Vợ Người Du Hành Thời Gian

Chương 2

Chương 2: Lần đầu tiên
Chủ nhật, 16/6/1968

HENRY: Đó là lần đầu tiên diệu kì. Làm sao tôi biết được nó có nghĩa gì? Hôm ấy là sinh nhật lần thứ năm của tôi, cả nhà đi thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên. Tôi chưa từng được đi thăm viện bảo tàng trước đó. Suốt một tuần bố mẹ không ngừng kể về những điều kì thú mà tôi sẽ được xem ở đó, những con voi nhồi bông to tổ chảng trong đại sảnh, bộ xương của những con khủng long khổng lồ, rồi còn cả những cảnh mô phỏng cuộc sống của người tiền sử. Mẹ vừa trở về từ Sydney và mang cho tôi một con bướm xanh to dị thường, Papilio ulysses thuộc họ bướm Phượng, được gắn trong khung đổ đầy cotton. Tôi thường xuyên đưa nó lên gần mặt, gần đến nỗi tôi chẳng thể nhìn thấy gì ngoài màu xanh dương đó. Nó mang cho tôi một cảm giác mà về sau tôi cố tìm lại trong những chai rượu và cuối cùng cũng tìm được nơi Clare, cảm giác của sự hợp nhất, không bận tâm đến mọi việc xung quanh và hoàn toàn thả lỏng mình. Bố mẹ đã kể cho tôi nghe về hàng chục loài bướm, chim ruồi và các loài côn trùng khác nhau có ở viện bảo tàng, nên tôi đã rất bồn chồn muốn được tận mắt chứng kiến. Tôi thức dậy trước cả khi trời kịp sáng. Tôi xỏ chân vào đôi giày thể thao, cầm theo hộp Papilio ulysses và chạy xuống vườn, xuống những bậc thang ra ngoài sông, trên người vẫn mặc nguyên bộ pijama. Tôi ngồi xuống bờ sông chờ cho trời sáng. Một gia đình vịt bơi qua trước mặt tôi, rồi một con gấu trúc Bắc Mỹ xuất hiện ở bờ bên kia và nhìn tôi tò mò trước khi rửa bữa sáng của nó và ăn ngấu nghiến. Tôi đã ngủ gật một lát. Tôi nghe có tiếng mẹ đang gọi nên chạy vào nhà, đường trơn trượt bởi sương sớm, tôi ôm con bướm cẩn thận trước ngực. Mẹ không hài lòng khi thấy tôi ra bờ sông một mình, nhưng bà không cáu vì dù sao hôm nay cũng là sinh nhật của tôi.

Tối hôm đó bố mẹ tôi không ai phải làm việc nên họ thư thả mặc đồ và bước đi thong thả. Tôi thì đã sẵn sàng từ lâu. Tôi ngồi trên giường của họ và giả bộ đọc một bản nhạc. Đó là vào khoảng thời gian bố mẹ tôi vừa nhận ra được một thời gian rằng đứa con trai duy nhất của họ chẳng có chút năng khiếu âm nhạc nào. Không phải tôi không cố gắng, chỉ là tôi không thể nào nghe được thứ mà họ nghe trong các bản nhạc, bất kể thứ đó là gì. Tôi thích âm nhạc, nhưng tôi chẳng thể nào giữ cho một giai điệu được trọn vẹn. Và mặc dù tôi biết đọc báo từ khi bốn tuổi, nhưng đối với tôi, các bản nhạc vẫn chỉ là những đường ngoằn ngoèo xinh xắn mà thôi. Bố mẹ vẫn chưa từ bỏ hi vọng một ngày nào đó tôi sẽ bộc lộ khả năng tiềm ẩn, nên khi tôi nhặt bản nhạc lên nghịch, mẹ liền ngồi xuống bên cạnh và cố giúp tôi đọc nó. Chẳng bao lâu, mẹ bắt đầu cất tiếng hát và tôi phụ họa bằng những tiếng nghêu ngao dở tệ khủng khϊếp, tay không ngừng búng cái tách theo từng giai điệu lộn xộn, rồi chúng tôi cùng cười rộ lên, mẹ thọc léc tôi. Bố bước ra từ nhà tắm, khăn quấn quanh hông và tham gia với chúng tôi. Trong một vài phút diệu kì, họ cùng nhau hát, bố nhấc bổng tôi lên, họ nhảy với nhau, tôi bị kẹp giữa hai người. Rồi điện thoại đổ chuông, cảnh tượng tan biến. Mẹ nghe điện còn bố đặt tôi xuống giường và đi mặc đồ.

Rồi cuối cùng họ cũng sẵn sàng. Mẹ tôi mặc một chiếc váy hở vai màu đỏ và đi xăng-đan, bà đã đánh móng tay và móng chân cùng với màu váy. Bố đĩnh đạc trong chiếc quần xanh đậm và áo sơ mi trắng dài tay, làm nền cho sự sặc sỡ của mẹ. Cả nhà tôi chui vào xe. Như mọi lần, mình tôi sẽ chiếm trọn ghế sau, tôi nằm xuống và ngắm những tòa nhà chọc trời dọc Lake Shore Drive vụt qua cửa kính.

“Ngồi dậy nào Henry, chúng ta đến nơi rồi.” Mẹ nói.

Tôi ngồi dậy và nhìn viện bảo tàng. Cả cuộc đời tôi từ trước đến giờ phần lớn dành cho những chuyến bám đuôi bố mẹ đến khắp các thành phố ở châu Âu, nên Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên đã thỏa mãn đúng suy nghĩ của tôi về “viện bảo tàng”, mặc dù mặt tiền bằng đá có hình vòm của nó chẳng đặc biệt cho lắm. Hôm nay là Chủ Nhật nên mãi chúng tôi mới có thể tìm được một chỗ đỗ xe rồi đi bộ dọc theo hồ, qua những chiếc thuyền, tượng và nhiều đứa trẻ đang hớn hở khác. Chúng tôi bước giữa những cột trụ to lớn nặng nề để đi vào bên trong viện bảo tàng.

Và rồi tôi bị bỏ bùa mê.

Tất cả vạn vật thiên nhiên tụ hội về đây, được gắn mác và sắp xếp theo một trật tự logic, trường tồn vĩnh cửu như được tạo ra bởi Chúa. Có lẽ Chúa đã làm mất bản đồ sáng tạo thế giới và phải nhờ các nhân viên ở viện bảo tàng này giúp đỡ để quản lí vạn vật. Đối với một đứa trẻ năm tuổi có thể tìm thấy sự sung sướиɠ tột cùng ở một con bướm nhỏ đã chết thì việc được đi khắp nơi trong viện bảo tàng này giống như một cuộc dạo chơi trong Vườn Địa Đàng.

Chúng tôi đã được nhìn thấy đủ thứ: các loại bướm (chắc chắn rồi), hàng ngàn hàng vạn con từ Brazil, Madagascar, thậm chí cả con bướm từ Úc anh em với con bướm xanh của tôi cũng có. Viện bảo tàng rất tối, lạnh và cũ kĩ đã làm tăng thêm vẻ ngưng trệ của thời gian và cái chết cho không gian bên trong những bức tường. Chúng tôi được xem chuột nước, báo, sư tử, và cả xác ướp, cùng với muôn vàn hóa thạch. Chúng tôi dùng bữa trưa ngoài trời, trên bãi cỏ trong viện bảo tàng rồi lại vào xem các loài chim, cá sấu và người Neanderthal đã tuyệt chủng. Lúc gần cuối, tôi mệt đến độ đứng không vững nhưng vẫn không muốn ra về. Những người bảo vệ phải đến và nhẹ nhàng dồn chúng tôi ra cửa. Tôi gắng kiềm chế để không bật khóc, nhưng vẫn òa lên nức nở vì mệt và muốn được xem tiếp. Bố kiệu tôi lên vai rồi chúng tôi bước ra bãi đỗ xe. Tôi lăn quay ra ngủ trên ghế sau, khi tỉnh dậy chúng tôi đã ở nhà và đã đến giờ ăn tối.

Chúng tôi dùng bữa trong căn hộ của ông bà Kim bên dưới. Họ là chủ nhà. Ông Kim là một người cộc cằn, ít nói. Ông có vẻ thích tôi nhưng chẳng mấy khi tôi thấy ông mở miệng trò chuyện với ai bao giờ. Còn bà Kim (mà tôi hay gọi là Kimy) là bạn thân của tôi, cũng là bà giữ trẻ thích chơi bài, người Hàn Quốc, hơi điên điên của tôi. Tôi dành phần lớn thời gian ban ngày với bà. Mẹ tôi chẳng biết nấu ăn, còn Kimy thì có thể nấu được đủ món trên đời, từ bánh trứng phồng đến bibimbap thơm ngon. Nhân hôm nay sinh nhật tôi, bà đã làm pizza và bánh sô-cô-la.

Chúng tôi ăn. Mọi người hát Chúc mừng sinh nhật và tôi thổi nến. Tôi không nhớ mình đã ước gì. Tôi được phép thức khuya hơn mọi ngày bởi tôi vẫn còn phấn khích với những gì đã thấy hôm nay, và vì tôi đã ngủ một giấc dài hồi chiều. Tôi ngồi ở hiên sau nhà với bố, mẹ và ông bà Kim, vừa uống nước chanh và ngắm bầu trời đêm, vừa lắng nghe tiếng ve xa xả và tiếng ti vi vọng lại từ các căn hộ xung quanh. Cuối cùng bố tôi nói, “Đến giờ đi ngủ rồi, Henry.” Tôi đánh răng, cầu nguyện, rồi leo lên giường. Tôi đã mệt lả nhưng mắt vẫn thao láo. Bố đọc truyện cho tôi nghe sau một hồi, thấy tôi vẫn không thể ngủ, ông và mẹ tắt đèn để cửa phòng tôi hé mở, rồi quay trở lại phòng khách. Luật là: họ sẽ chơi nhạc cho tôi nghe đến khi nào tôi chán, nhưng tôi phải nằm trên giường của mình để lắng nghe. Mẹ ngồi xuống bên chiếc đàn piano, bố lấy ra cây vĩ cầm rồi họ bắt đầu đàn hát một hồi lâu. Các bài hát ru, lieder, những khúc ca đêm - thể loại âm nhạc du dương dễ gây buồn ngủ - để làm dịu cơn phấn chấn của cậu bé quá khích đang nằm trong phòng. Rồi mẹ lại vào kiểm tra xem tôi đã ngủ chưa. Tôi chắc đã trông nhỏ bé và cảnh giác dữ lắm trên chiếc giường tí hon, trong bộ pijama có in hình những con thú đang đi săn đêm.

“Ồ con yêu, vẫn chưa ngủ được sao?”

Tôi gật đầu.

“Bố và mẹ phải đi ngủ rồi, con sẽ ổn chứ?”

Tôi dạ và mẹ lại gần ôm tôi. “Hôm nay đi xem viện bảo tàng thật vui phải không?”

“Mai chúng ta lại đi nữa được không mẹ?”

“Mẹ e là không. Nhưng chúng ta sẽ sớm đi lần nữa, nhé?”

“Vâng ạ.”

“Chúc con ngủ ngon”, mẹ để ngỏ cửa rồi tắt điện hành lang, “đừng để bị rệp cắn nhé”.

Tôi nghe thấy những tiếng động vọng lại, tiếng nước chảy, tiếng giật cần toilet. Rồi bốn bề lặng thinh. Tôi ngồi dậy, bước ra khỏi giường và quỳ xuống bên cửa sổ. Tôi có thể nhìn thấy ánh đèn vẫn sáng trong những căn nhà xung quanh, ở đâu đó xa xa ngoài kia có một chiếc xe đang chạy với tiếng radio mở to ầm ĩ. Tôi cứ ngồi đó một lúc, cố gắng để chìm vào giấc ngủ. Khi tôi đứng dậy, mọi thứ thay đổi.

Thứ Bảy, ngày 2/1/1988, 4:03 sáng Chủ Nhật, ngày 16/6/1968, 10:46 chiều (Henry 24 tuổi, và Henry 5 tuổi)

HENRY: Lúc này đã là 4 giờ 3 phút sáng. Một buổi sáng tháng Một lạnh khủng khϊếp, tôi đang trên đường về nhà. Tôi đã la cà nhảy nhót suốt đêm, chỉ hơi ngà ngà say nhưng hoàn toàn kiệt quệ. Trong lúc đang dò dẫm đút đống chìa khóa lần lượt vào ổ dưới ánh điện hành lang chói lòa, tôi bỗng ngã khụy, đập hai đầu gối xuống sàn, chóng mặt và buồn nôn, rồi tôi thấy mình trong bóng tối, nôn thốc nôn tháo. Tôi ngẩng đầu lên và thấy tấm biển báo LỐI RA sáng trưng màu đỏ. Trong lúc mắt tôi từ từ thích ứng, tôi nhìn thấy nào hồ, nào người tiền sử - đàn ông cầm những lưỡi giáo dài ngoằng, đàn bà mặc những bộ đồ làm bằng vỏ cây nửa che nửa lộ - và những con chó sói. Tim tôi đập thình thịch, và trong một phút chếnh choáng hơi men, tôi đã nghĩ Chúa ơi, mình đã trở về tận thời kì Đồ Đá, cho đến khi tôi nhận ra tấm biển LỐI RA chỉ mới có mặt từ thế kỉ XX. Tôi đứng dậy, lắc đầu, và đi về phía cửa. Sàn nhà dưới chân lạnh toát khiến tôi sởn gai ốc, tóc dựng ngược cả lên. Vắng lặng như tờ. Không khí lành lạnh ẩm ướt phả ra từ máy điều hòa. Khi ra đến cửa, tôi nhìn sang phòng bên cạnh. Những chiếc hộp kính đặt đầy trong phòng. Ánh đèn đường cao quá cửa sổ rọi vào làm lộ ra hàng ngàn hàng vạn con côn trùng trước mắt tôi. Lạy Chúa, tôi đang ở Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên. Tôi đứng như trời trồng và thở khó nhọc, cố hết sức để làm cho đầu óc minh mẫn trở lại. Cảnh tượng này làm gợi nhớ điều gì đó trong cái đầu đờ đẫn của tôi và tôi đang cố đào bới nó lên. Tôi có việc gì đó phải làm. Phải rồi. Sinh nhật lần thứ năm của tôi... có ai đó ở đấy, và tôi phải chuẩn bị làm ai đó. Tôi cần quần áo. Phải rồi.

Tôi chạy băng băng qua khu trưng bày côn trùng vào tới hành lang dài chia đôi tầng hai, qua cầu thang bộ phía tây xuống tầng một, rất mừng vì đang ở trong thời kì tiền-máy-dò-chuyển-động. Những con voi to tổ chảng đứng sừng sững lăm le đe dọa tôi trong ánh trăng mờ đυ.c, tôi vẫy tay chào chúng trong lúc chạy đến cửa hàng lưu niệm nhỏ bên phải cửa ra vào. Tôi đảo một vòng quanh các món đồ và tìm được một số thứ hữu ích: một con dao mở thư, một cái kẹp sách bằng kim loại có lô-gô của bảo tàng, hai chiếc áo phông in hình khủng long trước ngực. Những cái ổ khóa trong ô tủ kính đựng đồ chẳng khác gì chỉ để làm cảnh, tôi cạy chúng ra chỉ bằng cây kim băng tôi tìm thấy cạnh tủ thu ngân. Được rồi, đã đến lúc lên tầng ba - “gác mái” của viện bảo tàng - nơi các phòng thí nghiệm, văn phòng của nhân viên trú ngụ. Tôi lướt nhanh bảng tên trên cửa các phòng, chẳng có cái nào hợp với tôi. Rồi cuối cùng tôi chọn bừa một cửa và đẩy tấm kẹp sách dọc theo ổ khóa cho đến khi then cửa mở ra.

Chủ nhân của căn phòng này là V.M. Williamson, một anh chàng bừa bộn. Giấy lộn, cốc cà phê bẩn và tàn thuốc lá ngập ngụa khắp nơi; trên bàn anh ta có một phần bộ xương rắn đang được nối dở. Tôi lục khắp nơi tìm quần áo nhưng không thấy. Văn phòng bên cạnh thuộc về một phụ nữ, J.F. Bettley. Thử đến lần thứ ba thì tôi gặp may. D.W. Fitch có cả một bộ sưu tập áo vét bày biện cẩn thận trong giá để áo khoác. Chúng khá vừa với tôi, mặc dù ống tay và ống chân hơi ngắn, ve áo thì rộng. Tôi mặc một trong hai chiếc áo phông khủng long bên trong áo khoác. Chân trần nhưng trông cũng đã đủ chỉnh tề. D.W. cũng trữ một gói bánh quy Oreo chưa bóc trên bàn, Chúa phù hộ anh ta. Tôi vớ lấy gói bánh rồi bỏ đi, nhẹ nhàng đóng cửa lại.

Mình đã ở đâu khi nhìn thấy mình? Tôi nhắm mắt lại và sự mệt mỏi trùm lên khắp thân thể, vuốt ve tôi bằng những ngón tay mềm mại ru ngủ của nó. Hồn tôi gần lạc vào cõi mộng, nhưng tôi bấu vào chính mình và nó trở về trong trí nhớ của tôi; người đàn ông bước ra từ bóng tối đi về phía tôi ở cửa chính viện bảo tàng. Tôi cần phải quay trở lại đại sảnh chính.

Khi tôi đến nơi, bốn bề im lặng như tờ, hoàn toàn tĩnh mịch. Tôi bước dọc chính giữa tầng trệt, cố hình dung lại vị trí của các cửa ra vào. Tôi ngồi xuống gần phòng để áo choàng, chờ đợi đến giờ ra sân khấu. Tôi nghe thấy tiếng máu chảy rần rần trong đầu, tiếng hệ thống điều hòa o o, tiếng ô tô rít ngoài cao tốc Lake Shore Drive. Tôi ăn hết mười cái Oreo, chậm rãi, từ tốn, nhẹ nhàng tách chúng ra làm hai, cạo lớp kem ở giữa bằng răng cửa, ngậm phần sô-cô-la trong miệng cho đến khi chúng tan ra thành từng mảnh vị nhỏ. Tôi không biết bây giờ là mấy giờ, cũng không biết tôi phải chờ thêm bao lâu. Giờ thì tôi gần như đã tỉnh rượu và lanh lợi vừa đủ, thời gian cứ thế dần qua đi và không có chuyện gì xảy ra. Rồi cuối cùng, tôi nghe thấy một tiếng uỵch nhẹ, tiếng thở hổn hển. Im lặng. Tôi đợi. Tôi cẩn trọng đứng dậy, không để gây ra một tiếng động nào, nhẹ nhàng bước vào đại sảnh trong ánh sáng đang chiếu nghiêng nghiêng xuống sàn nhà bằng cẩm thạch. Tôi đứng giữa cửa và gọi, không quá to, “Henry”.

Không có tiếng đáp lại. Cậu bé ngoan, rất cảnh giác và điềm tĩnh. Tôi thử lại, “Đừng sợ, Henry. Chú là hướng dẫn viên của cháu. Chú ở đây để dẫn cháu đi tham quan bảo tàng. Đây là chuyến đi đặc biệt. Đừng sợ, Henry.”

Tôi nghe có tiếng thở dốc. “Chú có mang cho cháu một cái áo phông để cháu khỏi lạnh trong lúc đi xem.” Giờ thì thằng bé đã bước ra. “Đây, bắt lấy.” Tôi ném áo về phía nó, chiếc áo biến mất, thằng bé hiện ra. Áo dài đến tận đầu gối nó. Tôi ở tuổi lên năm có mái tóc bông xù tối màu, nhợt nhạt dưới ánh trăng, mắt nâu gần như người Xla-vơ, mảnh khảnh và dẻo dai. Ở tuổi lên năm, tôi đang hạnh phúc, đang được bao bọc trong sự bình thường và trong vòng tay của bố mẹ. Mọi việc sẽ thay đổi, kể từ lúc này.

Tôi từ từ bước về phía trước, cúi người xuống và nhẹ nhàng nói, “Xin chào, rất vui được gặp cháu, Henry. Cảm ơn cháu đã đến đây vào tối nay.”

“Cháu đang ở đâu đây? Chú là ai?” Giọng của thằng bé cao, thanh và vang, hơi có chút lạnh lùng”

“Cháu đang ở Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên. Chú được cử đến đây để dẫn cháu đi xem những thứ cháu chưa được xem lúc ban ngày. Tên chú cũng là Henry đấy, trùng hợp không?”

Thằng bé gật đầu.

“Cháu có muốn ăn bánh quy không? Chú lúc nào cũng thích vừa ăn vừa tham quan bảo tàng. Như vậy thú vị hơn.” Tôi đưa cho thằng bé gói Oreo. Nó ngần ngại đôi chút, không chắc có nên cầm lấy hay không, nó đói nhưng không biết nên cầm bao nhiêu là phải phép. “Cháu cứ lấy bao nhiêu tùy thích. Chú đã ăn hết mười cái rồi, vậy nên cháu phải ăn nhanh để đuổi kịp nhé.” Thằng bé lấy ba cái. “Có thứ gì cháu muốn xem trước không?” Thằng bé lắc đầu. “Thế này nhé. Chúng ta sẽ lên tầng ba trước, đó là nơi họ cất những thứ không đem ra trưng bày. Được không?”

“Được ạ”

Chúng tôi đi trong bóng tối lên các bậc thang. Thằng bé bước đi chậm rãi nên tôi cũng phải đi chậm theo.

“Mẹ cháu đâu?”

“Mẹ cháu đang ngủ ở nhà. Đây là chuyến đi đặc biệt chỉ dành cho cháu, bởi vì hôm nay là sinh nhật cháu. Hơn nữa, người lớn không làm những việc thế này.”

“Chú chẳng phải là người lớn sao?”

“Chú là một người cực kì khác với những người lớn khác. Công việc của chú là tìm kiếm sự phiêu lưu mạo hiểm. Vậy nên khi biết cháu muốn quay trở lại Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, ngay lập tức, chú đã chộp lấy cơ hội dẫn cháu đi tham quan lần nữa.”

“Nhưng làm sao cháu đến được đây?” Thằng bé dừng lại ở đầu cầu thang và nhìn tôi bối rối.

“Đó là một bí mật. Nếu chú nói cho cháu biết, cháu phải hứa không được kể với bất kì ai.”

“Tại sao phải vậy ạ?”

“Vì họ sẽ không tin cháu, cháu có thể kể cho mẹ và Kimy nếu cháu muốn, nhưng không thêm ai khác nữa. Được chứ?”

“Dạ...”

Tôi khuỵu gối trước mặt thằng bé tôi ngây thơ, nhìn vào mắt nó. “Thề trước Chúa chứ?”

“Dạ...”

“Được rồi. Chú sẽ nói cho cháu biết vì sao cháu đến được đây: cháu đã đi xuyên thời gian. Cháu đang nằm trong phòng của mình, rồi đột nhiên: Bùm! Cháu du hành đến đây. Và vì vẫn còn khá sớm nên chúng ta có rất nhiều thời gian để thăm thú trước khi cháu phải trở về.” Thằng bé im lặng suy xét. “Cháu hiểu không?”

“Nhưng... tại sao?”

“Việc đó thì chú cũng chưa được rõ lắm. Chú sẽ giải thích cho cháu khi chú khám phá ra tại sao. Từ giờ đến lúc đó, ta nên tiếp tục tham quan, nhé? Cháu ăn bánh quy nữa không?”

Thằng bé cầm lấy một cái bánh rồi chậm rãi bước về phía cuối hành lang. Tôi đẩy thanh kẹp sắt kim loại dọc khe cửa đánh số 306 và mở nó ra. “Hãy thử phòng này trước nhé.” Tôi với tay bật điện trong phòng, những hòn đá to như những quả bí ngô nằm ngập dưới sàn nhà, nguyên vẹn hoặc bị bổ làm đôi, bên ngoài lởm chởm và bên trong vằn vện những đường vân kim loại “Ổ, xem này. Henry. Đá thiên thạch.”

“Đá thiên thạch là gì?”

“Là đá rơi từ không gian.” Thằng bé nhìn tôi như thể tôi đến từ không gian. “Chúng ta thử cửa khác nhé?” Nó gật đầu. Tôi đóng căn phòng trưng bày thiên thạch lại và thử mở cánh cửa bên kia hành lang. Căn phòng này chất đầy chim. Chim trên đường bay mô phỏng, chim đậu chật trên cành, đầu chim, da chim. Tôi mở một trong hàng trăm ngăn tủ; nó chứa cả chục ống thủy tinh, mỗi ống đựng một con chim vàng và đen tí hon được gắn tên dưới chân. Mắt Henry mở to như những cái chén. “Cháu có muốn sờ chúng không?”

“Được thôi.”

Tôi tháo lớp bông chèn khỏi miệng ống và lắc cho đến khi con chim Kim Oanh tuột vào lòng bàn tay. Nó giữ nguyên hình dáng như một cái ống. Henry âu yếm vuốt ve cái đầu nhỏ xíu của con chim. “Nó đang ngủ ạ?”

“Đại loại thế.” Thằng bé nhìn tôi sắc lẹm, không tin vào sự lập lờ của tôi. Tôi nhét con chim trở lại ống kính, chèn lớp bông và đặt nó vào chỗ cũ rồi đóng ngăn tủ lại. Tôi mệt lả. Chỉ riêng từ “ngủ” đã có sức quyến rũ khó cưỡng. Tôi dẫn đường ra ngoài hành lang, rồi đột nhiên tôi nhớ ra điều gì đã khiến tôi yêu cái đêm này khi còn nhỏ.

“Này, Henry. Hãy đi đến thư viện nhé.” Thằng bé nhún vai. Tôi bước đi, khá nhanh, khiến thằng bé phải chạy theo. Thư viện nằm ở tầng ba, phía đông, cuối tòa nhà. Khi đến nơi, tôi đứng im trong giây lát, tính toán các ổ khóa. Henry nhìn tôi như để nói: “Ờ, chỉ có vậy thôi hả?” Tôi thọc tay vào túi tìm con dao mở thư. Tôi xoay xoay nắm cửa bằng gỗ; bên trong có thanh chốt mỏng dài bằng kim loại. Tôi chọc quá nửa con dao mở thư vào và ngoáy quanh. Tôi có thể nghe thấy tiếng đàn hồi của những cái lẫy khóa, và khi đã chọc vào hẳn, tôi đút nửa còn lại vào, dùng cái kẹp sách với ổ khóa kia và thế là Vừng ơi, mở ra!

Cuối cùng người bạn đồng hành của tôi cũng lộ vẻ ấn tượng thích đáng. “Sao chú làm được vậy?”

“Không khó lắm đâu. Khi khác chú sẽ dạy cháu. Entrez! (Vào đi nào). Tôi giữ cửa mở cho thằng bé đi vào. Tôi bật điện và phòng đọc hiện lên dưới ánh sáng: những bộ bàn ghế gỗ chắc chắn, thảm màu nâu sẫm, quầy tra cứu khổng lồ. Thư viện của Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên không được thiết kế để làm hấp dẫn một đứa trẻ lên năm. Nó chỉ là một thư viện với những giá sách liền nhau dành cho các nhà khoa học và học giả. Trong các tủ sách chất đầy phòng hầu hết là tạp chí khoa học thường kì thời Victoria được bọc da. Cuốn sách tôi đang tìm nằm trong một cái hộp bằng gỗ sồi và kính ở chính giữa căn phòng. Tôi cạy khóa bằng chiếc kim băng rồi mở cánh cửa kính. Viện bảo tàng thực sự cần tăng cường thêm an ninh. Tôi không cảm thấy quá tệ khi làm việc này, vì dù sao tôi cũng là một thủ thư ngay thẳng ở Newberry. Tôi bước ra phía sau quầy tra cứu và tìm thấy một miếng nỉ và vài miếng đệm lót, rồi trải chúng lên chiếc bàn gần nhất. Tôi đóng cuốn sách lại và nhẹ nhàng nâng nó ra khỏi hộp, đặt xuống miếng nỉ. Tôi kéo một chiếc ghế lại gần. “Cháu hãy đứng lên đây để có thể thấy rõ hơn.” Thằng bé trèo lên và tôi bắt đầu mở cuốn sách.

Đó là cuốn Các loài chim nước Mỹ của Audubon, một cuốn sách hạng sang đẹp tuyệt vời cao 1 mét 27 - gần bằng chiều cao của thằng bé tôi. Đây là bản sách đẹp nhất hiện có, tôi đã dành không biết bao buổi trưa mưa gió ướŧ áŧ ngồi ngưỡng mộ nó. Tôi mở trang đầu tiên ra và Henry mỉm cười nhìn tôi. “Chim lặn Gavia”, thằng bé đọc. “Trông nó giống hệt như một con vịt.”

“Đúng vậy. Chú cược rằng chú có thể đoán được loài chim ưa thích của cháu là gì.”

Nó lắc đầu và mỉm cười.

“Cháu cược gì nào?”

Thằng bé nhìn xuống chính mình trong chiếc áo phông rồi nhún vai. Tôi hiểu cảm giác đó.

“Thế này nhé, nếu chú đoán đúng cháu sẽ được ăn một cái bánh, nếu chú đoán sai, cháu sẽ phải ăn một cái bánh.”

Thằng bé nghĩ ngợi rồi quyết định đây là một vụ cá cược an toàn. Tôi mở cuốn sách đến loài chim Hồng Hạc. Henry cười.

“Chú đoán có đúng không?”

“Có!”

Thật dễ trở thành nhà thông thái khi bạn đã trải qua tất cả chuyện đó trước đây. “Được rồi, bánh của cháu đây. Và chú cũng được một cái vì đoán đúng. Nhưng chúng ta phải để dành cho đến khi xem xong cuốn sách này đã; chúng ta không muốn vụn bánh rơi vãi khắp những loài chim xanh, phải không?”

“Phải ạ!” Thằng bé đặt cái bánh Oreo lên thành ghế rồi chúng tôi bắt đầu xem lại từ những trang đầu của cuốn sách, chậm rãi lật qua từng loài chim sống động hơn nhiều so với những cái ống kính trong căn phòng vừa nãy.

“Đây là con Diệc Xanh. Chúng rất lớn, lớn hơn nhiều so với Hồng Hạc. Chú đã thấy con Chim Ruồi bao giờ chưa? Hôm nay cháu đã thấy đấy!”

“Ở Viện bảo tàng này hả?"

“Dạ.”

“Chờ đến khi cháu thấy chúng ngoài đời nhé - chúng như những chiếc trực thăng tí hon, cánh của chúng đập liên hồi, cháu chỉ có thể thấy mờ mờ...” Lật từng trang sách như đang dọn giường, một dải bao la giấy chậm rãi dựng lên rồi hạ xuống. Henry đứng chăm chú đợi từng điều kì thú hiện ra, thốt lên những âm thanh sung sướиɠ nho nhỏ khi thấy sếu Bắc Mỹ, chim Sầm Cầm, chim Anca, chim Gõ Kiến. Khi lật đến trang cuối cùng, chim sẻ Tuyết, thằng bé nhoài người tới chạm vào trang sách, nhẹ nhàng vuốt ve những nét trạm. Tôi nhìn nó, nhìn vào cuốn sách và nhớ, cuốn sách này, khoảnh khắc này, cuốn sách đầu tiên tôi yêu, tôi nhớ cảm giác muốn cuộn mình vào nó mà ngủ.

“Cháu mệt hả?”

“Dạ.”

“Chúng ta đi nhé?”

“Được ạ.”

Tôi đóng cuốn Những loài chim nước Mỹ lại và trả nó về căn nhà kính của nó, mở đến trang chim Hồng Hạc, rồi đóng cửa hộp và khóa nó lại. Henry nhảy khỏi ghế và ăn bánh Oreo của mình, tôi cất trả miếng nỉ và đẩy ghế vào. Henry tắt điện trong phòng rồi chúng tôi rời thư viện.

Chúng tôi vừa đi thơ thẩn vừa líu lo bàn về những loài vật có thể bay và những loài có thể trườn, vừa ăn bánh Oreo. Henry kể cho tôi nghe về bố, mẹ và bà Kim, người đang dạy nó nấu món lasaga, và Brenda, người mà tôi đã hoàn toàn quên bẵng, cô bạn gái thân thiết nhất của tôi lúc còn nhỏ cho đến khi gia đình cô ấy chuyển đến Tampa, Florida sau ba tháng nữa. Chúng tôi đang đứng trước Bushman, con gorilla lưng màu trắng xám huyền thoại, đang oai vệ nhìn chúng tôi trừng trừng từ bệ đứng cẩm thạch nhỏ của nó ở tiền sảnh tầng một, thì Henry thét lên, lảo đảo về phía trước, gấp gáp với tay về phía tôi. Tôi túm lấy thằng bé, và nó biến mất. Chiếc áo phông ấm, trống rỗng nằm trên tay tôi. Tôi thở dài. Giờ này thằng bé đã về nhà, đang trèo lên giường. Tôi còn nhớ. Tôi còn nhớ đã thức dậy vào sáng hôm sau và nghĩ về nó như một giấc mơ tuyệt đẹp. Mẹ cười và nói rằng du hành thời gian có vẻ thú vị, mẹ cũng muốn thử.

Đó là lần đầu tiên.