm được người thư ký đang ngái ngủ trong quầy bán vé.
“Phải, senorita, tàu Hibiscus (hoa da^ʍ bụt) sẽ khởi hành vào lúc bảy giờ. Nửa giờ nữa cô có thể lên tàu.”
“Cám ơn ông, senor.” Cô đưa vé cho ông ta và mọi sắp xếp được chu toàn sau đó.
Người phu khuân vác đã đem hành lý của cô trên xe kéo xuống và bỏ vào xe tải đồ đẩy lên cầu bắc đến tàu Hibiscus. Không ai được phép lên tàu cho đến tận bảy giờ. Đến đây cô mới phát hiện là tàu sẽ bị trì hoãn đôi chút. Cô nhìn đồng hồ tay và mỉm cười với người phu.
“Vậy tôi đành phải đợi thôi,” cô nói với ông ta.
Canuela ngồi trên thành chiếc xe đẩy, ngắm bến tàu mỗi giây phút qua đi thì lại càng trở nên tấp nập. Vào 6:30 người phu cãi cọ gì đó rất lâu với một thủy thủ của tàu, rồi ông ta quay trở lại chỗ ngồi của Canuela.
“Lại trễ nữa, senorita.”
“Ồ, không chứ!” Canuela thốt lên sửng sốt.
“Tôi e là như vậy. Họ gọi là trở ngại kỹ thuật gì đấy. Có nghĩa là không khởi hành đúng giờ được.”
Canuela khẽ thở dài bực bội.
Vấn đề trễ nãi này thì cô cũng không lạ gì. Tuy nhiên cô quá nóng lòng rời khỏi Buenos Aires trước khi Ramón xuống ăn sáng. Cô liếc nhìn đồng hồ lần nữa, trong một tiếng vừa qua gần như cứ mỗi mười phút cô lại xem giờ một lần.
“Vô ích thôi cô ơi,” người lên tiếng. “Cô không làm cho thời gian qua mau hơn đâu!”
Canuela bật cười và cảm thấy người bớt căng thẳng.
“Tôi phải ráng đợi thôi,” cô trả lời.
Ngay khi nói câu đó cô chợt nghĩ đến Maria. Đến Buenos Aires mà không ghé thăm Maria thì quả thật quá đáng.
“Chú làm ơn coi sóc hành lý hộ tôi được không?” cô nhờ ông ta. “Tôi muốn đi thăm bạn cách đây không xa lắm. Chỉ độ nửa tiếng thôi.”
“Được mà cô.”
Canuela biết chuyện đó cũng không làm ông ta lo lắng gì vì chỉ việc ngồi đấy không phải bận bịu gì. Thực ra ông ta còn thích thú nữa là khác. Ông ngoắc xe kéo vừa đến bến tàu cho cô và nói địa chỉ với tài xế.
Cô không biết chắc chỗ đó là nơi nào, nhưng người phu biết đường nên hướng dẫn cho bác tài xe kéo. Rồi đột ngột tỏ ra hào hoa ông giúp Canuela leo lên xe.
“Nhà số mấy cô?” ông hỏi cô.
“Số mười tám chú à.”
Thấy ông ta tận tình giúp đỡ cô vẫy tay chào ông trong lúc xe lăn bánh.
Nhà của Maria nằm trên con đường nhỏ, khá bẩn thỉu tồi tàn, chỉ cách bến tàu khoảng mười phút hơn. Canuela hơi e ngại lúc này hãy còn sớm chắc bà chưa thức dậy, nhưng khi cô gõ cửa bà vυ' già đã ra mở cửa. Bà đã ăn mặc tươm tất, mái tóc bạc được chải ra sau và đội cái mũ nhỏ mà Canuela vẫn còn nhớ kỹ.
Canuela tháo đôi kính đen xuống, trong khoảnh khắc Maria nhìn cô một cách ngờ vực, rồi kêu lớn.
“Cô Canuela! Mia bambina! (cô bé của tôi) Thật đúng là cô chứ? Không thể nào đâu!”
Canuela ôm chầm lấy bà lão dáng dấp nhỏ xíu và hôn bà.
“Chính là cháu, bà Maria! Cháu nghĩ bà sẽ ngạc nhiên lắm!”
“Tôi ngạc nhiên... tôi mừng lắm cơ... ngày hôm nay tôi vui quá! Ồ, mia bambina, tôi thường nghĩ đến cô đấy! Cô ra sao rồi... còn mẹ cô nữa?”
Bà kéo cô vào căn phòng nhỏ và mời cô ngồi, rồi lăng xăng tới lui, pha café miệng nói không ngừng, nước mắt tuôn ra ướt đẫm má.
“Tôi cứ ngỡ không bao giờ gặp lại cô nữa. Lúc cô đi trông cô buồn quá, mẹ cô thì khóc sụt sùi, còn ba cô...”
Maria chậm chậm mắt.
“Hàng ngày tôi đều nghĩ tới ông ấy và những lời đồn thổi độc ác gán cho ông, tối nào tôi cũng qùy xuống cầu nguyện cho ông cả.”
“Bà có biết là ba cháu đã qua đời không?” Canuela hỏi.
“Tôi có đọc báo,” Maria trả lời. “Cầu cho Đức Mẹ gìn giữ phần hồn ông ấy. Ông là người chính trực tôi không thể nào quên được.”
“Cháu cũng vĩnh viễn nhớ ba và cháu cứ ngỡ không bao giờ trở lại Buenos Aires nữa.”
“Nhưng giờ thì cô ở đây rồi,” Maria nói.
“Cháu sắp đi rồi, cháu chỉ đến đây vài ngày và giờ thì về lại Anh với mẹ cháu.” Cô cảm thấy không thể nào giải thích cho bà vì sao cô đến đây. Mọi chuyện quá phức tạp. Còn Maria chỉ bận tâm đến việc cô sắp rời khỏi.
“Cô sắp đi à!” bà thốt lên. “Ồ cô bé của tôi, thật quá tốt là tôi vẫn thấy được cô dù chỉ là một phút. Cô đúng là xinh đẹp, nhưng dạo đó lúc nào cô trông cũng giống như thiên thần.”
“Có phải bà từng gọi cháu như thế lúc cháu còn nhỏ xíu không? Nhưng giờ cháu lớn rồi, bà Maria, khó mà giống thiên thần được nữa.”
“Tôi hiểu cô ghét bọn người đối xử tàn nhẫn với người cha thân yêu của cô. Tôi cũng ghét bọn chúng lắm. Cho dù tôi đã xưng tội với cha về điều đó nhưng vẫn tiếp tục ghét.”
Canuela cảm thấy lệ chực trào ra nên lái câu chuyện sang hướng khác. Cô kể cho Maria chuyện mẹ cô bệnh, bà tới Thụy Sỹ ra sao và mọi hy vọng rằng bà sẽ được chữa trị như thế nào.
Canuela uống xong ly café.
“Bây giờ cháu phải đi, bà Maria. Gặp được bà cháu vui lắm. Cháu sẽ biên thư kể tỉ mỉ cho mẹ biết bà ra sao và trông như thế nào.”
“Nhắn với mẹ cô, lúc nào tôi cũng nhớ đến bà ấy và sáng tối đều cầu nguyện cho bà.”
Bà thở dài.
“Tôi già cả rồi, mia bambina. Chả còn gì ngoại trừ kỷ niệm. Kỷ niệm về cô, mẹ cô, và ba cô.”
Giọng bà dịu dàng khi nói đến Lionel Arlington và cô thấy được bà vυ' này cảm mến ba cô đến dường nào.
“Với tôi ông ấy là người tuyệt vời nhất trên đời. Xem này, tôi giữ hết mọi cái ông ấy cho tôi đấy.”
Bà mở cánh cửa của chiếc tủ kê trong góc phòng, và cầm một cái gói lên. Canuela thấy cái gói đựng những tấm thiệp Giáng sinh gia đình cô tặng cho bà hết năm này đến năm khác. Rồi còn những tấm thiệp họ gửi khi đi nghỉ lễ và cả những bức họa Canuela thỉnh thoảng vẽ, đó là những bản vẽ nhỏ cô mua vui cho ba mẹ.
Maria rất trân qúy tất cả những kỷ vật này.
Rồi Maria lên tiếng, giọng bà nghẹn ngào.
“Và đây là món quà cuối cùng ông ấy cho tôi.” Bà kéo ra cái gói nằm trong cùng ngăn kéo và mở ra cho cô xem, Canuela thấy đó là tượng sứ nhỏ. Cô vẫn nhớ như in làm sao bà có được món đồ ấy. Tượng đó là một đôi, và khi phủi bụi trong phòng làm việc của Lionel Arlington bà lỡ tay làm rớt một cái vào lò sưởi rồi bật khóc vì sự bất cẩn của mình.
“Signor... signor... làm ơn tha cho tôi!” Bà khóc nức nở.
“Đừng lo lắng gì cả, Maria,” Lionel Arlington trả lời. “Nói thật tôi cũng không quan tâm nhiều đến mấy cái tượng đó.”
“Tôi sẽ mua đền ông cái khác, signor. Tôi sẽ để dành tiền lương của tôi để mua.”
“Bà không cần làm như vậy,” ông đáp lại. “Thay vì thế hãy nghe lời tôi đem luôn cái kia đi. Như thế thì đâu còn ai nhớ đến chuyện rủi ro này nữa.”
Ông thuyết phục mãi Maria mới miễn cưỡng nhận lấy, nhưng hãy còn khóc tấm tức về sự sơ suất của mình.
“Tôi luôn luôn cất kỹ trong ngăn kéo,” bà bảo Canuela. Nếu để trên lò sưởi tôi e sẽ làm rớt. Đó là kỷ niệm rất qúy giá về ba cô đấy.”
“Ba cháu mừng là bà thích món đồ này,” Canuel nhẹ nhàng nói.
Maria toan gói cái tượng sứ lại, đột nhiên Canuela kêu lên khe khẽ và chìa tay ra.
“Tấm giấy này là cái gì vậy, bà Maria? Bà tìm thấy ở đâu vậy?”
Chính cô cũng nghe thấy giọng nói của mình lạ lùng làm sao.
Maria nhìn xuống tờ giấy gói đồ.
“À tờ giấy này tôi thấy trên sàn phòng khách. Khi ba cô cho tôi bức tượng tôi nhìn quanh tìm cái gì để gói thì thấy miếng giấy này nằm gần sọt rác đựng giấy rác – không phải là trong đấy mà nằm gần đấy. Tôi nghĩ đấy chắc là giấy bỏ đi. Tôi làm điều gì sai à?”
Canuela thở sâu.
“Không có gì đâu, bà Maria, nhưng tôi có thể lấy lại tờ giấy đó không.”
“Đương nhiên là được, mia bambina. Cô giữ đi! Cô có chắc là tôi lấy tờ giấy này không có vấn đề gì chứ? Lúc đó nó nằm trên sàn.”
“Phải, có vấn đề!” Canuela thầm nghĩ. “Miếng giấy nằm trên sàn vì chắc bị thổi đến đó. Bay khỏi bàn của ba rồi rớt gần giỏ rác, vì đó đã gây nên hậu quả tầy đình là một vụ phỉ báng lớn nhất trong lịch sử ngoại giao ở Buenos Aires!”
Tờ giấy đó chính là tấm bản đồ bến cảng ghi chú các vị trí phòng thủ mà Maria đã đem bao cái tượng sứ. Vì tấm bản đồ này mà Lionel Arlington đã bị cáo buộc thông đồng với người Mỹ! Địa đồ này cùng với lời buộc tội của những đồng nghiệp đã phá hủy sự nghiệp của ông và đẩy ông vào chỗ chết.
Cô đón lấy tờ giấy từ tay Maria và vuốt thẳng ra. Trong thoáng chốc cô cảm thấy quá đau đớn vì hiểu ra nó mang ý nghĩa gì. Rồi cô đứng dậy.
“Giờ cháu phải đi rồi, bà Maria.”
“Cô ra tàu à, cô Canuela?”
“Không bà ạ. Cháu tới sứ quán Anh.”
Cô ôm choàng lấy bà và nói.
“Cám ơn bà, bà Maria. Cám ơn nhiều. Bà đã cho cháu món đồ cháu cần biết bao.”
Maria không hiểu lời cô nói nhưng bà bật khóc khi Canuela ra xe kéo đi khuất bóng.
Cô chỉ cho tài xế đường đến sứ quán. Trên đường đi họ lái ngang qua bãi rác và cô gỡ đôi kính đen quăng ra đó.
Hành động đó là một biểu thị!
Khi bước đến bên ngoài khung cửa quen thuộc của sứ quán cô có cảm giác mình như cao hơn, cằm ngẩng cao hãnh diện hơn bao giờ.
“Làm ơn cho tôi gặp công sứ ngoại giao Anh quốc ngay,” cô nói với người hầu.
“Tôi e rằng không được, senorita, trừ phi cô có hẹn trước.”
“Ngài ấy sẽ gặp tôi, xin ông cho tôi biết tên ngài.”
“Tên của ngài là sir Edward Morton, nhưng ngài sẽ không gặp cô đâu, senorita.”
“Sir Edward!” Canuela thì thào lập lại, rồi cương quyết nói.
“Nhờ ông vào thông truyền với sir Morton là có cô Canuela Arlington ở đây.” Cô nói bằng giọng uy quyền khiến người đàn ông sau khi chỉ đường cho cô vào phòng đợi, tuân lời cô vào nhắn tin ngay.
Canuela ngồi đợi trong phòng, ánh mắt cô thật rạng rỡ.
Sir Edward Morton là một trong những bạn bè lâu đời nhất của ba. Ông từng ở Buenos Aires lúc cô còn nhỏ và sống trong sứ quán Anh tại Madrid, rồi về sau gia đình cô lại thuyên chuyển về Argentina. Ông lớn tuổi hơn Lionel Arlington nhưng cả hai có nhiều sở thích chung. Khi còn bé Canuela thường gọi ông là “chú Edward” vì ông gần như trở thành một thành viên của gia đình.
Cô không lấy làm ngạc nhiên khi chỉ vài phút sau gia nhân quay ra bảo cô sir Morton muốn gặp cô ngay. Ông ta đưa cô đi ngang qua lối đi dài của sứ quán dẫn đến tư thất của công sứ nằm phía sau tòa nhà, trông ra sân giữa. Người hầu mở cửa cho cô và Canuela thấy sir Edward, người đàn ông gương mặt dễ coi với mái tóc xám đang đứng ngay cửa sổ.
Cô khẽ kêu lên và chạy băng qua phòng đến bên ông.
“Canuela!” ông thốt lên mừng rỡ. “Cháu đang làm gì ở đây thế? Chú cứ nghĩ người hầu đã nhầm lẫn khi báo tên cháu.”
“Ồ, chú Edward! Giá mà chú biết gặp lại chú tuyệt đến cỡ nào... chú xem đi cháu mang tới cái gì cho chú.”
Cô vừa nói vừa đưa ra tấm bản đồ. Sir Edward đón lấy và nhìn đăm đăm vào tờ giấy nét mặt sửng sốt.
“Cháu tìm thấy cái này ở đâu? Làm sao cháu có được?”
“Maria cất giữ đấy! Ồ chú Edward, dường như là không thể nào, nhưng bà ấy cất tấm giấy! Chú còn nhớ bà Maria chứ?”
“Có chú vẫn nhớ bà ấy.”
“Bà dùng giấy này gói cái tượng ba cho bà. Bà thấy trên sàn cạnh giỏ rác. Tấm giấy vẫn ở bên bà từ bấy lâu nay!”
“Thật không thể nào tin nổi! sir Edward nói. “Nhưng cháu ở đâu bao lâu nay – cháu và mẹ cháu? Chú đang kiếm hai người – dò tìm hai người. Cháu và mẹ cháu hoàn toàn biệt tăm biệt tích!”
“Mẹ con cháu cảm thấy nhục nhã và quá rối loạn trước cái chết của ba cháu.”
“Chú hiểu được. Cháu à, bộ ngoại giao muốn hiệu chỉnh.”
“Hiệu chỉnh?”
Ông gật đầu.
“Janson Mandell bị tai nạn xe năm ngoái. Trước khi chết ông ta đã thú nhận.”
Canuela nín thở.
“Ông ta thú nhận là đã vu khống ba cháu tội mưu phản,” sir Edward tiếp tục, “vì cảm thấy ba cháu đã sỉ nhục ông ta.”
“Cháu cũng có cảm giác là mọi chuyện sẽ như thế,” Canuela gần như thì thầm.
Sir Edward nhìn xuống tấm bản đồ.
“Vật duy nhất thất thoát là bản đồ, và bây giờ bộ ngoại giao sẽ khôi phục danh dự cho ba cháu, và đương nhiên là sẽ trợ cấp cho mẹ cháu.”
“Nhưng điều đó đâu có làm ba... sống lại được.”
“Chú biết, nhưng sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho mẹ con cháu. Mẹ cháu đang ở đâu?”
“Mẹ đang ở Thụy Sỹ,” Canuela đáp lại. “Mẹ cháu có bệnh, chú Edward à, nhưng tin này sẽ làm cho mẹ hồi phục nhanh hơn. Mẹ lo lắng mỏi mòn vì ba.”
“Ở Thụy Sỹ?” sir Edward lập lại. “Thật tình cờ đấy, Canuela, chú sẽ đi Thụy Sỹ tuần tới. Chú có thể đến thăm mẹ cháu và giải thích cho bà ấy mọi chuyện xảy ra.”
“Như thế tuyệt lắm chú à!” Canuela reo lên. “Chú biết là mẹ lúc nào cũng cảm mến chú mà.”
“Chú cũng thế. Chú lúc nào cũng yêu thương mẹ cháu hơn bất cứ người nào trên đời.”
“Đó có phải là nguyên nhân chú không bao giờ kết hôn không, chú Edward?”
Ông gật đầu và đột nhiên Canuela chồm tới trước hôn lên má ông.
“Chú Edward yêu mến... có lẽ sau bấy lâu chú và mẹ có thể tìm lại đôi chút hạnh phúc bên nhau. Mẹ rất cô độc... cô độc kinh khủng kể từ khi ba mất.”
Vòng tay Sir Edward siết chặt quanh vai cô. Ông không nói năng gì nhưng Canuela hiểu ông khó lòng nói nên lời trong lúc này.
Vừa khi đó có tiếng nói gây gỗ vang lên trong hành lang và thình lình cửa bật mở. Ramón xuất hiện ngay đó và Canuela biết gia nhân đang cản anh vào. Anh đứng nhìn cô chăm chú, vẻ mặt thật khó hiểu.
“De Lopez!” Sir Edward vui vẻ thốt lên. “Ông đến thật đúng lúc. Có tin đấy – thực ra là tin rất hay. Tôi biết ông sẽ mừng đến chừng nào.”
Ramón không trả lời và sir Edward tiếp tục nói.
“Ông đã đấu tranh rất hăng say để chứng minh Lionel Arlington vô tội, và bây giờ mắt xích cuối cùng đã được khám phá. Tấm bản đồ!”
Ông vừa nói vừa giơ tấm giấy lên và nói thêm một cách hân hoan.
“Tấm bản đồ mà tất cả chúng ta tìm kiếm hết sức cam go!”
“Bản đồ từng ở chỗ nào?”
Từ ngữ dường như kéo mãi mới thoát khỏi môi Rámon, mắt anh vẫn hướng về Canuela.
“Canuela vừa tìm ra...” sir Edward bắt đầu giải thích nhưng lại nói.
“Tôi quên mất – hai người chưa biết nhau. Canuela, đây là Ramón de Lopez – người bạn rất thân của ba cháu – ông ấy luôn tin rằng ba cháu đã bị vu cáo và bị ngược đãi một cách phi lý. Ramón, còn đây là Canuela Arlington – con gái của Lionel Arlington.”
“Chúng tôi từng gặp nhau!” Ramón cất tiếng.
“Chuyện chú sẽ làm,” ông nói với Canuela, “là gửi điện tín ngay lập tức đến bộ ngoại giao nhắn với họ bản đồ đã được hoàn lại, và giờ đây họ không còn ngăn trở nào nữa để thông báo với công chúng giải trừ mọi dối trá chung quanh ông ấy. Chú biết họ sẽ thực hiện, vì chú đã nói chuyện với bộ trưởng ngoại giao lần rồi khi chú về Anh.”
“Tôi cũng nói chuyện với ngài ấy rồi,” Ramón đáp lại, tiến sâu hơn vào trong phòng, “và trong lúc còn ở Anh tôi đã nhờ thám tử tư cố khám phá tung tích của bà Arlington và con gái của bà, Canuela.”
“Tại sao anh lại làm chuyện đó?” Canuela thắc mắc.
“Vì anh tin tưởng ở ba em,” anh trả lời cô.
“Nhưng anh chưa bao giờ trả lời thư của ba,” cô chất vấn. “Ba em viết thư nhờ anh giúp nhưng anh không hồi âm một lần nào.”
“Lúc đó anh đang ở Uruguay, vì bất ngờ có chuyện phải đến đó, khi anh trở về thì nhận được thư ba em, nhưng chuyến tàu đưa gia đình em về Anh đã rời bến.”
Canuela thở dài. Lời giải thích dường như rất đỗi hợp lý, nhưng cả mẹ và cô đều không nghĩ đến. Họ đã thừa nhận anh đã chống lại ba cũng như tất cả những người từng mang-danh-là-bạn-bè của ba từng làm.
“Giờ thì, Canuela,” sir Edward lên tiếng, “cháu phải giải thích cho chú biết cháu đang làm gì ở Buenos Aires và hiện đang ở đâu?”
“Cô ấy đang ở với tôi,” Ramón trả lời thay. Giọng nói anh đầy kiên quyết và uy quyền.
Khẳng định như thế có nghĩa là không còn điều gì để tranh luận nữa!
Cô sẽ ở lại với anh!