Chương 6: Tengo
Nói vậy tức là chúng ta phải đi xa lắm phải không?Komatsu gọi điện đến lúc sáng sớm thứ Sáu, mới hơn năm giờ. Khi ấy, Tengo đang nằm mơ thấy mình đang đi qua một cây cầu đá thật dài. Anh sang lấy một thứ giấy tờ quan trọng để quên ở bờ bên kia. Trên cầu chỉ có mình anh. Đó là một con sông lớn rất đẹp, giữa sông đây đó nổi lên những bãi đất bồi, nước sông chảy lững lờ, trên bãi đất bồi mọc đầy cây liễu. Có thể thấy cả lũ cá chày đang bơi thong dong. Lá liễu xanh ngắt mềm mại rũ xuống mặt nước. Phong cảnh như tranh vẽ trên đĩa gốm Trung Hoa. Lúc này anh đã tỉnh lại, liếc nhìn chiếc đồng hồ cạnh giường trong bóng tối. Đương nhiên trước khi cầm ống nghe lên anh đã biết chắc mười mươi ai có thể gọi vào lúc này.
“Tengo à, cậu có máy xử lý văn bản[1] chưa?” Komatsu hỏi. Chẳng buồn nói một tiếng “chào buổi sáng”, mà cũng không thèm hỏi “Đã dậy chưa”. Giờ này vẫn thức, chứng tỏ chắc chắn cả đêm qua anh ta không ngủ, chứ không phải cố tình dậy sớm để ngắm mặt trời mọc. Trước lúc đi ngủ, anh ta chợt nhớ ra có chuyện cần nói với Tengo.
[1] Một thiết bị chuyên xử lý văn bản có màn hình CRT và máy in tích hợp đặc trưng của Nhật Bản. Một dạng cải tiến của máy đánh chữ trước khi các phần mềm xử lý văn bản trên máy tính cá nhân ra đời.
“Tất nhiên là chưa.” Tengo đáp. Bốn bề vẫn một màu tối đen như mực. Hơn nữa anh còn đang đứng giữa cầu. Tengo hiếm khi có giấc mơ nào để lại ấn tượng rõ rệt như thế. “Không phải khoe khoang gì, nhưng thú thật là tôi không mua nổi thứ ấy.”
“Thế cậu có biết dùng không?”
“Biết thì biết, máy tính cũng được, máy xử lý văn bản cũng được, có thì khắc biết dùng thôi. Ở trường dự bị cũng có, tôi thường sử dụng khi làm việc mà.”
“Vậy được, hôm nay cậu đi mua một cái máy xử lí văn bản đi, mua ngay đi nhé. Tôi chẳng hiểu gì mấy thứ máy móc ấy đâu, loại nào rồi là hãng nào, các thứ ấy nhờ cậu hết. Hết bao nhiêu tiền về tính với tôi. Cậu hãy dùng nó mà tranh thủ bắt đầu viết lại Nhộng không khí đi.”
“Nói thì nói vậy, nhưng một cái cũng đến hai trăm năm mươi nghìn Yên đấy.”
“Nếu chỉ ngần ấy thì không thành vấn đề.”
Tengo cầm điện thoại nghĩ ngợi giây lát. “Nói vậy là, anh muốn mua cho tôi một cái máy xử lí văn bản?”
“Đúng vậy, để tôi móc hầu bao. Việc này đáng để đầu tư số tiền đó. Keo kiệt bủn xỉn quá không thể làm việc lớn được. Cậu cũng biết đấy, bản thảo Nhộng không khí gửi đến là bản in ra từ máy xử lí văn bản, bản thảo viết lại nếu không dùng máy xử lí văn bản thì không được ổn lắm. Phải cố gắng giữ đúng cách thức của bản ban đầu gửi đến. Hôm nay cậu đã có thể bắt đầu ngay chưa?”
Tengo trầm ngâm giây lát, nói: “Được thôi. Tôi thì bắt đầu lúc nào cũng được. Chỉ có điều Fukaeri yêu cầu tôi Chủ nhật tuần này đi gặp một người mà cô ấy chỉ định, đây là điều kiện để tôi tiến hành viết lại tác phẩm của cô ấy, nhưng giờ tôi vẫn chưa gặp người đó. Nếu đàm phán với đối phương không thành thì cả tiền bạc và công sức đều tan ra bọt nước cả, khả năng này không phải là không có đâu.”
“Không lo, chuyện này tôi sẽ nghĩ cách. Cậu đừng để ý mấy chi tiết vụn vặt ấy làm gì, lập tức bắt tay vào làm đi. Chúng ta đang phải chạy đua với thời gian.”
“Anh tin chắc cuộc gặp sẽ thuận lợi à?”
“Trực giác mách bảo tôi như vậy.” Komatsu nói: “Cái thứ trực giác này của tôi chuẩn lắm đấy nhé. Ông trời chẳng ban cho tôi tài hoa gì, chỉ có trực giác là cho hơi nhiều. Nói ra thì xấu hổ chứ tôi có thể lăn lộn được đến hôm nay đều nhờ nó cả. Tengo, cậu có biết, sự khác biệt giữa trực giác và tài hoa là gì không?”
“Không biết.”
“Khác biệt ở chỗ, cậu có tài hoa đến mấy cũng chưa chắc đã nhét được đầy cái bụng mình, nhưng chỉ cần có trực giác nhạy bén thì khỏi phải lo không kiếm được bữa cơm.”
“Tôi sẽ nhớ điều này.” Tengo nói.
“Vì vậy cậu không cần lo lắng, bắt tay vào việc ngay từ hôm nay đi.”
“Nếu anh đã nói vậy thì tôi không có vấn đề gì. Tôi chỉ không muốn chưa chuẩn bị xong xuôi đã bắt đầu hành động, cuối cùng chỉ còn lại hai bàn tay trắng.”
“Về việc đó, tôi sẽ chịu mọi trách nhiệm.”
“Hiểu rồi. Chiều nay tôi có lịch hẹn với bạn, còn đâu đều rảnh rỗi. Buổi sáng tôi sẽ lên phố mua một cái máy xử lí văn bản.”
“Vậy nhé, nhờ cậu cả đấy, Tengo. Hai chúng ta hãy đồng tâm hiệp lực, làm đảo lộn cái thế giới này một phen!”
Chín giờ hơn, tình nhân đã có chồng của anh gọi điện đến, cô ta vừa lái xe chở chồng và lũ con ra ga. Chiều nay có lẽ cô ta sẽ đến nhà Tengo, thứ Sáu luôn là ngày hẹn hò của họ.
“Hôm nay em không được khỏe lắm,” cô ta nói: “Tiếc quá, không đến gặp mình được rồi. Tuần sau gặp nhau nhé.”
Cái gọi là không được khỏe, tức là uyển ngữ ám chỉ cô đã đến kì kinh nguyệt. Nền giáo dục cô ta tiếp nhận yêu cầu phải nói năng tao nhã, ý tứ như thế. Nhưng ở trên giường cô ta lại chẳng tao nhã chút nào, có điều đấy lại là chuyện khác. Không được gặp mình, anh cũng thấy tiếc lắm, Tengo nói. Nhưng chuyện đã vậy thì cũng chả có cách nào khác.
Thực ra, nếu chỉ riêng tuần này, không được gặp người tình thì Tengo cũng không cảm thấy đặc biệt tiếc nuối gì. Làʍ t̠ìиɦ với cô ta đương nhiên là rất vui, nhưng tâm trí anh đã chuyển hướng qua viết lại Nhộng không khí rồi. Đủ các phương án viết lại khác nhau, tựa như sự nhốn nháo của những sinh mệnh mới nảy sinh trong đại dương cổ đại, hiện ra rồi lại biến mất trong đầu anh. Thế này thì mình có khác với Komatsu đâu chứ? Tengo nghĩ. Sự việc còn chưa đâu vào đâu, tâm tư đã không kiềm chế được mà nghĩ và làm theo hướng đó rồi.
Mười giờ, anh đến Shinjuku, dùng thẻ tín dụng mua một máy xử lí văn bản hiệu Fujitsu, kiểu dáng mới nhất, so với các sản phẩm cùng dòng trước đó thì nhẹ hơn nhiều. Anh cũng mua cả băng mực và giấy. Xách về nhà đặt lên bàn, cắm dây điện vào. Ở chỗ làm, anh dùng loại máy xử lí văn bản cỡ lớn của Fujitsu, chiếc này tuy nhỏ nhưng chức năng cơ bản thì không khác mấy. Tengo vừa kiểm tra tính năng thao tác của máy, vừa bắt đầu bắt tay viết lại Nhộng không khí.
Nên viết lại cuốn tiểu thuyết này như thế nào đây? Tengo không hề có cái gì gọi là kế hoạch rõ ràng, mà chỉ có một số ý tưởng đối với các chi tiết cụ thể. Cũng chưa kịp chuẩn bị phương pháp hay nguyên tắc nhất quán cho việc viết lại này. Có thể viết lại cho hợp logic một cuốn tiểu thuyết giàu cảm tính và huyền ảo như Nhộng không khí hay không, Tengo chẳng có chút tự tin nào. Đúng như Komatsu nói, rõ ràng cần phải sữa chữa triệt để lời văn, nhưng làm như vậy liệu có ảnh hưởng đến bầu không khí và cái chất đặc biệt vốn có của tác phẩm hay không? Thế thì có khác nào vẽ rắn thêm chân? Nghĩ đến đây, anh bắt đầu thấy hoang mang, nỗi bất an dần tăng lên. Nhưng sự việc đã được khởi động rồi, hơn nữa thời gian không còn nhiều, không hơi đâu mà ngồi nghĩ ngợi linh tinh. Chỉ còn cách bắt đầu từ những chi tiết nhỏ, lần lượt giải quyết từng trường hợp cụ thể. Biết đâu trong quá trình xử lý các chi tiết ấy, một chỉnh thể sẽ dần hiện ra.
“Tengo, tôi tin cậu có thể làm được. Tôi chắc mà.” Komatsu đã từng tự tin quả quyết như vậy. Hơn nữa, không hiểu duyên cớ gì, Tengo lại hoàn toàn chấp nhận lối nói ấy của anh ta. Con người này nói năng hành động đều có vấn đề, cơ bản chỉ biết nghĩ đến bản thân mà thôi. Nếu cần thiết, chắc chắn anh ta sẽ dứt khoát vứt bỏ Tengo, thậm chí chẳng thèm ngoảnh đầu nhìn lại một lần. Có điều, như chính anh ta nói, Komatsu là người làm biên tập, trực giác quả là có điểm đặc biệt. Anh ta không bao giờ hoang mang do dự, gặp chuyện gì cũng có thể quyết đoán ngay, tùy cơ ứng biến. Hoàn toàn không để ý người xung quanh sẽ đàm tiếu thế nào. Đây là một tố chất bắt buộc phải có của một sĩ quan chỉ huy ưu tú ngoài tiền tuyến. Còn với Tengo, dù nhìn ở góc độ nào, anh cũng không có những tố chất ấy.
Tengo thực sự bắt tay vào việc lúc mười hai rưỡi trưa. Anh gõ vào màn hình nguyên văn mấy trang đầu của bản thảo gốc, và dừng lại ở một chỗ ngắt vừa khéo. Tạm thời anh sửa phần này trước, cho đến khi nào vừa ý mới thôi, và không thay đổi gì nội dung, chỉ điều chỉnh câu chữ, lời văn một cách triệt để, giống như trang hoàng lại nhà cửa. Kết cấu cơ bản vẫn sẽ giữ nguyên, bởi bản thân kết cấu không có vấn đề. Vị trí của ống thoát nước cũng không thay đổi. Còn lại, thứ có thể thay thế là… sàn nhà, trần nhà, vách tường… đều bóc gỡ ra, thay mới. Mình là một thợ mộc lành nghề, được toàn quyền quyết định, Tengo thầm nói với bản thân. Không có bản vẻ thiết kế, chỉ có thể tùy cơ ứng biến, dựa vào trực giác và kinh nghiệm để sửa chữa.
Đọc qua một lượt, thấy chỗ nào khó hiểu thì anh chua thêm cho rõ ý, để mạch văn trở nên sáng sủa hơn. Những chỗ thừa và đoạn diễn đạt trùng lặp thì cắt bỏ, gặp chỗ nào diễn đạt chưa đủ thì bổ sung. Thay đổi xáo trộn thứ tự từ và thứ tự câu ở nhiều chỗ. Trong nguyên bản rất ít sử dụng tính từ và phó từ, vì vậy anh cũng tôn trọng đặc điểm này, nhưng đồng thời, nếu cảm thấy cần cách biểu đạt có bổ ngữ, anh sẽ lựa chọn những từ ngữ thích hợp để thêm vào. Tuy về tổng thể văn chương của Fukaeri có vẻ vụng về, song những phần tốt và những chỗ kém cỏi lại tách bạch rất rạch ròi, vậy nên việc chọn lựa giữa bỏ hay giữ lại không tốn nhiều thời gian như anh dự kiến. Có những chỗ vì diễn đạt thô vụng mà trở nên khó đọc, khó hiểu, nhưng mặt khác, cũng có những chỗ diễn đạt khiến người ta có cảm giác mới mẻ, lạ lẫm. Đối với loại trước, anh dứt khoát cắt bỏ, thay bằng chữ khác, còn loại thứ hai thì vẫn giữ nguyên.
Trong quá trình viết lại, Tengo càng lúc càng cảm nhận rõ rệt rằng, Fukaeri viết cuốn tiểu tuyết này chẳng phải với ý định để lại cho cuộc đời một tác phẩm văn học kinh điển. Nếu mượn cách nói của cô, thì cô chỉ tạm thời ghi lại những ngôn từ chính mắt cô nhìn thấy mà thôi. Thực ra, không nhất thiết phải dùng ngôn từ, nhưng ngoài ngôn từ, cô không tìm được hình thức nào biểu đạt thích hợp hơn nữa. Đơn giản chỉ có vậy. Vì vậy ngay từ đầu cô đã chẳng có tham vọng gì với văn học. Chưa bao giờ nghĩ sẽ mang những thứ mình viết ra để bán như hàng hóa nên cô hoàn toàn không cần phải chăm chút cho câu chữ và cách diễn đạt. Nếu so sánh với căn nhà, thì điều đó giống như chỉ cần có bốn bức vách và mái, đủ để che mưa che gió là được. Chính vì vậy, dù Tengo có sửa chữa tác phẩm của cô thế nào, Fukaeri cũng không bận tâm. Bởi mục tiêu của cô đã đạt được rồi. Câu nói “anh muốn sửa sao thì sửa” có thể hoàn toàn thực lòng.
Mặc dù vậy, cách viết trong Nhộng không khí lại hoàn toàn không phải kiểu hành văn chỉ nhằm một mình mình hiểu. Nếu mục đích của Fukaeri chỉ là ghi chép lại những gì mình đã chứng kiến hay những thứ hiện ra trong trí óc dạng thông tin, thì cô chỉ cần viết theo kiểu gạch đầu dòng theo lối ghi chép là đủ. Cô đâu cần phải xây dựng một thiên truyện cho phiền phức. Nên dù xét thế nào thì đây vẫn là thứ văn chương được viết với mục đích để người khác cầm lên tay đọc. Vì thế, dù Nhộng không khí được viết ra không phải với mục tiêu trở thành tác phẩm văn học, và mặc kệ lối hành văn hết sức vụng về, nó lại sở hữu một sức mạnh lay động lòng người. Có điều, người khác này, hình như không phải “Đám đông độc giả không xác định” mà văn học hiện đại coi là đối tượng. Tengo càng đọc, cảm giác ấy càng lúc càng mãnh liệt.
Vậy thì rốt cuộc cô ấy nhằm đến loại độc giả nào?
Đương nhiên Tengo không thể biết được.
Tengo chỉ biết rằng, Nhộng không khí là một tác phẩm hư cấu độc đáo, đồng thời có cả những nét đẹp và những khuyết điểm lớn ngang nhau, và còn hàm chứa một mục đích đặc biệt nào đó.
Kết quả của việc viết lại là số lượng chữ trong bản thảo đã phình lên gấp hai lần ruỡi. Trong nguyên tác của Fukaeri, những chỗ viết chưa đầy đủ nhiều hơn gấp bội so với những đoạn viết thừa, do đó muốn viết lại cho rõ ràng, mạch lạc thì số lượng tổng thể dù gì cũng sẽ tăng. Nói gì thì nói, ban đầu đây là một bản thảo sơ hở trăm bề. Giờ thì câu cú đã xuôi, ý tứ thống nhất, quan điểm ổn định, và dễ đọc hơn nhiều. Nhưng dòng chảy xuyên suốt của tác phẩm vẫn có cảm giác trì trệ. Logic quá lộ, sự sắc bén vốn có ban đầu của bản thảo đã bị mài mòn.
Việc tiếp theo cần làm là cắt bỏ đi những chỗ “không có cũng được” trong bản thảo đã phình ra. Cắt hết phần thịt thừa. So với việc bổ sung, cắt bỏ xem ra đơn giản hơn nhiều. Xong việc, độ dài giảm xuống còn khoảng bảy phần mười. Đây là một trò chơi trí tuệ. Trước tiên là đặt ra thời gian cho việc cố hết sức thêm vào những chỗ có thể, sau đó lại đặt thời gian cho việc cắt bỏ được càng nhiều càng tốt. Kiên trì lặp đi lặp lại như vậy, biên độ dần nhỏ lại, số lượng chữ cũng ổn định ở mức cần thiết, tới lúc không thể tăng cũng không thể giảm được nữa. Cái tự ngã đã bị gạt bỏ, những trang trí thừa thãi đều được sàng lọc, những logic lộ liễu đã lùi về hậu phòng. Tengo là thiên tài trong việc này. Một kĩ thuật viên thiên bẩm. Anh có sức tập trung sắc bén của lũ chim chao lượn trên không trung tìm mồi, lại kiên nhẫn như con lừa chở nước, luôn tuân thủ luật.
Nín thở, đắm chìm trong công việc, lúc anh ngẩng đầu lên thở phào một hơi nhìn đồng hồ trên tường thì đã ba giờ chiều. Cơm trưa còn chưa ăn. Tengo vào bếp, lấy ấm đun nước, trong lúc chờ nước sôi, anh xay cà phê hạt. Nước sôi, anh pha cà phê. Vừa uống cà phê trong cái cốc trà có quai vừa tưởng tượng ra cảnh làʍ t̠ìиɦ với người tình hơn tuổi để thay đổi tâm trạng. Lẽ ra, giờ này anh đang cùng cô ta làm chuyện đó. Động tác của anh thế nào, động tác của cô ta thế nào. Tengo nhắm mắt lại, ngửa mặt lên trần nhà, thở ra một hơi dài đầy sự ám thị và những khả năng.
Sau đó, Tengo trở lại bàn, chuyển mạch tư duy trong đầu, đọc lại một lượt phần đầu của Nhộng không khí trên màn hình hiển thị của máy xử lí văn bản. Như thể vị tướng quân đang thị sát trận địa chiến hào trong đoạn mở đầu phim Con đường vinh quang của Stanley Kubrick vậy. Anh khẽ gật đầu tỏ sự hài lòng với những gì vừa đọc được. Đúng thế. Câu văn đã được sửa chữa cho tốt hơn, công việc có vẻ tiến triển. Nhưng vẫn chưa có thể nói là đã đủ. Còn rất nhiều việc phải làm. Bao cát sụt còn ở khắp mọi nơi. Không đủ đạn dược cho súng máy. Còn cả mấy chỗ hàng rào kẽm gai còn khá mỏng manh nữa.
Anh in đoạn văn đó ra giấy, lưu văn bản, tắt nguồn điện của máy xử lí văn bản, đẩy nó ra mép bàn. Rồi anh đặt phần vừa in ra trước mặt, một tay cầm bút chì, đọc lại thật kĩ một lượt. Anh lại cắt đi những chỗ cảm thấy thừa thãi, bổ sung thêm vài nơi diễn đạt còn chưa đầy đủ, chữa những phần câu trên dưới chưa được hài hòa, cho tới khi bản thân thấy hài lòng. Giống như đang lựa chọn gạch men sao cho phù hợp với cái khe hở nhỏ trong nhà tắm, anh cần chọn lựa những từ ngữ thích hợp nhất, kiểm tra từ nhiều góc độ khác nhau xem đã vừa khít hay chưa. Nếu chưa đủ khít, thì lại điều chỉnh một chút hình dạng viên gạch. Chỉ một chút khác biệt rất nhỏ trong sắc thải thôi cũng đủ đem lại sức sống cho lời văn, hoặc hủy diệt nó.
Thứ trên màn hình xử lí văn bản và thứ được in ra giấy, tuy cùng một đoạn văn, nhưng ấn tượng khi đọc lại có những khác biệt rất tinh tế. Cảm giác khi dùng bút chì viết trên giấy và gõ vào bàn phím máy xử lí văn bản lúc lựa chọn từ ngữ cũng có thay đổi. Cần phải kiểm chứng lại từ cả hai góc độ. Anh bật nguồn điện lên, nhập hết những chỗ dùng bút chì đính chính lại trên giấy vào màn hình. Rồi lại đọc những bản thảo đã được sửa chữa trên đó. Không tồi. Tengo thầm nhủ. Mỗi câu chữ đều có sức nặng cần thiết, và đã nãy sinh những tiết tấu tự nhiên.
Tengo ngồi trên ghế, ưỡn thẳng lưng, ngẩng đầu nhìn lên trần nhà thở hắt một hơi dài. Tất nhiên, thế này vẫn chưa thể coi là đã hoàn thành. Để đó mấy ngày sau đọc lại, chắc chắn sẽ còn phát hiện ra những chỗ cần sữa. Có điều, hôm nay như vậy là đủ rồi. Đã đến giới hạn của khả năng tập trung. Cần phải có thời gian để làm nguội lại. Kim đồng hồ chỉ đến gần năm giờ, xung quanh đã bắt đầu tối. Ngày mai sẽ tiếp tục sửa thêm một đoạn nữa. Mới viết lại mấy trang đầu tiên đã mất một ngày trời. Tốn công hơn anh nghĩ. Nhưng khi đã vào quỹ đạo, nắm được tiết tấu, công việc chắc chắn sẽ tiến triển nhanh. Hơn nữa, dù sao thì khó khăn và tốn công nhất vẫn là phần mở đầu. Chỉ cần vượt qua được cửa ải này thì...
Sau đó, trong đầu Tengo hiện ra hình ảnh Fukaeri, anh thầm nhủ, không biết cô ấy sẽ có cảm tưởng như thế nào khi đọc bản thảo đã viết lại này? Anh không thể hình dung được. Anh gần như hoàn toàn không biết gì về con người cô. Ngoài những điều như năm nay cô mười bảy tuổi, học lớp mười hai, hoàn toàn không hứng thú với chuyện thi đại học, cách nói năng hết sức kì lạ, thích uống rượu vang trắng, sở hữu một gương mặt có thể khiến tim người ta loạn nhịp, anh hoàn toàn không biết gì khác.
Nhưng trong Tengo đã hình thành một thứ cảm giác, hoặc một cái gì đó tương tự, như thể anh đang dần nắm bắt được hình thái cái thế giới mà Fukaeri cố gắng miêu tả (hoặc cố gắng ghi chép) trong Nhộng không khí. Những quang cảnh được Fukaeri dùng vốn từ độc đáo nhưng hữu hạn của cô miêu tả, qua bàn tay cẩn trọng và tinh tế của Tengo viết lại, so với trước đã hiện lên sống động và rõ ràng hơn rất nhiều. Một dòng chảy đã hình thành từ đó. Tengo hiểu. Chẳng qua anh chỉ sửa chữa, bổ sung trên phương diện kỹ thuật, nhưng sự hoàn thiện đó lại tự nhiên và hài hòa trong một tổng thể như là câu chuyện do chính tay anh viết. Và như thế, tác phẩm Nhộng không khí sẽ vươn lên một cách mạnh mẽ.
Điều đó khiến Tengo cảm thấy vui mừng hơn bao giờ hết. Việc tập trung tinh thần để viết lại bản thảo trong một thời gian dài khiến người anh mệt rũ, nhưng tinh thần lại hưng phấn vô cùng. Tắt nguồn điện máy xử lí văn bản, đứng dậy rời khỏi bàn viết, một lúc lâu sau, ý nghĩ tiếp tục viết trong đầu anh vẫn không thể lắng xuống. Tự trong lòng, anh thực sự thích thú công việc viết lại câu chuyện này. Nếu cứ tiếp tục như vậy, chắc hẳn Fukaeri sẽ không thất vọng. Tuy nhiên, Tengo không thể tưởng tượng nổi dáng vẻ của Fukaeri lúc mừng vui hay thất vọng sẽ thế nào. Không chỉ thế, thậm chí anh còn không tưởng tượng nổi lúc khóe miệng cô hé nở một nụ cười hay sắc mặt u ám thì sẽ ra sao. Gương mặt cô không có sự biểu cảm. Ấy là do không có cảm xúc nên không hiện ra, hay là có cảm xúc, song cảm xúc ấy không thể hiện ra mặt? Tengo không rõ. Tóm lại, đó là một thiếu nữ kì lạ. Một lần nữa, anh lại có cảm giác ấy.
Nhân vật chính trong Nhộng không khí có lẽ chính là bản thân Fukaeri trong quá khứ.
Cô là một cô bé mười tuổi, sống trong một công xã đặc biệt (hoặc một nơi giống như công xã) nào đấy trong núi sâu, chăm sóc một con dê núi mù. Đó là công việc cô được giao. Mỗi đứa trẻ đều được giao cho những công việc khác nhau. Con dê núi đó già lắm rồi, nhưng lại là một con dê núi có ý nghĩa đặc biệt với cộng đồng ấy, cần có người luôn để ý chăm nom để nó không bị tổn thương. Không thể rời mắt dù chỉ một giây. Mọi người đã dặn dò cô như thế. Nhưng cô đã bất cẩn lơ là, trong lúc đó con dê núi đã chết. Vì chuyện này mà cô bị trừng phạt. Bị nhốt trong nhà kho cũ cùng với con dê núi đã chết. trong mười ngày ấy, cô bé bị cách li hoàn toàn, không được phép bước ra ngoài. Cũng không được nói chuyện với bất kì ai.
Dê núi có sứ mệnh làm cầu nối giữa Người Tí Hon với thế giới này. Cô không biết Người Tí Hon là người xấu hay người tốt (Tengo đương nhiên cũng không biết). Khi màn đêm buông xuống, Người Tí Hon sẽ đến thế giới này qua xác con dê núi. Khi trời sáng, họ lại trở về thế giới bên kia. Cô bé có thể trò chuyện với Người Tí Hon, họ dạy cho cô cách chế tạo Nhộng không khí.
Điều khiến Tengo khâm phục là cả tập tính và hoạt động của con dê núi mù đều được miêu tả hết sức cụ thể, chi tiết. Chính những chi tiết ấy đã khiến tác phẩm sống động lạ thường. Cô thực sự đã chăm sóc một con dê núi mù ư? Và có thật là cô đã từng sống trong một cộng đồng công xã ở trong vùng núi sâu giống như tác phẩm mô tả? Tengo đoán có lẽ đúng là cô từng có những trải nghiệm ấy. Nếu hoàn toàn không có một chút trải nghiệm nào như vậy thì Fukaeri chắc chắn là một thiên tài kể chuyện hiếm có trên đời.
Lần tới gặp Fukaeri (chắc chắn sẽ là Chủ nhật), mình sẽ hỏi cô ấy về chuyện dê núi và công xã, Tengo nghĩ. Anh không biết Fukaeri có trả lời những câu hỏi kiểu này hay không. Nhớ lại cuộc nói chuyện lần trước, có vẻ cô chỉ trả lời những vấn đề mà cô thấy mình có thể trả lời. Những câu hỏi không muốn trả lời hoặc chưa chuẩn bị để trả lời, cô đều lờ đi, coi như không nghe thấy. Giống hệt như Komatsu. Về phương diện này thì hai người rất giống nhau. Tengo thì không như vậy, chỉ cần người khác đặt câu hỏi, cho dù đó là vấn đề nào chăng nữa, anh đều cố gắng trả lời chu đáo. Cái đó có lẽ là do trời sinh.
Năm giờ rưỡi, người tình lớn tuổi của anh gọi điện đến.
“Hôm nay làm những gì rồi?” cô ta hỏi.
“Cả ngày ngồi viết tiểu thuyết.” Tengo nói, một nửa là thật, một nửa là giả. Bởi vì cuốn tiểu thuyết anh đang viết lại không phải của anh. Nhưng Tengo cũng không thể giải thích tường tận đến mức đó được.
“Công việc có thuận lợi không?”
“Cũng tàm tạm.”
“Hôm nay đột nhiên có chuyện, xin lỗi mình nhé. Chắc là tuần sau em có thể gặp mình được đấy.”
“Anh mong ngày đó lắm.” Tengo nói.
“Em cũng thế.” Cô ta nói.
Kế đó, cô ta bắt đầu kể chuyện con cái. Cô ta thường hay kể chuyện lũ con mình với Tengo. Đó là hai đứa con gái nhỏ. Tengo không có anh chị em, đương nhiên cũng chưa có con, anh không hiểu về trẻ con lắm. Nhưng cô ta không để tâm đến điều đó, cứ một mình kể chuyện con cái. Tengo không phải người nhiều lời. Trong mọi chuyện, anh là kẻ thích nghe người khác nói. Vì vậy anh lắng nghe rất hứng thú. Cô ta kể, con bé lớn đang học lớp hai hình như bị bạn bè ở trường bắt nạt. Con bé không nói gì, nhưng mẹ bạn học nó kể, dường như chuyện ấy có thật. Tất nhiên Tengo chưa gặp đứa trẻ ấy bao giờ. Anh từng xem ảnh một lần, thấy nó không giống mẹ lắm.
“Tại sao nó lại bị bắt nạt?” Tengo hỏi.
“Vì thỉnh thoảng nó bị lên cơn suyễn, không thể chơi với các bạn được. Có lẽ vì chuyện này, chứ kì thực nó là đứa trẻ ngoan, thành tích học tập cũng không kém.”
“Anh thật không hiểu.” Tengo nói. “Con bé bị suyễn như thế, các bạn phải bảo vệ nó mới đúng, sao lại ăn hϊếp nó?”
“Thế giới của bọn trẻ con không đơn giản thế.” Cô ta nói, thở dài một tiếng. “Chỉ cần không giống với những người khác là có thể bị bài xích, ghét bỏ. Thế giới của người lớn cũng chẳng khác gì. Nhưng trong thế giới trẻ con điều đó được thể hiện dưới dạng rõ ràng hơn mà thôi.”
“Cụ thể có những dạng biểu hiện gì?”
Cô ta liệt kê những ví dụ cụ thể. Chẳng hạn như hành động giấu đồ. Không ai thèm nói chuyện. Trêu chọc một cách ác ý. Nếu xét riêng từng biểu hiện một thì đó chẳng phải là chuyện gì to tát, nhưng khi chúng diễn ra hằng ngày thì ắt sẽ ảnh hưởng không tốt đến đứa trẻ.
“Hồi nhỏ mình có bị bắt nạt không?”
Tengo nhớ lại hồi nhỏ. “Không. Chẳng nhớ là có hay không, nhưng anh không có cảm giác ấy.”
“Nếu không có cảm giác ấy thì chứng tỏ mình chưa bị người khác bắt nạt lần nào rồi. Bởi vì mục đích của việc bắt nạt vốn là để đối phương hiểu rằng, mình đang bị bắt nạt. Nếu người bị bắt nạt lại không có cảm giác gì, thế thì chẳng còn cái gọi là bắt nạt nữa.”
Từ nhỏ Tengo đã cao to, lại rất khỏe. Mọi người đều nhìn anh với ánh mắt khác biệt. Có lẽ đây chính là nguyên nhân anh không bị bắt nạt bao giờ. Có điều, Tengo hồi ấy còn có vấn đề phiền não, nghiêm trọng hơn bị bắt nạt nhiều.
“Thế mình có bị bắt nạt không?” Tengo hỏi.
“Không.” Cô ta trả lời rành rọt, sau đó dường như có chút do dự. “Nhưng bắt nạt người khác thì có.”
“Cùng với mọi người?”
“Vâng. Đó là hồi lớp năm. Cả bọn đã hẹn trước, không ai nói chuyện với một thằng bé. Tại sao lại làm thế thì em không thể nhớ nổi nữa. Chắc chắn là có nguyên nhân trực tiếp gì đó, nhưng mà đã chẳng thể nhớ thì em nghĩ chắc cũng chẳng phải chuyện gì to tát. Nhưng nói gì thì nói, giờ em thấy thật không nên khi mình làm chuyện đó, em cảm thấy thật xấu hổ. Sao em lại làm chuyện như thế được cơ chứ? Bản thân em cũng không hiểu.”
Nghe cô ta kể, Tengo chợt sực nhớ ra một chuyện. Một chuyện từ rất lâu rồi, nhưng đến hôm nay, kí ức ấy thi thoảng vẫn sống dậy. Nhưng anh không nói ra. Bởi vì chuyện kể ra rất dài. Vả lại, khi đã nói thành lời thì sắc thái quan trọng nhất của nó sẽ mất đi. Trước đây anh chưa bao giờ nhắc chuyện này với bất cứ ai, có thể sau này cũng không nói.
“Nói cho cùng.” Người tình lớn tuổi tiếp lời, “Vì mình không thuộc về thiểu số bị bài xích, mà đứng về những kẻ bài xích, thế nên ai nấy đều cảm thấy rất yên tâm, thầm nhủ: chà chà, may mà đứa ở phía bên kia không phải là mình. Dù là thời đại nào, xã hội nào, tình hình cơ bản đều giống nhau cả. Đứng ở phía đa số thì không cần lo lắng sẽ gặp chuyện phiền phức.”
“Nếu đứng ở phía thiểu số thì ta sẽ thường xuyên nghĩ ngợi những chuyện khiến người ta bận lòng.”
“Chính thế đấy.” Cô ta nói, giọng có chút u uất. “Có điều, trong hoàn cảnh ấy, có lẽ ít nhất cũng có thể học được cách tự mình suy nghĩ.”
“Có thể là, khi tự biết động não rồi thì lại nghĩ toàn những chuyện khiến người ta phiền muộn.”
“Đó đúng là một vấn đề.”
“Không cần nghĩ nhiều quá.” Tengo nói, “Cuối cùng cũng không có gì nghiêm trọng đâu. Vì trong lớp thế nào cũng có mấy đứa biết dùng đầu mình vào những việc chính đáng.”
“Đúng vậy.” Cô ta nói, sau đó lại trầm tư một mình. Tengo áp ống nghe vào tai, kiên nhẫn đợi người bên kia đầu dây nghĩ cho kĩ càng.
“Cảm ơn mình, nói chuyện với mình một lúc, tâm trạng em đỡ hơn nhiều rồi.” Một lúc sau cô ta nói, dường như đã nghĩ ra điều gì đó.
“Tâm trạng anh cũng tốt hơn chút ít.” Tengo nói.
“Tại sao?”
“Thì vì được nói chuyện với mình!”
“Thứ sáu tuần sau gặp nhé.” cô ta nói.
Gác máy, Tengo ra ngoài, đến siêu thị gần đó mua thực phẩm. Ôm cái túi giấy về nhà, dùng màng bọc thực phẩm gói rau và cá cho vào tủ lạnh. Sau đó, anh vừa nghe chương trình ca nhạc trên đài FM vừa chuẩn bị bữa tối. Đúng lúc ấy, chuông điện thoại vang lên. Một ngày có đến bốn cú điện thoại, đây là chuyện hết sức hiếm gặp đối với Tengo. Một năm chỉ xảy ra vài lần. Có thể đếm trên đầu ngón tay. Lần này người gọi là Fukaeri.
“Chủ nhật tuần nay.” Cô đi thẳng vào vấn đề, một câu chào hỏi cũng không có.
Có thể nghe thấy tiếng xe còi vang lên không ngừng ở đầu dây bên kia, tài xế hình như đang bực tức thì phải. Có thể cô gọi từ một máy điện thoại công cộng nào đó ven đường lớn.
“Chủ nhật tuần này, tức là ngày kia, anh và em sẽ gặp nhau, sau đó đi gặp người nào đó.” Tengo thêm nội dung vào lời cô vừa nói.
“Chín giờ sáng, ga Shinjuku, toa trước nhất đi Tachikawa.” Cô nói. Ba sự việc liền kề nhau.
“Ý là đợi em ở chuyến Chuo chiều đi Tachikawa, toa đầu tiên, phải không?”
“Đúng.”
“Mua vé đi đến ga nào?”
“Ga nào cũng được.”
“Mua vé bất kì, đến ga rồi bù trừ thừa thiếu sau.” Tengo suy đoán và bổ sung, thật giống như đang viết lại Nhộng không khí. “Nói vậy tức là chúng ta đi xa lắm phải không?”
“Giờ anh đang làm gì?” Fukaeri chẳng buồn để tâm đến câu hỏi của Tengo, hỏi.
“Đang nấu bữa tối.”
“Làm món gì?”
“Ăn một mình, đơn giản lắm. Cá măng rán, củ cải xay, súp miso ngao với hành, cùng với đậu phụ. Ngoài ra còn có dưa chuột với rong biển trộn dấm, sau đó là cơm trắng với cải trắng muối, có vậy thôi.”
“Nghe ngon lắm.”
“Vậy à? Thực ra cũng chẳng có gì ngon lắm đâu. Ngày nào anh cũng ăn những thứ kiểu như thế.” Tengo nói.
Fukaeri không nói gì. Đối với cô, im lặng một lúc lâu dường như chẳng là gì cả, nhưng với Tengo thì khác.
“À, hôm nay anh đã bắt đầu viết lại Nhộng không khí rồi đấy.” Tengo nói, “Tuy chưa được sự đồng ý cuối cùng của em, nhưng thời gian không còn nhiều nữa, nếu còn chưa bắt đầu thì sẽ không kịp.”
“Ông Komatsu bảo anh làm thế?”
“Ừ, anh Komatsu bảo anh bắt tay bắt đầu viết lại.”
“Anh và ông Komatsu rất thân nhau?”
“Đúng thế, có lẽ là rất thân.” Người có thể thân thiết với Komatsu e rằng không tồn tại trên cõi đời này. Thế nhưng, chuyện ấy nói ra thì dài lắm.
“Việc viết lại có thuận lợi?”
“Đến giờ thì có thể coi là vậy.”
“Tốt quá.” Fukaeri nói. Lời này hình như không chỉ là câu nói chót lưỡi đầu môi. Nghe như thể công việc viết lại tác phẩm tiến triển thuận lợi khiến cô thực sự vui. Chỉ có điều, cách thức diễn tả hữu hạn ấy của cô khiến người ta không hiểu nổi cô vui đến chừng nào.
“Miễn em vừa ý là được.” Tengo nói.
“Em không lo lắng.” lời Tengo còn chưa dứt hẳn, Fukaeri đã nói.
“Tại sao em nghĩ thế?” Tengo hỏi.
Fukaeri không trả lời, cầm ống nghe im lặng. Một kiểu im lặng có chủ ý. Có lẽ kiểu im lặng nhằm khiến cho Tengo phải suy nghĩ. Nhưng dù vắt óc nghĩ ngợi, Tengo cũng không hiểu tại sao cô có niềm tin vững chắc như thế.
Để phá vỡ sự im lặng ấy, Tengo lại cất tiếng. “À, anh muốn hỏi em một vấn đề. Có đúng là em từng sống ở cái nơi giống như công xã ấy không? Đã nuôi dê núi thật à? Những cảnh tượng đó miêu tả rất chi tiết sống động. Vậy nên anh muốn biết, đó có phải sự thật không vậy?”
Fukaeri khẽ đằng hắng một tiếng. “Không nói chuyện dê núi.”
“Được.” Tengo nói, “Không muốn nói cũng chẳng sao, anh chỉ hỏi vậy thôi. Em không cần để tâm làm gì. Trong mắt tác giả, tác phẩm chính là tất cả, không phải thêm vào bất kì lời thuyết minh không cần thiết nào. Chủ nhật chúng ta gặp nhau nhé! À này, lúc gặp mặt người kia, có cần phải chú ý điều gì không?”
“Em không hiểu.”
“Tức là... có cần ăn mặc cho chỉnh tề lịch sự, hay là mang theo chút quà gì đó, kiểu như vậy. Vì anh hoàn toàn không biết người ấy như thế nào.”
Fukacri lại im lặng. Nhưng lần này không phải là cố ý, mà chỉ đơn thuần vì cô không thể hiểu được mục đích Tengo đặt câu hỏi, cùng với bản thân ý nghĩ ấy của anh. Câu hỏi dường như không có chỗ nào để đặt chân trong vùng ý thức của cô, tựa như đã vượt quá lần ranh của ngữ nghĩa, mãi mãi bị hút vào hư vô. Giống như tên lửa thăm dò không gian bay lướt qua sao Diêm Vương.
“Không sao đâu, cũng chẳng phải chuyện gì quan trọng lắm.” Tengo gạt ý nghĩ ấy ra khỏi đầu, nói. Đặt những câu hỏi ấy với Fukaeri hoàn toàn sai đối tượng. Thôi thì cứ mua tạm ít hoa quả vậy.
“Vậy thì, chín giờ sáng Chủ nhật nhé.” Tengo nói.
Mấy giây sau, Fukaeri chẳng nói câu nào đã gác máy. Không có “Tạm biệt”, cũng không có “Chủ nhật gặp”, chỉ nghe “cạch” một tiếng, đường dây đã ngắt.
Có lẽ cô cũng gật đầu với Tengo một cái rồi gác máy. Chỉ tiếc một điều là, ngôn ngữ cơ thể chẳng có ích gì khi gọi điện thoại. Tengo đặt ống nghe về vị trí cũ, hít thở vài hơi sâu, chuyển dòng suy nghĩ trong đầu về với hiện thực, sau đó tiếp tục chuẩn bị bữa tối giản dị của mình.