Ngày Nào Sư Đệ Ma Tôn Cũng Thả Thính Tôi

Chương 24

Lục Lâm Trạch lờ giọng nói trong đầu đi. Hắn ngồi xuống cạnh Thẩm Tam Xuyên, chống đầu thỏa mãn nhìn anh chàng ăn bữa sáng mà mình chuẩn bị riêng cho anh chàng, tiện thể ghi nhớ những món anh chàng thích ăn, và món nào anh chàng hoàn toàn không rờ đến.

Sau bữa sáng, Thẩm Tam Xuyên rốt cuộc cũng hoàn thành nghiệp lớn mặc quần áo theo sự hướng dẫn của Lục Lâm Trạch.

Giờ hẵng còn sớm, nhưng hai người đã chuẩn bị xuống núi bắt đầu một ngày tu nghiệp mới. Dù gì Thẩm Tam Xuyên đã biết, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của lính mới, Lục Lâm Trạch còn phải qua chỗ Dã Thích Thượng nhân học thêm, nên làm xong nhiệm vụ ở thôn Đào Nguyên càng sớm thì càng tốt.

Những sư huynh phải chạy 100 vòng quanh thôn Đào Nguyên hôm qua, hôm nay đều đau nhức toàn thân không dậy nổi, chân tay bủn rủn như tàn phế, không thể nhúc nhích. Nên hai người vào thôn Đào Nguyên nhận nhiệm vụ rồi mà vẫn không thấy ai khác tới. Sau khi hợp tác hoàn thành nhiệm vụ rất đỗi nhẹ nhàng, Thẩm Tam Xuyên bèn đưa Lục Lâm Trạch đi dạo quanh thôn Đào Nguyên, cốt xem thử còn gặp được nhiệm vụ ẩn nào không.

Lúc này, cả hai tới bờ Đông của thôn Đào Nguyên, loáng thoáng nghe thấy tiếng tụng “A Di Đà Phật” không ngơi nghỉ vang lên từ cách đó không xa. Vả lại đó không phải giọng một người, mà hình như là một hội, đang đồng thanh ngâm nga theo nhịp điệu.

Tới gần, họ mới biết đấy là đám ma.

Nhưng vậy cũng hơi kỳ, nhà này làm tang, nhưng cửa nẻo đóng kín mít. Tiếng niệm Phật vang lên không dứt từ trong nhà, còn tất cả gia quyến đều mặc áo tang đứng ngoài cửa.

Một người trong đám gia quyến thấy cặp đôi Thẩm Lục mặc quần áo tu tiên của Ải Phong Nguyệt, bèn thi lễ chào hỏi: “Hai vị là tiên hữu thuộc Ải Phong Nguyệt phải không ạ? Tại hạ Nguyên Hoài, là học trò của Sơn trang Đào Ổ, bái kiến hai vị tiên hữu.”

Thẩm Tam Xuyên hỏi hệ thống: Sơn trang Đào Ổ là chỗ nào đấy?

【 Hệ thống: Sơn trang Đào Ổ, thuộc Các Xuân Thu của năm môn phái tu tiên lớn, nhà bình dân thôi, không có máu mặt gì 】

Thẩm Tam Xuyên thấy người nọ mặc áo tang, nhưng hẵng còn rất trẻ, ước chừng mới ngoài hai mươi, bèn đáp lễ: “Nguyên Hoài huynh khách khí rồi. Chúng ta đi ngang nơi này, nghe thấy tiếng tụng Phật nên ghé qua xem sao. Ai trong phủ ta vừa về cõi tiên đấy à? Sao các anh lại đứng hết ngoài cửa vậy?”

Anh chàng Nguyên Hoài kia hơi lúng túng đáp: “Bà ngoại tôi mới qua đời hôm qua. Bà cụ hơn 90 rồi, sống hết thọ về trời, cũng coi như một đám tang vui. Chẳng qua, anh họ tôi, cũng là thằng cháu cả đích tôn của bà ngoại, lại là người tín Phật, nên đã mời đông đảo chúng tăng tới làm lễ siêu độ cho bà ngoại… Thật ra nếu theo quy củ mai táng gốc ở chỗ chúng tôi, thì đáng ra những người thân nhất phải túc trực bên linh cữu ba ngày rồi hoả táng vĩnh biệt. Nhưng các sư thầy được mời tới đây phán bà ngoại tôi là người có phúc, sẽ được Phật A Di Đà dẫn về miền cực lạc. Họ bảo chúng tôi không cần vào trực cạnh quan tài, cũng đừng khóc tang, càng không thể quỳ lạy, chỉ kêu chúng tôi canh giữ ngoài cổng thôi. “

Lục Lâm Trạch nhướn mi: “Không cho gia quyến quỳ lạy túc trực bên linh cữu ư? Còn có cách siêu độ kiểu này kia à? Ta chưa nghe thấy bao giờ. “

Lúc họ đang dở câu chuyện, một vài nhà sư đi đến từ mé bên kia. Nguyên Hoài vội vàng nhường đường hành lễ với họ. Hai người Thẩm Lục không dao động. Các nhà sư lập tức đi lướt qua ba người, rồi chắp tay hành lễ với đám nhà hiếu mặc áo tang ngoài cổng. Sau đấy họ tới trước nhà, gõ vào cánh cổng đóng chặt. Sư thầy trong nhà mở cổng ra, mấy thầy tăng kia lại chắp tay hành lễ với nhau, đoạn cùng tiến bước vào.

Hai cánh cổng khép lại lần nữa. Thẩm Tam Xuyên thấy một chiếc quan tài mở nắp được bày trong sân. Có tầm 20-30 nhà sư đứng quây quanh quan tài, tay cầm khánh dẫn, miệng không ngừng niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật…”

“Siêu độ đúng ra phải niệm kinh Địa Tạng hoặc chú Vãng Sinh chứ? Sao họ chỉ niệm mỗi “A Di Đà Phật” không vậy?” Lục Lâm Trạch lấy làm khó hiểu nói, “Hơn nữa trong kia đã có nhiều hòa thượng thế rồi, sao còn thêm người vào liên tục làm chi?”

(Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện là bộ kinh rất cơ bản xây dựng đời sống đạo đức của người đệ tử Phật. Trong đó làm con phải có hiếu với cha mẹ, làm trò học đạo phải biết phụng dưỡng sư trưởng là nội dung chủ đạo trong bộ kinh này.

Chú Vãng Sinh/Vãng Sanh có tên gọi đầy đủ là “Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sanh Tịnh độ Đà la ni” và được biết tới nhiều với tên gọi là “A Di Đà Phật Căn Bốn Bí Mật Thần Chú”, đa số các Phật tử thường gọi là Vãng Sinh Chú. Chú Vãng sanh là mật ngôn được trì niệm phổ biến trong các khóa lễ Tịnh độ, cầu siêu với công năng phá trừ tất cả các nghiệp chướng căn bản – những việc mà ta sai lầm, gây hại cho người khác.)

Nguyên Hoài còn chưa kịp giải thích, cổng nhà đã bật mở. Một hòa thượng trung niên cầm bức tranh cuộn tròn bước ra, treo ngay trước cổng nhà rồi trải tranh. Mọi người đến gần nhìn lên. Trên cuộn tranh là một pho tượng Phật có gương mặt hiền từ. Sau đấy lại có mấy hòa thượng nhấc một chiếc bàn ra, đặt trước tượng Phật, bày hoa quả đồ cúng và nến hương lên bàn.