Cô Gái Trong Nắng

Chương 3

Chương 3
Việc chăm lũ cá cảnh vốn do tôi đảm nhiệm chẳng biết từ lúc nào đã chuyển sang Mao. Mao dồn hết tình cảm cho lũ cá vàng đuôi quạt, đến nỗi còn đặt tên cho cả năm con.

“Này nhé, hai con cá màu đỏ, con to sẽ là Mike, con nhỏ là Al. Ba con trắng pha đỏ còn lại chắc là anh em đấy. Hai con này là Dennis và Carl. Còn con tách đàn, bơi lững thững một mình kia là Brian. Thế là thành ban nhạc The Beach Boys rồi.”

Điệu bộ hệt như người dẫn Chương trình thời chỉ có ti vi đen trắng, Mao xòe tay, chỉ vào lũ cá vàng.

"... Hả...”

“Một khi đã nhìn thành The Beach Boys thì mãi mãi sẽ chỉ nhìn thành The Beach Boys thôi nhỉ?”

“Ưmmmm.”

Đuợc cô bạn Kanazawa thời đại học giới thiệu, Mao biết đến ban nhạc The Beach Boys và mê mẩn ngay tức thì. Khi cựu thủ lĩnh của ban nhạc, tên Brian gì gì đó sang Nhật biểu diễn, Mao đã đi xem cùng Kanazawa. Trong khi Mao mắt sáng rực khoe “buổi biểu diễn cực kỳ tuyệt vời” thì tôi lại thấy hơi tủi thân vì nghĩ nàng vẫn không ngừng mở rộng thế giới của riêng mình mà chẳng cần có tôi.

Hờn dỗi thế thôi chứ tôi có biết bài hát nào của The Beach Boys đâu. Tôi chỉ biết đó là một ban nhạc của Mỹ, cùng thời với The Beatles, có hỏi thêm thì cũng chỉ nghĩ đến cảnh lướt sóng hoặc California. Được Mao giải thích mấy cái tên Dennis, Carl đặt cho lũ cá là tên các thành viên trong ban nhạc nhưng tôi cũng chẳng hiểu gì.

Chúng tôi tới cửa hàng thú cưng với ý định mua cá neon nhưng sau lại mua cá vàng chỉ vì một câu nói bâng quơ của Mao.

“Đám cá vàng này đáng yêu quá.”

Trong ánh sáng xanh giống quang cảnh dưới đáy đại dương, theo hướng Mao chỉ là một đàn cá vàng đuôi quạt ước chừng hai mươi con đang ve vẩy những chiếc vây to.

“Vâng. Nếu anh chị chưa bao giờ nuôi cá thì cá vàng sẽ dễ nuôi hơn cá nhiệt đới. Cá neon phối giống rất phức tạp.”

Cậu bán hàng ban nãy còn thao thao bất tuyệt về vẻ đẹp của cá neon, nghe câu nói của Mao bỗng quay ngoắt sang ca ngợi cá đuôi quạt.

Để lấy lòng Mao, cậu nhân viên mặt đầy mụn ra sức khen ngợi sự lựa chọn của nàng: “Giờ người ta không thích cá neon nữa rồi. Nó chỉ dễ nuôi thôi chứ chẳng có gì hay. Giờ phải chơi cá vàng. Cá vàng là giống thuần tính.” Đâu ra cái kiểu xun xoe nịnh chị vợ rồi thẳng thừng chê bai sự lựa chọn của anh chồng thế chứ.

Trước sự tấn công của cậu bán hàng, Mao cười thiểu não rồi quay sang hỏi tôi bằng mắt: Ý anh thế nào?

Dù không thích kiểu thay đổi thái độ của cậu nhân viên nhưng được mời chào nhiệt tình thế này thật khó mà từ chối. Ngoài ra cũng không có lý do bắt buộc phải mua cá nhiệt đới, chưa kể nhìn bọn cá đuôi quạt đủng đỉnh bơi thế kia thấy cũng dễ chịu.

Vậy là năm chú cá được cậu nhân viên lựa chọn kỹ càng đã kết hợp thành ban nhạc The Beach Boys phiên bản mới trong bể cá nhà tôi.

Tuy có một quãng ngắt khá dài nhưng vì đã là bạn từ mười năm trước, lại được nghe kể những chuyện quá khứ nên tôi dễ dàng đón nhận Mao. Tôi cứ tưởng mình là người biết rõ Mao nhất sau bố mẹ nàng nhưng khi sống với nhau, phát hiện thêm nhiều điều mới mẻ về nàng, tôi rất háo hức. Một trong những thói quen của Mao mà sau khi cưới tôi mới biết là nàng thường hát mỗi khi tâm trạng vui vẻ và chỉ hát đúng một bài.

Nằm quay lưng về phía tôi trên sàn nhà lót chiếu cói, Mao bắt đầu lẩm nhẩm hát. Nàng cứ hát đi hát lại một đoạn điệp khúc, đến đoạn cần phải lên cao thì nàng bị lạc giọng.

Vẫn là bài hát mọi khi. Hình như lần đầu tiên tôi nghe thay bài này là hôm đi bộ từ công viên Zenpukuji về. Kể từ đó, sau nhiều lần nghe Mao hát, tôi nhớ luôn cả đoạn nhạc dạo nhẹ nhàng "Lá la là lá la”.

“Em dậy rồi à?”

Thấy tôi hỏi, Mao thôi không hát nữa. Tôi gập cái chăn định dùng để đắp cho Mao thì chợt Mao lật người lại, bảo:

"Đắp cho em đi. Chân em hơi lạnh.”

Nằm dưới ánh nắng dịu nhẹ rọi qua kính cửa sổ, Mao ngước lên nhìn tôi nài nỉ bằng giọng ngọt như mía lùi. Nàng cuộn tròn lưng, hai bàn chân nhỏ xíu cứ xoa vào nhau như thể lạnh lắm. Biệt tài nũng nịu của nàng thật đáng nể.

Cố nén lại cảm giác muốn được chui vào chăn, tôi thở dài thườn thượt. “Nếu em lạnh thì vào giường mà ngủ. Anh định hút bụi chỗ này.”

Mao lấy tay xoa vết chiếu hằn trên má, càng làm nũng hơn.

“Ứ, em ngại nhúc nhích lắm. Hay anh bế em như lần trước đi.”

Tôi là một gã ngốc, chậm hiểu, khờ khạo hết thuốc chữa. Nàng mới chìa hai tay ra thôi mà tim tôi đã tan chảy.

“Bế kiểu đó đau hông lắm nên chỉ hôm nay thôi nhé. Nhưng anh không phải đô vật nên không thể bế em lên trong tư thế đó được đâu.”

Tôi hất tấm chăn ra, đỡ Mao dậy.

Trái ngược với câu nói “ngại vận động” ban nãy, sau khi ngồi dậy, Mao vòng tay qua cổ tôi rồi khéo léo nằm gọn trên tay tôi. Nặng quá.

Ra tới bếp, nàng đề nghị tôi bế nàng một vòng quanh bàn ăn.

Trong tiếng cổ vũ “dô ta nào” của Mao, tôi bế nàng đi một vòng quanh chiếc bàn gấp. “Mao này.”

“Ơi?”

“Em thường xuyên lẩm nhẩm hát một bài gì đó. Bài đấy tên gì nhỉ?”

“Thường xuyên ư?”

“Ừ, đến nỗi anh còn thuộc cả giai điệu.”

Tôi nghiêng người, lách qua khung cửa để vào phòng ngủ ngay cạnh phòng kiểu Nhật.

Phòng rộng sáu chiếu nhưng phần lớn diện tích đã bị chiếc giường đôi chiếm mất nên hầu như chẳng còn chỗ trống. Ánh nắng buổi sáng xuyên qua tấm rèm đăng ten, rọi thẳng vào đống chăn gối.

Dưới ánh nắng rực rỡ, bầu không khí ám chỉ “đây là nơi dành cho chuyện đó” dường như toát lên mạnh mẽ hơn ban đêm. Tuy trong phòng không để thứ gì tục tĩu nhưng kể có gắn biển “cấm trẻ em dưới 18 tuổi” chắc vẫn được.

Tôi bước cẩn thận, chú ý không vấp vào ghế ở bàn phấn rồi đặt Mao xuống chiếc giường phủ ga màu hồng.

“Ái chà!”

Nằm xuống giuờng rồi nhưng Mao vẫn không chịu buông tay ra khỏi cổ tôi nên khi tôi định đứng lên thì đầu bị kéo ngược trở lại.

Đang lúng túng vì mũi gần chạm vào mũi Mao, tôi nghe thấy nàng cười khúc khích.

“Cười gì thế?”

“Thật tuyệt phải không?”

“Hả?”

“Tên bài em hay hát. ‘Thật tuyệt phải không’. Một bài của The Beach Boys.”

Chúng tôi tiếp tục cuộc đối thoại, cảm nhận được cả hơi thở phả ra từ môi nhau.

"Thế à. Em thích The Beach Boys nhỉ. Nhưng bài này giai điệu rất thong thả, không giống với nhạc lưót sóng mấy.”

“Ồ, cả Kousuke cũng nghĩ Beach Boys chỉ có nhạc lướt sóng ư? Anh nghĩ đó là mấy anh chàng vui nhộn, mặc áo sơ mi cộc tay sọc xanh, chỉ biết hát về mùa hè, xe ô tô và các cô nàng thôi đúng không?”

“Không đúng sao?”

Mao lắc đầu, sát ngay trước mắt tôi.

“Sai hoàn toàn. Ban nhạc chỉ chơi nhạc lướt sóng trong giai đoạn đầu thôi. The Beach Boys chính là ban nhạc tuyệt vời nhất thế kỷ 20, còn Brian Wilson, thủ lĩnh ban nhạc, là tài năng vĩ đại nhất thế kỷ. Anh nghe thử album Pet Sounds đi. Trừ bài ‘Thật tuyệt phải không’ ra, các bài khác đều trầm trầm, hơi khó nắm bắt nhưng đó là một album đẹp đến nao lòng, chắc chắn trái tim anh sẽ phải thổn thức vì nó. Tất nhiên, không chỉ có album Pet Sounds, em thích cả nhạc surf/hot rod rock[1] như album Today, All Summer Long nữa, đĩa đơn Good Vibrations phát hành trước khi Brian tách nhóm quả là một sự biến hóa của âm thanh…”

[1] Một dòng nhạc bắt nguồn từ Nam California, Mỹ vào thập niên 60 của thế kỷ trước, chủ yếu viết về xe ô tô và các cô gái. Hot rod là tên một loại xe cộ.

“Nếu chuyện còn dài, em có thể buông tay ra được không? Đứng thế này mỏi lắm.”

Tôi phàn nàn trong lúc cố giữ cho bắp đùi khỏi run. Nhưng Mao không nghe.

“Chính anh khơi ra nên anh phải nghe cho hết. Ừ, cái bài Good Vibrations đó vốn là...”

“Vậy thì anh buộc phải dùng đến vũ lực để bắt em im lặng.”

Tuyên bố xong, tôi dùng môi mình khóa môi Mao lại. Khi tiếng lầm bầm tạm ngưng, tôi tách môi ra thì Mao lại cười khúc khích rồi kéo đầu tôi xuống. Những cái hôn ngắn lặp lại thêm hai, ba lần nữa.

Tôi trườn lên giường bằng một chân, lướt môi lên gáy Mao. Làn tóc mềm mại mơn trớn đầu mũi tôi, mùi hương ngọt ngào khiến trống ngực tôi đập rộn ràng. Bỗng Mao ấn vai tôi xuống rồi đẩy tôi ra.

“Được rồi, đến đây thôi. Anh còn phải đi hút bụi nữa.”

“Trời ạ. Đang lúc có xung động tốt.”

“Này, giờ là sáng Chủ nhật đẹp trời đấy. Mưa lại vừa tạnh, không khí lung linh thế kia cơ mà. Buông rèm giờ này có phải là phí của không. Trời này mà nằm sưởi nắng rồi lim dim ngủ mới là đỉnh cao của sự xa xỉ đấy.

“Một sự xa xỉ rất kinh tế.”

“Lãng phí là tội ác. Tiết kiệm là quốc sách.”

“Thật hả? Vậy anh đành đi hút bụi thôi.”

“Ừ, đi đi. Mà nhớ hút cả chỗ góc giá sách nữa nhé. Hôm trước em thấy cục bụi bông nằm lăn lóc cứ như cây cỏ lăn trong phim Viễn Tây ấy. Mà này, nếu hơn một tiếng mà không thấy em ra thì vào đánh thức em nhé.”

“Được rồi.”

Tôi quay trở lại phòng kiểu Nhật, đang vừa hút bụi vừa đánh vật với cái thứ xung động tốt mãi không chịu lắng xuống thì thấy Mao - tưởng đã ngủ rồi - từ trong phòng đi ra.

“Sao thế?”

"Nằm chiếu vẫn thích hơn. Em sẽ ngủ ở kia, anh hút chỗ đó trước đi.”

Đúng là thay đổi như thời tiết.

__________

Kiểu này phải thay đổi định kiến cho rằng opera là một loại kịch tẻ nhạt, có hai anh chị béo ú hát như rống lên thôi. Opera rất tuyệt.

Ra khỏi nhà hát rồi mà giọng nữ cao và giọng nam trung của hai ca sĩ vẫn còn vang mãi trong đầu tôi. Dường như họ cũng ở lại luôn trong tâm trí Mao nên lúc đi ăn ở ga Shinjuku hay đứng lắc lư trên tàu điện, trông nàng cứ như đang ở trên mây.

“Tớ không nghĩ opera lại gây xúc động đến thế.”

Lúc bước khỏi lối dành cho người đi bộ ở ga Oizumi-gakuen, Mao hồi tưởng lại.

“Tổng cộng là ba tiếng rưỡi, kể cả giờ nghỉ, thế mà chỉ như trong nháy mắt nhỉ. Vậy là hết nguyên một buổi chiều thứ Bảy rồi, nhưng bọn mình đã có một quyết định sáng suốt.”

“Công nhận. Chẳng mất đồng nào mà được xem một buổi biểu diễn tuyệt vời, kể ra cũng thấy áy náy nhỉ. Ghế đó giá cũng phải hơn 20.000 yên chứ ít gì? Cậu nhớ cảm ơn mọi người ở công ty nhé.”

Tôi có trong tay tấm vé xem vỏ “Đám cưới Figaro” hồi giữa tuần. Vé này vốn dành cho khách hàng thân thiết nhưng vì khách hàng không đi được nên sau đó vé được chuyền cho mọi người trong công ty trước khi đến tay tôi.

Vừa về nhà tôi hỏi ngay Mao có muốn đi không. Vì tôi nhớ hôm hẹn nhau đi ăn ở Shibuya, trong lúc chờ tôi, Mao đã đứng nghe đĩa nhạc gì đó, hình như là opera. Nàng hẹn tôi ở tầng bán đĩa nhạc cổ điển bởi chỗ đó khá vắng chứ không phải vì thích opera nhưng sẵn tính tò mò nên khi thấy có vé xem trực tiếp, Mao đáp ngay: “Đi chứ.”

Vậy là lần đầu tiên chúng tôi được đặt chân đến Nhà hát Quốc gia mới ở Hatsudai.

Nói thật là tôi muốn được ở nhà nghỉ ngơi vì lâu lắm mới có ngày nghỉ trọn vẹn. Tôi đã làm việc suốt cả nửa Tuần lễ Vàng[2], hết bị “triệu” tới giúp khách hàng tổ chức sự kiện đến làm công tác hậu cần cho giải thi đấu golf. Sinh nhật Mao hôm mồng 2 tháng Năm tôi cũng chẳng thu xếp được thời gian, chỉ chúc mừng nàng bằng mỗi bánh kem và sâm banh mua ở cửa hàng tiện lợi. Chưa kể còn thường xuyên bê trễ việc nhà vì không còn sức, về đến nhà là chỉ lăn ra ngủ.

[2] Tuần lễ Vàng: Bao gồm 4 ngày quốc tế trong vòng 1 tuần, từ 29/4 – 5/5. Đây là tuần lễ cầu cho quốc thái dân an và thường các nhân viên công ty được nghỉ.

Chính vì thế mà tôi muốn bù đắp cho Mao bằng mọi giá. Kết quả là sự bù đắp đã thành công rực rỡ, bản thân tôi cũng lấy lại được tinh thần nên chẳng có gì phải phàn nàn.

“Nhân chuyện cái vé anh mới nhớ ra, tình hình công việc với bên công ty anh dạo này thế nào?”

Tôi hỏi Mao khi chúng tôi đi bộ qua khu phố chợ chật hẹp chẳng đủ chỗ cho hai xe ô tô tránh nhau.

“Ừm, anh Tanaka đó người lớn thật đấy. Nói thế nào nhỉ, rất là chỉn chu. Nhưng do khác nhau về giới tính và tuổi tác nên em thấy cảm nhận của em và anh ấy hơi khác nhau. Tớ thích làm việc với anh Kousuke hơn.”

Dưới ánh đèn đường sáng trắng, Mao nghiêng nghiêng đầu.

“Xin lỗi em. Vì chuyên riêng mà anh không còn được phụ trách công ty em.”

Sau khi kết hôn với Mao, tôi thôi không phụ trách Lara Aurore nữa. Việc nhân viên kinh doanh cưới nhân viên công ty khách hàng không phải chuyện hiếm và hầu hết sau đám cưới sẽ không còn được phụ trách công ty khách hàng.

“Về chuyện đó thì anh không phải bận tâm.” Mao bấu nhẹ vào cánh tay tôi. “Này, chúng mình vừa có một trải nghiệm lạ thường xong nên đừng nói chuyện công việc nhé. Em muốn đắm chìm trong dư âm của vở kịch thêm chút nữa.”

“Ừ.”

“Ôi, bắp cải rẻ chưa kìa.” Mao đứng lại dưới ánh đèn vàng của cửa hàng rau quả. “Đợi em vào mua nhé. Phải rồi, chưa có bánh mì cho sáng mai. Trứng hình như cũng hết rồi.”

Sau khi dạo một vòng quanh cửa hàng rau quả và siêu thị đối diện, hành lý của chúng tôi tăng lên trông thấy.

Hôm nay tôi diện áo khoác và giày da để đi xem opera nhưng sức nặng của túi đồ siêu thị trên hai tay đã lôi tôi trở lại thực tại. Tiếng hát của Figaro và bá tước phu nhân đã bay về nơi xa lắm.

“May là hàng rau vẫn còn mở. Việc đi chợ cuối tuần coi như đã xong.”

Ra khỏi siêu thị, xách chiếc túi có bó hành thò ra ngoài, Mao ngửa mặt cười rạng rỡ. Phụ nữ thật khó hiểu, vừa mới bảo muốn đắm chìm trong dư âm lạ thường mà giờ đã nhảy ngay về đời sống thường nhật.

Đến cửa hàng bánh trôi nếp, chúng tôi rẽ trái sang con đường có sở thuế. Khu phố chợ ban nãy vẫn còn không khí náo nhiệt của ban ngày nhưng sang đến đây thì vắng vẻ hơn.

“Tiếng nhạc vẫn vang lên trong đầu em này.” Mao lắc lư người, có vẻ cảm xúc lạ thường vẫn còn đọng lại nơi nàng. “Chúng mình đã bị hạ gục ngay từ khúc mở màn. Em nổi hết da gà khi biết mình cũng biết bài đó, sau đấy lại hồi hộp dõi theo giai điệu hoành tráng như ngầm ám chỉ ‘Đây là sự khởi đầu của một câu chuyện hay’. Diễn biến của nửa sau tuy hơi đường đột quá nhưng Mozart quả thật là thiên tài vĩ đại nhất.”

“Ơ? Không phải Brian gì đó của The Beach Boys mới là nhất à?”

Bị tôi trêu vì chuyển sang mê Mozart, Mao bình thản lắc đầu.

“Brian Wilson là nhất của thế kỷ 20. Mozart là nhất của thế kỷ mười mấy nên chẳng có gì liên quan.”

"À.”

Đến ngã tư là nhìn thấy chung cư của chúng tôi. Vừa thấy ánh sáng ngoài hành lang, tôi thốt ra một câu rất đỗi tự nhiên. “Ôi, về đến nhà rồi ”

“Ừ, về đến nhà rồi.”

Giọng Mao có vẻ chân thực hơn.

Đã gần hai tháng kể từ khi chuyển về đây. Tôi và Mao cũng đã ra dáng vợ chồng.

Trước khi quyết định cưới nhau, tôi được nghe bố Mao nói một câu rất gở rằng “Con không được làm phiền người khác” nhưng đó hóa ra chỉ là lo lắng không có cơ sở.

Tôi rất vui vì lấy Mao. Dù nàng nói chuyện hay im lặng, chỉ cần có nàng ở bên, tôi đã mãn nguyện lắm rồi. Tối nào tôi cũng háo hức được về nhà. Sống với nàng, tôi chưa bao giờ thấy hối tiếc, dù chỉ một giây.

Vì thế mà số lần hai đứa cãi nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Toàn những lý do vụn vặt, người ngoài nhìn vào tưởng hai vợ chồng trêu nhau kiểu như “Không ăn cơm mà không báo nên cơm bị thừa.”

Nếu có gì phải lo lắng thì có lẽ vẫn là chuyện ký ức của nàng.

Sau rất nhiều trăn trở, tôi đi đến kết luận là nếu Mao mắc chứng quên toàn bộ quá khứ thì ký ức cũng không nhất thiết phải quay về.

Theo như kiến thức tôi cóp nhặt được từ sách vở và trên mạng thì có vẻ trong đa số các trường hợp, nguyên nhân của chứng quên toàn bộ quá khứ là do stress nặng hoặc sốc tâm lý nghiêm trọng, số ít còn lại là do thảm họa thiên tai như động đất... Ngược lại, các trường hợp mất trí nhớ do bị ngã chỉ thấy trong truyện tranh hay phim truyền hình, ít có trên thực tế.

Hiện tại, giới y học vẫn chưa giải thích được đầy đủ cơ chế của chứng quên toàn bộ quá khứ. Chỉ có giả thuyết cho rằng đó là tình trạng bộ não của con người khi gặp phải cú sốc nào đó không chịu đựng nổi nên phải khóa ngăn ký ức lại.

Một sự kiện mà bộ não còn muốn quên thì ta cần gì phải nhớ. Bản thân Mao cũng không muốn biết những chuyện xảy ra trước khi được nhặt về. Với Mao, bố mẹ nuôi là bố mẹ duy nhất, cuộc đời từ hồi cấp II mới là cuộc đời thật. Vậy thì cứ để nguyên đó. Chính bố Mao cũng có lần nói “Mao là Mao” đấy thôi.

“Mao này.”

“Ơi?”

“Em thấy hôm nay vui không?”

“Vui lắm.” Mao gật đầu thật mạnh rồi gọi tên tôi: “Kousuke.”

“Ơi?”

“Cảm ơn anh. Vì đã dẫn em đi chơi trong lúc vẫn còn mệt mỏi sau Tuần lễ Vàng.”

“Tại có vé miễn phí mà.” Sau khi nói tránh đi, tôi chuyển sang giọng nghiêm túc. “Từ giờ, chúng mình sẽ còn đi nhiều hơn nữa. Sẽ cùng xem và trải nghiệm thật nhiều thứ.”

Đúng vậy. Nếu Mao có ít kỷ niệm thì hai chúng tôi sẽ tạo ra thêm.

“Ừ. Nhưng anh đừng cố quá nhé. Chỉ quanh quẩn ở nhà thôi em cũng thấy hạnh phúc rồi.”

Mao an ủi tôi. Ôi vợ tôi, nàng đúng là một người vợ tốt. Vậy thì tôi cũng phải trở thành một người chồng xứng đáng với nàng.

Bịch! Có tiếng động dưới chân. Tôi nhìn xuống thì thấy chiếc túi siêu thị Mao xách đang nằm trên mặt đường nhựa. Có mấy quả trứng bị vỡ, lòng đỏ rỉ ra từ vỏ hộp nhìn trong suốt dưới ánh đèn vàng.

“Ôi, trứng vỡ mất rồi.”

Mao đang nhìn xuống chân, ánh mắt vô hồn, nghe tôi gọi mới sực tỉnh, vội nhặt cái túi lên.

“Phí quá.” Nàng cất giọng rầu rĩ rồi chậm rãi nhìn vào trong túi hàng. “Lọc lại vẫn làm được món trứng rán nhỉ?”

Tôi muốn bảo lưu nhận xét “Ôi vợ tôi, nàng đúng là một người vợ tốt” thêm một thời gian nữa.

__________

“Tôi hiểu ý cậu.”

Anh Tanaka ngắt lời tôi rồi nhấp một ngụm rượu sochu lúa mạch đã pha loãng. Vài giọt rượu rớt ra từ khóe miệng khiến anh vội lấy khăn ướt để lau.

Chiếc ti vi nhỏ trên đầu phát ra một tràng tiếng Kansai của nghệ sĩ tấu hài. Hình như ông ta đang nói điều gì đó rất hài hước nhưng tôi chẳng có tâm trạng nào để cười.

“Nhưng Okuda này.” Cẩn thận gấp lại chiếc khăn ướt, anh Tanaka nói: “Cậu hãy bình tĩnh suy nghĩ xem mình đang nhận lương từ đâu. Chúng ta vẫn bảo khách hàng là trên hết nhưng cậu gây thù chuốc oán trong công ty thì được lợi lộc gì? Bên truyền thông có lý lẽ của riêng họ, chỉ có cậu là khổ khi phải đứng giữa hai làn đạn thôi.”

Tay vẫn cầm cốc rượu nguội ngắt, sẵn có men rượu trong người, tôi phản bác.

“Nhưng nếu khách hàng hài lòng và doanh thu tăng, chẳng phải sẽ có lợi cho công ty sao? Nếu ngay cả điều này cũng bị phủ nhận thì em chẳng biết lấy gì làm động lực để làm việc nữa.”

Tôi hiểu anh Tanaka nói thế cũng vì nghĩ cho tôi. Tôi rất cảm ơn anh đã rủ tôi đi nhậu với lý do “vợ cậu đi công tác" dù sáng nay anh vẫn phải uống thuốc dạ dày. Nhưng tôi không thể ngoan ngoãn gật đầu theo anh được.

Anh Tanaka xoay cổ, đưa tay nới lỏng thêm cà vạt.

"Tôi không bảo là cậu không được cố gắng, Ý tôi là, để bước cùng nhịp với các phòng ban khác cũng phải biết cách đấy. Chẳng phải câu cửa miệng của giám đốc là ‘Công ty là một con thuyền’ sao. Dù không thích nhưng phải chấp nhận thôi. Khi nhiều người cùng chèo một con thuyền, một người chèo nhanh hơn người khác thì con thuyền cũng chẳng đi nhanh hơn được, tôi nói có đúng không? Việc khua mái chèo ầm ầm, làm nước bắn tung tóe chỉ tổ khiến người xung quanh khó chịu.”

“Vậy phải nói dối khách hàng rằng mình không thể làm trong khi sự thực chỉ cần cố một chút là làm được ư?”

“Trông mặt cậu như thể chẳng gϊếŧ nổi một con muỗi mà cũng nói năng ghê nhỉ.”

Chống một khuỷu tay lên bàn quầy sạm đen vì rượu, khói và dầu mỡ, anh Tanaka nhìn thẳng vào mắt tôi.

“… Em xin lỗi.”

“Tôi không bảo cậu phải xin lỗi.” Anh Tanaka ngoạm vào miếng tim gà rồi dùng răng giật nó ra khỏi que xiên. Miệng nhai rau ráu, anh nói tiếp: “Có điều, thử hỏi, một con thuyền mà trên đó, mỗi thuyền viên lại chèo một kiểu thì có khách hàng nào yên tâm gửi hàng hóa lên không? Nếu cậu quá coi trọng khách hàng, gây hấn với phòng Truyền thông, rốt cuộc lại thành gây khó dễ cho khách hàng đấy. Cậu thừa biết thế là đi ngược lại lợi ích mà. Nói thế này chắc cậu sê không thích nhưng cậu liệu mà giữ các mối quan hệ trong công ty đi. Vì có thể sắp tới, cậu sẽ bị chuyển sang phòng Truyền thông đấy.”

“…”

Tôi chẳng nói được gì. Có tiếng mỡ cánh gà cháy xèo xèo trên bếp.

Tôi hiểu chứ. Những gì anh Tanaka nói đều đúng. Chỉ vì quá coi trọng khách hàng mà tôi đã gây ra những mâu thuẫn không đáng có trong công ty. Tôi cũng biết vì đâu mà tôi lại hành động như vậy. Vì Lara Aurore. Sau khi cùng Mao lên phương án tác chiến và dồn được phòng Truyền thông vào thế khó, tôi trở nên tự tin hơn, rồi dần dà trở thành tự mãn. Không thể nhắm mắt làm ngơ trước tình hình đó, anh Tanaka đã kéo tôi ra đây để nhắc nhở.

Tôi thấy mình thật đáng xấu hổ vì làm phiền anh mà còn không biết hối lỗi. Tôi hiểu thành ý của anh Tanaka. Anh đang bảo tôi phải chín chắn hơn. Thế mà tôi chỉ biết ấm ức vì những nỗ lực của tôi và Mao không được công nhận. Tôi trẻ con đến nỗi chính tôi cũng thấy ớn.

Tôi tự mãn, tưởng mình đã bỏ được cái mác “kẻ cắp tráp theo hầu” chỉ biết “vâng, dạ” nhưng thực ra chỉ chuyển sang làm “kẻ không biết mình là ai” thôi. Tên gọi thay đổi chứ bản chất vẫn là tép riu.

Tôi muốn về với Mao.

Tôi muốn lắm.

Không phải vì nàng sẽ cho tôi những lời khuyên xác đáng. Không phải nàng sẽ vực dậy tinh thần tôi bằng những lời lẽ động viên. Nàng không làm được thế thì tôi vẫn muốn nhìn thấy nàng. Chỉ cần nàng có mặt ở căn hộ của hai đứa và trò chuyện với tôi như mọi khi thôi. Chỉ cần như thế thôi, dù tinh thần đang thảm bại thế nào cũng thấy được cứu vớt.

Nhưng Mao đi công tác Kansai từ hôm qua. Công ty sắp khai trương cửa hàng mới ở Kawaramachi và Sannomiya nên nàng phải xuống đó họp kết hợp với làm truyền thông. Mai nàng về rồi nhưng tôi thấy ngày mai sao xa xôi quá.

“Sao cứ xị mặt ra thế.” Anh Tanaka vỗ vào lưng tôi. “Không tính phòng Truyền thông thì ở phòng chúng ta, cậu được đánh giá cũng khá đấy. Mấy ông lớn tuổi có thể tạm hài lòng vì thấy được hình ảnh của mình ngày xưa.”

“Ồ. Vậy sao.”

“Trả lời ỉu xìu thế. Sao, vừa mới xa vợ mà đã như bánh đa nhúng nước rồi à?”

“Không phải đâu.”

“Nhìn mắt cậu là tôi biết cậu đang nghĩ đến vợ. Ánh mắt ngây ngô như học sinh cấp II.” Anh Tanaka tủm tỉm cười. “Nãy giờ toàn nói mấy chuyện nhức đầu, tiện đây thay đổi không khí luôn nhỉ? Ơ kìa? Sao rượu của cậu vẫn chẳng vơi chút nào thế Okuda?”

Tôi vội vàng uống cạn cốc rượu sochu.

Vừa uống xong, bao mệt mỏi tích tụ mấy ngày qua và cơn chếnh choáng cùng nhau ập đến. Quán gà nướng chật chội, nghi ngút khói than bỗng dãn rộng sang hai bên như cây kẹo mạch nha.

Anh Tanaka tự động gọi thêm hai cốc sochu pha loãng rồi huých cùi chỏ sang tôi.

“Cuộc sống tân lang tân nương thế nào?”

“Bọn em cưới nhau được ba tháng rồi, tân gì nữa.”

“Nhưng chắc là vẫn còn chứ? Những giây phút hưng phấn ấy.”

Có vẻ gã độc thân này đang rất máu lấy vợ nên cứ hay bắt tôi kể chuyện vợ chồng. Song nếu kể sự thật là ngày nào chúng tôi cũng hôn nhau trước và sau khi ngủ, đảm bảo tôi sẽ bị gã cho ăn xiên.

Tay vẫn cầm xiên gà nướng, tôi chọn những phân đoạn an toàn trong đời sống thường nhật của mình để kể.

“Vâng. Lúc về nhà, thấy nàng đứng trong bếp, vừa nấu ăn vừa lẩm nhẩm hát, em thấy thật may mắn vì có được nàng.”

“Chà... Thích nhỉ.” Anh Tanaka đấm thùm thụp vào lưng tôi. Đau quá. “Này, có phải khỏa thân mặc tạp dề không?”

Ông chủ quán đang nhăn mặt lật các xiên thịt, nghe thấy thế liền liếc bọn tôi rồi lại nhìn xuống các xiên thịt.

“Bọn em không làm mấy trò trong phim người lớn đó đâu.”

Sự thật là có. Nhưng phải giữ mồm giữ miệng. Nói ra sẽ bị tra hỏi đến nơi đến chốn ngay.

“Sao, không làm à? Nhưng thế cũng sướиɠ rồi, một cô vợ vừa hát vừa nấu cho mình bữa tối. Tay nghề của Watarai thế nào? Ngày nào cô ấy cũng nấu cho cậu phải không?”

Sau khi kết hôn, Mao vẫn dùng họ Watarai ở nơi làm việc nên anh Tanaka vẫn gọi nàng bằng họ cũ.

“Ừm, tuy vị hơi nhạt nhưng với người chưa từng sống riêng như cô ấy thì thế là ngon lắm rồi. Chỉ có điều, em muốn cô ấy bớt cái kiểu thất thường khó đoán đó đi, chẳng hạn khi em đi ra ngoài, cô ấy gọi điện hỏi em muốn ăn gì, em bảo thích ăn thịt hầm khoai tây nhưng về nhà lại thấy có món cà ri.”

Kể xong, tôi bỗng thấy thèm được ăn món Mao nấu quá. Cà ri hay thịt hầm khoai tây cũng được. Tôi muốn lấp đầy bụng món ăn có vị của Mao.

“Mà đúng là trông cằm cậu tròn ra đấy. Ối, chết tiệt, cậu định tâm sự với tôi chuyện vợ chồng đấy à.” Chính mình là người khơi ra chuyện đó trước, thế mà giờ anh Tanaka lại đổ cho tôi. “Nhưng hay thật đấy. Bạn học cũ lại làm việc ở chỗ khách hàng mới, nghe cứ như chuyện đùa. Xác suất của chuyện này đến 1% cũng chẳng có ý chứ. Cô cậu mới yêu nhau được nửa năm đã bỏ nhà để cưới nhau đúng không? Thời buổi này mà vẫn còn kiểu cưới đó. Rất ấn tượng. Hóa ra cậu cũng có gan đấy.”

“Tại đâm lao nên phải theo lao thôi.”

“Thích thế. Thích thế. Cho tôi cái lao với.” Anh Tanaka chu môi nói rồi nhấp một ngụm rượu. “Gác chuyện theo lao lại đã, nhưng dù gì thì cũng nên trao cái cần trao chứ nhỉ?”

“Cái cần trao?”

“Nhẫn, nhẫn cưới đó. Lúc ngồi họp tôi cũng để ý đấy. Giờ Watarai không đeo nhẫn bên tay phải nữa đúng không?”

“Anh nói em mới để ý.”

Đúng là giờ nắm tay Mao tôi không còn thấy vật cưng cứng trên tay nàng như hồi chưa cưới.

“Là chồng rồi mà thế à. Cô ấy đang đợi. Cô ấy dọn sẵn chỗ trên ngón tay để chờ cậu tặng nhẫn. Cậu phải để ý chứ.”

“... Em xin lỗi.”

“Sao lại xin lỗi tôi. Trời ạ, sao cậu ngố thế còn lấy đuợc vợ, trong khi tôi thì không nhỉ?”

“Vâng, lạ thật.”

Có lẽ tại anh Tanaka cứ để ý quá những chuyện nhỏ nhặt.

“Lạ nhỉ. Tại cái nghề này chăng. Nghe đại lý quảng cáo tưởng oai lắm nhưng kỳ thực, quảng cáo giao thông lại là công việc rất khiêm tốn. Không hào nhoáng như quảng cáo truyền hình nên sức hút đối với phụ nữ vì thế cũng ít. Nhưng về điểm này thì cậu có khác gì tôi đâu? Không hiểu cậu có thứ gì mà tôi không có chứ?”

Đến giờ cằn nhằn của anh Tanaka rồi.

Tuy bề ngoài gật đầu hưởng ứng câu chuyện vô nghĩa của cấp trên nhưng trong đầu tôi lại nghĩ không biết giờ này Mao đã về khách sạn chưa, mấy giờ ngày mai nàng sẽ về.

“A lô. Em đây. Anh đang trên tàu điện à? Em về khách sạn ở Sannomiya rồi. Em vừa tắm xong, chao ôi mệt quá. Mới tháng Sáu thôi mà sao Kansai nóng thế nhỉ? Không liên quan nhưng em muốn nói là giường ở khách sạn này chật lắm. Em nhớ cái giường ở nhà. Thôi kệ đi, thế ở nhà anh có ăn uống đầy đủ không? Không được cả ngày ăn cơm hộp mua ở của hàng tiện lợi đâu đấy. Mai em sẽ về, cụ thể mấy giờ thì chưa biết. Mai em phải dậy sớm nên em đi ngủ đây. Chào anh, ngủ ngon nhé.”

Điện thoại tôi có lời nhắn của Mao. Lời nhắn được ghi lại lúc hơn 10 giờ. Khi ấy, bên kệ quầy của quán gà nướng, anh Tanaka đang phàn nàn về các cô người yêu cũ.

Liêu xiêu bước đi trên con phố vắng vẻ, quạnh quẽ, tôi nghe đi nghe lại giọng của Mao trong lời nhắn. Tôi muốn gọi điện nói chuyện với nàng ngay lập tức nhưng đã gần 12 giờ nên chắc nàng đã ngủ.

Lấy thư ở cửa chung cư xong, tôi bấm nút thang máy rồi đứng dựa vào tường. Tôi say hơn tôi tưởng. Lên tới căn hộ, tôi mở cánh cửa sắt.

Vừa đặt chân vào nhà, hơi nóng ban ngày tích tụ trong phòng ùa ra bủa vây tôi. Cố gượng để không ngã vật ra sàn, tôi bật đèn bếp và uống nước. Căn hộ không có Mao thật yên ắng, chỉ nghe thấy tiếng máy bơm hơi.

Bật điều hòa và nước nóng trong phòng tắm xong, tôi định vào phòng ngủ để thay quần áo thì thấy đầu gối run lẩy bẩy. Tôi đổ ập người xuống giường. Lượng rượu sochu vẫn còn khá nhiều trong cơ thể.

Nằm thớ hổn hển trên giường nhưng tôi vẫn đảo mắt nhìn khắp phòng.

Chợt mắt tôi dừng lại ở bàn phấn của Mao đặt trong góc. Trước giờ tôi không mấy để ý đến góc này nhưng có biết Mao để hộp trang sức ở đây.

Anh Tanaka quả quyết rằng Mao đang đợi tôi tặng nhẫn, không biết ý Mao thế nào. Dù sao tôi cũng nên tìm hiểu trước sở thích và cỡ tay của nàng.

Tôi bò xuống khỏi giường rồi ngồi khoanh chân trước mặt bàn phấn. Tôi tìm chiếc hộp trang sức mà Mao thường để ở đây cùng son môi và nước hoa nhưng chẳng thấy đâu. Hay nàng cất trong ngăn kéo.

Sau một chút lưỡng lự, nhờ tác động của men rượu, cuối cùng tôi đã mở ngăn kéo ra, Thôi thì coi như hòa vì bản thân tôi cũng từng bị nàng kiểm tra ruột đĩa DVD.

Hộp trang sức nằm trong ngăn kéo thứ ba ở dưới cùng. Tôi lấy ra chiếc hộp mỏng bọc da, đặt dưới ánh đèn tuýp và mở nắp.

Có bốn chiếc nhẫn và ba sợi dây chuyền. Tôi không thạo lắm vì là nam giới nhưng có vẻ so với một cô gái ngoài hai mươi thì số lượng này khá khiêm tốn. Tất nhiên không loại trừ khả năng đây chỉ là những thứ nàng thích, nàng vẫn còn “đội dự bị” để ở nhà bố mẹ. Nhìn qua số trang sức trong hộp có thể thấy tất cả đều có thiết kế đơn giản, dễ thương.

Tôi lấy ra một chiếc nhẫn, đeo thử vào ngón áp út. Chiếc nhẫn chỉ đi qua được đốt ngón tay thứ nhất. Cứ cố rồi chẳng may không tháo ra được, Mao biết thì phiền lắm nên tôi quyết định trả lại khi chưa muộn.

Tôi toan trả chiếc hộp lại ngăn kéo thì nhìn thấy một thứ trông là lạ nằm bên dưới. Phong bì ngân hàng. Có hai chiếc trông khá dày.

Khi mở chiếc phong bì nặng trịch đó ra, tôi không tin nổi vào mắt mình.

Có một cọc tiền 10.000 yên. Cọc tiền được bọc bằng đai của ngân hàng nên số tiền tương đương một triệu yên. Ngoài ra còn có mấy tờ 10.000 yên lẻ bên ngoài.

Choáng váng không hiểu sao lại có ngần này tiền mặt trong nhà, tôi mở nốt phong bì còn lại. Quả nhiên lại có một cọc tờ 10.000 yên khác, và cả sổ ngân hàng của Mao. Biết đang làm điều không phải nhưng đến nước này tôi không rút chân lại được nữa.

Nhìn những giao dịch trong sổ, mắt tôi bỗng chốc quên cả chớp. Quá nửa số tiền tiết kiệm hơn hai triệu yên đã được rút ra từ tuần trước, trong tài khoán giờ chỉ còn khoảng 100.000 yên.

Tôi vớ lấy điện thoại. Nhưng khi dò đến số Mao trong bộ nhớ, tôi lại phân vân không biết có nên gọi không. Đã quá nửa đêm, vả lại đang nửa tỉnh nửa say thế này, tôi không nên có những quyết định vội vàng.

Tâm trạng rối bời, tôi nghe lại lời nhắn của Mao.

“A lô. Tớ đây. Cậu đang trên tàu điện à? Tớ về khách sạn ở Sannomiya rồi...”

Vẫn giọng nói ngọt như mía lùi. Nhưng giờ nó lại khiến tôi thấy bất an.

Tôi chưa bao giờ nghe Mao nói nàng sẽ rút tiền trong tài khoản. Sao Mao lại làm chuyện đó? Sao nàng lại giấu tôi? Nàng định làm gì với số tiền này?

Ban đêm tôi tỉnh giấc tới mấy lần. Đến sáng, chiếc phong bì vẫn nằm nguyên trạng trong bàn phấn. Tôi thở dài, miệng vẫn sặc hơi men, đóng ngăn kéo bàn phấn, uống cốc cà phê rồi ra khỏi nhà. Lúc này tôi chẳng thể nhét vật cứng gì vào bụng, xét cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Thời gian cứ chậm chạp trôi như trêu ngươi trong khi tôi không thể chú tâm vào công việc.

Mãi đến chiều mới có tin nhắn của Mao.

“Anh vừa lên tàu Nozomi ở ga Shin-Kobe. Anh mua bánh flan về cho em đấy ♪ . Phải 10 giờ em mới về đến nhà nên anh cứ ăn tạm gì đó đi nhé. ”

“Tàu đang dừng ở Kyoto. Trưởng phòng ngồi cạnh em đang ngủ say như chết (-_-)zz”

“Tàu đến Shin-Yokohama! Sắp về đến nơi rồi! Nhưng cả điện thoại và em đều sắp hết pin...”

Ngoại trừ câu trả lời cho tin nhắn đầu tiên là “Anh biết rồi”, tôi không trả lời những tin nhắn sau của Mao. Tôi không biết trả lời sao khi thấy nàng cứ vô tư gửi tin nhắn cho tôi mà không hay biết tôi đã làm gì.

Gần 10 rưỡi, chuông cửa reo.

“Em về rồi đây. Ôi, mùi nhà mình.”

Vừa đặt chân vào nhà, việc trước tiên là Mao hôn tôi rồi hít một hơi thật dài. Nàng để va li xuống sàn, cứ mặc nguyên bộ vest ngồi phịch xuống ghế ở bếp.

“Kansai nóng thật đấy. Hơi nóng cứ như bốc thẳng từ dưới lòng đất lên. Quà của anh đây. Bánh flan Kobe theo đúng thông lệ. Hộp to em để mang tới công ty nên anh đừng mở ra nhé.” Mao lấy hộp bánh từ trong túi giấy ra rồi nhìn vào mặt tôi. “Anh ăn gì rồi?”

“À, ừm, cơm thịt bò ở trước cửa ga.”

“Lại thịt à. Vậy tối mai sẽ ăn cá. À phải rồi. Em có gặp người bên chi nhánh Osaka của công ty anh đấy. Tên là Sekine, tầm bốn mươi tuổi. Anh biết không?”

“Không biết.”

Mao nghiêng đầu trước câu trả lời cộc lốc của tôi.

“Anh sao thế? Bị cảm à?”

Tiếng thở dài của tôi tự động bật ra. Phải tra hỏi Mao khi nàng vừa về nhà sau ba ngày công tác thế này, tôi đau lòng lắm. Nhưng một khi đã biết thì không thể không hỏi.

“Anh muốn em xem thứ này.”

“Hả? Gì thế gì thế?”

Để Mao ở lại trong bếp nhấp nhổm vì tò mò, tôi đi vào phòng ngủ. Tôi lấy phong bì từ bàn phấn ra rồi quay lại bếp.

“Cái này.”

Nhìn hai chiếc phòng bì được xếp ngay ngắn trên mặt bàn, mặt Mao lập tức đanh lại.

“Không phải đâu.”

Mao lắc đầu, giọng lạc đi.

“Cái gì không phải?”

Mao cố nở một nụ cười trên khuôn mặt nhỏ nhắn.

“Ghét anh thế. Tự tiện lục bàn phấn của người khác. Không phải anh trang điểm để đi chơi lúc em vắng nhà đấy chứ?”

“Trả lời anh đi, đừng đánh trống lảng. Anh xin lỗi vì đã tự tiện mở ngăn kéo bàn phấn.”

Để tránh không phải nhìn tôi xin lỗi, Mao nhìn vào túi giấy đựng quà màu xanh lục. Tôi đợi nhưng vẫn không có câu trả lời.

“Em rút tiền tiết kiệm ra đúng không?” Tôi buộc phải lên tiếng. “Lúc nào em cũng bảo ‘tiết kiệm là quốc sách’, vậy em định làm gì với từng này tiền? Đây là tiền em đã làm lụng vất vả mới có được cơ mà.”

“… Em không làm gì xấu để kiếm được chúng. Nên muốn tiêu gì cũng đưọc phải không?”

Trả lời rất khảng khái nhưng Mao lại không hề nhìn tôi.

“Có thứ gì giá tiền triệu mà không trả được qua ngân hàng à? Để cả đống tiền ở nhà như vậy nguy hiểm lắm. Nhỡ trộm vào lấy hết thì sao?”

“…”

“Anh biết đây là tiền do Mao tự làm ra, anh không có quyền bảo Mao chi tiêu thế nào. Nhưng ít ra em cũng nên bảo anh một tiếng chứ?” Mặc cho tôi hỏi, môi Mao vẫn dính chặt vào nhau, mắt không rời khỏi chiếc túi giấy. “Nhìn anh đây này, đừng nhìn ra chỗ khác.”

“…”

Vẫn không có phản ứng.

“Nhìn anh đi!”

Bờ vai nhỏ run rẩy trước tiếng quát của tôi. Mao sợ hãi ngẩng lên.

“Anh xin lỗi..., vì tự nhiên lại quát lên.” Ánh mặt sợ hãi của Mao buộc tôi phải hạ giọng. “Anh sẽ không quát em nữa, nói cho anh biết đi. Mao, em định dùng tiền vào việc gì? Em đã đầu tư vào cái gì mà anh không biết ư?”

Mao im lặng lắc đầu. Một khe hở xuất hiện trên môi cho thấy nàng bắt đầu dao động.

“Hay em đánh bạc?”

Mao lại lắc đầu.

Tôi đưa ra một loạt các giả định hy vọng sẽ trúng được một cái. Người bảo lãnh vay. Ký quỹ bán hàng. Phẫu thuật thẩm mỹ. Bán hàng đa cấp. Trai bao.

Mao không gật đầu trước bất kỳ một giả định nào. Mỗi khả năng bị loại bỏ đồng nghĩa với một nghi ngờ trong tôi biến mất, nhưng bí ẩn về việc Mao dùng sổ tiền đó vào việc gì không vì thế mà giảm di.

Chúng tôi ngồi đối diện nhau ở chiếc bàn đôi, chờ đọi khoảng thời gian nặng nề trôi qua.

“… Em định đổi...”

Mao lên tiếng, giọng khàn và mảnh.

“Hả?”

“Em định đổi sang ngân hàng khác.”

Tiếng thở dài bất giác buột ra khỏi miệng tôi.

“Nếu vậy thì cần gì rút, chỉ cần mở tài khoản mới rồi chuyển sang là xong. Chẳng nhẽ em không biết giữa phí chuyển tiền và nguy cơ mất trộm, cái nào lớn hơn ư?”

“... Ừ.”

Trông Mao càng nhỏ bé hơn khi so vai và gật đầu. “Sao em lại muốn đổi ngân hàng?”

Phải mất một lúc Mao mới đáp:

“Để thay đổi không khí... không không... vì em muốn đổi sang ngân hàng có lãi suất và phí ATM tốt hơn... Với lại, em thích mấy thứ dễ thương như thẻ có hình nhân vật hoạt hình...”

Lời giải thích thật khó hiểu, nghe như thể nàng mới nghĩ ra tức thì.

“Mao này...”

“Đúng là.” Mao nói thật nhanh như muốn lấp lời tôi. “Đúng là em nên gửi lại tiền vào tài khoản. Kousuke nói đúng, để ở nhà rất nguy hiểm. Ngày mai, nghỉ trưa, em sẽ đến ngân hàng. Xin lỗi đã để anh phải lo lắng.”

Trông Mao nhợt nhạt quá.

Chắc chắn nàng vẫn giấu tôi điều gì đó. Nhưng nếu bây giờ truy hỏi tiếp, tôi sẽ lại quát Mao mất thôi.

Nén nghi ngờ lại trong lòng, tôi nhẹ nhàng hỏi.

“Em sẽ gửi lại thật chứ?”

“Ừ.”

Mao sụt sịt gật đầu.

“Cầm một lần đi nguy hiểm lắm, nên chia ra nhiều lần.”

“Em sẽ làm thế. Thành thật xin lỗi anh.”

“Không sao. Cũng muộn rồi, em có đi tắm không?”

“Ừ.”

Tôi nhìn theo dáng Mao vào phòng ngủ thay quần áo rồi quay sang bật ti vi. Nhưng giọng nói trang nghiêm của phát thanh viên hôm nay bỗng khiến tôi thấy khó chịu nên tôi tắt đi luôn.

Không khí nặng nề vẫn kéo dài sau đó. Chúng tôi sửa soạn đi ngủ mà hầu như không nhìn nhau, lúc vào giường rồi cũng chẳng hôn nhau. Chuyện chưa từng xảy ra kể từ khi cưới.

Bình thường, sau khi tắt đèn, chúng tôi thường nằm nhìn lên trần nhà và trò chuyện. Toàn mấy chuyện linh tinh kiểu như sắp có cửa hàng mới thay thế cho cửa hàng tiện lợi ở cửa Bắc nhà ga, bé Shu-kun, con trai anh chị Hiraiwa hàng xóm biết nói câu này. Hay vào mùa mưa - lúc phải dùng tới chế độ hẹn giờ ở điều hòa - thì sẽ là những tranh cãi về việc điều chỉnh nhiệt độ. Tôi bảo nóng thì Mao bảo vừa, Mao bảo lạnh thì tôi lại bảo không. Chúng tôi cứ nói qua nói lại như thế rồi thϊếp đi lúc nào không hay.

Nhưng hôm nay, chúng tôi nằm quay lưng vào nhau trên cùng một chiếc giường, im lặng nhìn vào bức tường tối đen.

Vừa đi công tác về, đang rất mệt nhưng có vẻ Mao không ngủ được. Thi thoảng tôi lại thấy nàng cựa mình hoặc gãi gãi người. Mỗi cử động có phần dè dặt ấy đều toát lên sự kìm nén đến căng thẳng. Bình thường Mao trở mình đến rung cả giường và kéo hết cả phần chăn của tôi.

Tôi nghĩ hay là mình thử lên tiếng trước. Ban nãy trót quát Mao nên tôi cũng áy náy không ngủ được Nhưng cứ im lặng, giả vờ không biết Mao nằm thu lu thế kia thì đêm nay sẽ dài lắm.

Tôi cố tình trở mình để tạo cớ bắt chuyện với Mao “A”. Câu nói sau khi im lặng một lúc lâu nghe khàn khàn. “Em có nóng không?”

Sau một khoảng lặng tưởng như câu nói đã chìm vào quên lãng, Mao đáp ngắn gọn:

“Em ổn.”

Cùng với đó là một tiếng thở sâu.

Được đà, tôi nói tiếp.

“Anh xin lỗi vì ban nãy đã quát em.”

“Không, chính em mới phải xin lỗi.”

Giọng Mao hơi lạc đi. Mắt vẫn nhìn vào tường, tôi nói bằng giọng ôn hòa nhất có thể.

“Về chuyện tiền bạc, nếu cần em cứ bàn với anh. Lần này, vì bị bất ngờ nên anh đã quát em, nhưng lần sau, nếu em nói trước với anh, anh sẽ bình tĩnh lắng nghe. Anh không bảo em phải giải thích ngay bây giờ, cứ để khi nào cả hai bình tĩnh cũng được.”

“… Ừ.”

Một câu trả lời rất thành thật. Chứng tỏ lý do đổi ngân hàng chỉ là để lấp liếʍ. Nhưng giờ mà hỏi nữa sẽ đào sâu thêm hố ngăn cách. Điều tôi cần làm bây giờ không phải đi tìm sự thật mà là nghĩ cách giải quyết vấn đề.

Tôi duỗi thẳng hai chân chẳng biết co lại từ lúc nào.

“Kousuke.” Mao lên tiếng. “Em xin lỗi vì khiến anh lo lăng. Em có việc phải lo, chỉ vì nóng vội nên em đã hành động không đúng. Nhưng em không có ý định dùng tiền vào việc xấu hay ngốc nghếch gì đâu, hãy tin em.”

Mao nói vậy thì chắc là như vậy. Tôi quyết định tin lời của Mao.

“Anh hiểu rồi. Giờ có nhiều trò lừa đảo lợi dụng lòng tốt của người khác lắm, em phải cẩn thận.”

“Em đủ hiểu biết để không bị lừa mà.” Mao cười thành tiếng. “Với lại em không chơi trò trai bao đâu.”

Tôi cũng khẽ cười.

Trút bỏ xong gánh nặng, tôi nhận ra là mình chưa nói câu quan trọng.

“Mao này.”

“Ừ?”

“Chào mừng em về nhà sau chuyến công tác.”

Có tiếng quần áo cọ vào nhau.

“Cảm ơn anh.

Cùng lúc, lưng của Mao được đẩy sát vào lưng tôi. Mới xa nhau có hai đêm mà tôi thấy nhớ hơi ấm và tấm lưng bé nhỏ này quá.

“Mao.”

Tôi lại gọi tên nàng.

“Ơi?”

Ngọ nguậy cái lưng đang áp sát vào lưng tôi, Mao thì thào.

Gọi tên Mao xong tôi mới nhận ra mình chưa biết phải nói gì. Không phải tôi muốn nói chuyện với Mao, chỉ là tôi muốn xác nhận rằng nàng đang ở đây và đáp lại tôi với giọng như mọi khi thôi.

Không thể im lặng mãi nên tôi chọn một câu phù hợp với hoàn cảnh.

“Ngủ ngon nhé.”

“Ừ. Ngủ ngon nhé.”

Nghe câu đáp của Mao bằng tai và lưng xong, tôi nhắm mắt lại. Dù vui với cách biểu hiện tình yêu của nàng, nhưng nằm áp lưng vào nhau giữa một đêm mùa mưa oi bức thế này thì có khác gì tra tấn, chưa kể còn bị tóc nàng chọc vào lưng nữa.

Sợ không ngủ được nên tôi tính kế tách khỏi lưng nàng cho êm đẹp, nhưng chưa tính xong thì đã ngủ thϊếp đi tự lúc nào.

HẾT CHƯƠNG 3