Chương 20
Làm cách nào d Artagnan tính toán tiêu sản, tích sản của tổ hợpQuả thật, - D Artagnan tự nhủ, - vận may đã đến với ta.
Cái ngôi sao chỉ chiếu sáng trong cuộc đời của mỗi người một lần thôi, cái ngôi sao đã chiếu sáng cho Job và cho Trus, người Do Thái khốn khổ nhất và người Hy Lạp nghèo nhất, sau cùng đã vừa chiếu sáng cho ta. Ta sẽ không làm những việc tiêu phí điên rồ, ta sẽ biết lợi dụng vận may này. Nó đã đến với ta khá trễ khiến ta cần phải tỏ ra khôn khéo và thận trọng mới được.
D Artagnan rất vui khi ăn bữa tối hôm ấy với ông bạn Athos, không tiết lộ gì về ngôi nhà và khu đất được cho, nhưng ông không thể ngăn mình hỏi bạn về những chuyện gieo trồng.
Athos trả lời bạn một cách sốt sắng, như mọi lúc. Ông nghĩ là d Artagnan muốn trở thành chủ đất; tuy nhiên có lúc ông cảm thấy tiếc rằng không còn thấy tính hoạt bát và những câu nói dí dỏm khôi hài nơi người bạn vui tính trước kia. Quả vậy, khác hẳn với thường ngày, d Artagnan rất ít nói, chỉ chăm chú lấy chút mỡ thừa còn dính lại trên đĩa vẽ vạch những hàng chữ số và làm những bài toán cộng tròn trịa thật đáng nể.
Tờ sắc, hay nói đúng hơn giấy phép lên tàu được gởi đến hai người vào buổi tối.
Trong khi Bá tước nhận giấy tàu, một người mang thư khác cho d Artagnan một xấp nhỏ bằng những văn bản đầy những con dấu chứng nhận quyền sở hữu bất động sản trên đất Anh. Athos bắt gặp d Artagnan đang lật những văn bản xác nhận sự chuyển nhượng quyền sở hữu. Ông Monck thận trọng - những kẻ khác có thể nói là ông Monck hào hiệp, đã biến đổi sự chuyển tặng thành một sự buôn bán, và xác nhận đã nhận số tiền mười lăm ngàn đồng là giá bán bất động sản.
Người mang giấy tờ đến đã về rồi mà d Artagnan vẫn còn mải đọc và Athos vẫn mỉm cười nhìn ông. D Artagnan liếc nhìn lên bắt gặp nụ cười của Athos nên vội vã nhét cả xấp giấu vào túi xách. Athos nói:
- Xin lỗi.
Người phó quan ngự lâm quân trả lời:
- Ô! Không có gì đâu, bạn thân mến, tôi muốn…
- Không, xin bạn đừng nói gì cho tôi biết hết, tờ sắc là thứ thiêng liêng mà kẻ nhận không được tiết lộ một lời nào cho đến cả anh em và cha mình nữa. Vì thế, tôi, kẻ nói với bạn như vậy và kẻ thương yêu bạn còn hơn cả anh em, cha và tất cả mọi người.
- Ngoại trừ Raoul của bạn?
- Tôi sẽ thương yêu Raoul nhiều hơn nữa khi nào nó trở thành một người lớn mang tính nết và hành động giống như tôi đã thấy nơi bạn, người bạn thân mến của tôi.
- Vậy là bạn cũng nhận được một tờ sắc nữa, và bạn nhất định không cho tôi biết.
- Phải, d Artagnan thân mến.
Chàng Gascon thở dài nói:
- Đã có một thời, bạn sẵn sàng mở tờ sắc đó ra, đặt lên bàn và nói: "d Artagnan, bạn hãy đọc cái tờ viết nguệch ngoạc này cho cả ba chúng ta, Porthos, Aramis và tôi cùng nghe".
- Đúng vậy. Ô, lúc đó là thời chúng ta còn trẻ, đầy tin tưởng, là thời mà chúng ta tuân theo lệnh của dòng máu hào hiệp bừng sôi tới mức đam mê!
- Này, Athos, bạn có muốn nghe tôi nói điều này không?
- Hãy nói đi, bạn thân mến.
- Cái thời đáng mến đó, cái mùa hào hiệp đó, cái thời ngự trị của máu nóng đó, tất cả những điều chắc chắn là rất đẹp đó, tôi không hề tiếc chúng chút nào: Cũng giống y như cái thời chúng ta còn đi học. Tôi vẫn thường gặp ở một nơi nào đó một anh chàng khờ dại ca tụng với tôi về cái thời của những bài chép phạt, những trận đòn roi, những miếng bánh mì cứng như đá thật kỳ lạ, tôi không bao giờ yêu mến cái thời đó, và mặc dầu rất hiếu động, ăn mặc rất giản dị (bạn biết rõ tôi lúc đó, Athos) tôi cũng vẫn thích những bộ đồ thêu của Porthos không kém hơn là chiếc áo ngài mỏng manh của tôi, chiếc áo để lọt vào da cơn gió lạnh mùa đông và ánh nắng của mùa hè. Bạn thấy không, tôi vẫn luôn luôn nghi ngờ kẻ làm ra vẻ thích sự cực khổ hơn sự sung sướиɠ. Thế mà, thời quá khứ là thời tôi chỉ nếm toàn những nỗi cực khổ, thời mà mỗi tháng tôi thấy chiếc áo của tôi thủng thêm một lỗ, cái túi tiền của tôi mất bớt đi một đồng vàng. Về cái thời đáng ghét của những trò chơi chính trị đu đưa, tôi tuyệt đối chả tiếc cái gì hết, ngoại trừ tình bạn của chúng ta. Chỉ vì trong đó có một quả tim và thật là mầu nhiệm, quả tim tôi đã không bị khô cằn của chiếc áo ngoài, cũng như không bị những mũi gươm đủ loại xuyên qua da thịt, đâm cho tôi tan nát.
Athos nói:
- Bạn đừng tiếc tình bạn của chúng ta, nó chỉ chết khi nào chúng ta không còn sống nữa. Tình bạn được hoàn thiện nhất là bởi những kỷ niệm và những thói quen, và nếu lúc nãy bạn có nói một lời chỉ trích nhẹ nhàng về tình bạn của tôi thì chỉ vì tôi đã ngần ngại không tiết lộ về sứ mạng của tôi ở Pháp. Ôi! bạn rất tốt và rất thân mến của tôi, bạn nên biết rằng từ nay về sau tôi chẳng còn thiết gì đến tất cả những sứ mạng trên thế gian này nữa!
Và ông siết chặt chiếc túi rộng lớn chứa các văn bản.
Athos đứng dậy và gọi chủ trọ để trả tiền. D Artagnan nói:
- Từ khi chúng ta là bạn, tôi không bao giờ phải trả một phần tiền ăn nào hết. Thường thường là Porthos, đôi khi là Aramis và bạn, gần như các bạn đã luôn luôn móc tiền túi ra trả. Bây giờ tôi giàu rồi, để tôi thử trả tiền, xem việc trả tiền có là một cử chỉ oai hùng không.
- Bạn trả đi, - Athos nói, và nhét lại túi tiền vào áo.
Sau đó, hai người đi về phía bến cảng, d Artagnan không quên nhìn lại đằng sau để trông chừng việc chuyên chở những đồng tiền vàng yêu quý của ông.
Đêm tối vừa trải tấm màn dày đặc của nó trên mặt nước sông Tamise. Tiếng động của những thùng hàng hoá và những chiếc ròng rọc báo hiệu tàu đang chuẩn bị rời bến, - những tiếng động đã bao lần làm xao xuyến con tim của những người lính ngự lâm, dù là những nguy hiểm của biển cả không đáng kể gì so với những nguy hiểm mà họ sắp phải đương đầu. Lần này họ sẽ lên một chiếc tàu lớn đang chờ ở Gravescend, và Charles II. - luôn luôn để ý từng việc nhỏ, - đã cho đưa họ ra đấy trên một chiếc du thuyền của ông, cùng với mười hai binh sĩ trong đội cận vệ Scotland của ông, để tạo niềm vinh dự cho vị sứ thần mà Nhà vua phái sang Pháp. Vào lúc nửa đêm, chiếc du thuyền chuyển những hành khách của mình lên chiếc tàu lớn, và đến tám giờ sáng hôm sau, chiếc tàu lớn đã cho vị sứ thần và bạn ông ta lên bờ tại bến cảng Boulogne.
Trong khi Bá tước cùng với Grimaud lo chuẩn bị ngựa để đi thẳng về Paris thì d Artagnan chạy ngay đến nhà trọ nơi đội quân nhỏ bé của ông đang chờ đợi, theo lệnh của ông.
Những người này đang dùng bữa sáng có sò huyết, cá và rượu mùi. Họ rất vui vẻ, nhưng chưa ai say đến độ vượt qua giới hạn của lý trí. Một tràng tiếng hoan hô vui mừng tiếp đón người chỉ huy. D Artagnan nói:
- Tôi đã về đây, chiến dịch chấm dứt rồi. Tôi đem đến cho mỗi người phần lương bổ túc mà tôi đã hứa.
Những cặp mắt đều sáng lên.
- Tôi cá rằng trong túi của kẻ giàu nhất trong các anh hiện giờ không có đến một trăm đồng louis.
Họ đồng thanh kêu lên:
- Đúng vậy!
D Artagnan nói:
- Quý vị, đây là hiệu lệnh chót. Hiệp ước thương mại được ký kết nhờ cuộc tấn công đã giúp chúng ta bắt được nhà tài chính khôn khéo nhất của nước Anh; bởi vì bây giờ tôi phải tiết lộ cho các anh biết, người mà chúng ta bắt cóc đó là viên quản khố của Đại tướng Monck.
Chữ "quản khố" có tác động chút ít đến đội quân của ông.
D Artagnan nhận thấy chỉ duy có đôi mắt của Menneville là không thấy biểu lộ sự tin tưởng hoàn toàn. Ông nói tiếp:
- Tôi đã đem viên quản khố đến một xứ trung lập, xứ Hà Lan. Tôi bắt ông ta ký bản hiệp ước, tôi đích thân đem ông ta trở về Newcastle, và vì ông ta đã rất bằng lòng về những cách đối xử của chúng ta, vì cái thùng bằng gỗ thông được lót nệm và khiêng đi rất êm ái, cho nên tôi đã xin được ông ta cho các bạn một số tiền thưởng đây.
Ông ném một cái bao khá lớn lên tấm vải trải bàn. Tấl cả đều tự động đưa tay ra. D Artagnan nói:
- Hãy chờ một chút đã, đám cừu non của tôi ạ, nếu có những lợi lộc được hưởng, cũng như những trách nhiệm phải lo.
- Ô! ô! - Cả toán xì xào - Này các bạn, chúng ta sẽ lâm vào một tình thế mà những kẻ không đầu óc sẽ rất khó đối phó. Tôi nói trắng đây: Chúng ta đang ở giữa cây cột treo cổ và nhà ngục Bastille đấy.
- Ô! ô! đám người lại kêu lên.
- Điều này rất dễ hiểu. - Cần phải giải thích thế nào với Đại tướng Monck về chuyện người quản khố của ông ta biến mất. Tôi phải chờ đợi đúng lúc may mắn sao vua Charles II, vốn là bạn của tôi, được trở lại ngôi báu.
Đoàn người đáp lại ánh mắt kiêu hãnh của d Artagnan bằng ánh mắt vui mừng.
- Khi nhà vua lấy lại được ngai vàng, tôi trả lại cho ông Monck viên quản khố, hơí bị trầy trụa chút đỉnh, thật vậy, nhưng dầu sao tôi cũng trả lại rồi. Nhưng Đại tướng Monck, trong khi tha thứ cho tôi, đã kèm theo những lời này mà tôi yêu cầu mỗi người trong số các bạn hãy ghi sâu vào trong đầu mình: "Thưa ông, việc đùa này rất hay, nhưng bản tính của tôi không thích đùa cợt; nếu chỉ một lời nào về những điều ông đã làm (Menneville, ông hiểu chứ), thoát ra từ miệng ông hay từ miệng các bạn ông thì tôi có sẵn trong các xứ Scotland và Ireland dưới quyền tôi bảy trăm bốn mươi mốt cây cột treo cổ làm bằng gỗ sồi có lắp chốt sắt và tuần nào cũng được đánh mỡ bóng loáng. Tôi sẽ tặng cho mỗi người trong các ông một cây cột treo cổ đó, và ông hãy nhớ kỹ, ông d Artagnan thân mến, ông ta nói tiếp, (và cũng xin ông Menneville nhớ kỹ) tôi hãy còn lại bảy trăm ba mươi cây để sử dụng khi nào tôi thích. Ngoài ra…"
- Ô! ô! Còn "ngoài ra" cái gì nữa?
Còn một điều khốn khổ nữa: "Thưa ông d Artagnan, tôi gởi đến vua nước Pháp bản giao ước này kèm theo lời yêu cầu Nhà vua tạm thời bắt nhốt vào ngục Bastille rồi gời sang đây cho tôi tất cả những kẻ đã tham dự vào cuộc bắt cóc. Lời yêu cầu này chắc chắn Nhà vua sẽ chấp nhận đấy".
Những tiếng kêu kinh hãi phát ra từ một góc bàn.
D Artagnan nói:
- Ờ! ờ! Nhưng ông bạn Monck đã quên mất một điều là ông ta không biết tên của một ai trong các bạn, chỉ mình tôi biết và tôi không phải là người phản các bạn, các bạn thừa biết điều đó. Về phía các bạn, tôi không nghĩ rằng các bạn không quá dại dột đến độ tự mình tố cáo mình, bởi vì lúc đó, để khỏi tốn tiền nuôi các bạn ăn ở trong tù. Nhà vua sẽ gởi các bạn sang Scotland, đang có bảy trăm bốn mươi mốt cây cột treo cổ chờ đợi sẵn. Đó là tất cả những gì các bạn cần phải biết rõ và nhớ kỹ. Và bây giờ, tôi không còn điều gì phải nói thêm nữa. Tôi chắc là các bạn hiểu đầy đủ, phải không, ông Menneville?
Anh này trả lời:
- Rất đầy đủ.
D Artagnan nói:
- Bây giờ đến lượt những đồng louis vàng? Đóng các cửa lại.
Ông mở một cái bao trên bàn ra làm nhiều đồng tiền vàng xinh đẹp lăn xuống đất. Mỗi người vội nhổm dậy, cúi xuống sàn nhà, d Artagnan kêu lên:
- Khoan đã! Đừng một ai cúi xuống lượm để tôi đếm lại cho đủ.
Và quả thật ông đếm đủ số tiền rồi đưa mỗi người năm mươi đồng louis xinh đẹp, và nhận được những lời cầu chúc cũng bằng với số đồng vàng ông đã cho.
D Artagnan nói:
- Bây giờ, nếu các bạn làm lại cuộc đời để trở thành những nhà trưởng giả tốt bụng và lương thiện.
- Khó quá! - Một kẻ nói.
Một kẻ khác hỏi:
- Nhưng tại sao cần phải thế, ông trưởng?
- Ấy là vì tôi có thể sẽ gặp lại các bạn, và biết đâu thỉnh thoảng sẽ tặng thêm các bạn một món quà bất ngờ nào đó.
Ông ra dấu cho Menneville lúc này đang ngồi nghe tất cả những diều ông nói với vẻ mặt không được tự nhiên lắm.
Menneville đi theo ông, trong khi những tiếng chào của dám thuộc hạ hoà lẫn với tiếng kêu êm tai của những dồng tiền vàng chạm vào nhau trong túi họ.
Khi đã ra đến ngoài đường, d Artagnan nói:
- Menneville, vừa rồi anh không bị gạt, tôi thấy anh có vẻ không sợ những cây cột treo cổ của Monck cũng như ngục Bastille của Hoàng đế Louis XlV, nhưng tôi yêu cầu anh hãy sợ tôi. Này! Nghe đây: Chỉ cần một lời tiết lộ của anh thôi, tôi sẽ gϊếŧ anh như cắt tiết gà. Tôi sẵn có trong túi lời tha tội của Đức Giáo hoàng đây này.
- Tôi bảo đảm với ngài rằng tôi tuyệt đối không biết gì hết, ngài d Artagnan thân mến ạ.
Người lính ngự lâm nói:
- Tôi biết anh là một người thông minh, tôi chú ý nhận xét anh từ hai mươi lăm năm nay rồi. Tôi cho anh thêm năm mươi đồng vàng nữa, điều này chứng tỏ tôi rất trọng anh. Cầm lấy đi.
Menneville nói:
- Cám ơn ngài d Artagnan.
D Artagnan đáp lại bằng một giọng thật nghiêm trang:
- Với số tiền này anh có thể thật sự trở thành một người đàng hoàng. Thật là xấu hổ để cho một đầu óc như của anh và một cái tên mà anh không còn dám mang nữa, phải bị vĩnh viễn xoá bỏ bởi một cuộc sống xấu xa. Hãy trở nên một con người lịch sự. Menneville, và hãy sống an nhàn một năm với số một trăm đồng tiền vàng này, số tiền khá lớn đấy: gấp đôi tiền lương của một sĩ quan cao cấp. Trong một năm nữa, hãy đến tìm tôi, và chán quá, tôi sẽ làm cho anh trở thành một con người đáng giá.
Menneville thề, cũng như các bạn anh ta rằng anh ta sẽ giữ kín miệng.
Tuy nhiên hẳn là phải có một kẻ nào đã nói ra, và vì chắc chắn không phải chín người lính kia, cũng như chắc chắn không phải là Menneville, hẳn phải là chính d Artagnan, - chàng Gascon vốn có cái lưỡi không bao giờ chịu ở yên. Bởi vì nếu không phải là ông ta thì là ai? Và làm sao có thể giải thích việc câu chuyện bí mật của chiếc thùng gỗ thông có khoét lỗ được chúng tôi biết một cách rất đầy đủ, để có thể kể lại cho bạn đọc nghe đến những chi tiết sâu kín nhất của nó, những chi tiết rọi một ánh sáng vừa mới mẻ vửa bất ngờ vào tất cả phần này của lịch sử nước Anh mà cho đến nay các sử gia đồng nghiệp của chúng ta vẫn còn bỏ quên nó trong bóng tối?
Sau khi đã thanh toán xong tiền bạc và dặn dò kỹ lưỡng đám binh sĩ thuộc hạ, d Artagnan chỉ còn nghĩ đến việc trở về Paris càng nhanh càng tốt. Về phần Athos, ông này cũng nôn nóng muốn trở về nhà để nghỉ ngơi một chút. Sau những mệt nhọc của chuyến đi, người lữ khách nào cũng vui mừng nhận thấy sau buổi chiều tàn, mặc đầu ngày đó rất đẹp, đêm tối sẽ đem đến một giấc ngủ ngon lành. Vì thế, từ Boulogne về Paris, hai người bạn cưỡi ngựa đi bên nhau, mỗi người theo đuổi những ý tưởng riêng tư của mình. Họ rất ít nói chuyện với nhau, chỉ lo thu ngắn đoạn đường dài bằng cách thúc ngựa đi thật nhanh. Bốn ngày sau khi họ rời Boulogne, Athos và d Artagnan về đến Paris. Athos hỏi:
- Bạn đi về đâu, bạn thân mến? - Tôi, tôi đi thẳng về nhà trọ.
- Còn tôi, tôi đi thẳng về nhà người hùn vốn với tôi.
- Nhà của Planchet à?
- Phải ở quán Đùi gà vàng.
- Dĩ nhiên là chúng ta sẽ gặp lại nhau chứ?
- Ừ, nếu bạn ở lại Paris; vì tôi ở lại đây.
- Không. Sau khi hôn Raoul theo như đã hẹn gặp tại nhà trọ, tôi sẽ đi ngay về La Fère.
- Vậy thì xin từ giã bạn người bạn thân mến tuyệt vời của tôi - Tôi không hiểu tại sao bạn không đến ở với tôi tại Blois.
Bây giờ bạn được tự do và bạn giàu rồi, nếu bạn muốn, tôi sẽ mua cho bạn một miếng đất rất đẹp trong vùng Chevemy hoặc trong vùng Bracieux. Một bên, bạn sẽ có những rừng cây đẹp nhất thế giới, tiếp giáp với rừng Chamberd; bên kia, những ao đầm tuyệt vời. Bạn là một người thích săn bắn, và dầu muốn dầu không, cũng có tâm hồn thi sĩ, bạn sẽ có chim trĩ, gà nước và le le, không kể những buổi hoàng hôn và những cuộc đi dạo bằng thuyền có thể làm ước mơ cả Nemrod (1) và Apollon (2). Trong khi chờ đợi, bạn sẽ ở tại La Fère với tôi, và chúng ta sẽ cùng đi bắt chim chích choè trong những vườn nho, như vua Loui XIII đã từng làm. Đó là một thú vui khôn ngoan đối với những kẻ lớn tuổi như chúng mình.
D Artagnan nắm tay Athos, nói:
- Bá tước thân mến, tôi chưa trả lời với bạn rằng ừ hay không. Để cho tôi ở lại Paris một thời gian để giải quyết tất cả công việc của tôi và làm quen dần với ý nghĩ đang chói loà trong đầu óc tôi. Bạn thấy không. Bây giờ tôi giàu rồi, và trong thời gian từ đây cho đến lúc tôi quen thuộc được với sự giàu có, tôi biết tôi sẽ là một con vật rất khó chịu. Thế nhưng, tôi không muốn tỏ ra thiếu tế nhị trước một người bạn như bạn. Athos à, chiếc áo rất đẹp, chiếc áo được nạm vàng lộng lẫy, nhưng nó còn mới quá và các nếp gấp làm cho tôi khó chịu.
Athos mỉm cười nói:
- Tuỳ ý bạn. Nhưng chiếc áo đó, d Artagnan thân mến, bạn có muốn tôi cho bạn một lời khuyên không?
- Ồ! Rất muốn.
- Bạn sẽ không giận nhé!
- Nào, bạn!
- Khi sự giàu có đến với một người quá trễ và bất ngờ, người đó, vẫn không thay đổi, phải tỏ ra hà tiện, nghĩa là không tiêu xài nhiều hơn số tiền mà trước kia anh ta có, hoặc anh ta lại tiêu xài hoang phí, và mắc nợ quá nhiều khiến anh ta trở lại nghèo như cũ.
- Ồ, nhưng điều mà bạn nói đó nghe như nguỵ biện quá, ông triết gia thân mến của tôi ơi.
- Tôi không nghĩ như thế. Bạn có muốn trở thành kẻ hà tiện không?
- Dĩ nhiên là không? Trước kia tôi đã hà tiện rồi, vì tôi chẳng có gì hết.
- Vậy thì bạn hãy ăn xài lớn đi.
- Tôi lại càng không muốn nữa. Chán quá? Nợ nần làm cho tôi kinh sợ. Nhìn những tay chủ nợ, tôi tưởng tượng họ giống như những tên quỷ sứ đang nướng tội nhân, và vì sự nhẫn nhục không phải là đức tính lớn nhất của tôi nên tôi luôn luôn muốn cho những tên quỷ sứ một trận đòn nên thân.
- Tôi biết bạn là người khôn ngoan nhất và bạn không cần ai khuyên hết. Kẻ nào tưởng họ có thể dạy bạn được điều gì, kẻ đó thật là điên rồ? Nhưng phải chăng chúng ta đến đường Saint-Honoré rồi?
- Phải, Athos thân mến.
- Bạn hãy nhìn, bên tay trái, cái nhà nhỏ, dài và màu trắng kia, đó là nhà tôi ở trọ. Nó chỉ có hai tầng thôi. Tôi ở tầng dưới, tầng kia do một sĩ quan mướn, ông này năm nào cũng vắng mặt từ tám đến chín tháng vì bận công vụ, thành ra tôi ở trong nhà trọ này như ở trong nhà riêng của tôi, trừ việc phải trả tiền nhà thôi.
- Ồ! Athos! Bạn biết sắp xếp chỗ ở của bạn thật hay, thật ngăn nắp rộng rãi? Tôi cũng muốn được như bạn vậy. Nhưng biết làm sao được, đó là tính bẩm sinh, và không phải ai muốn có cũng được.
- Đồ nịnh! Thôi, xin từ giã, bạn thân mến. Nhân tiện, cho tôi gởi lời thăm anh chàng Planchet, anh ta vẫn luôn luôn là một con người đầy khôn ngoan đấy chứ?
- Và đầy lòng tốt nữa, Athos, từ giã bạn!
Họ chia tay nhau.
Trong khi nói chuyện, d Artagnan vẫn không rời mắt canh chừng một con ngựa thồ mang những chiếc giỏ trong đó có những cái bao giấu dưới cỏ khô.
Chuông nhà thờ ở Saint Merri điểm 9 giờ; những người giúp việc cho Planchet đang đóng cửa tiệm.
D Artagnan bảo người dẫn con ngựa thồ dừng lại ở góc đường Lombards, dưới một cái chái, và gọi một người giúp việc của Planchet ra canh chừng không những hai con ngựa, mà luôn cả người dẫn ngựa. Ông chủ quán vừa ăn tối xong, và đang lo lăng nhìn tấm lịch trên đó mỗi buổi tối ông ta gạch bỏ một ngày vừa qua. Đúng lúc theo thói quen hàng ngày, Planchet vừa thở dài vừa gạch bỏ thêm một ngày nữa, thì d Artagnan bước vào va những chiếc đinh thúc ngựa vào ngưỡng cửa. Planchet kêu lên:
- Ô! Chúa ơi!
Người thương gia đáng kính không thể nói thêm được gì hơn: anh ta vừa trông thấy bóng dáng người bạn hùn vốn với mình.
D Artagnan bước vào, lưng khom xuống và đôi mắt buồn bã. Chàng Gascon đang có một ý định đối với Planchet.
"Chúa ơi! Ông ấy có vẻ buồn rầu" - người thương gia nhìn d Artagnan thầm nghĩ.
Người lính ngự lâm ngồi xuống, Planchet nói, tim đập thình thịch vì lo sợ:
- Ngài d Artagnan thân mến, thế là ngài đã trở về rồi!
- Ngài có mạnh khỏe không?
D Artagnan thở một hơi dài:
- Khá, khá mạnh, Planchet ạ.
- Chắc ngài không bị thương chứ?
- Ờ!
Planchet nói tiếp, nỗi lo lắng càng lúc càng tăng:
- À! Tôi hiểu chuyến đi rất gian truân, phải không?
D Artagnan đáp:
- Phải.
Planchet ớn lạnh cả mình. Người lính ngự lâm ngẩng đầu lên, vẻ mặt thiểu não:
- Tôi thèm một ly rượu lắm.
Planchet chạy đến tủ rượu và rót cho d Artagnan một ly lớn, d Artagnan nhìn chai rượu, hỏi:
- Loại rượu nho gì vậy?
Planchet đáp:
- Thưa ngài loại mà ngài thích nhất, loại rượu nho Anjou ngon tuyệt.
D Artagnan cười buồn:
- Ồ, bạn Planchet đáng thương của tôi, tôi có còn nên uống rượu ngon nữa không?
- Nào, ông chủ thân mến của tôi - Planchet cố gắng phi thường để thốt lên lời trong khi tất cả những bắp thịt co thắt lại, vẻ tái nhợt và sự run rẩy của anh ta biểu lộ một nỗi lo âu tột độ.
- Nào, tôi đã từng là lính, tôi không thiếu can đảm đâu; vậy xin ngài đừng để tôi phải mỏi mòn chờ đợi. Ngài d Artagnan thân mến: tiền của chúng ta mất toi hết rồi phải không?
D Artagnan để một thời gian hoãn trả lời mà người chủ quán đáng thương tưởng chừng như là một thế kỷ. Nhưng anh ta chỉ có cách day trở trên ghế thôi.
D Artagnan gật gù nói một cách chậm chạp:
- Và nếu đúng như vậy thì bạn sẽ nói sao, hỡi người bạn đáng thương của tôi?
Nét mặt của Planchet chuyển từ màu tái nhợt sang màu vàng. Người ta có thể tưởng anh ta sắp nuốt chửng cả cái lưỡi của mình, vì cổ họng anh ta phồng lên và đôi mắt đỏ chạch. Anh ta lẩm bẩm:
- Hai mươi ngàn đồng! Hai mươi ngàn đồng…
D Artagnan vươn cổ ra, chân duỗi dài, tay buông thõng, trông giống như pho tượng của thần Buồn nản. Một tiếng thở dài đau đớn thoát ra từ những hang hốc sâu thẳm nhất trong l*иg ngực của Planchet. Anh ta nói:
- Thôi, tôi hiểu rồi. Chúng ta hãy tỏ ra dũng cảm. Hết tất cả rồi, phải không? Điều chính yếu, thưa ngài, ngài còn mạng sống là được rồi.
- Dĩ nhiên, dĩ nhiên, mạng sống là cái gì quý giá nhưng trong lúc đó thì tôi đã tiêu tan cả sản nghiệp rồi.
Planchet nói:
- Chúa ơi! Thưa ngài, nếu như vậy, xin ngài cũng đừng nên tuyệt vọng. Ngài sẽ buôn tạp hoá chung với tôi, hai chúng ta làm ăn chung với nhau; chúng ta sẽ chia nhau tiền lời, và khi không còn tiền lời nữa thì chúng ta chia nhau hạnh nhân, nho khô, ô mai và chúng ta sẽ cùng gặm chung với nhau miếng pho mát Hà Lan cuối cùng.
D Artagnan không thể kéo dài vở kịch lâu hơn nữa. Ông cảm động kêu lên:
- Chán quá, Planchet, anh thật là một người tốt bụng? Này anh không đóng kịch đấy chứ? Anh không trông thấy con ngựa có mang những cái bao dưới cái chái ngoài đường kia đó sao?
- Con ngựa nào? Những cái bao nào? - Planchet hỏi, tim anh ta thắt lại với ý nghĩ d Artagnan đã điên rồi.
D Artagnan đáp, gương mặt rạng rỡ, hoàn toàn khác hẳn với lúc nãy:
- Ồ chán quá! Những cái bao đem về từ bên nước Anh đó.
Planchet thụt lùi bước đôi mắt sáng rực như lửa của d Artagnan và nghẹn ngào thốt lên:
- Ô! Lạy Chúa!
D Artagnan kêu lên:
- Đồ khốn, bộ anh tưởng ta điên sao! Chúa ơi! Trái lại, chưa bao giờ đầu óc ta tỉnh táo và lòng ta vui vẻ hơn lúc này. Cho mang những cái bao vào đây. Planchet, những cái bao!
- Nhưng Chúa ơi! Những cái bao nào?
D Artagnan đẩy Planchet đến cửa sổ và bảo:
- Dưới cái chái đàng kia, anh có thấy một con ngựa không? Anh có thấy lưng nó vướng nặng kềnh càng không?
- Thấy thấy.
- Anh có thấy một người giúp việc của anh đang nói chuyện với người dẫn ngựa không?
- Phải, phải, có thấy.
- Này? Anh biết tên của người giúp việc của anh, hãy kêu cậu ta đi.
Planchet hét qua cửa sổ:
- Abdon! Abdon!
D Artagnan nhắc nhở:
- Dẫn con ngựa đến dây.
Planchet lại hét lên:
- Dẫn con ngựa đến đây?
D Artagnan nói với giọng như thể đang chỉ huy một cuộc dượt binh:
- Bây giờ, cho người dẫn ngựa mười đồng, hai cậu giúp việc mang hai cái bao đầu tiên lên, hai cậu kia mang hai cái bao còn lại, và nhanh lên, chán quá, hăng hái lên!
Planchet lao mình theo các nấc thang giống như là bị quỷ rượt.
Một lát sau, tốp người trẻ tuổi leo lên cầu thang, thân hình khòm xuống dưới sức nặng của những cái bao. D Artagnan bảo họ đi ngủ, cẩn thận đóng kín cửa lớn lại, và ngỏ lời với Planchet, bây giờ lại đang ngẩn ngơ như người điên:
- Nào, bây giờ hai chúng ta vào việc đi.
Và ông trải xuống đất một tấm mềm lớn, dốc cái bao đầu tiên lên đó. Planchet cũng làm như vậy với cái bao thứ nhì; rồi d Artagnan, run run, dùng dao chọc thủng cái bao thứ ba.
Khi Planchet nghe tiếng động đầy kí©ɧ ŧɧí©ɧ của vàng và bạc, khi ông ta thấy những đồng tiền vàng lấp lánh tuôn ra khỏi bao như cá ra khỏi lưới, như một cơn nước lớn cứ dâng lên mãi cho đến khi ngập tới bắp chân của mình, anh bỗng cảm thấy đầu óc choáng váng, quay cuồng như một người bị sét đánh và cả thân hình nặng nề rơi đánh ầm lên các đồng tiền bạc.
Planchet bất tỉnh vì vui mừng đến nghẹt thở. D Artagnan bèn đổ ly rượu trắng lên mặt khiến anh ta tỉnh lại ngay.
Planchet đưa tay chùi hàm râu của mình, kêu lên.
- Ôi! Chúa ơi! Ô! Chúa ơi!
D Artagnan nói:
- Chán quá! Thưa ông bạn hùn vốn với tôi, ông được một trăm ngàn đồng. Ông hãy vui lòng lấy phần của ông ra; còn tôi sẽ lấy phần của tôi.
- Ồ! Số tiền kếch sù, thưa ngài d Artagnan, một số tiền kếch sù?
D Artagnan nói:
- Cách đây nửa giờ, ta có ý hơi tiếc phải chia cho anh số tiền đó; nhưng bây giờ, ta không còn tiếc nó nữa, vì anh là một chủ tiệm tạp hoá tốt bụng. Planchet ạ. Chúng ta hãy thanh toán tiền bạc một cách sòng phẳng, bởi vì người ta thường nói sòng phẳng với nhau thì sẽ trở thành người bạn tốt của nhau.
- Ồ! Trước hết xin ngài hãy kể cho tôi nghe tất cả câu chuyện, chắc là hấp dẫn hơn tiền bạc nhiều!
D Artagnan vuốt vuốt hàm ria mép trả lời:
- Ta không từ chối đâu, và nếu có nhà viết sử nào đến nhờ ta cung cấp cho ông ta những sự kiện, ông ta có thể nói ràng mình đã không đi lầm chỗ. Vậy Planchet lắng nghe ta kể đây.
Planchet nói:
- Và trong khi đó, tôi sắp tiền lại thành từng chồng. Hãy bắt đầu đi, ông chủ thân mến của tôi.
D Artagnan cố sức lấy hơi nói:
- Như vầy!
Và Planchet đưa nắm tiền vàng thứ nhất nói:
- Như vầy!
"D Artagnan bằng lòng đảm nhiệm lại chức vụ phó quan ngự lâm quân, liền được Nhà vua trao cho một nhiệm vụ bí mật mà nếu thành công thì hy vọng sẽ được thăng thưởng làm chưởng quan.
Đó là nhiệm vụ đi đến Belle Isleen Mer, lãnh địa của Tổng giám tài chính Fouquet, để quan sát những thành luỹ mà ông này đã cho xây lên ở đó. Theo lời khuyên của Cobler, Louis đâm nghi viên tổng giám tài chính quá giàu mạnh mà Nhà vua ngờ là tham nhĩng và có tham vọng nguy hiểm.
Vừa rồi, hai nhà tài chính, bạn thân của Fouquet, tên Lyodot và d Eymens, bị Colbert bắt đưa ra toà và bị kết án treo cổ vì tội tham nhĩmg. Anh của Tổng giám Fouquet, cha xứ Fouquet, và Gourville, một kẻ thân tín của viên tổng giám, đang tìm cánh cứu hai tử tội.
Chú thích:
(1) Nemrod, vua cổ Lưỡng Hà
(2) Apollon, nhân vật thần thoại
(3) Cobler - nhân vật thứ 2 sau Fouquet từ lúc Mazarin chết đi