Sáng thứ 3.
Bảo Linh đậu chiếc bán tải trắng của mình tại tầng hầm của bệnh viện. Vừa vào thang máy, điện thoại và đồng hồ của Bảo Linh rung lên.
Mickey: [Chừng nào em trực xong, anh mời em ăn một bữa nhé]
Bảo Linh rên lên.
Mickey dạo này nhắn tin liên tục dù cô không muốn trả lời.
---
Mickey: [Lâu quá mới nghe giọng của em]
Mickey: [Lần này jet lag cũng nhẹ. Em ăn sáng chưa?]
Bảo Linh: (sau đó 12 tiếng) [Em mới trực xong. Em cần ngủ]
Mickey: [Đây là sdt của anh ở VN. Em lưu đi]
---
Mickey: [Anh ở trong trung tâm, kế bên cty. Bữa nào dẫn em đi cho biết].
(Một đống tin nhắn hỏi thăm này nọ)
Mickey: [Em ngủ ngon không? Lưu sdt anh chưa?]
---
Mickey: [Linh em, Huỳnh với Khánh cũng sắp về VN rồi].
Bảo Linh: [Nghe như đi nghỉ hè]
Mickey: [Haha. Tụi nó về làm việc đó]
Mickey: [Anh xem mấy clip của em thấy hot ghê]
Mickey: [Chừng nào em trực xong, anh mời em ăn một bữa nhé]
---
Bảo Linh cuộn lên trên cùng để đọc lại tin nhắn đầu tiên trong điện thoại.
Bảo Linh: [Em về VN rồi. Lần này em sẽ về luôn].
Tin nhắn của 7 tháng trước.
Còn những tin nhắn trong giai đoạn yêu nhau, cô đã xóa trước đó.
---
Từng có 2 năm bên nhau. Bảo Linh là người chủ động cưa cẩm trước. Cô biết tính phóng khoáng của Mickey nhưng tin rằng mình sẽ thay đổi được anh. Một ngày nào đó Mickey sẽ bỏ thói trăng hoa mà nghiêm túc xây dựng gia đình với cô.
Bảo Linh yêu Mickey bằng tất cả cả sự chân thành. Cô có sự nhẹ nhàng của một người phụ nữ Việt Nam, có nét chín chắn của những cô gái được giáo dục tốt, có cả sự chăm sóc dịu dàng của một bác sỹ.
Nhưng tất cả lại khiến Mickey cảm thấy ngộp thở.
“Anh không cần một người mẹ thứ hai”.
Vốn dĩ, mẹ của Mickey là người Mỹ gốc Anh, bà rất thoải mái, không quản các mối quan hệ của con trai mình.
“Chia tay. Anh không chịu được”.
---
Bảo Linh đón cú sốc chia tay đầu đời lúc mới thi đậu USMLE-2 (*). Lúc cô nhận tin mừng mình đã trở thành bác sỹ đa khoa, tràn trề niềm tin về một tương lai toàn màu hồng, Mickey đá cô, quăng một tin sét đánh rồi chuyển nhà, từ chối mọi liên lạc.
Cái khiến Bảo Linh đau đớn hơn cả, là mỗi đêm cô vẫn vừa khóc vừa xem lại những tin nhắn và hình ảnh lúc còn yêu nhau, thì Mickey mở tiệc chỉ 2 tuần sau đó.
Cuộc gặp đầu tiên của Tứ Linh ở Mỹ là lần Nhật Linh bay từ Pháp qua Mỹ, bằng mọi cách lôi cô ra khỏi giường. Lần đó cô như một cái xác khô, để mặc Nhật Linh xách mình lên taxi đi đến nhà hàng.
---
Sau hành trình chinh phục cung đường US66 gần-như-thành công và tiễn Hoàng Linh về Úc, Bảo Linh lên máy bay theo Nhật Linh về Pháp. Cô thăm mẹ Uyên, đi khắp châu Âu, rồi lại về Việt Nam rong chơi.
Bạn đồng học với cô thì đều chuẩn bị cho chương trình nội trú chuyên khoa, Bảo Linh vẫn mặc kệ.
Cô giấu, không nói cho mẹ Loan biết mình về nước.
Chỉ đến khi anh trai Quốc Bảo gào lên trong điện thoại “nếu mày không về học tiếp, tao sẽ méc bố mẹ” thì Bảo Linh mới chịu về Mỹ. Chị lớn Tuyết Linh chính là người “áp tải” cô ra Tân Sơn Nhất.
---
Dưới áp lực của anh trai, Bảo Linh sát nút kịp vào chương trình nội trú. Bao nhiêu năm, còn chưa vào chuyên khoa, sao cô có thể bỏ ngang vì một thằng tồi?
Nhưng San Francisco giống như nhân chứng cho mối quan hệ của Bảo Linh và Mickey. Công việc vẫn tốt, kiến thức chuyên ngành vẫn được hấp thu mỗi ngày, nhưng cô không chịu được. Từng con đường, từng góc phố đều có thể là những kỷ niệm khó chịu, châm chích tâm hồn từng phút từng giây, dù tất cả đã kết thúc bao lâu đi nữa.
Bảo Linh vắn tắt chuyện chia tay với mẹ Loan, nếu không mẹ cô sẽ lại hỏi sao không thấy Mickey đâu.
---
Bảo Linh tự ý thức được học phí của mình là do bố mẹ và anh trai đứng ra chi trả suốt mấy năm qua, nên sau 4 năm nội trú nghiêm túc, cuối cùng cô cũng lấy được USMLE-3(*).
Suốt thời gian này, Bảo Linh không quen ai. Cố gắng loại đi hình ảnh tình đầu Mickey khỏi tâm trí.
Nghe nói người ta thường mất gấp đôi thời gian quen nhau để rũ bỏ hình ảnh người cũ. Nhưng sau bốn năm chia tay, Bảo Linh không làm được.
Ít nhất, cô vẫn còn hội chị em Tứ Linh.
Tuyết Linh và Nhật Linh tuyên bố từ mặt Mickey. Hoàng Linh thì không nói gì. Dù sao Mickey cũng là anh họ của Hoàng Linh.
---
Chương trình học của Bảo Linh càng lúc càng nặng, cô không có thời gian đi làm thêm đã đành, thời gian đi chơi xa càng không có.
Nhật Linh sắp xếp từ Pháp bay qua Mỹ thăm cô mỗi năm một lần.
Tuyết Linh hễ có việc qua Mỹ thì luôn dắt Bảo Linh đi ăn món bánh canh yêu thích, không chờ nàng bác sỹ lên tiếng vòi vĩnh.
Riêng Hoàng Linh dù không thể sắp xếp nhưng vẫn luôn giữ liên lạc với ba người bạn của mình qua group chat.
---
Lại thêm 2 năm cho chương trình thực tập chuyên khoa, Bảo Linh nhận được giấy phép hành nghề. Ít lâu sau, cô xin mẹ và anh trai về Việt Nam.
Bảo Linh: [Em về VN rồi. Lần này về luôn]. Tin nhắn của 7 tháng trước.
Đã dằn xuống bao năm không liên lạc, ngày về Việt Nam, cô ngây thơ nghĩ rằng mình chừa lại một lối, nuôi hy vọng một ngày nào đó Mickey sẽ thay đổi mà liên lạc với mình.
Dù vậy, vẫn không có một tin nhắn hay liên lạc nào cả.
---
Bảo Linh cuối cùng cũng rũ bỏ được những gì liên quan đến Mickey. Cô cũng bớt dần những lần nói chuyện với Hoàng Phương Nam, em gái anh.
Hai chị em vẫn theo dõi nhau, thỉnh thoảng thả like, bình luận những bài viết của nhau, nhưng hầu như không còn nhắn tin. Phần nữa, hai năm nay Phương Nam gần như biến mất khỏi mạng xã hội- trừ một lần con bé báo mình đã âm tính với Covid-19.
---
Sau bao nhiêu năm, lúc Bảo Linh nghĩ mình đã quên được tình đầu thì Mickey lại về Việt Nam lập nghiệp.
Cô vẫn chưa thể quên Mickey đã đá mình theo một cách không thể phũ hơn.
Vậy nên cách Mickey săn đón cô mấy hôm nay, làm Bảo Linh muốn bịnh.
Cô thấy hồi đó mình của 7 tháng trước ngu không thể tả.
---
Bảo Linh bước ra khỏi thang máy.
Điện thoại đã kết nối mạng thành công, cô mở ứng dụng chấm công. Mấy em gái ngồi ở bàn tiếp khách xuýt xoa khi thấy cô tạo dáng selfie.
Bảo Linh vẫy tay cười chào lại, mở tủ riêng lấy áo blouse trắng của mình. Cô cần phải lấy lại tinh thần.
Tin nhắn sổ xuống: “Cho anh một cơ hội dk?”. Cô hít một hơi, quyết định chặn số điện thoại của Mickey Hoàng Đăng Minh.
Còn nhiều bệnh nhân đang chờ bác sỹ Trần Bảo Linh.
---Lời tác giả: Chúc mừng năm mới!!!
Một số từ chuyên ngành y trong chương có thể được giải thích như dưới đây, mời các bạn tham khảo thêm nhé.
(*) Tại Mỹ, quá trình học tại trường y kéo dài bốn năm. Trong hai năm đầu, sinh viên dành phần lớn thời gian trong lớp học và phòng thí nghiệm. Đó là những khóa học cơ bản về ngành y. Sau hai năm sinh viên phải thi USMLE-1 (kỳ thi bằng y tế Mỹ). Trong hai năm sau, sinh viên vẫn đến lớp học nhưng dành nhiều thời gian thực tập tại các bệnh viện, phòng khám.Đầu năm thứ tư, sinh viên phải bắt đầu đăng ký chương trình nội trú. Cuối năm họ phải thi USMLE-2, kỳ thi đánh giá kiến thức và kỹ năng chẩn đoán, điều trị, để trở thành bác sĩ đa khoa. Giai đoạn tiếp theo là chương trình nội trú để học chuyên khoa. Chương trình này thường kéo dài ba năm đối với nội khoa, 5-7 năm đối với phẫu thuật và giải phẫu thần kinh. Trong giai đoạn nội trú các bác sĩ mới sẽ thi lấy bằng USMLE-3.
Ở giai đoạn nội trú, các bác sĩ đã được trả lương khoảng 40.000 USD/năm, được tài trợ kinh phí để đi dự các hội nghị y tế. Sau khi lấy bằng USMLE-3, các bác sĩ còn phải trải qua chương trình thực tập chuyên khoa (fellowship). Chương trình này thường kéo dài 1-3 năm. Sau khi hoàn thành chương trình nội trú, họ được công nhận là bác sĩ hành nghề. Tuy nhiên họ vẫn phải vượt qua các kỳ thi viết và vấn đáp về chuyên ngành của họ do các hiệp hội và tổ chức y tế đề ra để được cấp giấy phép hành nghề. (Nguồn: https://tuoitre.vn/hoc-y-o-my-dai-lau-va-vat-va-569993.htm)