Thước Kiều Tiên

Chương 49: Vô cùng phiền não

Ngọn núi trước mắt không cao lắm nhưng mây lại dày, trong không gian mênh mông trắng xóa thấp thoáng màu xanh um và màu vàng son của lá cây. Gió mùa thu xào xạc qua cánh rừng, bên khe suối róc rách trong vắt có con hươu đang cúi đầu uống nước, thấy có người đến cũng không sợ hãi.

Trong tiếng gió và tiếng suối chảy còn có một loại thanh âm, tựa như sáo cũng không phải sáo, tựa như ống trúc cũng không phải trúc, khi thì cao vυ't thanh thúy, vang lên ngàn mây, khi thì ai oán bi thương, theo dòng nước chảy.

Lữ Đại nói: “Đây là loại nhạc cụ gì vậy? Nghe rất hay.”

Lữ Minh Hồ nói: “Chắc là khèn tất lật.”

Khèn tất lật được làm từ trúc Nam Sơn, bản nhạc này có nguồn gốc từ Quy Từ*. Loại nhạc cụ này đến từ vùng biên giới, mang ý nghĩa cổ xưa hoang vắng, rất phổ biến vào thời nhà Đường.

(*Quy Từ: tên một nước thời cổ ở Tây Vực, thuộc Tân Cương, Trung Quốc.)

Nghe xong, vẻ mặt Tiểu Hỉ Thước ảm đạm, nước mắt dâng trào, đến khi giai điệu thay đổi, nàng lại cười rộ lên.

Lữ Minh Hồ cầm tay nàng, truyền cho nàng một luồng linh lực, nàng bỗng chốc như tỉnh dậy khỏi mộng, sờ sờ nước mắt trên mặt, kinh ngạc nói: “Tiếng khèn tất lật này có thể khống chế cảm xúc?”

Lữ Minh Hồ khẽ gật đầu, thật ra y không có bất kỳ cảm giác gì, ở trước loại pháp thuật khống chế cảm xúc này, y giống hệt như một tảng đá.

Lữ Đại nói: “Một khi cảm xúc bị khống chế, đối phương có lợi hại hơn nữa cũng không đáng sợ, hòa thượng Diệu Âm đúng là danh bất hư truyền!”

Bên sườn núi có một tầng sương mù, hiện ra một tòa điện các, chính là Lâm Tuyền Tự. Đi tới trước cửa núi, Lữ Minh Hồ và Lữ Đại nhìn thấy một tấm bia, trên bia viết bốn chữ màu đỏ lớn: Nữ tử chớ vào.

Hai hòa thượng canh cửa mang vẻ mặt đề phòng nhìn Lữ Đại, giống như sợ nàng xông vào.

Tuy rằng Lữ Đại rất muốn nhìn thấy phong thái của hòa thượng Diệu Âm, nhưng nàng lại không muốn Lữ Minh Hồ khó xử, bèn nói: “Ta ở bên ngoài chờ ngài cũng được.”

Lữ Minh Hồ nói: “Bỏ đi, ta cũng không muốn vào, đi thôi.”

Lữ Đại cho rằng y không yên tâm để nàng ở bên ngoài một mình: “Ta hứa sẽ không chạy lung tung, không gây họa, ngài yên tâm đi.”

Lữ Minh Hồ nói: “Phật nói tất cả chúng sinh đều có Phật tính, nếu ngay cả đạo lý này mà thiền sư Tịnh Tâm cũng không rõ thì ta không gặp cũng được.”

Vừa dứt lời, tiếng đàn đột nhiên dừng lại, một bóng người xuất hiện trước vách tường bên trong cửa, trên đầu hắn đội mũ Bì Lư, viên đá mắt mèo trên mũ lấp lánh, khoác trên mình một chiếc áo cà sa màu đỏ tươi và vàng kim, làm nổi bật khuôn mặt trắng như ngọc tạc, rạng rỡ lạ thường.

Hắn cầm thiền trượng trong tay chậm rãi đi tới, hai tay chắp lại, mỉm cười nói: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đó là bản năng. Nếu là bản năng thì vốn đã có sẵn, nhưng thường bị vô số phiền não che khuất, cho nên chúng sinh không thể nhìn thấy. Đạo lý này không phải tiểu tăng không hiểu rõ, chẳng qua là có quá nhiều nữ thí chủ mang tâm tư khác biệt, hơn nữa miệng người đời thực sự rất đáng sợ, cho nên tiểu tăng mới bất đắc dĩ lập ra tấm bia này, khiến Lữ đạo trưởng và vị nữ thí chủ này chê cười rồi.”

Lữ Minh Hồ nói: “Thiền sư coi trọng thanh danh, làm như vậy cũng không có gì là đáng trách.”

Lữ Đại đánh giá Tịnh Tâm thiền sư từ trên xuống dưới, thản nhiên nói: “Thì ra các nữ thí chủ là ngọn nguồn phiền não của thiền sư.”

Lời nói này thoạt nghe có vẻ hài hước nhưng thật ra lại ẩn giấu gươm dao, Tịnh Tâm lại không nói nên lời, cười rạng rỡ nói: “Hổ thẹn, hổ thẹn. Nhiều năm không gặp, bên cạnh Lữ đạo trưởng lại có thêm một vị tiểu thư thông minh như vậy. Nếu biết sớm, hôm nay tiểu tăng đã cất tấm bia này đi.”

Lữ Đại nói: “Ta là Lữ Đại, là linh sủng của Minh Hồ, hiện tại bọn ta có thể vào trong không?”

Tịnh Tâm nói: “Hai vị mời vào, mời vào.”

Đi qua Đại Hùng Bảo Điện chính là thiền đường, phía sau thiền đường có một dòng suối sống động, linh khí nồng đậm tuôn ra theo dòng chảy của suối. Hoa và cây cối xung quanh tươi tốt lạ thường, có một gốc cây lựu kết đầy quả, quả nào cũng tươi tốt, đỏ tươi như màu ráng chiều, nặng trĩu đến mức cành cây rủ xuống.

Tiểu Hỉ Thước nhìn những quả lựu kia với ánh mắt thèm thuồng, Lữ Minh Hồ thì để ý thấy trên mặt đất có rất nhiều đường vân phức tạp, bèn nói với Tịnh Tâm: “Con suối này phải chăng là một trận nhãn?”

Tịnh Tâm khẽ gật đầu, trong tay xuất hiện một cái chén lưu ly, múc một chén nước suối rót vào trong ấm trà, nói: “Suối này tên là Giải Ách Tuyền, trận nhãn này gọi là Phạm Âm Giải Ách. Hơn năm trăm năm trước, Ma Vương hóa thân thành phụ nhân mang thai đội mưa đến Dự Tự xin tổ sư thu nhận. Tổ sư thấy nàng sắp lâm bồn thì trong lòng không nỡ từ chối, để cho nàng ở lại thiền đường. Ma Vương bèn lợi dụng thời cơ trộm lấy điển tịch trong chùa, bị tổ sư phát hiện, sau một trận ác chiến, Ma Vương chạy trốn, điển tịch tuy đã giành lại được nhưng tổ sư cũng bị trọng thương.”

“Để hóa giải sát khí Ma Vương để lại trong cơ thể tổ sư, Thiên Trúc Tự, Đại Chiêu Tự, Ngọa Phật Tự, còn có mười hai vị trưởng lão của Dự Tự đã lấy trận nhãn làm trận pháp, bày ra Phạm Âm Giải Ách Trận.”

Nói xong đoạn chuyện cũ này, nước trong lò đã nổi bọt, Tịnh Tâm xắn ống tay áo rộng thùng thình lên châm trà, ngón tay hắn thon dài trắng nõn, còn đẹp hơn cả tay nữ nhân, nhìn hắn pha trà thật sự rất bổ mắt.

Pha trà xong, Tịnh Tâm lại hái hai quả lựu rồi nhẹ nhàng bóp một cái, quả lựu tách ra, hạt lựu đầy đặn trong suốt như từng hạt mã não rơi lách cách vào trong đ ĩa sứ trắng, cùng chén trà đưa đến trước mặt Lữ Minh Hồ cùng Lữ Đại.

Lữ Đại bưng lên ngửi thử, khen ngợi: “Trà ngon!” Nàng uống một hơi cạn sạch, hương thơm lan tỏa trong khoang miệng đem đến dư vị vô tận. Sau đó nàng lại ăn một hạt lựu, vị thanh ngọt chảy vào lá lách, không khỏi vui vẻ tươi cười.

Lữ Minh Hồ và Tịnh Tâm đàm luận kinh đạo, lời nói tối nghĩa khó hiểu. Lữ Đại chuyên tâm ăn lựu, bỗng nhiên sực nhớ trong căn nhà ở phố Bình Sự cũng có mấy gốc lựu, kết rất nhiều trái cây, dạo trước nàng còn nói với Giang Bình là mấy ngày nữa sẽ hái ăn.

Giang Bình cũng tinh thông trà đạo, nhưng có lẽ đời này nàng sẽ không được uống trà hắn pha nữa.

Hạt lựu trong miệng bỗng trở nên chua chát, Lữ Đại cúi đầu xuống, vành mắt đỏ hoe, nước mắt đảo quanh trong hốc mắt, trước mặt người ngoài nàng cố nén không khóc thành tiếng.

Lữ Minh Hồ quay đầu nhìn nàng, nói: “Mệt rồi thì ngủ một lát đi.”

Tiểu Hỉ Thước biến trở về nguyên hình, chui vào trong ống tay áo của y rơi lệ.

Tịnh Tâm không nghe thấy tiếng khóc của nàng, lại nói: “Cô nương này hình như bị tình cảm vây khốn.”

Lữ Minh Hồ nói: “Thiền sư rất giỏi nhìn thấu lòng người.”

Tịnh Tâm nhìn thẳng vào đôi đồng tử thâm thúy của y, mỉm cười nói: “Đạo trưởng quá khen. Thật không giấu diếm gì, tiểu tăng thuở nhỏ có tu luyện vô lượng tâm, ngài là người duy nhất cho đến bây giờ nghe thấy tiếng nhạc của tiểu tăng mà lại không bị ảnh hưởng gì.”

Lữ Minh Hồ nói: “Người như ta kỳ thật không ít, chỉ là thiền sư chưa gặp qua thôi.”

Tịnh Tâm bật cười nói: “Đạo trưởng quá khiêm tốn, người như ngài, gần ba trăm năm qua chỉ có một.”

Lữ Minh Hồ nói một tiếng không dám nhận, nhìn chằm chằm khuôn mặt tươi cười của hắn một lát, lại nói: “Thiền sư có thể khống chế cảm xúc của người khác, chẳng lẽ bản thân còn có thể bị người khác ảnh hưởng?”

Tịnh Tâm thở dài, nói: “Có một câu tục ngữ chắc hẳn đạo trưởng đã nghe qua, ‘Người quen cưỡi ngựa cũng quen té ngã, người chìm dưới sông cũng là người biết bơi’*.”

(*ẩn dụ của câu tục ngữ này là người thành thạo một kỹ năng nào đó thường bất cẩn và gây ra tai họa.)

Lữ Minh Hồ khẽ mỉm cười, y không cho rằng câu tục ngữ này áp dụng cho Tịnh Tâm, nhưng Tịnh Tâm đúng thực là thú vị hơn trong tưởng tượng của y.

Lữ Đại khóc mệt mỏi thì ngủ một giấc, tỉnh lại chui ra khỏi ống tay áo, trên bàn thắp một ngọn đèn lưu ly hoa sen, Tịnh Tâm đã rời đi, Lữ Minh Hồ đang nhắm mắt thiền định. Nàng nhảy lên đùi y, dùng mỏ chim cứng nhọn nhẹ nhàng chọc vào lòng bàn tay mềm mại của y, đương nhiên y không cảm thấy đau, chỉ có một loại ngứa ngáy thân mật.

Lữ Minh Hồ vươn bàn tay còn lại tới vuốt ve lông vũ của nàng, nói: “Chúng ta sẽ ở lại chỗ này mấy ngày, nếu ngươi muốn học nhạc cụ gì, thiền sư Tịnh Tâm chắc chắn sẽ không chối từ.”

Lữ Đại thầm nghĩ đây có lẽ cũng là một cách để giải sầu, bèn hỏi: “Minh Hồ thích nhạc cụ gì?”

Lữ Minh Hồ nói: “Tùy ngươi, ta sao cũng được.”

Ngày hôm sau, Tịnh Tâm nghe nói nàng muốn học nhạc cụ thì vui vẻ dẫn nàng đến Phạm Âm Các. Bên trong đầy đủ các loại nhạc cụ, nào là chuông, cồng cồng, sậy, đàn tỳ bà, đàn nguyệt cầm, hồ cầm, sáo dài, sáo ngắn, tiêu, khèn tất lật… Mỗi loại có kích thước và chất liệu khác nhau, khiến người ta nhìn hoa cả mắt.

Lữ Đại thán phục: “Bao nhiêu nhạc cụ thế này, thiền sư ngài đều biết sử dụng cả sao?”

Tịnh Tâm khẽ gật đầu, trong nụ cười thấp thoáng sự kiêu ngạo, nói: “Cô nương muốn học loại nào, tiểu tăng có thể dạy cho cô nương.”

Lữ Đại chọn tới chọn lui, vẫn quyết định chọn khèn tất lật.

Điểu Tộc bẩm sinh đã thông thạo âm nhạc, Tịnh Tâm lại là sư phụ tốt, lúc rời khỏi Lâm Tuyền Tự, Lữ Đại đã có thể thổi hoàn chỉnh hơn mười khúc nhạc, Tịnh Tâm tặng cho nàng một quyển nhạc phổ, để cho nàng cần cù luyện tập.

Trên đường trở về Lư Sơn, Lữ Đại nhớ tới một chuyện, nói với Lữ Minh Hồ: “Lúc trước đưa Quế Nương đến Thiên Sơn chữa bệnh, bọn ta có đi ngang qua một nơi gọi là Sùng An Trấn. Trên trấn có một tòa Thủy Đức Điện, bên trong có tượng Thủy Đức Tinh Quân giống y đúc Quỳnh Phương Chân Quân, người giữ miếu nói chuyện này là do hai năm trước Thủy Đức Tinh Quân đã phó thác cho Diệp viên ngoại, chê thần tượng ban đầu quá khó nhìn, bảo hắn tu sửa theo ý muốn.”

“Nhưng ta cảm thấy rất kỳ lạ, thế gian có bao nhiêu là bức tượng Thủy Đức Tinh Quân, vì sao Quỳnh Phương Chân Quân chỉ ghét bỏ chỗ này? Ta nghĩ vị Diệp viên ngoại kia và Quỳnh Phương Chân Quân chắc chắn có quan hệ gì đó, lúc ấy do sợ làm chậm trễ đến việc chữa bệnh của Quế Nương nên ta mới không đến nhà hắn tìm hiểu.”

Lữ Minh Hồ nghe vậy, cũng không cảm thấy việc này đáng để tìm hiểu, nhưng dẫn nàng đi giải sầu cũng tốt, bèn nói: “Vậy bây giờ chúng ta đến đó xem thử.”