Thập Niên 60: Đôi Vợ Chồng Trẻ Trong Đại Tạp Viện

Chương 5: Kỷ Minh Quân

Những năm gần đây cả nước chủ trương tiết kiệm, vì vậy đèn đường thường không bật, cũng may đêm nay trăng sáng, ánh trăng như nước chiếu xuống miễn cưỡng có thể soi chiếu con đường về nhà phía trước.

“Bên này.” Ra khỏi Cung Văn hóa Lao Động, Lâm Tĩnh chỉ về hướng bên phải nói.

Kỷ Minh Quân “ừ”, nhàn nhã đi cạnh cô nhưng vẫn trầm lặng.

Bởi vì anh không nói gì, Lâm Tĩnh không khỏi sinh ra tâm lý ngại ngùng, không phải vì bất mãn thái độ của anh mà nguyên nhân là do trong lòng cô thấp thỏm. Cô luôn cảm thấy đối phương đồng ý tiễn mình là vì đồng đội xúi giục, hơn nữa tối nay cô đã trì hoãn quá nhiều thời gian của anh.

Nghĩ đến đây, Lâm Tĩnh nói lời cảm ơn: “Tối nay cảm ơn anh.”

Kỷ Minh Quân nói: “Vì dân phục vụ.”

Lâm Tĩnh nghe vậy sửng sốt, sau đó nhanh chóng cười lên, hỏi: “Tiễn tôi về nhà mà cũng là vì dân phục vụ ư?”

“Phải.”

Sau hai câu nói, Lâm Tĩnh phát hiện bang trai trước mặt là một quân nhân điển hình, đoan chính uy nghiêm lại dễ dàng khiến người khác sinh thiện cảm. Cô không còn cảm thấy ngại ngùng hay thấp thỏm nữa hỏi: “Nhưng tiễn tôi về nhà có phải làm mất thời gian của anh không?”

“Không.”

“Thật ư?” Lâm Tĩnh quay lại nhìn anh, đôi mắt đen của cô dưới ánh trăng lạnh càng thêm sáng, lộ ra chút thấu hiểu.

Kỷ Minh Quân ho một tiếng nói: “Cô trở về đi.”

Lâm Tĩnh hỏi nhiều như vậy cũng vì muốn không khí tích cực lên, thấy anh tránh né trả lời thì không hỏi nữa nói lời tạm biệt liền xoay người về hướng cửa lớn. Nhưng vừa đi được một hai bước, Lâm Tĩnh đột nhiên dừng lại xoay người nói: “Đúng rồi…. tối nay anh giúp tôi nhiều vậy nhưng tôi lại hoàn toàn không biết tên anh” lại giới thiệu tên mình: “Tôi là Lâm Tĩnh, hai cây thành lâm, tĩnh trong an tĩnh.”

Kỷ Minh Quân đang chuẩn bị rời đi, thấy cô gọi cũng dừng lại, xưng tên: “Kỷ Minh Quân.”

Anh cũng không giải thích ba chữ đó, Lâm Tĩnh cũng không hỏi nhiều, chỉ cười, gật đầu tạm biệt: “Đồng chí Kỷ, tạm biệt.”

Đầu thập niên năm mươi, trước khi khu vực Hồ Dương được sáp nhập vào An Bình, xưởng may mặc đã từng rất huy hoàng, được xếp vào ba đơn vị lớn hàng đầu trong thành phố tính theo giá trị sản lượng. Nhưng từ khi khu vực Hồ Dương nhập vào An Bình, các đơn vị thành phố chuyển đến Hồ Dương, sự hỗ trợ ngày càng giảm, ngoài ra các kiểu quần áo do xưởng may sản xuất tương đối là như nhau, doanh số bán hàng không thể tăng. Kết quả là xưởng may mặc dần sa sút.

Điều này có thể nhìn vào một điểm đó là phòng ở gia đình công nhân.

Phòng gia đình của xưởng may mặc được xây dựng vào đầu những năm 1950. Vào thời điểm đó, hoạt động kinh doanh của xưởng đang phát triển mạnh, những ngôi nhà được xây hai tầng.