Theo Như Ngọc được biết, Vĩ Văn có năm người anh chị em, chị cả tên Bích Diệp, anh hai tên Vĩ Toàn, đứng hàng thứ ba là Vĩ Văn, kế đấy là hai em gái con của thϊếp thất tên là Bích Nụ và Bích Hương. Người chị Bích Diệp này của Vĩ Văn đã kết hôn từ nhiều năm trước, gả cho con trai trưởng của Trung Nghĩa bá. Tuy cùng một mẹ nhưng vì lý do nào đấy mà nhiều năm rồi, Vĩ Văn và chị ruột ít khi nói chuyện với nhau. Ngay cả khi em trai ruột thành thân, chị ta cũng chỉ đưa lễ mừng mà không đến tham dự. Nên không thể nào tự nhiên chị ta lại đến ôn chuyện vào lúc này được.
Thẳng một đường đến phòng khách, vừa bước vào trong, Như Ngọc thấy một nữ nhân có khuôn mặt hơi giống với mẹ chồng, nàng thầm nghĩ chắc hẳn đây là người chị cả đó của Vĩ Văn rồi. Cô Diệp thấy Như Ngọc đi tới thì tươi cười đứng dậy, cả hai cùng cúi đầu chào hỏi đối phương. Sau đấy, Như Ngọc giơ tay ra dấu mời chị ta ngồi còn mình thì được chị Lan đỡ lên ghế, Kim Xuân nhanh nhẹn để một chiếc gối mềm làm chỗ dựa lưng cho nàng. Xong xuôi, chị Lan và Kim Xuân đứng nghiêm chỉnh phía sau Như Ngọc.
Nàng cầm chén trà thị Mận vừa bưng lên, nhấp một ngụm, chưa kịp mở lời, người ngồi phía trước đã bắt đầu trước: “Em dâu, nghe danh đã lâu bây giờ chị em mình mới có dịp gặp mặt. Em dâu quả nhiên xinh đẹp, đoan trang như lời đồn.”
Như Ngọc đặt ly trà trên tay xuống, không mặn không nhạt nói với người đối diện: “Chị quá lời rồi, em làm gì được như vậy. Không biết chị cả đến đây có chuyện gì ạ? Nếu là tìm phu quân thì tiếc quá, chàng đã ra cửa từ sớm rồi.”
Cô Diệp vừa nói, vừa nhìn vào bụng hơi nhô lên của Như Ngọc: “Đâu có, chị đến là tìm em đấy chứ. Nghe bảo em đang có thai nên đến thăm hỏi đôi câu. Trong người có khó chịu không em, ăn uống hợp vị không?”
Nàng thấy ánh nhìn đầy toan tính của chị ta, bất giác đưa một tay lên che bụng.
Sắc mặt Như Ngọc có chút không vui, lạnh nhạt trả lời: “Cũng ổn chị ạ, ngoại trừ ăn nhiều hơn trước thì còn lại đều bình thường.”
Vốn Như Ngọc không rõ mối quan hệ giữa chồng mình và người chị ruột này nên đột ngột chị ta đến nhà, quả thật nàng không biết phải đối đáp sao cho phải. Chưa kể, linh tính mách bảo nàng nhất định sẽ có chuyện chẳng lành sắp xảy ra.
Cô Diệp nhìn thoáng qua nét mặt Như Ngọc, khoé môi càng nở nụ cười lớn: “Bình thường là tốt. Em dâu này, vừa khéo chị có biết một y bà rất thạo chuyện sinh nở, hay là chị để bà ấy bắt mạch cho em nhé? Người này đặc biệt có tài đấy!”
Còn chưa đợi Như Ngọc trả lời, chị ta đã ngoắc tay, ngay lập tức có một nữ nhân trung niên dáng vẻ hơi mập mạp, nhanh chân bước vào trong phòng. Như Ngọc thấy thế liền cau mày, liếc về phía nữ nhân mới bước vào, bàn tay đặt trên bụng càng siết chặt hơn.
Cô Diệp tự cho mình làm chủ, nói tiếp: “Em dâu, em xem người cũng ở đây rồi. Lâu ngày chị em mình mới có dịp gặp mặt, em mà từ chối là không nể tình chị cất công đến đây đúng không?”
Như Ngọc càng nghe càng nhíu hai lông mày, nàng hạ tầm mắt xuống, xoa xoa bụng nhỏ của mình: “Thôi được rồi, cứ để bà ta xem thử sao.”
Chị Lan cũng cảm thấy có điều gì không ổn nên vội kéo một bên tay áo của nàng. Như Ngọc quay lại, trao đổi ánh mắt với chị Lan, chị Lan thầm hiểu, vội vàng đi nhanh ra khỏi cửa, để lại Kim Xuân đi theo Như Ngọc vào phòng trong.
Đầu tiên, y bà bắt mạch cho Như Ngọc rồi đề nghị nàng nằm xuống giường, sau đấy ấn ấn, xoa xoa mấy vòng trên bụng nàng. Thỉnh thoảng hỏi mấy câu như có đau không, ấn vậy có khó thở không, một ngày đi ngoài mấy lần,... Dù nghi hoặc nhưng Như Ngọc vẫn trả lời từng câu một. Như đã kiểm tra xong xuôi, bà ta đỡ Như Ngọc ngồi dậy và đi đến chỗ cô Diệp, thì thầm gì đấy vào tai chị ta. Nghe lời y bà nói, cô Diệp mừng rỡ đến híp cả mắt, không giấu nổi sự vui mừng đang tràn đầy khoé miệng. Không chỉ Như Ngọc, ngay cả Kim Xuân đứng ở bên cạnh nàng cũng thắc mắc không thôi, không biết thai nhi trong bụng Như Ngọc có chuyện gì mà hai người phải thì thầm to nhỏ như vậy.
Kế đó, đoàn người trở lại phòng chính. Như Ngọc hỏi chuyện trước: “Y bà, không biết thai nhi trong bụng tôi như thế nào rồi?”
Y bà đó tiến lên một bước, khom người trả lời Như Ngọc: “Thưa phu nhân, hết thảy đều khoẻ mạnh. Vị trí thai nhi rất đẹp, chứng tỏ phu nhân sẽ hạ sinh suôn sẻ.”
Y bà vừa dứt lời liền nhìn cô Diệp, ánh mắt vui mừng khôn siết.
Như Ngọc quan sát hai người, lạnh nhạt lên tiếng: “Chỉ có thế thôi sao?”
Y bà toan mở miệng đáp lời Như Ngọc nhưng bị cô Diệp lên tiếng cướp lời: “Sao chỉ có thế được. Em dâu em không biết vị trí thai quan trọng thế nào đâu, biết bao nhiêu người mất mạng chỉ vì thai nhi nằm không đúng chỗ. Nay em còn mang song thai, càng nguy hiểm hơn người thường.”
“Em dâu, chắc em đã nghe qua lời đồn đại rằng sinh thai đôi là phải bỏ đi một đứa trẻ. Tuy chỉ là lời truyền miệng nhưng không có lửa mà sao có khói chứ. Đều là chị em với nhau, tính chị không thích lòng vòng nên chị tính thế này,” cô Diệp dừng lại giây lát, chị ta trao đổi ánh mắt với y bà rồi hít vào một hơi, nói tiếp: “Sau khi sinh hạ hai bé trai kháu khỉnh, em đưa một đứa cho chị. Em xem, nuôi hai đứa cùng lúc cũng không được, đưa chị nuôi là tốt nhất. Vừa không bị người đời dị nghị, lại vừa bảo toàn tính mạng cho cả hai. Vẹn cả đôi đường.”
Như Ngọc trực tiếp bỏ qua vế làm sao chị ta biết nàng mang thai hai đứa con trai mà không phải là con gái, nàng hỏi thẳng vào trọng tâm: “Nếu đã nhận làm con thừa tự, thì đâu còn là con của em nữa?”
Như Ngọc thoáng nhíu mày, chờ xem chị ta sẽ trả lời thế nào. Chỉ là nàng không hiểu nguyên nhân gì mà chị ta lại muốn nhận nuôi con của mình.
“Làm gì có chuyện đó. Chỉ là một cái tên trong gia phả mà thôi, thằng bé vẫn là con em. Người ta có câu nước phù sa không chảy ruộng ngoài. Chị đâu phải người xa lạ, lại là chị gái ruột của cha nó, tức là bác gái ruột của nó, gọi một tiếng mẹ cũng không có vấn đề gì. Em cứ yên tâm, sao chị có thể không đối xử tốt với đứa nhỏ cho được,” cô Diệp vừa nói, vừa bày ra bộ dạng đáng thương, “Sao em lại có thể không hiểu chuyện như vậy. Em còn trẻ, còn thời gian, sau này muốn sinh thêm bao nhiêu thì sinh bấy nhiêu. Nào có như chị, tuổi xuân đã qua lại không được phúc phần như em. Nhiều năm như vậy đến một đứa con chị cũng không sinh ra được, lại phải chịu sự ghẻ lạnh của chồng và gia đình chồng. Chị khổ trăm bề.”
Vừa dứt lời, cô Diệp liền khóc nức nở như hoa lê đái vũ, y bà bên cạnh cũng sụt sịt theo.
Y bà đứng kế bên phụ hoạ, vừa nói vừa khóc: “Cô được Thánh Thượng ban hôn, gả cho công tử nhà chúng ta, được mọi người thương yêu hết mực, làm sao thấu hiểu nỗi khổ của phu nhân nhà tôi chứ?”
Tuyệt Ngọc ngồi trên này, thờ ơ chứng kiến một màn kẻ tung người hứng. Mặc kệ bọn họ, nàng lấy ra một quyển sách dưới bàn, bình tĩnh lật từng trang đọc. Hai nữ nhân kia khóc lóc hồi lâu, không nghe thấy động tĩnh gì thì lau mặt, ngẩng đầu nhìn về phía Như Ngọc, thấy bộ dạng nàng như vậy liền tức giận, lớn tiếng: “Em dâu, sao em có thể thờ ơ lạnh nhạt như vậy! Dù không thương chị, cũng phải thương cho con mình chứ, sinh nó ra mà không chăm sóc được thì để người khác nuôi!”
Y bà không biết sấu hổ, còn quay qua trách móc Như Ngọc: “Đúng đấy phu nhân, hà cớ gì phải cố chấp đến thế. Chỉ là một đứa con mà thôi, không đứa này thì còn đứa khác.”
Đúng là khác máu tanh lòng, con cái mà bọn họ làm như đồ vật thích cho là cho, thích tặng là tặng. Nghe đến đây, Như Ngọc không nhịn được nữa, nàng đập mạnh quyển sách lên mặt bàn, nghiêm mặt nhìn thẳng vào hai kẻ đang nói xằng nói cuội phía trước: “Vớ vẩn! Ai nói sinh đôi là phải đem cho một đứa, luật nào quy định hả, chị nói cho tôi xem thử đi! Chị có giỏi thì tự mình sinh lấy một đứa đi, tới đây bắt con của tôi làm gì! Dù sinh đôi, sinh ba hay sinh tư, con tôi sinh ra tôi tự nuôi được. Không cần các người bận tâm. Chị Lan, tiễn khách!”
Nàng lớn giọng, gằn từng chữ quát hai người kia. Mặc kệ bọn họ có nghe hiểu hay không, Như Ngọc vừa nói xong liền đứng dậy đi thẳng ra khỏi phòng. Nàng đi nhanh đến nỗi, Kim Xuân ở phía sau phải hớt hải chạy theo.
Về đến phòng, nhịp tim của Như Ngọc vẫn còn đập liên hồi. Nàng vừa tức vừa giận, không nghĩ đến cô Diệp đến nhà nàng lại vì lý do này. Như Ngọc hít một hơi sâu, ổn định lại tinh thần rồi ngồi xuống ghế.
Kim Xuân rót một chén nước ấm, đưa đến trước mặt Như Ngọc, đau lòng nhìn dáng vẻ trầm ngâm của nàng: “Phu nhân mau uống miếng nước hạ hỏa.”
Như Ngọc cầm ly nước lên, uống một ngụm cho thông họng.
Một lát sau, chị Lan từ ngoài cửa đi vào. Như Ngọc vừa thấy chị Lan liền hỏi: “Bọn họ đi chưa?”
Chị Lan đứng ở bên cạnh nàng, không vui nói: “Đi rồi ạ. Trước khi đi còn nói mấy câu không hay về em nữa.”
Như Ngọc giơ tay xoa xoa hai bên thái dương, thở hắt ra một hơi: “Đi rồi thì tốt. Cuối cùng cũng được yên tĩnh.”
Chị Lan thoáng lo lắng, nói nhỏ: “Phu nhân, ban nãy em mắng chửi cô Diệp như vậy, không sợ lão gia biết được sẽ trách móc em sao?”
Như Ngọc nhìn những mảnh vải để đầy trên bàn, đây là nàng đang khâu quần áo cho hai đứa nhỏ trong bụng. Như Ngọc cầm cây kim lên, nhưng không có tâm trạng nên bỏ cây kim xuống: “Nếu hai đứa đúng là con trai như lời chị ta nói, vậy thì đây vừa là đích tử vừa là trưởng tử của phu quân. Khi nào là thứ tử hay con của thϊếp thất nó lại khác, chứ muốn nhận đứa nhỏ này làm con thừa tự thì đâu có dễ dàng như vậy. Chị ta mà thật lòng có ý đó thì phải đợi khi phu quân có mặt ở nhà, đi cùng với phu quân của mình sang đây nói chuyện đàng hoàng. Ai đời lại ba chớp ba nhoáng sang nói chuyện như phường trộm cắp, một hai bắt ép em phải đem con cho chị ta như vậy. Cho nên, chuyện này chắc chắn không bình thường.” [*]
[*] Giải thích chi tiết: Nhận con thừa tự gần giống với việc nhận con nuôi, nhưng do bây giờ là xã hội hiện đại nên các tính chất của việc nhận con thừa tự đã được đơn giản hoá, không còn khắt khe như trước. Theo như tác giả tìm hiểu (không khẳng định đúng 100%), thừa tự nghĩa là thừa hưởng tài sản của cha ông để lại và nhận trách nhiệm lo việc thờ cúng của dòng họ, tổ tiên theo lệ xưa.
Do đó, tình huống của truyện sẽ là thế này: Giả sử Như Ngọc sinh được hai bé trai, đặt tên là Phạm Văn A và Phạm Văn B. Sau đó, Như Ngọc để bé Văn A làm con thừa tự của Bích Diệp. Suy ra, bé Văn A sẽ không có tên trong gia phả của Phạm gia, mà sẽ được ghi tên trong gia phả của nhà chồng Bích Diệp. Chồng Bích Diệp họ Ngô, vậy tên mới của bé A sẽ là Ngô Văn A. Nếu cả đời bé A không phạm tội tày trời để bị gạch tên ra khỏi gia phả Ngô gia thì bắt đầu từ đây, chuyện hương khói, cúng kiếng, thừa kế tài sản của Ngô gia đều liên quan đến bé A. Cũng tức là bé không còn liên quan gì đến Phạm gia (ngoại trừ dòng máu đang chảy trong người). Nếu Bích Diệp muốn, chị ta hoàn toàn có thể bắt bé A gọi mình là mẹ và không được gọi Như Ngọc là mẹ nữa. Nói thẳng ra là khi Vĩ Văn và Như Ngọc chết, bé A KHÔNG ĐƯỢC PHÉP chịu tang, dù hai người là cha mẹ ruột của bé. Vậy nên, Như Ngọc mới có đoạn hội thoại trên.
Tuy nghe Như Ngọc phân tích hợp lý nhưng cô Diệp dù gì cũng là chị gái ruột của Vĩ Văn, hôm nay Như Ngọc nói chuyện khó nghe như vậy quả thật có chỗ vô lễ. Nhưng không thể trách Như Ngọc được, tự nhiên khi không có người đến khóc lóc muốn mình đem con cho họ, có người mẹ nào mà không tức giận cho được.
Nàng thoáng dừng lại, hít vào một hơi sâu rồi nói: “Tạm thời, chuyện này các chị đừng nói cho ai biết.”
Chị Lan ở đằng sau đang đấm vai cho nàng nàng, lo ngại chuyện này không phải chuyện nhỏ, một mình Như Ngọc khó mà giải quyết ổn thoả được: “Nhưng mà, bây giờ lão gia không ở nhà, ngộ nhỡ cô Diệp còn qua làm khó nữa thì sao.”
Chị Lan lo lắng cũng không sai, vì cô Diệp đến một lần ắt hẳn ngày mai, ngày kia, chị ta sẽ còn làm phiền dài dài, cho đến khi đạt được mục đích mới thôi. Vĩ Văn thì hơn tháng nữa mới về, sau lưng cô Diệp lại là một nhà Trung nghĩa bá, chị Lan sợ là một mình Như Ngọc giải quyết không được.
Như Ngọc lắc đầu: “Không nhưng nhị gì hết, đợi đến khi chàng về nhà rồi tính tiếp. Mọi người ra ngoài đi, tôi muốn nghỉ ngơi một lát.”
Thấy giọng điệu Như Ngọc kiên quyết, chị Lan và thị Mận chỉ đành nhìn nhau rồi thở dài, nghe theo lời nàng vừa nói.
Không phải Như Ngọc vô âu vô lo, chỉ là hiện tại nàng có chút mệt mỏi, tạm thời không muốn tiếp tục lo lắng về chuyện này nữa. Nàng cần một chút thời gian để bản thân suy tính rõ ràng, cẩn trọng xem xét tình hình để tính toán từng bước.
Tiếng bánh xe lộc cộc vang lên phá tan sự tĩnh lặng của màn đêm, phu xe giơ roi hét lớn, hai con tuấn mã đen tuyền hí lên một tiếng. Trong xe nửa sáng nửa tối, ánh sáng từ phía ngoài xuyên vào bị mành gấm chặn lại, chỉ thấy lờ lờ thân ảnh bên trong, người đang ngồi không ai khác chính là Vĩ Văn. Trong xe yên tĩnh lạ thường, thân hình chàng hơi nghiêng xuống, chậm rãi nói: “Trong nhà đã xảy ra chuyện gì?”
Một giọng nói vang lên từ bên ngoài xe ngựa: “Thưa lão gia, người trong phủ báo lại là từ sau khi người của Trung Nghĩa bá đến thăm, trong thành đã rộ lên những tin đồn không hay về thai nhi trong bụng phu nhân.”
Vĩ Văn cất tiếng hỏi lại: “Phu nhân thế nào rồi?”
Người ngoài xe tiếp tục Thưa báo: “Thưa, vẫn như bình thường ạ. Phu nhân cho người điều tra người của Trung Nghĩa bá, đồng thời cho đám thất cái trong thành bàn tán về chuyện xấu của gã con thứ nhà đó.”
“Hửm? Ta biết rồi. Lui xuống đi.”
Nghe thuộc hạ Thưa báo xong, Vĩ Văn lạnh mặt, dùng ngón trỏ xoay xoay chiếc nhẫn ban chỉ trên tay, ra lệnh cho người lui xuống. Bên ngoài, tiếng lá cây xào xạc vang lên như thể vừa có người nhảy qua.
Phu xe nghe thấy động tĩnh lạ, ngẩng đầu nhìn các tán lá xung quanh, dè dặt lên tiếng hỏi: “Lão gia, tôi nghe thấy tiếng động xung quanh. Ngài xem?”
“Không có chuyện gì. Cậu cho ngựa chạy hết tốc lực, phía trước có một đường mòn xuyên rừng, đánh xe chạy vào đó, đảm bảo phải tới cổng thành càng sớm càng tốt.” Từ bên trong, Vĩ Văn ra lệnh cho phu xe.
“Vâng.”